Tuesday 17 November 2015

VĨNH BIỆT MỘNG CẦM



Nữ sĩ Mộng Cầm, sinh năm 1917, người tình trong thơ Hàn Mặc Tử, sau 5 năm bị bệnh tai biến và được điều trị tại bệnh viện, nhưng do tuổi cao, sức yếu đã qua đời vào 16 giờ 20 ngày 23-7-2007

nha MC

tại nhà riêng ở số 300 đường Trần Hưng Đạo, phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết. Bà Mộng Cầm lập gia đình và sống ở Phan Thiết. Trong những năm cuối đời, bà sống với người con gái thứ ba tên Mộng Đức (trong số 8 người con). Sau tang lễ, vào ngày 26-7, linh cữu của bà Mộng Cầm sẽ được mang đi an táng tại nghĩa trang Lầu Ông Hoàng (nơi nổi tiếng với mối tình thơ đi vào văn học của Hàn Mặc Tử).
Nhà ở Mộng Cầm
Năm 1934 khi nhà thơ Hàn Mặc Tử được bạn bè mời vào Sài Gòn, phụ trách trang văn chương tờ báo “Trong Khuê Phòng” đã quen với nữ độc giả thường gởi sáng tác thơ, ký tên Mộng Cầm (Mộng Cầm gọi nhà thơ Bích Khê là cậu ruột). Mối tình thơ của Hàn Mặc Tử đã nảy nở từ đấy cho đến lúc thi sĩ rơi vào bi kịch bệnh nan y.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử  khi sáng tác những dòng thơ nói với người tình của ông, thì ông luôn nhắc đến một người thiếu nữ tên Mộng Cầm như một  người tình của Hàn Mặc Tử, nhưng mà Mộng Cầm không bao giờ làm người tình thật của ông được cả.
Người thiếu nữ thuở đó tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, ngày sinh không rõ, chỉ biết đại khái là cô sinh vào khoảng tháng 5 năm 1917 tại tỉnh Nghệ An, nhưng gia đình cô Nghệ lại đến sinh sống ở một làng chài ở ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

 


Khi tin cụ Huỳnh Thị Nghệ đã qua đời tháng 7 năm 2007  vào tuổi 90 được loan ra, tin này làm cho nhiều người có cảm tình với cụ Huỳnh Thị Nghệ không khỏi bồi hồi tưởng nhớ đến mối tình tuyệt vời giữa cố thi sĩ Hàn Mặc Tử  và Mộng Cầm,  nàng thiếu nữ đã dịu dàng nhưng tha thiết bước vào thơ và đi vào mộng, và chỉ là mộng mị thôi chứ không bao giờ là hiện thực, có chăng chỉ qua những vần 
thơ kể từ những ngày chưa quen biết. Trong bài Trường Tương Tư nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết:
Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ
Của hương hoa trong trăng lờn lợt bày
Của lời câm muôn vì sao áy náy
Hiểu gì không em hỡi! hiểu gì không?
Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
Cho trăng xuân tràn trề say chới với
Cho nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi;
Cho em buồn trời đất ứa sương khuya,
Để em buồn, để em nghiệm cho ra
Cái gì kết lại mới thành tinh tú;
Và uyên ương bởi đâu không đoàn tụ,
Và tình yêu sao lại dở dang chi,
Và vì đâu, gió gọi giật lời đi.
Lời đi qua một chiều trong kẽ lá,
Một làn hương mới nửa lừng sa ngã
Anh mến rồi ý vị của làn mơ.
Lệ Kiều ơi! em còn giữ ý thơ
Trong đôi mắt mùa thu trong leo lẻo,
Ở xa xôi lặng nhìn anh khô héo
Bên kia trời hãy chụp cả hồn anh.
Hãy van lơn ở dưới chân Bàn Thành,
Cho yêu ma muôn năm vùng trở dậy,
Náo không gian cho lửa lòng bùng cháy,
Và để cho kinh động đến người tiên,
Đang say sưa trong thế giới Hão Huyền
Đang trửng giỡn ở bên sông Ngân biếc...
Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,
Ngó như gần nhưng vẫn thiệt xa khơi!
Lau mắt đi đừng cho lệ đầy vơi.
Hãy mường tượng một người thơ đang sống
Trong im lìm lẻ loi trong dãy động.
Cũng hình như, em hỡi! động Huyền Không!
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa.
Em có nghĩ ra một chiều vàng úa,
Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru:
"Một mối tình nức nở giữa âm u,
"Một hồn đau rã lần theo hương khói,
"Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
"Một lời run hoi hóp giữa không trung,
"Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng,
"Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn".

Đấy là tất cả người anh tiêu tán,
Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ,
Cùng tình em tha thiết như văn thơ,
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế
Kể từ ngày  mối tình trong mộng giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm  cho đến nay đã trên nửa thế kỷ rồi, ấy thế mà dấu vết thời gian vẫn không thể xoá nhoà được nét đẹp rực rỡ của những áng thơ tình ám ảnh cả cuộc đời bất hạnh của nhà thơ.
Mộng Cầm có bà dì ruột tên Ngọc Sương, bà này là chị ruột của thi sĩ Bích Khê, bà thi sĩ này cũng là bạn tình trong thi ca thuở xưa của Hàn Mặc Tử.
Mộng Cầm chỉ là bút hiệu, bà muốn gửi gắm những tư tưởng, những vần thơ vào những kỷ niệm, những suy nghĩ viển vông của người thiếu nữ nhiều tình cảm qua bút hiệu, nhờ đó để cho đời sống được êm đềm trôi như dòng nườc chảy, đôi khi chỉ lững lờ trôi theo gió thu nhè nhẹ để thổi cho những chiếc lá vàng rơi,  Mộng Cầm chỉ ước mong cho cuộc đời mình đượ bình thường giống như các bạn đồng trang lứa, không quá ba chìm bảy nổi và nhiều sóng gió. Ngược lại với mộng ước bình thường của nàng, con tạo lại trớ trêu đã làm cho đời nàng không phẳng lặng như niềm mong ước. Vì cha nàng, ông Huỳnh Quang Long là một Thi Độc Học sĩ, một quan chức nhỏ bé của triều đình, thân phận của một kẻ sĩ cuối mùa của thời kỳ nho học suy tàn, cho nên con đường hoạn lộ của ông Huỳnh Quang Long không gặp thời.  Cuộc đổi đời hán nho suy tàn đang tan biến dần,  nhường chỗ cho nền tây học cho nên ông phải làm việc với người Pháp bảo hộ suốt mười mấy năm trường, rồi có một lần ông bất hoà với viên chủ sự người Pháp phục vụ trong Toà sứ Quảng Ngãi, thế là  ông bị đổi ra Nghệ An , sau đó ít lâu ông lại  bị đưa đi Thanh Hoá, Đồng Hới  rồi sau đó lại trở về Nghệ An, năm 1926 thì ông lâm trọng bệnh và chết ở Quảng Bình. Năm đó Huỳnh Thị Nghệ được khoảng chín mười tuổi.  
Sau cái đại tang, cuộc sống bình lặng của gia đình cô bé Huỳnh Thị Nghệ chao đảo, vì suốt cuộc đời thân phụ cô chỉ là một viên chức nhỏ, nên gia sản của quan Thị độc không có lấy một mảnh ruộng miếng vườn, cũng không có lấy một căn nhà che mưa trú nắng  Nghệ phải theo mẹ về Quảng Ngãi và lên tàu vào Phan Thiết sống nhờ gia đình người cậu ruột.
Phan Thiết vào năm 1930, chỉ có vài con phố nhỏ, loanh quanh ta chỉ thấy vài con đường lộ trải đá chạy dọc con sông Cà Ty có nước chỗ đục chỗ trong. Mọi sinh hoạt thường tập trung  chung quanh khu xóm chài, nơi có những thuyền buồm đánh cá dong đuổi ra khơi. Khu nhà ga xe lửa nằm gần tháp nước là nơi những người dân thường trông ngóng chờ nghe tiếng còi tàu hụ hàng ngày lúc bảy giờ tối, chuyến xe này từ Sài Gòn ra mang theo những chuyện chính trị, thời sự, văn hóa lạ lẫm với dân địa phương Phan Thiết của Sài gòn. 
Huỳnh Thị Nghệ có tài làm thơ, nàng sáng tác thơ từ  khi còn ngồi trên ghế nhà trường Ecole Plein Exerria Phan Thiết, năm 16 tuổi có thơ đăng ở báo Công Luận và báo Sài Gòn với bút hiệu Mộng Cầm. Những bài thơ đường luật như bài Vịnh Lầu Ông Hoàng và bài Tết, những bài thơ này nàng sáng tác theo liêm luật thơ cổ điển, tuy vậy nhưng với nội dung và cú pháp vẫn được người đương thời ưa thích và khuyến khích. Ta hãy thưởng thức  bài Vịnh Lầu Ông Hoàng.
Nước nước non non một cõi này
Lâu đài ai dựng tháp ai xây
Sương dầm nắng dãi lờ gan đá
Gió dập mưa dồn tủi phận cây
Tuồng thế tang thương bao lớp sóng
Cuộc đời thành bại mấy chòm mây
Đường lên cõi phúc tìm đâu thấy
Thấy cảnh đau lòng khách tỉnh say.
(Vịnh Lầu Ông Hoàng)
Và bài thơ tả cảnh Tết
Tết nhất làm cho khéo rộn ràng
Nhà nhà bánh mứt dọn nghênh ngang
Bạc bài tấp nập ba anh điếm
Rượu thịt say sưa mấy bác làng
Pháo đốt nổ hoài vui dạ trẻ
Lễ dâng thâu mãi nhọc lòng quan...

(Tết)
Kể từ khi thơ cô được đăng báo, sau đó một thời gian ngắn Mộng Cầm nhận được một bài thơ kèm với một bức thư gửi từ Saigon. Một cô nữ sinh lớp năm của trường tiểu học Ecole chưa biết gì về tình ái, lại nhận được một bức thư của một người không quen biết,  nhưng chứa đựng những tình cảm dạt dào đã khiến cô không khỏi bàng hoàng, tim cô xao xuyến, cô đọc bức thư rồi lại đọc bài thơ Xuân Đầu Tiên mà cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui, dạt dào khó tả.  
Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay .

Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời .

Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Có người trai mới in như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn.

Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên. 

Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây dại sóng con người
Hãy hoan hô, lời cao như sấm
- Vạn tuế, bay ơi! nắng rợp trời. 
(Xuân Như Ý)
Dòng thơ của một nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn lại được gửi cho một người con gái mà mình chỉ biết tên qua trang báo chẳng khác chi một cơn giông bão thổi vào cuộc đời một cô nữ sinh còn trẻ dại của miền tỉnh lẻ Phan Thiết. Cô vừa mừng  vừa vui nhưng lại lo lắng bồn chồn, một mối lo làm  Mộng Cầm không dám viết thư trả lời cho Hàn Mặc Tử dù trong thâm tâm cô cũng muốn biết thêm về người thanh niên đã từng có danh trên thi đàn với các biệt hiệu Lệ Thanh, Phong Trần hay Hàn Mặc Tử.
Mộng Cầm năm đó thi lấy bằng primaire, trong khi chờ công bố kết quả, nàng theo người cậu ruột ra làm việc tại một trạm xá mà thời đó người ta coi như một bệnh viện tại Mũi Né. Ở vùng đồi cát hẻo lánh xa xôi này mà có một phòng khám bệnh phát thuốc và mấy căn nhà nhỏ thấp lè tè làm nhà hộ sinh cho bà con trong vùng là quý lắm rồi.
Vì không chuyên môn ngành y khoa nên công việc của Mộng Cầm rất đơn giản, nàng chỉ phát thuốc và chăm sóc một vài thứ bệnh thông thường mà thôi, nên còn bao nhiêu thời giờ thì nàng dành để sáng tác thơ hoặc sao chép những bài thơ nàng ưa thích vào cuốn sổ tay. Có một lần Mộng Cầm tình cờ đọc tờ báo xuất bản ở Sài Gòn của một bệnh nhân đem đến,  có dòng nhắn tin như sau:
“Mộng Cầm em ở đâu, cho tôi biết địa chỉ - Hàn Mặc Tử“.
Chỉ vỏn vẹn một dòng chữ ngắn ngủi như vậy thôi mà thực sự làm đời sống của  Mộng Cầm đang êm ả bỗng nổi cơn sóng gió. Nàng bồn chồn xúc động khi biết người thi sĩ nổi danh kia đã dành cho nàng những tình cảm nồng nhiệt cho một cho người thiếu nữ chưa quen biết là nàng. Suốt cả đêm hôm ấy Mộng Cầm thức trọn cả đêm để trằn trọc suy nghĩ, và sau đó nàng quyết định viết thư hồi âm cho Hàn Mặc Tử. Thời gian khoảng một vài tuần lễ sau khi nàng gửi thư đi, Hàn Mặc Tử đã đáp xe lửa đi Phan Thiết, rồi từ Phan Thiết, chàng chuyển sang một phương tiện di chuyển khác, từ Phan Thiết đến Mũi Né lúc đó chỉ có đò dọc, ghe chở người khách bềnh bồng trên sông nước suốt cả đêm, mãi đến sáng hôm sau mới ghe mới tới bến Mũi Né, chàng bước lên bờ vội vã đến gặp Mộng Cầm trong trạm xá bệnh viện.



Mộng Cầm, nay đã già và đã cụ bà Mộng Cầm đang hồi tưởng lại lần gặp gỡ đầu tiên trong đời của bà với nhà thơ Hàn Mặc Tử, bà nói rằng không thể nào quên được dù buổi sáng ấy cách đây đã gần 60 năm khi bà đang phát thuốc cho bệnh nhân, người tuỳ phái chạy vào báo rằng có khách ở Sài Gòn đến tìm,  bà đoán ngay ra là chắc chắn là “anh ấy”, rồi khi cầm tấm danh thiếp đọc tên thì bà biết đã đoán không sai nên bùi ngùi xúc động. Gặp chàng bà thấy trên người của Hàn Mặc Tử vẫn còn khoác chiếc áo choàng trắng của bệnh viện, đang đứng đợi bà dưới mái hiên, dáng người chàng cao dong dỏng, bận bộ đồ com-lê trắng nên hoàn toàn khác với sự tưởng tượng và hình dung dáng dấp mà trong đầu óc của bà đã tự vẽ về chân dung của chàng. “Người ấy” không táo bạo, bậm trợn như bà nghĩ mà chỉ nhỏ nhẹ hỏi: “Mộng Cầm đây phải không. Tôi đáp xe lửa đến Phan Thiết rồi dùng ghe thuyền đi suốt từ tối đến giờ mới tới”. Và cả hai đều lúng túng, không ai nói với ai câu nào nữa, cứ im lặng mãi như thế cho tới khi người cậu của bà nhắc rằng hãy mời khách vào phòng trong  mà tiếp chuyện.
Câu chuyện sáng hôm ấy giữa nàng và chàng chỉ loanh quanh chuyện thơ ca thi phú, chuyện thời tiết đó đây, chuyện trên trời dưới đất, chẳng câu chuyện nào ăn nhập với nhau cả, chứ “anh ấy” tuyệt nhiên không nhắc gì đến tình cảm riêng tư của chính mình.
“Rồi mãi đến xế trưa, chuẩn bị lên ghe trở về Phan Thiết cho kịp chuyến xe lửa trở lại Sài Gòn, lúc đó ảnh mới dám nhìn thẳng vào  tôi và nói rằng hẹn tuần sau ảnh sẽ trở lại thăm tôi”. Bà kể lại như thế.  “Khi chiếc ghe dần khuất sau những cồn cát, lúc ẩn lúc hiện thì lúc đó tôi mới linh cảm thấy cuộc đời tôi từ nay sẽ bước sang một khúc rẽ. Dòng đời chảy xuôi hay ngược nào ai biết trước được!”.  Sự kín đáo của một người lớn tuổi, cụ bà Mộng Cầm  không nói nhiều về những lần gặp gỡ giữa bà với Hàn Mặc Tử ở Mũi Né  Phan Thiết, cụ bà không xác nhận cũng không phủ nhận những lần gặp gỡ, những chuyến đi chơi trong buổi chiều mưa ướt, tránh mưa dưới mộ đá trong  một nghĩa địa hoang phế mà sau này nhiều bài báo, tuồng tích đã khai thác và quy kết là nguyên nhân căn bệnh nan y mà Hàn Mặc Tử mắc phải.
Mộng Cầm  chỉ kể một vài câu chuyện vui, như  khi bà cùng Hàn Mặc Tử băng qua bãi cát để đến trường Hồng Đức nơi người cậu ruột của Mông Cầm, đó là nhà thơ Bích Khê đang dạy học tại đó, hoặc bà trách Hàn Mặc Tử ít chú ý đến cách ăn mặc. Hàn Mặc Tử nhanh nhẩu ứng khẩu ngay bằng những câu thơ vui:
Người sao như tỉnh lại như say
Xác rác xơ rơ cái mặt mày
Chỉ thích cái đời làm thi sĩ
Cho nên quần áo chẳng buồn thay
Đọc mấy câu thơ ấy xong chàng cười thật vui. Bà kể lại rằng có một thời kỳ kéo dài đến mấy năm, hàng tuần vào chiều thứ sáu cuối tuần, Mộng Cầm xin phép cậu từ Mũi Né lên Phan Thiết để đáp chuyến xe lửa chiều thứ bảy để về Saigon, rồi chiều hôm sau Chúa nhật,  quyến luyến lúc gặp gỡ cũng như lúc giã biệt nhau.
Trong bài thơ “Chan Chứa “ Mộng Cầm đã nhắc nhiều đến những kỷ niệm của cái thuở ban đầu, gặp nhau cuối tuần,  mà cứ như mỗi cuối tuần là một mùa xuân.
Nếu anh đếm được những vì sao
Thì hiểu em yêu đến bậc nào
Tinh tú trên trời không đếm được
Tình yêu càng với lại càng cao
Cả năm chỉ có một lần xuân
Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần
Thơ thẩn tâm hồn hoa nở nhuỵ
Cạn dòng tâm sự được bao lần.
Em cứ tưởng rằng anh với em
Như hình với bóng dưới màn đêm
Hoàng hôn đã khóc niềm chung thuỷ
Đau đớn tình anh khắng khít thêm.
Cho nên không thể nói không yêu
Mà nói rằng yêu, yêu rất nhiều
Trời đất ngập tràn thơ vĩnh biệt
Lòng em chan chứa biết bao nhiêu

(Chan Chứa)
Bà đính chính rằng nhiều bài báo viết sai sự thật về mối tình của bà và Hàn Mặc Tử, bà bảo rằng tình yêu giữa hai người hoàn toàn trong sáng, không có chút gì xàm xỡ hay hoen ố.
Bệnh tình của Hàn Mặc Tử mỗi lúc một trầm kha khiến có lúc ông buồn rầu  mà sáng tác bài Muôn Năm Sầu Thảm
Nàng hỡi nàng muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi!
Thân tàn ma dại đi rồi,
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan.
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió,
Tưởng từng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương...
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì.
Nhớ lắm lúc như si như dại,
Nhớ làm sao bải hoải tay chân!
Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng,
Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều.
Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm đều.
Trăm năm vẫn còn lòng yêu,
Và còn yêu mãi rất nhiều, em ơi.

 Cả hai người,  Hàn Mặc Tử qua đi nay đến Mộng Cầm cũng qua đời vào tháng bảy hai ngàn lẻ bảy vừa qua, thiên tình sử đã đi vào huyền thoại...


Kim Chi Sưu Tầm