“NỬA ĐÊM NGOÀI PHỐ”: DẤU ẤN TUỔI XANH...
*Tùy Bút*
Bây giờ là khởi sự mùa Xuân nơi đây, Úc châu. Trời đã bắt đầu có những ngày nắng, nhưng năm ni
mưa gió khá nhiều, bởi tình trạng Nina bất thường, trong năm có đến 3 lần khi trước vài năm mới
có một lần nên khí hậu vẫn còn sót lại những giọt lạnh của mùa Đông lê-thê giá buốt vừa qua. Hai
bên đường hoa dại nở đầy. Những đóa Bồ-công-anh như cúc nhỏ xíu, vàng mênh-mông... rải-rác
trên các lối đi. Loại hoa dại ni - thấy mọc nhiều ở các đồi cỏ xứ lạnh mà ngày xưa trên quê hương
Cao nguyên đã có lần tôi nhìn thấy Q. thường ngậm trên môi, ngồi tựa gốc cây thông già nơi sân
sau của một ngôi trường, trong giờ chơi, ở Đàlạt xa mù, với chiếc áo len màu đỏ mơ-màng, khi
nàng có vẻ như một người cô-quạnh, vết buồn hiện lên trên nét mặt đẹp phảng-phất Tây phương mà
nàng và tôi là hai người hiếm-hoi xin lên vùng Cao-nguyên để học, dù Nhatrang vẫn có thừa trường
ốc có lớp 12 (hồi đó gọi là Đệ nhất theo kiểu Tây)... Bên xa lộ là những nụ hoa gai phất-phơ, màu
tím hoa cà của Huế thực xinh, vươn mình dưới nắng ấm... Người dân ở đây đã bắt đầu sợ mùa Xuân
- mùa của “Mưa phấn hoa” thơm nồng, nhưng cũng là mùa của dịch Hay Fever (Sốt cỏ khô) ho-
hen sù-sụ, một thứ tai họa cho loài người, gợi nhớ những mùa mưa phấn thông vàng trên bầu trời
Đà-Lạt, mà Xuân-Diệu đã có lần coi như những cuộc traoTình của loài Thảo Mộc khi ông viết
:Gió tải nhị vàng đem đi... rừng thông bên này đang chờ một rừng thông đang chín bên kia...
Nhị vàng mênh-mông, tràn đầy dư-dật...Có phải Tình yêu đó chăng?.Và ông đã kết luận về hiện-
tượng Thiên nhiên đẹp-đẽ đầy thi-vị này: Sự phung-phí đã thành Mỹ-thuật, phấn thông vàng
không hề uổng công!… Bài tập đọc được trích dẫn từ Xuân-Diệu này năm lớp 6 (Đệ lục hồi đó)
trong giờ Văn của tôi do thầy Bảo-Phốc cực-kỳ đẹp trai, gốc Hoàng-phái đọc, nghe tình, và êm như
ru, tựa tiếng thông vi-vu mà tôi vẫn nhớ mãi đến bây giờ ...
Tôi ngồi trên chuyến tàu ngược về hướng Campbelltown xa dần những trung tâm người Việt. Tàu
chui qua những cánh rừng ngút-ngàn cây lá. Mùi hoa dại thơm lẩn khuất đâu đây. Tôi yêu núi rừng
, biển xanh.. như yêu một phần đời tuổi dại, mang tâm cảm của René Char trong tác phẩm của
Châteaubriand ngày xưa, chỉ mơ khi mình chết sẽ được chôn nơi bờ biển. Rồi, bỗng dưng tôi
thoáng nghe một bài nhạc xưa từ cái phone của một người phụ nữ VN ngồi cuối toa làm tôi bùi-
ngùi, bài “Nửa đêm ngoài phố” của Trúc-Phương qua giọng ca trầm buồn của Thanh-Thúy cũng
gốc Huế sầu bi như Mẹ tôi, nó ghi sâu vào ký ức thời tuổi xanh của tôi đã từng lưu-lạc ở phố Biển
Nhatrang nhiều năm khi tôi chưa đầy 20 tuổi...
Những xúc cảm tràn đầy vì nó đã gắn bó với tôi rất nhiều trong đời sống, kể từ khi tôi mới lớn lên
trong những tháng ngày lang-thang cho mãi đến bây giờ, đã trở thành cõi riêng mà ít khi nào tôi
đề cập tới trong Văn-chương, dù đối với tôi nó không đồng nghĩa với sự hờ-hững. Tôi chợt nhớ cái
chết của một người Nhạc sĩ từng cô quạnh, ở tuổi 62, tại Việtnam, có thể nói là một Nhạc-sĩ thầm
lặng nhất mang tên VN. Tôi nghĩ chắc trong cuộc đời ông hẳn đã chứa nhiều nỗi u-hoài mà ông chỉ
có thể trang-trải bằng những dòng nhạc buồn, kín, của chính mình - một Nhạc-sĩ, dường như tôi
chưa bao giờ nghe giới Văn nghệ nói nhiều tới, kể cả sự lên tiếng của ông, mà cho đến bây giờ tôi
vẫn không hiểu tại sao, ngoại trừ sau khi ông đã chết, một thói quen bạc-bẽo của loài người mà
người ta ưa gọi là “Tưởng niệm” chỉ dành riêng cho những người không còn sống nữa mà thôi …
….!?Bài hát ấy dính cứng vào trí nhớ của tôi lúc ấy, khi tôi sống rất đơn độc, đầy mặc cảm và rất
buồn trước những xao động của thời cuộc, của chiến tranh mà tôi tự biết chắc-chắn tôi sẽ đội tiếp
trên đầu .. với những mơ ước què-quặt, dang-dở và những cuộc tình ngắn-ngủi không ra gì ...Tôi
hay ngồi nơi bãi biển một mình, ban đêm, chỉ để được nghe bài này từ những quán Bar chứa đầy
lính Mỹ say-sưa.. tới khuya tôi mới trở về nhà trọ…. Đúng là “Nửa đêm ngoài phố” tôi “đi tìm một
người không hẹn đến mà tiếng bước buồn thêm”... Rồi, những lời nhạc buồn phiền này tôi được
nghe hát lại khi về SG học Đại-học do một người bạn Huế tên Trần-Mãn, cùng học với tôi trên Đa-
lat trước đó, và cũng là đồng-môn ban Triết Tây ở Văn-khoa SG lúc này. Giọng nó Huế nhẹ-nhàng
hát ngọt-ngào nghe thấm-thía vô cùng và nó không hiểu sao cũng chỉ thích bài này như tôi mà
thôi...Hai đứa hay cà-phê rong chơi ở phố Bonard về khuya, có bữa cả hai đều ướt như chuột lột
đứng núp mưa nơi vỉa hè quán Thanh-bạch, nó vuốt tóc vừa phủi mưa trên áo, vừa cười nói một
câu luôn như nhau, giọng Huế rặt vẻ đầy oán-trách và giễu số phận mình lận-đận: “khồ như chọ…”
(khổ như chó)... nghe rất tức cười .Có lẽ vì nó chả may-mắn đỗ đạt như tôi, sau 4 năm tôi dạy học
trở về gặp nó vẫn than chưa đậu nổi tấm bằng Dự-bị Triết, nên rất xấu hổ, đến độ gặp ai hỏi về thi
cử thì nó chỉ nói đang học “Propédeutique Philosophique” bằng tiếng Pháp, hầu hy-vọng ít ai hiểu
từ này cho đỡ thẹn ... thì tôi thương cảm nó vô cùng...y chang như thằng “Lộc già” gốc Bến-tre
quái đản hơn Mãn nhiều, râu-ria xồm-xoàm, tóc tai thê-thê, áo quần lếch-thếch, chỉ uống café
không đường, hút ống dố cán dài... rất “hippy” như đám trẻ thành phố học đòi mốt Hiện-sinh bên
Tây thời ấy ... Cả ba chúng tôi trong khu Học-xá đều thiết-tha với môn Triết Tây nhiêu-khê này,
nhưng tôi đã vào lính sớm hơn tụi nó . Chúng nó là SV thuần-túy mà sao vẫn cứ hỏng hoài năm
Dự-bị ...làm sao hoàn thành được Cử-nhân ? Mãn ơi, chừ mi ra răng, hẳn sẽ chui vào lính vĩnh-
viễn, rồi vào tù mà thôi...Ngày ở lính, mỗi lần về phép tôi hay ghé Đại-học xá Minh-Mạng chơi
với nó và hay thường mượn chiếc áo sơ-mi lụa của hắn để mặc với quần lính, giày “saut” mà bù-
khú với nhau như xưa... Đó là tuổi xanh của thế hệ chúng tôi ... Chả có gì vui, ngoài nỗi buồn thời
đại, những gian nan riêng... nhưng cũng là điều để nhớ …
Trở lại với Nhạc-sĩ Trúc-Phương, ông xuất hiện đồng thời với Lam-Phương, Lê-Dinh...trong thập
niên 60 trở đi, mà TCS đã xếp vào một nhóm gọi là Boléro, nôm-na là “Nhạc sến”… một thể điệu
đơn giản, dễ-dãi mà các Nhạc sĩ này hay dùng hầu hết trong các ca khúc của mình, dù TCS cũng
nhận Trúc Phương “trội nhất” trong nhạc lẫn cách nhìn về đời sống. Thời kỳ này TCS chưa xuất
hiện, ngoài những bản nhạc tiền chiến cùng những ca khúc của nhóm Boléro này, đôi khi mang
dấu vết thời sự nhưTình anh lính chiến Chiều hành quân,Chuyến đò vĩ tuyến...của Lam-
Phương hoặc Nửa đêm ngoài phố,Chiều cuối tuần,Hai chuyến tàu đêmhiều làng em"...của
Trúc-Phương, đã làm xúc động giới trẻ thời bấy giờ, mãi cho tới khi bản Ướt micủa TCS ra đời
thì dòng nhạc nặng có màu phản chiến cùng thân phận con người này mới bắt đầu từ-từ đi vào
lòng tuổi trẻ theo nhịp độ tăng dần của chiến tranh ngày càng khốc liệt... khi người chết càng nhiêu..
Hồi đó, nhạc của Trúc-Phương được một người ca sĩ mệnh danh là Tiếng hát Liêu trai buồn muôn
thuở gốc Huế, độc quyền hát là Thanh-Thúy, nhất là bàiNửa đêm ngoài phố. Đặc biệt nhạc Trúc
Phương buồn phiền nơi giai điệu lẫn trong ý và lời nhạc. Đó là những tình cảm cô-độc như những
chối từ đau thương khi con người bị hất đẩy ra khỏi cuộc đời vốn nhiều trắc-trở. Dường như Trúc
Phương không có một ca khúc nào vui (điều này giống TCS, một người làm nhạc mà coi như bài
nào cũng có chữ “buồn” như tôi thường đếm thử, chỉ lời Sơn có vẻ cao sang hơn nhờ Triết học vì
ông học Triết mà) kể cả những bài nói về thôn dã... Và nền cho các ca khúc Trúc-Phương thường
cũng là đêm như: Nửa đêm ngoài phố, Mưa nửa đêm, Hai chuyến tàu đêm “Tàu đêm năm
cũ”... là thời điểm dễ làm cho con người hoài-niệm, tiếc nhớ nhất...Và, các Ca sĩ yêu nhạc ông
nhận trình bày cũng đều là những ca sĩ có giọng ca sầu mộng như Thanh-Thúy trước đây, rồi Bảo-
Yến sau này mới thích hợp. Tôi lớn lên với những dòng nhạc mang tâm cảm ấy, trước khi đến với
TCS hoàn toàn thiếu vắng trong giai đoạn này, dù "Ướt mi" chỉ là một bản nhạc tình cảm bình
thường, coi như đầu tay mà Sơn làm để tặng cho Thanh-Thúy vì cảm cái cảnh cô đơn của kiếp cầm
ca đi sớm về khuya trong con ngõ tối, đến bản Biển nhớ sau này, ghi dấu giai đoạn Sơn học ở Sư
phạm Qui nhơn, thực ra chưa có gì sâu sắc mang thân phận con người VN trong tình cảnh một cuộc
chiến tranh diệt chủng...
Sau 75 Trúc Phương im hơi lặng tiếng một thời gian rất lâu, ngoài ca khúc đầy vẻ oán trách trong
tình đời (bạn, và người yêu) là bảnThói đời mà Bảo-Yến đã trình bày trong các băng nhạc gửi ra
Hải ngoại. Trong thâm tâm tôi vẫn muốn một ngày nào đó được gặp TCS là người cùng thế hệ, Văn
Cao thuộc lớp trước và Trúc Phương ...lớp đàn anh để tâm tình vì tôi mến mộ họ về nhạc cũng như
cách sống sạch thầm lặng dù họ rất nghèo, không giống như Ca sĩ, Nhạc sĩ thời ni ở VN ở toàn
nhà dát vàng mà tài năng bị Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dèm pha đã làm họ bất mãn... Nghệ sĩ và giàu
có là hai nghịch lý, như Danh-họa Van Gogh suốt đòi chỉ bán được mỗi một bức tranh nhỏ vừa đủ
để mua một ổ bánh mí lót dạ... Nhưng than ôi!...
Khác với Văn-Cao nhạc đẹp mênh-mang trong cõi Siêu-hình như một nơi để cân bằng những hụt
-hẫng phũ-phàng ở đời này, như “Suối mơ”, “Buồn tàn Thu”, “Thiên-thai” ...TCS nhạc sâu hơn
mang màu sắc Triết lý với nhiều ẩn-dụ đi trong lòng Dân tộc, thì nhạc Trúc Phương rất đơn giản,
luôn-luôn có nét buồn hạn hẹp trong đời sống thường tình, hơn là trong thân phận làm người
(Condition humaine). Nhưng tôi yêu điều đó, vì tôi dễ cảm nhận qua kinh nghiệm của chính mình
khi tôi là một kẻ lang-thang ngay từ tấm bé trước khi vào lính. Bản Nửa đêm ngoài phố đã có lần
là top hit ngày xưa vì âm hưởng buồn phiền nhẹ-nhàng của nó mà lớp thanh niên thành thị bấy
giờ lớn lên hưởng thụ sự êm-đềm của Quê hương chưa có khói lửa chiến tranh nhiều trong những
năm đầu của nền Đệ-nhất Cộng-Hòa rất đỗi thanh bình, kể từ chia đôi đất nước. Đó là một bài tình
ca diễn tả mối thất vọng trong cuộc tình phụ không rõ nét mà người con trai vẫn cứ đi tìm đối
tượng mình trong đêm, dù chẳng có hẹn-hò gì: Nửa đêm lạnh qua tim, giữa đường phố hoa đèn có
người mãi đi tìm, một người không hẹn đến, mà tiếng bước buồn thêm. Bài hát đầy lãng-mạn tính
này, nhà văn Võ-Hồng ngày xưa cũng ở Nhatrang như tôi, dù ông là người Tuy-hòa (Phú yên, nơi
mà cụ Tản Đà từng khen “con gái Phú-yên có đôi mắt đa-tình” , nên tôi yêu xứ Sông Cầu khi hành
quân là vậy)vẫn thường đưa vào tác phẩm của ông như một thích-thú. Bài Hai chuyến tàu
đêm cũng vậy, nó mang hình ảnh của sự gãy đổ tình cảm trong những kẻ yêu nhau gặp-gỡ tình cờ
trên những chuyến tàu xuôi ngược ra Trung, mà ai đã một thời di chuyển bằng phương tiện này đều
thấy nỗi buồn riêng của nó khi con tàu lầm-lủi xuyên qua những núi đồi hoang vắng, sóng nước
mênh-mông, những làng mạc nghèo đói của miền Trung. Hầu hết tuổi trẻ của tôi đều dính cứng đến
những chuyến tàu lửa xuyên Việt này kể từ những ngày chăn bò bọn nhỏ tôi thường đến những trụ
dây thép trồng dọc đường rây để lượm những cục lưu-huỳnh rớt xuống màu hoàng-yến rất đẹp để
chiều mang về thảy vô bếp hầu thấy được ngọn lửa ma-trơi với màu xanh huyền-hoặc chưa từng
thấy ngoài đời bao giờ , hoặc men theo đường rây để nhặt những cục đá xanh vuông-vắn về đẽo gọt
thành những viên bi tròn lẳng để chơi với nhau thay vì bi chai như người ta bán sẵn sau này . Rồi
những ngày lớn khôn, tôi đi học xa chỉ bằng phương tiện hỏa xa này, nên tiếng còi của nó ám-ảnh
tôi nhiều nhất, đặc biệt khi ở Nhatrang nhà trọ tôi cạnh ga xe lửa nên tàu đến tàu đi tôi đều biết cả
ngày lẫn đêm. Lúc này phần lớn đầu máy không dùng than nữa mà dùng dầu cặn với cái đầu máy to
đùng chậm-chạp, thô kệch nhưng mạnh-mẽ kéo rất nhiều toa hành khách và hàng hóa...nhất là tiếng
còi của nó rất ngắn chỉ 2 âm mà thôi “te-tò” nhất là tiếng “tò...” trầm xuống và dài lê-thê nghe não-
nuột vô cùng... khác với còi chạy than huýt nhiều hồi âm cao trong-trẻo, lảnh-lót nghe rất vui ...Mỗi
khi tàu ra Trung , quê hương tôi, thì lòng tôi chùng xuống với tiếng còi từ giã buồn thảm này làm
tôi nhớ nhà vô kể vì hồi đó bận học hành, đi làm, chiến tranh lại khốc liệt tôi không có cơ-hội về
Trung thăm nhà , nên sự nhớ quê càng cao hơn ... Trở lại nhạcTrúc-Phương, trong cái tình riêng đó
vẫn bao hàm cái tình chung cho đất nước keo sơn thời bấy giờ, đã giúp người ta trở thành gần-gũi
nhau hơn, dù có xa cách, như trong câu: Ôi đất nước đâu-đâu cũng quây-quần lại một nhà.... Hẳn
Trúc Phương lúc này chắc có dính-dáng đến đời lính ít nhiều như Lam Phương, nên thỉnh-thoảng
cũng thấy tâm tình này ông gửi qua những dòng nhạc như: Một nửa ba năm anh yêu đời áo mũ
quân nhân... hay Có yêu lính trẻ thì xin.... Thời thanh bình của đất nước cũng được ông mô tả
trong những ca khúc nói về cái đẹp của Quê hương như trong bài Đò chiều hay Chiều làng em
là những bài hát rất hiếm-hoi trong những bài tình ca của Trúc Phương. Rồi sau năm 75, đời sống
xô bồ phản-phúc đã làm ông thất vọng trong tình đời, nơi đó có Tình yêu và Tình bạn khi ông
viết: Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu, giờ giàu sang quên kẻ tâm giao, còn gian dối cho nhau
Trong tình yêu ông viết Người yêu ta, rồi cũng xa ta, nên chung thân ta giận cuộc đời. Cái dễ
thương nơi Trúc Phương là dù bị đời bạc đãi ông chỉ "giận" nó mà thôi, chứ không hề hận nó như
thói thường. Giận thì đi uống rượu, lang thang và hút thuốc quên đời, nên ông có những lời nhạc rất
Thơ: Cỏ ưu tư buồn phiền lên xám môi hay Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt, mà trong thâm tâm
ông vẫn hy vọng ở một ngày mai vui hơn: Niềm vui tới ta vẫn cứ chờ.... Ngày vui, không biết đã
đến với ông chưa, nhưng ông đã vội-vã từ bỏ cuộc đời trong thầm lặng ở tuổi 62, thì quả thực hãy
còn sớm quá! Năm này, trong làng ca nhạc VN đã có đến 3 người ra đi đột ngột, đó là Văn Cao 72
tuổi, Dương Thiệu Tước trên 80, và Trúc Phương trẻ nhất chưa tới cái tuổi hất thập cổ lai hy.
Mặc dù ông không phải là một nhạc sĩ lớnhư những vị khác: Văn Cao, Phạm Duy, Lê Thương,
Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn, TCS... nhưng ông cũng là một trong những nhạc sĩ đầu tiên sáng
tác nhạc ở miền Nam trong những năm tháng êm đềm sau Hiệp định Genève với những tác phẩm
ca ngợi cái đẹp hiền hòa, ấm no ở phía Nam vĩ tuyến 17 đầy yêu thương trong tình người, tình đôi
lứa, dù có mang âm hưởng buồn bã có lẽ vì bản chất hay do những hoàn cảnh riêng tư của Tác giả,
và những tác phẩm đó không bị coi là nhạc sến thực sự cũng không được đánh giá là nhạc
sang, nhưng nó cũng đã một thời nổi tiếng, được nhiều người trẻ tuổi ưa thích, vì nó nói lên được
tâm cảm của họ trong thời lãng mạn thanh bình rất đẹp của miền Nam Tự do, trù phú, thì tôi nghĩ
Trúc Phương cũng đã góp công trong nền Âm nhạc đa dạng của Việtnam rồi vậy. Riêng cá nhân
tôi, cho đến bây giờ vẫn xem ông là một trong những Nhạc sĩ thầm lặng không ồn ào, đáng yêu với
những ca khúc để lại trong lòng tôi ở một giai đoạn lịch sử mà tôi cho là đẹp nhất của miền Nam
chỉ có thanh bình và tình yêu lãng mạn...
Cuối cùng, xin cho Nhạc sĩ tìm được niềm vui ở bên kia, mà ông đã có lòng chờ giữa cuộc đời
đầy thất vọng này...những ngày sau 75 đói khát, bạn bè lánh xa, chỉ có Công-an là gần-gũi vì ông
từng vượt biên mất hết giấy tờ tùy thân, nhà cửa..nên ông phải sống lây-lất chui-lủi ở Bến xe miền
Tây để tránh lục xét... Dù sao ông được nằm yên nghỉ trên quê hương mình biết đâu là một Hạnh-
phúc hơn những ai mà người ta bảo “sống vô gia-cư chết vô địa-táng” như những người “stateless”
này, dẫu có nằm đâu thì cũng chỉ là “Đất khách” mà thôi…???
Nguyễn-Tư