Tuesday, 10 November 2020

CÓ NHỮNG TÌNH-CỜ KỲ-DIỆU… - Nguyễn Tư

 



CÓ NHỮNG TÌNH-CỜ  KỲ-DIỆU…


*Đoản-khúc Nguyễn-Tư

*“Con gái Phú-yên đôi mắt đa-tình…”(Tản-Đà)


1.Tôi với em vô-cùng lạ-lẫm: một người sống mãi tận cõi Bắc giá băng trên tê, còn kẻ ni ở tít dưới phương Nam xa-xăm ngút-ngàn vạn-lý, nơi phần cuối của trái đất này mờ-mịt…

2.Nhưng tôi phải đi yêu thiết-tha quê Mẹ của em là xứ Đà-lat sương mù, còn em lại đã gửi trái tim nồng-nàn cho Huế của Ngoại tôi... dù em chưa đến nớ lần mô...!

3.Nghĩa là: tôi đã yêu quê Ngoại của em, và em cũng đã yêu quê Ngoại của tôi, mà không hề hiểu vì sao lại có thứ tình cảm "chéo" như rứa, nó ở ngoài mọi sự lựa chọn cố-tình hay những toan-tính dự phần...!?

4.Tôi cũng đã có gửi cho em một bài hát tôi rất yêu, bởi nó có liên-quan đến quá-khứ thương đau của tôi ngày xưa : "Anh còn nợ em"...thì nó lại rơi vào bài ca "ruột" của em...làm tôi giật mình, vì nơi đó tôi đã từng dẫn lính vượt sông đêm, khi tôi mới vừa ngoài hai mươi tuổi  - tuổi của ước mơ rộng mở được ôm cặp lang-thang trên khắp sân trường Đại học  -  qua con sông lớn nhất miền Trung có cái tên rất Chàm là “Đà-rằng” chảy qua thành phố Tuy-hòa, nơi có ngọn núi thấp lè-tè gọi là "núi Nhạn" đứng bơ-vơ, mà trong bài hát nớ có nhắc đến tên...lẫn câu “Con sông êm-đềm…” thì nó đụng tới  nỗi đau của tôi …như chứng-tích của một thời lửa đạn kinh-thiên trên quê hương điêu-linh, mà tôi đã lỡ đội trên đầu.. .cùng với mối tình không trọn của cô gái bản xứ…mà cho đến nay tôi vẫn không biết nàng về đâu ?! Được biết  bài hát ni là Thơ phổ nhạc từ một Thi-sĩ mà tôi áng chừng anh ta cũng là lính như tôi, hoặc người địa phương, hay từ xa đến như tôi nên mới viết câu “Chim về núi Nhạn” và câu “Dòng sông êm đềm” và hẳn cũng đã có mối tình dang-dở như tôi chăng ?Từ đó, tôi đã làm một một kết nối hữu-thức mà Tâm-lý học gọi là “Liên tưởng”(Association des idées) để nhập thể vào mình như là thành một …

5.Chuyền quân đêm qua sông Đà-rằng : Hành-quân mấy tháng miệt-mài, qua sông lòng bỗng nghe dài niềm đau . Trăng tàn thấp-thoáng ngọn cau, vườn không nhà trống ngập màu tang-thương  !Tôi, người lính trẻ tha-phương, mang tình đất nước trên đường chuyển quân …Nhà em ở cuối bìa rừng, sao nay vắng lặng như chừng bỏ hoang ?Em về dưới tỉnh hiền ngoan? Có người vừa mới qua làng em đây... Một mai, về lại nơi này, biết đâu người đã phơi thây chiến-trường ..?!!(*)

6 .Chinh đó là những "nợ nần" của tôi và cô gái Phú-yên xưa, dù em mới chỉ học lớp 10 nhưng cũng đã gánh những oan-khiên của cuộc chiến tranh thời đó, ở ngôi làng xác-xơ  bị cày nát bởi những thảm bom B52, khi tôi là người lính chiến từ phương xa đến …từng hành-quân ngang qua nớ nhiều lần, lúc nàng đã di tản xuống Tỉnh lánh nạn ...không biết có còn chăm-chỉ học hành hay đã phải chui vào những quán Bar nồng hơi men lính Mỹ, hầu kiếm sống qua ngày vì những khó-khăn miên-man như phần lớn những cô gái quê khác ở vùng “oanh kích tự do” đành phải ly-hương tức tưởi…Và, coi như đó là lần cuối cùng... để hơn nửa thế kỷ sau, không chừng nó đã hóa-thân thành bài hát trữ-tình nỉ-non, mà trong đó “nụ-hôn-yêu-thương-dở-dang”, đã trở nên “món nợ”suốt đời...mà tôi không bao giờ có thể nào trả nổi, như anh bạn lính kia, dù cuộc chiến sau đó đã tàn, nhưng không biết em tôi có trở lại làng cũ hay không, khi tôi lại mang thêm một món nợ mới, lớn hơn, đau hơn, nhục-nhằn hơn, khủng-khiếp hơn… bởi cái tội đã gìn-giữ  quê hương miền Nam yêu dấu gọi là “nợ máu”  -  món nợ lạnh người do kẻ chiến thắng đã chụp vào chúng tôi bại trận năm 75 dù năm 68 và năm 72 chúng tôi Đại thắng hoàn toàn…!??

7. Chừng đó những ngẫu-trùng  tình cờ  cúi mặt, đã khiến tôi nghĩ miên-man về thân-phận  mong-manh của kiếp người không phải là một cuộc hành-trình "cô độc tuyệt đối, và phi lý / absurdité hoàn toàn" như triết Hiện-sinh đã phán, và tôi nhớ mãi câu của Sartre viết ngày nào, trong tuổi mới lớn lên tôi bất ngờ đọc được, làm cho tôi vô cùng xót-xa, bối-rối “Người ta sinh ra không lý do /sans raison, sống bởi yếu đuối /par faiblesse (vì không dám tự-tử), và chết tình cờ/ par rencontre ” để đến khi bại trận (đúng như lời Tổng-thống Reagan đã nói: “Nước Mỹ tham dự mọi cuộc chiến tranh nhưng không bao giờ muốn đánh thắng”), chịu tù ngục , rồi ra Hải-ngoại trong tuổi xế chiều sau những bể dâu đã cằn phai mái tóc, tôi mới viết một câu khác hơn, trên bồn rửa chén nhà mình để tự nhắc-nhở “Người ta sinh ra một mình (kể cả sinh đôi), sống một mình (vì chả ai hiểu ai, kể cả vợ chồng hay ruột thịt)và cũng chỉ để chết một mình ...” dù không biết câu nớ đúng hay sai nhưng tôi đã viết như thế, và tin như thế … Nhưng giờ nghĩ lại, qua những ngẫu-trùng kỳ-diệu này, nói như Trịnh-Công-Sơn “Trăm năm vô-biên chưa từng hội-ngộ /Lại thấy trong ta hiện bóng con người ..” thì nó là một liên-hệ vô-hình kết dính mọi thứ với nhau mật-thiết mà lòai người không thể giải-mã tận tường với nhau được, ngoài nỗi ngạc-nhiên mầu-nhiệm, rất kỳ-thú, bằng một hệ-số vu-vơ, vốn người ta ưa gọi là "Định-mệnh.".. ??!!


*Nguyễn-Tư

     (Gửi:H.T)



*Ghi chú: (*) bài “Chuyển quân đêm qua sông Đà-rằng” là  1 trong 5 bài Thơ của tôi, được chọn dịch ra Anh ngữ, cùng với khoảng 120 nhà Thơ lính khác, in trong Tuyển-tập  “ARVN Soldiers’ Poetry”  dày 416 trang, XB tại Mỹ năm 2016, có bán trên Amazone ở Canada…