BUỔI PHÁT THƯỞNG CUỐI NĂM
*Truyện ngắn Nguyễn-Tư
Thiết-Trường là một ngôi làng rất nghèo, có khoảng chừng hơn vài 1000 nóc gia, ở rải-
rác trên một sườn đồi thoai-thoải toàn là đất sỏi đỏ. Sở dĩ ngôi làng này có cái tên như
vậy, vì nơi đây người Pháp đã tìm ra mỏ sắt lộ-thiên và đã lập ra một cơ-xưởng để luyện-
kim, nên sau này người ta gọi nơi đây là “Thiết-trường”, chữ Hán có nghĩa là cái
“bãi”(trường) làm “sắt”(thiết). Do vậy, người dân địa-phương đời sau còn thấy những bã
quặng đổ bừa-bãi trên những bãi đất hoang. Và chính trên một trong những bãi đất hoang
này, Bộ Giáo-dục thuộc-địa đã cho thiết-lập một ngôi trường tiểu-học duy nhất ở vùng
này. Phần lớn những người trong làng có chút chữ nghĩa, giật được tấm bằng “Yếu-lược”
đều xuất thân từ nơi này.
Ngôi trường bằng ngói, nền xi-măng cao, có 5 lớp do một ông “Đốc” làm Hiệu-
trưởng. Ông người Nghệ-An, nói rất khó nghe, nên dân làng thường gọi ông là “Ông Đốc
trọ-trẹ”... Ông thường mặc áo lương đen thưa, dài trên đầu gối, và quần vải quyến trắng,
mang guốc gỗ. Đầu ông hói và chải bật ra phía sau bóng lưỡng. Lúc nào ông cũng
nghiêm-nghị, và mỗi buổi sáng thường đứng nơi cổng trường chắp tay sau đít mà coi sóc
đám học trò, đứa nào nghịch-ngợm, lí-lắc, ăn mặc lôi-thôi, đánh lộn nhau..thì ông trị ngay
với hình phạt duy nhất là “kéo lỗ tai” đủ 4 chiều: lên, xuống, trái, phải…Đứa nào vô-
phúc bị ông phạt thì phải chịu khó rướn người theo chiều cái tay của ông đưa, để cái lỗ tai
bớt dãn nở…Tội nặng như trộm cắp, bị ông bắt quỳ trên văn-phòng, nặng dữ như đâm
chém, trốn học nhiều ngày không xin phép ...thì ông mời bố mẹ tới trường nói chuyện rồi
đuổi luôn như chơi….
Các thầy giáo được người ta gọi là các ông “Trợ”, đặc-biệt là ông nào cũng nghiêm,
nên học trò đứa nào cũng ớn, khi thấy thầy đằng xa là tìm cách lũi, gặp chộ mặt bất ngờ,
không thoát được thì phải đứng nghiêm, giở nón, cúi đầu chào…
Nhưng đến năm 1945, thời-kỳ “Cách-mạng” đã thành-công, trên các tường nhà cũng
như trong trường học đều phải treo hình ông Hồ màu hồng nhạt, làm Chủ-tịch nước thì
mọi việc đều đổi thay, kể cả ngôi trường tiểu-học...
Các thầy cô giáo đã dạy trong trường đổi đi đâu mất tiêu, nghe nói là họ về xứ. Riêng
ông Hiệu-trưởng cũng bị mất việc, nên phải dọn ra khỏi căn nhà dành cho ông Đốc, và
vẫn còn tá-túc nơi ngôi làng nghèo đói xa-xôi này. Chỉ có một người được dùng lại trong
trường là ông Lao-công, được coi như thuộc thành-phần “giai-cấp đấu-tranh!”
Bà Đốc làm nghề bán bánh bèo ngoài chợ. Ông Đốc không còn mặc quần vải quyến
trắng, áo lương đen, mang guốc gỗ nữa, mà thay vào đó bộ đồ bà-ba nâu,và ngồi làm đơn
mướn cho dân làng mù chữ ở cửa phòng ủy-ban Huyện.
Các thầy giáo, cả ông Hiệu-trưởng đều là những người trong Huyện được chính
quyền bổ-dụng đến. Ngay cả tên ngôi trường cũng phải đổi lại thành một cái tên nghe lạ
hoắc, mà người dân làng dốt nát chẳng được nghe tới bao giờ: “Trường tiểu-học Lê-
Hồng-Phong” ... Trên tường lớp học đều được kẽ những khẩu hiệu bằng chữ đỏ to-
tướng, mà những cậu nhóc trong làng như tôi chẳng bao giờ hiểu nổi. Thí-dụ: “Trường
học là lò đúc nhân-tài” hay “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”.
Có đứa thành thực hiểu “trồng người” chắc cũng như “chôn người”, những ý nghĩ ngây-
ngô đó lại đúng khi tôi đã lớn khôn….
Nhưng điều đổi thay mạnh-mẽ nhất, vẫn là cái sân banh sau trường được cuốc lên để
“tăng-gia sản-xuất”. Các lớp được phân đội để nhận những lô đất chia sẵn sau trường mà
trồng rau muống, bán lấy tiền nuôi những anh bộ-đội đang đánh giặc ngoài chiến trường,
gọi là “Hậu-phương hỗ-trợ tiền-tuyến” với khẩu hiệu: “Mỗi lon gạo là một viên đạn bắn
vào đầu quân Pháp” . Học-sinh được chọn vào trường học rất dễ-dàng, ít bị giới-hạn tuổi,
nhất là lớp dân nghèo. Có nhiều đứa lớn chồng-ngồng, trước đây chỉ hành-nghề chăn trâu
cho mấy ông phú-hộ trong làng, bây giờ được cắp sách đến trường với những đứa nhỏ
hơn nó nhiều lắm. Mặc dù, nhà nước cho bọn nó một số ưu-đãi như việc đi học chẳng
hạn, nhưng trong thâm-tâm thì bọn nó không thích, vì chúng thấy chúng không thích-hợp
với chữ nghĩa bằng việc cầm cây roi đi theo những đàn bò, hay ngồi trên lưng trâu hát
nghêu-ngao ngoài đồng, coi bộ vui hơn. Nhưng dễ gì, nhà nước có chính-sách “Cưỡng
bức Giáo-dục” chống mù chữ...bằng cách bắt vài viên-chức xã ấp, mỗi buổi sáng lấy sợi
dây dừa giăng ra giữa đường ở đầu làng, bên cạnh để tấm bảng viết vài chữ gì đó, rồi bắt
dân làng đánh vần, ai thông, thì cho qua, ai dốt thì bị ghi vào sổ, rồi bị mời đi học.Còn trẻ
phải đến trường công-lập, người lớn thì tối đến lớp bình-dân học-vụ…Đó là chưa kể việc
trong rổ mấy bà đi chợ phải có một lưỡi dao găm do nhà nước rèn, bán ra với giá cắt cổ,
có đúc hàng chữ “Thắng-lợi” nơi mép dao, gọi là “Vũ-khí bất ly-thân”, nếu quên thì bị
đuổi về, dù có đọc thông chữ trên bảng. Với chính-sách bó-buộc như vậy, nên lớp học tôi
có thêm Đoàn-Út, con của ông Bảy Râu xóm trên, làm nghề chăn trâu cha truyền con
nối….
Ông Bảy dù nghèo, nhưng cam chịu với số-phận thấp hèn của mình, rất hiền-lành mà
lại chịu ảnh-hưởng Nho-giáo nặng. Như sự quý-trọng vua quan, biết ngưỡng-mộ những
bậc Thánh-Hiền, tin Trời Đất…nhờ ông ở đợ trong những gia-đình giàu-sang mà có chữ
nghĩa trước đó. Thằng Út lớn sồ, vóc dáng to bự, mặt đầy mụn, tiếng nói ồ-ồ của một
thằng con trai đang phát mã, nhưng hồi nào tới giờ không đi học, nên “dốt đặc cán mai”
chỉ rành về nghề chăn bò, cỡi bò kiểu gì nó cũng thạo hết…
Nó được xếp ngồi gần cái cửa sổ mãi phía dưới, vì thân nó to, với cái lưng chè-bè ra,
che hết cái bảng đen, mấy đứa ngồi sau chẳng thấy gì, nên thầy giáo xếp nó ngồi xéo qua
một bên, mà lại cuối lớp. Nhưng đó là một vị-trí thuận-lợi cho nó nhất, vì cứ mỗi lần thầy
sơ-ý, chỉ mãi viết trên bảng, quay lưng lại với đám học-trò, thì nó thừa cơ, bỏ tập trước
bụng trong cái áo bà-ba được nịt chặt bởi cái quần đùi bằng dây lưng rút, rồi thật gọn-
gàng nhảy phóc ra ngoài êm ru, vì cái ngạch cửa sổ coi còn thấp hơn cái lưng bò nhiều…
Chẳng bao giờ thấy nó thuộc bài, vì nó đọc chữ không trôi, vừa đọc nó vừa đánh vần
lẩm-bẩm trong miệng. Môn toán là nó sợ nhất. Dấu cộng thì nó gọi là “chữ thập”, dấu trừ
thì nó lại kêu là “gạch ngang”, dấu nhân là “gạch chéo”, dấu chia là “thước thợ”, dấu
bằng là “đường rầy xe lửa”…Nhưng có hai môn mà nó rất khoái và luôn-luôn đứng đầu
là thủ-công và lao-động. Thứ gì chứ chẻ nan đan rổ, chuốt đũa, chuốt cán bút, làm lồng
đèn Trung-Thu, đào giếng tưới rau, lên vồng khoai…thì nó số một. Không một đứa nào
qua mặt nó nổi! Phải công-nhận là nó rất điêu-luyện, khéo tay, lanh-lợi và xốc-vác. Nếu
nhà trường mà bày ra môn “cỡi bò” chắc hẳn nó cũng chiếm quán-quân…Tôi nói đùa
như vậy, làm nó bất-bình nhìn tôi chăm-chăm như chừng muốn ăn tươi...tôi luôn …
Nhất là trong giờ thủ-công, đứa nào cũng phải bâu vô nó mà nhờ. Đây là lúc nó thỏa-
mãn lòng tự-ái nhất để bù vào những thua sút trong những giờ học văn-hóa, lúc nào nó
cũng lãnh trứng vịt. Và đây cũng là dịp để cho nó bắt chẹt những thằng giỏi toán, nhưng
lại bết thủ-công. Nó cũng khôn đáo-để, nó chỉ làm dùm cho đứa nào, trước tiên là phải
ngồi gần nó, như hai bên cạnh, hoặc bàn trên bàn dưới mà thôi, và phải giỏi toán hơn nó
mới được. Nó cầm cái rựa, vuốt nhẹ nan tre mềm mỏng như sợi tơ một cách điệu-nghệ,
mà mắt nó vẫn nhìn nghiêng vào mặt người đang nhờ nó, với giọng như mặc-cả: “Làm
cho mày, rồi mày cho tao coi toán với nghe mậy”. Nó đợi cho thằng kia gật đầu đồng-ý,
thì nó mới vót tiếp, bằng không thì nó buông vội nan tre, rồi bỏ đi chỗ khác…
Thầy giáo chỉ-định cho nó làm Tổ-trưởng lao-động chỉ vì xác nó bự và “chuyên-
nghiệp” nhất lớp. Bạn bè trong lớp vẫn gọi nó là “Út cồ”. Nó rất lấy làm khoái vì cái biệt-
danh ấy lắm. Không có giờ lao-động nào mà nó vắng mặt. cái gì nó cũng làm được hết, vì
nó khỏe như trâu và sở-trường về môn học này. Môn này lại chiếm nhiều giờ và hệ-số
cao hơn các môn khác trong chế-độ mới. Có lần nó được ông Hiệu-trưởng trường tiểu-
học Lê-Hồng-Phong tuyên-dương dưới cờ về những thành-tích lao-động trong trường của
nó, được toàn thể nhà trường vỗ tay hoan-nghênh tán-thưởng. Nhất là công sức nó đã bỏ
ra nhiều ngày để rình mò mà đâm chết được một con heo nái của người hàng xóm thả
rong, đã cạy rào vào ăn hết nửa đám rau muống phía sau nhà trường. Nó được ông Hiệu-
trưởng mời lên sân cờ, cầm tay nó giơ lên cao và tuyên-dương công-trạng đó như là một
“Anh-hùng lao-động” mà nó thường nghe được từ những buổi phát-thanh trong xóm. Nó
cảm-động đến chảy nước mắt, vì hồi giờ nó chẳng được ai khen ngợi như thế, nhất là
giữa mặt mọi người đông-đảo như thế này. Từng tràng vỗ tay và những tiếng “Hoan hô
Đoàn Út” không ngớt. Xong, nó trở về hàng với dáng điệu của một kẻ tự-tin, giữa những
cái nhìn của thầy cô, những bạn-bè, mà nó xem là những ngưỡng-mộ. Nó nghĩ, chỉ có
lanh-lẹ, kiên-trì, khỏe-mạnh và can-đảm như nó mới đạt được thành-tích mỹ-mãn này…
Suốt đời nó chỉ biết cầm cây roi, với sợi dây thừng, trên đáy quần đầy những mảng
lông bò…thế mà ngày nay nó được ông Hiệu-trưởng bắt tay, một người có chức-vụ và
quyền-hành lớn nhất ở đây nắm tay nó giơ lên giữa những tiếng reo hò, thì còn gì bằng
nữa. Nó không đủ sức hiểu 2 chữ “anh-hùng”, nhưng nó nghĩ hai tiếng đó, chỉ dành cho
những người làm được những việc khó mà kẻ khác không làm được, lại được mọi người
tán thưởng vỗ tay…là nó sướng rồi. Kể từ đó về sau, “Út Cồ” có vẻ thay đổi quan-niệm
của mình về việc đi học. Nó thấy sự học-hành không phải thuần nhất chỉ đánh giá vào
chữ nghĩa, ở những con toán…như lâu nay nó đã lầm tưởng, đôi khi những sự việc đó, nó
còn có hướng ngược lại, nghĩa là lao-động quan-trọng hơn văn-hóa! Nó đã thấy thiếu gì
thằng giỏi toán trong trường, nhưng “ngon” lắm cũng chỉ lên nhận miếng giấy khen đánh
máy là cùng, chứ làm gì được ông Hiệu-trưởng nắm tay mà tuyên-dương dưới cờ, toàn
trường vỗ tay rần trời như vậy? Nó cũng tiếc-nuối rằng nó đã đến trường hơi muộn vì với
cái tuổi đó, nó có thể làm được những việc khác hơn nữa. Từ những suy nghĩ đó, “Út Cồ”
bỏ hết công sức và thì giờ chăm sóc vườn rau của nhà trường. Nó hùng-hục đào giếng để
tưới cây. Nó đóng những hàng cọc dày để làm hàng rào chắc hơn và nó chịu khó rình mò,
theo dõi để đâm được nhiều heo hơn. Và, dĩ nhiên, với cái đà đó, trong một nền Giáo-dục
mới, nó được khen thưởng nhiều hơn. Nhờ vậy mà bất cứ ai trong nhà trường cũng biết
đến danh “Út Cồ” với biệt-hiệu “Dũng-sĩ đâm heo”…thay vì “Dũng-sĩ đâm lê” ca ngợi
một bộ đội đã liều mạng đâm được nhiều Tây khi súng anh đã bị nghẹt như trong một bài
tập đọc tuyên-truyền thời ấy ...được trích từ tờ báo “Tổ quốc” của Việt minh, kể một
nhân vật anh hùng đâu ngoài Bắc tên là Hoàng-văn-Nô - chắc nó cũng na-ná như “Anh-
hùng Lê-văn-Tám” tẩm xăng đốt kho xăng Nhà Bè ở miền Nam trong cuộc chống Mỹ
sau này mà chính ông Trần-Huy Liệu, cán gộc VC đã thú nhận do ông phịa ra, cốt chỉ để
tuyên truyền trong giới thiếu nhi nâng cao tinh thần yêu nước chống Mỹ-Ngụy mà thôi,
trước khi ông qua đời ...Bài văn đó được giảng dạy trong mọi nhà trường của CS lúc bấy
giờ, và học-sinh phải học thuộc nằm lòng...Đại-khái như vầy: “Đồng-chí Hoàng-văn-Nô,
người dũng-sĩ đâm lê...nhìn máu người đồng-đội thân yêu, máu người bạn cùng giai-cấp,
đồng-chí Nô cắm mạnh lưỡi lê vào đầu súng chạy lên như gió lốc, với đôi mắt căm giận
trừng-trừng, anh lấy hết sức mạnh để lao vào kẻ thù, dù tên này to gấp mấy lần đồng
chí...”
Cuối năm, nhờ có công-tác tốt, dù điểm các môn khác không lấy gì “phấn khởi lắm”,
“Út Cồ” vẫn được lên lớp nhì như thường, và nó vẫn khoái đọc lời phê của giáo-viên
phụ-trách ở môn lao-động trong học bạ rằng “Tiên-tiến, triển-vọng là đối-tượng Đoàn”.
Nó không hiểu những dòng chữ đó nói gì, nhưng dài dòng như vậy, chắc hẳn phải trùng
hợp với thành quả lao-động của nó ghi trên những tờ giấy khen, có chữ ký và mộc đỏ của
ông Hiệu-trưởng là được rồi…Nó ngồi ở vườn rau muống xanh tươi, mà cứ ngỡ như là
giang-sơn của nó. Hàng rào nó đóng cọc, giếng nước nó đào, rau nó tưới nhiều hơn ai hết.
Chính nó chịu khó về nhà vác mấy bao phân bò khô vào trường để bón rau nữa mà! Rồi
cũng chính nó đội rau ra chợ bán, đem tiền về cho nhà trường không thiếu một cắc.
Nhưng nó khoái nhất vẫn là cái danh hiệu “Dũng-sĩ đâm heo” như người ta đã gán cho
nó, vì nó nghĩ chỉ mình nó mới có đủ can-trường, đủ nhanh-nhẹn, đủ thiện-nghệ để đâm
chết những con heo quái-ác quỷ-quyệt đó chuyên phá rau vào những đêm khuya, và rất
thính mũi, chỉ cần động một chút có hơi người, là mũi nó khịt-khịt lên mấy tiếng, rồi
phóng qua hàng rào cái một, đôi khi bí-thế nó có thể xốc vào người, gãy cẳng như chơi…
Một ngọn gió nồm thổi phớt qua, những ngọn rau xanh mướt rung-rinh. Rồi những
cánh phượng đỏ rơi lả-tả trên mái ngói đầy rêu của ngôi trường 5 lớp, rải đều như thảm là
dấu hiệu của mùa nghỉ học sắp tới, mùa phát thưởng cuối năm, và chắc hẳn nó cũng được
dự phần với những công-lao về lao-động mà nó đã khó nhọc gầy dựng được, kể từ ngày
nó tạm bỏ nghề chăn bò để bước vào đây trau-dồi văn-hóa theo lịnh của nhà nước phải
chống nạn mù chữ cho dân nghèo…
Nó ngồi mơ đến ngày phát thưởng cuối năm đó, thế nào nó cũng có phần thưởng lớn
hơn mọi người, vì trong năm chỉ có mình nó được tuyên-dương... Ngày đó, sẽ có đông
đủ phụ-huynh học sinh trong làng đến dự. Sẽ có một cái sân-khấu kết hoa, treo cờ rất đẹp,
sẽ có những cán-bộ lớn cấp Huyện về để đọc diễn-văn. Trong những người tham-dự đó,
sẽ có bố nó, một người lúc nào cũng kể cho nó nghe những gương thành-công của những
bậc Thánh-Hiền, nhờ trí thông-minh và lòng kiên-nhẫn mà xây nên sự-nghiệp, trong đó
có câu chuyện của ông “Thừa Cung” dù làm nghề chăn lợn, nhưng hay đứng nghe ké nơi
hè trường học về sau thành bậc Đại-phu, ông “Châu-Trí” chỉ làm nghề đứng quét lá đa,
mà lấy lá đốt thay đèn để dùi mài kinh-sử, cũng đỗ đạt nên người…Bây giờ, thì nó vốn
chăn trâu, nhưng chịu khó học chữ kèm siêng lao động...thì cũng được nhiều người khen
thưởng vậy. Nó cũng thành-công như Quan đại-phu rồi còn gì…? Và, ngày đó đã đến,
sau hai tuần chờ đợi. Giấc mơ của nó đây rồi…
Suốt đêm nó ngủ không tròn giấc, bồn-chồn trong bụng. Nó lựa một bộ đồ thực đẹp
bằng vải ta do nhà nước bán cho gia-đình nó với hộ-khẩu hai người. Cha nó đã già, nên
nhường lại cho nó hết để may đủ bộ. Nó chỉ đi chân không như từ thuở nào. Lớp da chân
của nó dày lên như mo cau, gai, sạn đâm không thủng. Mười mấy năm nay, nó mới có cái
hân-hạnh mời cha nó, theo thư Hiệu-trưởng, để đến dự buổi lễ phát thưởng cuối năm của
nhà trường, với tư-cách một phụ-huynh học-sinh có con đạt được thành-tích tốt…
Cả một đời ông Bảy chỉ làm nghề chăn trâu, ở đợ cho nhà giàu, con ông vẫn tiếp-tục
cái nghề cha truyền con nối đó, làm sao ông có cái hân-hạnh được gọi là “Phụ-huynh
học-sinh”?Vì thế, ông cũng cố gắng ăn mặc chỉnh tề một chút để đỡ tủi mặt mày thằng
“Út Cồ” trong buổi lễ rất quan-trọng đối với gia-đình ông như thế này. Ông mặc một
chiếc áo dài đen cũ-kỹ, nhưng thẳng nếp, từ thời Pháp thuộc của một nhà phú-hộ cho, mà
ông chỉ mặc trong những khi lễ-lộc, tết nhứt, hay thăm viếng ai, và một chiếc quần cháo
lòng nhưng cũng được ông giặt sạch-sẽ, lót dưới gối nằm cho nó đỡ nhăn. Ông đội thêm
một cái khăn đóng trên đầu, mà gián đã gặm nhiều chỗ lòi ra những miếng giấy nhật-trình
người ta cuốn lại để làm cái cốt tròn ở bên trong. Hai cha con đi bên cạnh nhau, đến ngôi
trường làng với niềm cảm-động vô-biên, bởi vì họ có khi nào bước chân tới nhà trường
bao giờ trong mấy năm trước đây?! Sân trường đã đông nghẹt những người. Trên sân
khấu có cái bàn thờ Tổ-quốc để tấm hình ông Hồ với cái lư hương khói trầm bay nghi-
ngút, phía sau là lá cờ đỏ sao vàng làm nền treo nghiêng rất nổi. Ở góc xéo sân-khấu có
để một cái bàn dài, trên đó đặt những phần thưởng cho học-sinh ưu-tú đứng từ hạng nhất
đến hạng 5 của mỗi lớp. Phần thưởng được gói bằng những miếng giấy màu rất đẹp mắt,
và mỗi phần đều có đính một miếng giấy nhỏ ghi tên của người được lãnh. Những phần
thưởng được xếp làm 3 nhóm: Nhóm thưởng về học-lực giỏi, nhóm thưởng về kết-quả
lao-động tốt…và cuối cùng là nhóm đi học chuyên cần...
Sân khấu được làm bằng những cái bục gỗ của bàn thầy ghép lại, rồi chôn cọc cao,
quấn đầy những lá dừa, lá thiên-tuế cắt xén hình thù chim cò rất đẹp, lẫn với những chùm
hoa phượng thắm tươi tượng-trưng cho mùa hè đã đến trong kỳ chia tay…
Trước sân khấu là những dãy băng dài, dành cho các thầy cô và phụ-huynh học-sinh
ngồi sau ba cái ghế mây đặc-biệt dành cho quan khách, gồm có ông Chủ-tịch Huyện, ông
cán-bộ phòng Giáo-dục và ông Hiệu-trưởng. Tiếp theo sau là những dãy băng dành cho
những học-sinh được lãnh thưởng và sau cùng là toàn-thể học-sinh các lớp và dân chúng
trong làng ham vui đến dự. Cha thằng Đoàn-Út được xếp ngồi dãy đầu của khu dành cho
phụ-huynh học-sinh để được nhìn nó lên sân khấu lãnh thưởng Danh-dự như nó đã thông-
báo cho cha nó biết mấy ngày nay rồi. Ông Bảy cũng rất lấy làm hãnh-diện trong việc
này, vì chính trong thâm-tâm ông nghĩ, quả thực “Cách-mạng” đã chú-ý đến đời sống của
lớp dân cùng khổ như ông. Nhờ vậy mà con ông mới được cắp sách đến trường, dù rất
muộn-màng, nhưng nó cũng đạt được những thành quả tốt, bằng chứng là chiều nay, nó
cũng lãnh được phần thưởng danh-dự cuối năm, điều mà suốt đời ông chẳng bao giờ ngờ
tới được. Trước đây, ông cứ nghĩ rằng, cái mùi mồ-hôi bò, mà ông đã chán ngán hàng
mấy chục năm nay, nó đã làm cho thằng Út u-mê đi, không có cách gì mà thu-thập chữ-
nghĩa được nữa. Riêng ông cũng đã cố gắng học nhiều khóa bình-dân rồi, thế nhưng đâu
cũng hoàn đó, mà ông cho chỉ vì cái mùi bò độc-địa, làm mụ người đi. Ông nghĩ thế và
không ngạc nhiên khi nghe người ta đã từng mắng người khác là “ngu như bò” đó sao?
Cũng chính vì sự ngu dốt đó, mà suốt đời ông chỉ biết đứng sau người ta trong những
cuộc đình-đám, làm gì có cái hân-hạnh được mời ngồi giữa đám quan chiêm để nhìn con
mình lãnh thưởng Danh-dự? Dù vậy, ông cũng thấy không phải phép, khi nghe những tên
cán-bộ trong làng, còn nhỏ, mà lại hống-hách gọi những vị trưởng-thượng của xóm bằng
“anh” với những cử-chỉ vô-lễ. Điều này, nó lại đụng vào cái phần “Nho-giáo” cố-hữu của
ông từ bao lâu nay. Tuy thế, lòng tự-ái của một người nhà quê, thuộc giai-cấp cùng đinh,
đã làm cho ông thấy thỏa-mãn phần nào, từ cái mặc-cảm tự-ti rằng, ai cũng có thể coi
thường 2 cha con ông, chẳng bao giờ liên-quan đến chữ-nghĩa. Ông ngồi ngay ngắn nơi
hàng ghế đầu dành cho phụ-huynh cùng với những người có uy-tín trong làng với một
cách tự-tin. Ông lấy vỏ bắp ra vấn thuốc rê hút, phà khói, nhìn lên sân-khấu một cách
thanh-thản, mơ đến cái giờ phút mà lát nữa đây ông sẽ cảm-động biết dường nào, khi ông
nghe người ta gọi đúng tên thằng Đoàn-Út, con trai duy nhất của ông lên sân-khấu lãnh
phần thưởng Danh-dự toàn trường, từ tay ông Chủ-tịch Huyện, giữa những tiếng hoan-hô
và những tràng pháo tay nổ ran của “đại-hội”. Nước mắt ông sẽ trào ra vì sung-sướng
cũng có, mà vì nhớ thương mẹ thằng Út cũng có, bởi ông tiếc là bà ấy không còn sống để
chứng-kiến cái giờ phút vinh-quang của gia-đình ông, khi thằng Út “nên người”. Thằng
Út ngồi phía sau dãy phụ-huynh không bao xa. Nó cũng hí-hửng cười nói với những
người bạn đồng lớp với nó, nhưng nó tỏ vẻ khó chịu khi nó nghe bạn bè gọi hỗn danh nó
là “Út Cồ” trong ngày trọng đại này. Nó muốn mọi người phải gọi nó bằng tên họ đàng-
hoàng, “Út-Cồ” chỉ là cái biệt-danh được dùng trong những buổi lao-động vui chơi mà
thôi…
Giờ khai-mạc buổi lễ phát thưởng sắp bắt đầu, khi ông Chủ-tịch Huyện đã đến, an-vị
trên một chiếc ghế mây to tướng mang từ phòng ông Hiệu-trưởng xuống. Người xướng
ngôn là một thầy giáo lên sân-khấu điều-khiển chương-trình buổi lễ. Trước hết là chào
cờ, tiếp đến là mặc-niệm những “liệt-sĩ”rồi giới-thiệu những nhân-vật quan-trọng trong
chính-quyền, trong ban Giám-hiệu, cùng những phụ-huynh học-sinh. Ông Hiệu-trưởng
lên đọc diễn-văn chào mừng quan-khách và nói ý-nghĩa của buổi lễ phát thưởng hôm nay,
được tổ-chức trong một “xã-hội mới”, nhằm đào-tạo những con người mới, xây-dựng
đời-sống công-bằng cho mọi người, chứ không phải đào-tạo ra những lớp người làm tay
sai cho Đế-Quốc như nền Giáo-dục trước đây, chỉ dựa trên những thành quả ở học-đường
để ra trường làm quan “vinh thân phì gia” đầy lòng ích-kỷ. Trong đó ông cũng đề-cập
đến nền giáo-dục toàn-thiện của chế-độ mới xã-hội chủ-nghĩa, chủ-yếu là vấn-đề lao-
động, để tạo ra vật-chất mà phục-vụ con người, chứ không phải là những từ-chương,
nhằm ca ngợi sự lười biếng, trốn tránh lao-động “ngồi mát ăn bát vàng” bóc lột sức lao-
động kẻ khác như bọn khoa-bảng tư-sản trước đây. Dĩ-nhiên khi nói như vậy, ông lại
nhắc đến những con số được ghi chép cẩn-thận, kể cả những con số lẻ nữa, từ những
thành quả của vườn rau phía sau trường. Tiếp đến là lời huấn-dụ của ông Chủ-tịch Huyện
đối-với các em học-sinh đã đạt được những thành quả mỹ-mãn do phòng Giáo-dục
Huyện đề ra. Ông cũng không quên ca ngợi sự làm việc tận-tâm của ban Giám-hiệu nhà
trường, sự cố gắng của các thầy cô đã khắc-phục được những khó-khăn gặp phải trong
lúc nước nhà chưa được hoàn-toàn thanh-bình…Ông cũng nhấn mạnh về giá-trị tinh-thần
của những phần thưởng chẳng có gì đáng giá về mặt vật-chất, như những tờ giấy khen
được đánh máy, những cuốn sách Cách-mạng nêu cao những gương “hy-sinh” của Kim-
Đồng, những cuốn tập bằng giấy súc đen sì…trong hoàn-cảnh đất nước mới giành lại từ
tay người Pháp…Cứ mỗi cuối lời nói của ông là một tràng vỗ tay vang lên và bọn học trò
phải vỗ theo như pháo nổ, át cả lời nói của ông Chủ-tịch…
Cuối cùng là phần phát thưởng. Đám học-trò nhôn-nhao, nhưng vẫn lắng tai để nghe
tên mình nhất là những đứa nằm trong danh sách lãnh thưởng. Phần “công-trạng” được
giảng-giải rõ-ràng sau mỗi cái tên được gọi lên lãnh thưởng. Dù với mục-đích nào của
nền giáo dục xã-hội chủ-nghĩa, thì nỗi vui mừng, và sự hãnh-diện về thành quả của mình,
người học-sinh ở chế-độ nào cũng thế, cũng có vẻ kênh-kiệu với bạn bè. Khi phần phát
thưởng về học-lực qua rồi, thì đến phần phát thưởng lao-động, phần thưởng chuyên-cần
sau chót…
Lúc đó, lòng “Út Cồ” nôn-nao, vì nó biết thế nào nó cũng được hoan-hô dữ lắm, còn
hơn cả những buổi chào cờ trước đây, do lần này có ông Chủ-tịch Huyện đến dự.
Người xướng ngôn bỏ ra vài phút để nói về những phần thưởng đặc-biệt này, mà chế-
độ cũ không bao giờ có, như là một “ưu-việt” của giai-cấp công-nông lãnh-đạo.
Xong, người xướng ngôn, vốn là dân miền ngoài có giọng nói cực nặng đọc lớn từng
tiếng và chậm rãi y như người giới thiệu tên võ sĩ sắp ra đấu trường..là “Đoàn…Út”
thành “Đoàn Ụt” ai nghe cũng bật cười.. .kèm theo những thành-quả trong năm mà nó đã
phi-thường đạt được để chứng-minh cho lý-tưởng giáo-dục “Cách mạng cao đẹp” đó,
tiếng của thầy xướng ngôn kéo dài và cao giọng, cốt để làm cho sự khác biệt của phần
thưởng này nổi bật hẳn lên: “Thưa quý vị, đây là phần thưởng đáng ca-ngợi nhất trong
buổi phát thưởng hôm nay của trường tiểu-học Lê-Hồng-Phong chúng ta, là anh-hùng
lao-động thiếu-nhi Đoàn-Ụt, người học-sinh xuất thân từ giai-cấp nông dân, đã góp công
rất nhiều cho vườn rau của trường, với những thành-tích sáng chói như sau: Một mình
Đoàn-Ụt đã đào 5 cái giếng nước để tưới rau, mỗi cái sâu 3m. Đã làm 60m rào để bảo-vệ
hoa màu, và đặc-biệt nhất, đã anh-dũng đâm chết 3 con heo nái thả rong đã phá hại vườn
rau rất nhiều…Xin mời em Đoàn-Ụt lên nhận giải thưởng Danh-dự lao-động do ông Chủ-
tịch Huyện trao tặng, kính mời ông Chủ-tịch lên khán đài. Một lần nữa xin mời em Đoàn-
Ụt..” ...Tiếng vỗ tay xen lẫn với những lời hoan-hô, tiếng cười dậy một góc trời, khiến
cho không-khí buổi phát thưởng tự dưng trở nên rộn-ràng khác thường…
Đoàn-Út vui sướng đứng lên, sửa lại vạt áo thực ngay ngắn rồi bước ra khỏi hàng
ghế, đến hành-lang để đi lên khán đài. Ông Bảy tay cầm điếu thuốc hút dở run-run, vẫn
ngồi im bất-động. có lẽ vì còn cảm-xúc bất-ngờ giữa tiếng hoan-hô và những tràng vỗ tay
không ngớt của cử-tọa…Út-Cồ ngước mặt tiến về phía khán đài, lách những chiếc ghế rất
khó-khăn. Nó đi ngang qua nơi đầu dãy ghế, chỗ ông Bảy ngồi ở hàng khách danh-dự,
lúc đó ông Bảy chợt đứng dậy, khi thằng Út vừa đến ngang ông, bất ngờ, người ta nghe
một tiếng đánh “chát” vào ngay mng tai thằng Út-Cồ... làm nó chúi ngã qua một bên, tiếp
theo là những tiếng chửi bới của ông Bảy không tiếc lời trong cơn thịnh nộ tột cùng:
“Đ.M, tao cho mày đến trường để ăn học chữ nghĩa của Thánh-Hiền, chứ đâu phải
đến để cho mày đâm heo người ta??!Đ.M, về ngay!”
Thằng Út gượng người dậy, rồi bưng mặt khóc hu-hu, tiếng nó khóc ồ-ồ của một
thằng con trai phát mã, nghe tội-nghiệp, rồi nó bỏ chạy một mạch về phía cổng trường,
giữa những ngơ-ngác của mọi người. Đám đông trở nên rối loạn ngay. Người xướng
ngôn, vội chụp cái micro nhằm trấn-an : “Yêu cầu đồng-bào và mấy em phải giữ trật-tự,
lớp nào đứng yên chỗ nấy. Buổi phát thưởng vẫn tiếp-tục tiến-hành…xin giữ trật-tự!Trật
tự!...”
Ông Bảy, đưa tay gỡ cái khăn đóng trên đầu cầm tay, rồi lặng-lẽ vén vạt áo ra về, vẻ
mặt hằm-hằm, bất-mãn…
Nhưng sau đó, ban tổ-chức không thể nào giữ trật-tự nổi, giữa những nụ cười đàm-
tiếu, giữa những câu hỏi ngỡ-ngàng, tò-mò muốn tìm hiểu sự thực câu chuyện, vì nó xảy
ra bất ngờ và nhanh chóng quá. Một lát sau, người ta thấy ông Chủ-tịch trở xuống từ sân-
khấu, vẻ mặt bất bình, rồi đến nói gì đó với ban Giám-hiệu, xong ông lấy cái nón cối có
gắn ngôi sao to tổ-bố đội lên đầu với vẻ mặt cũng hằm-hằm như ông Bảy, cùng với mấy
tên cận-vệ ra xe, nổ máy phóng vọt về hướng lộ chính…
Lúc đó, đám đông cũng tản dần, hàng ngũ rối loạn hoàn-toàn…chỉ còn ban Giám-
hiệu ngồi lại đó lo-âu…với những hàng ghế rỗng không, nằm trơ giữa những tia nắng
vàng vùng nhiệt-đới phơn-phớt chiếu, vào một mùa hè của tuổi thơ tôi, xa-lơ xa lắc...
*Nguyễn-Tư