THẾ NÀO LÀ GIÀ? Hỏi : Làm sao để biết khi nào thì con người già đi ? Có ý kiến cho là ta bắt đầu già khi tới tuổi 65. Cũng có người lại bảo khi có tuổi mà suy yếu là già. Ý kiến của bác sĩ ra sao? Lại còn cái vụ hay quên nữa. Nhiều lúc tôi cứ nói trước quên sau. Tại mình già rồi, có phải không ông bác sĩ?! Cụ Nguyễn Tự - Houston |
||||||||
Đáp:
Thưa cụ,
Cho tới nay, chưa có ai có
thể xác định được khi nào thì con người bắt đầu già.
Cho nên, nếu có những trả lời thì cũng chỉ là những giả
dụ mà thôi.
Hơn nữa, mỗi người, mỗi bộ
phận già theo nhịp độ khác nhau. Chẳng hạn như Cao Bá
Quát lúc 30 tuổi đã cho mình già:” Ngã lão hỉ? và Vũ
Hoàng Chương khi 30 tuổi cũng tự hỏi:” Đời ba mươi tuổi,
xuân còn hết”.
Người đi làm mà được cho về
hưu ở tuổi 60, 65 thì nghĩ là chắc tại mình già, kém
hiệu năng nên chủ cho mình nghỉ dưỡng già.
Khoa học đã thử đo một số
chức năng của cơ thể, coi như mốc sinh học, để so sánh
với tuổi trẻ, làm mốc cho thay đổi khi về già. Tuy
nhiên, ở nhiều người, có một số dấu hiệu báo là ta đã
bắt đầu đi vào giai đoạn mùa Đông của cuộc đời.
Chẳng hạn:
- Thị giác: Vào tuổi
40, khả năng điều tiết của mắt để nhìn gần giảm đi một
chút, nhưng chỉ vài chục năm sau thì khi muốn đọc một tờ
báo, một cuốn sách, ta phải đưa sách báo ra xa hơn. Lý
do là khi tuổi lên cao, nhãn cầu thay đổi độ cong, hình
ảnh mờ đi. Đồng thời mắt cũng dễ nhậy cảm với ánh sáng
chói lóa, kém phân biệt những vật di động và cần nhiều
ánh sáng hơn để nhìn cho rõ.
- Thính giác: Người
cao tuổi ,đặc biệt là ở quý lão ông, thường gặp khó
khăn phân biệt âm thanh có tần số cao.
- Tim: Tim thường
hơi lớn hơn một chút, cơ tim dầy lên. Lượng dưỡng khí
tối đa mà cơ thể cần khi vận động sẽ giảm đi 10% cho mỗi
10 năm tuổi cao ở đàn ông, và 7.5% ở đàn bà. Tuy nhiên
tim vẫn làm việc hữu hiệu và máu bơm ra ở mỗi nhịp tim
co bóp vẫn bình thường.
- Thận: Khả năng bài
tiết chất phế thải của thận giảm, sức chứa của bọng đái
ít đi khiến người cao tuổi mót tiểu tiện nhiều hơn.
- Mỡ và cơ thịt: Với
tuổi cao, sự phân phối của mỡ thay đổi vị trí.
Bình thường, mỡ phân phối
đều ở dưới lớp da.
Khi về già ,đàn ông có mỡ
tập trung ở vùng bụng, đàn bà thì mỡ tập trung ở vùng
hông và bắp đùi.
Khối lượng các bắp thịt nhỏ
teo đi độ 20% từ tuổi 20 tới tuổi 70.
- Não bộ: Tế bào
thần kinh não bị tiêu hủy một số lượng đáng kể khi tới
tuổi 60, 70. Tuy nhiên các tế bào thần kinh khác mọc
thêm ra các nhánh để bù đắp nhờ đó các chức năng của não
không suy giảm mấy.
Còn cái vụ hay quên mà cụ
hỏi đó thì cũng là điều nhiều người lớn tuổi để ý và e
ngại. Thực ra thì ở tuổi nào cũng có lúc quên cái này
cái kia như không biết chìa khóa xe để đâu, máng cặp
kính trắng trên mái tóc mà cứ đi tìm nó.
Theo các nhà chuyên môn thì
kém trí nhớ không phải là lẽ tất nhiên của tuổi già. Có
thể là ở người tuổi cao, trí nhớ ngắn hạn chậm xuất hiện
hơn một chút, còn trí nhớ sự kiện xa xưa thì lại rất
phong phú. Chỉ khi chẳng may ta mắc chứng sa sút trí tuệ
như trường hợp bị bênh Alzheimer thì không những trí nhớ
mà cả các chức năng về suy nghĩ, học hỏi, nhận thức đều
bị ảnh hưởng.
Ở người bình thường mà hay
quên hoặc trí nhớ đột nhiên kém đi, thì ta nên tìm hiểu
xem tại sao. Có một số nguyên nhân có thể gây ra tình
trạng này, như là ta đang bị buồn phiền, trầm cảm, trong
tình trạng căng thẳng tinh thần, thể xác, mất ngủ, uống
nhiều rượu, kém dinh dưỡng, thiếu sinh tố, khô nước,
nhất là đang uống vài dược phẩm có ảnh hưởng tới trí
tuệ.
Sau đây là tên vài loại
thuốc đó: Aldomet, chữa cao huyết áp; thuốc chữa trầm
cảm như Ascendin, Elavil, Pamelor; thuốc trị bệnh điên
hoảng như Haldol, Mellaril, ; thuốc an thần như Valium,;
các loại thuốc ngủ, thuốc Tagamet, Zantac chữa bệnh bao
tử.
Ngoài ra còn nguyên tắc: “
Không dùng là mất”, use it or loose it. Vì vậy có lẽ
mình cũng cần sử dụng cái trí óc thường xuyên hơn như
đọc sách báo, nói chuyện với thân hữu để các tế bào thần
kinh có cơ hội làm việc, kẻo ngồi chơi lâu nó quên mất
hết chức năng.
Vài ý kiến “rộng rãi”, hy vọng giải đáp được thắc thắc của cụ.
Chúc cụ luôn luôn vui với
tuổi cao.
BS Nguyễn Ý Đức
|
Labels
- ÂM NHẠC (7)
- BÀI VIẾT (121)
- GIA CHÁNH (190)
- HÌNH ẢNH (204)
- LÀM ĐẸP (10)
- LỊCH XUÂN (4)
- LỜI CỔ NHẠC (8)
- MẸ0 VẶT (32)
- MỤC LỤC LINKS (1)
- NGÂM THƠ (8)
- PHÂN ƯU (6)
- PHIM TRUYỆN (58)
- PHÓNG SỰ (80)
- PPS (148)
- SỨC KHOẺ (286)
- SƯU TẦM (549)
- THƠ (414)
- THỜI TRANG (3)
- TỒNG KẾT (1)
- TRUYỆN NGẮN (221)
- TUỲ BÚT (3)
- VĂN NGHỆ (40)
- VIDEO (9)
- VIDEO HÌNH (2)
- VUI CƯỜI (47)
- YOUTUBE (217)