Wednesday, 8 January 2020

QUA LỐI CŨ ( Phương Lan )


QUA LỐI CŨ                             

Quê chúng ta ở Cù lao Phố, một vùng đất nhỏ hiền hoà, nằm giữa hai nhánh sông Đồng Nai, nước trong xanh vào mùa hè, nhưng đục ngầu vào mùa mưa lũ.  Nhờ phù sa bồi đắp, quê hương mình ruộng lúa phì nhiêu, cây trái tốt tươi, thôn xóm an bình.  Em và anh cùng sinh ra và lớn lên ở đây, chúng ta đã trải qua thời thơ ấu thần tiên bên nhau.

Hồi nhỏ, anh ghét chơi chung với bọn con gái, nhưng chẳng hiểu sao anh lại thích em, cô bé hàng xóm nhà ở khít vách, chỉ cách nhà anh có cái hàng rào dâm bụt.  Xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, nên tình thân chẳng khác bà con ruột thịt.  Hai bà mẹ hay nói chuyện qua hàng rào, trong khi chúng ta tha hồ đuổi bướm, hái hoa, ngắt những bông cỏ đuôi chồn cao gần bằng em, hoặc bắt cào cào, châu chấu bên bờ giậu. 

Năm đó chúng ta còn bé lắm, anh lên tám, còn em chỉ mới bẩy tuổi.  Trẻ con nhà quê không có nhiều đồ chơi như trẻ con thành phố, nên chủ yếu chỉ là những trò chơi con nít.  Ngoài những trò chơi chung như trốn tìm, u mọi, kéo co, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê v..v.. thường thì con trai, con gái có những trò chơi riêng.  Nhưng em hay theo anh đi tắm sông, câu cá, thả diều, trèo tổ chim, bẻ trộm trái, bắt dế… toàn những trò chơi ít có đứa con gái nào thích.  Em theo anh cả những lần bọn con trai tụi anh chia phe đánh lộn với bọn con trai xóm khác.  Phe ta khi thắng, khi thua.  Tàn cuộc chiến, em làm y tá săn sóc vết thương cho cả bọn.  Hộp cứu thương của em chỉ có lọ dầu cù là để thoa lên những vết bầm, một lọ thuốc đỏ và những miếng vải dư thừa em lấy từ những lần mẹ may quần áo.  Chỉ có thế, nhưng dưới bàn tay săn sóc của em, vết thương nào rồi cũng lành, chẳng bao giờ làm độc.

Em hiền lành, nhút nhát nên dễ bị bắt nạt.  Có lần em bị hai đứa con trai chơi  ác, tạt cả lọ mực vào áo mới của em, một đứa còn kéo tóc em, cười ha hả rồi bỏ chạy, bỏ mặc em đứng khóc một mình.  Thấy chuyện bất bình, anh vội đuổi theo, hét lớn:
          -  Ê, hai thằng kia đứng lại!  Bắt nạt con gái là hèn, có giỏi đánh với tao nè!
Nói xong, chẳng đợi trả lời, anh xông ngay vào.  Một chọi hai không cân sức, anh bị chúng đánh bầm dập.  Nhưng sau cùng, hai đứa cũng bỏ chạy, sau khi ăn của anh nhiều cú đấm đích đáng.  Em bật khóc khi thấy anh bị một cục u to bằng quả ổi trên trán, và em cuống quýt lấy lá dịt lên vết thương cho anh.  Em vừa xuýt xoa, vừa khóc trông thật tội nghiệp.  Buồn cười quá, anh phải an ủi, dỗ dành, làm như người bị thương là em, chứ không phải là anh. 

Sau vụ đó, không đứa nào dám ăn hiếp em nữa.  Có thế chứ, anh phải dùng sức mạnh để bảo vệ cho em, anh sung sướng được bảo vệ cho em.  Vô tình, em đã khơi dậy trong anh thiên tính của một thằng con trai là bảo vệ, che chở cho con gái.  Có lẽ vì thế mà anh thích em.  Anh cũng thích tính dịu dàng, và cách ăn nói nhỏ nhẹ của em.  Em gọi anh bằng anh, và xưng tên hay xưng em, chứ không mày tao như những đứa khác.  Anh đã bị cái vẻ yếu đuối, ngây thơ của em chinh phục rồi.

Nhưng cũng có thể tại vì em có cặp mắt rất đẹp.  Mắt em long lanh trong suốt, đẹp như dòng sông quê mình, dòng sông đã tắm mát tuổi thơ, đã bao lần in bóng hai chúng ta.  Anh không muốn nhìn thấy dòng sông buồn, nên anh rất chiều em.  Anh cứng cỏi, can trường, nhưng với em, anh lại haymềm lòng.  Cứ mỗi lần nhìn thấy hai giọt lệ mọng lên trong đôi mắt nai tơ, trong suốt của em, là anh chịu không nổi.  Anh không sợ đánh nhau với những đứa con trai hung dữ, nhưng với em thì anh lại nhát, bởi vì anh sợ phải nhìn thấy em khóc.  Mỗi khi chúng ta cãi nhau, dù phải, dù trái, hễ thấy mắt em đỏ lên, là anh đầu hàng vô điều kiện.  Anh hứa với em, và tự hứa với mình rằng, anh sẽ không bao giờ để em phải khóc.

Thế mà một hôm anh thấy em khóc.  Hôm đó trời âm u và gió lớn lắm, anh thấy em ngồi ủ rũ bên hiên nhà, anh gọi qua hàng giậu:
          -  Đi thả diều với anh không Trâm?
Em không trả lời.  Tưởng em chưa nghe, anh gọi lớn hơn:
          -  Hay là chúng mình đi thăm hai con sáo?
Bấy giờ em mới ngẩng lên, mắt em đỏ hoe, mọng nước, thì ra em đang khóc.  Anh hốt hoảng chui rào chạy qua:
          -  Có chuyện gì thế? tại sao em khóc?
Em oà lên nức nở:
          -  Đạt ơi! mất sáo rồi…
Anh bàng hoàng, tổ chim của chúng mình có hai con sáo sắp mọc đủ lông cánh, chỉ chờ độ mươi ngày, cho nó lớn thêm chút nữa là bắt về.  Cái tổ chim này là của anh bắt được, nhưng anh đã hứa sẽ cho em.  Mùa xuân, chim làm tổ trên những cây hoa gạo ở bến sông nhiều lắm.  Tụi trẻ con rủ nhau đi lấy trứng.  Anh trèo, lấy cho em nguyên cái tổ có hai cái trứng nhỏ xíu màu xám, lốm đốm những chấm đen.  Em vui mừng hớn hở, xăm xoi một hồi, em nói anh để lại chỗ cũ cho sáo mẹ ấp trứng.  Thế rồi đủ ngày, đủ tháng, trứng đã nở thành sáo con. 
Hàng ngày chúng ta đi thăm sáo, thích thú nhìn sáo mẹ mớm mồi cho con.  Thỉnh thoảng, rình sáo mẹ đi vắng, em lại bắt anh trèo cây, mang sáo con xuống cho em ngắm nghía, nựng nịu một lúc, rồi lại trả về chỗ cũ.  Anh đã đan sẵn cho em một cái lồng tre xinh xắn để em nuôi sáo.  Em nói may quá có hai sáo con cho chúng chơi với nhau, em và anh sẽ bắt cào cào nuôi sáo, em sẽ dạy sáo nói, rồi sáo sẽ đẻ trứng và chúng ta sẽ có một đàn sáo…  Em chờ mong từng ngày, đặt bao nhiêu hy vọng, nhưng bây giờ mọi dự tính đều tan vỡ cả.  Tiếng khóc của em xé nát tim anh.  Bàng hoàng một lúc, anh nói giọng hối hận:
          -  Sáo bay mất rồi hả?  Xin lỗi Trâm, tại anh tính sai, lẽ ra phải đem chúng về sớm hơn.
          -  Không phải vậy.   Em xụt xịt, tại thằng Thái lấy trộm, em thấy nó đem sáo đi khoe bạn, đúng là hai con sáo của em.
Anh xửng sốt, ai chứ thằng Thái du côn đó, anh biết, nó ỷ lớn nên hay ăn hiếp nhỏ, nó hung dữ lắm, đứa nào cũng sợ.  Anh cũng hơi ngán, nhưng nó đã ăn cắp sáo của em, đã làm cho em khóc, thì anh không thể nhịn.  Nhất định anh sẽ đòi lại công bằng cho em.  Anh nắm hai tay lại, cuơng quyết:
          -  Nín đi, đừng khóc! anh sẽ lấy lại hai con sáo đó cho Trâm.
Và anh đi tìm thằng Thái:
          -  Trả lại hai con sáo đó cho tao!
Nó vênh mặt:
          -  Chim trời cá nước là của chung, tại sao tao phải trả mày?
          -  Đừng làm mặt trây!  Cái tổ chim đó là của tao bắt được, đứa nào cũng thấy, mày cũng thấy.  Tao buộc tổ vào cành cây để cho sáo mẹ ấp, nở ra sáo con là của tao.  Mày phải trả lại ngay!
Nó nhìn dáng anh thấp bé, cười khinh khỉnh
          -  Tàng ghê há?  Tao không trả thì mày làm gì?
Anh lao vào nó.  Thằng Thái hơn anh ba tuổi, lớn con và cao hơn anh cả cái đầu, đánh nhau với nó, anh cầm chắc cái thua.  Nhưng anh không ngán, anh nhất định bắt nó phải trả hai con sáo cho em.  Ý nghĩ em sẽ hết khóc làm anh thêm can đảm.   Hai đứa quần thảo trên đất, cát bụi bay mù mịt.  Cái thằng Thái to bệu, nhưng yếu chịu đòn và không dai sức bằng anh.  Sau cùng, anh cưỡi được lên bụng nó, một tay chẹn cổ, tay kia dơ nắm đấm lên hỏi:

          -  Chịu thua chưa?
Nó gật đầu, hổn hển:
          -  Rồi... Buông ra, tao sẽ trả.
Hai đứa lồm cồm ngồi dậy, kiểm điểm lại, cả hai cùng tơi tả, đứa nào cũng bầm tím, trầy trụa khắp người.  Anh còn bị chảy máu mũi và một vết bầm trên má, về nhà còn bị cha anh đánh đòn.  Nhưng bù lại, anh sung sướng được nhìn thấy nụ cười nở lại trên môi em.  Em cười xinh lắm, vì em có tới hai cái lúm đồng tiền. 

Sau vụ đánh nhau đó ít lâu, Thái và anh làm hoà và trở nên bạn thân, nó cũng không còn hung hăng, hay cậy lớn ăn hiếp bé như trước.
Năm đó anh lên mười, còn em chín tuổi.  Chúng ta đi học chung lớp, chung trường.  Nói đúng ra, dạo đó cù lao Phố chỉ có duy nhất một trường tiểu học, nên trẻ con làng trên, xóm dưới đều học chung trường.  Buổi sáng tinh mơ, những bác nông phu đã vác cuốc ra đồng.  Khi sương mai vừa tan, trên con đường làng đất đỏ, bắt đầu xuất hiện những cái xe ngựa, xe bò, xe lam ba bánh, xe đạp và cả những người đi bộ.  Bấy giờ cũng là lúc đám trẻ con tung tăng chân sáo đến trường.  Em mê nhìn sóng lúa, nên chúng ta chọn con đường đi qua ruộng.  Anh nắm tay em đi trên bờ ranh, hai bên là những ruộng lúa bát ngát, màu sắc thay đổi tùy theo mùa, từ xanh ngát màu mạ non, đến vàng ươm khi mùa lúa chín.  Mùa nào cánh đồng lúa cũng có những nét đẹp riêng.  Mỗi cơn gió, những cây lúa ngả nghiêng, rợn sóng đến tận chân trời.  Hai đứa cùng phồng ngực hít hương thơm đồng ruộng, hương mạ non, hay hương lúa chín đều thơm ngát.

Mùa hè, chúng ta thường rủ nhau đi tắm sông.  Em bơi không thua gì anh, chúng ta bỏ xa lũ trẻ, trong những cuộc bơi thi.  Lúc nào em cũng về nhất, và thứ nhì là anh.  Nhưng thật ra, thì anh cố ý nhường cho em thắng, ăn thua với ai, chứ với em, thì lúc nào anh cũng nhường.  Bơi chán, chúng ta đi câu cá.  Em thích đi câu với anh, dù em không biết câu, cũng không dám bắt trùn làm mồi câu.  Em tung tăng xách giỏ, và chỉ có nhiệm vụ mở nắp, để anh bỏ tọt cá vào.  Sau cùng, những chú cá lòng tong câu được, em bắt anh thả xuống sông hết.  Em cũng cấm anh không được bắn chim, vì cho là ác, tính nhân hậu em đã có ngay từ thuở còn bé thơ. 

Em hay theo anh đi bắt cá lia thia, để em nuôi trong những cái keo thủy tinh.  Cá lia thia sống trong những lạch nước sâu ở các ao hồ, hay mương, ruộng,  chúng bơi thành từng đàn xanh đỏ trông vui mắt.  Muốn bắt, chỉ cần dùng vợt để hớt, nhưng không phải dễ, vì lia thia thấy bóng người là lẩn rất nhanh, phải nhanh tay lắm mới vớt được.  Cá lia thia có nhiều màu sắc rất đẹp, nhưng cá trống dữ lắm, đối đầu với con trống khác, là chọi nhau chí tử, không chết cũng tơi tả. 

Bọn con trai thích chơi chọi cá, chúng lựa những con trống to khoẻ để đem đi chọi.  Chúng nó reo hò tở mở, hào hứng không khác gì xem đá gà.  Nhưng anh không tham dự, vì anh biết em không ưa những trò chơi ác, em nuôi cá chỉ để ngắm thôi.  Lia thia bắt được, bao giờ anh cũng chia cho em những con đẹp nhất, anh để cho em chọn. 

Tính em mau chán, từ dạo có hai con sáo, em hết thích cá lia thia.  Đi học về, em để hết thì giờ chăm sóc sáo, em chăm chút chúng, như mẹ chăm sóc con.  Lồng sáo, máng nước, máng thức ăn... lúc nào cũng sạch sẽ.  Em lại lấy rơm bện cho chúng một cái ổ thật xinh, giống như tổ sáo thật.  Để sáo khỏi buồn, em thủ thỉ chuyện trò với chúng.  Hai con sáo cũng thuơng em, mỗi khi em mở lồng, chúng bay quanh vài vòng, rồi đậu trên vai em.  Sáo lớn nhanh lắm, em nhờ cậu Bảy lột lưỡi, và em dạy sáo nói.  Hai con sáo thông minh, vừa thấy bóng anh thấp thoáng ở đầu ngõ, chúng đã nhảy nhót, kêu lên ầm ỹ:
          -  Đạt tới… Đạt tới kìa, Trâm ơi!
Anh đến với con diều màu xanh có cái đuôi thật dài, bụng gắn cây sáo tre.  Em háo hức theo anh đi thả diều, chúng ta chạy băng băng qua những cánh đồng vừa mới gặt xong, chỉ còn trơ gốc rạ.  Diều lộng gió, bay lượn trên bầu trời bao la, tiếng sáo vi vu, nghe thật thanh bình. 

Chạy nhảy một hồi, em kêu đói, thế là anh đưa em đi hái trộm trái cây.  Qua vườn ổi, vườn mận, anh trèo lên bẻ trộm, em ở dưới căng áo để hứng.  Em đứng chờ, mà mặt mày nhớn nhác sợ hãi, trông thật tội nghiệp.  Em sợ cho anh, vì đã mấy lần anh té u đầu, và một lần bị chó rượt xém chết.  Chúng ta chia nhau những trái ổi chín thơm, những trái mận đỏ, những chùm chôm chôm, và đôi khi một trái soài cát ngọt lịm.  Suốt quãng đời thơ ấu, em đã đi bên anh như hình với bóng, anh cứ tưởng chúng ta sẽ đi bên nhau như thế cho đến hết cuộc đời.

2.

Rồi mình lên trung học, hai đứa đều may mắn thi đậu vào trường Ngô Quyền.  Hôm khai trường, lần đầu tiên anh thấy em mặc áo dài, coi lạ ghê.  Hai cái bím tóc của em được trang điểm bằng hai cái nơ màu đỏ, trông em xinh xắn và chững chạc lắm rồi.  Còn anh, chắc trông ngố lắm trong bộ đồng phục quần xanh, áo trắng, tóc hớt cao…  Hai đứa ngượng nghịu ngó nhau mỉm cười, thấy mình đã lớn. 

Ngôi trường Ngô Quyền thân yêu đã ghi bao nhiêu kỷ niệm thời mới lớn của chúng mình.  Lên trung học, nam nữ học riêng, nên đôi ta không còn chung lớp.  Mỗi tuần ba ngày, em học buổi sáng, anh học buổi chiều, và ba ngày kia thì ngược lại.  Những buổi trưa em tan học, là giờ anh đến trường, anh thường đi sớm để đón em.  Và những lần anh học buổi sáng, trên đường về, anh vẫn dừng lại nơi cầu Rạch Cát, chờ em tới trường. 

Chúng ta đứng trên cầu, ngắm những giề lục bình hoa tím trôi lênh đênh trên sông, và từng đàn cò trắng bay lượn trong khoảng không gian bao la.  Gió lồng lộng thơm mùi sông nước, gió làm bay tà áo em vướng vào chân anh quấn quýt, gió reo vui như tiếng lòng anh cũng đang reo vui.  Buổi trưa, nắng dường như tươi hơn, tiếng chim ríu rít trên cành, những con bướm vàng bay nhởn nhơ, tạo cho nơi đây một vẻ thanh bình.  Lòng anh lâng lâng,  hình ảnh em áo trắng đứng trên cầu, tóc bay theo gió, dáng em in trên nền trời xanh bềnh bồng những mây, là một bức tranh tuyệt vời, đã in vào ký ức anh suốt đời.  Quê hương chúng ta đẹp quá, và tuổi học trò của chúng ta cũng đẹp quá. 

Năm lớp 8, em mắc cở không dám dừng lại bên cầu với anh nữa.  Tan trường, em đi lẫn vào bầy con gái..  Một đoàn xe đạp với những tà áo trắng, trắng cả con đường, trắng cả dòng sông khi qua cầu...  Anh ngẩn ngơ trông theo, chỉ thấy được cái lưng em.  Dạo này em điệu quá, em để tóc thề, và đã biết che nghiêng nón lá, làm duyên.  Em hồn nhiên vui đùa với đám bạn gái, bỏ mặc anh đứng bơ vơ bên cầu. Trời ạ, làm người lớn mà phải xa nhau thế này, thì chẳng thà đừng lớn. 

Chỉ những lần đi chơi riêng, xa khuất những cặp mắt tò mò, chúng ta mới tiếp tục là đôi bạn thân, như hồi còn thơ ấu.  Nhưng trò chơi cũng đổi khác, anh và em không còn chơi những trò chơi con nít như chạy đuổi, trốn tìm, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê nữa.  Em thích đuổi bướm, hái hoa, ép hoa vào tập vở, em mê tiểu thuyết và mê thơ Đinh Hùng, Xuân Diệu, Nhất Tuấn, TTKH…

Anh mê đàn hát và anh tập làm thơ, những vần thơ tình ngô nghê mà bây giờ nhớ lại, anh còn thấy mắc cở.  Chỉ tại em, tại em mê thơ, nên anh muốn thành thi sĩ.  Kỷ niệm anh không bao giờ quên, là sinh nhật năm em mười lăm tuổi, anh tặng em một tập thơ chép tay bằng mực tím, trên giấy pelure màu xanh có hình hoa bướm thật đẹp.  Toàn là thơ của những thi sĩ em ưa chuộng.  Xen vào đó, anh đánh bạo chêm vào những bài thơ tình anh viết cho em, những bài thơ anh thức thâu đêm suốt sáng gò từng chữ, nắn nót từng câu, những bài thơ anh đã miệt mài nghiên cứu từ bao nhiêu lá thơ tình hay nhất, để đúc kết nên bài thơ tình cho em.  Nhưng duới mỗi bài thơ, anh để trống, không dám đề tên.  Đưa thơ rồi, anh hồi hộp lắm, mãi cả tuần sau mới nghe em nói:
          -  Có mấy bài thơ không thấy đề tên tác giả, là ai vậy?
          -  Là… là… Quang Dũng, một nhà thơ mới.
Không hiểu sao anh lại chối biến, và bật lên cái tên Quang Dũng vừa chợt đến trong đầu anh như một tia chớp, một tia chớp cứu nguy, vì ngay sau đó, em mỉm cười chế diễu:
          -  Thơ Quang Dũng là tổng hợp thơ của Xuân Diệu, Đinh Hùng và Nhất Tuấn.  Ông ta chép của mỗi người một câu, sửa đổi vài chữ, rồi xào xáo lại thành… thơ Quang Dũng. 

Nói xong em bật lên cười.  Những tiếng cười của em như xoáy vào tim anh.  Nhận xét của em đúng quá, anh mắc cở chỉ muốn độn thổ.  Anh thầm ngượng với chính mình, và ngượng cho Quang Dũng… Ôi ông Quang Dũng ơi! xin ông tha tội cho tôi, tại tôi mà ông mang tiếng oan, mong ông đừng thèm chấp một đứa học trò mê thơ, nên tập làm thi sĩ... 

Anh còn đang lúng túng không biết phải nói năng ra sao, bất chợt em quay lại, ngạc nhiên kêu lên:

          -  Đạt sao thế? khi không mặt đỏ lên rồi tái đi thế kia?

Anh ấp úng:
          -  Ờ... ờ… có lẽ anh bị trúng nắng.
Em lo lắng:
         -  Để Trâm xoa dầu cù là cho Đạt nhé? 
          -  Thôi khỏi.  Anh chỉ thấy hơi chóng mặt, anh muốn về.
          -  Ừ, Đạt về nghỉ đi.
Sau lần đó, cả tháng sau anh không dám gặp em.  Tàn mộng thi sĩ, anh chỉ biết dùng nhạc để giải sầu.  Âm nhạc quả là huyền bí, như đôi cánh tiên nhấc bổng anh qua hố sâu muộn phiền.  Những ngày dài buồn thảm đó, không có âm nhạc, chắc anh không thể sống được.  Anh đàn suốt ngày, suốt đêm, trải lòng mình trên những phím tơ, gởi tâm sự đến mây, đến gió và… đến em.  Hình như em hiểu, nên một buổi tối, em qua tìm anh:

          -  Trâm xin lỗi, Đạt đừng giận Trâm nhé?  Thật tình Trâm không biết những bài thơ đó là... của Đạt.
Anh ngượng quá, ấp úng:
          -  Trâm không có lỗi gì cả, chỉ tại anh thôi.  Sự thật thì anh đã… chép thơ, gom góp những vần thơ hay nhất, gởi cho Trâm, tỏ nỗi lòng của mình.  Anh muốn mượn thơ để ngỏ lời cùng Trâm…                          
         -  Trâm hiểu mà.
Mặt anh bỗng nóng bừng và tim đập rối loạn, anh mừng đến phát run.  Chỉ cầu em hiểu, và em đã hiểu, như thế là đủ rồi, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.  Nhiều năm về sau này, nghĩ lại anh mới thấy mình khù khờ, bởi vì như thế vẫn chưa đủ, em hiểu lòng anh, nhưng anh chưa rõ lòng em, tình là hai chiều, hay chỉ là tình yêu đơn phương, anh nào có biết?  Cậu trai mười sáu tuổi mới vỡ lòng yêu, còn khờ khạo, ngây thơ lắm. 

Vướng vòng yêu đương, nhưng anh cũng không dám xao lãng việc học, vì năm lớp 9 là năm thi cử, có đậu bằng trung học, mới được thi vào các trường công lập ở Sài Gòn.  Em thích ra thành phố, nên cũng cố gắng học hành. 

Nhờ em chăm học, nên hai ta có nhiều dịp gần nhau.  Buổi tối, em thường đem sách vở sang nhà anh học chung, chúng ta chỉ bảo bài vở cho nhau.  Làm bài xong, chúng ta ra vườn ngồi hóng mát, kể cho nhau nghe những mộng ước tương lai.  Em nói em muốn học giỏi, để sau này làm cô giáo.  Còn anh cứ lúng túng mãi, không dám nói thẳng ra rằng, mộng ước lớn nhất của anh là được cưới em làm vợ... 

Em về rồi, anh mới tự giận mình, nói có một câu dễ như vầy, mà sao cứ ấp a ấp úng, không thốt được nên lời?  Yêu em nồng nàn say đắm, nhưng chưa bao giờ anh dám vượt xa hơn những cái nắm tay, tình học trò rất là trong trắng, ngây thơ.

Mùa thi sắp tới, học trò ráo riết lo ôn tập, nhưng cũng có những lúc giải trí cho thư giãn trí óc.  Những đêm trăng sáng, làm bài tập xong, anh thường sang nhà em, mang theo cây đàn.  Chúng ta ngồi dưới dàn thiên lý ngắm trăng.  Dàn thiên lý toả hương thơm ngát, và trên nền trời xanh đen, lấp lánh muôn ngàn tinh tú, ông trăng vừa chui ra khỏi đám mây, mặt trăng to như một cái đĩa bạc, chiếu ánh sáng êm dịu xuống cảnh vật.  Trong khung cảnh huyền hoặc, nên thơ đó, anh thường dạo đàn cho em hát.  Giọng em trong trẻo, hòa tan trong ánh trăng.  Em khen tiếng đàn anh ngọt, và một lần em hỏi anh có biết hát không?  Anh gật đầu, hát cho em nghe bản Cô láng giềng… 

                … Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm
                    Đôi mắt trong đen mầu hạt huyền
                    Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
                    Xao xuyến nỗi niềm yêu…
Vừa hát anh vừa nhìn em đắm đuối, dưới ánh trăng trông em đẹp như Hằng Nga, còn anh là Chú Cuội đang say sưa đàn.  Em lắng nghe, mắt em khép nhẹ mơ màng, em không biết anh đang nhìn em..  Anh gởi hết tâm tư vào tiếng ca, như muốn mượn lời ca để nói lên tiếng lòng của mình.  Anh nói với em rằng...

               Cô láng giềng ơi!
                    Không biết cô còn nhớ đến tôi
                    Giây phút êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ
                    Cô láng giềng ơi!
                    Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi…
Đột nhiên anh ngưng lại.  Em mở choàng mắt, ngơ ngác:
          -  Sao không hát tiếp?
          -  Đoạn cuối buồn quá.
Em cười hồn nhiên:
          -  Thì đổi lời đi!  "Nay mối duyên thơ giờ sắp thành rồi..."  nghe có hậu, vui hơn chứ.   
          -  Em muốn thế à?
          -  Ừ, cho họ gặp lại và làm đám cưới.
Anh mỉm cười, ôm đàn hát tiếp, hy vọng cuộc tình thơ của chúng mình rồi cũng sẽ thành tựu tốt đẹp như lời em nói.  Đâu phải cô láng giềng nào cũng bỏ người tình xưa để đi lấy chồng, như cô láng giềng của Hoàng Quý?

3.

Hết niên học đó, chúng ta may mắn cùng thi đậu bằng trung học, và phải đi Sài Gòn để học tiếp, bởi vì dạo đó trường Ngô Quyền chưa mở các lớp đệ nhị cấp.

Em được nhận vào trường Gia Long, và ở trọ nhà người em ruột của má em ở Tân Định.  Cậu Năm cũng là người Cù Lao Phố, sau dời nhà lên Sài Gòn làm nghề thầu xây cất.  Cậu Năm là vai em của má em, nhưng lập gia đình sớm, nên có hai người con đều đã trưởng thành, người con trai lớn tên Phước là sinh viên luật năm thứ ba, và cô út cũng sắp sửa lên đại học.  Anh không có bà con ở Sài Gòn, nên sau khi thi đậu vào trường Petrus Ký, anh xin vô nội trú, ăn ở ngay trong trường.  Thành ra tuy ở cùng thành phố, mà chúng ta không có dịp gặp nhau thường xuyên.

Thời gian đầu, chiều thứ bảy và những ngày lễ, ba anh chạy xe gắn máy đi Sài Gòn, đón anh về.  Được vài tháng, ông nhờ cậu Năm lo giúp.  Cậu Năm đưa hai đứa mình ra bến xe An Đông, rồi từ đó đáp xe đò đi Biên Hoà.  Quang cảnh nơi bến xe thật ồn ào náo nhiệt với những tiếng rao hàng, tiếng người cười nói, cãi cọ, và tiếng các anh lơ xe í ới chào mời khách.  Kia rồi, từ xa đã thấy bóng dáng quen thuộc của xe đò Liên Hiệp, quen thuộc tới mức cả tài xế, lơ xe, và hành khách đều biết mặt nhau.  Chiếc xe một thời đã ghi đậm nét vào ký ức của người dân Biên Hoà.  Anh lơ xe tốt bụng bao giờ cũng dành cho chúng ta hai chỗ ngồi tốt nhất, sau lưng tài xế.  Thường thì phải chờ cho đủ người, chiếc xe nặng nề mới bắt đầu chuyển bánh, lắc lư từ từ rời bến.  Ai nấy thở ra khoan khoái, sự chờ đợi lâu làm mọi người đều sốt ruột. 

Ra khỏi thành phố, xe tăng tốc độ, chiếc xe như con ngựa già nhưng còn dai sức, phóng nhanh trên quốc lộ 1, bỏ lại đàng sau một đám bụi mờ.  Bấy giờ đang là mùa thu, nên không khí mát mẻ, gió lồng lộng qua khung cửa xe mở rộng, làm tóc em bay quấn quít.  Tóc em thơm mùi chanh, em đẹp quá, và anh thấy đời cũng đẹp vô cùng.  Ngang qua chợ Đồn, xe dừng lại, thả xuống một số hành khách, rồi lại chạy tiếp tới bến đỗ ở sát chợ Biên Hòa và bờ sông Đồng Nai.  Những hôm trời còn sớm, hai đứa mình thường đi dạo quanh chợ, tìm hàng quà ăn thỏa thích, hoặc rủ nhau đi xem chớp bóng ở rạp Biên Hùng, trước khi về lại Cù Lao Phố. 

Những ngày đó đối với anh là những ngày thần tiên, vì chúng ta lại được ở bên nhau như những ngày còn bé.  Chiều chủ nhật, trở ra Sài Gòn, hai đứa lại khệ nệ mang, xách những món quà nhà quê của má em, hoặc má anh gởi biếu cậu mợ Năm: buồng chuối, quày dừa, vài ký gạo nếp, hoặc cặp vịt bầu, con gà mái tơ…

Buồn cười là có một lần, vừa xuống xe đò, hai đứa mình còn đang lúng túng với mớ hành lý cồng kềnh, con gà bỗng sút giây, vừa chạy vừa kêu oang oác..  Anh và em vội vã rượt theo, bắt được con gà, nhưng quay lại thì cặp vịt bầu đã bị ai đánh cắp.  Thấy anh đứng ngẩn ngơ, em phá lên cười:
          -  Bỏ đi Tám! đừng tiếc, gà vịt ở dưới quê mình thiếu gì?  Tuần tới, Trâm sẽ xin má Trâm đền cho cậu mợ một đôi vịt xiêm thật mập.
Rồi mùa mưa đến, những cơn mưa nhẹ, nhưng dai dẳng không dứt, hai đứa che chung một cây dù, chạy lúp xúp dưới mưa..  Về đến nhà, quần áo cả hai cùng lấm lem bùn đất, chúng mình nhìn nhau cười như nắc nẻ, vui thật là vui.
Nhưng ngày vui bao giờ cũng chóng tàn, trưa chủ nhật đã phải trở ra Sài Gòn.  Thường thường, anh đưa em đến nhà cậu mợ Năm, ở lại dùng bữa cơm chiều, rồi mới trở vô trường.
Một lần, chúng ta tới nhà lúc cậu mợ đang có khách, một chàng thanh niên trạc hai mươi lăm tuổi, dáng người cao lớn, mặt mũi sáng sủa đẹp trai.  Mợ Năm giới thiệu đó là Viễn, sinh viên y khoa, bạn của Phước.  Mới thoạt trông thấy em, mắt Viễn đã sáng lên, hắn bắt tay anh mà mắt cứ ngó em chằm chằm.  Tự nhiên anh thấy khó chịu, anh chàng này có cái nhìn sỗ sàng thật đáng ghét.  Không biết có phải anh có định kiến hay không, nhưng anh thấy cặp mắt lươn của hắn có vẻ gian xảo, và cái nhếch mép cười của hắn trông rất đểu.

Suốt bữa cơm hôm đó, anh im lặng trong khi Viễn thao thao bất tuyệt hết chuyện nọ đến chuyện kia.  Mọi người ai cũng góp lời ồn ào, vui vẻ.  Anh thấy em lắng nghe chăm chú, thỉnh thoảng lại đưa tay lên che miệng cười.  Thái độ của em khiến anh tức giận, có vẻ như em rất thích thú những câu pha trò duyên dáng của hắn.  Ăn cơm xong, Viễn ngồi nán lại nói chuyện với Phước nơi phòng khách.  Anh xin phép cậu mợ Năm về trường.  Em tươi cười tiễn anh ra cửa:
          -  Đạt về, thứ bảy gặp lại nhé?
Chỉ cần nhìn thấy nụ cười và cặp mắt rất đẹp của em, là anh nguội ngay cơn giận.  Trên đường về, gió mát làm anh tỉnh táo hơn, anh tự an ủi có lẽ tại anh lo sợ viển vông, chứ quan trọng gì đâu một cuộc gặp gỡ tình cờ?   Bất quá Viễn cũng chỉ là một trong những người tình cờ qua đường mà thôi.  Những ý nghĩ đó giúp anh tạm yên lòng.

Sau lần đó, anh ít khi có dịp gặp lại Viễn.  Anh không biết hắn có hay đến nhà cậu mợ Năm nữa hay không?  Anh cũng không biết giữa em và hắn đã xảy ra chuyện gì? bởi vì anh ở nội trú, kỷ luật rất nghiêm mình, không được phép ra ngoài, trừ những ngày cuối tuần có người nhà tới đón. 

Rồi mùa hè tới, khi những bông phượng đỏ bắt đầu hé nụ, và tiếng ve sầu kêu ran trên cành, lòng anh rộn rã reo vui, nghĩ tới ba tháng hè được ở gần bên em, anh chờ mùa hè chở tình yêu tới.  Nhưng mùa hè không làm tròn nhiệm vụ, em về làng, nhưng để quên con tim.  Em nói ở làng chẳng có gì vui, em nhớ thành phố, nơi có nhà cao cửa rộng, có ánh đèn màu rực rỡ.  Em nhớ những đại lộ thênh thang, có trai thanh gái lịch, nhiều trò giải trí… Hay còn nguyên do nào khác, làm sao anh biết? 

Anh đề nghị những cuộc đi chơi núi, thăm thắng cảnh ở Biên Hoà, nhưng em từ chối.  Chúng ta vẫn gặp mặt thường xuyên, nhưng cũng chẳng có gì để nói.  Ngồi bên anh mà hồn em đi vắng, anh nói một mình mãi cũng nhàm, nên thôi.  Hai ta ở bên nhau thật gần, nhưng tâm hồn lại cách nhau thật xa.  Mùa hè năm đó sao mà dài lê thê.  Còn hơn hai tuần nữa mới đến ngày tựu  trường, nhưng em đã khăn gói lên đường sớm, chỉ lúc đó anh mới thấy em hớn hở vui cười.  Em như con chim non mới mọc đủ lông cánh, thấy cái tổ chật hẹp, nên muốn thoát ra, bay về phía chân trời rộng mở, đầy quyến rũ nhưng cũng đầy cạm bẫy.  

4.

Thời gian vẫn trôi với bao nhiêu thay đổi..  Năm lớp 11, em ít về làng, mỗi lần anh rủ, em đều từ chối, nói là phải ở lại để học nhóm.  Chỉ những khi ba em lên tận nơi đón, em mới chịu về nhà.  Chúng ta vẫn gặp nhau, nhưng rõ ràng là tình thân đã khác xưa.
Dạo này trông em đẹp hẳn ra, em có vẻ yêu đời, và đôi mắt em cũng long lanh, ướt át hơn.  Những lần gặp nhau, em vẫn vui vẻ nói cười, nhưng anh mơ hồ cảm thấy trong cái vui ấy, có cái gì không được tự nhiên.  Em có vẻ kín đáo, giữ gìn, không vô tư, hồn nhiên như trước đây.  Anh tự hỏi cái gì đã làm em thay đổi?  Chỉ vài tháng sau, một sự tình cờ đã cho anh câu trả lời.  Một lần cha anh đi Sài Gòn, chở rau trái lên bán cho các vựa ở Cầu Ông Lãnh, luôn tiện ghé trường xin phép cho anh về sớm.  Trong khi ông đi giao hàng, anh đến trường tìm em, anh định dành cho em ngạc nhiên vì anh đến bất thình lình.  Anh chờ cả tiếng mới tới giờ tan trường.  Giữa một rừng áo trắng, anh vẫn tìm ra em dễ dàng, bởi vì trong mắt anh, ngoài em ra, những hình bóng khác đều mờ nhạt. 

Nhưng em không mừng như anh tưởng, sau phút xửng sốt vì bất ngờ, em hỏi giọng ngạc nhiên, không có vẻ gì là sốt sắng:
          -  Sao bữa nay Đạt ra được vậy?
          -  Ba anh tới đón, xin phép cho anh về sớm một ngày.  Mai giỗ ông nội.
          -  Ủa bác đâu rồi?
          -  Ông đang mua bán ở chợ Cầu ông Lãnh, lát nữa sẽ ghé nhà thăm cậu mợ Năm, và đón anh.
          -  Nếu vậy ngày mai tụi mình sẽ không về cùng?
          -  Ừ, nhưng nếu em muốn, anh có thể trở lên đón em?
          -  Khỏi, Trâm đi một mình được mà.  
Nói xong, em nhìn đồng hồ có vẻ sốt ruột:
          -  Đạt tới có chuyện gì không?
          -  Đón em chứ gì nữa?   Anh chờ cả tiếng rồi… Bây giờ còn sớm, anh đưa Trâm đi dạo phố một vòng, lát nữa hãy về nhé?  
Em nhìn quanh, nhớn nhác:
          -  Hôm nay à?  Không được đâu, Trâm chưa xin phép cậu mợ Năm.  Bây giờ Đạt đi đi! đừng đứng đây, tụi bạn Trâm trông thấy, kỳ lắm.
À, thì ra em mắc cở với bạn... Cũng dễ hiểu thôi, vì em đã lớn, đã thành thiếu nữ rồi mà, và lũ bạn của em có vẻ tinh quái lắm.  Anh gật đầu thông cảm:
          -  Vậy anh đi trước, chờ em tại nhà cậu mợ Năm nhé?
          -  Ừ, lát nữa gặp lại.
Anh quay lưng, nhưng cũng kịp thấy em lẩn nhanh vào đám đông, như người đi trốn.  Anh mỉm cười, thong thả đạp xe đi.  Nhưng anh không về ngay, mà dừng nơi góc phố, chờ em qua.  Thật lòng, anh chỉ muốn ngắm em thướt tha trong tà áo dài, bước đi trong nắng chiều, như xưa kia, hồi mình còn chung trường. 

Một lát sau em mới ra tới, em bước yểu điệu khoan thai, đi bên em là… Viễn!  Hai người vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ, rõ ràng là có hẹn từ trước.  Cả hai đều không nhìn thấy anh, em thản nhiên ngồi lên yên sau cái xe vespa láng coóng của hắn.  Chiếc xe phóng nhanh qua mặt anh, làm vũng nước mưa trên đường bắn toé lên mặt anh, như một cái tát.  Anh tối tăm mặt mày, không phải vì vũng nước, mà vì choáng váng trước cú xốc lớn, cả một bầu trời như xụp đổ trước mắt.  Bây giờ thì anh hiểu cả, trái tim của em, trái tim mà anh tưởng đã chiếm được, thật ra chưa bao giờ thuộc về anh cả, em đã dâng nó cho người khác.

Anh về nghiền ngẫm nỗi đau.  Anh không trách em, vì em có quyền lựa chọn người em yêu, không bắt buộc phải gắn bó đời mình vào một người bạn thời thơ ấu.  Chắc em không cần đắn đo suy nghĩ, bởi vì so với Viễn, anh thua mọi bề.  Ngoài tình yêu em sâu đậm, anh không có gì cả, anh chỉ là một cậu học trò mười bảy tuổi, học chưa xong trung học, tương lai còn mù mịt, trong khi Viễn đã là một chàng trai lịch lãm, khéo ăn khéo nói, một ông bác sĩ tương lai.  Viễn đã đánh bại anh chẳng tốn chút công sức.

Anh hiểu, bây giờ anh chỉ là một người thừa, một người đi bên lề cuộc đời của em.  Không muốn là một chướng ngại cho cuộc tình của hai người, nên anh cố tình lánh mặt em.  Thế mà cũng không khỏi, một lần hai ta chạm mặt nơi đầu ngõ, anh toan quay đi, nhưng không kịp.  Em nhìn thấy anh trước, nên vội vã bước tới, thân mật trách móc:
          -  Dạo này sao không thấy Đạt qua chơi?
          -  Tôi bận.
Ngạc nhiên trước tiếng "tôi" cộc lốc, em nhìn anh dò xét một hồi, rồi mới ngập ngừng hỏi nhỏ:
          -  Trâm cũng đoán là Đạt đã biết chuyện.  Đạt đang giận Trâm hả?
Anh lắc đầu, cố nén cơn trào lòng:
          -  Không! tôi chỉ buồn, chứ không giận.  Chuyện hai người tới đâu rồi?
Má em bỗng ửng hồng, em nói, không dấu được vẻ sung sướng:
          -  Em yêu Viễn, và Viễn cũng yêu em.  Viễn hứa sau khi ra trường sẽ về thưa chuyện với cha mẹ...
Nhìn mắt em ngời sáng, và nụ cười em rạng rỡ khi nhắc đến Viễn, anh đau lòng, nụ cười và ánh mắt đó chưa bao giờ em dành cho anh cả.  Mắt anh cay xè, ôi! ước mơ một đời đã tan... Trong một thoáng, những cảm giác xót xa, đau dớn, tuyệt vọng... cùng dấy lên, bóp nghẽn tim anh.  Nhưng anh cố gượng làm tỉnh:
          -  Mừng Trâm.  Chừng nào đám cưới nhớ cho tôi hay.
          -  Đương nhiên! đám cưới Trâm, Đạt sẽ là khách mời danh dự..
Anh nhếch môi cười cay đắng, yêu em từ thuở ấu thơ, đi bên em mười mấy năm trường, rồi khi đám cưới em, anh không được làm chú rể, mà chỉ là khách đi dự...  Cố nén đau đớn xuống tận đáy lòng, anh nói trong khi con tim anh đang rỉ máu:
          -  Chúc em hạnh phúc.
Sau lần gặp gỡ đó, chúng ta chấm dứt liên lạc.  Thỉnh thoảng tình cờ gặp nhau ngoài phố, chúng ta chỉ chào hỏi như hai người quen, rồi vội vàng quay buớc, đường ai nấy đi.

5

Thời gian vẫn không ngừng trôi, như một qui luật của tạo hoá.  Anh đậu tú tài 1, rồi tú tài 2, và sửa soạn lên đại học.   Em không may bị ở lại lớp 12.  Cuối niên học đó, gần đến kỳ thi, đột nhiên em bỏ học, về làng..  Thoạt đầu, anh nghĩ em thôi học để đi lấy chồng, nhưng không phải…
Một hôm mẹ em sang chơi, anh nghe lõm bõm tiếng hai bà mẹ xì xào:
          -  Tội nghiệp con Trâm.
          -  Thằng đó tệ quá…
Anh bàng hoàng, thì ra em không hạnh phúc ư?  Viễn tệ ra sao?  Anh nôn nao thương em, cả đêm không ngủ được.  Hôm sau, anh đón em về ngang qua ngõ.  Thấy bóng anh từ xa, em kéo xụp nón lá che mặt, nhưng anh đã chạy vội tới, nắm lấy tay em, dắt vô nhà.  Nón được gỡ xuống, vẻ tiều tụy của em khiến anh kinh ngạc:
          -  Trời! sao em lại ra nông nỗi này?  Anh kêu lên hốt hoảng, Viễn đã làm gì em?
Bấy giờ em mới oà lên nức nở:
          -   Viễn bỏ em rồi, em khổ quá Đạt ơi…
Em gục đầu lên vai anh khóc vùi, nước mắt em uớt đẫm vai áo anh.  Trong một thoáng, anh bỗng sống lại thời thơ ấu, mỗi khi em khóc, anh thường dỗ "nín đi! anh sẽ đền cho em".  Bây giờ anh biết lấy gì để đền em?  Lòng xốn xang, nhưng anh vẫn để yên cho em khóc, khóc cũng làm vơi bớt đau khổ.  Khi những tiếng sụt sùi nhỏ dần, anh nhè nhẹ vuốt tóc em dỗ dành, như dỗ dành một đứa trẻ thơ:
          -  Đừng khóc nữa.  Nói cho anh biết, anh có thể giúp gì được cho em?
Em lắc đầu, bệu bạo:
          -  Vô ích, Viễn đã có người yêu khác.
Anh cau mày:
          -  Viễn đã tệ vậy, sao em không dứt khoát với hắn?   Dây dưa làm gì cho khổ?
          -  Nhưng em không thể bỏ Viễn được.
          -  Trâm còn yêu hắn lắm à?
          -  Không, nhưng…
Em thở dài, quay mặt đi chỗ khác, trốn tia nhìn của anh:
          -  Đạt đừng hỏi nữa.  Trâm có những điều khổ tâm, nhưng không thể nói ra, ngay cả với mẹ Trâm cũng vậy.

Anh biết tính em, đã không muốn nói, thì có gặng hỏi nữa cũng vô ích, nên anh quyết định đi Sài Gòn gặp Phước, để hỏi tin tức về Viễn.  Nhưng Phước cũng chẳng biết gì hơn, ngoài cái tin Viễn sắp làm rể của một thương gia giàu có.  Mợ Năm nói:
          -  Đâu có ai dè Viễn là một tên đểu cáng.  Cậu mợ cũng có lỗi phần nào với anh chị ở bển, vì không để mắt tới con Trâm.  Nó nhẹ dạ và ngây thơ quá, nên bị thằng đó lừa.  Không hiểu có chuyện gì, mà hai đứa cãi nhau một trận kịch liệt, rồi bất thình lình con Trâm bỏ học, về quê.  

Anh ra về với tâm trạng mâu thuẫn, nửa vui, nửa buồn.  Thoạt đầu anh mừng vì không còn đối thủ, anh mong Viễn đi luôn, để anh có cơ hội chiếm lại con tim của em.  Nhưng sau nghĩ lại, anh thấy như vậy là ích kỷ và hèn quá, và  anh cũng không đang tâm nhìn em đau khổ.  Yêu là quên mình, để chỉ nghĩ đến hạnh phúc của người yêu... Vì thế nên anh đổi ý, anh mong Viễn quay về với em, cho em hết sầu muộn, héo hon.  Nhưng hắn vẫn biệt tăm.

Em càng ngày càng xanh xao và trở nên lầm lì, ít nói.  Em cũng hay né tránh, không muốn gặp anh nữa, em thu mình sống trong thế giới của riêng em.  Thỉnh thoảng anh thấy em đi lại sau vườn, như một cái bóng, và em hay lang thang một mình, dọc theo những rừng cây, ven suối... 

Một buổi chiều, anh đi ngang qua bến sông, và vô cùng sửng sốt bắt gặp em đang ngồi một mình trên cây cầu gỗ bắc de ra mặt sông, chỗ nước trong, nhưng khá sâu.  Đây là nơi các bà nội trợ thường đem quần áo ra giặt giũ, và cũng là nơi lũ trẻ con biết bơi tụ tập từng đám, nhảy ùm xuống sông tắm mát những buổi trưa hè.  Nhưng bến sông giờ này vắng vẻ không còn ai cả, mọi người đã về nhà hết.  Quang cảnh đìu hiu, chỉ có tiếng gió rì rào trên ngọn cây, và tiếng chim bìm bịp kêu, nghe thật buốn.  Em ngồi lẻ loi, âm thầm, mắt nhìn ra xa, như đang ngắm hoàng hôn.  Nhưng anh chắc em nhìn mà chẳng thấy gì hết, và em cũng chẳng nghe tiếng chân của anh đang tới gần.  Anh nhìn vạt nắng nhạt dần trên ngọn cây, gọi khẽ:
          -  Trâm!
Không quay lại, em nói giọng vô cảm:
          -  Đạt đấy à?   Sao biết Trâm ở đây?
          -  Tình cờ đi ngang thôi.  Và anh dục, về đi em!  Sắp tối rồi, ở đây gió lạnh và thủy triều sắp lên.  Bìm bịp kêu là nước lớn đó, nguy hiểm lắm.

          -  Đạt về trước đi, lát nữa Trâm về. 
          -  Không, anh không thể bỏ mặc Trâm ở đây một mình được.  Đứng dậy! anh đưa Trâm về.
Anh nắm vai em xoay lại, vẻ thê thảm trong đôi mắt em, làm anh rùng mình:
          -  Trâm ơi!  Phải làm sao chứ?  Em cứ như vầy hoài, chắc anh chết mất.

Em khẽ nhếch môi cười:

          -  Đạt vẫn y như ngày nào…

Em cười, nhưng hai giọt lệ mọng lên nơi khoé mắt.  Nhìn đôi mắt rất đẹp của em lần đầu tiên vì anh mà nhỏ lệ, anh cảm động:

          -  Trâm nói đúng, anh vẫn như ngày xưa, chẳng bao giờ thay đổi.  Cho dù hoàn cảnh nào, anh cũng sẽ che chở, bảo vệ cho em.  Anh chỉ muốn em sung sướng… 
Em cúi mặt, thở dài:
          -  Trâm biết, và Trâm rất cám ơn Đạt, cám ơn tình bạn từ thời thơ ấu, cám ơn những săn sóc Đạt dành cho Trâm...  Nhưng bây giờ mọi việc đã lỡ làng cả, không thể cứu vãn được nữa.  Thôi để kiếp sau, Trâm sẽ đền đáp cho Đạt.
Em ngưng lại, nhìn sâu vào mắt anh.  Đôi mắt chúng ta tìm nhau, mắt em u uẩn lạ lùng, nửa như thương xót, nửa như lưu luyến, hối tiếc… Em nhỏ giọng, gần như thì thầm:
          -  Trâm cũng xin lỗi Đạt những lần đã làm cho Đạt đau lòng.  Mong Đạt hiểu và tha thứ cho Trâm.
Anh bỗng rùng mình sợ hãi, lời nói của em sao giống như những lời trăn trối?  Linh tính cho anh thấy một điều không hay, nhưng chẳng biết điều gì.  Để xua tan những ám ảnh, anh dìu em đứng lên, và đưa em về.

6.

Đó là lần cuối cùng mình gặp nhau, bởi vì mấy hôm sau, em đột nhiên mất tích.  Khuya hôm đó, không thấy em về, cả nhà nhốn nháo đi tìm.  Cha mẹ em chạy sang tìm anh:
          -  Cháu có thấy con Trâm đâu không?
          -  Dạ không! mấy hôm nay cháu không gặp.  Anh hỏi mà trống ngực đập thình thình, có chuyện gì vậy bác?
          -  Nó đi đâu từ chiều đến giờ, không thấy về.
          -  Đã tìm khắp nơi chưa?  Ba anh hỏi, giọng lo lắng.
          -  Dạ rồi, anh Sáu!  Tôi đi hỏi khắp xóm, nhưng không ai thấy nó đâu cả.
          -  Hay là nó đi Sài Gòn?
          -  Nó đi thì phải nói cho tôi hay chứ?  Bà ngưng lại, mắt sáng lên một tia hy vọng, nhưng mà biết đâu đấy… Ừ thôi, cứ để ông nhà tôi lên nhà cậu Năm coi sao.
          -  Để tôi đưa anh Tư đi. 
Thế rồi, không chậm trễ một giây, ông lấy xe chở hàng, chở ba em đi Sài Gòn ngay lập tức.  Đến gần sáng, hai người mới trở về, theo sau là cậu mợ Năm.  Nhìn dáng điệu hơ hải của họ, mọi người thở ra thất vọng, vẻ lo lắng lại hiện ra trên nét mặt.  Mợ Năm nói giọng buồn rầu:
          -  Từ dạo về làng, cả tháng nay nó có lên tôi đâu.  Bà quay sang nhìn anh chăm chú, lần cuối cùng cháu gặp con Trâm là hôm nào?
          -  Cách đây ba ngày.  Anh trả lời.
Chợt nhớ lại thái độ của em hôm đó, mặt anh bỗng dưng tái mét:
          - Hôm đó cháu thấy Trâm có vẻ khác thường lắm.
Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía anh, cậu Năm chồm hẳn người tới trước, hấp tấp:
        -  Cháu gặp nó ở đâu?
          -  Ở bến sông.
          -  Thôi chết rồi, ra bến sông mau!
Sau tiếng hô hoán của cậu Năm, mọi người và cả những người hàng xóm cùng ùn ùn kéo nhau ra bờ sông, tiếng chân chạy thình thịch trong ngõ vắng, tạo cảm giác rùng rợn.  Trời còn sớm lắm, cỏ cây còn ướt đẫm sương đêm.  Bình minh chưa lên, bầu trời màu xám đục, gió từ mặt sông thổi lên nghe lành lạnh, chim chóc vừa mới ra khỏi tổ, kêu chiêm chiếp trên cành.  Một ngày mới vừa bắt đầu, một ngày không như mọi ngày. 

Từ xa, cây cầu hiện ra trong làn sương mù buổi sớm, trầm mặc soi mình trên dòng sông, thản nhiên như không cần biết đến thế sự.  Dưới chân cầu, dòng nước lặng lờ chảy xuôi dòng.  Cảnh có vẻ yên tịnh và thanh bình, nhưng trong cái vẻ yên bình bề ngoài ấy, anh cảm thấy có cái gì rờn rợn.  Gần đến nơi, mẹ em bỗng vẹt đám đông, chạy nhanh lên trước.  Khi vừa trông thấy đôi dép quai xanh của em trên cầu ván, bà rú lên thất thanh:
         -   Chết con tôi rồi... Con ơi! 
Mặt mẹ em xanh rờn, bà lảo đảo rồi té xỉu.  Mọi người xúm lại xoa dầu, giật tóc mai, cứu tỉnh.  Bà lăn lộn khóc than thê thảm:

          -   Con ơi, Trâm ơi! khổ thân con quá, tội tình gì mà con phải đi tìm cái chết oan uổng như thế này, con ơi!

Tiếng mẹ khóc con nghe đứt ruột, nhiều người thương cảm đưa tay lên chậm mắt, vài bà cụ mủi lòng, xụt xịt khóc theo.  Anh không khóc, căm hận làm mắt anh đỏ ngầu, hai bàn tay anh nắm lại, cố kềm cơn uất hận.   May cho Viễn không có mặt ở đó, nếu không, chắc chắn đã xảy ra án mạng, anh nhất quyết không dung tha cho tên khốn nạn.

Những tay thợ lặn chuyên nghiệp bắt đầu công cuộc tìm kiếm.  Một người đặt cái bát nhang ngay trên bờ sông, thắp lên mấy nén nhang, xì sụp khấn vái vong hồn người chết phù hộ cho công việc mò tìm thi thể được dễ dàng, mau chóng.  Thiên hạ đi xem, đứng chật cả bến sông, nét mặt ai cũng căng thẳng, sợ hãi, vài cụ già chắp tay niệm Phật.  Không khí tang tóc bao trùm khắp nơi.

Gần trưa, người ta mới mò được xác em.  Anh quay đi, không đủ can đảm chứng kiến lúc người ta vớt em lên, nhưng anh lẽo đẽo theo sau đoàn người, đưa em về nhà.  Anh chỉ dám đi tít đàng xa, nhưng vẫn thấy hai bàn chân em đong đưa, thò ra ngoài cái chăn sũng nước người nào đó mới quấn cho em.  Lúc băng qua sân, đi ngang dàn thiên lý, anh mường tượng như thấy em đang ngồi hong tóc, và dáng em dịu dàng, ngồi hát khúc tình ca, những đêm trăng sáng…  Lòng anh chùng xuống, những bước chân trở nên nặng nề.  Người ta đưa em vô nhà, đặt em nằm lên bộ ván gõ là giường ngủ của em, lúc em còn sống.  Em nằm, đôi mắt đẹp, với hàng mi dài, đã khép lại vĩnh viễn, dòng tóc em xõa trên gối như một đám mây đen, mặt em nhợt nhạt, và cái bụng lum lúp.  Bấy giờ mọi người mới biết là em đang mang thai.  Mẹ em lẩm bẩm như người mất hồn:
          -  Tôi cũng đã nghi, nhưng hỏi hoài mà nó vẫn chối.  
Bà nức lên khóc, đổ gục xuống người em, như một thân cây chuối bị đốn ngã:
          -  Sao con dại thế?  Làm vậy chỉ mình con thiệt thân, và cha mẹ mất con…
Đến chiều, công việc tẩn liệm mới xong, người ta sửa soạn khiêng em đặt vào trong quan tài.  Mẹ em khóc ngất lên, ngất xuống, ôm thây con gái giữ chặt, không cho mang đi.  Mọi người phải xúm lại dỗ dành, kéo bà ra, đưa đi chỗ khác.
Anh đứng bên quan tài em, nhìn như thâu lấy những hình ảnh cuối cùng.  Em nằm, nét mặt thanh thản như người đang ngủ, em đang ngủ giấc ngàn thu...  Mợ Năm đã trang điểm, và mặc cho em bộ quần áo đẹp nhất, để sửa soạn cho cuộc hành trình lần cuối, một chuyến đi không bao giờ trở lại.  Ngày mai, người ta sẽ đưa em ra nghĩa trang, và thân xác em sẽ bị chôn vùi trong lòng đất, sẽ biến thành cát bụi, anh sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy em nữa...  Nước mắt ràn rụa, anh cúi xuống hôn em lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng.  Người em lạnh giá, và tim anh cũng đang đông đá. 

Thương ơi! đời một người con gái, ước mơ tuy nhiều, nhưng trời cho không được mấy, em lìa đời khi mộng ước chưa thành, và tuổi đời vừa mới mười tám.  Anh nấc lên khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc, nước mắt anh nhỏ trên áo em màu trắng học trò.  Thôi vĩnh biệt em, em ra đi bình an.  Cuộc đời này chỉ là cõi tạm, một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau ở chốn vĩnh hằng.

Mấy hôm sau, người nhà mới tìm thấy lá thơ tuyệt mệnh của em, để trong ngăn kéo bàn học.  Em thú thật là em lỡ mang giọt máu của tên sở khanh, nhưng hắn không nhận và bắt em phá, em giận quá, gây với hắn một trận, rồi bỏ về quê.  Em vô cùng đau khổ và tuyệt vọng, nghĩ đến những ngày đen tối sắp tới.  Em không thể sống cái đời tủi nhục của một người con gái không chồng, mà chửa hoang.  Dư luận thời bấy giờ còn khắt khe lắm.  Em quyết định chọn cái chết, để rửa nhục cho gia đình. 

Em xin lỗi cha mẹ về tội bất hiếu, em nói em lỡ dại, em chịu, xin đừng làm khó dễ Viễn.  Anh nghĩ khác, Viễn là con thú vật, hắn không đáng để em tha thứ.  Nhưng trời cao có mắt, Viễn sẽ bị ám ảnh suốt đời, bởi vì không ai sắp đặt, hay biết trước, mà ngày em đi tìm cái chết, lại đúng vào ngày đám cưới của hắn.  Dù là một người vô lương tâm nhất, hắn cũng không thể nào an tâm hưởng hạnh phúc, khi ngày vui của hắn đã đem lại cái chết oan uổng của một người con gái, và cái chết là do hắn gây ra. 
Sau cùng, trong lá thơ em viết cho anh, em nói em hiểu tình yêu của anh, nhưng em xin lỗi không thể đáp lại, vì đã quá muộn.  Em xin anh tha thứ, và nếu còn yêu em, xin anh hãy đợi em kiếp sau.  Lá thư này anh vẫn giữ mãi, như một kỷ vật cuối cùng của em.
Sau đám tang em, anh bỏ làng ra đi, anh muốn lánh xa nơi chốn mang đầy những kỷ niệm của em.  Anh không chịu nổi, khi nhìn nơi đâu cũng thấy hình bóng em.

Thời gian vẫn trôi vô tình, cuộc đời dâu biển, bao nhiêu tang thương thay đổi, nhưng lòng anh không đổi thay, và anh vẫn không quên em.  Hôm nay trở về làng, sau hơn ba mươi năm biệt xứ, anh về để tìm lại những kỷ niệm xưa.  Thời gian đã làm mái tóc anh nhuốm sương, và để lại trên mặt anh nhiều vết nhăn, nhưng thời gian không thể xoá mờ hình ảnh của em, mà anh đã khắc sâu trong tim.  Hôm nay anh đi trên con đường cũ, cảnh xưa vẫn còn đây, nhưng em không còn nữa, nước mắt anh chảy dài.
      
PHƯƠNG - LAN 


Image result for đàn ông ảnh tâm trạng buồn