Monday, 6 August 2018

CHỮ TÌNH ( Bùi Bích Hà )



CHỮ TÌNH


Khắp nơi trên Địa Cầu loài người, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, bằng đủ mọi ngôn ngữ, người ta không ngớt ca tụng tình yêu dưới muôn vàn hình thức: thơ, nhạc, văn xuôi, tiểu thuyết, biên khảo, phim ảnh, tranh vẽ, điêu khắc…
Để mô tả tình yêu, người ta dùng những mỹ từ tinh tế và diễm lệ nhất. Tình yêu luôn là nguồn cảm hứng để hình thành những bức họa độc đáo, những bản nhạc với giai điệu sống mãi qua thời gian, những câu thơ nuột nà nhung gấm trở thành kinh nhật tụng cho nhiều thế hệ.
Nói tóm lại, tình yêu lung linh, rực rỡ, ban phát hạnh phúc và là mạch sống của loài người. Đôi khi tình yêu hiện ra đơn giản nhưng mang theo nó cảm xúc của một lần sẽ mãi mãi không thể nào quên: “Tình yêu như trái táo thơm…”

Tôi cũng tin như nhân loại quanh mình. Như lời của bài hát “Love Is a Many-Splendored Thing” của hai ông nhạc sĩ Sammy Fain và Paul Francis Webster: “Tình yêu là lẽ sống tự nhiên của chúng ta. Có một lần trên ngọn đồi cao đầy gió và trong sương mai, đôi người tình trao hôn khiến vũ trụ ngất ngây và ngừng chuyển động. Những ngón tay anh chạm vào trái tim thinh lặng của em và dạy nó cất lên tiếng hát. Anh ạ, tình yêu chân thật là một điều gì rực rỡ muôn màu…”
Chỉ có một chút bất tiện là thỉnh thoảng (hay rất nhiều khi) chúng ta chạm phải mặt trái của cái mề đay.

Tuy nhiên, đầu tuần này, một người bạn gởi cho tôi cái video clip ngắn, ghi lại sinh hoạt hằng ngày của một đôi vợ chồng già yếu ở đâu đó trên quê hương tôi. Cụ bà 89 tuổi, thời gian và cuộc sống cơ cực để lại trên khuôn mặt đôn hậu của cụ những nếp nhăn sâu như những luống cày. Cụ ông 99 tuổi, thính lực kém, có lẽ chỉ còn nghe được tiếng nói quen thuộc của cụ bà ở cái tần số duy nhất mà tai cụ tiếp nhận được. Cả hai cụ là sự thách đố kỳ lạ nhất mọi quy luật về dinh dưỡng và tuổi già không cần cao lương mỹ vị, không cần sở học chuyên môn, thuốc men và bàn tay người y sĩ.

Ba năm nay, để làm nhẹ đôi vai gánh nặng của mấy đứa con cũng khó nghèo như cha mẹ, hai cụ chuyển về sống trên cái xác ghe cũ bỏ hoang gần bờ một cái lạch cạn đầy rác. Chiếc ghe chỉ có cái khoang nhỏ đủ để máng cái võng vải cho cụ ông nằm, cụ bà chắc là trải chiếu để ngủ qua đêm ngay trên ván sàn. Cái ghe trống lốc với mấy khung cửa sổ đã mất hết cửa. Cụ bà phải nhặt nhạnh bất cứ cái gì có thể che bớt sương gió cho cả hai: mấy tấm mền rách, mấy tấm bạt ni lông, mấy cái hộp cạc tông còn tốt. Họ có một cái lò đất duy nhất chụm củi, để ở mé sau ghe, thổi nấu thức ăn đa phần là cháo trắng.

Ở cái tuổi bình thường trong hoàn cảnh cụ, chỉ sống thôi cũng đã là phép lạ, cụ bà Nguyễn Thị Dung vẫn nói năng rành mạch, thứ tự, lớp lang, không lẫn lộn, không quên quên, nhớ nhớ. Cụ ngồi bên bếp lửa, đun mấy thanh củi vào giữa lò cho lửa cháy đều mọi phía, kể chuyện: “Tụi tui dời về đây được ba năm rồi! Ở với con, nhà chật chội, chúng nó cũng nghèo khổ, mình cứ ngồi chờ con nó lo cho ăn, thấy nó quạu cọ mình cũng không chịu nổi. Thôi thì cứ ra đây, mai mốt già nữa đứa nào nó nuôi thì chết nó chôn. Hai ba đứa, chẳng biết đứa nào lãnh nợ…” Cụ nâng cái khăn vải lên thấm lệ ở đuôi mắt mà đôi môi gượng cười.

Có lẽ người quay video đem thịt gà quay xà lách tới cho hai cụ ăn trưa. Cụ bà xé thịt gà, gói gọn ghẽ vừa miếng ăn vào lá rau xà lách, âu yếm bón cho cụ ông ăn. Cụ hỏi cụ ông: “Ông ăn ngon không? Lâu lắm mới có được bữa ăn ngon!” Cụ ông móm mém gật đầu. Sau miếng thứ hai, cụ ông nói với cụ bà: “Bà ăn đi!” Nhưng cụ bà lắc đầu. Khi cụ ông ra dấu không muốn ăn nữa, cụ bà dỗ dành: “Không ăn thịt gà thì ăn cháo nha?” Có lẽ cho đủ bữa thường lệ của cụ ông.

Dọn dẹp xong, cụ bà lấy nón, đeo giỏ lên vai, ghé sát bên tai cụ ông và căn dặn: “Ông chờ tui đi bán vé số một chặp tui về.” Cụ nói nếu không dặn thì cụ ông khi không thấy vợ, sẽ bỏ chân xuống võng đi tìm. Xong xuôi, cụ bà bước xuống ghe, lội nước một khoảng ngắn mấp mô những miếng xi măng vỡ để vào bờ, bắt đầu một ngày rủi may trông cậy vào những khách hàng tốt bụng sẽ mua giùm cụ vài chục tờ giấy số cụ ráng bán mỗi ngày để có tiền mắm muối củi lửa nuôi nhau. Cụ đi lắc lư trên con đường vùn vụt xe gắn máy xuôi ngược, một tay xòe vé số chào mời. Cụ ghé quán ăn, tiệm nước, với niềm hy vọng những khách hàng cụ mời mọc cũng nuôi hy vọng giống cụ, cho một may mắn lớn hơn nên họ vui lòng mở ví.

Cụ cho biết cả năm nay cụ cảm thấy sức khỏe suy giảm, cái đầu bưng bưng (chẳng có ai đo áp huyết cho cụ) người mệt mỏi, đi một lúc thấy chóng mặt, phải ngồi xuống nghỉ, khi lại sức thì đi tiếp (chẳng có ai khám tim cho cụ). Cụ nói nhiều khi tưởng như không giở chân lên nổi nhưng cụ cứ phải ráng lê mình đi tới để lo cho cụ ông. Dù vậy, chắc qua năm không đi được nữa rồi. Ở tuổi cụ, chuyện gì xảy ra cũng không sao nhưng nếu cụ mất trước thì cụ ông sống với ai? Với tâm tư nặng trĩu ân tình ấy, cụ chỉ biết cặm cụi với bổn phận trước mắt, không nhìn xa hơn chặng đường đi/về quen thuộc hằng ngày, phó thác mọi sự cho Trời Đất. Nghe mà nao lòng!

Có lẽ không hào nhoáng và nên thơ bằng hình ảnh đôi tình nhân trẻ trung trao hôn trên đồi gió nhưng thực tế hơn và xúc động không kém là hình ảnh bà cụ gần 90 tuổi, quê mùa, mộc mạc, lo âu ghé vào tai người bạn đời gần 100 tuổi, hom hem, yếu ớt, dặn dò chờ tôi đi kiếm gạo, chút xíu tôi về.

Tôi không chắc thời còn trẻ, có khi nào hai cụ nói với nhau những lời tình tự không nhưng họ thật đã sống và cho nhau thương yêu, khăng khít, cho nhau gắn bó, nương tựa, trăm ngàn lần tha thiết hơn những lời tình tự để cơn gió thanh xuân cuốn đi.

Cuộc đời của hai cụ cùng đi bên nhau đến chỗ hẹn cuối như mọi người thấy, là bức tranh minh họa rõ nét nhất lời ca “Tình yêu là lẽ sống tự nhiên của chúng ta” trong bản nhạc “Love Is a Many-Splendored Thing,” xuất hiện lần đầu trong cuốn phim có cùng tên, đoạt giải Oscar, năm 1955.  Riêng bản nhạc cũng được bình chọn và trao giải bản nhạc hay nhất.

Tôi thật sự không biết bằng cách nào, nếu không là bởi chữ “Tình” trong tâm hai cụ, mà cả hai đã đi một hành trình bình an quá dài trong cuộc đời cơ cực của họ? Ăn uống kham khổ, làm việc lam lũ, trần thân với nắng mưa sương gió, không bệnh hoạn, không thuốc men, không người săn sóc, con cái có cũng như không, xem ra tuổi thọ an nhiên của họ là một nghịch lý hoàn toàn đi ngược lại các chuẩn mực y khoa hiện nay. Liệu các nhà bác học nghiên cứu về tuổi già có khám phá nào mới để giúp quý cụ cao niên trong mọi hoàn cảnh, sống trường thọ và… đẹp lão, như người Mỹ vẫn diễn tả bằng mấy chữ “age gracefully” hoặc thậm chí, ageless, không?

Tôi nghiệm ra hai cụ trong câu chuyện này không chỉ có chữ “Tình” trong tương quan vợ chồng hay đôi bạn mà các cụ còn có “Tình” với mọi người, với cả cuộc đời luôn có những sự bất ưng và bất như ý nữa. Họ không cưỡng cầu, không than thở, trách móc, buồn giận hay oán hận. Họ chấp nhận. Họ xót thương. Họ tha thứ. Họ yêu những gì họ có. Họ vun vén, làm cho những điều tệ hại nhất trở thành không đến nỗi nào.

Ôi, một chữ “Tình” mà bao la đến thế! Mà có sức mạnh chế ngự những điều ngoài tầm tay đến thế! Mà có vẻ đẹp làm rung động lòng người đến thế!
Chữ “Tình” không có tuổi, là bù trừ đẹp nhất tạo hóa ban tặng cho ai biết tìm kiếm.


Bùi Bích Hà