BƯỚC QUA LỜI NGUYỆN...
Truyện ngắn Nguyễn-Tư
Kể từ ngày bị bắt sau một đêm bị công-đồn tràn ngập, Duy tính ra đã hơn nửa năm
rồi, nửa năm với núi rừng thâm-u, với những sợi xích nặng-nề ăn mòn hai cái cổ tay trở
thành hai vòng ghẻ, có cái bờ dày lên, chai đi không còn cảm-giác đau-đớn, giống như
những vết sẹo trên thân cây bàng trước ngôi trường Tiểu-học quê nhà, mà nơi đó chàng đã
gửi lại hết chuỗi ngày ấu-thơ….
Dưới mông hai miếng xương bàn tọa nhô lên, sần-sù, mòn nhẵn như đít một con khỉ
đột, nhốt trong sở thú. Duy thực lòng, không bao giờ nghĩ đến một ngày về, bởi vì chàng
tự biết với cái đà này, không dễ gì sống-sót đến ngày hòa-bình, ngoại trừ có một cơ may
nào đó đến với chàng từ một phép lạ, giúp chàng vượt ngục…. Nhưng cứ nhìn những
ngọn cây cao ngất trời này, những tảng mây luồn dưới ngọn cây, cùng cái độ lạnh cắt da,
thì chàng có thể đoán chừng nơi chàng đang bị giam cầm phải thật xa những vùng Quốc-
gia trấn đóng. Có đêm mưa, chàng nằm nghiêng áp tai xuống sạp bện bằng nứa và những
dây leo, chàng nghe rõ tiếng của côn-trùng kêu rỉ-rả, nhất là tiếng của con dế mèn đâu
đây, làm cho chàng nhớ lại những ngày bé mọn, rong chơi suốt ngày ngoài nương đồng,
lục-lọi trong từng bụi cỏ, chỉ để bắt cho được những chú dế thân yêu này, nhốt trong một
chiếc hộp quẹt rỗng, đem về đặt trên đầu giường, để đêm dế gáy thiết-tha trong cơn ngủ
mệt vùi của chàng, thấp-thoáng tiếng của người mẹ cằn-nhằn: “Lại cái thằng ni nữa, bắt
dế nhốt ở đầu giường, kêu điếc tai quá!”. Kỷ-niệm ấu thơ đó, làm cho Duy ý-thức được
rằng mình hãy còn một người Mẹ già chờ mong vô vọng, với cái giấy báo từ Bộ Quốc-
phòng là chàng đã “mất tích”... Và, quả thực, chàng cũng có nhớ đến người tình bé nhỏ
tên Lệ-Chi, tình cờ trong một cuộc gác đường do S.V.S.Q của trường Bộ-binh Thủ-đức
trong dịp về ứng-chiến Sàigòn để chống đảo-chánh. Duy nhớ rõ ngày đó, buổi trưa, chàng
cùng hai người bạn khác đều mặc đồ trận, giày “saut” bó ống, mang nơi hàng nút trước
ngực miếng nỉ đen nhỏ có gắn cái “Alpha” vàng, đội nón sắt hai lớp, M 16 cầm tay
......khác với trước đó SVSQ Thủ-đức về phép mỗi cuối tuần thì mặc đồ Kaki vàng ủi hồ
thẳng nếp, áo dài tay cài “manchette”, thắt cà-vạt đen, cầu vai mang hai Alpha lớn,
choàng dây biểu-chương rực-rỡ và đội Képi rất trang-trọng ...Chúng tôi làm một nút chặn
ở đầu cầu Bông cạnh trường Nữ trung-học Lê-văn Duyệt. Một thằng cầm súng trong thế
tác-chiến, một thằng ngậm còi để chặn xe lại và Duy thì xét giấy. …
Chiếc xe đạp mini màu tím hồng trờ tới, tiếng còi vang lên, cánh tay vạm-vỡ đen
ngòm, áo treillis dầy cộm, xắn khỏi cùi chõ 3 phân của thằng bạn dang ra như cánh tay
khổng-lồ của anh chàng Hercules bất ngờ làm cho cô gái đứng sựng lại, mặt tái mét,
không biết chuyện gì đã xảy ra? Duy bước tới vẻ mặt lạnh-lùng chào tay theo kiểu nhà
binh, lễ phép hành-sự:
- Cô làm ơn cho coi giấy tờ!
Người con gái có vẻ lúng-túng, vừa sợ hãi, bởi vì đã từ bao lâu cô chỉ sống quanh-quẩn
trong gia-đình với bố mẹ, rồi đến trường hàng ngày, nàng có biết gì đâu? Hôm nay lại có
lính mang súng chặn hỏi. Người con gái cố lấy lại bình-tĩnh và hỏi một cách rất học trò:
- Giấy tờ gì, thưa anh?
- Giấy tờ gì cũng được, miễn là của cô, thí-dụ thẻ học-sinh do nhà trường cô cấp. xin
lỗi đã làm mất thì giờ cô, nhưng tình hình thành phố không được an-ninh lắm, lúc này….
Cô gái mỉm cười, móc trong túi cặp sách ra một chiếc thẻ học-sinh màu xanh, cẩn
thận đưa cho Duy. Chàng cầm tấm thẻ nhìn sơ thấy tên Lệ-Chi rồi so tấm hình với khuôn
mặt của người sở-hữu nó, coi có đúng không... như nguyên-tắc căn bản về việc xét giấy
tờ, làm cho cô gái mắc-cỡ nhìn ra nơi khác… Những nụ cười e-ấp đó, những quay lưng
tình cảm đó, không ngờ đã níu kéo đời Duy gắn bó với người con gái bé nhỏ này những
tháng ngày không bao giờ nguôi quên được. ...
Hình ảnh của người Mẹ trong tiếng dế ngày xưa, từ cái hộp quẹt để ở đầu giường,
lẫn với mái tóc dài của người con gái tình cờ tên Chi trong tấm thẻ học-sinh của những
ngày đầu đời làm lính, loáng-thoáng với lời đối-thoại của một sĩ-quan Phát-xít Đức trong
một cuốn phim chiến-tranh mà Duy từng xem thời trung-học, bị thẩm-vấn sau một cuộc
tẩu hoát bất thành bị bắt lại, rằng: “Bổn phận của một người tù-binh là phải vượt ngục...”,
làm chàng băn-khoăn không ít. Các ý tưởng đó, trong cùng một lúc làm Duy có cảm giác
của sự hồi-sinh… chàng tự nhủ là chàng không thể hèn nhát chết mòn nơi “đèo heo hút
gió” này được, chàng phải thoát cho dù phải ngã gục dưới làn đạn của kẻ thù. Duy lầm-
bầm trong miệng câu: “Bổn phận của một người tù-binh là phải vượt ngục” mà chàng đã
nghe trong một cuốn phim xa-lơ xa-lắc ngày xưa, hồi chàng còn là một gã thư-sinh bạch-
diện ở một thành phố biển… Tiếng lầm-bầm ngái-ngủ đêm hôm giữa khoảng rừng thâm
u, có tiếng lá khô bay xào-xạc, làm cho người nữ-binh canh chàng thức giấc, rồi ả cằn-
nhằn, nói vẻ bực-bội:
- Ngủ đi cha nội! Để ngày mai còn “làm việc”, cha ở đây cũng lâu rồi nha!
- Còn sớm mà?
- Ừa, thì lầm-bầm nữa đi, rồi ngày mai hẵng biết.
Duy mỉm cười về những câu nói cộc-lốc của người nữ-binh có trọng trách gác
chàng, trong chòi giam cũng như lúc đi vệ-sinh, kể cả khi đưa ra ngoài đồi lao-động...
Duy lặng thinh, nắm hai bàn tay lại đè lên trán, nhắm mắt, cố dỗ một giấc ngủ thoải-mái
hơn, nhưng chàng vẫn mường-tượng một điều gì đó không ổn, trái ngược với vóc dáng,
cử chỉ bất ngờ, khó che giấu được mà chàng chợt khám phá nơi con người thực của nữ
binh này. Ả người hơi cao, mặc xương-xương và đôi mắt lúc nào cũng thâm quầng, càng
làm cho đôi mắt của ả sâu thêm, loại mắt của những người mất ngủ lâu ngày, hay là ả quá
lo-lắng về trách-nhiệm gác một thằng sĩ-quan tù có cấp bậc Thiếu-tá như Duy chăng?
Nhưng ả cũng có vẻ thâm-trầm và hay gắt-gỏng, tuy đôi lúc thấy ả cũng có những cử chỉ
ngọt-ngào đầy nữ-tính, nhưng có một sức gì đó kéo ả lại ngay, chứng tỏ là ả phải luôn-
luôn đương đầu với một ma-lực nội-tâm ăn mòn suy nghĩ của ả từ-từ, mà ả có thể thấy
được. Chính điều này dễ làm cho ả gắt-gỏng. Ít khi nào Duy thấy ả cười, kể cả với các
đồng-chí của ả. Ả hay mặc bà-ba đen, thỉnh-thoảng mới thấy ả mặc đồ lính, đội mũ tai
bèo. Đặc biệt mái tóc của ả lúc nào cũng cột gọn-gàng bằng một sợi thun, loại thun người
ta thường dùng để gói hàng trong các tiệm chạp-phô. Phía trước trán, ả thường thả vài sợi
tóc mây, gió bay phất-phơ, nên ả thường đưa tay vuốt với dáng điệu trông cũng “dễ coi”,
những khi ả đến chòi giam của Duy, được làm bằng cây rừng và dây leo bện rất chắc-
chắn như cái cũi nhốt một con thú dữ … và ả mở cửa chuồng làm bằng những miếng gỗ
lớn, được nêm bằng một thanh gỗ vuông, dẹp một đầu, được đóng tháo bằng một cái chày
vồ. ..
Trong buổi lao-động đầu, sau ba tháng sưu-tra hồ-sơ, ả đưa Duy ra một ngọn đồi
đầy những sắn, để cuốc đất với những người tù khác, mà chàng chẳng quen ai, có lẽ vì
cấp bậc của Duy lớn nhất, và nắm giữ chức vụ chỉ-huy trong một đơn vị cấp Tiểu-đoàn,
nên chàng phải bị biệt-giam chăng? Buổi sáng đó Duy mệt nhừ người, bởi vì chàng đã bị
thiếu ăn uống từ lâu, hai cái cổ tay bị xiềng lâu ngày lại nhức buốt, chàng chỉ cuốc được
vài cái thì lại nghỉ. Những hạt mồ hôi tuôn ra xối-xả trên trán chảy xuống mắt gây ra cảm-
giác rát bỏng khó chịu. Người nữ-binh nhìn Duy khẽ lắc đầu, và ả tiến tới giật cái cuốc
với vẻ mặt hầm-hầm nói: “Có như thế này, các anh mới biết nỗi khổ của nhân-dân, mới
hiểu được giá-trị của lao-động” rồi ả lặng-lẽ cuốc thay cho Duy hết vồng khoai mà
không hề thấy nụ cười nào. Lần đó, trên đường về, Duy tỏ vẻ cảm ơn người nữ-binh về
công việc buổi sáng ngoài đồi khoai, nhưng ả vẫn không tỏ dấu hiệu gì về sự chấp nhận
những lời cảm ơn đó, dù là một lời cảm ơn của kẻ thù. Ả chỉ lầm-lì vẻ mặt thù hận, luôn
kè-kè khẩu A.K trên tay, lúc nào cũng chực nhả đạn vào người Duy, nếu chàng bất thần
bỏ chạy. Từ đồi khoai về trại giam cũng khá xa, lại di chuyển bằng chân không, trên
những con đường đá nhảy, làm cho chàng khó nhọc vô-cùng, trong lúc ả nữ binh vẫn
thoăn-thoắt như một con sóc. Theo nguyên-tắc giải tù-binh, bao giờ cũng phải trói, nhưng
vì Duy đã kiệt sức lắm rồi, người nữ binh tin rằng có trốn cũng không đủ sức đi xa, nhất
là ở một nơi khó định-hướng như thế này, mà ngày nhập trại đầu tiên, mọi tù binh đều
phải bị bịt mắt. Vả lại, hai cổ tay Duy đã lở-loét, tấy mủ lên trông phát khiếp, nên người
nữ binh vẫn để chàng đi đứng tự do, với lời hăm-dọa phòng hờ, nếu ả chỉ cần thấy có
triệu-chứng muốn vượt ngục hoặc chạy trốn, thì sẽ nổ súng ngay và báo-cáo sau. Duy chỉ
mỉm cười, nói:
- Tôi chỉ còn sức để thoi-thóp, chứ đâu còn sức để chạy trốn, cô? Sức công phá của
một viên đạn A.K quá thừa để giết chết một người tù rạc như tôi lúc này, cô đừng lo!
- Anh phải hiểu là đối với một người C.M như chúng tôi, mọi chuyện gì cũng phải
tiên-liệu hết, kể cả chuyện một người tù kiệt sức như anh chạy trốn. Tôi không tin các anh
đâu!
- Nhưng tôi lại tin cô nói thực điều ấy, dù vẫn có những điều…
- “Những điều” anh không tin nổi chúng tôi, chứ gì?
- Nên nhớ tôi là một người tù của cô, lúc này.
- Vậy thì những người dân bên phía anh, họ có tin rằng “những tên V.C chỉ gầy như
cái que tăm, không đủ nặng để làm oằn một cọng đu-đủ không, như các anh thường bêu
riếu chúng tôi?”
- Cô đừng nên mỉa-mai một người tù như tôi với câu hỏi như thế, khi cô cũng có thể
biết là dân-tộc mình thì nghèo nhưng lại ưa khôi-hài… Điều quan trọng của mọi người
thông minh là phải nên biết đâu là sự thật, mà đâu là chuyện giễu?
- Chúng tôi không có thì giờ để làm những công việc đó. Anh nên tin rằng tôi là một
người đã từng “ở thành” như anh….
- Tôi biết.
- Vì sao?
- Chỉ vì lối nói chuyện của cô, và sự thầm lặng bao lâu nay, nhất là khi cô xỉ-vả tôi,
mà vẫn cầm cái cuốc, cuốc hộ cho tôi đến hết một vồng khoai, ngoài đồi, mấy ông trên
rừng lâu niên chả bao giờ làm vậy đâu!.
- Anh nghĩ sai rồi, anh Duy.
Người tù binh có vẻ sững-sờ khi người nữ binh lần đầu tiên gọi chàng như thế. Dường
như người nữ binh đã nhận ra một điều gì đó “không phải” đối với bản thân mình, nên ả
tìm cách kềm hãm bằng một mệnh-lệnh do ả tự đặt ra, cũng nên: “Thôi, anh nên im đi, và
không nên dự đoán, cũng như tìm hiểu gì về tôi cả, ngoại trừ việc tôi là một người C.M
đang quản-lý anh trong giai-đoạn anh đang ở trại này”. Sau một câu nói như thế, Duy
cảm thấy nên tự ép mình nhịn-nhục mọi chuyện, để mong một ngày nào đó có cơ may
chàng sẽ vượt thoát. Duy vẫn đi lặng-lẽ trên con đường mòn dẫn về chòi giam nhỏ bé
dưới một gốc cây to. Như một phản-xạ tự-nhiên, Duy tự động đưa hai cổ tay về phía trước
cho người nữ binh choàng sợi xích sắt cố-hữu vào, và bóp ống khóa lại, xong rồi chàng
mới cúi người thật thấp để chui vào căn chòi tối om, chỉ nghe tiếng muỗi bay vo-ve, mùi
ẩm mốc từ những chiếc lá mục dưới sàn lâu ngày xông lên nồng-nặc. Người nữ binh vào
trại chỉ-huy cầm cái chày vồ ra vỗ lên cây nêm, những âm thanh khô đét như dội vào lồng
ngực chàng những quả búa tạ vô-hình. Duy đau-đớn không phải vì bị giam cầm, nhưng vì
tự thấy mình bị đối xử như một con chó, có nghĩa là không được coi như người. Nơi
chàng ở không phải là một nhà giam, theo suy nghĩ của một người thường trên thế giới
nhưng nó là một cái cũi nhỏ xíu, nói rõ hơn là một cái chuồng… Sau khi đóng cái nêm
xong, người nữ binh như chừng không tin vào công việc của mình làm lắm, nên ả lấy tay
lay rút thử cái nêm lần nữa trước khi cầm cái vồ đi về hướng trại chỉ huy, mà không quên
nói với lại một câu răn-đe gần như thường lệ: “Mặt trận chỉ khoan-hồng cho những người
biết ăn-năn hối-cải mà thôi, dân-chủ với nhân-dân, mà chuyên-chính với kẻ thù…”.
Duy lại tiếp tục cuộc đời mình với những đêm dài như thế không đổi thay, vẫn với
mùi ẩm mốc của lớp lá khô dưới sàn quen thuộc, vẫn với tiếng vo-ve của bầy muỗi đói,
thỉnh-thoảng có những con vắt chui vào háng hút những giọt máu khô cằn đầy vi-trùng
sốt rét, vẫn những tiếng dế rỉ-rả thâu đêm… tiếng xiềng khua leng-keng khi chàng trở
mình đổi thế nằm cho bớt mỏi. Nhưng chỉ có tiếng dế kêu là làm chàng bùi-ngùi, vì chàng
phải nhớ đến những ngày ấu thơ rong chơi, nhớ lời cằn-nhằn âu yếm của Mẹ, nhớ cái hộp
diêm rỗng có vẽ hình con chim ở bên ngoài...mà bà không biết hiện con bà ở đâu còn
sống hay đã chết rục xác ... Duy lại mỉm cười về thân phận của con dế ngày xưa, bị chàng
nhốt trong một chiếc hộp kín, đặt ở đầu giường, để sáng hôm sau chàng mang đi đấu với
những con dế khác của trẻ hàng xóm, nó giống như chàng bây giờ, cũng bị nhốt trong một
cái cũi, có khác chăng tình cảm của chàng dành cho con dế và tình cảm của những người
hiện đang giam cầm chàng. Duy nhớ Mẹ và nhớ đến Lệ-Chi, nhớ những ngày phép về
thăm nhà, lần nào Mẹ cũng nấu một tô canh trái khổ qua đắng dồn thịt, dành cho chàng, vì
bà biết chàng thích loại canh trái cây đó, dù Mẹ vẫn hay cằn-nhằn: “Con còn trẻ mà sao
lại đi ưa những thứ đắng cay?”. Duy nhớ những lần đến thăm Lệ-Chi trong một con hẻm
nhỏ. Nhà Chi nghèo xác-xơ, bố là một công chức nhỏ ở Ty thanh-niên, mẹ là một nội trợ
người Bắc hiền lành. Lệ-Chi không đẹp nhưng nhu-mì, cái nhu-mì kết hợp giữa hai phong
tục Bắc-Nam. Chi cười có lúm đồng tiền ở một bên má, mà Duy vẫn thường nói đùa:
- Chúa chỉ cho em phân nửa hạnh-phúc.
Chi chỉ mỉm cười chấp nhận, đưa tay sờ lên má, nơi có cái đồng tiền, mà nói rằng:
- Thật sự, nếu mình sống hết được với phân nửa hạnh-phúc mà Chúa đã cho, thì
cũng may-mắn lắm rồi! Bởi vì anh thấy không, có những người đâu có cái đồng tiền nào?
Duy yêu Chi bởi những suy nghĩ an-phận như thế một cách hiền lành. Ngày Duy lên
lon Trung-úy, nàng chỉ tặng chàng mỗi cái võng nylon để chàng nằm trong những dịp
hành quân xa, với quan niệm rằng: võng gọn-gàng tiện lợi, mà nó cũng tạo cho con người
một thế nằm thoải-mái dễ mộng-mơ hơn. Nàng có những cái ích-kỷ dịu-dàng của những
người yêu nhau mà không suồng-sã như lời chúc của nàng trong một chiếc thư ngắn, nàng
gửi cho Duy ở tiền đồn trong dịp đầu năm: “Chi chúc anh 3 điều: Một là anh mạnh khỏe,
đừng có tai-ương gì hết để còn về với em. Hai là thương Chi nhiều-nhiều. Ba là chỉ
thương một mình Chi thôi…”. Mối tình giản-dị vô cùng, nhưng nó không thiếu những
nồng thắm của nó. Duy mỉm cười kiểm-nghiệm lại lời chúc của Lệ-Chi, cho đến lúc này,
mới chỉ mất đi đoạn đầu…
Ánh trăng khuya lạc-lõng xuyên qua mái lá của trại giam, hiện rõ một vài chiếc
bóng lá cây rung-rinh, làm Duy nhớ những đêm dừng quân trong rừng, nằm trên chiếc
võng ân-tình của Lệ-Chi tặng, cái ý nghĩ vượt thoát vẫn ám-ảnh chàng, hòa lẫn với lời đối
thoại xa-xăm trong một cuốn phim của một người tù binh Đức. Chàng cố dỗ giấc ngủ đầy
mộng-mị để mong tìm cho mình một chút hồi-sinh. Chàng không thể chết mòn trong cái
cũi chật hẹp này, bên những hằn-học, mỉa-mai, nhục-mạ… của kẻ thù…
Sáng hôm sau, chàng bị đánh thức thật sớm, khác hơn mọi bữa. người nữ binh ăn
mặc chỉnh-tề, áo quần bộ đội và nón tai bèo, mang ba-lô, súng AK có gắn lưỡi lê, ngang
lưng đeo mấy túi đạn nữa .... Ả cầm một nắm cơm vắt có lấm-tấm những hạt muối, dúi
cho chàng, nói giọng lạnh-lùng: “Ăn đi!”. Duy tần-ngần và tự biết có một cái gì đó đang
đổi thay. Chàng nghĩ bụng: có thể họ đem mình thủ-tiêu, hoặc là di chuyển trại để đi đến
một nơi khác, mà không bao giờ được thông báo trước đó. Đối với người C.S, cái gì cũng
giấu kín và cái gì cũng bất ngờ. Theo Duy, thì dự đoán 2 có thể đúng hơn, bởi vì người nữ
binh có mang ba-lô, nếu đem bắn thì chỉ cần một khẩu súng và vài viên đạn là đủ rồi, balô
làm chi ?…
Người nữ binh vẫn với vẻ mặt lầm-lì và căm hận, cầm chiếc chày vồ tháo cây nêm
gỗ như thường lệ. Duy lom-khom bò ra ngoài, vươn vai mấy cái bằng cách giơ 2 tay cao
lên trời, có sợi xích lủng-lẳng rồi cố hít thực dài để cho lồng ngực căng đầy những luồng
khí mới của núi rừng. Chàng thấy khỏe hẳn ra. Điều não-nề nhất cho một người tù, có lẽ
là sự nhàm chán, trong khi bản chất con người lại thích đổi thay, mà thực sự, sự đổi thay
đó chỉ là sự mơ ước, muốn từ chối cái hiện-tại, mà mình đang mỏi-mòn. Ăn nắm cơm
xong, người nữ binh đưa cho chàng một ca nước uống và dặn ngồi đó chờ. Một lát sau tên
thủ-trưởng đến, nói cho chàng biết là hôm nay chàng sẽ được chuyển đến một trại khác,
cách đây khá xa, mà không cho biết đích xác ở nơi nào và hướng nào? Hắn chỉ nói là hắn
nhận lịnh của cấp trên, hắn không quên nhắn-nhủ Duy luôn-luôn cố gắng “học tập tốt” và
“lao-động tốt” để sớm được phóng-thích mà đoàn-tụ với gia đình. Hắn luôn-luôn nhấn
mạnh tính chất khoan-hồng của “Mặt trận” bằng câu: “Người ta đánh kẻ chạy đi, chứ
không ai đánh kẻ chạy tới bao giờ?”. Nói với Duy xong, hắn quay về phía người nữ binh
dặn-dò: “Đồng-chí phải hoàn thành công tác tốt, mà Mặt-trận đã giao phó, tuyệt đối
không được khinh địch và tránh mọi cám dỗ có thể làm chao-đảo tinh thần của người
chiến sĩ C.M. Đồng chí không được dành bất cứ một dễ-dãi nào, ngoài những nguyên tắc
căn bản khi giải một tù binh… Nhớ nhé!”. Người nữ-binh nói: “Tuân lệnh”, rồi chào tên
thủ-trưởng theo kiểu nhà binh. Duy được người nữ binh cởi dây xích sắt nặng-nề, như
một thứ “gia-sản” duy nhất của mỗi chòi giam, mà mỗi người “thừa hưởng” cái gia sản
đó, chắc cũng đã trải qua nhiều đời, bởi vì thấy nó mòn nhẵn, thay vào cho Duy bằng một
sợi nylon dài mà nhẹ hơn, có lẽ để cho Duy di chuyển dễ-dàng, trên một chặng đường
rừng xa. Ả còn liệng cho một đôi giày bố đã rách ở mỏm, bảo mang vào và cột chặt lại,
không có vớ. với những trang bị như vậy, kinh nghiệm cho Duy biết trước, thế nào cũng
đi xa, cuộc di chuyển sẽ dài ngày... Đúng như vậy, ban ngày ngủ, ngoại trừ sáng sớm còn
hơi sương hay khi thời tiết xấu, ban đêm đi, không được nấu-nướng gì vì sợ phi-cơ địch
phát hiện. Thức ăn chỉ toàn là thực-phẩm khô, loại của Trung-cộng, nhưng cũng rất hạn
chế. Khi nằm nghỉ mệt bao giờ Duy cũng bị xiềng vào một gốc cây. Trên đường đi, nếu
ban ngày vào những bữa mưa mù phi-cơ không hoạt động vì thời tiết xấu, thì chàng luôn-
luôn được nhắc-nhở: “Anh tuyệt-đối phải tuân lệnh tôi, nhất là khi có tiếng máy bay, anh
phải đứng lại và ngồi xuống im lặng… nếu bất tuân, tôi sẽ nổ súng tức khắc”. Duy nghĩ
người C.S trong lời khuyên nào, cũng luôn-luôn kèm theo một lời đe-dọa. Thực sự, lần
này, Duy đã thấy một điều gì đó đang đổi thay nơi đời sống của chàng, về tinh thần cũng
như hoàn cảnh tù-tội, ít ra là chàng không còn bị gò bó như một con chó nhốt trong một
cái cũi. Duy được hít thở cái không-khí trong lành ở giữa những ngọn đồi thưa, loáng-
thoáng có mùi hương thơm của loài hoa dại, từ những bụi cây gần đó. Chàng được dịp
nhìn hết cả bầu trời đầy sao, và chàng chỉ bị sự chi-phối của một người là ả nữ-binh, chứ
không phải nguyên một cái trại như những ngày trước đây. Có điều dễ thở hơn, là cái nhìn
và những câu nói của ả nữ-binh đã bớt hằn-học nhiều, thỉnh-thoảng vẫn thấy một vài nụ
cười nhỏ, vài câu khôi-hài, dù sau đó cũng đã được chấn chỉnh ngay, giống như một cái
máy lỡ chạy quá tốc độ. Cuộc hành-trình có thể kéo dài đến 10 ngày đường rừng, qua
những khe suối cheo-leo, những vách đá dựng cao ngất, đòi hỏi nơi người bộ-hành một ý-
chí sắt đá lắm mới vượt nổi. Có những đêm trăng dừng chân nơi bờ suối, chàng nằm trên
nệm cỏ xanh, nhìn ánh trăng long-lanh mà thấy lòng mình thanh-thản, chàng chợt nhớ đến
bài tản văn ngày xưa của Châteaubriand mà chàng đã thuộc lòng, trong một giờ Pháp-ngữ
ở năm cuối cùng trung học: “Một đêm bên Tân Thế giới”. Chàng vẫn yêu nhân-vật tên
René vô cùng, và nhớ đến mơ ước sau cùng của nhà văn tài-hoa ấy, người có mái tóc bù-
xù, là: “Sau khi chết, chỉ mong được chôn ở một gành đá, nhìn ra biển xanh”. Điều mơ
ước thật giản dị cho một đời người, chứ có gì đâu?
Tiếng suối róc-rách chảy qua từng khe đá trong đêm khuya hoang-dã, có ánh trăng
long-lanh trên từng ngọn cây, lẫn với tiếng hát ngậm-ngùi của người nữ binh văng-vẳng,
khi ả vừa mới tắm xong, lên ngồi chải tóc trên một hòn đá, cạnh cái ba-lô, làm chàng thấy
một nét đẹp nào đó, rất “người”, và cũng rất hiếm-hoi ở một cuộc đời sắt máu… Chàng
không hiểu tiếng hát đó, tự-phát chính từ nơi lòng thành của một người con gái còn trẻ,
hay là những cố-tình có dụng ý của một nữ-binh? Đã lâu lắm rồi, Duy đâu được nghe
tiếng hát nào, ngoài những tiếng dế thâu đêm, chỉ nhắc lại những nỗi nhớ về một người
Mẹ xa-xăm… Tiếng hát không chuyên-nghiệp lắm, nhưng cũng thực ngọt-ngào… điệu
dân ca miền Bắc vốn đã nghèo xác-xơ: “Người ơi, người ở đừng về…”.
Tiếng hát cất cao trên mỏm đá, cạnh cái ba-lô có gác cây súng AK 47. Duy nhìn
thấy dáng người nữ-binh trở nên “hiền lành” kỳ lạ. Mái tóc còn ướt, nên dính lại thành
từng mảng, lấp-lánh ánh trăng xanh, đôi vai ả rung-rung dưới lớp vải áo kaki đã nhạt màu,
khi người nữ binh kéo dài giọng ngân-nga...Duy cảm thấy một sự lạc-điệu nào đó trong
hoàn cảnh này… Một lát sau, người nữ binh đến bên Duy kiểm-soát lại sợi dây trói lần
cuối. Ả đưa tay nắm 2 đầu của sợi dây giựt-giựt vài cái rồi lặng-lẽ bỏ đi. Ả thường làm
một công việc như vậy với chàng, trước khi đi ngủ, với những lo nghĩ không yên, đầy ắp
những lời khuyên của “đảng”. Trong những lần như vậy, Duy nghe rõ tiếng thở dồn-dập
của người con gái kẻ thù, một loại hơi thở có pha lẫn những khác thường của tuổi 20…
như hơi thở của Lệ-Chi trước đây, trong lần đưa chiếc thẻ căn-cước học-sinh đầu đời cho
người S.V.S.Q là chàng khi về phố-phường ứng-chiến. Đôi mắt người nữ binh long-lanh
kỳ diệu dưới ánh trăng mơ, hay Duy lại lãng-mạn hóa cuộc đời tù tội của mình, đối với
những người chỉ biết có “Đảng”? Điều đó có thể đúng, mà cũng có thể sai, bởi vì với ai,
thì cũng chỉ là những “con người”, ở trong một phút giây nào đó, ở một hoàn cảnh nào đó
vô cùng khắc-nghiệt, người ta thường “mơ” để bù vào những thua thiệt, mà trong Triết
học người ta ưa gọi là “mặc-cảm khiếm-khuyết”… Nên, người C.S lúc nào cũng sợ những
“chao đảo” những “lung lay” mà họ xem là một “thoái hóa” làm hư-hỏng tinh thần và lý
tưởng người cán-bộ, nhất là trong những môi trường vật chất đầy cám-dỗ…
Và cứ như thế, sáng hôm sau Duy cũng lại phải thức dậy thật sớm khi còn sương mù
để di chuyển như thường lệ. Và hôm nay là ngày thứ 9 rồi, Duy vẫn bước đi trên những
con đường sỏi đá, lởm-chởm những mũi gai, người nữ-binh vẫn lặng-lẽ với những công
việc cần thiết của một người giải tù.Tới buổi trưa trời tháng bảy nắng chang-chang, hai
người ngồi nghỉ mệt dưới một tàn cây bên vệ đường, chợt người nữ-binh hỏi:
- Anh có mơ một ngày nào đó anh được phóng-thích trở về không hả?
- Nếu là cô thì sao?
- Tùy!
- Tùy gì?
- Tôi nghĩ là anh hiểu!
- Cô không sợ “sai quan-điểm” của người Mác-xít hay sao?
- Anh lầm rồi! Anh đánh giá chuyện đời có vẻ cao quá! Tôi nghĩ là một sĩ-quan
Ngụy có học như anh, phải có cái nhìn khác hơn về đời sống. Cái khổ của con người là cứ
thần-tượng hóa những điều tầm thường…
- Cô “ở thành” được bao lâu?
- Đủ cho tôi biết thế nào là điều mà mình nên mơ ước và thế nào nên không...
- Xin lỗi, cô học tới lớp mấy? Mà thấy chữ cô viết trên tờ hỏi cung thật đẹp!
- Ông lại sai nữa! Ông đừng nên nhìn chữ viết của một người, để diễn-dịch ra họ là
loại người nào trong xã hội…
- Ý cô thì sao?
- Là nhìn những điều họ suy-nghĩ qua ngôn-ngữ bất chợt và những biểu-lộ bất ngờ
của họ trong đời sống, không ai đóng kịch mãi được đâu, kể cả những người…(rồi ả bỏ
dở câu nói như sợ chạm tới một “taboo” nào đó)..
- Cô đi làm C.M được bao lâu rồi?
- Anh đừng hỏi những người như tôi về quá-khứ của họ, tôi nói không đúng đâu!
Nhưng công nhận những ngày học-hành vui thật, dù tôi chỉ học ít thôi, đủ để làm một cái
báo-cáo mà không sợ sai chính tả. Anh có thấy những ngày chống đối Thiệu - Kỳ của sinh
viên là “nhộn” chứ? Vui ghê! Tôi không thể nào quên được, cũng như mọi người khác, tôi
biết yêu những kỷ-niệm trong đời, dù tôi bỏ nó đã lâu, trong một hoàn cảnh cũng khá đặc
biệt. Ngày mai tôi sẽ trở lại trại cũ một mình, anh phải ở lại đó mà chờ ngày về như anh
mong muốn. Giọng của người nữ-binh có vẻ thấp xuống, bởi một cơn xúc-động tình cờ
nào đó, vì thực ra, ả cũng chỉ là một người con gái còn nhỏ tuổi từng ở thành… Duy cảm
thấy, có lẽ ngày hôm nay là thời-gian duy nhất mà ả có thể nói với chàng được vài lời.
một người đã từng “ở thành”, đã từng cắp sách đến trường, đã có những kỷ niệm gọi là
“không quên” trong đời sống thường ngày, thì chắc hẳn ả không thể là một tên C.S lý-
tưởng đúng theo kiểu “Mác-Lê” chính thống được, hay cũng có thể là ả đóng kịch để
khai-thác tù binh trong công tác binh-vận hoặc tình-báo chăng…? Cho nên, Duy vẫn dè-
dặt là tốt hơn, dẫu sao thì chàng vẫn là một sĩ-quan cấp Tá và là chỉ-huy của một đơn vị
Tiểu-đoàn. Người nữ binh lặng-lẽ trong giây lâu, vẻ suy nghĩ , rồi nói:
- Hết ngày mai, là coi như tôi hoàn-thành xong nhiệm-vụ mà cấp trên tôi đã giao
phó. Tôi hy-vọng nơi trại mới, anh cũng nên cố gắng làm nhiệm-vụ của một người “học
tập viên” tốt, rồi thế nào anh cũng được về bên những người thân yêu của anh, dù anh
mới chỉ xa họ trong khoảng thời-gian không có gì là lâu lắm so với tôi! Giọng người nữ-
binh trở nên bùi-ngùi khi nhắc đến sự xa nhà của người khác, chừng như đã so-sánh với
chính mình, mà không muốn nói ra… rồi ả tiếp: Điều duy-nhất của mọi người chúng tôi ở
đây, là muốn anh trở thành một người “công-dân tốt”, lương thiện làm ăn bên cạnh gia
đình anh, họ không giữ anh lại lâu làm gì đâu! Mặt trận bao giờ cũng sáng-suốt, luôn tạo
cơ hội cho những người lạc-lối trở về, miễn họ thành-tâm hối-cải…không còn chống phá
CM nữa! Trong lúc đó, Duy vẫn mường-tượng đến một điều gì đó không thực nơi người
nữ binh và dĩ nhiên chàng chẳng tin điều gì hết, ngoài việc là phải thoát nơi đây, nếu có
cơ-hội. Lời đối thoại trong cuốn phim xưa: “Bổn phận của một người tù-binh là phải vượt
ngục” vẫn thúc-giục chàng hoài…
Đang lúc suy nghĩ như vậy, chợt chàng nghe tiếng phi-cơ trực-thăng văng-vẳng.
Người nữ binh vội nhảy xuống ngồi cạnh một bờ đá, ở thế vừa núp vừa sẵn-sàng tác
chiến. Ả ôm gọn khẩu A.K vào người, vẻ mặt nghiêm-trọng rồi nói: “Anh ngồi xuống đây,
im lặng tuyệt-đối, ở phía sau cái bụi cây này, để tránh nó phát hiện. Sắp tới ngày về rồi
đó, đừng có dại mà chạy nghe chưa! Tôi nổ súng đó...”. Duy cảm thấy ù tai, khi nghe
tiếng phi-cơ ngày càng to của một chiếc trực-thăng đang đến gần, lượn nhiều vòng ở cao
độ thấp hơn…như chừng nó đang muốn tìm kiếm điều gì đó dưới đất...
Duy chợt nghe tiếng đạn lên nòng ở phía sau lưng, nhưng chàng vẫn lấy hết can-
đảm và sức lực còn lại của mình, chạy tuôn ra khoảng trống nhỏ vì nơi đây toàn rừng
thưa, hai tay trói cố giơ lên trời cho viên phi-công bạn nhìn thấy sợi dây, giữa tiếng la
thất-thanh của người nữ binh, đang chỉa họng súng về phía chàng: “Ngồi xuống! Ngồi
xuống! Đừng chạy! Đừng chạy! Anh sắp về rồi đó! Đừng chạy anh Duy! Tôi bắn bây
giờ!”. Duy vẫn cắm đầu chạy về hướng chiếc trực-thăng đang bay vòng quanh trên trời
với hy-vọng họ sẽ nhìn thấy chàng giơ hai tay trói đang chạy dưới đất, với ước mơ giá có
một trái “flaire”, hay khói màu như trước đây thì hay biết mấy ... Nhưng rồi, thình-lình
một loạt đạn nổ giòn-giã từ trong hốc đá tuôn ra. Người tù lảo-đảo mấy cái, rồi té nằm
sóng-soài trên mặt đất. Chiếc trực-thăng không võ-trang cất cánh lên cao, sau khi nghe
nhiều tràng AK nổ ...để giữ an-phi... sau khi đã lượn nhiều vòng mà không nhìn thấy ai
trong khu rừng thưa dù thực sự đang có người chiến-hữu không may-mắn nơi ấy đang cầu
cứu. Duy bị một viên đạn nơi ngực, nhưng chưa chết hẳn. Đôi mắt chàng vẫn mở trừng-
trừng nhìn người nữ-binh chạy tới, mắt đỏ hoe, nói giọng nghẹn-ngào: “Em đã bảo anh
đừng chạy, đừng chạy mà…!”. Rồi người nữ binh đỡ lấy cổ Duy lên trong lặng câm, với
những rưng-rưng bất ngờ, mà không ai có thể biết rõ lý do, ngoại trừ Thượng-đế. Lúc đó,
Duy đã kiệt sức, chỉ còn thều-thào được mấy tiếng đứt quãng: “Bổn… phận… của…
một… tù… binh… là… phải… vượt… ngục…” rồi chàng trút hơi thở cuối cùng ở một
vùng rừng núi hoang-vu, trong lòng đất địch, sau khi đã đi được 9 ngày đường để di-
chuyển tới một trại tù khác hơn, mà trong mơ ước, vẫn chỉ thấp-thoáng tiếng dế nỉ-non
đêm khuya từ chiếc hộp diêm tuổi thơ với người Mẹ hiền và cái lúm đồng tiền “chứa
phân nửa hạnh-phúc” của Chi bé-bỏng, gửi lại nơi chàng, đã không bước qua nổi đoạn
đầu của lời chúc phúc ngày xưa: “Mong anh luôn được mạnh khỏe để về vối em...” trong
một dịp Tết, đồn-trú xa nhà...
Nguyễn-Tư