Monday, 9 December 2019

THANH CHIÊM - NƠI KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ


THANH CHIÊM - NƠI KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ


Hơn hai thế kỷ tồn tại trên đất Thanh Chiêm, Dinh trấn Quảng Nam không những đã giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và mở mang đất nước của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà còn là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ - một công cụ vô cùng quý giá cho chúng ta sử dụng và hội nhập với thế giới.

1. Chữ Quốc ngữ dùng mẫu tự La tinh để ghi âm tiếng Việt, ra đời vào đầu thế kỷ 17, là công trình của nhiều giáo sĩ,  người tiên phong sáng tạo ra thứ chữ này là  Francisco de Pina cùng những người Việt cộng tác với ông.

“Francisco de Pina là người Bồ Đào Nha, sinh ở thành Guarda vào năm 1585” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, Roland Jacques, nxb Khoa học Xã hội 2007, tr.25), năm 19 tuổi ông trở thành thầy tu Dòng Tên. Từ năm 1611 đến 1617 Pina theo học ngành khoa học xã hội và thần học ở Macao. Tại đây ông đã may mắn được học với giáo sĩ Rodrigues - nhà ngữ học đã soạn cuốn từ vựng và văn phạm tiếng Nhật phiên âm bằng chữ cái La tinh dựa vào cách phát âm của tiếng Bồ.

Pina được cử đến Đàng Trong, ông cập bến Đà Nẵng đầu năm 1617, sau đó vào Hội An ở tại nhà các giáo dân Nhật Bản để truyền đạo. Giữa năm 1617, do bị thiên tai hạn hán, quần chúng đổ tội cho các giáo sĩ Dòng Tên và yêu cầu chúa Nguyễn trục xuất họ. Năm 1618, ông cùng Francessco Buzomi và Cristoforo Borri được quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đón vào Nước Mặn. Pina sinh sống tại đó ít lâu, sau được chuyển về giúp đỡ Nhật kiều Công giáo tại Hội An. Khoảng năm 1621, ông lên ở hẳn tại Thanh Chiêm. Trong thư gửi cho cha bề trên ở Macao, ông viết: “Năm vừa qua, con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeanne ở Kẻ Chàm... Một nhà làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường” (Sđd, tr.45).

Năm 1625, trú sở Thanh Chiêm được thành lập, Giáo sĩ F. Pina được cử  làm cha bề trên cai quản nơi đó cho đến lúc qua đời trong một tai nạn vào ngày 16.12.1625.

2. Tại Việt Nam,  Pina đã tự nguyện lao vào việc nghiên cứu chữ viết và xứng đáng là nhà tiên phong đặt nền móng cho việc sáng chế chữ Quốc ngữ. Về ghi âm tiếng Việt, Pina có sẵn mô hình đã được hoàn thiện từ tiếng Romaji của Nhật Bản, dựa trên ngữ âm và các quy ước viết của tiếng Bồ (Sđd, tr. 56, 57). Trước đó gần thế kỷ, các giáo sĩ Dòng Tên đã có những công trình nghiên cứu tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc và đã xuất bản các cuốn từ điển có phiên âm sang tiếng La tinh chứ không riêng gì ở Việt Nam. Chính Pina đã được rèn luyện một số kỹ thuật chủ yếu và ông đã dựa vào kinh nghiệm cũng như phương pháp của các công trình trước đó để thực hiện công việc nghiên cứu chữ Quốc ngữ với mục đích đào tạo cho những đồng huynh trẻ hơn sử dụng tốt tiếng Việt.

Lúc bấy giờ ở Đàng Trong, các giáo sĩ đã thiết lập được hai trú sở, một ở Hội An và một ở Nước Mặn, nhưng cha bề trên cai quản các trú sở này lại không nói được tiếng Việt, khi giảng đạo, các giáo sĩ phải dùng người phiên dịch nên hiệu quả không cao vì vậy các giáo sĩ trẻ phải gấp rút học tiếng Việt. Pina phải  học với một nỗ lực phi thường để có thể đảm đương mọi công việc nặng nề của giáo hội, chẳng bao lâu ông đã nói thông thạo tiếng Việt, tự mình có thể truyền giáo không cần người thông dịch. Pina phát hiện tiếng Việt có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải biết xướng âm trước đã sau đó mới học các chữ. Không nắm được cốt lõi này thì không thể học tiếng Việt được. Ông nghiên cứu ngữ âm, ngữ pháp tiếng bản xứ, cho nên không những ông nắm bắt vững chắc cách phát âm, cách dùng từ của ngôn ngữ Việt mà còn sáng tạo ra cách ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh.

Năm 1618, Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phê rô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Ki tô giáo, có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.

Ông cũng đã soạn xong một tiểu luận về chính tả, về các thanh điệu của tiếng Việt và đang nghiên cứu ngữ pháp. Thực hiện những công trình này, ngoài những cố gắng vượt bậc của ông còn có sự hỗ trợ đắc lực của các nhà thông thái người bản xứ. Đó là các thanh niên giáo dân, các nho sĩ, các nhà sư, các trưởng tôn phái, các quan lại nghỉ hưu...

3. Pina xác nhận không đâu lý tưởng hơn Dinh Chiêm, cơ quan đầu não của xứ Quảng Nam, vì chỉ có nơi này mới quy tụ nhiều người trí thức cần thiết cho công trình nghiên cứu tiếng bản xứ của ông. Trong bức thư gửi Khâm mạng Jeronimo Rodriguez Senior ở Macao, ông viết: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là nho sĩ. Gần họ những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ” (Sđd, tr. 43).

Pina chọn Kẻ Chàm vì ông muốn học một ngôn ngữ thuần khiết: “Ở đây người ta nói rất hay” và tránh ảnh hưởng của các hiện tượng ngôn ngữ lai như đã xảy ra ở Hội An. Vì Hội An là trung tâm kinh tế, cư dân ở đây rất hỗn tạp, tiếng nói ở Hội An không đạt chất lượng, Pina nghĩ rằng nơi này không thể là nơi học tiếng Việt được. (Sđd, tr. 27).

Nhận xét của Pina được các công trình khoa học ngày nay khẳng định: tiếng nói ở các địa phương khác nhau hay cách nói hổ lốn ở “Phố Khách” đặc biệt rất xa với tiếng nói chuẩn (Đoàn Thiện Thuật - Tiếng Hội An và Hoàng Thị Châu - Về một ngôn ngữ lai ở Hội An - Đà Nẵng vào thế kỷ 18, Tác phẩm Đô thị cổ Hội An, tr.151-159 và tr.161-166).

Theo Nguyễn Đình Đầu, Hội An và Đà Nẵng là các trung tâm kinh tế của Quảng Nam, là các thành phố mở cửa, có nhiều người ngoại quốc đến đầu tiên. Những người này, trái lại, vắng mặt ở Kẻ Chàm/ Dinh Chiêm, mặc dầu tên gọi như vậy nhưng là một thị trấn thuần túy Việt Nam, ở đây người ta nói thứ “ngôn ngữ đúng” như thư của Pina cho ta biết.

Cuối năm 1624, Alexandre De Rhodes được cử đến Đàng Trong, ông đã cùng giáo sĩ Antonio de Fontes về Thanh Chiêm để làm phụ giảng cho Pina, nhưng công việc khẩn thiết hơn hết là để học tiếng Việt với bậc thầy “giảng giáo lý không cần thông dịch”.

Thanh Chiêm có vinh dự là trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của cả nước, là nơi quy tụ những nhà tiên phong khai sinh chữ Quốc ngữ. Tại Thanh Chiêm, Pina còn đào luyện những người Việt Nam học tiếng Bồ Đào Nha để làm thông dịch viên cho các giáo sĩ.

CHÂU YẾN LOAN


Image result for Thanh Chiêm - nơi khai sinh chữ Quốc ngữ"