Friday, 30 December 2022

HẠ KỲ LẦN CUỐI... ( Nguyễn-Tư )

 


HẠ KỲ LẦN CUỐI...


*Ký của Nguyễn-Tư

*Gửi: Từ-Hải


Trời vừa sập tối, hơi mưa. Thư nằm trên một bờ mương cạnh cái máy PRC 25 đang kêu tít-

tít...chờ lịnh từ cấp Chỉ-huy... Người Trung-sĩ ngồi cạnh mang lè-kè bên vai một cái radio nhỏ

hiệu National trong một cái bao da nói vẻ lo-lắng:

-Đù má, mất Đà-nẵng rồi Trung-úy.

Thư sửng-sốt hỏi mau:

-Mày nói sao?

-Đài BBC nói mất Đà-nẵng rồi,Trung-úy liên-lạc với gia đình xem sao. Nghe nói nhiều

người bị kẹt ngoài đó lắm....

Thư lặng người đi trong giây lát, chàng cảm thấy lạnh nơi xương sống. Bởi vì, Thư biết Đà-

nẵng là một căn-cứ quân sự lớn nhất ngoài Trung, ở đó dẫn về hầu hết các lực lượng thiện

chiến của Vùng I như Sư-đoàn Dù, Thủy-quân lục-chiến, Quân-đoàn 1... được chỉ-huy bởi

một vị tướng tài ba: Ông Trưởng . Hơn nữa, Đà-nẵng là một căn cứ quân sự quan trọng, nơi

đó có phi trường chiến-lược, mà có lần B52 oanh kích Hà-nội bị cao xạ VC bắn hỏng đã

không trở về được Thái lan mà phải đáp xuống đây để sửa chữa … Nhưng điều làm Thư áy-

náy nhất, vẫn là cha mẹ chàng. Hắn nghe người nhà nói ông bà vừa già vừa bịnh - nhất là khi

cha hắn mới vừa bị mổ xong. Thư nghĩ, vì tuổi già sức yếu đi đứng khó-khăn , chắc cha mẹ

chàng phải ở lại đó thôi không thể bỏ chạy vào Nam như người ta được. Mẹ Thư thì chắc

không hề gì, vì bà là người không biết sợ ai, kể cả Cộng-sản, bà nhất định ở lại dưới quê khi

cha Thư đã chạy lên tỉnh. Bà bị lính VC từ núi về làng hạch hỏi: “Bà già, sao bà để con bà

theo Mỹ hết vậy? ”. Mẹ Thư nói: “Các ông không giữ được tụi nó thì tụi nó theo Mỹ chứ sao?

Làng này các ông đâu dám ở được?” . Nhưng cha Thư thì sợ họ quá, vì cái quá-khứ làm việc

cho Tây ngày xưa của ông, dù ông chỉ là một ông thầy giáo… Thư biết cha chàng sẽ sợ tụi

này mà chết siếng đi thôi, chàng buồn-buồn lòng bực dọc và bắn một loạt M16 vào khoảng

không cho bõ tức. Tiếng nổ chát-chúa vọng ra cánh đồng. Tụi lính ngơ-ngác và nhảy xuống

hố cá-nhân như một phản-xạ quen rồi khi chuẩn bị tác chiến… Thư lằm-bằm trong miệng, vẻ

bất-mãn thốt: “Mẹ kiếp để mất Đà-nẵng rồi, chỉ có môn đầu hàng, để rồi tụi bây xem…”

Thư ra đầu bờ kinh, đứng nhìn về thành phố, thấy một vùng sáng mênh-mông mà tiếc một

điều gì… Đà-nẵng của chàng đã mất!… Miền Trung của Thư đã thật sự tiêu-tùng! Chiến xa

T54 cày nát xóm làng, cha mẹ chàng phải quỳ xuống van lạy họ … rồi vùng 4 này nữa, giữ

được bao lâu …?!! Bài diễn-văn sau cùng của ông Thiệu trong ngày từ chức có nhiều đoạn

còn ám-ảnh Thư hoài … “Các ông phải viện-trợ tới-tấp!... tới-tấp! tức-khắc! tức-khắc!..”

cháy nhà rồi, ông ơi!... Thư cứ tưởng-tượng cái cảnh cô-quạnh của cha mẹ chàng ở lại Đà-

nẵng một mình, nhìn mọi người di tản vô Nam mà thấy xốn-xang …chàng chiến đấu cho ai

mà cha mẹ mình lại thảm-thê thế này....?

Gần cuối tháng Tư năm 75...Thư được lệnh của Thiếu-tá Thức,Tiểu-đòan trưởng cho phép

hắn đại-diện Đơn-vị đi tham dự buổi thuyết-trình của Đại-tá Liễu - Tỉnh-trưởng kiêm Tiểu-

khu trưởng của cái tỉnh lẻ cận duyên gần cuối đất nước này vế tình hình chiến sự trong cảnh

dầu sôi lửa bỏng của miền Nam đang bị Bắc quân tấn công như vũ bão khắp nơi mà VNCH

trong thế “chỉ mành treo chuông” không biết đứt phim lúc nào khi người Mỹ đã từ-từ cúp

viện trợ mở đầu cho cuộc tháo chạy mất dép từ năm 1973 ....khi Hiệp định Paris vừa ký kết .

Ông Đại-tá Tỉnh trưởng họp các Sĩ quan trực-thuộc tại nhà Hội tỉnh để nói chuyện về tình

hình quân sự trên các quân khu và sở tại. Ông đội cái nón lưỡi trai có hình cái dù đen thêu

phía trước. Giọng ông nói hùng-hồn và lạc quan đến độ Thư có cảm tưởng rằng đất nước vẫn

bình yên. Ông cứ nghĩ là VNCH sẽ giữ được vùng 4, nhờ địa thế hiểm trở, ngăn cách bởi hai

con sôngTiền, Hậu-giang rộng mênh-mông. Thư không hiểu một nhà quân sự thuộc binh

chủng Dù như ông, mà sao lại ngây thơ thế, chắc hẳn bên trong có một toan-tính bất hảo nào

đó nhằm lừa gạt người khác vững tâm bám trụ để cho ông lặng lẽ chuồn êm chăng ? Ông cứ

nhắc lại vùng 4 không có núi, chỉ sình lầy nên xe tăng, trọng pháo không sử dụng được. Vả

lại phi trường Trà-nóc còn tốt và dư khả năng để thực hiện những cuộc không-tập qua phía

bên kia bờ sông... Thư đưa tay xin nói: “Thưa Đại tá, mặt trận Long-an đã nổ dữ lắm rồi đấy,

cấp Sư-đoàn, như vậy, chứng tỏ đại quân của địch đã lọt vào đồng bằng sông Cửu Long một

cách dễ dàng rồi đó, không cần phải địa thế núi rừng như Ban-mê-thuộc hay Lộc-ninh. Vả lại

đêm qua, thành phố này bị pháo kích cối 61 li, chứng tỏ địch đã vào sát thành phố rồi đó Đại

tá...”.

Ông ta cầm cái mũ lưỡi trai quạt phạch-phạch cười nói vẻ tự tin: “Ăn nhằm gì Trung-uý!”.

Và ông hỏi thêm: “Trung-uý có cần gì thêm cho việc trang bị phòng thủ không?”. Thư nói:

“Thưa, cho chúng tôi thêm M79 và lựu đạn M 26 ...Đại-tá, kinh nghiệm trong những lần

trước, tác chiến trong thành phố, lựu đạn là vũ khí hữu hiệu nhất”. Ông Đại tá mỉm cười nói

dễ -dãi:“OK!Ok!”.

Đến lượt viên Tỉnh-phó - đặc-trách chỉ-huy lực lượng Nhân dân tự-vệ Tỉnh, vốn xuất thân

từ ngôi trường chuyên đào tạo các “ông Quan” làm việc hành chánh cho chế độ miền Nam từ

cấp Quận Huyện trở lên, nhưng thế nào mà xếp lớn nhất của họ thời bấy giờ là Phó Tổng-

thống Trần-Văn-Hương đã phải than với Báo chí trong một cuộc phỏng vấn về vấn đề quốc

nạn tham-nhũng, rằng : “Nếu đuổi họ hết thì lấy ai làm việc ?”...thì chắc ông này cũng chỉ

chuyên nghề “áp-phe” hơn là “bóp cò” như tụi Thư, vì muốn có chiếc ghế “Tỉnh phó” như

ông ấy không phải dễ-dàng gì nếu không có “cây” lót tay. Ông ta mặc một bộ bà ba đen cho

đúng mốt “nhân-dân tự-vệ” thời đó, lên tiếp lời ông Đại-tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu-khu

trưởng, nói về giờ giới nghiêm trong thành phố, với các lực lượng tuần phòng rằng: “Các anh

phải thi hành nghiêm chỉnh luật giới nghiêm, vì lúc này VC cho tình báo họ vào nội thành rất

nhiều”. Thư giơ tay nói: “Thi hành thế nào gọi là nghiêm chỉnh?”. Ông ấy trả lời: “Tức là

trong giờ giới nghiêm sau khi còi ở nhà đèn hụ, là mọi người không được ra đường, ngoại trừ

những người đau yếu phải có đèn…”. Thư hỏi: “Nếu họ không mang đèn thì sao?”. Ông ấy

trả lời một cách không dứt-khoát: “Trong trường hợp đó, tôi nghĩ là chúng ta có thể bắn...”.

Thư nổi xùng nói lớn: “Ông là Tỉnh phó biết rõ về luật lệ,lại chỉ huy các toán phòng vệ dân

sự, bán quân sự ,tụi tôi có lúc cũng tuần tra trong thành phố .... mà ông lại ban một cái lệnh

không rõ ràng minh bạch gì hết, ai thi hành được? Sao lại “nghĩ là” sao lại “có thể”? Nhà

binh tụi tui không thi hành lệnh đó được, ông biết chưa?”. Ông Tỉnh phó có vẻ lúng-túng,

Thư bực dọc chửi thầm: “Bố khỉ, mất nước tới nơi mà còn để những tên “gà mờ” lên nắm

chức vụ chỉ huy”. Rồi Thư đứng dậy, lấy cái béret đội lên đầu và bước ra ngoài bỏ dở cuộc

họp , leo lên chiếc Jeep đậu cạnh đó, rồ máy chạy mất dạng. Chiếc Jeep có cần ân-ten đầy bụi

lắc-lư ... lao nhanh về hướng hậu cứ Tiểu đoàn … Chiếc cổng ngang bằng cây sắt sơn nhiều

màu trắng đỏ vội cất lên, người lính bồng súng chào … Chiếc xe lướt tới trong lớp bụi mù và

đậu dưới tàn một cây bã đậu. Thư bước vào phòng Hành-quân chào ông Thiếu tá Tiểu-đoàn

trưởng, cùng một số Sĩ-quan tham mưu. Họ bu quanh hỏi tin tức phòng Hội.Thư nói vẻ chán-

chê: “Toàn là những tin như trên radio rất dỏm không bắt kịp với tình hình, nhất là ông Tỉnh

trấn an mọi người bằng ý nghĩ VC không vô vùng 4 được vì xứ này toàn sình lầy ... Trời ơi

đâu phải VC không có tăng lội nước PT76 như M 113 của tụi mình, làm như ở đây toàn con

nít ... . Tôi nghĩ là đang có một âm-mưu gì đấy về phía các cơ quan bên Tiểu khu”. Ông Tá

Tiểu đoàn trưởng cười mỉa-mai nói: “Đ.m, bất quá, tụi nó có phương tiện trong tay, trực

thăng sẵn sàng rồi … hoặc tụi nó sẽ mở đường máu chạy ra biển có mấy Giang-đoàn nằm

sẵn ở dưới rồi. Đ.m, tụi mày sẽ thấy màn “đem con bỏ chợ” cho xem, nhưng mà mình là lính,

thì nằm xuống cho quê hương này cũng là vui thôi ...Trung úy .!..…

Theo lệnh của Đại-tá Tỉnh trưởng, Tiểu đoàn Thư phải bố trí dọc theo con đường tỉnh lộ từ

thành phố đến một Huyện lỵ nhỏ gần đó, băng ngang một cánh đồng trống rỗng để giữ an

ninh cho trục lộ tiến vào thành phố này và Phi trường ... cũng là hàng rào án ngữ mặt Đông ra

biển, có thể yểm trợ cho những chốt chung quanh của các đồn cảnh sát Dã-chiến nằm hướng

Đông-Bắc và các lực lượng công binh nằm sát phi trường ở hướng Đông-Nam . Thư mỉm

cười nói với ông Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng rằng : “Chắc đúng như dự định của tụi mình

Thiếu tá ạ. Họ sẽ di chuyển qua đường này để ra hạm đội 7 chực sẵn ở ngoài khơi Thái Bình

Dương chứ phòng thủ cái con mẹ gì…một quả lừa ngoạn-mục đó thôi ông ui ...!” Ông Thiếu

tá vẻ suy nghĩ rồi cười mỉm. Thư vẫn nhớ cái bờ hông của ông đầy vết đạn, mà có lần ông đã

đưa cho chàng xem, để nói rằng suốt cuộc đời binh nghiệp, ông chỉ được đặc cách lên lon tại

chiến trường … Rồi ông chợt nói: “Đến nước cùng rồi Trung úy ạ, tôi không muốn chạy đi

đâu cả, vì đã mười mấy năm lính tôi chỉ biết bước tới mà không biết đi lùi … có lẽ đây là lần

bước tới sau cùng...”. Ông vỗ vai Thư trong nỗi bùi ngùi, rồi cầm cái “can chỉ-huy” bước đi

vừa nói vẻ cay đắng :… “Thôi kệ bà tụi nó, dẫu sao thì tụi nó cũng đã rủng-rỉnh được một

thời gian rồi, cũng đã đầu tư khá nhiều vốn liếng vào những bả vinh-hoa đó … tụi mình là

lính chiến rặt mà anh …?”. Thư đứng nhìn theo cái dáng vặm-vỡ của ông nhỏ dần trong

bóng tối dưới những vì sao trời lấp-lánh trên chiếc nón sắt có lưới ngụy trang …

Thư ra lịnh cho tụi lính đào hố cá nhân tránh pháo kích , ăn uống no đầy từ chiều và dặn-dò

rằng: “Có lịnh sẵn-sàng tác chiến trong đêm nay – Địch sẽ tấn công đồng loạt vào 4 giờ sáng

hôm nay để dứt điểm miền Nam”. Chàng nói thêm với tụi lính trong nỗi buồn phiền của một

Sĩ quan cấp Úy cũng đã từng sống chết với kẻ thù trên nhiều chiến trường khác biệt trước

đây: “Ngày xưa, ông Võ-Tánh là một quan võ, phò tá Chúa Nguyễn-Ánh, lãnh trách nhiệm

trấn giữ thành Qui-nhơn, nhưng bị tướng Tây sơn là Trần Quang Diệu bao vây tới 14 tháng ,

binh mã coi như kiệt quệ, bắt buộc ông phải giao thành, nhưng ông nhất quyết không đầu

hàng địch mà viết thư cho địch chỉ xin một điều : hãy tha tội cho cách binh sĩ đồn trú của tôi

vì họ chỉ là thuộc quyền , rồi ông ấy ăn mặc chỉnh tề, chấp tay hướng về Phú xuân lạy để tạ

lỗi với minh-Chủ của mình là Nguyễn Ánh hầu tỏ bày lòng trung-hậu... sau đó leo lên lầu bát

giác nổi lửa tự-thiêu, để lại lòng thương tiếc của muôn dân được biểu lộ qua hai câu ca dao

sau đây của người dân Bình-định – nơi ông đã hùng cứ 3 năm:

“Ngó lên hòn núi Cánh Tiên,

Cảm thương quan Hậu thủ thiềng(thành) 3 năm...”

Bây giờ tôi đã được hơn 5 năm lính rồi và tôi sẽ chấp tay về Sài Gòn lạy ai đây?!! Tôi cũng

chỉ là một quan võ nhỏ… chúng ta là những người lính, rặt lính, không giữ một chức vụ gì

lớn lao, một sứ mệnh gì vĩ đại cho Đất nước này, ngoài việc cầm súng chống kẻ thù. Đêm

nay, có lẽ sẽ là đêm cuối cùng mà chúng ta kề cận bên nhau… nhưng còn giây phút nào làm

lính, còn mặc bộ đồ này, còn cầm cây súng này, còn mang balô này, còn đội nón sắt này, còn

ăn bọc cơm sấy này – dù bọc gạo ghi “made in Korea” dù cây súng mang dấu hiệu US, mà

họ đã tháo chạy thục mạng từ năm 73... nhưng tâm hồn là của VN – VNCH ...ghi danh quân-

sử. Chúng ta phải chiến đấu đến khi nào có lệnh của Bộ Tổng Tham-Mưu – cơ quan tối cao

của Quân lực… rồi hẵng hay...”. Đoàn quân im phăng-phắc, đứng nghiêm trên một mảnh

ruộng khô . Từng luồng gió vi-vút thổi qua cánh đồng, tiếng ếch nhái kêu thê-thảm như một

bản hoà tấu buồn phiền sắp đưa tiễn một chế độ đi về cõi bên kia – Dù đêm nay không có

trăng, nhưng Thư vẫn thấy cái bi tráng của người lính trong chinh-phụ ngâm nơi trận mạc

thủa nào:

“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi?

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?”

Thư lặng im một giây lâu, chàng thoáng nghe những tiếng húng-hắng ho của một vài người

lính, tiếng của cơ-bẩm súng lắc-cắc - một cơn buồn chưa từng thấy.Hốt nhiên Thư nói: “Tất

cả Đại-đội đều phải nghiêm chỉnh thi hành lệnh của tôi, ngày nào tôi còn mang 2 hoa mai

đen này trên ngực áo – Tôi không bỏ anh em đâu, tôi sẽ ở lại với anh em trong giờ phút sau

cùng của cuộc chiến này”.

Rồi chàng, đột nhiên dõng-dạc hô to:

“Đại đội - nghiêm! Tùy-quyền các Trung-đội trưởng!”

Thư cầm tấm bản đồ bọc nhựa nhét vào túi áo và ngoắc tay người mang máy theo sau đi về

hướng bờ mẫu....Suốt đêm, chàng không chợp mắt được. Thỉnh thoảng Thư cầm đèn pin để

kiểm soát các tuyến gác. Trời hơi mưa, chưa bao giờ chàng thấy buồn nản như lúc này, Thư

chỉ trông cho mau tới giờ G để đụng một trận sau cùng, có chết cũng vinh quang… Thư nhớ

đến khuôn mặt già nua sợ hãi của cha chàng ở ngoài Trung. Thư nghĩ rằng cha chàng đã từng

mang tội “Địa-chủ bóc lột nhân dân”, tội “làm việc cho Tây” , giờ sẽ mang thêm một cái tội

nữa là “cho con theo Mỹ”....làm sao cha chàng có thể chịu nổi với tuổi già và đau bịnh ...

Đến khoảng 4 giờ sáng, thì những trái đạn đầu tiên của VC rót vào Phi-trường và Tiểu khu.

Từng khóm lửa xanh dờn vươn lên mỗi khi trái đạn nổ. Những đám cháy đỏ ngầu soi rõ

những cuộn khói đen của các bồn xăng cháy rực trời, súng nổ tứ phía. Đạn lửa bay đầy trời.

Các chốt bên ngoài đã đụng trận. Tiếng máy truyền tin kêu rè-rè lẫn với các lệnh điều quân từ

Bộ chỉ huy của các đơn vị trực thuộc phát ra không dứt. Đơn vị Thư vẫn nằm im – vì giặc chỉ

tập trung mũi dùi vào Phi trường và Tiểu khu. Sau chừng hơn tiếng đồng hồ chốt do đồn cảnh

sát Dã chiến trấn giữ phía Đông-Bắc cách Thư chừng hơn cây số đã im bặt tiếng súng, chứng

tỏ là họ đã thất thủ. Và cùng lúc tiếng súng AK47 nổ dòn lẫn với tiếng ình-ình của B40 vào

các công sự đơn vị ở phía sau. Các thiết vận xa của Thiết đoàn 9 nằm trên trục lộ 4, bắn

xuống phủ đầu những đợt xung phong của VC vào vòng rào phòng thủ phía Nam phi

trường. Một vài chiếc phi cơ trực thăng và L19 bay trên thành phố, từng loạt đạn lửa đuổi

theo… Có chiếc phi cơ bay vút lên cao rồi ra hướng biển… Cuộc tấn công càng quyết liệt khi

trời hừng sáng. Thư nghe rõ tiếng loa của một giọng phụ nữ du kích nhà quê the-thé vang lên

từ một bờ xóm kêu gọi chàng đầu hàng với câu nằm lòng kinh điển quen tai của tụi binh vận

VC: “hàng sống chống chết” ...Thư bực mình chụp khẩu M79 của tên Trung sĩ ngồi cạnh lên

đạn trả lời bằng hai quả liên tiếp làm chúng im bặt luôn. Thư vẫn theo sát lệnh của ông Thiếu

tá Tiểu đoàn trưởng. Một vài toán VC bị đẩy lui khi cố băng qua cánh đồng này một cách vô

vọng. Trời sáng hẳn, từng cột khói vẫn tiếp tục lên cao, tiếng súng vẫn rào-rào nổ. Thư nghe

những tiếng AK nổ dòn trong thành phố, chàng nói với tụi lính là “Rồi!Tụi nó đã vào lọt vào

trong phố rồi nha.” Không có một toán VC nào di chuyển trên con đường chàng bảo vệ cả,

ngoài những loạt đạn bắn thăm dò khi hôm nhưng toàn đơn vị vô sự. Và khoảng 11 giờ 30

phút, một đoàn xe Jeep có ân-ten, mở đầu là một chiếc xe Quân cảnh có còi hụ đỏ chạy vội-

vã gập-ghềnh trên những khoảng đường đá ổ gà… Thư nâng ống dòm quan sát và hiểu những

gì đang xảy ra. Thư nghe tiếng ông Thiếu tá của chàng nói rã-rời trong máy… “Thế là xong!

Đúng như mình dự đoán Trung-úy!” Đoàn xe lầm-lủi tiến ra hướng biển.... Một vài thằng lính

bất mãn chửi thề đòi xả súng vào đoàn xe đó. Thư ngăn cản , nói: “Chúng ta hãy sống với

lòng thanh thản và quảng đại của người lính chỉ biết hận với kẻ thù. Dẫu sao đó là những

người bạn, những người đã từng chỉ huy chúng ta...”. Trong ống liên hợp, Thư nghe Thiếu tá

nói trong hơi thở nặng-nề: “Tấm màn đã khép lại, vở kịch đã xong, chúng ta đã hoàn thành

xong sứ mệnh được giao phó, đã giữ được an ninh trục lộ này một cách mỹ mãn. Họ đã đi

trong an toàn như mình dự đoán. Tụi mình là những đứa con của đất nước “bị bỏ chợ”. Thôi

thì bây giờ tùy quyền các Đại đội trưởng – Lệnh đầu hàng đã có từ Sài Gòn, không còn một

giải pháp chính trị nào nữa đâu! Nhớ giữ trật tự đàng hoàng, đúng tiêu chuẩn của một quân

đội chính quy, các Sĩ quan phải làm gương đến giờ phút chót, đừng làm mất uy danh của một

Quân lực…” rồi ông cúp máy....

Sau đó, Thư dẫn lính về một sân nhà thờ, trên đường cây cối đổ ngổn-ngang ... từng chiếc

thiết-vận xa M113 nằm ụ, rỗng không, khẩu đại liên 50 còn ám khói, chúc đầu xuống đất.

...Tiếng người khóc-lóc tìm nhau càng nhiều , VC không chiếm được Phi trường và Tiểu khu.

Các đợt xung phong đều bị đẩy lui, Thiết giáp quét sạch ở vòng rào thứ I. Trong thành phố

chỉ bị pháo kích và một số đặ- công vào được nhưng cũng bị tiêu diệt bởi các đơn vị án ngữ

trên các cao ốc…

Thư tập hợp Đại đội lần sau cùng để ra lệnh rã ngũ, sau khi cho Đại Đội chào lá cờ vàng ba

sọc đính trên một gốc cây. Tiếng Thư hô tắt nghẹn như muốn khóc, chàng chào tay mà xúc

động đến làm rung-rinh vành nón sắt. Thư nói đôi lời giã từ Đơn vi. Tụi lính khóc ròng, cởi

áo quần, ba-lô, nón sắt ... vất thành một đống ngổn-ngang, bên cạnh một đống súng M16 đen

ngòm – Thư liệng lên đó tấm bản đồ bọc nhựa đầy những mũi tên xanh đỏ của bút chì mỡ

đêm qua. Sợi dây TAB và khẩu súng Colt 45 đính theo nằm ngang trên đống súng cao như

đống củi lửa trại. Những người lính từng sinh tử với nhau bắt đầu tuần tự ra về. Quần đùi và

áo lót màu ô-liu vẫn làm cho chúng không gọt bỏ được chất lính. Thư đứng lại bên đống

súng, lòng ngổn-ngang nhưng rất bình tĩnh sẵn-sàng chấp nhận bất cứ cái gì xấu nhất sẽ xảy

đến với mình giống y chang như cảm nghĩ khi mình sắp lâm trận vậy thôi ... bởi vì chàng là

một Sĩ quan, trách nhiệm nặng hơn người lính nhiều ...Thư vẫn với bộ đồ Treillis đầy sình

lầy không cởi ra như tụi lính, vẫn cái nón sắt chắc nịch, vẫn cái áo giáp rã rời, vẫn 2 hoa mai

đen bạc màu sương gió đeo trước ngực… nhìn theo đám lính đi đã xa, mà chúng vẫn còn

ngoảnh mặt lại lần sau cùng nhìn vị Chỉ huy cũ của mình mà chúng biết rồi đây sẽ gánh

những tai ương thảm khôc hơn bọn chúng, rồi chúng mất hút dần trong khoảng mù mờ của

lửa khói chiến tranh tàn cuộc…

Thư nhìn lên một tầng lầu cao, thấy lá cờ 2 màu của “Măt trận giải phóng” bay phất-phơ

lòng chàng nặng như chì. Tiếng loa vang từ căn lầu ấy kêu gọi những Đơn vị trưởng của

“Ngụy” đến để làm thủ tục nộp võ khí. Thư cầm chiếc nón sắt nơi tay và chậm rãi bước về

phía căn lầu, sân nhà thờ trở nên tĩnh mịch lạ thường. Chiếc cờ ba sọc vẫn nằm yên trên thân

cây cổ thụ sau khi đã được chào lần cuối trước đó vẫn còn nguyên, bên đống áo quần màu ô-

liu và màu đen xanh lạnh người của vũ khí tạo thành một bức tranh tĩnh vật của các mặt trận

đã tàn ... như trong các cuộc chiến tranh thời Trung-cổ mà Thư đã ghi lại giây phút bi tráng

ấy như sau....


Hạ kỳ lần cuối...


Đưa tay lần cuối cùng,

chào,

Ngọn cờ ba sọc,

hôm nào rã binh...

Hàng quân,

ngơ-ngác,

lặng thinh...

Nghe lòng rách,

nát,

như tình nước non!

Ngựa hồng,

đã nản chân bon,

Súng,

gươm,

rời-rã...

thôi,

còn gì đâu!?

Mấy năm,

hùng-cứ biên đầu,

Bây chừ,

đã trở thành,

câu:

“quy hàng”!

Mắt,

rưng-rưng lệ,


cờ vàng...

Tiếng hô xé ,

nát ruột gan thân này:

“Hạ kỳ!”

súng bắt đều tay,

Xin chào ,

ĐẤT,

NƯỚC...

lần này nữa thôi!?

Nợ trai,

cũng hết một đời,

Kiếm,

cung,

đã lỡ một thời đao binh....

Những mong,

Tổ-quốc yên bình,

Nhưng,

giờ chỉ thấy,

lòng mình xót-xa....!


*Nguyễn-Tư