Tuesday, 10 October 2017

CÂY MÙ U VÀ TUỔI THƠ TÔI



CÂY MÙ U VÀ TUỔI THƠ TÔI


Ong bầu vờn đọt mù u
Lấy chồng chi sớm, tiếng ru càng buồn...

Ngày thơ nghịch lắm cơ, chuyên lấy trái mù u còn sống xâu lại xâu dài như cá viên đem lên bếp lửa mà nướng, tụi nhỏ hay gọi là chơi nhà chòi. Mùi hôi của trái mù u thật khó chịu mà hùi con nhỏ biết gì đâu, không xâu lại thì lấy trái mà chọi nhau, khi trái đã khô thì lấy trái quăng vào bếp lửa chơi trò pháo nổ lép bép chơi. Ôi tuổi thơ gắn với những trò chơi con nít về cây mù u. Thời còn nhỏ chỉ biết cây mù u thôi nhưng đâu biết nó là cây gì? Lớn lên giờ là cái tuổi gần hâm 30 mới tìm hiểu cây mù u là cây chi? Công dụng ra sao?

Cây mù u là cây gì?


Cây mù u tên khoa-học là Balsamia Inophyllum Loureillo, còn gọi là cây Hồ đồng.Theo tài liệu Cây cỏ rừng ngập mặn của  chuyên gia lâm-học xứ Cà Mau. Cây mù u có thân gổ lớn, có thể cao đến 20m, và đường kính 80cm, dáng đẹp và tàng xanh lục, có mủ (oleoresin) xanh dợt. VN  có 2 loại mù u tía và mù u trắng. Lá đơn, mọc đối, phiến nguyên, hình trứng, láng và dầy. Hoa trắng pha vàng cam, thơm, tạo thành chùm 6-10 hoa, ở nách lá, đầu cành.
Trái có nhân cứng, tròn, đường kính 2,5cm,1 hột, có mầm lớn, chứa nhiều dầu, không phôi nhủ. Ở VN,cây mọc những vùng ven biển từ Kiến-An, Quảng-Ninh, đến Quảng-Bình, Huế, Đồng-Nai, Miền tây,.Tại U-Minh, cây trồng 55 năm , đường kính thân đến 55cm. 
Trên thế giới, cây  mù  u  phân  bố ở những vùng đất hoang gần biển trải dài từ Phi-Châu, Ấn-Độ, Sri Lanka, Thái-Lan, Việt Miên Lào, nam Trung-Quốc, Hải-Nam, Đài Loan, Phi Luật-Tân, Indonesia, Úc và những Quần Đảo nam Thái-Bình-Dương, Nam Mỹ. Ở Hawaii, có những con đường trồng toàn cây  mù u, hoa trái rụng  dầy đường. Dân Hawaii, nhặt hột già về, đánh bóng nhuộm đen, nâu, xỏ xâu thành chuổi bán cho du-khách. Hạt mù u có tỷ lệ dầu khá cao: 50-60%, gồm 2 chất: Hypericin, Pseudohypericin..có thể dùng trong kỹ nghệ và y-tế.

Trong dân gian thường có những ca dao về cây mù u


Những kỷ niệm trong dân gian về cây mù u cũng được nhắc nhiều trong  tiếng hò, tiếng ru, hay  câu đùa  dí  dỏm:

Cây mù u lá mù u
Vợ chồng cắng đắng thằng cu làm hòa.
  
Dưới thời vua Tự Ðức để lại chiến công hiển hách, quân Pháp từ Thuận An tiến về Kinh thành Huế, bị quân triều đình mai phục bất thình lình đổ trái mù u ra mặt đường, giặc Pháp bị bất ngờ đạp trên trái mù u té, phục quân đổ ra đánh chém, giặc Pháp thua chạy dài, các hàng cây mù u xanh tươi của Xã Tắc còn đó, gợi lại niềm tự hào dân tộc đã chiến thắng quân xâm lược. 

Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng bàng
Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u.

“Trăng đã lên chơi vơi rường ơ 
Mù u đã chín ơ
Soi bóng trong khoang ghe rường ơ
Mù u đã rơi…. “
 

(Lý Mù U)

Hay
"Bướm vàng đã đậu cây mù u rồi 
Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn" 

(Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng)


Công dụng của trái mù u


Thân cây mù u cũng chứa nhiều mủ màu xanh thường thấy rịn ra ở vỏ. cũng nhờ thân cây mù u có nhiều dầu nên gỗ mù u khó thấm nước và do đó được dùng để đóng ghe, xuồng.
Ở thôn quê, mù u thường mọc theo bờ sông, rạch. Có lẽ từ một bờ rạch nào đó một trái mù u rụng xuống nước rồi theo dòng sông trôi đến đây nẩy mầm, mọc rễ. Ở vùng Hậu Giang, chẳng những trái mù u trôi lênh đênh để cho dòng nước đưa đến đâu thì đưa, người ta còn có thể vớt được những trái mù u do các chiếc bè súc đem đến. Chỉ dưới gốc mù u thôi người ta có thể lượm được vài chục trái. Nhiều khi trái mù u rụng do nước mưa chảy hay do nước sông dân lên làm cho trôi hay do nước sông dâng lên làm cho trôi lăn lại nằm gần với nhau ở một chỗ trũng như những cái trứng trong ổ tha hồ mà hốt! Ngoài ra ta còn lượm được thêm những trái đã rụng từ lâu nhưng nằm khuất dưới những lớp lá mục.
Mù u lượm về đem đổ ra phơi như phơi lúa. Trẻ con cứ ta chỗ phơi mù u lựa lấy những trái thật tròn, thật lớn để làm đồ chơi. Muốn làm một món đồ chơi nào đó. Trước hết phải cạo sạch lớp vỏ bao bọc chung quanh cái sọ mù u. Đoạn đánh cho láng bằng giấy nhám hay bằng cách mài xuống nền xi măng. Vậy là có một hòn đạn để chơi. Muốn làm ống điếu thì lấy dao cắt phần trên của sọ mù u rồi moi hết cái nhân ở bên trong, xong chỉ cần khoét một lỗ nhỏ ở bên hông vừa để gắn vào đó một ống trúc dài độ bảy, tám phân là thành cái ống điếu.v.v…
Ngoài ra trái mù u còn để làm một món đồ thực dụng: cái gáo nhỏ dùng để múc nước. Gáo mù u giống hệt gáo dừa thường dùng để múc nước nhưng nhỏ xíu trông rất dễ thương. Ngoài công dụng làm đồ chơi và gáo, mù u rất thông dụng ở nhà quê vì người ta dùng dầu mù u để thắp đèn (đèn dầu mù u). Muốn lấy dầu mù u người ta phải phơi mù u khô rồi đập lấy ruột ép để lấy dầu bằng hai khúc gỗ.
Cây đèn dầu mù u rất giản dị: một cái chén hay một cái dĩa đựng dầu có cọng tim nằm vắt thòng ra vành miệng để đốt. Cây đèn mù u có khói xanh bốc lên bay khắp nơi làm không khí đục mờ, trông rất nghèo khổ. Ngoài cách đốt dièn bằng dầu, người ta còn có thể làm những cây rọi để đốt (đuốc). Mù u ép xong, lấy xác còn lại trộn với bông gòn, tẩm vào một chút dầu mù u rồi quấn quanh cọng tre như một cây nhang lớn, thế là được một cây rọi. Đèn dầu mù u sạch sẽ hơn cây rọi, nhưng đốt cây rọi người ta được một mùi thơm nhè nhẹ dễ chịu của trái mù u.
Song song với việc dùng để đốt lấy ánh sáng, dầu mù u còn được dùng để xức các loại ghẻ, nhọt, mụn u. Đốt trái mù u cho cháy thành than, xong tán thanh cho nhuyễn và trộn vào một chút dầu mù u là có được một thứ thuốc xức ghẻ hay tuyệt. Nhựa mù u có thể dùng để làm thuốc cầm máu vết thương rất hay và thông dụng.