Thursday, 16 July 2020

“ANZAC DAY”: NGÀY CỦA LÍNH - Nguyễn Tư


“ANZAC DAY”: NGÀY CỦA LÍNH



Cứ đến ngày 25 tháng 4 thì trên khắp nẻo đường phố Sydney thấy vắng tanh vì người ta nghỉ Lễ, ngoài những ông cụ mặc đồ vest, ngực đeo đầy huy chương và nhánh cây khuynh diệp nhỏ, lọng cọng ra bến Bus hay nhà ga để đáp tàu về City dự buổi diễn hành dành cho họ hàng năm….

Hôm nay trời hơi sương. Lạnh. Và, âm u như chia xẻ với nỗi đau của cuộc bại trận Gallipoli tại bờ biển Thổ-nhĩ-kỳ của liên quân Úc - Tân Tây lan cách nay 80 năm, cũng là niềm thổn thức 20 năm của những người miền Nam mất nước trong cùng Tháng Tư Đen ác nghiệt này.

Mấy ngày trước, trên TV liên tục chiếu những chương trình có liên quan đến biến cố lịch sử đau thương dai dẳng này đã khiến hàng chục ngàn binh sĩ Úc và Tân Tây lan bỏ mình trên vùng đất xa xôi đầy bất lợi ấy, mà có một số sử gia Úc ngày nay xem như là điều ô nhục, khi họ coi sự hy sinh đó chỉ là mặt trái của một cuộc tính toán vô nhân đạo từ "Mẫu Quốc" Anh, muốn kẻ khác chết thay cho mình trong cuộc chiến tranh riêng của họ ở châu Âu cũng như tại Singapore trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến với quân Nhật.

Trong phim thấy có phỏng vấn những người còn sống sót, dĩ nhiên nay họ đã quá già. Họ là những người lính lúc ra đi chỉ mới 17, 18 đến 22 tuổi, đầy nhựa sống từ cấp Binh nhì lên tới Trung úy...Có người vừa nói vừa khóc như niềm đau tủi, có người vừa nói vừa cười một cách đắng cay và cho đó là một cuộc"phiêu lưu"(adventure) mà giới trẻ Úc ngày nay thường thắc mắc:"Tại sao chúng ta mừng lễ một cuộc chiến tranh, một cuộc bại trận?" (why we celebrate a war , a defeat?) như lời người thuyết minh đã nhắc! Về phía những người lính Thổ nhĩ Kỳ, họ cũng già khú đế như vậy, nhưng không tỏ vẻ đau đớn gì vì họ là những người thắng trận. Họ nói rằng họ chỉ được lịnh đào chiến hào trên bờ biển vàchờ quân đội Anh đến mà thôi, chứ không biết có quân Úc và Tân tây Lan...

Theo quan điểm quân sự, thì địa thế bờ biển gọi là "ANZAC COVE" trông rất nguy hiểm, rất bất lợi cho quân đổ bộ, vì biển khá sâu (nhìn thấy nhiều tàu lớn cập gần bờ) và độ dốc quá cao. Bên trên lại đầy lô-cốt 2 tầng xây theo hình cánh cung (có nghĩa là xạ trường rất rộng) có trí súng đại liên, và chằng chịt những chiến hào...Những điều này chứng tỏ sự cụ bị rất sẵn sàng, rất kiên cốvà quân Thổ tiên đóan trước một cuộc đổ bộ chắc chắn sẽ có, là một điểm tối kỵ trong binh pháp về phía Liên quân.


Cách đổ bộ như thế này nắm chắc phần thua dù có binh hùng tướng mạnh, tàu lớn lại tập trung vào một tiêu điểm có mật độ rất đậm, nằm trong tầm pháo nên lãnh đủ pháo binh địch (thấy nguyên một chiếc tàu to bị đạn pháo lật úp và hàng trăm lính bơi lổn ngổn, còn đánh đá gì nữa!?). Tàu lớn phải ở ngoài xa để bảo vệ chủ lực và hỏa lực yểm trợ cho quân đổ bộ, chỉ vào bằng xà-lang, nếu có bị pháo cũng ít thiệt hại. Với vị trí nguy hiểm như vậy, trước tiên phải cho pháo binh hay không quân dập vào bờ trước, cày nát hết các công sự, áp đảo tinh thần địch rồi mới đổ quân lên, từng bước, từng bước, lên bước nào đào công sự bước đó...còn chạy vào ào ạt như vịt thì chỉ có chết như rạ là phải...

Mọi năm tôi ở gần City nên lè-phè, tà-tà đến đó, nay ở rất xa, lại cách ga nên phải dậy từ sáng sớm, lội bộ 5 cây số mới đến Ga Liverpool, vì Bus hôm nay nghỉ lễ. Từ đây về City mất gần 1.h30 phút. Trên xe đông nghẹt những người cựu chiến binh già, có người đi cà nhắc chắc do bịnh già, có người phải chống một gậy,có khi 2 gậy, có người đi xe lăn do thân nhân đẩy...Hẳn đây là những người lính từ thời đệ I hay đệ II thế chiến. Còn những người trẻ trung hơn thì mạnh khoẻ vì họ thuộc thế hệ của tôi, họ là những người tham chiến tại Việt nam. Họ thường đội béret của binh chủng mình (Thiết giáp màu đen, Đỏ là Dù, xanh là TQLC, nâu là BĐQ). Đặc biệt những người này trên ngực đều có đeo cái huy chương mà cuốn là lá cờ vàng 3 sọc đỏ, khiến chúng ta rất cảm động và cảm thấy rất gần gũi với họ, nhất là trước đây tụi tôi vẫn thường chiến đấu chung bên họ với lòng ngưỡng mộ là người lính Úc chả bao giờ đội nón sắt trong lúc lâm trận như các binh sĩ các nước khác, mà chỉ đội nón "bord" (còn gọi là "nón rừng" loại nón bờ rộng bằng vải để đi rừng).Họ rất niềm nỡ khi gặp người Việtnam...

Tôi xuống ga Wynyard để đến Đài Tử sĩ cho gần, thay vì ga Town Hall như mọi năm. Sáng đi bụng đói vì quá sớm, nên tôi mua một ly cà-phê nơi quày hàng Ga, thấy lố nhố những người lính này. Tôi ngồi ngay vào một bàn có người lính Úc "Vietnam Veterans" và nói "Hi!". Người lính chào lại hỏi, mày có phải người VNkhông? Tôi nói phải, cũng là cựu binh như bạn. Người cựu binh đưa tay bắt với nụ cười tươi, khai anh là "Private"(Binh nhì) rồi hỏi tôi cấp bực gì, tay chỉ vào cái huy chương của anh, có lá cờ vàng với niềm hãnh diện. Tôi nói cấp bực tôi là "Lieutenant" vừa đứng lên đưa tay chào lá cờ cùng cái huy chương trên ngực áo anh ấy theo đúng quân cách với đôi mắt rưng rưng...Người lính cũng chào lại tôi theo kiểu nhà binh rất tử tế dù chúng tôi bay giờ đều là dân sự. Tình chiến hữu dấy lên trong lòng tôi lúc đó, nhưng tôi phải vội đi, kiếu người lính đó và nói là tôi bận đi viết một bàitường trình về buổi diễn hành cho một tờ báo ở Melbourne. Người cựu binh Úc cũng rưng rưng tiễn tôi ra khỏi Ga với cái ngoắt tay thật đầm ấm. Chỉ có những người trong QĐ, cùng chiến đấu bên nhau trong một chiến hào mới có những tình cảm riêng tư này, nhất là trong hoàn cảnh một người đã phải lưu vong vì mất nước mà cả hai từng hết sức bảo vệ vẫn không xong vì những dàn xếp bẩn thỉu tại bàn Hội nghị mà 2 người cựu binh này không hề được hỏi ý kiến!



Tôi ra đứng trên một bệ cao của một cao ốc để nhìn vào Đài Tử sĩ có 2 tượng lính bằng đồng, một Bộ binh, một Hải quân đứng thế nghiêm cầm súng đâu lưng vào nhau giữa những vòng hoa tưởng niệm đủ màu của các đoàn thể. Cuộc diễn hành bắt đầu. Những nhịp trống của các ban Quân nhạc vang lên trầm hùng. Tôi thấy các trưởng đơn vị đi đầu hô to quay vào trái hoặc phải để chàoĐài Tử sĩ nếu đi qua phía nào của Đài. Chỉ có người hô mới chào tay (chào theo kiểu Pháp, lật ngửa bàn tay trông không đẹp bằng lối chào Mỹ và VNCH bàn tay úp xéo xuống trông mạnh và hùng hơn) các cựu binh đều quay mặt vào Đài tử sĩ, tay úp vào ngực để tưởng niệm các đồng đội của mình đã hy sinh.

Năm nay, đặc biệt trên đường diễn hành đầy phân ngưạ, bốc lên mùi hôi rất khó chịu, có lẽ do đội Kỵ binh đi trước, hay cảnh sát cho ngựa đi tuần để giữ an ninh. Cuộc diễn hành mở đầu bằng đoàn Quân nhạc mặc đồ đỏ, tiếp đến là những đơn vị của thời Gallipoli, trông rất tội tình, già yếu..Những người đi không được thì ngồi trên những chiếc xe quân sự mui trần thường thấy do một nữ quân nhân Úc rất xinh xắn lái. Có những đơn vị chỉ còn có 2 người, kể cả người cầm hiệu kỳ nữa là 3, chắc năm tới đơn vị này sẽ xoá tên! Trong hàng ngũ diễn hành có những người con cháu họ đi thay, ngực cũng đeo đầy huy chương của thân nhân họ, có thể người ấy đã già không dự được hay đã chết. Đám cựu binh Đệ 2 thế chiến còn đông, nhưng cũng đã già quá. Đám cựu binh chiến đấu ở VN đông nhất (vì họ đã tham chiến đến 40 ngàn lính và tử trận hơn 500/ Mỹ có nửa triêu quân và chết 58 ngàn lính/VNCH khoảng 1 triệu và chết 300 ngàn lính, vây ai là “thỏ đế” nhưTruyền thông Tây phương bôi bác trước đây?) và họ còn khá trẻ. Có người vừa đi vừa khóc có lẽ vì nhớ đồng đội dù vết thương lòng cũng đã trải qua hơn 20 năm rồi (Úc dự trận từ 63-72). Đám cựu binh này trên ngực đều mang huy chương có cờ vàng, nhiều người đội nói lưỡi trai vàng gắn cái huy hiệu đề "Vietnam Veterans" chung với cờ vàng 3 sọc đỏ nhỏ, cùng con Kangaroo màu đen. Trong khoảng diễn hành này, ai là người VN đều muốn rơi nước mắt vì thấy hầu hết hiệu kỳ của những đơn vị họ đều màu vàng có 3 sọc đỏ, với chữ "South Vietnam"rất nhiều, lẫn với những cái tên thân thương ghi lớn trên hiệu kỳ như: Núi đất, Vũng Tàu, Phước Tuy, Bà rịa, Biên Hòa, Sài gòn...Có một người cưụ chiến binh trong nhóm này dẫn theo một người đàn bà VN, chắc là vợ hay tình nhân của anh ta! Thỉnh thoảng cũng có những người con họ đứng ngoài giơ tay cao khoác và la "Daddy!Daddy!" khiến người bố quay lại giơ tay chào cười rất hãnhdiện...Hẳn những người con đó phải hiểu tại sao Bố mình có mặt trong đoàn quân này và đã từng chiến đấu cho VN!

Năm nay có thêm những đơn vị mới diễn hành như đơn vị tham chiến ở Somalia dưới ngọn cờ của LHQ, nên thấy họ đội Béret màu xanh lam. Hết đoàn cựu binh Úc thì mới tới các đơn vị Đồng Minh như Ba lan, Tiệp khắc, Estonia, Mỹ , Pháp và sau cùng là VNCH (vì vần "V"). Năm nay thấy anh em đi khá đông, mở đầu là một nữ cựu binh(?) trông khá xinh, mặc áo dài đen thêu hoa, quần trắng, cầm tấm bảng nhỏ ghi"Republic of Vietnam", sau là toán Quốc Quân kỳ do anh em bên TQLC phụ trách, đến là đoàn cờ Úc, rồi mới tới các cựu binh, cũng có vài nữ quân nhân tham dự cuộc diễn hành này. Dù tôi không tham dự trong đoàn diễn hành nhưng tôi vẫn gần gũi với anh em. Tôi cần ở ngoài để làm những công tác khác có lợi hơn như ghi lại cuộc diễn hành này tường trình cho mọi người biết sinh hoạt của anh em chẳng hạn...

Năm ngoái tôi được một người bạn văn nhỏ ở Melbourne - cô DQ, dù hãy còn trẻ nhưng cô ấy rất thương cảm những người lính VNCH trong nhiều tác phẩm của mình, viết cho tôi một bức thư nói" Kỳ ANZAC rồi em đi dự, đứng ngoài nhìn anh em cựu chiến binh mình đi diễn hành hốt nhiên em bật khóc". Tôi viết thư cảm ơn cô ấy đã chia xẻ với những người lính ngã ngựa bất hạnh này, dù họ đã tận tình chiến đấu cho Tổ quốc trước đây mà không thành vì những lý do ngoài quyền hạn của họ...

Tôi cũng nhặt một cành khuynh diệp từ chiếc hộp của những em bán rong có ghi hàng chữ"A gift from Legacy" cài lên ngực áo như những cựu chiến binh Úc khác, dù không rõ nó biểu tượng điều gì trong ngày lễ to lớn và đau thương này...


*Nguyễn-Tư