Truyện ngắn Nguyễn-Tư
Người con trai mặt đầy mụn, có cái đầu trọc-lóc, bóng lưỡng như một vị thiền-sư. Hắn mặc một chiếc áo sơ-mi màu vàng nghệ vạt bầu, dài thoòng, xin ở kho xã-hội trên Đảo Galang, làm cho người hắn có vẻ lùn xuống. Bên dưới là chiếc quần ka-ki dày mo, có lẽ đem từ Việt Nam sang, nên thấy còn màu phèn nâu ở hai ống quần. Mặt mũi hắn trông hơi ngố, của một thanh niên nhà quê. Nghe nói hắn là tài-công phụ cho một chiếc tàu lớn 6 lốc, ở đâu miệt Bến-Tre. Hắn khom người bưng tô cháo đầy, nổi lỏng-bỏng những mảng mỡ và những vụn lá hành đã đổi màu. Nét mặt hắn có vẻ khổ-sở và ăn-năn….Người con gái nằm trên giường bệnh, phủ “drap” trắng trong một căn phòng nơi “Nhà thương mới” do Nhật thiết lập để tặng cho người Tỵ-nạn Đông dương. Cả hai người khoảng 20 tuổi ngoài. Người con gái có dáng thanh-cảnh nhờ đôi chân dài, và cũng nhà quê nhưng có vẻ khá hơn. Đôi bàn tay thò ra ngoài chiếc mền, phía trên mu gồ lên những sợi gân xanh, da sần-sù và ngâm-ngâm đen. Khuôn mặt chỉ còn thấy được cái mũi nhô lên khỏi những lớp băng trắng quấn chằng-chịt, và hai lỗ mắt đen thui đủ để nhìn. Không thể nào đoán được người con gái này đẹp hay xấu? Người con gái trở mình rồi rên ư-ử trong cơn đau-đớn. Nàng rất khó-khăn nhổm người ngồi dậy. Người con trai đến phụ người con gái đỡ phía sau lưng. Người con gái đưa tay đẩy người con trai ra với vẻ khinh-bỉ, khó chịu. Người con trai đứng trân, nét mặt thảm-não, một lát nói: “Anh xin lỗi em mà, anh thương em quá, thành thử...” Người con trai bỏ lửng câu nói, rồi đi về phía chiếc bàn nhỏ có đặt tô cháo thịt, khom người xuống, cẩn -thận bưng đến cho người con gái. Người con gái vẫn lặng-lẽ. Người con trai bưng tô cháo đợi chờ, không thấy phản-ứng của người con gái, nên giọng cầu-khẩn, nói:
-Thôi mà, tha lỗi cho anh đi! Vì anh thương em quá hóa dại…
Xong, hắn bước tới gần người con gái hơn, và tiếp:
-Em rán ăn tô cháo giùm anh cho nó khỏe, da nó mau lành đi cưng! Anh xin lỗi em mà!
Khi sáng anh dậy sớm ra chợ đổi một chỉ vàng cho ông Năm để mua cho em ít thịt về bằm nấu cháo cho em ăn đó chứ, không dám mua đồ biển, sợ mưng mủ …làm độc mấy vết thương...
Hắn vẫn tiếp-tục kiên-nhẫn bưng tô cháo đã bắt đầu nguội sát khuôn mặt người con gái hơn. Bất thần người con gái đưa tay hất mạnh tô cháo, làm rớt xuống sàn vung ra tung-tóe, rồi nói:
-Anh ra chỗ khác đi, tình-nghĩa gì nữa mà anh bò đầu tới đây lo cho tui, anh đã cố-tình giết tui mà. Anh đừng có ngó mặt tui nữa. Hổng cơm cháo gì hết! Anh đi đi, cho khuất mắt tui!
Người con gái bật khóc lớn, rồi nằm xuống xoay mặt vào tường. Người ta thấy hai vai nàng rung-rung theo tiếng nấc dưới làn mền mỏng….
Người con trai dáng thiểu-não, đứng làm thinh, rồi bước ra ngoài kiếm đùm giẻ và cái thùng rác bằng mủ có nắp đậy, ngồi xuống, nhẫn-nhục lau. Người con gái vẫn tiếp-tục khóc nức-nở, và kể lể:
-Anh quyết giết tui, tui biết chứ, nhưng số tui còn nặng-nợ, nên Trời bắt phải sống trong
sự tàn-phế như thế này. Thà anh đâm tui một dao chết liền tại chỗ, tui còn vui lòng, cảm ơn anh hơn, đằng này..., đằng này...ác gì mà ác dữ vậy trời?! Anh đưa tui đi làm chi, để giờ này tui “thân tàn ma dại” chỗ “tứ cố vô thân”này, hở Trời...!?
Người con trai vẻ đau khổ, ăn-năn nói:
-Tại anh thương em quá mà thôi!Anh bỏ nguyên cả gia-đình lại cũng chỉ vì muốn đem em đi theo thôi. Anh lỡ dại... “no mất ngon, giận mất khôn” em à! Thằng đó, nó đã có học, bảnh trai hơn anh nhiều. Lại đang làm thông-dịch cho phái-đoàn Mỹ, chứ anh đâu có cái thớ gì?!
-Thôi, anh đừng nói nữa. Bề gì thì tui cũng tàn-phế một đời con gái của tui rồi! Anh thâm
độc lắm, anh có biết không? Anh nghĩ anh làm vậy để tui theo anh suốt đời chứ gì? Tui mà biết trước lòng dạ của anh hiểm-độc như thế này, thà tui ở lại với tía mẹ tui còn hơn. Tía mẹ tui đâu có đẻ tui ra gớm-ghiếc như vầy anh? Trời ơi, là Trời! Tui mình đồng da sắt gì cho cam. Rồi mai kia, mốt nọ, tui sống làm sao nè Trời?!!Người con gái nấc lên bùi-ngùi...
Người con trai đến ghế ngồi một lát trong sự im lặng nhẫn-nhục, ngó cái lưng người con gái nói:
-Anh xin lỗi em mà, anh nóng quá, thương em quá, anh biết anh thua thằng cha đó xa, và
biết sắp mất em, thành ra... thành ra...
Người con gái vẫn chẳng nói gì thêm, mà cứ xoay mặt vào trong tường khóc tức-tưởi. Người con trai cúi người xuống gầm giường, lượm những quần áo dơ của người con gái đem ra suối giặt như một người chồng lo cho người vợ những khi ốm đau. Hắn bước ra ngoài, nét mặt buồn hiu- hắt, ôm cái bọc “nylon” chứa quần áo đưa lên mũi ngửi-ngửi, rồi lủi-thủi đi về hướng khu 4, có con suối nhỏ chảy róc-rách bên vệ đường dẫn xuống cầu tàu….
Thằng Trạch là một thanh niên hiền-hậu, nhà nghèo ở nơi Xóm Biển với bố mẹ già và mấy đứa em gái nhỏ. Nó vừa lớn, gặp tuổi nghĩa-vụ chắc sẽ đưa sang “Campuchia” chiến đấu, nhưng nhờ có người chú đi tập-kết ra Bắc năm 54, sau 75 hồi-kết về Nam, rồi về vườn, được cử làm Âp-trưởng, nên Trạch thoát thân. Nhờ đó nó được ông Tám ghe lưới cá biển, thuê làm tài-công phụ cho tàu ông để đi đánh cá xa, có khi cả mấy tháng mới về. Ông Tám thấy nó mạnh khỏe, hiền lành, chăm-chỉ, lại được hoãn nghĩa-vụ, hơn nữa chú nó cũng có gởi-gắm cho ông, nên nó cũng được ông Tám tin dùng, mà cũng sợ ông Ấp-trưởng nắm quyền sinh-sát trong tay khi ông Tám khá giàu, nhờ có bán mấy cái ghe bự cho mấy ông Tàu đi đăng-ký …Có điều, ông Tám cũng sợ nó phản, vì chú nó là dân CM nhiều tuổi đảng từng tập-kết ra Bắc năm 54. Trong thâm-tâm, ông Tám biết trước sau gì rồi nhà nước cũng “chặt đẹp” ông thôi, vì hiện giờ ông có 2 chiếc ghe đánh cá tốt nhất vùng đi viễn-duyên. Vả lại, trong đợt người Hoa đi “đăng ký” như đã nói trên, ông đã bán được 2 chiếc ghe lưới hoàn trước đây, nên ẳm khơi-khơi một cách ngon lành khoảng 600 cây vàng, chưa kể hàng trăm ngàn đô Mỹ, từ tay mấy tên đại xì-thẩu ở Chợ lớn, tìm cách thoát khỏi cái vùng đất bấy lâu họ đã nắm tất cả sinh hoạt kinh tế miền Nam. Vàng của Việt nam thì giờ trả lại cho Việt-nam, đâu có hề gì, miễn họ thoát ra ngoài được, thì sẽ “chặt đầu, lột da” trở lại, cũng của mấy thằng Việt nam lưu-vong mấy hồi, lo gì?...
Nhưng kể từ ngày ông Tám thấy thằng Trạch, cứ mỗi lần ghe vào bến, sau một tháng đánh cá ngoài biển khơi, thế nào nó cũng lựa vài con cá ngon, ném xuống cho con Lụa trong đám dân làng bâu tới nhặt cá vụn, thì ông bắt đầu tin nó. Thằng Trạch, mặt đầy mụn, dáng người vạm-vỡ, đứng trên sàn ghe, nhón người tìm con Lụa trong đám đông, đang cầm cái nón lật ngửa, mặt hớn-hở giơ lên cao nói: “Em đây, anh Trạch”, Trạch mừng rỡ nói; “Giơ nón cao-cao lên một chút đi! Em mạnh giỏi không? Chiều nay gặp ở nhà lồng chợ nghe, chạng-vạng...” Con Lụa cười tươi như hoa, hàm răng nó đều như bắp, da ngâm-ngâm đen, nhưng nhờ có lúm đồng tiền, nên nét mặt duyên-dáng hẳn lên….
Lụa là con của một Cảnh-sát viên VNCH ngày xưa trên tỉnh thành, bây giờ về sống ở quê Nội để làm ruộng, thay vì phải đi khu “Kinh- tế mới”, nhưng nó cũng thường đến Xóm Biển để nhặt cá vụn kho ăn mỗi khi có ghe cá về, vì cuộc sống thời này rất khó-khăn bởi ruộng đất bắt đầu buộc vào Hợp-tác xã nhà nước hết nên thu-hoạch chả bao nhiêu. Lụa không đẹp, nhưng trông cũng mặn-mà…Trong xóm có nhiều thanh-niên theo đuổi, trong đó có thằng Trạch, làm tài-công phụ cho ông Tám ghe lưới hòan. Mỗi chuyến đi xa như vậy, thằng Trạch được hưởng một số tiền lương khắm-khá, và được lãnh một số cá ngon đem về cho gia đình hay biếu bà con. Con Lụa thấy thằng Trạch dễ thương, không bồ-bịch lăng-nhăng gì, mà lại được “hoãn nghĩa-vụ” do chú bao-che …Hơn nữa, ông chú CM đó, lại được chỉ định làm Ấp-trưởng, thì cũng đỡ cho cha Lụa rất nhiều, dù sao cũng chỗ “thông gia”, lẽ nào chú thằng Trạch lại không nhẹ tay trong những đợt công-tác đào mương, hay bố-ráp, hành-hạ “Ngụy-quân, Ngụy-quyền” trong những ngày lễ lớn, hoặc trong nhưng cuộc bầu-cử...Ông Tám ghe lưới thấy thằng Trạch có vẻ mê-mệt con Lụa, là con của “Ngụy”, nên ông bỏ bụng mừng thầm, vì chính ông trước 75 vốn cũng là một tên “lính kiểng” cấp bực binh-nhì trong một đơn-vị Địa-phương quân tỉnh nhà, bởi thế ông tin thằng Trạch không nỡ làm “tai mắt” cho CM, để dò xét rình-mò hành tung của ông, sau mỗi lần ông điền đơn xin đi tỉnh để mua vài món phụ-tùng mà tân-trang lại chiếc ghe hiện đang đánh cá của ông, nhất là những khi xin mua những đồ quan-trọng như cái “láp” hay “con heo dầu” dành cho những cuộc hải-hành xa. Theo ông, khi nó đã mê con gái “Ngụy” rổi, thì lập trường của nó cũng phải đổi theo….
Thằng Trạch, khi nó đã “mết” con Lụa “như điếu đổ” rồi, thì nó hay se-sua đi tỉnh hoài, mua toàn những thứ quí giá ngoài chợ trời, do những người ở nước ngoài gởi về với giá cắt cổ. Nó làm dáng cho nó đã đành, mà nó cũng mua quà cho con Lụa để “lấy điểm” mà cũng muốn cho con Lụa nở mặt với chị em trong xóm. Những buổi chiều đi biển về, ngoài việc liệng cho con Lụa vài con cá thực ngon vào chiếc nón lật ngửa giơ cao... với lời hẹn-hò, thì nó về nhà tắm rửa sạch-sẽ, chải đầu láng mướt như kép độc Hữu-Phước, mặc một chiếc áo sơ-mi màu đọt chuối mới tinh, dắt cây bút máy hiệu “Parker” của Mỹ nơi ngực, dù sức học chỉ lớp Ba, xịt một chút nước hoa lên cổ, chà-chà, đưa tay lên ngửi thử, rồi lấy điếu thuốc hiệu 3 con số 5 cắm lên môi, đi nhún-nhẩy về phía nhà lồng, nơi có quán ăn bà Bảy Mập, mà nó hay hẹn-hò với con Lụa mỗi chiều có ghe về. Con Lụa cũng mặc chiếc áo sơ-mi bâu lá sen, màu hồng nhạt bằng vải “soie” Pháp thượng hảo-hạng thời bấy giờ, do Trạch mua cho, dưới là chiếc quần đen mặc-nưa rất mịn-màng. Tay nó đeo chiếc đồng hồ phụ-nữ hiệu “Citizen” màu xanh của Nhật, có lịch ngày tháng, cũng do thằng Trạch tặng, mà Lụa chỉ chưng-diện trong những buổi đi chơi với thằng Trạch, hoặc trong những buổi lễ-lộc của xóm làng mà thôi, nhất là khi có những gánh hát rong hay đoàn văn-công Huyện về trình diễn cho đồng bào Xóm Biển xem. Tất cả những vật đó, dĩ-nhiên đều do thằng Trạch sắm, mỗi lần nó đi tỉnh về, sau khi lãnh lương từ ông Tám ….
Thằng Trạch lịch-sự kéo cái ghế mời con Lụa trước, rổi nó mới ngồi xuống sau. Bà chủ quán thấy cặp này vô quán là vui tươi ra mặt, vì biết thằng Trạch sẽ chơi rất sộp. bà Bảy Mập cầm cái giẻ lau đưa nhẹ trên mặt bàn bằng “mica” bóng nhẩy, nói:
-Chà, cậu Trạch lâu nay đi đâu mất tiêu, không thấy héng?
-Dạ, ghe lưới hoàn mà Dì! Có khi tới 2,3 tháng chứ không ít à nghen. Tui ở tuốt ngoài khơi Mã-lai lận, không gần đâu Dì Bảy.
-Hèn gì ít thấy cậu lai-vãng tới quán tui. Đi lâu mới về có khác.
Thằng Trạch mỉm cười, hỏi:
-Khác sao, Dì Bảy?
-Áo mới tinh, dầu thơm phức!
Thằng Trạch khoái chí cười lớn, vừa cởi nút áo cốt cho lòi sợi dây chuyền vàng khè, rồi nắm bâu áo quạt phành-phạch, nói:
-Thì làm-lụng cực nhọc ngoài biển khơi mà Dì Bảy? Lâu-lâu lên bờ mình cũng xả hơi một phát với em út cho vui vậy mà...
Nói xong, nó lấy tay chỉ vô cái áo màu đọt chuối bằng vải “tetoron”, tiếp:
-Coi nè Dì Bảy, áo này của Mỹ “chính hiệu con nai vàng”, không phải đồ nhại đâu à nha, còn nguyên trong hộp bày ngoài chợ trời. Tụi Mỹ nó bự con quá, tui lựa số nhỏ nhất, mà nó cũng hơi rộng, nhưng tui thích cái màu đọt chuối này, nên tui “chặt” đại. Nhưng ngon nhất phải kể là cây viết này Dì Bảy à, nắp bằng vàng 18 nghen, cũng của Mỹ, ngòi bằng bạch-kim thứ thiệt nha, chưa chắc ông Tám ghe lưới dám chơi à nghen...
Đoạn, nó đưa tay lấy cây bút gắn nơi ngực áo, rút nắp ra, rồi phóng cái rụp lên tấm cửa. Cây
bút cấm phập lên gỗ rung-rung... rồi nói:
-Dì Bảy thấy chưa? Cỡ viết này tui mới “chơi” chứ, đồ “xịn” mà!?
Bà Bảy ngạc-nhiên trố mắt nhìn vẻ khâm-phục vì từ hồi nào tới giờ bà chưa thấy cây bút nào
ngòi cứng như thế cả. Bà nhìn chăm-chăm một lát sau, rồi thực tình, hỏi:
-Cậu mua cây viết đó chi, mà tốt quá vậy?
Thằng Trạch có vẻ lúng-túng về câu hỏi thực tình của bà Bảy, nhưng cuối cùng thì nó cũng
tìm được câu trả lời:
-Tui thì ít chữ nghĩa, nhưng thấy nó tốt lại nắp bằng vàng, mình để “làm của” được chứ Dì
Bảy, hơn nữa tui cũng dùng để viết thơ cho con nhỏ này nè, “ghẹ” của tui đó, Dì Bảy, Dì biết không?
Con Lụa mắc-cỡ cúi xuống một chút, trách yêu thằng Trạch:
-Anh kỳ quá hà. Lỡ mai mốt không thành rồi sao?
Giọng tự-tin, thằng Trạch nói “chắc như cua gạch”:
-Xỏ mũi em về nhà anh bây giờ, chớ ngồi đó mà “không thành”?
Bà Bảy xen vào:
-Cũng xứng đôi, vừa lứa đó chớ!
Giọng thằng Trạch có vẻ tự-phụ, pha một chút hãnh-diện về con Lụa của nó, nói:
-Tui chọn mà Dì Bảy?
Bà Bảy vừa lui-cui trong bếp, nói vọng ra:
-Giờ cô cậu kêu cái gì đây?
Thằng Trạch làm ra vẻ sành-điệu, hướng về phía con Lụa, hỏi:
-Em muốn ăn gì thì cứ tự kêu đi nghen, đãi em đó, anh bao hết, mới lãnh lương mà!.
Con Lụa mắc-cỡ, nói:
-Gì cũng được, em ăn cơm ở nhà rồi!
Thằng Trạch vẻ bực-bội, nói:
-Trời ơi, đã hẹn trước hồi chiều, tối nay đi chơi mà lại ăn cơm nhà, em thiệt kỳ-cục quá!
-Thôi, mình anh ăn đi, em ngồi chơi uông nước trà được rồi.
-Trời ơi, lại khách-khứa nữa, ăn đại đi mà!
Rồi thằng Trạch quyết ép con Lụa ăn, bằng cách tự kêu cho cả hai người:
-Hai tô cháo lòng đặc-biệt đi Dì Bảy. Tiêu hành nhiều vô...Riêng tô con nhỏ này ít cay
một chút. Tui thêm cái nếp than thượng hảo-hạng đi, còn em uống gì?
-Nước trà!
Thằng Trạch lại nhăn-nhó, phản đối:
-Trời ơi, mệt quá! Sao lại “nước trà”? Một “soda chanh đường” đi, Dì Bảy!.
-Rồi, rồi, đây, có ngay...!
Ăn uống xong, thằng Trạch đưa con Lụa xuống một bờ đê, có ánh trăng mập-mờ, chiếu
qua hàng cây so đũa. Hai đứa ngồi cạnh nhau trên một vạt cỏ để tâm tình. Một vài thằng thanh niên trong Xóm Biển đi qua đó thấy, một thằng trong bọn nói lớn phá chơi: “Thằng đó điếm lắm, nó dụ em đó, em đừng nghe, theo qua nè!...”Rồi chúng cười hắt lên. Một thằng khác chen vào: “Trạch ơi, mày mượn cái áo của tao gì mà lâu quá vậy? Nhớ mai giặt sạch ủi thẳng trả tao đàng hoàng, đi ăn đám cưới nha mậy...!”Cả bọn lại khoái-trá cười ồ, rồi kéo nhau lên quán bà Bảy Mập…ăn nhậu…
Thằng Trạch nói rì-rầm gì đó, rồi nắm tay con Lụa đưa lên mũi hun. Con Lụa rụt bàn
tay lại, nói:.
-Anh kỳ quá hà, người ta thấy, họ dị-nghị tía em rầy chết.
Thằng Trạch mất hứng, làm mặt giận ngồi lặng thinh nhìn ra biển. Con Lụa làm lành hỏi:
-Bộ giận em thiệt rồi hở? Con trai gì mà mà dễ hờn quá vậy? Vừa nói nó vừa chồm tới lấy bàn tay xoa-xoa trên lồng ngực thằng Trạch, nói ngọt-ngào:
-Thôi mà, vuốt giận mà, sao nỡ giận người ta lâu vậy?
Thằng Trạch nghe con Lụa nói ngọt quá mà bàn tay mềm-mại của Lụa lại xoa-xoa lên
lồng ngực vạm-vỡ của nó, làm cho nó sướng điên lên được. Rồi nó mỉm cười, âu-yếm nói:
-Lụa có thương anh thiệt hông chớ?
-Thương mà. Thương mới chịu đi chơi với anh đó chứ. Ở đây thiếu gì người, mà...
-Biết rồi, nhưng thương được bao lâu?
-Thì thương hoài...
-Thiệt hông, đứa nào nói gian, thì sao?
-Thì “Ông Tà” vật...
Còn anh?
-Anh hở? Anh dân biển thề độc nghe: Anh mà có phụ em để “theo” người khác, thì cá mập, thuồng-luồng nó nuốt anh đi!
Nét mặt thằng Trạch lúc đó đanh lại một cách nghiêm-chỉnh như chừng nó quyết tâm đến
vậy, làm cho con Lụa sợ hãi, chồm người tới lấy tay bịt miệng thằng Trạch lại, nói:
-Trời ơi, anh dân đi biển thứ thiệt mà nói em nghe ghê quá. Người ta nói con cá mập nó to dữ lắm, có hàm răng bén như dao, gãy cái nào mọc ra cái ấy như bà Chằn trong chuyện Thạch-Sanh vậy nha, lại khát máu, đánh mùi máu ở đâu là nó nhào tới liền. Anh thề chi mà ‘độc” quá vậy, ngày nào mà anh không ở ngoài biển ? Em sợ lắm nha, “miệng ăn mắm, ăn muối” mỗi ngày mà!
Mặt thằng Trạch vẫn còn vẻ cương-quyết:
-“Ông Tà” mà ăn nhằm gì? Anh dân biển thứ thiệt nè em?
Rồi nó tiếp, để xác nhận ý nó không lay chuyển:
-Thiệt mà! Giống như mấy người đi rừng mà thề sẽ bị cọp vồ thì ít khi họ dám vì linh lắm nha , còn anh dân biển cũng vậy, họ kiêng lắm, anh không dám nói gian đâu!
Thực ra, con Lụa cũng thương thằng Trạch vì tính ngay thật của nó, lai hiền lành chân-chất
làm ăn. Hơn nữa, nó cũng giúp được gia dình Lụa chút đỉnh, khi tía nó có vết chàm trên lưng, lại già yếu lao-động không nổi nữa, và Trạch vốn là người có tính rộng-rãi cũng có, nhưng cái mục tiêu chính là con Lụa muốn đi vượt biên để ra nước ngoài mà có cơ-hội giúp đỡ gia đình, y như người ta lấy Việt-kiều vậy, vì Lụa thấy tía mẹ nó, ngày càng kiệt-quệ, lại hay bị chính quyền địa phương làm khó dễ. Vả lại, ông bà đã già mà hay đau ốm liên-miên. Mẹ mắc bệnh suyễn, nên mỗi lần trở trời, thì bà nằm “đem hơi lên” như người hấp-hối, còn cha thì lại ho lao sau những tháng cải-tạo dù ngắn ngày, và thủy-lợi liên-miên.Tía mẹ Lụa cứ thay nhau khò-khè, ho-hen trong một căn nhà chỉ được che bằng những tấm phên làm bằng lá dừa nước đơn sơ...Lụa cũng có lần đi tỉnh chơi, ngang qua mấy gian hàng ngoài chợ trời thấy chưng bày đồ nước ngoài, mà ham quá. Thằng Trạch thì có lòng, được hết mọi chuyện, ngặt phải cái tội là nó học ít quá, hình như nó mới qua hết lớp 3, còn con Lụa dù gì, nó cũng lên được lớp 9 Trung-học cấp 2, nhưng vì gặp cảnh khốn cùng của tía nên nó phải bỏ học nửa chừng về nơi heo-hút này mà nhặt cá, nuôi vịt, làm ruộng sống qua ngày. Thực sự, tía con Lụa dĩ-nhiên chẳng ưa gì chú của thằng Trạch. Nếu xét về mặt lý, thì hai người không đội trời chung được, vì một ông làm Cảnh-sát bên này, một ông làm Công-an bên kia…thì thế nào 2 ông cũng đuổi bắt nhau, trước đây, nếu ông kia “đi B”một thời gian trong giai-đoạn hai bên đánh nhau dữ-dội ở miền Nam. Nhưng tía Lụa cũng rán làm ngơ để con Lụa dính-líu với thằng Trạch, vì 3 lý do: một là ông ấy tự biết mình là kẻ thua cuộc, thì như “cá nằm trên thớt” thôi, nó muốn bằm lúc nào chả được, thứ hai ông cũng muốn để cho thằng Trạch vì yêu con Lụa, mà giúp ông chút đỉnh trong những lúc ngặt-nghèo sa-cơ thất-thế, và quan-trọng nhất, biết đâu thằng Trạch đi vượt biên vì hoàn cảnh ông Tám giàu sụ vậy, thì trước sau gì ông cũng ra đi để bảo-vệ số tài-sản khổng-lồ đó mà ông biết chắc chúng nó sẽ có ngày giựt đi mất thôi, với bất-cứ lý-do gì cũng được cả, và như thế ông sẽ bị rủ tù …khi chúng nó kết tội …trong khi ghe ông là “ghe lưới hoàn”, nghĩa là được phép đánh cá ngoài biển xa lâu đôi ba tháng là chuyện thường …ngu gì mà không “zọt” luôn chớ. Tía con Lụa chỉ ngại thằng Trạch, nhờ có thân nhân CM từ Bắc về, lại là tai mắt chánh quyền địa-phương, vì thế có thể thằng Trạch không muốn đi vượt biên, nhất là khi nó tự thấy đời sống nó tại đây đâu thiếu gì? Chú nó lại làm lớn trong ấp, nên bao-bọc cho nó mọi điều, kể cả việc trốn nghĩa-vụ là điều mà thằng thanh-niên bình thường nào ở đây, đến tuổi cũng phải sợ vì sẽ phải bỏ mạng bên “Campuchia” như chơi …Điều nữa, Trạch tự biết mình ít học, chữ nghĩa “ăn đong” qua xứ Tư-bản làm trò gì, sao bằng bọn trí- thức gốc VNCH được? Nhất là nó cũng ớn cái gốc của chú nó VC bao-che nó tận tình, thiếu gì người ở Xóm Biển biết tỏng nó nên khi họ vượt biên qua bên đó, lỡ họ tư thù gì với gia đình nó mà tố nó “dựa hơi VC” hạch-sách lương-dân sau năm 75, thì coi như đời nó tàn...Tuy nhiên tía con Lụa vẫn cứ hy-vọng, vì không còn cách nào khác hơn, bởi trong cơn hoạn-nạn “thập tử nhất sinh”ai cũng mơ mình chụp được khúc củi khô trôi lạc giữa dòng nước lũ, còn hơn là đành chịu chết chìm ..Riêng con Lụa, thì tự-tin hơn nên nó lại ỷ vào chỗ thằng Trạch yêu nó một cách say-mê, nên nó chẳng ngại gì mà không đề nghị với Trạch một giải pháp để cứu gia đình mình. Dĩ-nhiên thằng Trạch phải kín miệng, vì thương con Lụa cũng có, mà vì sợ người chú CM của nó cũng có. Nên vào một đêm, cũng trên bờ đê hẹn-hò đó, trong lúc âu-yếm ngọt-ngào ra-rít, Lụa nói với Trạch ý nghĩ thực của mình. Lụa với vẻ mặt buồn-buồn, hỏi:
-Anh Trạch à!
-Gì cưng?
-Anh có thương em thực không?
-Rồi, nữa rồi! Chời ơi, sao cưng lại hỏi vậy? Không thương em thì thương ai vô đây, em
thấy anh đâu có “mèo chuột” gì, ngoài em?
-Đúng rồi. Em cảm ơn anh héng. Nhưng anh có thương tía mẹ em không?
-“Chắc như bắp” rồi, ông bà mình ưa nói “Thương ai, thương cả tông chi họ hàng…”huống chi là những người đã sinh thành ra em? Không phải anh thương em, rồi anh nói nịnh đâu! Nhưng thấy 2 ông bà đã già mà đau rề-rề hoài, tội-nghiệp quá! Đó là lý-do anh hay lén ông Tám chôm cho em mấy con cá bự, ngon …mỗi khi ghe về để bồi-dưỡng cho tía mẹ em đó chứ, dù làm vậy ông Tám cũng đâu có ưa, vì anh làm ăn lương rồi mà…Thấy em đau lòng, anh cũng đứt ruột, chứ em. Tụi mình thương nhau mà!
Con Lụa cảm được lòng thành của thằng Trạch về gia-đình mình, nên nó rưng-rưng, lặng
thinh một hồi lâu, rồi nó e-dè nói:
-Nếu bây giờ có cơ- hội thoát thân, anh có dám đưa em đi không? Nói giả-tỉ vậy thôi!
Mặt thằng Trạch não-nề, nói:
-Đi qua đó làm gì em?
-Em muốn giúp gia-đình em. Anh nghĩ coi, cứ cái đà này thì chết cả nhà hết. Em con gái tay yếu chân mềm, đâu có xốc-vác được như anh, mà lo cho tía mẹ? Đã vậy mà không có cơm ăn, bịnh không có thuốc uống như anh thấy đó. Làm mấy công ruộng đó, đâu có ăn thua gì, trả công cho người ta và đóng thuế cho mấy ổng cũng hết, tía em lại gốc “Ngụy” nên cũng bị dòm ngó, tra hỏi, xỉa-xói hoài… sợ tía chịu không nổi mà cắn lưỡi chết thôi. Sự giúp đỡ của anh bấy lâu thì cũng có hạn, với lại cũng kỳ, tía mẹ em rất ngại. Đôi khi sự giúp đỡ của anh, người ta lại nghĩ tía mẹ em “lợi dụng” lòng tốt của anh. Dù nghèo nhưng tía mẹ em cũng biết nghĩ suy...
Nói đến đó, con Lụa cảm động thực sự, tủi thân, xấu hổ và khóc sụt-sùi...Thằng Trạch nắm tay con Lụa bóp-bóp, vừa nói an-ủi:
-Anh ít học thực, nhưng anh cũng biết nghĩ em à. Những điều em nói đều có lý cả.
Nhưng thôi, để anh về tính lại coi...Chuyện quan trọng, có liên quan đến nhiều người, nhưng quan trọng nhất là anh với em, bởi vì anh là một người đã quê mùa, lại rất ít chữ...sợ qua bển…Thôi, để anh tính lại em à. Mình còn nhiều cơ-hội mà em, nhất là một người ngày nào cũng ở trên biển khơi, là anh...dọt lúc nào chả được….
Lụa kéo vạt áo lau khô những giọt nước mắt, nở nụ cười nhỏ, vì ít ra Trạch đã nhận thấy
những điều mình đưa ra chánh đáng, chỉ còn vấn đề “xét lại” mà thôi. Trạch cẩn trọng như vậy là phải….
Lúc đó, trăng sắp tàn, sương biển đã mù-mù, tiếng kẻng của trạm an-ninh biên-phòng gõ chậm rãi ở đầu xóm. Trạch đứng lên, nắm tay Lụa đưa nó về tới ngõ đầy những gió đang thổi dập vùi làm rung-rinh những liếp phên làm bằng lá dừa nước của căn nhà chỉ còn chờ ngày sụm xuống mà thôi...
@
Trong một kỳ đánh cá xa, ghe neo ở ngoài khơi Mã-lai nghỉ đêm. Dưới ánh trăng xanh giữa
cảnh trời nước bao la, ông Tám chủ ghe thấy thằng Trạch ra vào khoan thuyền, coi bộ bồn-chồn không ngủ được, bèn nói giễu:
-Đi mới có mấy bữa, bộ nhớ ghẹ hay sao mà ra vô hoài, vậy mậy?
-Đâu có chú Tám, nhớ ghẹ thì cũng có, nhưng...
-Nhưng nhị mẹ gì nữa. Có xỏ mũi thì xỏ liền đi, tao phụ cho một tay, con gái cỡ nó
mà mày chậm lụt quá, hụt giò à nghen. Có điều, ớn vụ ông chú mày đó, sợ ổng không bằng lòng, vì “kẹt” ông già con nhỏ kia “Ngụy” họ có ưa gì nhau đâu.?..
-Cái đó mà nhằm-nhò gì, chú Tám. Tui dân chịu chơi mà chú? Ông bà mình nói “Ăn cây nào thì rào cây nấy” là vậy, “vì đầu heo mà đèo gộc chuối” thôi, tui khoái con gái ổng mà …?
Nghe thằng Trạch nói vẻ cương quyết như thế, thì ông Tám bỏ bụng mừng thầm, vì thằng
này không coi trọng gì tới cái “bề thế CM” của người chú nó rồi. Nên ông sẽ tìm cách cho nó ra đi, giúp ông lái phụ với với thằng tài-công chính để đi thẳng tới đảo của “Indo” luôn. Bởi vì, nếu nó làm phản, thì đời ông “tiêu-tán-đường” luôn, “mất cả chì lẫn chài”. Khi không mà cho nó nghỉ việc, lại còn bị nghi-ngờ đậm nữa, ném nó xuống biển thì cũng tội, vì nó cũng hiền lành tội nghiệp, ông lại đang cần tài-công phụ, nhưng cứ ớn chú nó….ổng mà biết được coi như “banh ta-lông” luôn. Nếu thằng Trạch bằng lòng đi, thì tốt quá, chỉ cần cho nó ít vàng, thêm cho nó kêu vài người khách riêng nữa, là yên! Sợ nhất, nó không đi, mà còn tố với chú nó nữa, thì chết cả đám. Người nắm nhiều tiền bạc trong tay như ông Tám, bao giờ cũng sợ đủ thứ, nhất là những gì liên quan đến VC. Ông Tám bắt đầu dò la nó từ-từ, ròi sẽ thổ-lộ kế hoạch với nó sau. Ông nói!
-Trạch à!
-Gì chú?
Giọng khích động lòng háo-thắng nơi thanh-niên, ông Tám tiếp:
-Tao nghĩ mày có con đào bảnh như vậy, mà chịu chết rục ở xó này, thiệt uổng! Tao mà
được như mày thì tao, cõng con nhỏ “dọt” từ khuya rồi. Con nhỏ là dân ở tỉnh trước đây, mà mày cứ để nó đi cấy và lượm cá vụn hoài, coi không được! Tao thấy nó cũng xứng với mày đó chớ?
Thằng Trạch mỉm cười, mừng thầm vì ông Tám nói đúng phóc câu của bà Bảy Mập cách đây
không lậu, nên nó tiếp lời một cách khoái trá:
-Tui cũng nghe bà Bảy Mập bả nói vậy chú Tám à. Cặp của tụi tui thì coi cũng được quá,
chú Tám héng?
-Đòi gì nữa mậy? Nhưng mà cứ lẩn-quẩn xóm Biển hoài, thì kỳ quá!
Thằng Trạch xác nhận điều ông Tám nói là đúng như con Lụa đã đề nghị, mà trên nguyên
tắc nó đã thuận, bèn nói:
-Bởi vậy! Con nhỏ cũng khoái “dọt” lắm. Nó nói hà-rầm với tui hoài hà. Việc chú của tui
thì ăn nhằm gì. Kẹt nỗi, bây giờ người ta đi cũng muốn hết. Còn lại đâu có đám nào nên thân, ngoài chú. Mà chú thì chú nhát quá, ông không dám “chơi”! Chú mà “chơi”, tui cũng dám phóng lao theo luôn, à nghen….
Ông Tám khoái chí, nhưng cũng tìm cách dò thêm lòng cương quyết của thằng Trạch cho
chắc ăn:
-Mày nói giỡn chơi hoài, chú mày mà ổng nghe được, tao tàn đời luôn. Đừng xúi dại, mày ui!
Thằng Trạch xác quyết cho ông Tám tin tưởng, và chính bản-thân nó cũng là đứa ưa nói thực:
-Ổng mà có biết được gì là do tui nè ông. Ổng biểu tui “rình” ông đó, nhưng sức mấy mà tui nghe. Ổng ỷ thế, nhiều lần cũng chơi lấn ông già tui lắm, về việc ruộng đất gì của Nội tui để lại, tui cũng “hầm” lắm, nhưng nghĩ ổng là Chú ruột, tui lại kẹt tuổi lính nữa...sống chết nằm trong tay ổng, chứ tui cũng muốn dọt mẹ nó cho khuất mắt, ngặt nỗi tui “ít chữ” trong bụng quá, qua đó lấy gì làm ăn chú Tám? Ở bển người ta đâu có đánh cá kiểu như ghe Xóm Biển của tụi mình?
Ông Tám biết thằng Trạch quyết tâm, nhưng chỉ lấn-cấn vụ nó ít chữ, nên ông tìm cách
thuyết-phục nó:
-Thằng này nói nghe tức cười quá. Mày thấy mấy thằng ở đây, có đứa còn tệ hơn mày,
không biết nhứt chữ làm thuốc như thằng Bửng, mà giờ qua đó cũng ngon lành, thấy nó gửi hình về mặc bộ đồ tây, dựa bên chiếc xe bóng lưỡng, đeo kiếng đen, miệng ngậm điếu thuốc gì to bằng cán dao… ngon ơ mậy! Hơn nữa con đào mày nó học khá, cha nó lại thành phần “Ngụy”, thì chuyện gì mà nó không lo cho mày được? Không “Tình” thì cũng còn “Nghĩa”, chứ “cạn tàu ráo máng” hết, sao mậy? Ít ra, con đó có chữ trong bụng, thì nó đối xử với mày coi sao cho được con mắt chớ? Mày còn cứu được đời nó và cả gia đình nó nữa mà? Mày đừng lo, nếu có bề gì, thì còn có tao, tao cũng chỉ lính kiểng binh trơn ngày xưa chứ chữ nghĩa đâu có nhiều …..
Thằng Trạch vẻ đắn-đo, nói:
-Tui cũng nghĩ nát nước rồi đó chú Tám. Chú nói thì cũng phải thôi. Trời mà có bắt tui
phải xa nó ở bên kia thì cũng đành chịu thôi, chứ làm sao? Thôi thì tới đâu hay tới đó. Có điều, chú Tám thấy ở đây, đâu có đám nào nên hồn, toàn là ghe cào không hà!
Ông Tám thấy con mồi của ông đã lọt bẫy, nên vui-vẻ nói xa gần:
-Được mà, được mà! Nếu mày chịu chơi thì dễ thôi...
-Thằng Trạch ngầm hiểu ý ông Tám, nên mừng rỡ chồm người tới đưa ngón tay trỏ ra
“ngoéo” với ông Tám vừa vỗ vai cười, ông Tám cũng vỗ vai nó, nói nhỏ như chừng sợ những người khác nghe: “Kín miệng nghe mậy. Để tao tính sau. Lạng-quạng, mày mất đào, tao mất ghe còn ở tù mọt gông..chớ chẳng chơi đâu….”
Và, đúng như dự định, một tháng sau ông Tám ra đi, có thằng Trạch làm tài-công phụ, dĩ
nhiên là nó mang theo con Lụa nữa… Trong suốt cuộc hành-trình, con Lụa nằm liệt, ói mửa tùm-lum trên người thằng Trạch như đang ốm nghén vì đi biển không quen…Phần thằng Trạch, dù nó chỉ là tài-công phụ, nhưng nhờ được ông Tám tin tưởng, nên Lụa được ưu tiên nằm trong “cabine” ghe cùng với gia đình ông Tám như người nhà. Tuy đã làm vừa lòng được người yêu, nhưng tâm-tư thằng Trạch vẫn không vui, vì nó phải từ bỏ gia-đình gồm bố mẹ và mấy đứa em mà nó đã sống bên cạnh trong mấy chục năm không rời ngày nào, ngoại trừ những khi đi biển xa. Nhưng điều nó lo nhất vẫn là chuyện nó “ít chữ”, con Lụa thì khấm-khá hơn nó gấp bội về vấn đề này, nhất là ở một nơi, mà dân tứ xứ tập trung đến với biết bao người hơn nó về mọi phương diện. Con Lụa được coi là còn trẻ, dù không đẹp lắm, nhưng cũng dễ nhìn, cộng với cái vốn học thức nho-nhỏ đó...thì chắc cái nồng độ yêu thương của hai người sẽ bị giảm đi, nếu không nói là bị đe dọa...
Nét mặt nó có vẻ trầm-ngâm khi bưng chén cơm trên tàu lại cho con Lụa. Con Lụa phờ-phạc, hôi-hám, dơ-dáy như một người đau mới dậy, nhìn thằng Trạch mỉm cười, ngầm bày tỏ sự biết ơn, nói:
-Trời ơi, như vậy là mình thoát được rồi anh héng? Em mệt quá trời! Không biết trời trăng mây nước gì nữa cả!
Trằng Trạch cố mỉm cười, nói âu-yếm:
-Em rán ăn miếng cơm đi, hai ngày nay em đâu có ăn gì. “Say sóng” quá phải không? Tại em không quen đi biển đó thôi, chứ như anh đâu có sao?.
-Em chịu hết nổi, nhưng cứ nghĩ mình thoát được rồi, nên mừng quá. Anh đã cứu em và
gia đình em. Lụa nắm tay thằng Trạch bóp nhẹ, mắt rưng-rưng mỉm cười rồi nằm xuống. Thằng Trạch sung-sướng, vì Lụa đã nói đúng câu nói nó mong muốn, mắt nó cũng rưng-rưng, rồi kéo tấm chăn lên dắp trên bụng cho con Lụa...
Khi tàu đến đảo, Lụa kiệt sức thực sự, không thế đứng dậy được nữa, nên thằng Trạch phải
kè nó để bước lên cầu tàu. Lụa được đưa vào bệnh-viện, nằm ở phòng dưỡng-sức vài ngày, thằng Trạch đều phải đi nuôi đau...
Sau một thời gian ngắn thì Lụa bình-phục và xuất viện. Nó vui hẳn ra, vì biết mình đã có một
đời sống khác, và điều quan-trọng hơn là Lụa sẽ cứu được gia đình trong những ngày sắp tới không xa...khi trước kia chỉ là vô-vọng, hết đường binh, không cách gì cứu chữa nổi với cái vai vế một anh Cảnh-sát quèn như bố nó, có “chấm mút” gì được trong chế độ cũ đâu mà dành dụm ?. …!
Lụa đã bắt đầu ghi danh học Anh-văn cùng với Trạch, nhưng Trạch phải học ở lớp thấp
nhất vì trình độ văn-hóa kém quá chỉ hơn người mù chữ một chút mà thôi. Đời sống thoải-mái về vật chất lẫn tinh thần đã làm cho Lụa phục hồi rất nhanh, nhất là nó vốn dân ở thành, nên thích nghi rất dễ với đời sống văn minh Tây phương.
Tháng ngày ở Đảo đã làm cho Lụa tươi mát trở lại, bỏ đi những ngày nhặt cá vụn ở Xóm
Biển ngày xưa trước đó không bao lâu...Da nó đã bắt đầu nhả nắng, đỏ hồng, quên đi những dấu tích ruộng vườn mà nó đã gắn bó trong những tháng ngày lao khổ! Những người ở Xóm Biển ít ai ngờ được rằng con Lụa ngày xưa bây giờ đã phát mã đẹp gái ra, xinh-xắn với cái tên mới là “Hương”rất thơm-tho, cái tên chỉ có mỗi mình thằng Trạch biết, nên con Lụa rất khó chịu mỗi khi ai nhắc đến quá khứ Xóm Biển của nó. Đó là những triệu-chứng ban đầu đã làm cho thằng Trạch lo-lắng, có liên-quan đến những điều nó tiên-liệu ngày xưa trước khi ra đi, mà nó cũng đã tâm sự với ông Tám vào một đêm trăng thuyền bỏ neo ngoài khơi Mã-lai. Con Lụa vẫn cùng “form” với nó, với tư cách “vị hôn-thê” như đã thề-thốt bên nhà, trước khi ra đi. Tấm giấy bìa màu xanh đó, đã ghi rõ-ràng tên Lê-Trạch và Nguyễn-Thị-Hương, một cái tên mới nghe rất xa lạ. Thằng Trạch cũng tự thấy tờ “form” màu xanh đó chắc cũng đủ ma-lực để gắn bó nó với con Lụa xưa nơi Xóm Biển suốt đời! Nhưng nó cảm thấy một điều gì đó rất bất-an, dù con Lụa cũng chưa biểu tỏ điều gì gọi là “hất-hủi” nó, nhưng nó nhìn nhận có sự đổi thay nơi con Lụa rất nhiều, ít ra là ở cái tên “Hương”! Nó vẫn yêu cái tên “Lụa” mộc-mạc ngày xưa, mà nó rất thường gọi một cách âu-yếm ở quán bà Bảy Mập, hay trên bờ đê hẹn-hò, hoặc những khi ghe vào nó đứng trên cao kêu con Lụa giơ cao cái nón để nó thảy những con cá ngon vào như một cử chỉ “anh-hùng độ-thế” …mà dân nhặt cá vụn khác vẫn lác mắt thèm khát. Nó vẫn nhớ cái hình ảnh quê mùa đầy hớn-hở của Lụa đứng bên ghe, nhất là khi con Lụa nở nụ cười hiền, có cái lúm đồng tiền nơi má thật dễ thương, đang cầm cái nón lật ngửa giơ lên cao, giữa đám người nghèo đói lô-nhô, với đôi mắt của Trạch dõi tìm, một tay vịn vào cột buồm, một tay kia xách 2 con cá mú tươi ngon nhất để liệng vào nón đánh thịch cho con Lụa mừng, vừa cười ngây-ngất. Những hình ảnh êm-đềm oai-phong đó của nó bây giờ không còn nữa. Con Lụa bây giờ trắng da, dài tóc, mượt như nhung. Những mụn ghẻ trên mu bàn tay Lụa trước đây do đói kém và cấy lúa ruộng phèn, nhặt cá vụn liên-miên… cũng từ-từ biến hết. Lụa bây giờ không còn mặc chiếc áo bâu lá sen màu hồng nhạt như ngày xưa Trạch đã tặng. Nó bây giờ mặc váy đầm màu trắng, áo “pull” xanh đậm, búi tóc cao để lộ chiếc cổ màu ngà trên bờ vai đầy-đặn. Tự nhiên thằng Trạch thấy mình lạc-lõng cùng-cực với những hình ảnh đổi thay mau chóng đó nơi con Lụa, dù có nét đẹp hơn, nhưng Trạch vẫn cố tự trấn-an rằng, con gái mà, ai cũng vậy thôi, như hàng ngàn cô gái trẻ khác lên Đảo này, luôn muốn làm đẹp. Trong lúc đó,Trạch vẫn còn mặc chiếc áo trôn bầu màu đọt chuối không giống ai, cái áo đắt tiền, nó chỉ dùng để đi chơi với con Lụa trong những buổi hẹn-hò ngày xưa...nhưng nó cũng muốn mặc chiếc áo xịn đó trong lần đánh cá cuối cùng, chỉ vì nó muốn che mắt thiên-hạ cùng xóm là bữa đó nó chỉ đi chơi mà thôi…Đôi lúc, nó cũng nghĩ đến lời khen “xứng đôi vừa lứa” của bà Bảy Mập và ông Tám, nhưng nó vẫn buồn… với những hoàn-cảnh mới, có ưu-thế cho những người thuộc giai-cấp trên khắm-khá hơn nó nhiều trên bến bờ Tự-do …
Tháng ngày trôi hờ-hững, nó và con Lụa vẫn sống gần nhau, lãnh thực-phẩm chung coi như
một đơn-vị gia-đình mà Cao-ủy qui-định. Nhưng con Lụa đã bắt đầu thấy mắc-cỡ với mọi người, mỗi khi lên phái đoàn để được phỏng-vấn, nhất là những mỉm cười tủm-tỉm của người thông-dịch viên khi hắn điền chữ “Fiancee” vào ô liên-hệ của chính người con gái tên Hương, với người thanh niên tên Trạch. Con Lụa đủ sức thông-minh để hiểu những nụ cười nhỏ đó. Thằng Trạch thì vẫn đực mặt ra ngơ-ngác. Nó chỉ thực sự xấu hổ và cúi đầu xuống, khi nó phải trả lời với thông-dịch viên về trình-độ học-vấn của nó chỉ “lớp 3”, khi con Lụa đã trả lời cho chính mình trước đó là “lớp 9”...một sự chênh-lệch vô cùng bất tương-xứng trong quan-hệ vợ chồng sau này, mà người Á châu dù có rộng-rãi cấp-tiến cách gì cũng không chấp nhận được … vì họ quan niệm người chồng phải luôn-luôn hơn vợ mọi thứ như: tuổi-tác, công-danh, nghề-nghiệp, tiền-bạc, gia thế và nhất là học-vấn …chỉ để quản-lý gia đình tốt hơn …trong cái văn hóa ngàn đời vẫn “trọng nam khinh nữ” mà người Tây phương không có …
Thực lòng, con Lụa luôn-luôn nhớ ơn công lao của thằng Trạch đã cứu mình, bởi vì nếu
không có thằng Trạch, thì chắc cuộc đời con Lụa cũng như gia đình nó chắc-chắn sẽ chết dần mòn trong cái Xóm Biển tồi-tàn đó thôi, giữa những liếp phên xiêu-vẹo không che nổi gió mưa ..Nhưng nó vẫn thấy sự cách biệt một cách quá đáng giữa nó và thằng Trạch, mà cái xã hội ở đây nhìn thấy rõ-ràng trong sự mai-mỉa, dè-bỉu…dù không ai muốn thế, kể cả những người dễ tính nhất, nhưng không hề biết trách móc ai …vì có phải lỗi của họ đâu ?
Ngày qua ngày, trong sự lặng-lẽ của nhau, thằng Trạch vẫn tiếp-tục học tiếng Anh ở cấp vỡ lòng của mình. Con Lụa khá hơn, được chọn làm cô giáo thiện-nguyện coi sóc, dạy-dỗ lũ học trò ê-a tiếng Việt trên phòng Giáo-dục, với cái tên mới mỹ-miều là “Cô giáo Hương”.Thằng Trạch vẫn khó-khăn theo đuổi lớp Anh ngữ, mỏi-mệt vì buồn chán, lo sợ nhiều hơn vì cái vốn văn-hóa mới chỉ vừa đến lớp 3, và nó kiêm thêm công việc nấu bếp cho gia đình, bởi con Lụa bận rộn với công việc mới của nhà trường. Thằng Trạch vẫn tự an-ủi mình bằng hệ số của Định-mệnh, như nước liều mà có lần nó đã nói với ông Tám là “Nếu qua bên đó mà Trời bắt nó xa tui, thì cũng rán chịu, chứ sao”. Chữ “chịu” của nó bày tỏ sự chấp nhận những nghịch cảnh xảy đến cho mình, và đây là lúc nó lãnh hết sự rủi-ro có thể tiên liệu trước được đó. Nó an phận và chăm-chỉ làm những công việc một cách buồn phiền của mình. Nhờ có được số vàng do ông Tám trả công trong vai trò tài-công phụ, và vàng nó kêu khách riêng như một đặc-ân ông Tám cho phép để dụ nó đi mà không báo cho ông Chú VC của nó biết, giờ nó đem bán ra từ-từ để tiêu dùng trong những buổi chợ, với một ít hy-vọng mong-manh là sẽ có ngày con Lụa trở về với nó, không vì cái ơn nó “cải-tử hoàn-sanh”, mà vì sự hiểu biết tối thiểu của một con người có chữ nghĩa trong lòng như con Lụa, nhưng điều quan trọng hơn là chút “tình riêng” của nó đã đãi-ngộ thật tròn đầy đối với con Lụa trong những ngày Xóm Biển thuở con Lụa, đôi tay còn đầy những mụn ghẻ, cầm cái nón đã tưa ra, lật ngửa giơ lên cao...dõi mắt tìm nó. Con Lụa tối về, vẫn cùng nó ăn những bữa cơm có vẻ nặng-nề, không giống như những ngày mặn nồng ở quán bà Bảy Mập, nó chơi sộp kêu những món đắt tiền và hiên ngang cầm cây bút “Parker” Mỹ nắp vàng 18 carats, ngòi bạch-kim phóng mạnh lên cửa, trước sự ngưỡng-phục của mọi người, trong đó có con Lụa của những ngày phên liếp xa xăm...
Những khi đi học về, thằng Trạch thường hay ngồi ngoài đồi nhìn ra xa, và nó nhớ biển xưa dạt-dào, nhớ những đêm trăng thuyền bỏ neo dập-dềnh trên sóng nước bao-la, nhớ những chiều cập bến đổ, nó mình trần da ngâm, lồng ngực vun tròn, tay xách 2 con cá, ngóng tìm người yêu...Lòng nó bỗng chùng xuồng thấp và nó nuốt nước bọt nghẹn-ngào. Nó tự hỏi: cơn gió nào đã đưa-đẩy nó đến đây, để vĩnh-viễn xa rời Xóm Biển, nơi nó để lại một người mẹ già, một bầy em, và một ông cha suốt đời chỉ biết kể chuyện Biển cho nó nghe?
Sáng nay, phái đoàn Cao-ủy đi một vòng trại thăm viếng các cơ-sở Giáo-dục dành cho trẻ con.
Lụa bất ngờ gặp lại Cường, người thông-dịch viên trước đây đã thẩm-vấn Lụa. Cường hơi ngạc nhiên và lộ vẻ mừng rỡ, hỏi:
-Ủa, cô Hương làm việc ở đây sao?
-Dạ, em mới làm việc ở đây được vài tháng.
Cường nói trong nụ cười giống hệt như trong ngày thẩm-vấn Lụa, nhất là khi nhấn mạnh hai chữ “ông xã”:
-Sao, “ông xã” giờ làm gì?
Lụa ngâp-ngừng, vẻ áy-náy, nói hờ-hững:
-Dạ, dạ...ảnh cũng vậy, vậy thôi...
-Sao, cô thấy làm việc này vui không?
-Dạ vui. Nếu không thì em sẽ chán chết...trên Đảo sao nó phức-tạp, tù-túng quá anh à …
Giọng mỉa-mai, vì Cường đoán được ý của câu Lụa vừa nói, hắn tiếp:
-Sao vậy? Qua đây được rồi, thì phải mừng chứ!?
-Biết vậy, nhưng mà...
Người thông-dịch, thừa hiểu những nỗi buồn của cô giáo, kể từ nỗi xốn-xang của Lụa trong
lần khai lý-lịch ở Phái đoàn, nên gật đầu chia xẻ, nói an-ủi:
-Hương nên tin nơi số-mệnh đi.
-Nhưng “số mệnh” thường khắc-nghiệt, trớ-trêu quá, anh à!
-Tôi hiểu, nhưng cụ Nguyễn-Du đã từng nói: “Xưa nay, nhân định thắng thiên cũng nhiều” mà Hương?
-Dạ, nhưng cũng “khó” quá anh à. Có những điều mình biết đó chứ, nhưng không nỡ quyết định, vì kẻ khác nhiều hơn là vì mình. Bởi vì sự “vô ơn” nào cũng đáng lên án hết, anh Cường!
-Nhưng có sự vô ơn nào cho bằng sự vô ơn đối với bản-thân mình đâu!?
-Anh nói cũng đúng thôi, đôi khi làm “quân tử Tàu” hoài, cũng nhọc thân mình lắm!
Lúc đó sự thăm viếng của Phái đoàn sắp xong nên Cường vội nói:
-Thôi, xin kiếu nghe, Phái-đoàn họ đã ra về kìa, có dịp sẽ nói chuyện sau cho vui.
-Dạ.
-Chúc mừng cô giáo mới “yêu” nghề!
Trong lời vui giễu-cợt, cô giáo Hương, nói:
-Dạ, em cám ơn anh. Nhưng có những thứ đáng “yêu” hơn nữa anh Cường à.
Người thông-dịch viên cười hắt lên, vừa giơ tay ngoắt giã từ cô giáo Hương, đoạn theo phái đoàn
Cao-ủy được tháp tùng bởi ông Hiệu-trưởng trên phòng Giáo dục ra về...
Rồi, một chiều trên đường từ đồi trở về nhà, thằng Trạch bất ngờ khám phá ra con Lụa, đã
lén nó đi tâm-tình với tên thông-dịch viên đã có lần thẩm-vấn nó. Nó nhìn thấy cái cổ ngà-ngà của con Lụa với mái tóc búi cao, tựa vào vai người đàn ông mang kiếng trắng trên một đồi cỏ, cách nơi nó đứng không bao xa, khi nắng hoàng-hôn sắp tắt. Lòng nó buồn vô-hạn, máu ghen lại sôi-sục trong lòng. Nhưng nó chợt nghĩ, ở đây đâu phải là Xóm Biển, có ông chú nó CM phục-viên làm Trưởng ấp? Mà là nơi tên thông-dịch viên kia, nó chỉ chơi ác là mình tàn đời,làm “Chúa Đảo” muôn năm như chơi … dù nó cũng đã nghĩ rằng, đời nó cũng đã đổi thay theo một chiều hướng không thuận lợi chút nào, kể từ khi nó bằng lòng làm tài công-phụ cho ông Tám trong cái “ngoéo tay”, vào đêm trăng giữa biển khơi Mã-lai. Nó cố dằn lòng, lủi-thủi về nhà, mà vẫn còn níu kéo cái hy-vọng mong-manh là con Lụa sẽ trở về với nó, bởi Lụa sẽ bị dằn-vặt từ mặc-cảm “vô ơn”...
Thằng Trạch về nhà, ngồi hút thuốc nơi cửa, mà lòng rối như tơ, nhưng nó cũng cố nén, để
coi thử con Lụa hành động ra sao?
Một lát sau, con Lụa lửng-thửng ôm cặp từ trường về như mọi bữa, vẻ mặt không vui, có lẽ
vì nó tự thấy nó đã “phản” thằng Trạch, một người đã cứu sống nó và cả gia đình, bởi vì nó biết thằng Trạch chịu vượt biên chỉ vì nó, chứ thằng Trạch ở lại Xóm Biển thì “bề-thế” hơn ở đây nhiều...
Thằng Trạch đột nhiên đứng dậy, mỉm cười, hỏi:
-Sao hôm nay em về muộn hơn mọi bữa, vậy Lụa?
-Em bận làm sổ sách anh à. Có thêm mấy đứa học trò mới vào nữa, lu-bu quá. Mệt ghê!
Vừa nghe xong con Lụa nói dối trơn-tru nhãn-tiền như vậy, Thằng Trạch liệng điếu thuốc cháy dở xuống đất, rồi cười gằn - một nụ cười chưa bao giờ nó bày tỏ trong đời nó. Nhưng nó trấn tỉnh lại rồi xuống bếp bưng nồi cơm lên...
Hai người ngồi ăn cơm như mọi bữa, nhưng chẳng nói gì với nhau.Một lát sau, con Lụa
vẻ mặt buồn-bã hỏi rằng:
-Anh Trạch à, anh đã từng “chịu ơn” ai chưa?
Trạch chợt hiểu ý con Lượm, nên mỉm cười trả lời mềm-mại:
-Có chứ em, thí-dụ ông bà già mình, chú mình...
-Không, em muốn nói “người dưng” kìa…
-Không!
-Nhưng nếu anh chịu ơn người ta, thì anh làm sao?
-Thì mình tìm cách “trả ơn” cho người ta, chứ sao?
-Trả bằng cách nào?
-Bằng cách nào cũng tốt, đôi khi không trả cũng được, nhưng đừng để người ta nghĩ mình
là “người vô ơn” là được rồi.
Lụa mỉm cười, nói:
-Khó héng?
Nói xong, con Lụa lặng im một lát, rồi ái-ngại nói, vừa dò xét phản-ứng của thằng Trạch:
-Ông Tám tính mỗi đầu người khách là bao nhiêu “cây” vậy anh Trạch?
-Hình như 2,3 cây gì đó, anh cũng không rõ nữa, bởi vì anh đâu có tổ-chức vượt biên để
kiếm lời, mà do ….Thằng Trạch bỏ dở câu nói vì sợ mình mang tiếng “kể công” …
Câu nói của thằng Trạch có vẻ mỉa-mai về suy nghĩ của con Lụa, khi nó đoán chừng con
Lụa muốn trả ơn nó bằng cách hoàn vàng lại như một người khách bình thường thôi, khi qua được nước thứ ba rồi đi làm dành dụm…. Con Lụa cũng khá thông minh để nhận ra điều thằng Trạch vừa mới nói, nên nó mỉm cười một cách gượng-gạo, rồi bỏ chén đứng dậy đi ra sau bếp rửa mặt. Xong nó lấy cái thùng gỗ làm ghế ngồi viết danh sách học sinh trên cái sạp.Thằng Trạch bỏ ra đồi ngồi hút thuốc, lòng rách nát sau khi con Lụa cho nó biết là tuần tới nó sẽ lên phòng Giáo-dục để ngủ trên đó, coi sóc sách sổ của lớp học luôn….
Ngồi trên đồi cao, thằng Trạch bị thấm đòn bởi những câu nói xa gần của con Lụa, từ việc hỏi thăm giá cả mỗi đầu người trong chuyến đi của ông Tám, đến việc con Lụa sẽ bỏ nó để đi ngủ chỗ khác, nhưng điều làm cho nó căm hận nhất, vẫn là hình ảnh tình cờ bắt gặp khi chiều, trên đường về. Chiếc cổ trắng ngà và mái tóc búi cao của con Lụa ngả-nghiêng trên vai người đàn ông mang kiếng trắng, làm cho nó nổi cơn ghen sùng-sục, mà nó biết lý do chính là vì con Lụa qua đây, trở nên đẹp hẳn ra, nhờ văn minh vật chất, nên nó quyết tâm giữ con Lụa ở lại với những xấu-xí, những đen-đủi, thô kệch, ghẻ...chóc...của những ngày Xóm Biển thuở nó yêu thương. Nó liệng điếu thuốc xuống đất, rồi hằm-hằm trở về lặng-lẽ, ra sau bếp lui-cui làm gì đó một lúc khá lâu. Khi đó khoảng nửa đêm, mọi người đều yên giấc. Con Lụa vẫn còn ngồi, cắm đầu viết danh sách học sinh trên sạp gỗ, và chấm xấp bài của sắp nhỏ học sinh, bên ánh đèn dầu bập-bùng như muốn tắt bởi những cơn gió biển.. Bỗng nhiên, người ta nghe một tiếng thét hãi-hùng giữa đêm khuya...Mọi người trong “barrack” vụt ngồi bật dậy đổ xô về phía có tiếng la. Người ta kinh-ngạc khi nhìn thấy con Lụa nằm bất động trên vũng dầu ăn còn bốc hơi - loại dầu xà-lách do Cao-ủy cấp phát cho mỗi gia đình để nấu nướng hàng ngày, ngay bên cạnh thằng Trạch còn đứng đó, tay cầm cái “xoong” đang bay hơi, chửi bới những lời tục-tằn nhất của một người đàn ông ghen trong cơn phẫn nộ. Sau đó, không lâu, một chiếc xe “Jeep” xanh của Cảnh-sát đến đậu ngay trước cửa “barrack”, một toán “Police” của “Indo” nhào tới, còng thúc-ké thằng Trạch tức khắc, rồi dẫn nó lên đồn giữa những cú đá bằng giày đinh kêu thình-thịch vào bụng của nó. Một lát sau, xe “Ambulance” từ “ nhà Thương mới” tới, hụ còi ầm-ĩ với ánh đèn ưu-tiên xanh đỏ chớp nháy liên hồi. Người ta vực con Lụa lên “băng-ca” một cách vội-vã. Đầu cổ, và mặt con Lụa bong ra từng mảnh da đỏ hoét trông phát khiếp bởi một “xoong” dầu, đã được thằng Trạch đun sôi và đổ nguyên lên đầu người nó yêu dấu ngày xưa, khi nó tự thấy nó bị phản bội, vì nó nghĩ con Lụa do đời sống vật chất ở đây no đầy và vui vẻ hơn nên Lụa đẹp ra nhiều so với những ngày Xóm Biển cùn mằn của nó trước đây, nên nó nhất định làm cho con Lụa “xấu” đi để ở lại với nó như nó tin tưởng trước khi ra đi …kiểu như mấy bà ở VN đánh ghen bằng những ca “Acide” tạt thẳng vào mặt tình địch cốt chỉ để tàn phá dung-nhan của họ mà giữ chồng lại thôi, chứ không muốn giết người sẽ bị tử hình như chơi …
Một tuần lễ sau, thằng Trạch được tha ra với cái đầu bị cạo trọc lóc, một lối trừng phạt của Cảnh sát “Indo” cốt để làm nhục, và cảnh cáo với đồng hương của những người VN Tỵ-nạn vi-phạm kỹ-luật trên Đảo bởi những tội như sau: nấu rượu lậu, buôn bạch-phiến, đánh bạc, đĩ điếm, ăn cắp, đánh lộn, và giết người …
Sáng nay, thằng Trạch xách cái xô đồ dơ của con Lụa lửng-thửng đi xuống bờ suối. Nó ngồi trên kè đá lơ-đãng vò từng cái đồ. Dòng suối róc-rách từ trong núi chảy ra. Tiếng nước chạm vào những tảng đá nghe lỏng-bỏng, hốt-nhiên làm nó nhớ đến những chiều nước ròng trên bãi Xóm Biển của nó ngày xưa - vùng đất nó đã có con Lụa, lúc những buổi ghe về, nó đứng hiên-ngang trên ghe, tay vin cột buồm, tay xách hai con cá mú to đùng, dõi mắt tìm con Lụa trong đám sinh-linh nghèo nàn nhốn-nháo chờ xin nhặt cá vụn mà sống qua ngày, trong khi con Lụa thì được ưu-tiên hơn nhờ được nó yêu thương và đùm bọc nên con Lụa dĩ-nhiên có vẻ hãnh-diện công khai hơn, nên Lụa chỉ cần đứng ngoài xa, không cần chen lấn gì cho mệt, giơ cái nón đã tưa lá lên, nở nụ cười cầu tài kêu “Anh Trạch ui, em đây nè!”, nhưng nhớ nhất là những đêm trăng hai đúa ngồi bên nhau trên bờ đê tâm tình, thề bồi đủ thứ…để rồi qua đây với tình trạng dở khóc, dở cười …Nó tự hỏi: ai đã đưa nó đến nơi đây, mà phải bỏ lại sau lưng tất cả như Cha Mẹ già và bầy em nhỏ dại không ai chăm sóc, kể cả cái Xóm Biển dù nghèo nhưng đầy tình yêu thương của nó từ bé…rồi nó tự trả lời với chính mình: chỉ vì nó yêu con Lụa “thực” mà thôi, và nó hết lòng tin vào mối tình mà nó tự biết không tương xứng, nhưng tình yêu thực, lúc nào cũng vượt lên trên được mọi thứ, kể cả sự phản-trắc và nó rưng-rưng nước mắt...nhìn vào khoảng xa-xăm...Nhưng cuồi cùng, bỗng dưng lòng nó lại trở nên mềm xuống, khi nó nghĩ đến khuôn mặt sần-sù, đỏ hoét, biến dạng khủng-khiếp của con Lụa mà chính tay nó gây ra trong một phút cuồng-si không kiềm giữ được, nên nó bật khóc thành tiếng vì nó vẫn còn yêu con Lụa rất nhiều, mà nó cũng thừa biết nó sẽ mất vĩnh-viễn con Lụa thôi, dù con Lụa đã “thân tàn ma dại” do nó gây nên, cốt chỉ để giữ con Lụa lại một cách ngu-xuẩn và nông-cạn…Nó tự trách mình, nếu biết kèm chế và tha-thứ được một chút, vì dẫu sao con Lụa cũng đã trao thân con gái cho nó một thời gian rồi, dù vai vế nó chỉ là anh chài lưới “cụ trâu” mà thôi… thì đời nó và chính đời con Lụa cũng sẽ khác đi trên nước định cư thứ ba, con Lụa sẽ lấy được người nó yêu thương, cùng giai-cấp, còn nó chịu khổ đau rồi thời gian cũng nguôi đi, nó sẽ có gia đình với một cô gái khác hợp với tầng lớp của mình hơn, là điều hợp-lý thôi, sao lai dại khờ điên rồ vậy ?Nó lại khóc rấm-rức lớn hơn, mà miệng vẫn thì-thầm một lời gì đó không ai biết được, nhưng chắc không ngoài hai chữ “ví dầu” đầy vẻ ăn-năn …thì đã muộn …!!!