Thursday 29 November 2018

PHIM CỔ TÍCH : CÂY TRE TRĂM ĐỐT


Phim Cổ Tích : Cây Tre Trăm Đốt / 32:47

BÀI HỌC YÊU ĐƯƠNG ( Như Nguyệt )




BÀI HỌC YÊU ĐƯƠNG


Chắc anh đau lòng lắm
Bắt gặp em có người yêu khác
Đời sống này bẽ bàng, quái ác
Phụ tình, tình phụ… lẽ thường thôi!
Bao nhiêu năm nổi trôi
Vẫn không thể quên anh
Dẫu giờ đây anh ngủ yên nơi huyệt lạnh

Sáng nay trời lành lạnh
Bỗng nhớ lại mối tình xưa cũ
Nhớ đậm đà dù khối óc âm u
Ôi nghiệt ngã, một mối tình sa đọa
Em yêu anh, yêu bất chấp, mù lòa

Mỗi lần nghĩ đến anh, làm thơ… em khóc!
Vết thẹo đời bị cào, xới nên đau
Trái tim em tại ai mà nhướm máu?
Chẳng thể nào lành lặn lại anh ơi!

Một tình yêu thay đổi cả cuộc đời
Bài học yêu đương mà anh là thầy giáo
Em ngây thơ bước vào tình chao đảo
Yêu khạo khờ, yêu mê dại xiết bao!

Sáng hôm nay, chẳng biết tại vì sao?
Em nhớ lại, nhớ cái ngày hôm đó
Ngày mà anh đau khổ, ….mất em!
Cố quên anh, em có người yêu khác
Hiểu cho em, không là người tàn ác
Người nhẫn tâm, đào hoa chính là anh

Bài học tình, học mãi chẳng nên thân
Bởi thầy giáo kinh nghiệm nhưng tàn nhẫn!

Như Nguyệt


TỨ ĐẠI PHÚ HỘ SÀI GÒN XƯA


TỨ ĐẠI PHÚ HỘ SÀI GÒN XƯA


Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa mà tài sản vua chúa chưa chắc hơn được!


Nhất Sỹ
Nhân vật này chính là ông ngoại của Hoàng hậu cuối cùng của đất An Nam - Nam Phương hoàng hậu. Ông xuất thân trong một gia đình công giáo tại Sài Gòn và là con chiên ngoan đạo, chính vì vậy khi ở tuổi thiếu thời ông Lê Nhứt Sỹ (1841 - 1900) được các tu sỹ người Pháp đưa sang Malaysia để học tập và sau này khi về lại quê hương, ông đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên thật trùng với một người thầy trong tu viện.
Tượng điêu khắc ông Huyện Sỹ tại Giáo xứ Chợ Đũi
Có học vấn cao và biết nhiều ngôn ngữ, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn rồi tiếp sau đó là Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Dân chúng gọi ông là Huyện Sỹ bởi tên họ chỉ thay trên giấy tờ, còn xưng hô ngoài đời thì người quen vẫn quen gọi bằng tên cũ.
Có nhiều giai thoại về sự giàu có của ông Huyện Sỹ, người thì bảo rằng do ngôi nhà gốc của Huyện Sỹ ở đất Tân An (Long An) được xây trên đất hàm rồng nên phong thủy tốt, đường tài danh cả dòng họ phất lên. Nhưng theo một số tài liệu ghi lại thì Huyện Sỹ giàu lên là do may mắn “trúng đất”.
Giáo Xứ Chợ Đũi, Quận 1
Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, dân di tản tứ phương, ruộng không nhà trống đầy rẫy. Thế nhưng, chính quyền khi ấy bắt ép ông phải mua ruộng đất, bất đắc dĩ ông chạy vạy khắp nơi để mua đất tứ phương. Nhưng số trời đã định, ông Huyện Sỹ phải giàu, đất ông mua liên tiếp trúng mùa, lúa thóc bạt ngàn khiến ông phất lên không tưởng.
Ông Huyện Sỹ dùng sự giàu có của mình để xây dựng các công trình tôn giáo vì nhờ đạo mà ông được đi học và có nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời. Quy mô nhất phải kể đến là Nhà thờ Huyện Sỹ - hay còn biết đến tên Giáo xứ chợ Đũi, công trình kiến trúc quy mô nhất tốn hơn 1/7 gia sản của ông.
Nơi an nghỉ của Huyện Sỹ và vợ tại Giáo Xứ Chợ Đũi, Quận 1
Về phần đất đai rộng lớn, để dễ hình dung hãy thử chạy xe từ Nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1) đến nhà thờ Chí Hòa (quận 10) rồi nhà thờ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), bạn sẽ thấy sự trải dài đất đai của phú hộ giàu nhất Nam Kỳ thời bấy giờ này. Tất cả các nhà thờ đều được xây dựng trên đất của ông.
Nơi an nghỉ của Huyện Sỹ và vợ tại Giáo Xứ Chợ Đũi, Quận 1
Huyện Sỹ qua đời năm 1900 còn vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất sau đó 20 năm. Thi thể 2 người được chôn ở gian sau cung thánh nhà thờ Huyện Sỹ. Tại đây, 2 bên là 2 tượng bán thân của 2 ông bà, bằng thạch cao. Ở giữa là 2 phần mộ bằng đá cẩm thạch, bên trên mộ là 2 bức tượng toàn thân của 2 ông bà, cũng đều bằng đá cẩm thạch với hoa văn tinh xảo. Đây có thể xem là ngôi mộ đẹp nhất và còn bảo toàn trọn vẹn nhất trong các ngôi mộ của tứ đại phú hào.

Nhì Phương
Nhì Phương là tên gọi của Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914), con trai đại địa chủ Nam Kỳ thời bấy giờ là Bá Hộ Khiêm. Ông Đỗ Hữu Phương thuộc vận mệnh sinh ra đã ngậm thìa vàng, cuộc sống nhung lụa giàu sang và địa vị khủng hiếm địa chủ nào cùng thời có được.
Hình ông Tổng đốc Phương in trên con tem Đông Dương
Không những gia sản ruộng vườn rộng lớn, bá hộ Khiêm - cha ông Phương là một trong những người thức thời, khi biết làm ăn buôn bán với người ngoại quốc từ sớm.. Chính lẽ đó, tài sản gia đình ông Phương ngày một tăng lên, người ta còn nói vui rằng, của cải nhà ông có khi đếm cả đời chẳng hết.
Bá hộ Khiêm dạy con khá nghiêm khắc, ông Phương được cha cho học tiếng Hán từ nhỏ, sau này biết thêm cả tiếng Pháp và là một thanh niên có tầm hiểu biết, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức văn hóa, chứ không phải chỉ biết tiêu tiền như những công tử con nhà bá hộ khác. Sau khi cha mình qua đời, ông Phương được thừa hưởng khối tài sản khổng lồ và cũng từ đó người ta gọi ông bằng cái tên Bá hộ Phương.
Năm 1861, Sài Gòn - Chợ Lớn được chia làm 20 hộ, ông Phương qua lời giới thiệu của cai tổng Đỗ Kiến Phước, được người Pháp trọng dụng cho làm hộ trưởng, rồi từ đó ngày càng thăng tiến với nhiều chức vụ khác nhau. Ông gia nhập quốc tịch Pháp năm 1881, đưa các con sang Pháp du học. Gia đình ông có 8 người con, 5 trai 3 gái.

Tam Xường
Tam Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842-1896), tên tự là Phước Trai. Được biết đến là một người giàu có, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường - Lý Tường Quan được ghi chép lại rất ít. Theo đó, Lý Tường Quan là người Minh Hương (Hoa Kiều trung thành với nhà Minh) chống lại nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam Việt Nam.
Lý Tường Quan trở thành thông ngôn cho Pháp nhờ thông thạo cả tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, và được tin tưởng, trọng dụng. Tuy nhiên, trong lòng ông luôn muốn trở thành người có dấu ấn đậm nét hơn việc chỉ làm một viên thông ngôn quen, chính vì vậy ông đã tham dự thương trường, tập tành buôn bán kinh doanh.
Căn nhà thờ của Lý Tường Quan hiện tại ở Quận 5
Lý Tường Quan chọn buôn bán lương thực, thực phẩm cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Bằng sự khéo léo cùng với huyết quản vốn nhạy cảm với thương trường, chẳng mấy chốc ông phất lên trông thấy. Bên cạnh đó, ông còn biết cách đi cửa sau, lấy lòng quan Tây, quan ta nên việc làm ăn cứ xuôi chèo mát mái. Do Tường Quan còn có tên khác là Xường, lại rất giàu có, nên người dân thường gọi ông là Bá hộ Xường.
Bá hộ Xường bắt đầu mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán, càng ngày càng trở nên giàu có. Dinh thự của Bá hộ Xường rất bề thế, ngày nay tọa lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Không giỏi dạy con như Bá hộ Khiêm, thành thử khi ông qua đời vào năm 1896, tất cả sản nghiệp cả đời ông gầy dựng chẳng mấy chốc tiêu tan do con cháu ăn xài phung phí.

Tứ Hỏa
Một trong những cái tên được người dân biết nhiều nhất chính là Hứa Bổn Hỏa, hay còn gọi là Chú Hỏa. Tên tiếng nước ngoài của ông là Hui Bon Hoa (1845 - 1901), chú Hỏa là người gốc Hoa và cũng theo đạo Công Giáo giống Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt.
Tượng Chú Hỏa
Chú Hỏa nổi tiếng bởi các công trình kiến trúc mà ông xây dựng cùng giai thoại về người con gái chết trẻ của mình (chuyện này là sự đồn thổi dân gian không rõ thực hư). Một trong các dinh thự lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ chính là tòa nhà có 99 cánh cửa nay là Bảo tàng Mỹ Thuật Hồ Chí Minh ngụ trên đường Phó Đức Chính, và khách sạn có vị trí đẹp bậc nhất Sài Gòn - Majestic.
Không có nhiều tài liệu ghi chép về Hứa Bổn Hỏa, chính vì thế có khá nhiều lời đồn đoán về sự giàu có của ông. Nổi tiếng hơn cả là giai thoại chú Hỏa vốn dĩ chỉ là anh “đồng nát”, trong một lần đi nhặt nhạnh, may mắn tìm ra túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ và dùng số vàng đó làm ăn rồi giàu lên nhanh chóng. Các phiên bản khác của giai thoại này thay túi vằng bằng bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng, hoặc những thứ đồ cực kỳ quý hiếm trong những món đồ vứt đi. Và giai thoại vẫn mãi là giai thoại, chuyện vì sao chú Hỏa giàu đến vậy, hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Căn biệt thự 99 cánh cửa nổi tiếng với giai thoại "con ma nhà họ Hứa"
Bảo sanh viện Đông Dương - Maternité Indochinoise (nay là Bệnh viện Từ Dũ)
Khách sạn Majestic đắc địa Sài Gòn
Năm 1901, Chú Hỏa trở về Trung Quốc với vợ và mất ở đây, được chôn cất tại Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến. Chú Hỏa có tổng cộng 3 người con trai và họ đều là những nhân vật kiệt xuất, xây dựng và phát triển sự nghiệp sau khi cha hạ thế, cũng như giữ gìn sản nghiệp còn nguyên vẹn đến không ngờ. Từ năm 1951, các thành viên gia đình và con cái của dòng họ Hui Bon Hoa đã dần dần chuyển sang các nước khác: Pháp, Mỹ… Trước ngày 30-4-1975, tất cả thành viên của dòng họ Hứa Bổn Hỏa đã rời Việt Nam.
Chú Hỏa và gia tộc là những người có tấm lòng bác ái, khi tự bỏ tiền xây dựng khá nhiều các công trình công cộng để phục vụ nhân dân như: Bảo sanh viện Đông Dương - Maternité Indochinoise (nay là Bệnh viện Từ Dũ), Thành Chí học hiệu (nay là trường THCS Minh Đức - Q1), Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (đối diện chợ Bến Thành)...

GIỮA NGƯỜI VÀ NGƯỜI, BƯỚC LẠI QUÁ GẦN SẼ LÀM TỔN THƯƠNG NHAU



GIỮA NGƯỜI VÀ NGƯỜI,  BƯỚC LẠI QUÁ GẦN SẼ LÀM TỔN THƯƠNG NHAU

Có người ví von rằng, người với người chung sống với nhau là một loại học vấn, thật không hề dễ dàng. Xa rời nhau quá sẽ nhạt phai, nhưng gần nhau quá thì ân ân oán oán lại tìm đến.
Bất kể là người nhà, bạn bè, bạn học hay đồng nghiệp, khi tốt với nhau thì hai người có thể cùng chung manh áo tấm chăn, lúc trở mặt thì sống chết cũng không qua lại.
Đời người như cái thước, cần phải có mức độ. Tình cảm như thể diện, chớ vượt quá ranh giới. Chung sống giữa người với người, nhất định phải kiểm soát được mức độ, quan hệ dẫu tốt thế nào cũng không nên bước lại quá gần, nếu không cuối cùng rồi sẽ dần dần xa nhau.

Bước lại gần ai quá đều sẽ gây tổn thương

Giữa bạn bè với nhau, gần gũi quá thì nói năng không chú ý, tiền bạc không có phép tắc, hành động không được tôn trọng, thời gian lâu dần thì đường ai nấy đi.

Giữa người nhà với nhau, chớ quá can dự vào việc gia đình riêng của đôi bên, ngày ngày cứ dính chặt với chuyện con cháu thì không còn bản thân mình, cuối cùng tình cảm cũng trở nên xa cách.

Do đó muốn chung sống hòa thuận với người nhà, bạn bè thân thiết thì phải giữ một khoảng cách nhất định.

Vậy trong cuộc sống, làm thế nào để giữ được khoảng cách thích hợp? Xin đưa ra 5 điểm dưới đây để chúng ta cùng tham khảo.

1. Giữa vợ chồng, hãy giữ một chút không gian
Vợ chồng với nhau, quan hệ rất thân mật, nhưng điều đó không có nghĩa là giữa hai người không có chút bí mật nhỏ nào.
Nhất là khi vợ hoặc chồng có sở thích hứng thú khác biệt, không nên cưỡng ép người kia cùng sở thích giống với mình. Cần phải giữ một khoảng cách nhất định, tán thành sở thích của người kia, sau đó ai nấy có nhóm bạn riêng của mình, chung sống hòa thuận vui vẻ.
Giữa vợ chồng, hãy giữ một chút không gian. 

2. Với con cái, giữ khoảng cách “một bát canh”
Trong xã hội ngày nay, có nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn, không còn giành được nhiều thời gian để ở bên cạnh chăm sóc con cái. Lại cũng có nhiều bậc cha mẹ gần gũi và chăm sóc con cái quá nhiệt tình, không chuyện gì không tham gia vào.
Giữa cha mẹ và con cái là cần có khoảng cách. Tuy nhiên, khoảng cách ấy không được xa quá hoặc gần quá, như vậy hai bên mới đều có thể chăm sóc cho nhau, lại còn có thể tránh được một số mâu thuẫn và phiền phức không đáng có.
Có giới hạn, có khoảng cách, có liên lạc, có trông nom, khoảng cách tốt nhất chính là “khoảng cách một bát canh”. Con cái có bát canh ngon thì ân cần mang đến cho cha mẹ, cha mẹ có bát canh ngon thì có thể đem cho con cái. Chính là như vậy!
Trong cuộc sống giữ khoảng cách “một bát canh” với con cái, có thể thường xuyên ghé thăm, cho con cái bát canh ngon. Về tâm lý cũng cần giữ khoảng cách “một bát canh” với con cái, sẽ không vì nóng quá mà làm con bị bỏng, cũng không vì lạnh quá mà thờ ơ bận bịu chẳng quan tâm.

3. Giữa người thân không thể không có cái tâm cung kính
Tình thân là tình cảm khó mà chia cắt được. Tuy nhiên sống với người thân, chớ nên tùy ý quá, nhất định phải có lòng cung kính. Được người thân giúp đỡ phải cảm tạ, người thân có khó khăn thì phải kịp thời giúp đỡ.
Sự tình của người thân trong nhà, người nhà nguyện ý nghe thì hãy nói, không muốn nghe thì nói ít thôi, chớ can thiệp, càng không nên không e dè gì.
Trong tâm mỗi người đều có một góc riêng không muốn người khác đặt chân tới, vậy nên tôn trọng họ chính là tôn trọng tình thân của mình.

4. Giữa bạn bè luôn luôn ghi nhớ kỹ ‘không cầu xin mong muốn gì’
Một số người hễ có quan hệ với bạn bè thân cận một chút là bắt đầu có đủ loại yêu cầu, nếu bạn bè không đáp ứng được thì bắt đầu oán trách. Bạn bè như vậy sống với nhau sẽ khiến người ta cảm thấy mệt mỏi.
Tình bạn chân chính thì thuần khiết chân thành, không nhuốm màu công danh lợi lộc. Bạn bè giúp nhau được thì chính là duyên phận tình bạn, không nên dùng đạo đức để cưỡng ép họ, yêu cầu họ đáp ứng nhu cầu vô hạn của mình.
Giữa bạn bè luôn luôn ghi nhớ kỹ ‘không cầu xin mong muốn gì’. 

5. Giữa những người xa lạ, gặp người nên nói dăm câu ba điều
Cổ nhân có câu: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”. Ý nói rằng, tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.
Có người lần đầu tiên gặp nhau một hai lần mà đã tỏ ra vồ vập, thân thiết lắm. Với người lạ, dù ấn tượng tốt mấy cũng nên giữ chừng mực. Chớ có ý thăm dò đời tư của họ, nói chuyện cần phải giữ lại đường lùi, không nên bắt bí gây khó xử cho người.

Người ta khi càng có tuổi, càng trải nghiệm cuộc sống sẽ thấy rằng, tình yêu, tình thân, tình bạn… tình cảm nào cũng đáng nâng niu, trân quý. Do vậy, để giữ được sự trân quý ấy mới có lời khuyên rằng “không nên bước lại quá gần”. Giữ lại cho mình một khoảng thời gian hòa hoãn đủ để suy tư suy ngẫm, giữ lại cho người khác một không gian riêng, đó mới là khoảng cách tốt nhất.
Không cần phải gần gũi quá, bởi ai cũng có cuộc sống riêng của mình.
Không cần phải xa nhau quá, bởi cuộc sống này chúng ta còn cần gặp gỡ.
Một khoảng cách thích hợp vừa phải sẽ sinh sôi nảy nở điều tốt đẹp. Kỳ thực cũng chính là tôn trọng và trân quý lẫn nhau.



IM LẶNG LÀ SỨC MẠNH HAY LÀ SỰ LẠNH LÙNG?



IM LẶNG LÀ SỨC MẠNH HAY LÀ SỰ LẠNH LÙNG?

Khi đối mặt với mâu thuẫn, im lặng thực sự là một cách xử thế thông minh, có sức mạnh xua đi căng thẳng, hận thù. Thế nhưng, im lặng đôi khi lại chính là hành vi tiếp tay cho tội ác, bao che cái ác.

Khi nào thì chúng ta nên im lặng?

Đó là khi chúng ta cần nhìn lại bản thân mình. Ví như khi bị xem nhẹ, bạn đừng nên nói lời oán giận. Khi bị nhục mạ, bạn đừng nên nói lời xằng bậy vô nghĩa. Khi được khen ngợi, bạn đừng nên hoan hỉ mà nói lời ngạo mạn. Còn khi người khác có gì vui, hãy chú ý tới tâm ghen tị của mình mà tránh rêu rao lời đồn đại. Gặp những điều ấy, thì đúng là chúng ta nên im lặng…

Tại sao vậy? Vì mọi việc đều có nguyên nhân của nó, và điều đáng quý nhất của con người là biết tự nhìn lại bản thân mình để trở thành một người tốt hơn. Nếu bạn oán giận người xem nhẹ mình, chẳng phải là tấm lòng bạn cũng chẳng hề rộng rãi? Nếu bạn cãi nhau với người ta, chẳng phải bạn đang đặt mình ngang với họ?

Gặp chuyện không vui trong cuộc đời chưa hẳn đã là việc không tốt, vì bạn đã có được cơ hội tự hoàn thiện bản thân mình.

Im lặng chính là lúc bạn cảm nhận nhiều hơn về các sự việc, hiểu rõ nguyên nhân – kết quả, nhìn rõ những gì bản thân làm chưa tốt. Im lặng cũng là cách để bạn thể hiện cảm xúc của mình với người đối diện, khiến sự xao động trở nên bình tĩnh, khiến những cảm xúc tiêu cực chợt mất hút chẳng còn.

Nhà hiền triết Socrates từng thừa nhận rằng: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Ấy là vì tri thức tựa như biển rộng, còn những điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước trong đại dương.

Người ta chỉ nên nói về những điều mình biết rõ, và giữ thái độ cởi mở, im lặng, tôn trọng lắng nghe đối với những thứ bản thân chưa được tiếp xúc hoặc còn mơ hồ. Nếu như bạn nhất thiết cho rằng quan điểm của mình chẳng hề có chỗ sai sót, thì chẳng phải bạn đã trực tiếp đóng cánh cửa tri thức lại hay sao?

Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời.

Im lặng cũng cho con người ta cơ hội suy ngẫm, nhờ đó mà có được những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ.

Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng thì đừng phá khoảng riêng của họ, vì sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

Thế nhưng…

Im lặng không có nghĩa là không nói gì khi ai đó đang trò chuyện với bạn. Im lặng không có nghĩa là thụ động, dửng dưng với mọi thứ xung quanh. Im lặng không đúng cách cũng sẽ làm cho người ta nghi ngờ lẫn nhau, khiến lòng tin giữa người với người giảm sút.

Im lặng cũng không có nghĩa là hèn nhát trước cái ác, sợ bị “tai bay vạ gió”, sợ bị liên lụy đến lợi ích bản thân mình mà không dám nói lời công đạo.

Matin Luthern King đã từng có một câu nói bất hủ: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Nếu im lặng vì lợi ích bản thân, thì chính là đang tiếp thêm sức mạnh cho cái ác. Lẽ ở đời, tiếp sức cho cái ác, cái ác sẽ quay lại làm hại bạn.

Trong cuốn “Tận Tâm”, Mạnh Tử viết: “Điều con người không học mà biết đó là lương năng. Điều không nghĩ mà biết đó là lương tri”.

“Không nghĩ” ở đây không phải là không suy xét gì, mà ý Mạnh Tử là lương tri không phải thứ chịu ảnh hưởng của những suy nghĩ ích kỷ, bảo vệ bản thân, cũng không chịu ảnh hưởng của những quan niệm đắn đo này khác. Thấy chết mà không cứu, thấy điều bất bình mà im lặng, thấy tội ác mà làm ngơ, ấy không phải là lương tri vậy.

Im lặng là sức mạnh hay sự lạnh lùng? Điều đó phải tùy theo lương tri mà xét đoán.



Tuesday 27 November 2018

SOLO CÙNG BOLERO MÙA 5 - TẬP 6



Solo Cùng Bolero Mùa 5 - Tập 6 / 1:14:08

MƯA BUỒN THỨ SÁU ( Đỗ Thị Minh Giang )



MƯA BUỒN THỨ SÁU

Thứ sáu trời mưa gió hắt hiu
Nghe lòng sầu cảm nhớ nhung nhiều
Ngày xưa hoa thắm hồn giăng mộng
Giờ cuối đời nhau giấc tịch liêu.

Tình chẳng bao giờ nhạt ước mong
Lời thư âu yếm dấu bên song
Trăm năm sao chẳng thành duyên kiếp
Cánh nhạn phương nào dõi mắt trông.

Ngỡ ngàng một sớm chuyến sang ngang
Giọt lệ thầm rơi tiễn bước nàng
Chúc em yên phận vui duyên mới
Hiên vắng cô đơn bóng nguyệt tàn.

Cố hương xa lạ nẻo đường xưa
Hàng dừa cành lá khẽ đong đưa
Vẫy tay từ giã tình xanh thẳm
Ai đứng đợi chờ bóng nắng trưa

Nắng ấm lại về trên lối mơ
Chuyện tình còn mãi nỗi bơ vơ
Người ơi ao ước ngày đăng hội
Hoa bướm cung đình đẹp ý thơ


ĐT Minh Giang


NGHĨA CỬ CUỘC ĐỜI ( Ngọc Thiên Hoa )


NGHĨA CỬ CUỘC ĐỜI

Thằng nhỏ vừa xuống xe school bus. Nó nhìn thấy bảng “home for sale by owner” mà giật mình. Nó hỏi người cha đang ôm cái phôn như ôm một báu vật:
- Nhà mình bán hả ba? Sao lại bán?
Đang nói líu lo, ông ta bực mình:
- Bán… ăn!
Thằng nhỏ quặp mặt xuống. Nó thấy lòng đau. Vào phòng, nó đóng cửa lại giam mình trong bốn bức tường, không ăn uống như thường lệ. Nó nhìn lên vách. Bức hình Stepphen F. Austin – cha đẻ Texas hiền lành như dỗ dành. Bên kia, tấm ảnh người mẹ nhìn nó như đầy thương yêu. Đôi mắt người mẹ như có giọt nước long lanh làm nó chạnh lòng. Nó chẳng hiểu vì sao ba nổi nóng khi thấy nó. Lên trường, đầu óc nó nặng trĩu những nỗi buồn vắng mẹ lại không được ba chăm chút. Sao kỳ vậy? Rồi nó thấy đôi mắt nặng trĩu. Nó ngủ trong sự đói lòng, đói tình thương. Trong khi ấy, người cha vẫn thao thao với người trong cái phôn ở nhà dưới. Ông ta như quẳng gánh nặng thằng con khi cầm tới cái phôn. Trên bàn, tờ nhật báo lớn nhất thủ phủ Austin “Austin American Staterman” nằm lặng lẽ một góc thay cho những ly tách chẳng còn được thu dọn sạch sẽ.

Cách đây ba tháng…

Người đàn bà nằm dài trên gường bệnh. Bà không đủ sức để chống lại chứng ung thư tử cung mà người đàn bà hiếm con thường mắc phải vào cái tuổi hàng bốn. Bà thì đã năm lăm. Bệnh viện ung thu Austin không còn khả năng cứu sống bà. Thằng con trai không để mẹ vào viện dưỡng lão chờ chết. Nó bật khóc khi bà chẳng còn đủ sức uống nước súp từ tay thằng con. Chồng bà cũng tỏ ra quan tâm tới bà. Hình như khi nhìn bà ngày một tiều tụy thì ánh mắt ông như loé sáng một điều gì mà chỉ có khi ông bắt cái phôn gọi cho ai đó thì người ấy mới hiểu ẩn ý trong ánh mắt ông mà thôi!
- Mẹ à! Mẹ à!
Người mẹ thu tàn hơi mỉm cười. Bà như nhìn thấy lại tất cả những con đường mà bà từng đưa con đi vòng quanh thủ phủ Texas : Austin . Bà mường tượng ra được những cái hồ đầy nước như hồ thành phố, hồ Austin , hồ Travis đang đổ nước vào dòng sông Colorado cuồn cuộn với đập thủy điện Lower Colorado River Authority, còn máu trong bà thì như sắp cạn kiệt. Đầu bà choáng váng như khi bà chạy xe trên những con đường cao tốc Mopac nhìn thấy hết những ngọn đồi xanh um của Texas Hill Country nằm thổn thức cùng dãy núi đá vôi Bonnell. Mắt bà mờ đi. Bà nhìn thằng con trai chập chờn. Mảnh vườn quê mẹ có con sông Cái chảy từ KomTom cho đến Khánh Hoà chan hòa nước mắt ngày ly biệt. Bà mong làm sao có ngày tha thiết được trở về chết trên quê hương. Muộn màng quá! Cái ngày con bà ra trường nhận bằng Thạc sĩ Math-Computer Science từ trường Đại học Texas tại Austin năm tới coi như không chờ được nữa. Ngoài trời hình như mưa lất phất bay. Bà thấy lạnh. Bà với tay nắm chặt tay thằng con ú ớ vài câu. Thằng con hoảng hốt gọi mẹ nghẹn ngào. Cánh tay mẹ lỏng ra. Bà đã chết! Chồng bà đang ôm phôn báo cái tin đó cho người mà ông thường gọi. Ánh mắt ông sáng lên kỳ lạ, còn gương mặt ông như cố ghìm nỗi vui mừng bà giải thoát hay mừng vì ông được tự do. Chỉ có trời mới biết!

Ba tháng sau.

Chuyến máy bay ViệtNam Airlines đưa ông trở về Mỹ sau một tháng du hí tại thành phố Sài Gòn. Tiễn ông ra sân bay, người ta thấy có một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi mà ai cũng nghĩ là con cháu gì gì đó của ông. Hai người ôm hôn nhau thắm thiết. Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chộn rộn người đi, kẻ về như mọi ngày. Thân nhân tiễn đưa vẫn đông hơn người được tiễn. Tháng ngày lụi tàn theo từng ánh đèn vàng thành phố. Người tiễn người, lòng cũng tiễn đưa lòng. Tình chia tay có mấy tình chân thật? Nước mắt đưa người có mấy nẻo yêu thương?
Bill điện thoại viễn liên càng tăng tiền thì khoảng cách giữa hai cha con ngày càng xa cách. Hai cha con sống cùng chung một nhà thiếu bóng dáng người mẹ, người vợ ngày đêm ảm đạm đến thê lương. Cho đến ngày nay, ông cắm bảng bán nhà trước cửa thì không khí trong nhà lạnh tanh.
- Con chuẩn bị dọn đồ ra riêng được rồi. Ba bán nhà ba về Việt Nam ba ở.
Thằng con trai đã chuẩn bị tâm lý. Nó chẳng nói gì ngoài tiếng: “dạ”. Nó không nghĩ đơn giản là ba nó buồn mẹ nên về. Số điện thoại di động Việt Nam đầy trong bill của ba và có một ngày nó nghe ông xưng anh em với ai đó trong phôn và cười to lắm. Ngôi mộ mẹ nó, cỏ chưa xanh.

Hằng tuần, nó ra mộ mẹ để ngồi nhìn từng bó hoa tươi héo dần theo nắng gió, để nghe tiếng khóc của chính mình còn có bàn tay vô hình của mẹ vuốt ve mái tóc. Nó nhớ lắm những lần mẹ ngồi vá từng cái áo cho ba, cho nó khi còn ở Việt Nam vào những năm tám mươi, chín mươi lúc ba từ trại cải tạo ra. Mẹ chạy vạy nuôi con heo, nuôi con gà nuôi cả nhà bốn người. Bà nội mất. Gia đình theo diện HO sang Mỹ năm 1997. Cuộc sống mới chật vật lại bắt đầu với mẹ. Nó thơ ngây trả lời “con làm con gà” khi mẹ hỏi con làm gì nuôi mẹ? Bà cười khanh khách, ôm nó vào lòng. Ba nó thì im lìm đọc báo tìm việc mới. Việc nào ông cũng than khổ, ít tiền. Mẹ làm hai ba việc mới mua được cái nhà. Ông càu nhàu cứ ở nhà thuê thì khỏi tốn tiền trả thuế. Thuế ở đây ác nhơn. Mỗi năm mỗi tăng nghe chừng như bị bóp cổ. Mẹ nói rằng có cái nhà cho thằng con chạy chơi cho thoải mái. Cuộc sống chui rúc hoài cũng bỏ hoài kiếp làm người. Ông chịu thua. Ông theo bè bạn mỗi ngày chủ nhật. Vì vậy mà ông biết hết tin tức từ quê nhà. Ở đấy có bao nhiêu cô gái tìm chồng ngoại chẳng đòi hỏi tuổi tác gì. Khi thằng con ra khỏi nhà thì ông lại vớ cái phôn.

Nắng chiều như ấm lại cuối ngày xuân lạnh. Mùa hạ cũng đã về đây. Cây non lá rợp bóng in hai bên đường vào mộ. Nó ngồi lặng yên nghe lòng nhẹ nhàng. Thằng con trai trong người nó trở lại như thầm nhắc nhở nó về một cuộc đời rất ngắn! Nó chưa làm “con gà” nuôi mẹ thì mẹ đã bỏ nó đi rồi!

Một năm sau.

Căn nhà tại quận Travis đã có chủ nhân mới. Người cha bỏ con mình để về Việt Nam sáu tháng sau. Thằng con đã ra trường. Ngày nó tốt nghiệp không có một ai là thân nhân đến chia sớt vui buồn nhưng nó vẫn có những bạn bè chúc tụng. Vậy cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Hạnh phúc cũng như cuộc đời đi mây về gió, khi có, khi không. Nó về làm cho công ty Apple Inc – đối thủ là công ty IBM của Bill Gates. Nó vẫn ở căn nhà trọ bên nhà bưu điện thủ phủ. Một ngày nọ có người tìm thấy người cha xơ xác, vất vưởng bên chợ Tân Bình. Nghe nói ông ta bị cô con gái mười tám tuổi lường gạt hết tiền bạc và bị đuổi ra đường. Thằng con tức tốc lấy vé máy bay xin visa khẩn cấp về Việt Nam . Nó tìm thấy người cha sáu mươi thờ thẩn khi căn nhà ba trăm ngàn đô la không cánh mà bay đang ngồi bên cột đèn đường. Chuyện của ông khắp chợ ai cũng biết. Người cười:
- Già đầu còn dại.
Người chê:
- Trâu già đòi gặm cỏ non.
Người chửi:
- Thằng cha già không nên nết. Chết không nên thân.
Thằng con không nói một lời. Nó nắm tay người cha, dìu ông vào chiếc xe chực sẵn mang hai cha con chạy về khách sạn Thanh Bình 1 gần sân bay Tân Sơn Nhất. Người cha ngoan ngoãn theo thằng con. Ông được ngủ một giấc yên lành để ngẫm nghĩ lại thành quả “lao động” của mình.

Một tuần sau, chuyến bay đưa hai cha con về lại Austin – Texas trong căn nhà thuê của thằng con trai mà ông từng vứt bỏ chỉ vì nó là đứa con nuôi. Con nuôi hay con ruột đã không còn là điều quan trọng, cái quan trọng chính là làm người nên sống cho ra con người. Làm cha thì hãy có trách nhiệm với bổn phận làm cha thiêng liêng mà cuộc đời tặng thưởng cho con người. Ông đã vứt cả hai tặng thưởng của cuộc đời nhưng cuộc đời lại không hất hủi ông. Ông nhận ra, làm người còn có cả một tấm lòng, còn đứa con dù ruột thịt hay nuôi dưỡng thì cũng nên có một thái độ hiếu nghĩa và làm tròn bổn phận con cái. Thằng con trai bị đuổi khỏi nhà vì người cha ham vợ trẻ kia đã làm ông thẹn lòng. Ông mở miệng xin lỗi không được mà để bụng thì chẳng yên.

Thằng con mở cho ông một giải thoát. Nó nhắc ông:
- Ba đi ngủ đi. Ngày mai, con chở ba thăm mộ mẹ.
Ông tự nhủ thầm ông sẽ đến bên mộ bà và sẽ nói lời xin bà tha thứ. Lời nói thầm sẽ gỡ ông ra khỏi cơn mắc cỡ lòng. Ông đâu biết rằng thằng con ông, nó đã thông cảm cho ông và còn thương ông trong tình cảm cha con như ngày nào. Cuộc đời vẫn cần sự thứ tha và lỗi lầm vẫn cần được thông cảm. Tình già hay tình trẻ, trâu già hay trâu non, lấy vợ tuổi đáng con, đáng cháu vẫn là cái mốt thịnh hành trong thời đại “đô la đi trước, mực thước theo sau” là cái cầu treo té lộn đầu mà không ít người đáng tuổi cha con từ chối qua thử!
Thằng con thở phào. Nó như làm được một cái việc còn ý nghĩa hơn là trúng số độc đắc. Nó ngước nhìn tấm hình của mẹ. Lần đầu thứ hai sau ngày nó ra trường, nó thấy mắt mẹ long lanh cười. Lòng đứa con này nghe ấm quá. Mẹ ơi!

Ngọc Thiên Hoa
Image result for trâu già ăn cỏ non

ANH MỚI BIẾT YÊU LẦN ĐẦU ( Phương Lan )



ANH MỚI BIẾT YÊU LẦN ĐẦU

Năm 1954, khi hiệp định Geneve được ký kết để phân đôi Nam, Bắc thì tất cả các cơ sở, trường học của chính quyền Quốc gia đều được di chuyển  vào miền Nam.  Chính thời điểm này và tại mảnh đất hiền hoà của miền Nam thân thương này, là nơi đã nhen nhúm mối tình đầu thầm kín của tôi. Niên khóa năm 1955 - 1956, tôi mới mười ba tuổi và học lớp đệ lục (tức lớp 6 ) trường Chu Văn An.  Trường tôi tuy là trường nam sinh, nhưng riêng các lớp lớn như đệ nhị, đệ nhất  thì học chung cả nam lẫn nữ sinh.  Nguyên do là vì bên trường Trưng Vương, cơ sở chưa tổ chức kịp nên chỉ thâu nhận học sinh đến lớp đệ tam.  Nữ sinh các lớp cao hơn, đặc biệt là các ban ban sinh ngữ - triết học, và ban khoa học thực nghiệm, phải qua học nhờ bên trường Chu Văn An.  Do đó nên mới khởi sinh ra những cuộc tình thơ mộng giữa học sinh hai trường, và mối thân tình giữa trường Chu Văn An và Trưng Vương cũng bắt đầu từ đấy, rồi quen lệ cứ tiếp diễn mãi, đến các thế hệ đàn em sau này.
<!>

Tôi được quen chị Kim, năm đó chị trạc độ mười tám, mười chín tuổi và đang học lớp đệ nhất. Tôi bắt đầu chú ý đến chị hôm nhà trường tổ chức văn nghệ vào dịp Tết nguyên đán.  Chị Kim ở trong ban ca múa, hôm đó chị hát bài “Hướng về Hà Nội”  Giọng chị trong vắt, ngọt ngào, vút cao hoà với tiếng đàn.  Tiếng hát của chị làm rung động biết bao con tim của những kẻ tha hương, nhớ về thành phố cũ thân yêu, giờ đã cách xa nghìn trùng.
Tôi đứng im lặng, chiêm ngưỡng chị lộng lẫy trong áo dài màu vàng nhạt, trông thật là đẹp với mái tóc óng ả, đen như mun buông dài đến ngang lưng, một chút son hồng trên môi và nụ cười thật tươi…Tôi về, ngẩn ngơ hết cả buổi, và từ đó mỗi buổi sáng khi đứng xếp hàng chờ vô lớp, tôi thường say sưa ngắm chị xinh đẹp, tha thướt trong áo dài bằng tơ màu trắng.  Tôi về mộng mơ và tôi bắt đầu làm thơ, những trang vở học trò kín đầy những vần thơ yêu với lời lẽ ngây ngô, những lá thơ tình không bao giờ gởi.  Có những ngày chị Kim không đi học, thì suốt buổi hôm đó tôi cũng chẳng học hành gì được, đầu óc để tận đâu đâu, tôi thả hồn theo tưởng tượng, băn khoăn tự hỏi giờ này chị đang làm gì nhỉ? chị đau ốm gì chăng?  Hay là..? tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp, hay là chị gặp tai nạn trên đường đi đến trường?  Ruột tôi thắt lại vì lo, đầu tôi quay cuồng với bao nhiêu câu hỏi, tôi chỉ mong chóng đến giờ tan học để chạy bay đến nhà chị.  Nhưng đứng trước cổng, tôi lại ngập ngừng không dám vào, không biết viện lý do gì để đến nhà chị, tôi đành đứng rình trước cổng, mong được thấy bóng chị ra vào để yên tâm. Chờ hoài chẳng thấy chị đâu, trời chợt đổ mưa tầm tã, tôi đành phải ra về, quần áo, tóc tai đều ướt nhẹp.  Hôm đó, tôi bị cha tôi đánh cho một trận nên thân, về tội tan học không về nhà, còn mải đi chơi.  Tuy đau, nhưng tôi không hề hối hận, và vẫn cho hành động của mình chẳng có gì sai trái.  Cha tôi làm sao hiểu được những ý nghĩ trong đầu tôi? 
Dạo này tôi thấy mình thay đổi khá nhiều, rõ ràng là đã qua thời kỳ trẻ con, tôi chán hết những trò đá dế, đánh banh, mà chỉ thích đọc sách.  Những tiểu thuyết tình làm tôi mơ mộng, thương nhớ vu vơ, tôi nghĩ về tình yêu và tôi nghĩ đến chị Kim… Bấy giờ đang là mùa mưa, Sài Gòn có những cơn mưa nhẹ nhưng dai dẳng triền miên, tưởng không bao giờ dứt, màn mưa che mờ cảnh vật, không gian như chìm lắng.  Mưa buồn lê thê, hay chỉ tại lòng tôi đang cô đơn?  Ngồi bên cửa sổ, ngắm những sợi nước nghiêng nghiêng như đan mành, chao qua, chao lại theo mỗi cơn gió, lòng chợt man mác một nỗi buồn không tên, cậu bé mười ba đã hết vô tư rồi.  Mưa vẫn rơi miên mang không ngừng, mưa rơi tí tách trên mái hiên, mưa nhỏ giọt trên cành lá đong đưa trước cửa sổ, nhìn những giọt mưa như những hạt ngọc trong vắt, bỗng dưng tôi liên tưởng đến đôi mắt của chị Kim cũng long lanh, ướt át, đẹp lạ lùng.  Tôi mê nhất đôi mắt của chị, vừa dịu dàng vừa tình tứ, tôi đọc thấy trong đó những tình cảm nồng nàn chị dành cho tôi, hay tôi tưởng thế?  Mỗi khi nghĩ đến chị Kim là lòng tôi lại xôn xao những cảm giác khó tả, tâm tư tôi đầy ắp hình ảnh của chị, bóng dáng chị ám ảnh tôi đêm ngày, ngay cả trong những giấc mơ. Tôi băn khoăn tự hỏi hay là mình đã biết yêu? chắc vậy, tôi chắc lòng mình đã yêu chị Kim mất rồi.
Chị Kim không biết có hiểu tình cảm của tôi không, nhưng mỗi khi bắt chợt tôi đang ngây người đứng ngắm chị, chị thường mỉm cười và đôi khi còn thưởng cho tôi mấy cái xoa đầu, hoặc vỗ nhẹ vào vai khiến tôi đỏ mặt, vừa sung sướng vừa mắc cở.  Xưa nay tôi chưa hề có cảm giác đó bao giờ, mẹ và các chị lớn thỉnh thoảng vẫn vuốt ve hoặc ôm tôi vào lòng, tôi chẳng thấy có gì khác lạ.  Thế mà không hiểu sao khi tay chị vừa chạm vào vai, tôi bỗng có cảm giác như một luồng điện vừa chạy qua khiến tôi rùng mình, tim đập như trống làng và người thì nóng bừng lên trong một cảm giác thích thú lạ lùng.  Tôi về sung sướng hết cả ngày hôm đó.  Nhà tôi ở khác phố với chị Kim, và tôi vẫn cuốc bộ tới trường, nếu đi lối tắt thì không xa lắm, nhưng tôi chẳng quản ngược đường, ngày nào đi học cũng đi vòng qua nhà chị. Tôi thường đi rất sớm để được núp sau một gốc cây, lén lút ngắm chị lúc chị dắt xe đạp ra khỏi cổng.  Buổi sáng, trông chị tươi mát trong áo dài lụa, tóc thề xõa ngang vai, làn da trắng mịn và đôi môi đỏ tự nhiên, tôi thấy chị đẹp như công chúa trong truyện cổ tích đời xưa, đẹp như tiên giáng thế…
Chị ra trễ cách mấy, tôi vẫn chờ và khi chị lên xe đạp đi rồi, tôi mới chạy vắt giò lên cổ cho kịp giờ vô lớp.  Có một lần thấy tôi tới trường vừa chạy vừa thở, mặt mũi đỏ nhừ, chị thương hại hỏi:
-         Sao hôm nào Phan cũng đi trễ để phải chạy toát mồ hôi vậy?
Tôi ấp úng nói dối:
-         Tại tối hôm qua em thức khuya học bài nên sáng nay dậy muộn.
Chị cười hiền hậu:
-         Những hôm nào trễ thì cứ ghé chị, chị chở đi học.
Tôi mừng như mở cờ trong bụng, thế là từ hôm đó ngày nào tôi cũng “ thức khuya, dậy trễ ” và như vậy ngày nào tôi cũng được chị Kim chở đi học.  Ngồi trên yên sau xe đạp của chị, tôi cố gắng không dám cử động mạnh sợ chạm vào người chị, nhưng tôi phồng mũi hít hương thơm từ tóc chị theo gió bay ngược lại.  Chị Kim không xức nước hoa, nhưng gội đầu bằng bồ kết pha với chanh nên tóc chị có mùi thơm là lạ.  Cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ mùi hương đặc biệt không đâu có, không nước hoa nào sánh bằng, đó là mùi hương tóc của thiếu nữ Việt Nam.
Tôi hay tìm dịp đến nhà chị chơi, khi thì đem cho chị mượn vài cuốn truyện, khi thì nhờ chị giải đáp cho một bài toán khó, khi thì… chẳng có lý do gì cả.  Lúc nào chị cũng vui vẻ tiếp đón, có khi chúng tôi ngồi với nhau cả buổi, tỉ mẩn ngắt từng cái lá sâu của cây hồng tầm xuân ngoài vườn.  Chị Kim thích hoa lắm, mảnh sân phía sau là chỗ phơi quần áo, không rộng lắm, thế mà chị đã chừa ra hơn phân nửa đất để trồng toàn hồng.  Mùa hè, hồng trổ bông rực rỡ, chị thường ra vườn đứng ngắm cả giờ không chán, và trầm trồ khen ngợi:
-         Đẹp quá, ngắm hoa thấy mát dịu cả tâm hồn.
Tôi chẳng thấy mát dịu tí nào khi ở ngoài nắng như thế này, nhưng nhìn khuôn mặt rạng rỡ của chị, tôi cũng thấy sung sướng.  Vui theo niềm vui của chị, tôi hăng hái đi lấy thùng, xách nước tưới cây, hai chị em vừa làm việc, vừa nói chuyện vẩn vơ.  Một lần chị Kim hỏi:
-         Sau này lớn lên Phan sẽ làm nghề gì?
Bị hỏi bất chợt, tôi lúng túng:
-         Em… em cũng chưa biết, nhưng chị, chị sẽ làm gì?
-         Chị à? chị chỉ thích làm cô giáo thôi, vì chị yêu nghề dạy học.
Tôi vui vẻ nói liền:
-         Nếu vậy em sẽ làm học trò, học trò của chị.
Chị cười:
-         Bộ Phan muốn là học trò mãi sao?
Được dịp, tôi thố lộ:
-         Mãi mãi, nếu chị vẫn là cô giáo!
Mỉm cười, chị đập nhẹ vào vai tôi, mắng yêu:
-         Điên hay sao, Phan? Con trai phải học giỏi, phải đi du học ngoại quốc, phải trở thành bác sĩ, kỹ sư…
-         Em khác, em cũng muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư. Nhưng…
-         Nhưng sao?
-         Nhưng… em không muốn xa chị! 
Thốt xong câu “ tỏ tình ”, tôi xấu hổ, mặt mũi đỏ bừng không dám nhìn chị mà giả vờ ngó đi chỗ khác.  Chị Kim cười hồn nhiên, lắc đầu không hiểu, có lẽ chị cho rằng tôi còn trẻ con hoặc dở hơi, chị đâu có ngờ hình ảnh của chị đã ghi sâu vào tâm hồn của cậu trai mới lớn ngay từ phút ban đầu.  Không biết  tỏ cùng ai, tôi đành gởi tâm sự qua tiếng đàn.
 Cuối niên học đó chị Kim thi đậu tú tài toàn phần.  Chị mừng lắm, nhưng tôi lại buồn vì lòng tôi ích kỷ, tôi chỉ mong chị rớt vì nếu đậu rồi, chị sẽ không còn học chung trường với tôi nữa.  Tôi bùi ngùi nhớ tiếc những ngày được chị đón đưa đến trường, lòng tôi quặn thắt, nhớ sao là nhớ, tiếc sao là tiếc… Trước khi bãi trường, các lớp đều tổ chức một buổi tiệc mãn khoá, trao quà kỷ niệm.  Nhân dịp này, tôi tặng chị Kim một bộ sưu tập tem thơ mà tôi quí nhất đời, tôi xin chị một tấm ảnh và yêu cầu chị viết vài trang vào tập “ lưu bút ngày xanh ” của tôi.  Chị Kim tặng lại tôi một quyển tập đầy những hoa ép khô rất khéo và mỹ thuật chị tự tay làm lấy, chị dơ lên cho tôi xem vài bông phượng đỏ mới ép, nói giọng buồn buồn:
-         Những bông phượng vĩ cuối cùng đời học trò của chị đấy!
Tim tôi nao lên, cảm thấy như sắp đánh mất một cái gì quí giá, tôi ngó chị lom lom:
-         Tại sao thế? chị thôi học luôn à? chị không học lên nữa sao?
-         Có lẽ không, hoàn cảnh của chị học như vậy tạm đủ rồi.  Chị nghĩ có lẽ chị phải đi tìm việc làm để phụ thêm với mẹ chị, còn Phan ở lại, cứ tiếp tục học cho giỏi nhé?
Tôi rụt dè:
-         Nhưng mà, chị Kim ơi! em… em nhớ chị lắm!
Chị vuốt tóc tôi:
-          Chị cũng vậy, thỉnh thoảng Phan cứ đến chơi, có ai cấm đâu nào?
Chị không cấm, nhưng tôi vẫn không giữ chị được lâu, vì chỉ một năm sau chị Kim đã có người yêu, đó là anh Thiện, một sinh viên năm thứ tư trường thuốc, chị quen anh ta trong dịp hai người cùng đi dự một đám cưới.  Anh Thiện hai mươi lăm tuổi, người cao lớn, vẻ hoạt hoạt bát trí thức, sánh với chị ai cũng bảo xứng đôi.  Nhưng tôi cảm thấy không ai đáng ghét hơn anh Thiện, bởi vì tôi yêu chị Kim nên tôi ghen, tôi tìm những khuyết điểm của anh Thiện để phóng đại lên gấp mười, tôi hỏi chị Kim:
-         Tại sao chị ưng anh Thiện? người gì cặp mắt lúc nào cũng nháy lia, trông gian lạ.
Chị hơi đỏ mặt:
-         Tại anh ấy cận thị, bỏ kính ra nó như vậy, chứ… đâu có…
Tôi tức mình xổ cho một tràng:
-         Phải, đối với chị, cái gì của anh Thiện mà chả đẹp? ngay cả hàm răng đứng trú mưa ba ngày không ướt của anh ấy, chắc cũng đẹp?
Chị Kim giận lắm, cau mặt mắng:
-         Chị cấm Phan khôngđược phê bình anh ấy kiểu đó.
-         Hừ! chị lú ruột rồi, động một tí là bênh.
Chị tức tới phát nghẹn không nói được, một lúc sau mới thở dài:
-         Phan bậy lắm, lần sau không được nói năng như vậy nữa, chị giận.
Thấy chị rơm rớm nước mắt, tôi hối hận và vội vàng xin lỗi chị.
Chị Kim yêu anh Thiện lắm, chỉ cần nhìn nét mặt rạng rỡ và đôi mắt long lanh tình tứ của chị mỗi khi nhìn anh ta, là tôi lại tức điên lên, nhưng không làm gì được, tôi chỉ biết đau khổ cho sự yếu thế của mình.
Niềm riêng dấu kín trong lòng, chẳng ai buồn để ý tìm hiểu tâm trạng của tôi, bởi vì đối với chị Kim, với anh Thiện, với tất cả mọi người, tôi chỉ là một thằng nhãi.  Anh Thiện trước kia yêu chị Kim say mê, nhưng không hiểu sao càng ngày anh càng lơ là dần, và chẳng bao giờ đề cập đến chuyện cưới xin.  Có lẽ anh cho rằng anh là một thanh niên có địa vị - một ông bác sĩ tương lai - lại con nhà danh giá, thiếu gì gái đẹp, nhà giàu chạy theo? còn chị Kim chỉ được cái nhan sắc, nhưng nhà nghèo, lại mồ côi cha…  Anh làm một con tính, suy xét thiệt hơn, anh thấy là anh dại và anh rút lui từ từ, thưa dần đi lại.  Có một lần anh hẹn, nhưng không đến, làm chị Kim thở ngắn, thở dài, đi ra đi vào, chốc chốc lại nhìn đồng hồ, sáu giờ, rồi bẩy giờ, anh vẫn không đến… Chị Kim nhìn mâm cơm thịnh soạn chị  mất công bỏ cả buổi chiều để trổ tài nấu nướng, bây giờ đã nguội ngắt, chị tủi thân, ứa nước mắt khóc. Tôi đau đớn nhưng đành nén lòng dỗ chị:
-         Chị đừng khóc nữa, chắc anh kẹt chuyện gì đó thôi.  Hay là… chị để em đi tìm, em thử đến nhà anh ấy xem sao nhé?
Chị Kim tươi ngay nét mặt:
-         Ừ, phải đấy! Phan đi giúp chị xem sao? chị là con gái, đến nhà anh ấy không tiện.
Thế là tôi bèn lấy xe đạp, cắm cúi đạp gần năm cây số mới đến nhà anh Thiện để bắt gặp anh ta đang tươi cười âu yếm với một cô gái khác.  Thấy tôi đến, anh ngạc nhiên:
-         Gì thế Phan? có chuyện gì vậy?
Tôi khều anh ra ngoài, nói nhỏ:
-         Anh quên là có hẹn với chị Kim sao? chị ấy đang đợi cơm anh ở nhà.
Anh Thiện à lên một tiếng rồi vỗ trán:
-         Ừ nhỉ, anh quên mất thiệt.
Nhưng rồi chợt liếc vào phòng khách có cô bạn đang ngồi, anh nói khẽ:
-         Nhưng anh kẹt rồi, anh lỡ hẹn sẽ đi coi xi nê với cô bạn kia.
Tôi giận lắm:
-         Anh coi thường chị Kim quá, anh có biết chị ấy đang khóc lóc? chị ấy chờ anh đã ba, bốn tiềng đồng hồ rồi…
Anh Thiện nghiêm ngay nét mặt:
-         Giữa anh và chị Kim đã có gì ràng buộc đâu? Anh chưa hứa hẹn  chi cả, anh coi Kim cũng như các cô bạn gái khác.
À ra thế, tôi chua xót nghĩ thầm và thương chị Kim vô hạn, chị đã yêu anh Thiện với tất cả say đắm của mối tình đầu, chị hy vọng được cùng anh xây dựng gia đình, chị mù quáng trong tình yêu vô vọng.  Chị không biết rằng anh ta là một người tính toán, anh theo đuổi chị, chỉ vì chị đẹp và tính anh thích đi chinh phục, nhưng cưới chị thì anh không cưới, chỉ vì chị nghèo.  Người vợ anh cưới phải đem lợi lộc đến cho anh, không thể là một cô gái trắng tay như chị Kim.  Tôi bẽ bàng ra về, quên cả chào, anh Thiện nói với theo:
-         Biểu với chị Kim tuần sau anh đến.
Tôi muốn nói thẳng vào mặt anh “ đừng đến nữa, chị tôi không thèm, chị tôi không cần cái bản mặt sở khanh của anh đâu. ”  Nhưng tôi đành im lặng, tôi không dám nói, tôi không đủ tư cách để nói, bởi vì chị Kim không chiếm một vị trí nhỏ nào trong tim anh cả.  Trở về nhà chị Kim, không nỡ để chị thất vọng, tôi phải nói dối rằng không gặp anh Thiện và người nhà nói rằng anh phải đi trực dùm cho một người bạn bị đau bất ngờ, chị Kim có vẻ yên lòng với lời giải thích ấy.  Nhưng lâu dần rồi chị cũng hiểu vì càng ngày anh càng tỏ ra lơ là, và đã mấy lần chị bắt gặp anh ta đang cặp tay dạo phố với một cô gái khá đẹp.  Chị Kim buồn, một cái buồn âm thầm nhưng da diết, chị không khóc, nhưng thường ngồi im lặng hàng giờ, mắt nhìn xa vắng. 
Mặc dù trong thâm tâm, tôi rất hả hê về sự rút lui của anh Thiện, nhưng thấy chị sầu não, tôi không đành lòng. Tôi lăng xăng bên cạnh chị, cố làm mọi cách cho chị vui, tôi đem đủ thứ chuyện ở trường ra kể cho chị nghe, từ chuyện ông giáo sư dạy toán, cận thị nặng, bị học trò dấu mất cặp kính, đến chuyện một tên học trò bị kêu lên trả bài trong lúc đang ăn vụng, chuyện một nữ giáo sư trẻ trong lúc đang giảng bài thì bị rơi mất hàm răng giả v..v.. Chị bật cười và quên buồn trong chốc lát.
Ngoài giờ phải đi học, chúng tôi quấn quít bên nhau suốt ngày, đó là thời kỳ tôi sung sướng nhất, vì chị Kim chẳng yêu ai, chị chỉ có một mình tôi.  Chị thường đến nhà để kèm cho tôi học, niên học đó tôi luôn luôn đứng đầu lớp.  Cha mẹ tôi mừng lắm, còn tôi, tôi ước ao sẽ chẳng bao giờ chị Kim đi lấy chồng và chúng tôi cứ sống bên nhau như thế này mãi, suốt đời… Ước mong của tôi chẳng bao giờ thành sự thật vì đến năm tôi lên đệ tứ, sắp sửa thi trung học thì chị Kim đi lấy chồng.  Cái ngày mà tôi lo sợ đã tới, chị Kim không thể sống mãi với mối tình tuyệt vọng, chị không thể yêu mãi một người không xứng đáng, chị sợ tuổi xuân qua đi nên bằng lòng làm vợ một thương gia đứng tuổi, do một đám mai mối.  Ông Hợp tuổi gần bốn mươi, giàu có, đứng đắn và chân thật, mới gặp chị Kim vài lần đã tính ngay đến việc cưới hỏi, đám cưới sẽ rước dâu về tận Rạch Giá. Thế là chị Kim đi lấy chồng, đột ngột và nhanh chóng tới nỗi tôi không kịp chuẩn bị tinh thần để hiểu rằng từ đây chị sẽ xa tôi vĩnh viễn.
Ngày chị lên xe hoa, tôi nằm nhà khóc xưng cả mắt.  Tôi buồn bã dở quyển
“ lưu bút ngày xanh ” đọc lại những dòng chị viết, ngắm lại mấy bông hoa phượng ép khô ngày trước.  Bao nhiêu kỷ niệm cũ hiện về, từ ngày quen biết đầu tiên, những buổi sáng đón đưa nhau tới trường, ba năm thân ái… tất cả đã đi vào dĩ vãng, tất cả sắp xóa mờ, sắp mất hết, chỉ vì chị Kim đi lấy chồng!  Tôi hờn dỗi gom những bông hoa khô thành một gói, đem đến nhà chị quăng trả, chị nhìn tôi ngạc nhiên:
-         Gói gì đó em?
-         Hoa phượng ngày xưa của chị đấy, em trả lại.
Chị lắc đầu:
-         Phan trẻ con quá!
Tôi giận dữ:
-         Em không trẻ con!  Chính chị, chị mới vô tình, chị không bao giờ hiểu được em đâu.
Chị chỉ lắc đầu không nói gì cả, nhưng nhìn mắt chị, tôi biết chị không hiểu thật, vì lúc nào chị cũng coi tôi như một đứa trẻ, những tình cảm chị dành cho tôi chỉ là tình cảm của một người chị đối với đứa em trai nhỏ, chỉ có thế… Chị đi lấy chồng, rồi đây sống cuộc đời bận rộn những bổn phận làm vợ, làm mẹ, liệu chị có còn thì giờ nghĩ đến tôi? một thằng bé dở hơi như chị vẫn thường nói.  Riêng tôi, tôi vẫn ấp ủ hoài những kỷ niệm thân thương ngày cũ, bóng dáng thân yêu của chị, và cả một quãng đời quá khứ êm đềm đã đi sâu vào ký ức, không bao phai mờ cả.
Mười năm sau tôi mới gặp lại chị Kim, bấy giờ chị đã có ba con, trông chị vẫn đẹp, nhưng già dặn hơn xưa, còn tôi đã là một thanh niên trưởng thành.  Nhắc lại những kỷ niệm cũ, chúng tôi đều bùi ngùi nhớ tiếc dĩ vãng, chị Kim bảo:
-         Chóng thật, mới dạo nào… Bây giờ Phan đã thành người lớn rồi.
Tôi muốn nói “ chị không biết ư? em đã thành người lớn từ lâu rồi, từ dạo ấy, nghĩa là từ ngày em biết yêu, em yêu chị… ” Nhưng tôi đã không nói, đừng nói thì đẹp hơn, chị Kim chưa bao giờ hiểu, mãi mãi không bao giờ hiểu.  Phải, chị hiểu thế nào được mối tình của cậu bé mười ba tuổi?
Mười năm sau nữa, tôi mới lấy vợ, một cô nữ sinh Trưng Vương rất đẹp và duyên dáng, kém tôi tới mười tuổi ( lại cũng con số mười định mệnh )
Những buổi tối êm đềm, bên ánh đèn ấm cúng, chúng tôi thường nói chuyện ngày xưa khi còn thơ ấu.  Tôi kể cho Tâm Đan nghe mối tình thuở học trò, nàng nghe xong không nói gì cả, nhưng nhân dịp hai vợ chồng đi ăn cưới một người bạn của tôi, một đại uý phi công hào hoa phong nhã, nhưng cứng rắn có tiếng, người đã từng anh dũng tuyên bố “ không bao giờ để mất tự do, nghĩa là không bao giờ để lọt vào ổ phục kích của các bà .”  Con người hiên ngang, cao gần thước tám, trên không tung hoành, coi trời bằng vung, không sợ ai hết, bây giờ trông khốn khổ trong khăn đóng áo dài, xì xụp lên bái, xuống bái trước bàn thờ gia tiên nhà vợ, chỉ cốt để xin được bàn tay ngọc của một người đẹp cũng dân Trưng Vương.  Tâm Đan mỉm cười, kề tai tôi nói nhỏ:
-         Thấy chưa? đứng trước nữ sinh Trưng Vương, anh hùng hào kiệt nào cũng đều xếp giáp qui hàng hết, làm rể Hai Bà đâu phải dễ?
Thấy tình cảnh của anh bạn, tôi bỗng chợt nhớ đến cái quá khứ chưa xa lắm, cái quá khứ vẫn làm cho vợ tôi kiêu hãnh, đó là thời kỳ tôi theo đuổi nàng, cũng cực khổ trần ai không kém, được dịp báo thù, tôi nghiến răng, xả hết nỗi uất ức:
-         Tưởng gì, các bà có điệu bộ cách mấy, rồi rút cục cũng bị chúng tôi xỏ mũi dắt đi.  Chiến đấu có gian khổ, thì chiến thắng mới vinh quang.  Bây giờ có phải giả dại qua ải thật đấy, nhưng sau cùng, người thắng cuộc vẫn là chúng tôi.
Tâm Đan vẫn cười, một nụ cười rất đẹp - ôi nụ cười, một võ khí ghê gớm của đàn bà, tự cổ xưa vẫn làm bao kẻ anh hùng phải xiêu hồn, lạc phách - Liếc nhanh mọi người chung quanh, thấy không có ai chú ý, nàng bèn êm ái nhéo cho tôi một cái đau điếng:
-         Chưa biết ai thắng, ai bại à nghe? người nào giả dại kiểu đó cũng thành dại thiệt.  Để coi!
Ấy, chỉ có thế mà má bầy trẻ bắt đầu tuyên chiến.  Tối hôm đó, nàng đem hết mùng mền, chăn gối của tôi ra phòng khách, bắt phải ngủ riêng:
-         Để xem ai cần ai cho biết!  Người chiến thắng không bao giờ phải cầu lụy đối phương, hễ van xin là thua cuộc.
A! thì ra bà ấy định chơi trò trường kỳ kháng chiến!  Chơi thì chơi sợ gì? tôi nhủ lòng nhất định không ngán.  Nhưng tôi chỉ làm gan được hai tuần, hai tuần mà sao lâu như hai thế kỷ?  Sau cùng, chịu hết nổi cuộc chiến tranh lạnh kéo dài tưởng như không bao giờ chấm dứt, trong lúc đó địch thủ của tôi vẫn phây phây ra vào, trông ngứa mắt không thể tả. Tôi bèn nén tự ái, hạ mình năn nỉ:
-         Thôi được, cho em thắng!
Tôi thua cuộc, nhưng trong lòng vẫn ấm ức, vì thật ra giải quyết vấn đề ai thắng ai như vậy không công bằng, nghĩa là trong thâm tâm, tôi vẫn không công nhận bà ấy thắng.  Nhưng thôi nhịn một tí cho vui cửa, vui nhà.  Khổ nỗi, nàng không biết tôi nhịn, nên vẫn kiêu hãnh với chiến công và vẫn tuyên bố rằng: việc cho giảng hoà là một “ việc thiện ” để ban ân, bố đức cho địch thủ.  Tôi tức ấm ách mà cứ phải làm thinh, rõ là đàn ông chỉ mạnh về sức vóc bề ngoài, chứ bên trong, lòng dạ ông nào cũng mềm yếu lắm, nhất là đối với phụ nữ.  Xét cho cùng, nhường nhịn vợ chưa chắc đã là dại,  bởi vì các bà chỉ muốn dành phần thắng, thì cứ cho các bà ấy thắng, mình thua nhưng có thiệt đâu? bởi vì mất cái này, thì sẽ được cái khác bù lại.  Sau mỗi lần giận nhau, cuộc làm hoà nào mà chẳng đưa đến kết cuộc vui vẻ?
Bây giờ, sau mấy chục năm sống chung, ngồi tính sổ đời, tôi phải công nhận rằng tôi đã ơn vợ tôi rất nhiều, vì những gì nàng đã cho tôi.  Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, nàng vẫn sát cánh bên tôi, chia xẻ ngọt bùi, an ủi khi tôi sa cơ thất thế, nâng đỡ khi tôi vấp ngã, và… công ơn lớn nhất của nàng là đã sanh cho tôi những đứa con, trai gái đủ cả, đứa nào cũng thông minh, xinh đẹp và giống bố… Với đôi bàn tay nhỏ bé, yếu đuối, nàng đã góp sức với tôi cùng chèo lái, đưa con thuyền bé nhỏ vượt qua bao nhiêu sóng gió, đến bến bờ hạnh phúc bình yên.  Vợ tôi là dòng suối mát mùa hạ, là tình nồng ấm áp mùa đông, là người bạn đồng hành không thể thiếu, là tất cả những gì quí giá nhất trên thế gian này.  Biết nói gì đây để tạ tình em? người bạn đường yêu quí ơi! xin cám ơn em đã cho anh hạnh phúc lứa đôi, xin cám ơn em đã đi bên anh trong suốt cuộc đời.

PHƯƠNG - LAN