Wednesday 25 April 2018

NIỀM ĐAU CỦA ĐÁ... ( Thầy Nguyễn Tư Thiếp )



NIỀM ĐAU CỦA ĐÁ...


 *Truyện ngắn NGUYỄN-TƯ


Tiếng súng ở miền Nam bây giờ dứt hẳn để giao lại phân nửa đất nước này cho CS
sau khi Thiên và những người đồng đội của chàng đã ròng rã chiến đấu cầm cự trong
bao năm máu lửa, bị thương ba lần suýt chết...thì Thiên cũng đã mường tượng ra
điều gì sẽ xảy đến cho chàng - một người đang vác trên vai cái "nợ máu" cho Tổ
quốc không phải bé nhỏ gì, lúc con số thống kê của Tây phương kết toán sơ khởi
cuộc chiến tranh tương tàn Nam-Bắc mà phía bên kia cũng đã mất ngon ơ hơn một
triệu mạng cán binh - nhất là, chàng còn nghĩ đến cái giai cấp "phản động" mà
thời ấu thơ ở Liên khu 5 chàng đã biết nó như thế nào trong cuộc"Cải cách
ruộng đất"trời long đất lở của Việt-Minh đã làm cho gia đình chàng phải
xuống tới tận cùng của sự nghèo khó, đến độ trong giấc ngủ bé bỏng của Thiên,
chàng chỉ còn mơ thấy đến hạt cơm mà thôi, không hề thấy bóng dáng một bà Tiên
nào cả, như giấc mơ của mọi đứa trẻ thơ trên thế giới. Và, giấc mơ tội tình
này đã trở về với Thiên lần nữa ở tuổi thanh xuân do Lịch-sử đưa đẩy khi chàng
đã ở tù đến năm thứ 3, thì người đàn ông chưa tới hai mươi bảy đó - tuổi tráng
kiện nhất của một đời người - đã có cơ như muốn sụm xuống vì lao động khổ sai
dài ngày, khoai sắn liên-miên đến độ cái đầu gối đã bắt đầu to ra, đồng dạng
với cái sọ người lớn thêm nhờ hàm răng nhô về phía trước, nhưng thực ra sự
phát triển biểu-kiến đó chỉ do các bắp thịt teo đi, thấp xuống, để làm nổi bật
những phần xương cứng kia lòi ra chứ chẳng có sự tăng trưởng nào trên cơ thể
của một người tù binh cả, giống như những quả núi già lâu ngày nhìn có vẻ cao
lên và to ra nhờ đất chung quanh mỏm núi đã bị gió mưa bào mòn trôi đi mất mà
thôi...Thiên lại càng ốm o hơn so với các bạn tù khác vì quê chàng ở mãi tận
ngoài Trung xa xăm, bố Mẹ đã già mà lâu năm chàng không liên lạc chỉ vì mối
hờn dỗi kéo dài từ thời ấu thơ qua cái mặc-cảm không được thương yêu trong một
"tổ ấm" có quá nhiều chim con, thì ai biết chàng ở đâu, còn sống hay không mà
thăm nuôi? Vì thế cho nên cứ mỗi lần có chuyến thăm nuôi nào ở khu "tiếp tân"
của thân nhân tù, thì Thiên giả vờ ra bờ sông ngồi chơi một mình với những cọng
cỏ gà, để tránh đi những buồn tủi riêng tư, và giấu kín những cơn thèm khát
của một con người bị đói lâu ngày mà không muốn phải ăn "chực" bạn, với cái lý
luận đơn giản nhưng thực tế trong cảnh "cái ăn" được xếp lên hàng đầu:"Ăn
của người ta hoài thì lấy gì mà đền trả!?"theo cái quy luật bất thành văn ở đây,
mặc dù chả có người tù nào nghĩ đến chuyện đó cả khi biết Thiên không có gia
đình ở đây như mọi người SQ cấp "Úy" khác, phần lớn đều là gốc người miền Nam,
chàng mới thấy câu nói của Mẹ dạy chàng ngày xưa về miếng ăn mỗi khi anh em
gấu ó nhau vì miếng bánh chia không đều, giờ rất sai:"Miếng ăn là miếng tồi
tàn/Mất đi một miếng lộn gan lên đầu"...Thiên lại bị sốt rét ngã nước nhiều
năm mà chẳng có thuốc gì để uống như thời còn trong Quân đội VNCH tháng nào cũng
được uống ngừa bằng những viên Chloroquine 500 mg màu đỏ hồng rất đẹp của Mỹ,
ngoài chuyện mỗi lần bị lên cơn run cầm-cập, miệng đắng, môi nẻ bong ra từng
mảng da như vỏ cây khô, và khát nước liên-miên thì Thiên chỉ phải cúi xuống vốc
tay bụm nước ruộng đang cấy đục ngầu mà uống để giải đi cái phần nhiệt cháy
người...Dù màu bùn phèn nâu xám bám chặt vào da người tù bị bịnh sốt rét dày
như vậy, nhưng vẫn không che kín được cái xanh-xao của da mà bên dưới những
mạch máu mang những hồng huyết-cầu bị phá vỡ tan hoang hết do hàng tỉ con vi
trùng sốt rét sinh sôi nảy nở bằng những cơn sốt cách nhật một ngày. Điều này
đã làm cho Bác-sĩ Quân-y VNCH tên Đức - người thân nhất của Thiên ở đây khi chàng
hiểu được vì sao viên Y-sĩ trẻ sa cơ này luôn-luôn để trên đầu chỗ mình nằm,
cạnh Thiên, một cái quan tài nắn bằng đất sét, và tự ví mình như Dr Jivago trong
những ngày "CM tháng 10 Nga sô" - áy náy lo lắng giùm cho tình trạng sức khoẻ
quá tồi tệ của Thiên trong một buổi sáng nghỉ lao động, vì thời tiết xấu tù
không thể canh tác được, nên ông ấy buột miệng nói thành thực:

-Anh Thiên à, bịnh sốt rét ngã nước của anh không nên để lâu như vậy, nó sẽ làm
anh sưng lá lách là vô phương cứu chữa. Anh nên nhờ người nhà gửi ký-ninh vô
cho anh mà chữa trị đi. Tôi thấy da anh xanh quá rồi, chứng tỏ hồng huyết
cầu của anh vi trùng sốt rét chúng nó đã "xực" hết, chờ chui vào lá lách nữa
là xong!

Thiên cười khẩy, nói:

-Chúng nó xực tôi cũng chả biết làm gì, nói chi tới xực hồng huyết cầu! Thây
kệ mẹ nó, tới đâu hay tới đó, gia đình tôi ở ngoài Trung, Bố Mẹ già hết cả
rồi, ai còn sức "" vô đến đây thăm nuôi tôi, mà thuốc với men Bác sĩ!??

-Dưới con mắt của một Y-sĩ tôi không thể làm thinh khi thấy những triệu chứng
này, chứ tôi hiểu anh đang có những khó khăn mà tôi biết anh rất buồn, thôi thì
để tôi nhắn với nhà tôi khi nào vào thăm mang theo cho tôi nhiều-nhiều ký-ninh
tôi sẽ chia cho anh một ít. Anh biết mà, ở ngoài bà con mình cũng khó khăn lắm!

-Cảm ơn Bác-sĩ, nếu khó quá thì thôi. Tôi sợ phiền!

-Anh đừng lo, bà xã tôi ở ngoài chạy mánh thuốc Tây vì bà trước kia là một Cán
sự Y-tế nên tôi nghĩ là bà ấy có thể "chạy" được. Bọn mình là tù cả mà!

-Lòng tốt Bác-sĩ tôi không dám phụ, nhưng thôi Bác sĩ, tôi không muốn phiền ai
cả! Bác sĩ đã chẳng từng để cái quan tài trên đầu là gì, mình có chết cũng an
lòng, sống làm chi trong một đất nước như thế này? Biết vậy, hồi đó đừng
buông súng, chết bằng viên đạn coi bộ nhẹ-nhõm hơn chết vì tù...

Giọng an-ủi, Bác sĩ Đức nói:

-Mình phải sống để làm nhân chứng cho Lịch-sử, chết lúc này sớm quá, anh chưa
tới 30 tuổi mà?

-Bây giờ nếu như tôi chết đi thì cũng còn trẻ, mà sống thì hình như quá già!
Nhưng thôi, mình hãy quên mọi thứ, kể cả thời gian, đầu hàng địch đã là một
cái lỗi lớn rồi dù cái lỗi này không do những người ở lại sau cùng như tụi
mình, mà chết đi lúc này trong tay địch cũng là một cái lỗi lớn hơn...

-Anh nói phải, cái quan tài bằng đất sét tôi đặt trên đầu nằm tuy nó là biểu
tượng của sự bi quan, nhưng cùng lúc nó cũng nhắc nhở tôi phải sống, vì tôi
đang kề cận cái chết từng phút từng giây như lúc mình còn ở trong Quân-đội vậy!

Im lặng trong giây lâu, vẻ suy nghĩ, Thiên gật đầu như đang chờ tìm ra một giải
pháp cấp thời, trước khi nhận sự giúp đỡ của bạn bè nên chàng hỏi ông Bác sĩ:

-Bây giờ mình có thể làm gì cho da nó đỡ xanh?

-Nếu ở đây, thì chỉ còn cách anh kiếm ăn thêm rau muống, vì trong cây rau này
có rất nhiều chất sắt, tôi nghĩ là nó có thể giúp anh được phần nào trong hoàn
cảnh khắc nghiệt này để chờ thuốc bà xã tôi có thể giúp anh sau!

Thiên cười ngặt-nghẽo nói như giễu:

-Mẹ kiếp, cái trại tù này chứa cả ngàn con người mà thằng nào cũng đói meo,
cọng cỏ, con dế còn không sống nổi, làm gì có cọng rau muống ăn "làm thuốc" Bác
sĩ?

Bác sĩ Đức cũng cười lên sặc-sặc biểu đồng tình nói:

-Đúng vậy, nhưng chắc-chắn nó còn có thể dễ tìm hơn ký-ninh!

Trước khi rời vị Y sĩ thân tín nhất ở đây của mình để đến thăm một người bạn
tù khác ở dãy trại đối diện, Thiên nói với lòng thành thực của mình sau lời
khuyên của người bạn tù tốt bụng:

-Tôi cố gắng tự cứu lấy mình lần chót vậy, như lời lời khuyên của bạn. "Còn
nước còn tát" phải là triết lý sống tụi mình ở đây nếu như không muốn quỵ trước
hạn kỳ. Thôi, tôi qua đây thăm thằng bạn một chút Bác sĩ!

-À, như vậy đi, nhớ về trước giờ qui-định kẻo phiền!

-Vâng!

Rồi bóng Thiên khuất ở góc sân trại có vài lùm cỏ lau vươn cao...làm nổi bật nhờ
màu trời lam xám còn đọng chút mặt trời hồng ở phương tây khi hoàng-hôn chụp
xuống, ếch nhái ngoài ruộng đã bắt đầu rỉ-rả inh tai...

Bây giờ khoảng sáu giờ hơn, nhưng nhờ đồng trống nên trời hãy còn sáng rỡ. Thiên
đứng trên hè trại của người bạn ở dãy đối diện sau khi tán gẫu về chuyện trên
trời dưới đất, rồi trở lại chỗ ở của mình sớm hơn như đã hứa với người bạn Y
sĩ. Thiên vươn vai hít thở chút không khí trong lành của đồng nội bao la từ
những cánh đồng nước về mùa mưa nhẩy lên sáng loáng bên kia bờ rào dây kẽm gai
chằng-chịt, mà 3 mặt là các dãy nhà lá lụp-xụp để tù ở sau những giờ lao động
kéo dài từ năm này qua năm khác không thấy ngày về. Ở giữa là căn nhà Trung
ương tươm-tất hơn, chung quanh có rào kẽm đơn giản để cho Trại Trưởng là một
Trung tá VC ở với gia đình, có ao nuôi cá, trồng rau trên những mô đất cao do
tù đắp và một tiểu đội Vệ binh túc trực giữ an ninh với nội lịnh nghiêm nhặt:
không tên tù nào được bén mãng tới khu vực này với bất cứ lý do nào vì chúng
rất sợ tù ám sát, giống như quy định trong trại, khi tù đứng cạnh bất cứ cán
binh nào đều phải buông vật nguy hiểm (như cuốc, xẻng) xuống đất và đứng
nghiêm, chờ cán binh đi qua khoảng 5 thước, tù mới được cầm vật dụng lên lao
động tiếp...Thiên cố nghĩ đến những cọng rau muống có thể cứu mình nơi đây là
thực tế nhất mà chàng có thể kiếm được dễ hơn là những viên ký-ninh, mới cũng
chỉ trong lời hứa của một người bạn tù, vì dù thế nào thì chàng cũng phải tìm
mọi cách để sống sót cái đã, vì nghĩ lại trong đời lính chàng chưa bỏ chạy bao
giờ, nên chàng không thể chết mòn ở đây bằng cơn bịnh sốt rét ngã nước mà
chàng thường bị ngày còn bé lúc tản cư chạy giặc thời chiến tranh Đông 
dương...Đứng tựa lưng vào tường, vòng hai tay trước ngực suy nghĩ, bỗng dưng
đôi mắt Thiên sáng rỡ lên khi chàng nhìn vào vườn rau xanh mướt của tên Trại
Trưởng trước mặt có mấy con vịt bầu lông trắng mập ú bơi-bơi trông phát thèm
và từng "dề" rau muống thả dưới ao bò lan ra khỏi rào kẽm mắt cáo, cọng màu tím
nhạt, lá xanh um...mà chủ nhà chả thèm ăn vì bây giờ bổng lộc phủ-phê cao
lương mỹ vị rồi...Đó là mục tiêu của Thiên, chàng sẽ giả vờ mò cua cạnh bờ rào
rồi quơ đại vài nắm rau nhét vô trong áo là xong, là có thể ngáp-ngáp thêm thời
gian nữa được, chờ thời...Giữa những cái nghiệt ngã, chàng lựa chọn cái ít
nghiệt ngã nhất, vì trong lịch sử loài người chưa ai phải chết vì cọng rau cả,
nhất là cọng rau dễ trồng như rau muống mà ở miền Nam người ta chỉ dành để
nuôi heo...

                                         *

Vào một buổi chiều trời vừa sụp tối, hơi mưa, ánh mặt trời còn sót lại ở
phương tây rất ít sau những hàng dừa xanh của khu xóm nhỏ một sóc Miên, chiếu
lên những cụm mây bay lạc-loài tạo thành một thứ ráng đỏ kè như máu, anh em tù
còn tụ năm tụ bảy nơi hè nói chuyện gẫu trước giờ sinh hoạt thường lệ để kiểm
thảo trong ngày, thì hốt nhiên người ta nghe tiếng Vệ binh thổi còi báo động
ỏm tỏi, chúng chạy sồng-sộc, súng cầm tay lên đạn răng-rắc mà ai cũng tưởng là
có tù vượt ngục như đã từng xảy ra trong quá khứ vì người tù đã đến hồi không
còn cố gắng nổi cái cố gắng sau cùng nên đã lựa chọn giữa cái chết và sự vượt
thoát để tìm cái sống trong đường tơ kẽ tóc, đồng lúc người ta cũng nghe tiếng
của viên Đội trưởng Vệ binh quát to:

-Các Đồng chí bắt lấy nó lên đây trói vào cột này, mau lên!

Tiếng bọn lâu-la đồng loạt:

-Tuân lịnh, Đồng chí!

Người ta nghe nhiều tiếng chân lội bì-bõm dưới sình và tiếng kêu của báng súng
nhờ tiếng dội ngược của cơ-bẩm bởi lực hồi khi nện vào một người đàn ông mà ai
cũng biết là chỉ còn bộ xương nếu không phải là bọn Vệ binh hay Cán bộ Quản
giáo, trong tiếng hét lớn:

-Ai cho phép mày tới vùng này, phạm quy định?

-Không ai cho phép cả! Tôi bịnh!

-Mày có biết khu nhà Trung ương thuộc vùng cấm không? Mày muốn do thám để ám
sát Cán bộ phải không, sao giờ này mò vô bờ rào!?

-Tôi bịnh, nên cần ít rau muống!

Dưới ánh đèn điện vàng-vọt nơi góc rào của nhà Trung ương để giữ an ninh, người
ta nhìn thấy dáng ốm yếu của Thiên cúi xuống, khi tên vệ binh lôi ra từ vạt áo
chàng mấy sợi rau muống ướt mèm có pha màu xám của sình non, giữa sự ngạc nhiên
của anh em tù, lẫn bọn vệ binh, vì chẳng ai nghĩ Thiên lại đói đến mức trời đã
tối mà lại mò đến bờ rào cấm của khu nhà Trung ương ăn trộm rau muống để đến
nỗi bị hạ nhục như vậy, nên một vài anh em bất bình, dù cũng thông cảm rằng
Thiên đã lâu chẳng được ai thăm nuôi, ngoại trừ chỉ có một người hiểu rõ lý do
duy nhất là Bác-sĩ Đức.

Tên đội trưởng cầm khẩu Colt chỉa vào đầu Thiên hô lớn:

-Quỳ xuống!

Thiên vẫn trơ-trơ, hai tay bị trói ngoặt ra phía sau.

-Tao bảo mày quỳ xuống! Ngoan-cố hả!?

-Bắn tôi đi! Đừng làm nhục!

Thế là những báng súng A.K của hai tên Vệ binh đứng hai bên giáng xuống vai Thien
tới-tấp mà hàng mấy trăm người bạn tù đứng trên hè trại nhìn ra rất lo ngại cho
mạng sống vốn tàn kiệt của Thiên. Thiên chỉ ưỡn người chịu đựng nhưng nhất định
không quỳ. Hai tên vệ binh mang súng vào vai rồi đồng loạt dùng hai tay đè
lên cả hai vai Thiên nhấn mạnh xuống, nên chàng đành quỵ, nhưng khi chúng buông
tay ra là chàng đứng lên như con "lật đật", khiến cho bọn Vệ binh càng sôi máu
đánh dữ...

Lúc đó có tiếng vài người bạn tù đứng dưới hiên nói vọng ra với giọng đầy nước
mắt:

-Quỳ xuống đi Thiên, đừng chống họ!

Thiên hét to đến thất thanh:

-Không thể nhục-nhã như vậy được các bạn! Các ông bắn tôi đi!

Tiếng viên Đội trưởng hùng-hổ:

-Mày ngoan-cố, muốn khởi-nghĩa hả! Bốp, bốp! Các Đồng chí đè nó xuống cho
tôi! Đánh cho lụy luôn mấy thằng "phạm" cứng đầu, nếu cần tử-hình làm gương
cho những thằng khác!

Thế là trận mưa báng súng lên vai, lên cổ, lên lưng của người tù bị trói gô
vốn không còn một bắp thịt nào để đỡ đòn cả, cho đến khi người ta không còn
nghe thấy gì nữa, ngoại trừ bộ xương mềm nhũn ngã quỵ, nghẹo đầu sang một bên,
mà các bạn tù ai cũng nghĩ là Thiên đã ra đi trong vinh quang, nên có người làm
dấu Thánh-giá...

Tiếng viên Chỉ-huy ra lịnh:

Các Đồng-chí mở trói, lôi nó về nhốt trong phòng "Kỷ luật", rồi tính sau!

Chừng đó người ta mới biết Thiên còn sống nhưng sợ với trận đòn như vậy chắc cũng
không qua khỏi đêm nay nếu như chàng bị nhốt trong "phòng Kỷ luật" - thực ra,
chỉ là cái "Connex Mỹ" bằng sắt còn sót lại thời chiến tranh,  rỉ sét, ngày nóng như thiêu, tối lạnh như cắt, chỉ có một cửa nhỏ để chuyền thức ăn cho tù thường bị cắt xén đi rất nhiều theo quy
định trừng phạt...

Sáng hôm sau, trước khi ra đồng làm công tác lao động tất cả tù đều bị tập
trung tại sân trại để cho tên Trung Tá trưởng trại nói chuyện về sự vi phạm
quy định của một người tù đêm hôm qua với tội danh"Có hành động muốn ám sát
Cán bộ Quản giáo" cùng những xử lý tương lai để làm gương...trong lúc Thiên
nằm như cái xác không hồn, cong người trong chiếc "Connex" ẩm ướt nghe đau từng
phân vuông trên cơ thể mà đón chờ một kết luận thảm khốc cho chính mình. Và,
sau đó chừng khoảng một tuần Thiên được chuyển đi một trại khác không được tiếp
xúc bất cứ đồng đội nào, với khuôn mặt đầy những vết bầm chưa tan, bước đi
trên đôi chân khập-khểnh đầy ghẻ lở, ốm tong-teo như hai ống sậy - nhưng là
hai ống sậy biết đứng lên trong sự bất khuất chỉ vì "Danh dự" của một Quân lực,
hay xa hơn là "Nhân cách" của một Con người...mà chỉ có một người hiểu rõ, với
nỗi ân-hận bởi quá nhiều lòng từ-tâm của một Y-sĩ, cũng là một người bạn tù
thân tín cùng nằm bên, chính là Bác-sĩ Đức...đang cúi đầu với những giọt nước
mắt âm-thầm, pha lẫn lòng cảm phục về một người tù đau ốm cô-quạnh không có ai thăm
nuôi từ lâu, nhưng vẫn muốn tìm cái sống đã chứa sẵn cái chết bên trong và
chịu mọi tủi-nhục đau-đớn chỉ vì hắn muốn được "làm người"...


 NGUYỄN-TƯ

QUÊN SAO...?( Thầy Nguyễn Tư Thiếp )


QUÊN SAO...?


Sydney,
đang vào cuối Thu,

 vàng lác-đác...
thoáng như sang mùa...!

Hơi Đông,
lành-lạnh,
gió a...

Nghe chút rét,
buốt,
mới vừa qua đây...!

Em xưa,
còn nhớ i này,

Vẫn  lận-đận chân mây,
xa ..!

Cách ngăn vạn-lý,
cho ...

Tấm lòng tri-ngộ,
cũng như thuở nào...? 

Em,  
chừ bỗng hỏi:
quên sao”?

Mới hay,
mình đã vắng nhau,
mấy mùa...

Thôi thì
 quên hay chưa

Nhưng,
tình vẫn nặng,
nên vừa nhớ đây..!? 

*Nguyễn-Tư
    

NGÔI CHÙA TRONG TÂM TƯỞNG ( Thầy Nguyễn Văn Sâm )


NGÔI CHÙA TRONG TÂM TƯỞNG


Bửu Ốc Tiêu vừa đi vừa đá trái cầu thằng Đạt mới cho. Cầu vừa chưn ghê, chỉ có ba miếng vảy cá còn bao nhiêu là da cắt tròn vanh thiệt khéo, da thiệt, đá êm mà đầm vô cùng, không bao giờ xẹt bậy, mới thử có mấy cái mà thằng Bửu đã cảm thấy điều khiển cầu nầy dễ dàng, đá mộ ngàn cái coi như dễ ẹt. Bốn cái lông gà thuộc loại đẹp, mới, không biết thằng Đạt kiếm ở đâu mà đầy đủ lông tơ, chưa thấy chỗ nào xước ngược. Đá đâu độ chừng năm chục cái, và di chuyển khoảng đường chừng bằng một hơi u mọi nó đá hất trái cầu lên vai, lấy vai huých xẹt ngang trước mặt thằng Đạt, tuyên bố dõng dạc:
‘Tao chịu cầu nầy quá, từ bây giờ trở đi thằng Đạt, thằng Oanh, thằng Nhàn được quyền chép Toán của tao, chỉ cần tụi bây chép khác khác một chút thì được, ổng không thể nào biết đâu. Bữa nào có Toán cần nộp bài tụi bây nhớ tới trường sớm, tao đưa bài và chỉ mánh lới cho chép…’
Cả bọn hoan hô nó còn hơn anh hùng thắng trận trở về sau một thời gian dài gian khổ chống ngoại xâm.
Thằng Bửu Ốc Tiêu tiếp tục đá tiếp, giữ trái cầu trên không cho đến khi tới trước nhà mình mới ngừng lại chụp trái bỏ gọn vô túi, mỉm cười tự thưởng.
Thằng Đạt nảy giờ vẫn lẻo đẻo theo sau, nói nhỏ với Bửu:
‘Tao cho mầy hai chục mai ăn hủ tíu, mỗi tháng cũng đều có như vậy, nhưng mà từ nay mầy không được cho thằng nào coi bài nữa ngoài mấy đứa tụi tao. Ai cũng làm bài được thì còn ai học dỡ, phải có đứa đội sổ mới được, tụi tao đội nhiều rồi, bây giờ phải thế vai.’
Thằng Bửu nhớ tới thằng Phan, ông già thằng nầy tháng trước năn nỉ nó cắt nghĩa bài giùm giúp vì nhà nghèo thằng con nghỉ học nhiều nên bị mất căn bản. Nếu nó học dỡ không lên lớp được năm nay thì bị đuổi phải ở nhà thôi. ‘Cháu mà giúp nhà bác thì như là cháu cất được năm bảy kiễng chùa…’ Ông nói giọng tha thiết, mắt rưng rưng.
Thằng Đạt còn nhấn mạnh: ‘Nếu mầy giúp nó thì mỗi tháng không có hai chục, lúc tụi tao đi chơi không cho mầy theo, tụi tao ăn gì mới cho mầy ké chút đỉnh thôi…’
Thằng Bửu đắn đo một chút rồi gật đầu. Không giúp thằng nầy thì giúp thằng khác, có chuyện gì đâu. Mình nhà nghèo cần tiền. Nó chào thằng Đạt, một tay mân mê trái cầu một tay cho vào túi cảm nhận xấp tiền, vừa bước vô nhà vừa hút gió một cách vô tư.
Tôi có người bác ruột, bác Ba, tu ở cái cốc trong khuôn viên nhà vốn là một khu vườn dừa rộng rãi. Hằng ngày tôi được đánh thức dậy bằng tiếng mõ lốc cốc, tiếng kệ kinh ê a của sư bác khi trời mới vừa hừng sáng. Má tôi nói sư bác trước dạy học cũng nổi tiếng trong vùng, bỗng nhiên từ nhiệm về đây dựng cốc tu hành, chắc có tâm sự gì đó. Má còn nói kệ kinh công phu sáng của sư ít nhứt cũng đánh thức người chung quanh dậy đúng giờ, đó là chưa kể gương kiên nhẫn của sư là một bài học quí giá nên theo. Buổi chiều, trời mới chạng vạng là sư đã có thời kinh tối, chăm chỉ, không ngày nào mệt mõi. Cái cốc của sư bác là nơi tôi thăm viếng khi thiếu lũ bạn cùng lứa để rong chơi ngoài đồng hay tắm sông, bẻ mía, lặt dừa, tát đìa, mò cá... Lần nào sư bác cũng cho trái cây cam quít, chuối, đu đủ… chín rục có những dấu tích đổi màu do chưng hơi lâu trên bàn Phật. Nhiều khi qua cốc lúc sư đương thời kinh, tôi tự nhiên ngồi ở một mép chiếu để lắng nghe cái âm thanh huyền bí có sức ru ngủ mình với tất cả sự thích thú và lòng kiên nhẫn đợi chờ được sư bác vò đầu nói vài ba câu chuyện đời rồi cho ê hề bánh trái.
Lần nào cũng vậy trong khi chờ đợi, tôi tò mò nhìn mấy tấm tứ thời treo trên vách lá vẽ hình ông Phật ngồi nhắm mắt tham thiền hay ngắm nghía hình quỹ dữ mặt xanh nanh vàng, đầu u nần năm bảy cục đang lấy chỉa ba đâm người hay kéo lưởi cắt họng thiên hạ. Lúc rảnh rang sư bác thường cắt nghĩa về những bức tứ bình đó và thường nhấn mạnh bây giờ là đời mạt pháp quỷ sứ ma vương tràn đầy ngoài đường, đức Phật Bồ Tát cũng xuống thế độ nhơn nhưng ít thành công hơn thời Thượng Nguơn vì con người bây giờ làm điều xấu quá nhiều.
Tôi thắc mắc là sao ngoài đường không bao giờ thấy quỉ sứ, ma vương gì hết. Sư bác cười, vò đầu tôi hỏi: ‘Con có bao giờ thấy thằng ăn trộm, thằng đâm thuê giết mướn không? Nó trộm đồ mà người ta đổ biết bao nhiêu công khó mới có, nó nhận tiền người nầy để chém giết người kia… nhưng mặt mày nó ngoài đời cũng bình thường như chúng ta mà thôi. Đó là quỷ sứ nhập thân hay là ma vương hiện hình đó con. Thợ vẽ vẽ mặt mày ma vương có nanh vút là để cho dễ thấy dễ biết mà thôi, chớ thật sự quỷ sứ ma vương không khác gì người thường hết đâu con. Vậy nó mới sống chung lộn với người đời, mới hại người ta được.’
‘Còn Phật thì sao sư bác? Phật có hào quang trên đầu. Phật chỉ ngồi tham thiền thôi phải không sư bác?.
‘Đó là Phật ngày xưa lâu lắm rồi. Thời mạt pháp nầy Phật xuống thế gian ở mọi nơi, lúc nào chung quanh ta cũng có Phật, cũng có Bồ Tát giúp ta tranh đấu chống ma vương. Chỉ tại lòng ta không đủ tín thành để chấp nhận đó là Bồ Tát mà thôi.’
‘Sư bác nói khó quá con không hiểu.’
‘Nầy nhe! Phật không xuống thế bằng một nhân thân, mà xuống thế thành muôn vạn người vô hình hay hữu hình ở kế bên mỗi người chúng ta. Phật trợ duyên từng người để biến người đó thành Bồ Tát trong một thời khoản ngắn. Nếu người nào thành Bồ Tát nhiều lần, thành Bồ Tát lâu dài thì sau nầy khi chết sẽ được siêu độ. Nhưng bên cạnh người đó cũng có quỷ sứ, ma vương hiện diện. Nó xúi giục làm bậy như trộm cắp, láo xược, ngoại tình, gian dối, ức hiếp để dành giựt ruộng vườn nhà cửa của kẻ cô thế… nếu người nào nghe theo chúng thì biến thành ma vương một thời gian. Biến thành ma vương nhiều lần thì khi chết sẽ bị đọa địa ngục đời đời chịu khổ hình dưới âm ty không thể đầu thai.’
Tôi vùng ôm mặt khóc lớn, nức nở:
‘Vậy con sẽ bị đọa địa ngục. Sư bác cứu con với. Con ăn cắp hết ba trái xoài của bà nội vú trong khạp gạo rồi đổ thừa cho thằng em con. Lần trước nảy chuối sứ cũng vậy. Con cũng lén cạy ống heo của đứa em gái nữa, mỗi ngày cạy lấy một chút, con cũng bẻ trộm mía của hàng xóm, con cũng ăn hiếp thằng Tửng nhà xóm trên vì nó nhỏ hơn con.’
Sư bác tôi từ tốn giải thích:
‘Những lúc làm điều xấu như vậy con đã biến thành ma vương thời gian đó. Nếu con biết mình 1àm xấu mà chừa đi, mà ăn năn làm lành trở lại thì ma vương không thể dụ dỗ con để làm nô lệ cho nó nữa. Lâu ngày nó chán bỏ đi kiếm người khác dễ dụ dỗ hơn. Làm điều tốt thì con đã hóa thân thành Bồ Tát lúc đó. Bồ Tát hay ma vương là những trạng thái ngắn hạn trong lòng mỗi con người, không phải là trạng thái hằng cữu. Lúc làm Bồ Tát thì người ta sung sướng thơ thới lòng, mặt mày sáng sủa rạng rỡ như có hào quang tỏa ra. Lúc làm ma vương thì lòng nóng như bị thiêu đốt, khó chịu, mặt mày đăm chiêu buồn lo. Đó là lửa dục thiêu đốt lòng, đó là những u nần mọc ngược vào trong tâm não, đâm vào phía bên trong của người con.’
Tôi lý sự trả treo:
‘Vậy thì con người đồng thời là Bồ Tát và ma vương?’
‘Đúng vậy! Khi hành động vì người khác, mình là Bồ Tát, khi hành động có hại cho người khác để lợi cho mình, ta là ma vương. Nói là nói đơn giản như vậy, chứ hành còn hạnh nữa. Hành vi Bồ Tát nhưng tâm hạnh ma vương thì cũng là ma vương thôi. Mà thôi! Con buồn ngủ rồi, ta sẽ nói chuyện hành và hạnh trong dịp khác.
Tôi buồn ngủ thiệt tình, mấy từ ngữ khó nuốt trôi như hóa thân, trạng thái ngắn hạn, trạng thái hằng cữu, lửa dục hào quang mà không thấy được, u nần mọc vào bên trong tâm não nhảy múa loạn xạ trong trí tôi…. Tôi cũng ngán ngẫm khi nghe đến các khái niệm hành và hạnh. Chúng không hấp dẫn bằng nãi chuối thâm kim, mấy trái quít và hai chén chè trên bàn Phật trước mặt đang cười cười mời gọi.
Sư bác tôi nhìn thấy ánh mắt ước muốn của cháu mình, nói trong nụ cười hiền từ:
‘Con đương bị ma vương dụ dỗ đó. Bây giờ còn nhỏ thì chẳng sao đâu, ma vương chỉ dụ được những việc xấu nhỏ, nhưng đừng để ma vương có dịp lớn lên trong tâm hồn mình. Quan trọng là phải chống lại những cám dỗ của ma vương.’
Sư bác tôi đứng dậy nhón chưn hạ dĩa trái cây xuống, hào phóng đưa cho đứa cháu trần tục cùa mình thiệt nhiều quà của Phật.
Chỉ đợi có vậy, tôi kéo banh vạt áo trước ra đựng, hai tay ôm chặt, chạy u ra tuốt mé mương ngoài rìa vườn nhà nơi thường có mấy thằng bạn trang lứa tụ tập trững giởn, phá phách…
‘Xuống xe qua bac bà con cô bác ơi!’ Người lơ xe vừa nhảy xuống, xe vẫn còn trờ bánh tới nhè nhẹ, đã ca bài ca xưa cũ. ‘ Chỉ có ông bà già là được ngồi lại trên xe, còn ai thanh niên thì xuống đi bộ qua bac nhe! Tới trước kia mà nhận giấy qua bac.’
Mọi người lục tục xuống xe, người lếch thếch đi tìm chỗ tiểu tiện, kẻ xăm xăm vô quán kiếm chút gì đó dằn bụng, giáo Bửu theo đám đông bước về phía trước, chỗ xét giấy, nơi đây thằng lơ xe đã đợi sẵn chìa cho khách của xe mình tấm giấy trả tiền qua bac. Giáo Bửu nhìn đoàn xe nhà binh rồi lắc đầu ngao ngán: ‘Điệu nầy hai ba giờ đồng hồ nữa biết xe mình nhúc nhích được chưa. Xe nhà binh ưu tiên mà đi hành quân dài sọc như thế nầy qua tới bao giờ xe dân sự mới được qua.’
Anh bước vô đám đông để nghe điệu ca vọng cổ mùi tận mạng do một nghệ nhân lỡ thời đương xuống giọng xề. Nghệ nhân cụt hết hai tay tới cùi chõ, chỉ còn lại lủng lẳng hai cánh trước. Anh ta mang trước ngực một cái lon sửa bò là chỗ đựng tiền do khách bộ hành mũi lòng thương hại bố thí cho. Cái micro được cột vô một cánh tay cụt, khi nghệ nhân cất giọng ca thì giơ lên, người cột đã canh vừa đủ tầm cho âm thanh có thể bắt được.
Giáo Bửu hờ hững nghe, cũng bâng quơ ngó người đàn bà già trước tuổi đi sau nghệ nhân, ôm cây đàn. Bỗng anh như nhảy nhổm lên hỏi lớn:
‘Phải mầy đó không Phan?’
‘Phải! Bửu còn nhìn tôi sao? Tưởng giả bộ quên tôi rồi!’
Giáo Bửu ứa nước mắt, hai tay choàng qua ôn bạn:
‘Hơn chục năm rồi mình không gặp nhau. Cuối năm học đó mình không bao giờ gặp lại bạn nữa.’
Người chung quanh tò mò nhìn sự tương phùng của hai người bạn. Người đàn bà của Phan lãnh đạm ngó bạn của chồng.
Giáo Bửu xăng xái mời hai người ghé vào quán gần đó…
Bên ly trà đá người nghệ nhân kể lại đời mình với một giọng thiệt bình thường nhưng Giáo Bửu nghe như kim đâm vô tim từng cái từng cái đau điếng hồn:
‘Tôi mất căn bản về Toán và Sinh ngữ, anh chỉ giùm thì biết chút chút vậy thôi, Khi anh quá bận thì tôi đành chịu. Cuối năm đó thi lên lớp rớt, phải về quê làm ruộng với ông già.Anh cũng biết vùng xôi đậu mà, ban ngày bên quốc gia, ban đêm họ về, tuyên truyền, bắt lính…. Họ bắt mình theo vô bưng. Thời chiến tranh mà! Vướng vô vòng thì không chuyện nầy cũng chuyện khác.Trong một trận chống càn, tôi bị pháo trúng....tàn phế nên được tản cư ra chợ đã năm sáu năm nay. Còn sống là may. Có người vợ chịu thương chịu khó theo mình cũng là một cái may nữa. Gặp anh, anh không sợ mất thể diện mà nhìn bạn, tôi sung sướng vô hồi. Mấy năm nay tôi sống trong bi thiết chán chường lúc nào cũng muốn rũ sạch bụi trần để ra đi. Đời mình còn gì nữa đâu để ham hố níu kéo. Chưa làm được vì còn một mụn con thơ và người đàn bà tri kỷ.’ Giọng Phan nhỏ dần như tiếng thở dài hiu hắt. Giáo Bửu nghẹn ngào ray rức trong tâm, thấy dường như mình có lỗi .
Tôi đi trả nợ cho nửa quê hương thất trận hơn mười năm trở về, ngơ ngác giữa dòng đời bon chen xào xáo nhưng hiếm hoi chân tình với người chung quanh gần gũi. Cha tôi đã mất, sư bác cũng đã siêu linh tịnh độ hơn bảy tám năm nay rồi. Những buổi chiều buồn, tôi lang thang vô cái cốc đóng kín cửa hoang phế, phủ bụi từ ấy để tìm chút dư vị tuổi thơ. Một lần tôi tò mò mở một gói giấy dầu đặt ở cuối góc trang thờ Phật, ngoài có đề mấy chữ nắn nót: Kinh Phật Di Di Đà. Tôi mở ra, ngoài hai gói kinh còn có một gói tiền toàn giấy nhỏ một trăm, hai trăm, năm trăm, một ngàn, hai ngàn .. và một bức thơ gởi cho tôi.
Phong Điền, ngày tháng năm vô vọng.
Tuấn con,
Tiền nầy sư bác chắt mót kỳ khu hơn hai chục năm mới có được. Đổi đi đổi lại thì ra thế nầy, đủ để mua mười lượng vàng hay cất một kiểng chùa nho nhỏ cho Phật tử có nơi đến chiêm bái đấng Từ Phụ. Đủ tiền thì sư bác thỏa mãn ước vọng xây chùa đồng thời thất vọng về chính mình, té ra bao nhiêu năm nay mình lặn lội cực nhọc, mình dè xẻn khiêm tốn vì một số tiền, mình cười với tín hữu nầy, vâng dạ với tín hữu kia vì số tiền đó.
Ngôi chùa phát họa trong tâm tưởng hướng dẫn cái hành Bồ Tát, còn cái hạnh Bồ Tát của sư bác nằm ở đâu? Cất chùa lớn rồi thì sư bác phải dính vô chuyện duy trì chùa, bão vệ chùa, sư bác sẽ sinh hoạt chùa chớ còn đâu tâm trí để tu hành kệ kinh, sư bác sẽ làm chuyên chùa sự chứ đâu phải làm chuyện Phật sự. Cái hạnh Bồ Tát suốt đời sư bác nhắm về coi như mỗi lúc càng chạy ra xa.
Khám phá ra điều nầy, sư bác thấy bao nhiêu năm nay tưởng rằng mình làm đúng hóa ra sai. Sư bác tạ lỗi với chư Phật bằng cách tuyệt thực từ từ cho đến ngày được về chầu Phật tổ. Số tiền nầy con có toàn quyền sử dụng theo ý muốn, có ích cho con hay cho người khác đều được.
Nhưng con nên nhớ cái hạnh đáng quí gấp mấy lần cái hành.
Cầu nguyện ơn trên gia hộ cho con.
Thích Giác Nguyện.
Chỗ ký tên thế danh lâu ngày mực nhòe nhoẹt không đọc được, cố gắng lắm mới nhìn ra là Nguyễn văn Bửu.
Số tiền đó má tôi chép miệng than rằng với thời giá, mua chưa đầy ba chỉ vàng, một cái chùa bình thường nho nhỏ ở vùng quê lúc nầy cũng phải tốn gấp trăm lần số đó. Ngồi nhìn gói tiền lâu ngày ẩm mốc, bốc mùi tanh tanh từ những bàn tay dính đầy dầu mở, cát đất, cá thịt của chúng sanh nghèo khổ khi cúng dường cho sư, tôi quyết định đem đốt bỏ để giải thoát hương linh sư khỏi vướng víu với nó nữa. Nơi chốn thiêng liêng kia chắc sư không còn thắc mắc về hành hạnh, theo tôi hai khái niệm nầy hòa quyện lẫn nhau không có lằn ranh phân biệt, càng biện biệt ta càng bị bủa vây không lối thoát…
Xếp bằng chỗ ngày xưa sư bác đặt bồ đoàn ngồi gõ mõ tụng kinh, tôi đốt từ tờ những tấm giấy bạc thiệt như người ta đốt giấy tiền vàng mã. Ngọn lửa xanh lân tinh từ tốn ngún cháy, liếm từ chút từ chút, mấy cái hình trên giấy bạc bỗng chốc trở nên méo mó dị dạng. Tôi chợt mơ hồ thấy nụ cười hiền từ của sư bác quanh quẩn đâu đây.
‘Mong sư bác siêu thăng, hành và hạnh Bồ Tát chẳng qua là những điều dạy đạo lý giúp người đời sống từ bi vị tha, sư bác đã hành thiện, đã sống xứng đáng là một con người khi cố gắng thực hành một ước vọng không vì mình. Sư bác đáng được về cõi tĩnh hằng miên viễn như một Bồ Tát….’


Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA 12/09