Monday 30 November 2015

PHẦN 1 : TRANH VẼ - HÌNH CHỤP CỦA THẦY NGUYỄN TƯ THIẾP




TRANH VẼ CỦA THẦY THIẾP









" Mùa Thu tóc ngắn " tranh Nguyễn Tư


           
" Ôm ngang nỗi nhớ " Tranh Nguyễn Tư

   
       
                                       
                       

ẢNH CHỤP CỦA THẦY THIẾP 
                  
               "Đàn chim Trắng "  Photo by Nguyễn Tư                        

" Đêm đông 1 " photo by Nguyễn Tư          

" Đêm đông 2 " Photo by Nguyễn Tư

" Mưa chiều hôm " Photo by Nguyễn Tư

*"Những giọt nắng xanh" ảnh Nguyễn Tư

" Bên đởi tàn tạ " by ảnh Nguyễn Tư


 " Bóng sậy chiều hôm " Photo by Nguyễn Tư   


THẦY NGUYỄN TƯ THIẾP
CGSHD
                                          

LỤC BÁT TÌNH ( Trầm Vân )






Lục Bát Tình


Câu thơ lục bát tình quê
Đưa em về với luỹ tre xóm làng
Dòng kênh gió lộng thênh thang
Xới vun từng cánh lúa vàng hương rơi

Câu thơ lục bát à ơi
Nhẹ đưa lời mẹ ru hời tuổi thơ
Hai sương một nắng mịt mờ
Bàn chân tần tảo bao giờ hết đau

Câu thơ lục bát qua cầu
Tóc dài em thả về đâu mơ màng
Nhớ không những buổi trường tan
Ai theo bén gót đa đoan nhớ ghì

Câu thơ lục bát thầm thì
Em nghe có thấy bờ mi bồn chồn
Nhớ chiều ửng đỏ hoàng hôn
Chia ly xí muội đôi hồn ửng thương

Câu thơ lục bát đoạn trường
Em đi biển động gió luồn phong ba
Trái  tim ai lặng xót xa
Nguyện cầu ngày tháng an hòa cho em

Câu thơ lục bát sầu riêng
Một mình ai đứng bên thềm bơ vơ
Bao năm xa cách còn mơ
Trái tim em khép cửa hờ đợi ai

 Trầm Vân



BỘ SƯU TẬP GIÀY CỦA ĐỆ NHẤT PHU NHÂN IMELDA MARCOS





Imelda Marcos Shoe Collection .../ 2:13

BỘ SƯU TẬP GIÀY CỦA ĐỆ NHẤT PHU NHÂN IMELDA MARCOS

         Khi Philippines đối mặt với cơn bão mạnh thứ 3 có thể ập đến .. bảo tàng giày Marikina lại đang nỗ lực để bảo vệ một bộ sưu tập khổng lồ: hàng trăm đôi giày hàng hiệu từng thuộc sở hữu của cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos.



Kho giày gây sốc của bà Marcos trong tầng hầm cung điện Malacanang. Ảnh chụp năm 1986.

Theo Dolly Borlongan, người quản lý Bảo tàng giày Marikina tại thành phố Marikina, ngoại ô thủ đô Manila, trận lũ lụt do cơn bão Ketsana gây ra ... đã khiến 20 đôi giày bị hư hỏng không thể phục hồi. Bà Marcos đã tặng 800 đôi giày cho bảo tàng trước lễ khai trương năm 2001. Một nhân viên an ninh của bảo tàng đã lội qua vũng nước sâu đến đầu gối để cứu phần còn lại của bộ sưu tập.
Bà Marcos đã thu thập một bộ sưu tập khổng lồ lên tới hàng nghìn đôi giày trong thời kỳ cầm quyền của chồng, cựu Tổng thống Ferdinand Marcos, nhà độc tài cầm quyền tại Philippines suốt 20 năm trước khi bị lật đổ vào năm 1986.
Vài tuần sau khi vợ chồng Marcos chạy trốn khỏi đất nước năm đó, các du khách tới thăm cung điện Malacanang ở thủ đô Manila đã bị sốc khi tận mắt chứng kiến bộ sưu tập giày khổng lồ - bằng chứng về phong cách sống xa hoa của gia đình Marcos.
Sau chuyến thăm cung điện Malacanang năm 1986, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Stephen J. Solarz nói rằng điều khiến ông ấn tượng nhất là hàng tá kệ giày được trưng bày giống hệt một cửa hàng giày cực lớn.

Cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos bên bộ sưu tập giày của bà trong Bảo tàng giày ở Marikina.

Ông Solarz, khi đó là Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ, nói: “So với Marcos, bộ sưu tập giày của Nữ hoàng nước Pháp Marie Antoinette chả thấm tháp vào đâu”. (Antoinette cũng có niềm đam mê mãnh liệt là những đôi giày).
Nhà báo Fox Butterfield của tờ New York Times khi đó nói rằng, tầng hầm của cung điện Malacanang là một nhà kho với hàng trăm bộ váy và khoảng 3.000 đôi giày của bà Marcos. Trên một kệ có 4 đôi giày màu đen pha bạc giống hệt nhau của hãng Charles Jourdan. Bên trên và dưới là những hàng dài giày của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Ungaro, Beltrami, Pancaldi và Walter Steiger.
Nhưng con số ước lượng về 3.000 đôi giày trên là quá cao. Trên thực tế, bà Marcos đã để lại 1.220 đôi - cùng với 508 chiếc váy dài chấm gót, 888 túi xách, 65 chiếc ô và 15 chiếc áo lông thú. Mặc dù những niềm đam mê xa xỉ khác cũng được phát hiện sau khi chế độ độc tài kết thúc, nhưng bộ sưu tập giày đã trở thành chứng tích vĩnh cửu về sự háo danh, suy đồi, và tham nhũng của thời đại Marcos.
Tuy nhiên, vẫn có những người Philippines bị “mê hoặc” bởi cựu đệ nhất phu nhân Marcos. Một số người đã giúp bà kỷ niệm sinh nhật tuổi 80 hồi đầu năm nay. Những người khác thì hành hương tới Bảo tàng giày tại Marikina. Giám đốc Borlongan thừa nhận, các du khách thường tới thăm bảo tàng để khám phá “gu” của bà Marcos hơn là tán dương tuyên bố của cựu đệ nhất phun nhân rằng bộ sưu tập giày giúp quảng bá cho ngành công nghiệp giày tại Marikina

Một nhân viên bảo tàng lau những đôi giày của bà Marcos bị dính nước do lũ lụt.

Sức thu hút của bà Marcos không chỉ dừng lại ở Philippines. Tại New York, một vở nhạc kịch có tựa đề "Imelda" đã bắt đầu công chiếu hồi tháng này tại nhà hát Pan Asian Repertory, trong đó có bài hát “3.000 đôi giày”.
Tại Bảo tàng giày ở Marikina, bà Borlongan cho biết 780 đôi giày còn lại của bà Marcos sẽ được di chuyển tới khu vực cao hơn để tránh bị thiệt hại bởi lũ lụt có thể gây ra do bão Lupit, dự kiến đổ bộ vào Philippines
Ngành công nghiệp giày là một phần quan trọng trong nền kinh tế của thành phố Marikina. Banner xuất hiện trên đầu mọi trang web của thành phố này quảng bá rằng Marikina là “Quê hương của chiếc giày lớn nhất thế giới” đã chứng minh cho điều đó.
Theo bà Borlongan, bộ sưu tập của bà Marcos có ý nghĩa quan trọng chủ yếu là vì nó đã giúp thu hút sự chú ý đối với ngành công nghiệp giày địa phương. “Bộ sưu tập không chứng tỏ gu thẩm mỹ của bà ấy mà nó cho thấy sự góng góp của cựu đệ nhất phu nhân trong việc quảng bá ngành công nghiệp giày ở Marikina”.
Những cơn bão gần đây đã khiến một lễ hội giày thường niên tại Marikina bị hoãn lại. Sự kiện này dự kiến diễn ra vài tuần bắt đầu từ tháng 10 với nhiều hoạt động như diễu hành, trình diễn thời trang, các cuộc thi thiết kế và thu hút khoảng 50.000 du khách mỗi năm. Thị trưởng Marides Fernando của Marikina cho hay việc hoãn lễ hội cũng đồng nghĩa với việc 2 triệu USD bị tiêu tan. Tổng thiệt hại cho toàn thành phố lên tới 215 triệu USD.

gbb
Bộ sưu tập giày của bà Imelda được trưng bày vào năm 1987.
Gia đình Marcos đã để lại rất nhiều vật dụng cá nhân, quần áo và món đồ nghệ thuật trong dinh tổng thống, bao gồm cả 1.220 đôi giày của bà Imelda Marcos, sau khi họ bỏ trốn khỏi sang Mỹ vào năm 1986.
Cách đây 2 năm, hơn 150 thùng đựng quần áo, phụ kiện trang phục và giày dép của gia đình Marcos đã được chuyển tới bảo tàng quốc gia để bảo quản sau khi bị mối mọt, nấm và ẩm mốc đe dọa tại dinh thự của họ ở ven sông.
Tuy nhiên các nhân viên bảo tàng, những người không hề biết bên trong các hộp là những kỷ vật quý báu của gia đình Marcos, mới phát hiện ra sự hư hại này sau khi mở hội trường trên tầng bốn của tòa nhà do thấy có nước chảy ra từ dưới cánh cửa. Họ đã rất sốc khi thấy những đôi giày quý giá và váy dạ hội của bà Imelda Marcos đã bị ướt nhẹp.

vf
Giày của bà Imelda Marcos bị phát hiện đã hư hỏng ..
Thời trẻ của bà Marcos.
Thời trẻ của bà Marcos.
fg
Bà Imelda Marcos năm nay 82 tuổi .

 Kim Chi Sưu Tầm 


VỀ MẸ - THƠ LÝ THỪA NGHIỆP - HƯƠNG CHIỀU DIỄN NGÂM



Về Mẹ - Thơ Lý Thừa Nghiệp - Hương Chiều Diễn Ngâm /8:51
PPS : Kim Chi

Sunday 29 November 2015

BẠCH HẢI ĐƯỜNG - TIẾNG HÁT KIM CHI




Bạch Hải Đường By Kim Chi
Bấm vào để nghe Bài Hát / 11:33



BẠCH HẢI ĐƯỜNG - Soạn Giả : Viễn Châu

Vọng Cổ Bạch Hải Đường
 Tiếng hát Kim Chi

(Nói lối)

 BHĐ : Thu! con ơi trước khi từ biệt, cha cho con được biết:
Cha đây chính là… cha ruột của con. Khi cha can tội giết người lãnh án chung thân, trong lúc ấy con vừa tròn một tuổi.

(Nam Ai)

Thu ơi! con hãy bước lại gần… cha
Để cho cha được nhìn mặt con mình
Sau ngày lãnh án chung thân 
Nay đã mười tám năm trường. 
Tháng năm dài nơi hải đảo xa xăm
Không tin nhà, không một kẻ viếng thăm
Kể sao hết nỗi nhọc nhằn 
Của một kiếp tù nhân. 
Còn chi khổ hơn cái cảnh tội tù
Thân bầm dập bởi những trận đòn roi
Nơi hải đảo muôn trùng
Là địa ngục trần gian. 
Giấc ngủ không yên từng đêm trong khám lạnh
Nhớ quê hương , nhớ vợ yếu con khờ
Vượt trùng dương cha về đến quê nhà
Là mong gặp lại người thân .

(Vọng Cổ)

 THU : 1/ Cha ơi! cha ơi, nghe cha kể lại quãng đời gian khổ, thì con mới biết con đây còn có người cha ruột. Đang mang án tù chung thân nơi hải đảo… xa… vời.
Một quãng thời gian mười tám năm trời.
Từ bé đến nay con sống trong vòng tay người dưỡng phụ, với cuộc đời nệm ấm chăn êm.
Trong khi đó thì ngoài muôn trùng hải đảo xa xăm, cha phải cam mang án lưu đày.
Nhìn thân hình của cha tiều tụy xanh xao, con thêm xót xa tình thiêng liêng phụ tử…


(3 nhịp nói lối)
 BHĐ : Con ơi! gia đình của ta trước kia sống trong cảnh thuận hòa êm ấm, nhưng sau đó lại trở thành cảnh dâu biển tan thương. Mẹ của con là một người đàn bà ích kỷ tham lam, đã xô cha ngã gục giữa bức tường lao lý.

 THU : 2/ Cha ơi! bổn phận làm con thì con đây đâu dám buông lời phiền trách mẹ, mà con chỉ trách trời cao sao nghiệt ngã vô cùng.
Một dĩ vãng đau thương nay mới rõ ngọn ngành.
Mười mấy năm nay con sống bên người xa lạ, nhưng con đâu biết cha ruột của mình là một kẻ tù nhân.
Trời ơi! cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, người muốn bình yên sao cuộc đời lại quái ác?
Cho nên ngày đoàn viên phụ tử, cũng chính là ngày cốt nhục lại lìa xa…


(Ngâm)

Sóng gợn trùng dương bạc nét gành
Cuộc đời tù tội oán trời xanh.
Con là giọt máu nhiều oan nghiệt
Dĩ vãng hôm nay rõ ngọn ngành.


(Trường Tương Tư - Lớp chót)

 BHĐ : Thu, con ơi mười tám năm… qua, thời gian đăng đẳng
Hình bóng quê nhà, cha thương nhớ khôn nguôi.
Cho đến một hôm, giữa đêm mưa gió
Trên một chiếc bè, cha vượt ngục trở về đây.
Nhưng số phận quá chua cay 
Lại thêm một lần , phải mang án chung thân
Đành mang kiếp lưu đày.
 THU : Tai biến dập dồn, đày ải xác thân
Cha chịu lắm điều gian truân 
Con có biết đâu, thảm cảnh của gia đình.


(Vọng Cổ)

 BHĐ : 5/ Con có biết không? có những đêm cha nghe tiếng sấm sét rền vang, theo tiếng mưa rơi ngoài vách đá. Trong ngục tối âm u chỉ nghe có tiếng côn trùng tỉ tê trên cành cây kẽ lá, như khóc như than cho số kiếp… lao… tù.
Hướng nẻo quê hương sao xa thẵm mịt mù.
Có những ngày ra núi sau đập đá, nhìn thấy khói trắng bay đầy trên mặt biển bao la.
Tiếng còi tàu vọng lại từ xa, như tiếng thét của một người tuyệt vọng.
Nhớ vợ, thương con từ phương trời xa thẵm. Nước mắt từ đâu ràn rụa xuống vai gầy.

 THU : 6/ Cha! Cha ơi con có ngờ đâu Bạch Hải Đường - một tướng cướp, lại là một người cha vô phước của con.

 BHĐ : Con ơi! lần đầu tiên cha gặp lại con, thì cũng là lần sau cuối chia lìa tình phụ tử.

THU : Cha! Cha… Không được sống gần con để chăm lo dạy dỗ, để cho con phải sống nhờ bên dưỡng phụ đến ngày nay.
BH
Đ :Con ráng! con ráng lo học hành đừng để thua chị kém em, ráng gìn giữ nết na phẩm hạnh.
Còn cha thì trong lao ngục suốt đời lãnh án, cho đến khi cốt rụi xương tàn.

THU : Cha…ơi! Sau này nếu có ai hỏi đến tên tướng cướp Bạch Hải Đường, thì con hãy trả lời rằng: “cha tôi không phải là một kẻ sát nhân khát máu!”.
Nhưng số phần cay nghiệt, phải chịu lưu đày nơi côn đảo xa xăm.




Saturday 28 November 2015

BÀI CA VỌNG CỔ - ĐẸP MÙA MAI NỞ ( Trương Minh Nhựt )





ĐẸP MÙA MAI NỞ


NGÂM XUÂN

NỮ : Đàn chim én báo tin Xuân cùng cỏ cây hoa lá
Vạn vật chuyển mình khoe áo mới mùa xuân
Khóm mai trước ngõ đã nở vàng bông
Tươi sắc thắm nét trang đài tứ quí

NAM : Quê hương dựng xây những tháng ngày dài chăm chỉ để cùng nắm tay hoan hỉ rước ....

NAM XUÂN

Xuân sang.
Vui sướng dâng tràn, nhà nhà hân hoan
Trong tiếng hát hân hoan
Khúc nhạc đời miên man
Mắt biếc long lanh đẹp dáng Xuân hồng
Một thoáng quê hương nhiều mơ ước trong lành
Xuân đến với quê mình
Lồng lộng khoảng trời xuân
NỮ : Câu chúc yêu thương tình nghĩa mặn nồng
Son sắt niềm tin hoà hạnh phúc lâu bền
Đời trẻ mãi mùa xuân
NAM : Xin giữ tình xuân như món quà lưu niệm
Ngây ngất trong lòng năm tháng không quên
Tươi thắm đôi dưa, liễn hồng màu hy vọng
Nước mạnh dân giàu vui khúc hát sang xuân. ( - )

NỮ : Không phải ngẫu nhiên mà mùa xuân đến với quê hương êm đềm bao kỷ niệm. Diễm phúc tình yêu làm rạng rỡ nụ cười hàm tiếu của những đôi uyên ương sánh bước dạo xuân trong tiếng chim vui hót ....

VỌNG CỔ

1. - Tưng bừng
Tuổi trẻ nôn nao nhịp sống rộn ràng.
NAM : Tiếng hát yêu đời sáng ngời mùa mai nở, muôn thuở chung tình trên đất nước vạn xuân. ( - ) Quê hương ngọt ngào cảnh sắc đơn sơ mà tình cảm vẫn chan hoà thôn xóm.
NỮ : Bên bếp lửa hồng nhóm giữa đêm xuân, tay nắm bàn tay thay lời tỏ tình âu yếm. ( - )


 NAM : 2. - Khúc hát sang xuân mang niềm khát vọng cho mộng ước bay cao với hoài bão xây đời.
Mùa vàng ấm no lấp lánh nắng xuân hoà quyện tuyệt vời.
Những cô gái dễ thương thong dong vui Tết, phố chợ rộn ràng náo nức buổi du xuân. ( - )
NỮ : Lâng lâng tâm hồn thi cảm bao la, dào dạt ý thơ phút giao thừa năm mới. Người nghệ sĩ hào hoa đón mùa xuân tới, trãi rộng tấm lòng san sẻ với muôn nơi. ( - )



LÝ ĐƯƠNG ĐỆM

NAM : Thiết tha mong đợi đón mùa xuân vui
Chúc yêu thương xóm làng thân thiện
Nối vòng tay trang điểm quê hương
NỮ : Mở mang thêm công trình phúc lợi
Phố phường tươi...như hoa thắm mùa xuân. ( - )

NAM : Làn gió xuân lay động cánh mai vàng e ấp như tình yêu nói với tình yêu rằng mùa xuân đâu chỉ dành riêng cho đôi lứa. Mà hương sắc nàng xuân được chia đều khắp nẽo quê hương tròn vẹn...

VỌNG CỔ 

5. - Ước mơ hồng.
Cho đến khi hạ cây nêu vẫn tươi mãi nét xuân nồng.
Đường phố vào xuân sáng trưng gương mặt trẻ, khắc hoạ chân dung cuộc sống mới hôm nay. ( - )
NỮ : Tương lai mỉm cười vừa với tầm tay, cho lòng người đắm say một ngày mai sung túc. Mỗi bước đi lên của quê hương yêu quí được chắt lọc tinh hoa tài trí của bao người. ( - )

NAM : 6. - Duyên dáng nàng xuân trước thềm Nguyên đán, mang màu sắc hài hoà đua nở trăm hoa. Đêm nhẹ bước tuần tra của người chiến sĩ, gìn giữ bình yên cho hạnh phúc ngày xuân. Se lạnh tiết trời đang tiết Lập xuân, tạo niềm hưng phấn khi anh trao em cành mai thắm.
NỮ : Để hẹn thề cùng tìm về điểm hẹn, xây dựng quê hương hoàn hảo đẹp giàu. ( - )
NAM : Mùa xuân nầy chúng mình nói yêu nhau và cùng say ngắm quê hương tự hào đổi mới.
NỮ : Siết tay chúc mừng cuộc hành trình ta đi tới.
SONG CA : Cho mùa mai nở sáng ngời Việt Nam. ( - )


Sáng tác của : 
TRƯƠNG MINH NHỰT CHSHD 68 -75



MỐI TÌNH THIÊN THU ( Nguyễn Hà )





MỐI TÌNH THIÊN THU



Như thuờng lệ, cứ khoảng trưa chủ nhật là Hồng hay cởi xe Honda Dame đến nhà Tú để học bài chung với Tú.
Năm nay Hồng và Tú học lớp 11, và chẳng mấy chốc, năm sau là đến ngày thi Tú Tài, rồi còn phải thi tuyển vào đại học! Nhà Tú nghèo, ở khu lao động Xóm Gà, còn Hồng thì lại là con nhà giàu, ở trong một biệt thự sang trọng trong trung tâm thành phố. 
Nhưng tuy gia cảnh khác nhau, Hồng và Tú lại thân nhau nhất lớp. Hồng đã hơn 17 tuổi, sức học chỉ trung bình. Còn Tú thì mới 16 tuổi, nhưng Tú rất thông minh, lanh lợi. Năm nào Tú cũng đứng đầu lớp về mọi môn, nhất là môn Toán. Vì thế, Tú hay chỉ bài cho Hồng, giúp Hồng làm thơ, làm luận, kể cả làm cố vấn tâm lý cho Hồng về quan hệ với bạn trai, mặc dù Tú chưa bao giờ có bạn trai gì cả!
Mà thật vậy, với nét đẹp quí phái của một cô con gái nhà giàu, từ lúc mới lớn, hầu như lúc nào Hồng cũng có khối con trai nhà giàu khác trồng cây si! Nhưng Hồng không để ý ai ngoài Trung, một sinh viên năm cuối y khoa sắp ra trường bác sĩ. Trung hiền lành, không chơi bời lêu lõng, chịu khó học hành và có lý tưởng giúp nhà, giúp nước trong tương lai. Hồng chọn Trung làm bạn đời, không những Hồng hạnh phúc mà bố mẹ Hồng cũng sung sướng vì có người con rễ tương lai "môn đăng hộ đối"!
Tú không có xe riêng nên Hồng thuờng đem xe đến nhà Tú, có khi học chung, có khi chở Tú đi ăn kem hay về nhà Hồng chơi. Bố mẹ Hồng thấy Tú còn nhỏ mà giỏi giắn nên cũng thương Tú như con ruột, một phần cũng vì Hồng là đứa con duy nhất, có bạn tốt như Tú là điều an ủi lớn, không khác nào có thêm một đứa con thứ nhì. Ban đầu Tú e ngại, mặc cảm nhà nghèo, nhưng khi biết bố mẹ Hồng đối xử tốt với Tú, Tú an tâm và lâu ngày cũng cảm thấy như con cái trong nhà ba mẹ Hồng. Ngược lại, Hồng cũng thương gia đình Tú. Hồng thường mang quà cáp nói là của bố mẹ gửi tặng cho mẹ Tú và chị Xuân, chị cả của Tú. 
  
Tú đang ngồi trong nhà, nghe tiếng xe Hồng ngoài sân, vộ vã chạy ra. Nhưng hôm nay lạ quá, Hồng không vào nhà Tú mà lại ngồi yên trên xe rồi bảo:
"Tú à, hôm nay trời nóng quá, mình đi ăn kem nha!"
Tú ngạc nhiên hỏi ngược lại:
-         Ủa còn bài tập Lý Hóa ngày mai nộp thì sao!?
Hồng tỉnh bơ:
-         Cái đó để đi chơi về tính sau!
Rồi Hồng còn dặn:
-         Mà nè, bửa nay mặc đồ cho đẹp đẹp chút xíu nha Tú!
Tú đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác:
- Mèn ơi, chỉ đi ăn kem mà sao phải diện quá xá chi vậy! Hay để Tú chạy ra mua 2 cây cà rem trong xe kem bác Sáu Lèo ở đầu ngõ, rồi mình vừa ăn vừa học cho tiện!
Hồng năn nỉ:
- Thôi mà chịu khó chìu ý chút xíu giùm đi Tú à! Vô nhà thay đồ đi, rồi lên xe Hồng giải thích sau!
Tú thấy bạn có vẻ nài nỉ quá nên nghe lời, vào trong nhà tìm trang phục nào khá khá để đi theo Hồng. Nhưng Tú từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ đi dạ hội, chưa hề có bạn trai, mà ba má Tú nghèo, đâu có dư dã gì để sắm đồ cho Tú chưng diện! Tú lục hết tủ áo mà chẳng thấy trang phục nào vừa ý cả! Rồi Tú chợt nghĩ, thôi thì thay vì mặc "đồ bộ" như đang mặc ở nhà, Tú mặc áo dài đi học cho rồi! 

Thấy Tú bước ra với chiếc áo dài trắng mặc đi học thuờng ngày, Hồng lẩm bẩm một mình:
- Thôi được rồi, biết dè đem theo bộ đồ đầm của mình cho nó mặc!
Khi Tú vừa ngồi phía sau xe Honda Dame, Hồng quay lại nhìn Tú, ngẫm nghĩ một giây rồi lấy trong bóp đầm ra thỏi son đỏ và chút phấn hồng, bắt Tú ngồi yên để Hồng trang điểm "dã chiến" ngay trước sân nhà Tú, mặc cho Tú cự nự phản đối.
Khi trang điểm cho Tú xong, Hồng ngắm nghía và không khỏi tấm tắc với sự thay đổi trên khuôn mặt của Tú. Hồng nói:
- Nói thiệt cho mi nghe nha nhỏ Tú, nếu ta là đàn ông chắc chắn là ta sẽ cua mi ngay lập tức! Chơi với mi bao nhiêu năm nay rồi mà đâu có ngờ mi đẹp quá vậy!
Nghe Hồng nói, Tú nhìn vào kiếng chiếu hậu trên xe Honda rồi cũng ngạc nhiên với chính sự thay đổi chớp nhoáng trong gương mặt của mình. Rồi thấy mắc cở, Tú thúc Hồng:
- Thôi mình đi đi Hồng!

Ngồi phía sau, Tú cứ hỏi Hồng liên miên, bắt Hồng giải thích hôm nay có chuyện gì mà Hồng làm long trọng quá! Nhưng Hồng cứ úp mở "Cứ từ từ, rồi sẽ hiểu!"
Chẳng mấy chốc đến đường Nguyễn Huệ, Hồng và Tú để xe ở khu giữ xe công cộng, rồi bước vào quán kem "Thanh Thế". 

Tú ngạc nhiên khi thấy anh Trung, bạn trai của Hồng đã ngồi sẵn trong góc tiệm. Và ngạc nhiên nữa, bên cạnh anh Trung là một người thanh niên tuổi trạc 24, 25 mặc quân phục mang lon thiếu úy đang trầm ngâm hút thuốc.
Tú chưa biết phản ứng ra sao thì khi thấy Hồng và Tú bước vào, Trung và người thanh niên đứng dậy "ga lăng" kéo ghế mời Hồng và Tú ngồi. Trung thân mật chào Tú rồi huớng mắt về người thanh niên, giới thiệu với Tú:
- À Tú ơi, đây là anh Sơn, bạn học của anh hồi trước ở trung học đó Tú. Sau khi xong Tú tài thì anh vô Y Khoa, còn Sơn thì thích đi lính nên Sơn ở trong quân đội mấy năm nay rồi. Bữa nay Sơn có dịp về phép nên anh rủ Sơn đi dạo phố chơi!

Nói rồi anh Trung quay qua nheo mắt nhìn Hồng như ra hiệu cho Hồng nói tiếp lời Trung.
Hồng hiểu ý, nắm tay Tú giới thiệu Tú với người thanh niên mặc đồ lính:
- Dạ còn đây là Tú, nhỏ bạn học của em đó anh Sơn.

Người thanh niên tên Sơn vội vã dụi điếu thuốc đang hút vào gạt tàn thuốc trên bàn, trầm trồ nhìn Tú không chớp mắt rồi lên tiếng:
- Chào Tú, hân hạnh được gặp Tú. Trung kể cho tôi nghe về Tú hoài, hôm nay mới được gặp!

Nghe giọng nói thật trầm mà có vẻ hiền lành của người thanh niên mới gặp lần đầu, Tú bẽn lẽn trả lời:
- Dạ, em chào anh.

Bình thuờng lúc đi chơi chung với anh Trung và Hồng, Tú cũng hay nói chuyện huyên thuyên, hay cười dỡn tự nhiên lắm. Nhưng hôm nay, trước mặt người lạ, Tú bỗng nhiên thấy ngượng, chỉ lắng nghe mọi người trò chuyện với nhau rồi táy máy với ly kem trước mặt. Tú không ngờ anh Trung và Hồng đã "âm mưu" gài Tú với người thanh niên này. Tú định bụng sáng mai vào lớp, Tú sẽ lôi Hồng ra "hỏi tội" Hồng một trận cho thỏa tức!
Nhưng vào thời điểm này, Miền Nam Việt Nam đang ở thời kỳ chiến tranh tàn khốc. Khi nghe anh Sơn kể chuyện đời lính, những cuộc hành quân ở những miền rừng núi, những địa đạo chiến trường gian lao, nơi có những trận đánh mãnh liệt mà Tú chỉ biết khi đọc báo hay nghe tin tức trong radio, Tú đã có cảm tình đặc biệt với Sơn ngay, dù mới gặp lần đầu! Tú lắng nghe say mê, nhủ thầm trong lòng "Sao anh chàng này ăn nói lưu loát và tự tin quá!" Thỉnh thoảng, Sơn bắt gặp ánh mắt say mê của Tú nhìn mình, Sơn chỉ lẳng lặng mỉm cười nói chuyện tiếp với Trung và Hồng.

Bốn người bạn ngồi uống cà phê, ăn kem, nghe nhạc trong quán thật lâu. Tiếng nhạc Lê Uyên Phương từ trong máy ghi âm với những dòng nhạc trẻ tình tứ trổi lên như kéo Sơn và Tú lại gần nhau thêm.
"Theo em xuống phố trưa mai
Đang còn nhức mỏi đôi vai...
Cho nhau hết những mê say
Cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau, chắt hết thơ ngây..."

Vài tiếng đồng hồ sau, Tú giựt mình nhớ đã hứa với chị Xuân là chiều nay sẽ ở nhà trông chừng đứa cháu, con của chỉ để chị ấy đi công chuyện. Tú vội vàng đứng dậy giải thích lý do rồi kiếu từ mọi người để đi. Trung nheo mắt với Sơn:
- Sơn ơi, mày lấy xe tao để chở Tú về đi. Còn tao thì sẽ đi xe Hồng về cũng được.

Tú mắc cở phải ngồi chung xe với người con trai lạ, lên tiếng từ chối:
- Dạ cám ơn anh Trung nhưng thôi để em đi xe lam về được rồi, khỏi phiền các anh. Hai anh và Hồng cứ ở lại đi, em về một mình được mà!

Hồng thấy Tú mắc cở nên cười giải quyết:
- Thôi được rồi, để Hồng đưa Tú về!

Sơn đứng dậy có vẻ tiếc vì không có dịp nói chuyện nhiều với Tú. Sực nhớ ra điều gì, Sơn rút trong bao ny lông mà Sơn mang theo nãy giờ một cuốn sách rồi rụt rè nói với Tú:
- Tôi có món quà này để gửi tặng Tú, hy vọng Tú thích!
Tú cảm kích vì mới gặp lần đầu tiên mà Sơn đã có nhã ý tặng quà cho Tú.
Tú mở quyển sách ra. Thì ra đó là tập thơ "Nguyên Sa" mà Tú đã thích đọc từ lâu! Tú thầm nghĩ sao lính tráng mà cũng lãng mạn quá! Tú cảm động cám ơn Sơn, rồi nhỏ nhẹ cúi đầu từ giã.

Khi ra khỏi khu giữ xe gắn máy, Tú ngồi sau lưng Hồng, bất chợt quay lại thấy Sơn nhìn Tú tha thiết, tay vẫy chào Tú. Tú thẹn đỏ mặt, ngoảnh đi hướng khác!
Trên xe Hồng hỏi dọ ý:
- Sao mi thấy ông thiếu úy ấy được không?
Tú chỉ cười nói:
- Hổng thèm đâu, ổng lớn hơn tới 8, 9 tuổi. Hổng lẽ rinh ổng về để kêu ổng bằng chú hả!!!
Nói rồi hai người bạn gái phá lên cười! Chiếc Honda chậm rãi hướng về nhà Tú ở Xóm Gà.
o O o

Những tháng sau, khi về phép ở Sài Gòn, Sơn thường dàn xếp với Trung để Hồng dắt Tú theo đi chơi chung với Trung và Sơn, nhưng thật sự để Sơn có dịp gặp Tú! Dần dà Tú và Sơn gần gủi thân mật với nhau nhiều hơn. Sơn mượn xe gắn máy của Trung để chở Tú đi cinê hoặc đi dạo phố! 

Khi Tú hỏi về đời sống tình cảm của Sơn trước khi gặp Tú, Sơn thú thật là đã từng yêu một người con gái (tên Lan) lớn hơn Tú 3 tuổi, nhưng rồi chuyện không thành nên "đường ai nấy đi!" Đành biết là chuyện cũ của Sơn đã qua rồi, thế nhưng mỗi khi có dịp đi chợ hoa Nguyễn Huệ với Sơn, nếu gặp gian hàng bán hoa lan là Tú níu áo Sơn đi một mạch sang hàng khác, vì Tú ngại Sơn nhìn thấy hoa lan rồi nhớ lại "cố nhân" tên Lan! Nhiều khi ngồi một mình, Tú thấy ấm ức vì Tú mới lớn chưa từng biết tình yêu là gì mà Sơn đã yêu (ít nhất) một lần rồi!

Một hôm nhân ngày về phép của Sơn, Trung tổ chức một buổi văn nghệ liên trường do các sinh viên nghệ sĩ từ nhiều phân khoa hợp lại trình diễn ở sân trường đại học Văn Khoa.
Tuy không phải là sinh viên đại học, nhưng Hồng và Tú cũng được Trung và Sơn chở đến tham dự. Tối hôm đó, lần đầu tiên được vào sân trường đại học, Tú và Hồng ngơ ngác ngắm nhìn khung cảnh đại học Văn Khoa mà bao nhiêu văn thi sĩ đã ca tụng qua nhiều bài thơ, bản nhạc trữ tình nỗi tiếng. Tú đảo mắt nhìn chung quanh thấy các chị sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa ai cũng có vẻ "người lớn". Chị nào cũng ăn mặc thật lộng lẫy, đa số mặc áo dài nhưng cũng có nhiều chị mặc áo dạ hội, thân hình "phát triển " hơn Tú nhiều! Chị nào cũng lộ vẻ trí thức (mà không trí thức sao được khi họ ai cũng có Tú Tài và đang học đại học!), có khi họ còn xổ tiếng Anh, tiếng Pháp với nhau! Chẳng bù với Tú mới có 16 tuổi, trông lạc lõng như một đứa trẻ con giữa đám người lớn!
Khi màn văn nghệ bắt đầu, Tú và Hồng không còn rụt rè e ngại trong khung cảnh mới nữa. Hai đứa ngồi yên, say mê lắng nghe các anh chị sinh viên cất tiếng đàn tiếng ca, trình bày những bản nhạc sống động vô cùng hấp dẫn!
Đột nhiên người điều khiển chương trình giới thiệu màn sắp đến một cách long trọng:
- Và sau đây là giọng hát của thiếu úy Lê Thanh Sơn. Sơn đã từng là sinh viên đại học nhưng anh sớm "xếp bút nghiên theo việc đao cung". Hôm nay Sơn trở lại khuôn viên đại học, có nhã ý hát một bản nhạc rất nổi tiếng của Lê Uyên Phương để tặng cho tất cả bạn bè ở hậu phương, bản "Vũng Lầy Của Chúng Ta". Xin tất cả anh chị em hãy cho thiếu úy Lê Thanh Sơn một tràng pháo tay!

Sơn mặc đồ lính, bước lên sân khấu chào khán giả, nét mặt đầy tự tin. Nhìn chung quanh, Tú thấy các chị sinh viên ai cũng có vẻ như bị Sơn thôi miên, thu hút! Tú hãnh diện, vỗ tay thật lớn để cổ võ. 

Nhưng ngay sau đó, người điều khiển chương trình lại giới thiệu tiếp:
- Và để cho phần trình diễn thêm phần hào hứng, chúng tôi xin được giới thiệu cô Như Lan, sinh viên năm thứ ba Văn Khoa, sẽ cùng song ca với Lê Thanh Sơn.

Như Lan mặc mini-jupe lộng lẫy bước ra sân khấu, dường như đã biết Sơn trước rồi nên tự nhiên tiến đến ôm hôn Sơn rồi cầm micro đứng sát bên cạnh Sơn! Ánh sáng trên sân khấu chiếu vào khuôn mặt hai người, trông họ không khác nào cặp song ca nổi tiếng Lê Uyên Phương! Chưa bắt đầu hát mà khán giả đã vỗ tay ầm ĩ như muốn vỡ sân trường! Nhiều anh còn huýt sáo thật lớn để bày tỏ tấm thịnh tình với cô ca sĩ sinh viên xinh đẹp này.
Hồng cũng đang vỗ tay, chợt quay sang thấy Tú ngồi buồn so!

Hồng ngạc nhiên hỏi:
- Ủa sao tự nhiên đang vui, mi bỗng bí xị vậy!?

Tú phân trần:
- Tại vì...tại vì chị đó đứng gần anh Sơn quá! Sân khấu rộng thấy mồ mà chị ấy hổng chịu đứng xa xa một chút! Đứng gì mà đứng gần quá hổng biết nữa!

Tú còn lầm bầm một mình: "Lại tên Lan nữa! Bồ cũ của ảnh tên Lan. Bây giờ chị này cũng tên Lan! Chắc hồi ảnh mới sanh đã thích ăn bánh bông lan hay sao mà lớn lên, gặp cô nào tên Lan cũng bu ảnh riết!"

Hồng nghe Tú trách anh Sơn, phát lên cười, rồi an ủi Tú:
- Thôi mà Tú! Văn nghệ văn gừng chút xíu chứ có phải thiệt đâu mà mi ghen! Anh Sơn vẫn thuộc về mi đó cưng à!
Nghe Hồng trấn an, Tú cảm thấy mắc cở nhưng yên tâm lắng nhìn về sân khấu. 

Sơn cầm micro chậm rãi nói vài lời giới thiệu bài hát:
- Tôi xin phép được hát bài này để tặng riêng cho một người bạn. Người bạn này vẫn còn là học sinh trung học chứ chưa phải là sinh viên như chúng ta. Nhưng mỗi tối hành quân trong rừng, khi nhìn ánh hỏa châu lấp lánh trên màn trời đêm, tôi không khỏi nhớ đến hình bóng của người bạn ấy! Hình bóng của người bạn trẻ đẹp ngây thơ này chắc chắn sẽ ghi khắc mãi trong tim tôi suốt đời!

Lời giới thiệu của Sơn trên sân khấu như một lời tỏ tình công khai với Tú trước cả mấy trăm khán giả. Tú chỉ muốn chạy lên sân khấu, ôm chầm lấy Sơn mà hôn (như trong phim ciné!). Nhưng dĩ nhiên Tú chỉ đứng yên phía dưới, nước mắt ràng rụa say mê nghe Sơn hát:
"Theo em xuống phố trưa nay...Đang còn ngất ngất cơn say..."

o O o   oOo    oOo

Buổi tối hôm đó, sau khi Sơn đưa Tú về nhà, Sơn muốn ôm Tú vào lòng hôn trước khi từ giã. Tú nhắm mắt lại, nhưng chưa kịp đón nụ hôn ấy thì bỗng nghe tiếng chị Xuân trong nhà tằng hắng! Tú vội vàng mở mắt đẩy Sơn ra, khẽ nói: "Em cám ơn anh!", rồi chạy vội vào nhà!
Lên giường trằn trọc không ngủ được! Cứ mỗi lần nhắm mắt lại, Tú lại nhớ từng câu nói đậm đà tình yêu của Sơn trên sân khấu. Ngày xưa Romeo tỏ tình với Juliette  trên lầu vắng chẳng ai nghe thấy, vậy mà Juliette hoang mang cả bao nhiêu đêm dài. Còn tối nay, Sơn tỏ tình công khai với Tú trước cả mấy trăm khán giả thì thử hỏi làm sao Tú tỉnh táo được! Tú lại lầm bầm mỉm cười một mình "Sao cái anh này gan quá, dám tỏ tình công khai vậy ta? Ảnh gan thiệt!”
Tú ngồi dậy, thò tay vào ngăn bàn lấy quyển nhật ký ra viết vài câu: "Ngày...Tháng...Năm...Đại Học Văn Khoa. Tối nay, anh ấy tỏ tình với mình thật công khai. Chắc mình cũng yêu ảnh thật rồi..."

Viết xong, Tú bỏ quyển nhật ký lại trong cặp, định ngày mai vô lớp có giờ rảnh sẽ viết tiếp.
Rồi Tú leo lên giường ngủ một giấc thật ngon, thật nhiều mộng đẹp!
o O o
 Hôm sau đến giờ ra chơi, Tú ở lại trong lớp lấy quyển nhật ký ra, ngồi cắn bút rồi hí hửng viết thêm vài câu.
Chợt Hồng đứng ngoài cửa lớp gọi với vào:
- Tú ơi, ra đây xem cái này hay lắm! Lẹ lên!
Tú nghe Hồng gọi, vội vã đứng dậy, quên cất cuốn nhật ký vào cặp.
Chẳng may, Kim Liên và Kiều Nhung ở xóm nhà lá phía dưới lớp đi ngang, thấy nhật ký Tú đang mở ra công khai nên nhào tới đọc thật nhanh trước khi Tú trở lại bàn!
Khi đi ngang qua hàng hiên dãy lớp, thấy Hồng và Tú đang đứng nói chuyện, Kim Liên giả bộ không thấy Hồng và Tú, ra hiệu với Kiều Nhung rồi nói lớn lên, cố tình cho Tú nghe:
"Đại Học Văn Khoa"

Kiều Nhung nheo mắt với Liên trả lời:

"Tối nay anh ấy tỏ tình với mình thật công khai"

Đang nói chuyện với Hồng, vừa nghe Liên và Nhung lẩm bẩm mấy câu trên, Tú như muốn điên tiết lên. Tú định chụp lấy Liên Nhung xé xác hai con bạn này cho hả giận thì cả Liên lẫn Nhung đều chạy biến đi. Nhung còn quay lại nói với theo câu chót cho đủ bài nhật ký của Tú:
"Chắc mình cũng yêu ảnh thật rồi!"
o O o
Sau giờ ra chơi, hôm nay có giờ Toán của cô Thủy Tiên.  Bỗng nhiên Tú nhớ lại bài tập cô bắt làm tuần trước. Mấy hôm rày cứ lo làm thơ, viết nhật ký rồi quên bẵng đi chuyện làm bài tập! Tú cảm thấy phập phồng hồi hộp!
Cô Thủy Tiên giảng bài mới xong rồi bắt đầu kiểm tra lại bài tập tuần trước.
Cô giở quyển sổ báo danh ra rồi nhằm ngay tên Tú mà kêu:
- Em Tú, Nguyễn Thị Ngọc Tú!
Tú tiu nghỉu trả lời:
- Dạ...

Cô Thủy Tiên ra chỉ thị:
- Em lên bảng chứng minh phương trình giải tích trong bài tập tuần rồi cho cô!

Bình thường, môn Toán là môn khá nhất của Tú. Giải nghiệm phương trình giải tích đối với Tú là chuyện nhỏ! Nhưng 
mấy hôm nay đầu óc như cứ lơ lửng trên mây, không tập trung tinh thần để học hành gì cả. Lại cứ mải mê viết nhật ký, quên làm bài tập cô Thủy Tiên cho tuần rồi! Đứng trên bảng, bó tay trước bài toán, Tú nhìn qua cô Thủy Tiên thấy nét mặt cô thật nghiêm trang, nhìn xuống dưới lớp thấy Hồng có vẻ ái ngại, rồi lại đổ mắt xuống xóm nhà lá cuối lớp thấy bọn Kim Liên, Kiều Nhung đang ôm miệng cười khúc khích thật dễ ghét, Tú bỗng riu ríu nước mắt, chỉ muốn độn thổ cho xong!
Thấy Tú đứng yên lúng túng trên bảng, cô Thủy Tiên ôn tồn hỏi:
- Em Tú, từ trước đến giờ em giỏi toán nhất nhì trong lớp, tại sao kỳ này em không làm được một bài dễ mà cô đã ra cả tuần nay! Có chuyện gì vậy em?

Tú chưa biết trả lời làm sao thì Hồng giơ tay đứng lên trả lời giúp bạn:
- Dạ thưa cô, tại Kim Liên với Kiều Nhung...tụi nó phá Tú đó cô!
- Tụi nó phá làm sao, nói cho cô nghe xem?
- Dạ...tại tụi nó ... tụi nó ...đọc lén nhật ký của Tú đó cô!

Ở bàn dưới, Kim Liên đứng lên phản đối:
- Dạ thưa cô, tụi em không có đọc lén nhật ký của Tú, mà tại ...tại Tú nó để nhật ký lồ lộ trên bàn...
Cả lớp cười xôn xao lên...
Cô Thủy Tiên giận cầm thước gõ mạnh chát chúa trên bàn:
- Các em im đi. Đây là lớp học chứ không phải cái chợ!
Nói rồi cô Thủy Tiên lớn tiếng tiếp:
- Trò Liên, Lê Thị Kim Liên, lên bảng giải phương trình!
Kim Liên rụt rè bước lên bảng, nói thầm trong bụng:
"Trời ơi sao mà xui quá vậy nè! Toán là môn Liên dỡ nhất lớp, mỗi lần làm toán là cứ "cọp dê" của Kiều Nhung, chứ tự giải lấy phương trình trên bảng thì biết đâu mà rờ!"
Khi Liên đi ngang qua bàn Hồng, lại nghe Hồng xí nhỏ vô:
- Đáng kiếp!

Nhưng ngạc nhiên thay, cô Thủy Tiên chỉ hạ giọng khuyên nhủ Tú, Liên và cả lớp hãy chú tâm học hành, năm sau là năm chót trung học rồi, phải tập trung tinh thần để chuẩn bị thi Tú Tài. Cô bắt Tú và Liên phải làm lành với nhau rồi tha cho hai đứa về chỗ ngồi, không phạt vạ gì cả!
Tú nghĩ lại mà thấy "hú hồn!"

o O o
Ngày tháng trôi qua nhanh, Hồng, Tú và các bạn trong lớp dần dà cũng lên lớp 12 và chuẩn bị thi Tú Tài.
Tú và Sơn càng ngày càng yêu nhau tha thiết. Tuy nhiên sau mỗi lần hẹn hò trong những ngày phép của Tuấn, về nhà một mình Tú cố gắng tập trung tinh thần để học thi Tú Tài cuối năm. Trong thâm tâm, Tú muốn vào đại học càng sớm càng tốt để có nét "trí thức" hay ít nhất cũng bớt đi nét trẻ con, để cho Sơn nể nang một chút! Một phần, Sơn hứa với Tú là khi Tú học xong trung học, Sơn muốn đến nhà Tú, gặp ba má Tú để nói chuyện tương lai hai đứa! Tú nghĩ như vậy cũng phải! Bây giờ Sơn đã lên chức trung úy rồi, lớn hơn Tú gần 7, 8 tuổi mà ai đời lại đi cặp với Tú chỉ có 17 tuổi thì thấy dị quá! Nếu Tú lớn lên tí nữa, vô đại học thì thấy "bớt kỳ khôi" hơn!
Cuối năm đó, Hồng, Tú đậu Tú Tài, hạng khá cao! Kiều Nhung cũng đậu mà ngay cả Kim Liên, cái con nhỏ xóm nhà lá chỉ biết cọp dê bài của người khác, vậy mà cũng đậu được mới lạ! Tú và Hồng bàn với nhau chắc tại nó học tủ!
 Cả bọn mừng rỡ, nộp đơn xin vào đại học. Trung đã ra bác sĩ. Hồng thì nộp đơn vào Luật Khoa vì gia đình Trung muốn Hồng sau này thành luật sư để "môn đăng hộ đối" với Trung! Sơn và gia đình Sơn dễ dãi, để Tú tự chọn, thích ngành gì thì cứ học ngành đó. Tú chọn đại học Khoa Học vì thích Toán Lý Hóa, muốn sau này trở thành một "khoa học gia"!
Nhưng… niềm ao ước vào ngưỡng cửa đại học Sài Gòn của Hồng, Tú và các bạn cùng lớp không bao giờ được toại nguyện!

o O o

Sau khi nộp đơn chờ kết quả vào đại học, vận nước thay đổi một cách đột ngột. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau mấy mươi năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, miền Nam thất thủ. Chỉ qua một đêm một ngày mà tất cả đời sống người dân miền Nam tráo đổi, lộn ngược! Không những mất cơ hội học đại học, gia đình Tú còn phải đương đầu với những biến cố trong nhà. Ba Tú phải đi học tập cải tạo một thời gian, nhưng may mắn được thả về. Ông anh rể, chồng của chị Xuân vẫn còn bị giam ở "vùng kinh tế mới" chưa về. Chị Xuân lâu lâu dành dụm được chút ít tiền, giao con lại cho ba má rồi tìm cách đem vài món ăn đơn sơ để đi thăm chồng.
Còn Sơn...Mỗi lần nghĩ đến Sơn, Tú cứ khóc thầm không sao nín được! Khoảng hai tháng trước ngày mất nước, Sơn về thăm Tú lần chót, hứa hẹn đủ thứ rồi trở về căn cứ ở Pleiku. Từ đó đến nay đã lâu lắm rồi mà Tú vẫn không biết tin tức gì của Sơn. Có lần Tú bạo dạn đạp xe đến nhà Sơn ở Hàng Xanh hỏi thăm, mẹ Sơn chỉ khóc mà cho Tú biết là gia đình cũng bặt vô âm tín, không biết Sơn sống chết ra sao!
Một hôm, Hồng đến nhà Tú cho biết hai gia đình Hồng và Trung đang tổ chức vượt biên ở Vũng Tàu. Hồng muốn rủ Tú cùng đi, không những vậy, tàu vượt biên của nhà Hồng còn đủ chỗ cho chị Xuân của Tú đi theo! Tú bàn với bố mẹ về chuyện này, trong lòng băn khoăn nửa muốn theo Hồng vượt biên, nửa lại muốn ở lại săn sóc bố mẹ và... và chờ ngày Sơn về! Chị Xuân thẳng thắn khuyên Tú: "Em nên lấy cơ hội này để ra đi, có chị ở nhà lo cho ba má. Vả lại chị còn phải đi thăm ba của sấp nhỏ! Thôi, em nói lại với Hồng là chị cám ơn gia đình Hồng nhưng chị phải ở lại, em cứ yên tâm mà đi!"
Cuối cùng, Tú cắn răng khóc từ giã ba mẹ và chị hai, theo gia đình Hồng ra đi. Về sau, mỗi lần nhớ lại những ngày liều mình vượt biên trên biển cả mấy mươi năm về trước, Tú viết lại trong nhật ký:

"Tôi mơ màng thấy một vùng biển bao la trùng trùng điệp điệp, trong đó có con thuyền tị nạn bé nhỏ của tôi đang nhấp nhô lênh đênh trên mặt biển, không biết trôi về hướng nào! Bất giác, tôi cũng bùi ngùi nhớ lại thân phận tôi lúc đó, nó cũng lênh đênh vô bờ bến như con thuyền tị nạn!
Tôi đã ra đi, bỏ lại gia đình, người thân, bè bạn. Tôi đã ra đi, bỏ lại quê hương Việt Nam. Tôi đã ra đi, bỏ lại tất cả..."

o O o   o O o  o O o   o O o
Trung và Hồng sau vài năm đầu ở Mỹ quyết định cưới nhau, sau khi Trung thi lại bằng bác sĩ ở Mỹ. Gia đình đầm ấm, nhà sang cửa rộng, muốn gì cũng có...chỉ trừ có được một mụn con! Hồng buồn và mặc cảm vì không có con, cứ phải nói chuyện tâm sự với Tú hoài!
Tú học xong ngành I.T. Tú còn trẻ, đẹp và độc thân nên có nhiều thanh niên Việt Nam và Mỹ lai vãng làm quen. Nhưng Tú cứ bù đầu vào việc làm ở sở, không màng đến việc tình cảm với ai! Hồng và Trung cứ khuyên nhủ, nhiều lần làm mai mối tạo cơ hội cho Tú để gặp vài bác sĩ độc thân,  bạn của Trung nhưng Tú cứ từ chối viện cớ muốn để thì giờ làm lụng kiếm tiền gửi về giúp gia đình. Thật sự trong thâm tâm, Tú vẫn còn đeo đuổi hoài hình bóng của Sơn. Mỗi lần nhớ đến Sơn, không biết Sơn mệnh hệ thế nào, Tú cứ khóc thầm. Tú cứ nuôi một mối hy vọng viễn vong là một ngày nào đó Tú sẽ gặp lại Sơn!
Nhưng sau nhiều năm sống độc thân và vì không chịu nổi áp lực của xã hội và những lời nhắn nhủ của bố mẹ ở Việt Nam, Tú đành cố quên mối tình đầu để sống lại với thực tế. Trong sở làm có anh Thông, kỹ sư, tình tình vui vẻ hiền hòa, mỗi lần nói chuyện với anh, Tú thấy rất vui và thoải mái! Sau hơn một năm làm quen, Thông ngỏ lời cầu hôn với Tú. Thấy mình cũng không còn trẻ gì, Tú quyết định nhận lời lập gia đình với Thông. Hai vợ chồng ăn ở hạnh phúc với nhau và sinh được hai đứa con, một gái, một trai. Trung và Hồng không có con riêng nên thương các con của bạn mình như con ruột!
o O o
Khoảng 10 năm sau, một hôm Hồng, Tú đi ăn trưa ở phố Bolsa, tình cờ Tú thấy một người phụ nữ với vóc dáng quen thuộc đang ngồi với chồng con ở bàn bên cạnh! Khi người phụ nữ này quay lại nhìn thấy Hồng, Tú, cô ấy kêu lớn lên giữa tiệm ăn:
- Hồng! Tú! Phải tụi bây đó hông?

Hồng, Tú cũng sững sốt kêu lên:
- Trời ơi, Kim Liên, phải Kim Liên xóm nhà lá hông?

Thế là ba bạn cũ dưới mái trường xưa gặp lại nhau, sau hơn 15 năm trời xa cách! Họ hàn huyên tâm sự cả buổi trời. Kim Liên cho biết là sau biến cố 30/4/75, Liên và gia đình cũng vượt biên mấy lần, cuối cùng cũng lọt đi được qua Mỹ. Ban đầu ở Denver, nhưng thấy thời tiết lạnh quá, họ mới dọn về Cali lập nghiệp! Còn phần Kiều Nhung, vì gia đình quá nghèo, Kiều Nhung phải theo gia đình về quê làm ruộng mấy năm trời! Nhưng bây giờ đã lập gia đình, có con cái và đời sống cũng tương đối dễ thở hơn trước!
Ba đứa cứ nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa, nhất là chuyện trong giờ toán của cô Thủy Tiên mà cứ ôm nhau cười ngất! Hồng chép miệng nói nếu có Kiều Nhung ở đây, chắc cả 4 đứa sẽ lập lại khu nhà tôn, nhà lá như ngày xưa rồi đi " đại náo " hết miền nam Cali!
Tú không quên trêu thêm với Kim Liên: "Bây giờ mi muốn đọc bao nhiêu nhật ký, ta cũng cho đọc công khai!" Liên mắc cỡ một chút rồi cũng cười trừ!
o O o
Từ ngày gặp lại Kim Liên, ba gia đình Hồng, Tú và Liên gặp nhau khá thường. Cứ mỗi lần có sinh nhật con cái, họ lại tổ chức tiệc tùng hết ở nhà người này lại sang nhà người khác! Ngay cả khi không có sinh nhật ai, vốn mê ca hát, vợ chồng Kim Liên vẫn hay tổ chức những buổi karaoke trong nhà và mời nhiều bạn bè đến dự, dĩ nhiên là lúc nào cũng có gia đình của Hồng và Tú. Chồng Liên, anh Trọng, là cựu sĩ quan trong quân lực VNCH cũ. Trong lúc mọi người ai cũng ca tân nhạc, anh Trọng thường trổ tài ca vọng cổ thật mùi, thật cảm động!
Một hôm, Trọng, Liên hí hửng điện thoại mời các bạn bè thân, "bằng bất cứ giá nào cũng không được từ chối một buổi karaoke tối chủ nhật sắp tới ở nhà Trọng Liên", vì theo lời Trọng: "Tối đó sẽ có hai ca sĩ thứ thiệt, bạn xưa của Trọng từ San Jose đến dự!"

Hồng, Tú nghe nói không biết là ai, nhưng thấy anh Trọng có vẻ hăng hái quá, một phần muốn đổi không khí nghe "ca sĩ thứ thiệt" hát thay vì các tay ca sĩ karaoke cây nhà lá vườn hoài, cho đỡ chán! Gia đình Hồng, Tú cũng sắp xếp đem vài món ăn đến dự. Tú cứ tò mò muốn xem các ca sĩ "thứ thiệt" này là ai!
Đến nhà Trọng Liên, vừa bước vào phòng khách, Tú giật bắn người khi thấy một người đàn ông đang đứng nói chuyện với Trọng! Trong khoảnh khắc, Tú nhận ra ngay người đàn ông đó chẳng ai xa lạ mà là Sơn, người yêu đầu đời của Tú!
Tay đang cầm dĩa bánh mà Tú run lên thiếu điều muốn làm rớt dĩa xuống sàn! Đã hơn 20 năm rồi mà Sơn vẫn còn nét thanh tú ngày xưa, chỉ có điều bây giờ đượm vẻ phong trần dày dặn hơn xưa! Sơn đi chân trái hơi khập khểnh như bị thương dưới chân. Thấy Tú, Sơn đang nói chuyện với Trọng cũng dừng lại nhìn Tú không chớp mắt và không ngăn được nỗi vui mừng khôn xiết!

Không lâu sau, Trung, Hồng cũng xuất hiện. Trung vừa thấy Sơn, vội vàng chạy đến ôm chầm lấy Sơn vừa kêu không ngớt:
- Trời ơi mày đó hả Sơn! Hơn 20 năm rồi mới gặp lại mày!

Tất cả khách cũng như chủ nhà đều ngớ ngẩn, không biết chuyện gì xảy ra!
Sau khi mọi người lấy lại bình tĩnh, Trọng giới thiệu Sơn là bạn cũ khi họ còn đi lính ở Viêt Nam trước 75. Sau 75, Trọng thoát được qua Mỹ trước, còn Sơn thì mới qua về sau này thôi. Qua Mỹ, Sơn định cư ở San Jose. Một thời gian ngắn sau, Sơn lập gia đình với ca sĩ "Thúy Lan" (tuy còn trẻ nhưng cũng đã một đời chồng!). Họ có với nhau hai đứa con còn khá nhỏ so với các con của bạn bè cùng tuổi. Tuần rồi, Sơn, Trang nghỉ vacation lái xe về Santa Ana để cho các con có dịp đi Disneyland. Thời may ra phố Phước Lộc Thọ gặp lại Trọng và được Trọng mời về nhà chơi trước khi trở lại San Jose!

Mọi người ai nấy cũng tiến lại Sơn, Lan lịch sự bắt tay làm quen. Các bà vợ còn theo phong tục Mỹ ôm chầm lấy Lan lẫn Sơn! Tú cũng rụt rè cùng chồng bước lại gần Sơn, Lan. Tú định bụng tới phiên mình đón chào Sơn Lan, Tú sẽ ghì chặt người tình xưa và sẽ kể lại hết bao nhiêu điều thầm kín mà Tú đã nén giữ trong lòng mấy mươi năm nay. Nhưng sau khi ôm Lan, Tú chỉ dám cúi đầu chào Sơn rồi bẽn lẽn bước sang một bên!

Đến phần khai diễn nhạc karaoke, Trọng Liên hát trước. Ngay sau đó, trong phòng ai cũng yêu cầu ca sĩ Thúy Lan trình diễn. Nhìn Thúy Lan hát, Tú cứ nhớ và so sánh với cảm giác ngày xưa. Lúc đó Tú mới 17 tuổi, cái tuổi thơ ngây học trò. Đêm đó trong khuôn viên đại học Văn Khoa, Tú nhìn chung quanh thấy các chị sinh viên, chị nào cũng đẹp, rồi thấy mình còn bé quá! Lúc đó, Tú cứ mong sao cho lớn nhanh để thành sinh viên cho Sơn bớt khinh thường tính học trò con nít của mình!
Bây giờ...Tú chép miệng, nhủ thầm trong bụng, bây giờ thì Sơn lại có người khác, mà người này vừa đẹp lại vừa trẻ  (và cũng có tên Lan, cái tên mà Tú đã dị ứng từ mấy mươi năm nay!) Tú thấy đau nhói làm sao!

Sau khi mọi người vỗ tay khen ca sĩ Thúy Lan hát xong, anh Trọng lại nói:
- Thanh Sơn ngày xưa ở Việt Nam cũng hát hay lắm!,  rồi quay qua Sơn:
-  Sơn, hát bản "ruột" của mày đi cho mọi người nghe!

Tú có linh cảm Sơn sắp hát bản gì nên vội vã kéo Hồng rút lui về phía sau trong góc phòng để không ai nhìn thấy!
Sơn hỏi mượn cây đàn guitar của Trọng, rồi ngồi xuống, mắt giáo giác như tìm ai!
Sơn điềm tỉnh giới thiệu vài câu:
- Tôi xin phép hát bài “Vũng Lầy Của Chúng Ta”, một sáng tác bất tử của Lê Uyên Phương...
Rồi Sơn hướng về bóng tối cuối phòng có Tú đang run run đứng trong góc, nói tiếp:
- Tôi xin hát bài này để tặng cho một người bạn nhỏ...

Sau khi ngập ngừng một chút, Sơn thong thả nói tiếp, không một chút ngại ngùng:
- Hình bóng người bạn nhỏ này đã khắc vào trái tim tôi bao nhiêu năm nay, trong những lúc tôi đi hành quân trong rừng sâu hay những khi tôi bị gông cùm trong tù cải tạo... Người bạn nhỏ này là động lực để tôi yêu đời lúc tôi còn trẻ, cũng như là nguồn sống cho tôi trong những năm tù đày địa ngục!
Trong bóng tối phía sau phòng, Tú nghe mà cố gắng cắn môi để ngăn những tiếng nấc tức tưởi, nhưng nước mắt cứ tuôn trào. Hồng ôm Tú khóc theo!
Giọng Sơn sau mấy mươi năm vẫn còn nhiều phong độ, có điều trầm và buồn hơn ngày xưa:
"Theo em xuống phố trưa nay...Đang còn ngất ngất cơn say..."
Khi buổi karaoke chấm dứt, mọi người kiếu từ chủ nhà ra về. Ai cũng đến từ giã và cám ơn Sơn, Lan đã cho họ một đêm văn nghệ thật say mê hấp dẫn và chúc Sơn Lan hôm sau về San Jose thượng lộ bình yên!
Hai vợ chồng Thông, Tú cũng tiến đến Sơn Lan. Tú thu hết can đảm nhìn vào mắt Sơn, nói lời từ giã:
- Em xin kiếu từ anh chị. Chúc anh chị đi thượng lộ bình an.

Lúc ngồi trong xe ra về, Tú nhìn lại kính chiếu hậu thấy Sơn mở cửa xe cho vợ con vào, rồi đứng bên ngoài nhìn theo Tú cho đến khi xe Tú khuất đi xa!

Trên đường lái xe về nhà, Thông cứ tấm tắc khen:
- Cặp ca sĩ này hát hay quá, không khác gì Lê Uyên Phương hồi xưa, phải không em!
Tú chỉ thỏ thẻ tiếng "Dạ..." rồi thẩn thờ không nói gì cả!

Về tới nhà, Thông nhảy thẳng lên giường than mệt muốn đi ngủ sớm!
Tú ngồi trước gương trong phòng ngủ, chải lại mái tóc và tự ngắm mình trong gương thật lâu. Tú bâng khuâng nhớ lại hình ảnh Sơn cầm đàn song ca với cô sinh viên Văn Khoa trẻ đẹp ngày xưa, rồi hình dung lại hình ảnh Sơn song ca với người vợ ca sĩ trẻ đẹp tối này!

Tú đã yêu Sơn bằng tất cả tình yêu thơ ngây, chân thành của một người con gái mới lớn. Vậy mà cả đời chưa bao giờ được Sơn ôm vào lòng hay huởng được một nụ hôn nào từ Sơn!
Tú đã lo lắng, chờ đợi Sơn mấy mươi năm nay, không biết Sơn sống chết ra sao! Để rồi khi bất ngờ gặp lại đêm nay thì Sơn đã thuộc vào người khác!

Bất chợt Tú định quay lại hỏi chồng, "Anh thấy em có đẹp không anh!" nhưng thấy Thông đã ngủ say nên thôi!

Tú tắt đèn, đến nằm cạnh chồng. Rồi Tú ôm Thông, nằm áp mặt lên ngực Thông để nghe tiếng thở đều đặn của chồng.
Trong đêm thâu, Tú nằm khóc thút thít một mình, nước mắt chảy ràn rụa trên ngực chồng!

Ngoài kia, trời mưa từng cơn...từng cơn... không ngớt....

Nguyễn Hà
27 tháng 11, 2015
Melbourne, Úc Châu