Thursday, 26 July 2018

18 CÁCH GIÚP BẠN BÌNH TỈNH VÀ GIẢM CĂNG THẲNG


18 CÁCH GIÚP BẠN BÌNH TỈNH VÀ GIẢM CĂNG THẲNG


Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn làm điều gì đó hay nói lời không nên khiến người khác bị tổn thương, để sau đó cảm thấy hối hận, thậm chí còn tệ hơn nữa là ‘đốt cháy’ hoàn toàn mọi thứ bởi tính tình nóng nảy và sự phẫn nộ của mình.
Nhưng trong kinh doanh nói riêng và trong cuộc sống nói chung, những sự việc khiến chúng ta căng thẳng là không tránh khỏi. Ở mỗi giai đoạn khác nhau bạn sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nhau.
Những phương pháp sau đây sẽ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh và xoa dịu tinh thần mỗi khi bị căng thẳng hoặc lo lắng.

1. Hít thở thật sâu
Đại học Y Harvard khuyên bạn hãy chọn nơi mà bạn cảm thấy yêu thích để thư giãn và có thể khiến tinh thần minh mẫn hơn. Ban đầu, hãy hít thở bình thường, sau đó hít thật sâu, hít vào từ từ qua mũi để giúp ngực và bụng dưới của bạn phồng lên, khi ấy phổi của bạn sẽ lấy đủ oxy. Đại học Harvard còn nói thêm: Hãy để bụng của bạn mở rộng hết cỡ, rồi hãy từ từ thở ra bằng miệng (hoặc mũi nếu bạn cảm thấy như thế tự nhiên hơn).

2. Cười tươi
Bệnh viện Mayon nhận thấy cười tươi và hài hước không chỉ hữu ích trong việc giúp bạn xoa dịu nỗi đau thể chất, tăng cường hệ miễn dịch tạo ra sự kết nối với người khác, mà còn là phương pháp hiệu quả giúp bạn đương đầu với lo âu và trầm cảm.

3. Mát-xa cơ thể
Nghiên cứu của trường Đại học Miami năm 2005 đã chỉ ra mức cortisol do cơ thể tạo ra do gặp phải tình huống sợ hãi hoặc căng thẳng giảm đi rõ rệt khi sử dụng liệu pháp mát-xa.

4. ‘Quét tinh thần’ toàn thân
Người đồng sáng lập về phương pháp thiền định của Headspace, ông Andy Puddicombe cho rằng nếu bạn bị stress hãy nhắm mắt lại trong vòng 30 giây, ‘quét tinh thần’ nhanh toàn bộ cơ thể của bạn từ trên đỉnh đầu xuống đến ngón chân. Làm như vậy sẽ chuyển dịch sự tập trung vào các giác quan, bạn sẽ thôi suy nghĩ về vấn đề đang gây căng thẳng, chuyển sự chú ý vào cơ thể, và nó sẽ giúp bạn tĩnh tâm lại.

5. Bày tỏ lòng biết ơn
Hãy viết nhật ký lưu lại những lần bạn cảm thấy biết ơn ai đó, hay điều gì đó, để mở nó ra xem mỗi khi bạn cảm thấy lo âu và tinh thần suy sụp. Nghiên cứu của trường đại học California San Diego nhận thấy người luôn cảm thấy biết ơn có trái tim khỏe mạnh hơn.
Tác giả Paul J. Mills nói với tờ Today rằng những người này thường “cảm thấy hạnh phúc hơn, tâm trạng ít trầm cảm, ít mệt mỏi và ngủ ngon hơn,” và “càng biết ơn, tôi càng cảm thấy bản thân kết nối tốt hơn với môi trường xung quanh. Điều này trái ngược với những gì mà căng thẳng tạo ra.”

6. Cất tiếng hát
Hãy hát lên cho dù bạn không phải là chú chim họa mi, vì lợi ích của nó có thể làm bạn bất ngờ. Nghiên cứu của Nhật Bản về sức khoẻ của người già, nhận thấy sau khi một nhóm người cao tuổi ca hát, mức độ căng thẳng của họ giảm đi và tâm trạng của họ cải thiện rõ rệt mặc dù họ không phải là những người yêu thích ca hát.

7. Hương thơm
Một vài hương thơm có khả năng đánh bại sự căng thẳng, như hoa oải hương, chanh và hoa lài, tất cả đều giúp chúng ta  giảm nhẹ sự lo âu và căng thẳng. Dầu oải hương đôi khi cũng được dùng để trị bệnh nhức đầu.

8. Đếm từ 1 đến10
Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ khuyên bạn hãy đếm từ 1 đến 10 hoặc đến 20 để bạn tập trung tâm trí vào điều gì đó thay vì vào vấn đề gây căng thẳng. Rất đơn giản, bạn hãy thử nghiệm ngay lúc này.

9. Nghỉ ngơi đôi chút
Trong ngày, nếu thấy căng thẳng hãy nghĩ đến việc ngủ trưa hay trở về nhà sớm hơn một chút để đi ngủ sớm hơn. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho là khi chúng ta không ngủ đủ và ngon giấc, cơ thể chúng ta không nhận được đầy đủ các lợi ích của giấc ngủ, ví dụ như giảm việc đau cơ và củng cố trí nhớ. Chất lượng giấc ngủ vô cùng quan trọng, bởi lẽ nếu ngủ ít hoặc ngủ không ngon giấc có thể khiến suy giảm trí nhớ, khả năng phán đoán và tâm trạng.

10. Uống nước
Hiệp hội trên cũng nhận thấy rằng cà phê và những thứ có chứa cồn làm mất nước khiến bạn cảm thấy khó chịu, run rẩy hoặc căng thẳng, thậm chí nó có thể gây ra tinh thần hoảng loạn. Thay vào đó, bạn hãy uống nước lọc để giúp cơ thể giữ nước.

11. Giữ ấm đôi tay
Khi bạn thực sự lo lắng, máu dẫn về các cơ bắp lớn nhất của cơ thể khiến cho chân của bạn bị lạnh. Nhà tâm lý học thần kinh Marsha Lucas cho hay “thậm chí chỉ cần hình dung ra bàn tay ấm áp đã đủ để giúp bạn loại bỏ phản ứng tiêu cực.”

12. Nhai kẹo cao su
Một nghiên cứu của Úc cho thấy nhai kẹo cao su có liên quan đến việc giảm căng thẳng và lo lắng, mức độ tỉnh táo sẽ cao hơn và cải thiện khả năng tập trung.

13. Một cái ôm
Đại học Carnegie Mellon năm 2005 nhận thấy những cái ôm thực sự giúp giảm nguy cơ mắc cảm lạnh và lo lắng. Giáo sư tâm lý học Sheldon Cohen nhận định việc ôm một người nào đó đang bị căng thẳng sẽ giúp họ khỏi nguy cơ bị cảm lạnh. Cái ôm biểu đạt sự thân tình và tạo ra cảm giác như người kia đang ở đó giúp đỡ bạn khi bạn lâm vào tình cảnh tồi tệ.
Gíao sư tâm lý của Đại học Carnegie Mellon cho biết thêm: “Chúng ta dễ bị bệnh khi chúng ta bị stress, vì nó tạo ra những cảm xúc tiêu cực, kích hoạt hệ thống stress sinh học của cơ thể, mà hệ thống này lại liên quan chặt chẽ đến hệ miễn dịch và tim mạch. Bởi vậy, việc tạo ra những rung cảm tích cực sẽ giúp bạn chống lại căng thẳng. Chúng tôi nhận thấy cái ôm là một cách cách truyền tải sự tin cậy, quan tâm và yêu thương (đến những người đang ở trong hoàn cảnh tồi tệ).

14. Ăn thực phẩm có chất chống oxy hoá
Trường Đại học Y Dược Harvard chỉ ra nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hoá như đậu, táo, mận, quả mọng, quả óc chó, bông cải xanh và atisô có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng căng thẳng và lo âu.

15. Bộc bạch
Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ khuyên rằng một trong những cách quan trọng giúp bạn giữ bình tĩnh nếu bạn bị căng thẳng là giãi bày với ai đó. “Khi bạn chia sẻ mối quan tâm hoặc cảm xúc của mình sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng. Nhưng điều quan trọng là người mà bạn chọn để nói chuyện phải là người bạn tin tưởng, có thể thấu hiểu và chấp nhận bạn.”

16. Tập thể dục
Bệnh viện Mayo nhận định tập thể dục sẽ giúp sản xuất ra chất endorphin, chất này có thể làm giảm triệu chứng lo âu và trầm cảm cũng như cải thiện giấc ngủ.

17. Giảm sử dụng hoặc tắt điện thoại 
Màn hình điện thoại ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ do ánh sáng màu xanh khó chịu phát ra từ màn hình. Giáo sư tâm lý học Đại học Dominguez Hills (California) viết một nghiên cứu liên quan đến giấc ngủ và lo âu. Ông cho rằng sinh viên lo lắng nhiều hơn khi suốt ngày họ để điện thoại kế bên và thức giấc thường xuyên giữa đêm kiểm tra điện thoại. Và “càng sử dụng nhiều điện thoại thông minh vào ban ngày, thì càng hay thức giấc vào ban đêm, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ của bạn.”

18. Tắm nước nóng
Tắm nước nóng, một phương pháp đơn giản nhưng có rất nhiều tác dụng. Nó giúp đào thải chất độc tốt hơn, thư giãn cơ bắp, phân phối lại nhu cầu oxy cho cơ thể, giảm đau nhức thân thể, đau lưng và sự mệt mỏi do làm việc quá tải,… ngoài ra còn giúp giải tỏa căng thẳng. Nhưng lưu ý cần điều chỉnh để nhiệt độ nước tắm phù hợp với thời tiết và cơ thể mỗi người.