LỢI ÍCH VÀ TÁC HẠI CỦA KHOAI TÂY
Khoai tây là nguồn cung cấp vitamin C và B6, kali, mangan, chất xơ, photpho, niacin (còn được gọi là vitamin B3, axit nicotinic hay vitamin PP) và axit pantothenic (vitamin B5).
Thêm vào đó, khoai tây còn chứa nhiều dinh dưỡng thực vật, bao gồm carotenoid (một dạng sắc tố hữu cơ có tự nhiên trong thực vật, tảo, một vài loài nấm và một vài loài vi khuẩn), flavonoid (flavonoid trong tự nhiên có màu vàng, là 1 loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật) và axit caffeic.
Có đến hàng ngàn loại khoai tây khác nhau, phổ biến nhất là khoai tây đỏ, xanh và vàng.
Khoai tây tương đối dễ trồng, do đó, không có gì lạ khi chúng là một trong những loại thực phẩm được trồng nhiều nhất trên thế giới.
Giống như cà chua, cà tím và ớt ngọt, khoai tây là một thành viên của gia đình họ Cà (còn được gọi là họ Khoai tây, danh pháp khoa học: Solanaceae). Chúng không phải là rau củ mà là một phần của thân cây. Khoai tây là phần phình ra của phần thân ngầm dưới lòng đất, phát triển và có chức năng cung cấp dưỡng chất cho phần lá ở bên trên. Phần phình ra của thân cây này được gọi là củ. Các "mắt" của khoai tây thực chất là các nụ, chúng sẽ nảy mầm thành cành nếu được cắt rời và ươm mầm.
Khoai tây có đặc tính chống oxi hóa và có thể giúp đẩy mạnh quá trình tiêu hóa, tăng cường sức khỏe tim mạch, làm giảm huyết áp, thậm chí ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Đáng ngạc nhiên, chúng chứa rất ít calo, với một củ khoai tây cỡ trung bình chứa chỉ 110 calo. Khoai tây chứa nhiều cacbonhydrat tinh bột và ít chất đạm, nhưng đồng thời chúng cũng không chứa chất béo, tất nhiên đó là trước khi chúng được trộn cùng với bơ hay phô mai.
Lợi ích của khoai tây với sức khỏe
Làm giảm huyết áp: Có rất nhiều cách để khoai tây có thể giúp bạn làm giảm huyết áp. Chất xơ giúp cải thiện chức năng của insulin, từ đó điều hòa mức glucozơ và làm giảm huyết áp. Kali cũng có thể giúp làm hạ huyết áp do nó đóng vai trò như một loại thuốc làm giãn mạch máu. Các nhà khoa học tại Viên Nghiên cứu Thực phẩm (thuộc Vương quốc Anh) đã phát hiện ra rằng khoai tây có chứa một loại hóa chất có tên gọi kukoamine, giúp làm giảm huyết áp.
Cải thiện chức năng của não bộ và sức khỏe hệ thần kinh: Vitamin B6 có trong khoai tây đặc biệt cần thiết để duy trì sức khỏe hệ thần kinh. Vitamin B6 giúp tạo ra các amin, một loại hợp chất hữu cơ dẫn truyền thần kinh, bao gồm có serotonin, melatonin, epinephrine và norepinephrine- điều đó có nghĩa là ăn khoai tây sẽ giúp làm giảm nguy cơ trầm cảm, căng thẳng và bạn sẽ có một giấc ngủ ngon hơn.
Thêm vào đó, khoai tây còn chứa một lượng lớn cacbonhydrat, giúp duy trì lượng glucozơ trong máu, khiến cho não bộ có thể làm việc tốt hơn. Ngoài ra, kali làm giãn mạch máu, đảm bảo rằng não bạn sẽ nhận được đủ máu.
Tăng cường khả năng miễn dịch: Vitamin C giúp phòng ngừa rất nhiều loại bệnh, từ scorbut (biểu hiện với những triệu chứng như: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, các vết thâm tím rộng trên da, sự dễ bị nhiễm trùng, dễ bị kích động và trầm cảm) đến bệnh cảm lạnh thông thường, với một củ khoai tây cỡ trung bình chứa khoảng 45% lượng vitamin C cơ thể cần trong một ngày.
Chống viêm: Những người bị viêm khớp có thể được lơi rất nhiều nhờ ăn khoai tây hoặc uống nước khoai tây luộc. Hàm lượng vitamin C trong khoai tây hoạt động như một chất chống oxi hóa làm giảm viêm. Kali và vitamin B6 giúp chống viêm trong hệ thống tiêu hóa và miệng. Canxi và magie cũng rất hữu dụng trong việc ngăn ngừa bệnh thấp khớp.
Đẩy mạnh quá trình tiêu hóa: Lương cacbonhydrat có trong khoai tây khiến chúng rất dễ tiêu hóa và chất xơ cũng khiến dạ dày tiêu hóa tốt hơn.
Tốt cho tim mạch: Khoai tây rất tốt cho tim. Chất xơ giúp làm giảm cholesterol trong các mạch máu, vitamin C và B6 giúp giảm thiểu lượng gốc tự do, carotenoid giúp duy trì sự hoạt động ổn định của tim mạch. Ngoài ra, vitamin B6 còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình methyl hóa, biến đổi các phân tử homocysteine có khả năng gây nguy hại thành phân tử lành tính. Quá nhiều homocysteine sẽ làm hỏng các thành mạch máu, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Ngăn ngừa ung thư: Một vài loại khoai tây chứa chất chống oxi hóa flavonoid zeaxanthin, carotene, vitamin A và hợp chất hóa học quercetin; tất cả đều có thể giúp ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển. Khoai tây đỏ và nâu đỏ có tác dụng tốt nhất do chúng chứa lượng lớn chất chống oxi hóa flavonoid.
Chăm sóc da: Vitamin C, vitamin B6, kali, magie, kẽm và photpho đều có thể giúp da bạn mềm mịn như khoai tây nghiền vậy.
Tác hại của khoai tây với sức khỏe
Kể cả khi được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng, khoai tây có thể gây hại với những người bị béo phì hay tiểu đường. Chúng chứa nhiều cacbonhydrat, có thể dẫn đến việc tăng cân nhanh. Chúng sẽ gây bất lợi cho những người muốn giảm cân. Tuy vậy, khoai tây lại là lựa chọn tuyệt vời cho một số vận động viên.
Thêm vào đó, khoai tây còn có chỉ số đường huyết cao, có thể gây ra sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu và đẩy mạnh sản xuất insulin, do đó những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai tây.
Cách tốt nhất để nấu khoai tây
Bạn có thể đoán ra được rằng phủ kín khoai tây với kem chua và thịt xông khói không phải là cách lành mạnh nhất để ăn khoai tây, vậy thì thế nào mới đúng? Ăn cái gì thì bổ dưỡng hơn- khoai tây nướng, luộc hay hấp?
Nướng một củ khoai tây có lẽ là cách tốt nhất để tiêu thụ loại rau này. Nướng hay bỏ lò khoai tây sẽ có lượng chất dinh dưỡng bị mất đi thấp nhất. Cách tiếp theo bạn nên chế biến khoai tây là hấp, lượng chất dinh dưỡng bị mất đi ít hơn nhiều so với luộc. Luộc khoai tây đã gọt vỏ sẽ khiến cho một lượng chất dinh dưỡng quan trọng bị mất đi, do nhiều loại chất dinh dưỡng có thể dễ dàng tan trong nước.
Các chất dinh dưỡng dễ tan trong nước có trong khoai tây là vitamin B, vitamin C, kali và canxi. 80% canxi trong một củ khoai tây sẽ mất hoàn toàn nếu bạn luộc nó. Điều tương tự sẽ xảy ra với khoai tây gọt vỏ ngâm trong nước để giảm thâm. Nếu bạn giữ lại nước luộc khoai tây để sử dụng thì có thể vẫn còn dưỡng chất.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn ăn khoai tây, bạn nên ăn cả vỏ. Vỏ khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng- bao gồm một lượng lớn chất xơ- hơn phần còn lại.
"Mắt" khoai tây có độc không?
Nếu mắt khoai tây của bạn chưa nảy mầm, bạn có thể ăn chúng. Nhưng nếu chúng đã nảy mầm, cắt phần mắt đi trước khi ăn khoai tây. Thân, cành, lá và quả khoai tây đều rất độc do chứa các amin alkaloid độc như arsenic, chaconin và solanin.
Khoai tây màu xanh lá cũng rất độc hại, bạn nên cẩn thận khi ăn chúng. Khoai tây chuyển sang màu xanh lá sau khi chúng đã tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng. Nếu củ khoai vẫn còn rắn, bạn có thể cắt bỏ phần màu xanh và ăn phần còn lại. Nếu như nó đã mềm hoặc bị teo, tốt nhất là nên vứt nó vào sọt rác.