ĐỒI LÁ KHÔ
Không hiểu tại sao những người khi đến được bất cứ hòn đảo nào, họ cũng mơ ước
rằng họ sẽ chọn đi Mỹ, dù họ chả hề có một liên hệ hợp lý nào. Những người có
phục vụ trong chính quyền cũ như quân đội, công chức thì chẳng nói làm gì, vì
ít ra sau năm 75, người CS cũng đã dạy rằng: họ là<I>"tay sai"<D> của Mỹ! Ai
cũng nghĩ Mỹ giàu như thể tiền dưới đất nẻ mọc lên, và nền văn minh Mỹ sẽ cung
ứng cho con cái họ một lô văn hóa toàn-bích nhất trên thế giới này, dẫu họ có
xuất thân từ dân "cá tôm" cách mấy đi nữa. Trong khi đó, thì phái đoàn Mỹ luôn
-luôn tìm mọi cách làm nản lòng những người tỵ nạn, nhẹ nhất là họ thường ghi
trong những tài liệu học tập về phong tục tập quán Mỹ cho người tỵ nạn những
câu cảnh cáo xa gần rằng:<I>"Bạn đừng nên bao giờ nghĩ bạn chỉ cần gieo ra một
hạt lúa, mà lại mơ đến một mùa gặt sau này trên đất Mỹ"<D>,hay những biện pháp
mạnh hơn, là bắt buộc mọi người, bất kể thành phần nào, khi muốn xin vào phái
đoàn Mỹ, thì ít nhất trong<I>"Blue card"<D> - một loại thẻ tùy thân do Cao ủy
cấp cho mấy người tỵ nạn để vào các phái đoàn - phải có tối thiểu hai con dấu
<I>"reject"<D> của hai phái đoàn, thường là Canada, chỉ chuyên hốt những diện
H và U, tức đã đậu Tú tài, Đại học, hoặc tệ lắm phải là con gái có chút nhan
sắc! Có lẽ vì dân Canada không muốn nhìn thấy những người đàn bà thảm thương
trên xứ sở lá<I>"Maple"<D>lạnh lẽo của họ!? Còn phái đoàn Úc-Đại-Lợi, chuyên
hốt diện "tôm cá", có lẽ vì xứ họ chỉ bọc toàn biển xung quanh, giữa là những
sa-mạc hoang vu, nên họ cần những bàn tay hơn là những khối óc!?
Kể từ ngày mất nước, Hữu tự thấy mình lờ-mờ hiểu được người Mỹ đã chơi trò gì
đối với<I>"Đồng minh"<D> của họ, mà thực sự chàng đã có nhiều dịp từng nhìn
thấy nơi những tên Cố vấn của đơn-vị chàng trong suốt cuộc chiến. Rõ nét nhất,
vẫn là lúc thằng Đại-úy John cúi người, đưa ngón tay trỏ quẹt thử lên vành bánh
xe đầy bụi của một chiếc Jeep trong đơn vị, rồi phết đại vào má thiếu-úy Cầu
đứng cạnh đó, như một lời cảnh cáo rằng: quân đội VNCH đã không bảo trì tốt
quân trang, quân dụng...trong một buổi thanh tra của phái đoàn Mỹ, làm cho Hữu
bực mình và đâm ra hận người Mỹ suốt đời, đặc biệt kể từ sau hiệp định Paris!
Và, vì lẽ đó, nên Hữu là người lính nhất định không muốn vào phái đoàn Mỹ trên
đảo, cũng cùng với một lý do riêng tư nữa, mà chàng chẳng muốn thố lộ với ai.
Điều này đã khiến cho nhiều người ở chung trong barrack ngạc nhiên không ít...
Thùy vừa ngồi xắt những miếng pâté mỏng, màu hồng nhạt, từ từ cho vào chảo vừa
liếc ngang về phía Hữu ngồi chồm-hổm trên một cái sạp gần đó, đang cặm-cụi, cúi
người xuống sửa chiếc giép Nhật đứt quai, nói:
-Anh Hữu nè!
-Gì vậy Thùy?
-Nghe nói anh là sĩ quan có đi tù, mà sao anh không xin vô phái đoàn Mỹ,
giống như mấy ông trong hội<I>"Cựu quân nhân"<D>vậy?
-Có lẽ họ có thân nhân bên đó chứ em?
-Đâu có, nhiều ông<I>"con bà Phước"<D>như anh, họ cũng chờ phái đoàn Mỹ không
hà!
Hữu mỉm cười lặng thinh, cầm chiếc giép gõ-gõ lên mép cái sạp gỗ cho sạch đất,
rồi đút vào chân, bước xuống sàn đi thử với chiếc quai vừa mới nối lại bằng sợi
cước xanh gỡ ra từ tấm bạt Cao ủy, làm sợi quai ngắn đi, căng cứng mu bàn chân
vẻ khó chịu, đoạn chàng đến bên bếp của Thùy, nhặt mảnh giấy nhỏ, vuốt lại cho
thẳng, đưa vào ngọn lửa dầu hôi xanh dờn châm thuốc hút. Thùy ngồi né sang một
bên, nhìn Hữu, vẻ e-dè, nói:
-Anh Hữu à, em nghe người ta nói thuốc lá ở đây, tụi Indo nó ướp cần-sa, hút
ghiền dữ lắm. Coi chừng anh trở thành ông<I>"ghiền hút"<D>thì đã đời lắm, à
nghen!
Hữu tức cười về những lo lắng không đâu của cô bé cùng chung barrack, nên nói
giọng bỡn cợt:
-Cái thân của cô ốm như con mắm không lo, mà đi lo cho tui, một thằng đã có
5 năm lính, và 4 năm tù!?
Thùy cười khúc khích, cầm đôi đũa trở miếng pâté vàng ngậy, rồi gõ-gõ lên
thành chảo, đưa tay kia hạ bớt tim lò dầu vừa lắc-lắc đầu tóc cho gọn, nói:
-Xứ Mỹ bơ sữa, mập lên mấy hồi, anh Hữu? Vậy mà anh cứ né hoài, qua đó với
tụi em cho vui. Anh đi Úc làm chi, cái xứ<I>"khỉ ho, cò gáy"<D>đó cho mất công!
<I>"Hoàng gia"<D>gì mà nhìn lên bản đồ thấy toàn là sa-mạc, và thổ dân! Thành
phố chỉ lơ-thơ mọc ở mé biển. Nghe mấy người mới qua bển, họ thư qua đây nói
người mình bị Úc nó đưa vào những khu núi đồi hoang vu giống y chang như<I>"
vùng kinh tế mới"<D>bên mình. Trời ơi, vậy thì đi vượt biên làm chi, anh Hữu!?
Anh đổi quách phái đoàn đi! Diện quân-nhân như anh, Mỹ nó nhận cái rụp liền hà!
Hữu nghe Thùy nói với vẻ thành thực của một đứa con gái mới lớn, chưa biết gì
là Mỹ, và cũng mù tịt về những<I>"đồng-minh"<D> của họ, nên cứ việc suy nghĩ
theo những luận lý dễ dãi của mình qua những cái gọi là<I>"nghe nói"<D>, nhất
là từ những cái lỗ miệng của những người chen chúc nhau trên một hòn đảo nhỏ
xíu này, biệt lập với thế giới bên ngoài. Sự tù túng đã khiến cho trí tưởng
tượng họ rất dồi-dào, cộng với những lỗ mồm cũng tạm gọi là khá no đủ, nên
mọi câu chuyện được nảy sinh và truyền tụng rất mau...
Thùy là đứa con gái lớn trong một gia đình, có bố mẹ ở tại Mỹ, và nàng được
tháp-tùng theo một người Dì đi vượt biên đâu ở miệt Long-Phú, nên đương nhiên
nàng được Mỹ nhận theo diện A1 (có thân nhân ruột thịt) mà không cần tra hỏi
gì. Thùy học dở-dang lớp 10, rồi nghỉ, vì cái giấy xuất cảnh của bố mẹ gửi về
rất sớm, nên Thùy chỉ học tư Anh ngữ và Toán để mong qua Mỹ tiếp tục học nữa.
Nhưng Thùy cũng có vẻ hơi chán-chê, vì dường như nàng mới vừa trải qua một
mối tình<I>"nặng"<D> mà đành phải chia tay với người thầy nồng-mặn dạy toán của
mình trước khi ra đi, không muốn theo diện đoàn tụ chờ đợi quá lâu! Do vậy,
Thùy trông rất bặt thiệp trong việc giao tế với những người đàn ông trên đảo
có chút chữ nghĩa trong đầu như Hữu chả hạn. Thùy không còn cái vẻ nhút-nhát
của mấy cô gái mới lớn biết yêu lần đầu nữa, tất nhiên không phải là cái sỗ
-sàng của những hạng người thiếu giáo dục. Mặc dù cùng ngụ chung một barrack
,nhưng Thùy và Hữu ít khi nào trò chuyện nhau lâu, vì mỗi người đều có một công
việc riêng của mình: Thùy đi học thêm Anh ngữ, và lớp Cắt May do ban Huấn nghệ
tổ chức, còn Hữu làm trên phòng thông tin của ban Đại-diện. Họ chỉ gặp nhau vào
những bữa cơm chiều trên những chiếc sạp gỗ sau dãy trại dùng làm nhà bếp. Hữu
thì rất đơn giản vì chỉ có một mình, còn Thùy đi với người Dì cũng còn khá trẻ,
tuổi không lớn hơn Thùy bao nhiêu, nên họ xem nhau như đôi bạn...Hai Dì cháu
vẫn thường hay đi chơi đồi, và thỉnh thoảng Hữu nghe họ phá lên cười khi đang
tâm tình về một điều gì đó thú vị. Họ sống có vẻ thoải mái và sung túc nhờ tiền
bạc do thân nhân bên Mỹ gởi cho. Họ chả lo âu gì về một nước thứ 3 mà mình sẽ
tới như những người đồng hương khác vẫn mãi băn-khoăn chờ đợi, còn tùy thuộc
rất nhiều vào những cái "mộc" sinh tử của các phái đoàn đang quyết định lấy
cuộc đời họ...Người Dì tên Mỵ, tóc hơi ngắn, lúc nào cũng chải-chuốt gọn-ghẽ,
và trông nàng có vẻ trí thức, nhờ cặp kiếng cận dày cộm, bự lên, che gần kín
hết khuôn mặt bé-bỏng, trắng hồng. Mỵ ít nói và rất ít giao du với những người
bên ngoài, nhất là đối với những người đàn ông thuộc thành phần hơi kha-khá như
Hữu.
Kể từ ngày hai Dì cháu Thùy đến đây ở, chỉ có một lần Mỵ nói<I>"cám ơn"<D> Hữu
, khi chàng múc cho nàng một ca nước súc miệng từ cái thùng nước chàng đã mang
về từ dưới suối ngày hôm trước, lúc Hữu thấy Mỵ miệng đầy bọt kem, mà canh nước
phân-phối cho nàng đã chẳng còn giọt nào! Nghe Thùy nói, Mỵ trước đây là một
sinh viên Dược khoa, nhưng đến năm thứ 2 thì mất nước, nên nàng đành ở nhà xin
làm công nhân viên bán thuốc Dân tộc nơi một cửa hàng quốc doanh, làm vỡ mộng
nhà Ngoại Thùy, một người rất giàu có ở Lục tỉnh, muốn đầu tư Mỵ vào công việc
làm ăn lớn của mình là sẽ mở một cái Pharmacie thật to...Hữu vẫn thường hay có
thành kiến với những ngành nghề mà bạn bè lựa chọn, mặc dù chàng cũng thừa biết
rằng, sự lựa chọn, nhiều khi chỉ là điều bất đắc dĩ, như nghề dạy học của chàng
trước đây: cứ thi đại, đậu vô cái gì thì học cái ấy. Chọn lựa gì, khi mọi lối
đi đều như bị bít kín, chỉ còn vài con đường trải thảm nhung dành riêng cho một
số người tự thấy mình có đủ điều kiện. Thí dụ như con nhà giàu mới dám nghĩ tới
ngành Y, Dược, để có đủ tiền mua dụng cụ, sách vở, và kéo dài với những thời
gian qui định chương trình học đến 5, 7 năm. Sau khi tốt nghiệp họ cũng thừa
khả năng để mở phòng mạch, hay tạo một dược phòng...Hữu nhìn thấy cái quan niệm
sống của từng người, cũng đã được đầu tư sẵn vào những ước mơ của họ ngay trong
những ngày họ còn thanh xuân, khi từ bỏ trung học để sắp bước vào ngành nghề ở
bậc Đại học. Một người chọn nghề Dược như Mỵ, chắc hẳn trong những tế bào não
bộ đã chứa đầy những con số lớn lao hơn đồng lương của một anh giáo sư đệ nhị
cấp lãnh hàng năm như Hữu nhiều, mặc dù thi đậu vào ngôi trường Đ.H của chàng
không phải là việc dễ! Những suy nghĩ cố chấp đó, cộng với cái bản chất ít ưa
giao du của Mỵ, làm cho Hữu có một khoảng cách rất dài từ nàng, so với cô cháu
nhí nhảnh, lắm mồm như Thùy. Có điều kỳ lạ là Thùy lại hay đem chuyện của Dì
mình mà nói với Hữu, thí dụ việc Mỵ chê Hữu<I>"cù-lần lửa"<D>nhất trong barrack
, thì cũng được Thùy lặp lại một cách thích thú. Một hôm Thùy hỏi:
-Anh Hữu nè, anh có biết người ta chê anh<I>"cù-lần lửa"<D>nhất trong barrack
này không hả?
Hữu cười chấp nhận và khẳng định:
-<I>"Người ta"<D>khỉ gì, em chứ còn ai nữa?
-Nếu em thì nói làm chi, em út mà nhằm-nhò gì?
Hữu chợt hiểu ngay Thùy muốn ám chỉ ai, bèn nói:
-Nói với<I>"người đó"<D>là anh cảm ơn, bởi vì anh ở đây hơn một năm rồi, chả
nghe ai nói gì về anh cả, kể cả những cái xấu như sự<I>"cù-lần"<D> và họ có
muốn nói thêm gì thì nói lẹ lên, chứ anh không còn ở lại đây bao lâu nữa đâu!
Nghe nói thế, Thùy bỗng nghiêm nét mặt, tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi dồn:
-Ủa, anh đi Úc thực à? Có list chưa? Hôm qua nghe thông báo trên loa, mà em
có thấy tên anh đâu?
Hữu vốn thầm lặng, nên cũng không muốn tiết lộ việc rời đảo đi Úc của mình làm
gì, với lý do đơn giản: Hữu không muốn gây thắc-mắc cho một số người cùng trại,
nhất là anh em trong hội Cựu quân-nhân, và một số người thừa biết rằng chàng có
nhiều thân nhân sống bên Mỹ, đồng thời Úc không phải là nơi để cho những người
như chàng lựa chọn, ít ra trong thời điểm ai cũng nghĩ Mỹ là một Thiên đường!
Chính Hữu là người đọc cái danh sách đó hôm qua, gồm có 70 người sẽ rời đảo đi
Úc trong tháng tới, nhưng chàng không đọc tên mình...Thùy có vẻ ngỡ-ngàng trong
giây lát, rồi lặng thinh, tay cầm miếng tissue lau-lau vào mấy chiếc đĩa, để
dọn thức ăn với một cử chỉ hững-hờ, mà đôi mắt nàng vẫn đăm-đăm nhìn vào khoảng
không. Lúc đó, Mỵ từ siêu thị về, trên tay cầm mấy trái dưa leo, bụi phấn vẫn
còn bám vào lớp da xanh, có nhú lên những nụ gai nhọn. Thùy đưa mắt nhìn Hữu
ngồi trên sạp, hai chân buông thỏng xuống sàn xi-măng, đầy những vết bùn đất đỏ
do cơn mưa đêm qua. Thùy cất tiếng nói:
-Dì Mỵ à, anh Hữu sắp đi Úc rồi đó!
Mỵ cũng ngạc nhiên không ít, quay về phía Hữu với đôi mắt áy-náy, nhưng cố làm
ra vẻ tự nhiên, hỏi lịch sự:
-Anh Hữu đi Úc thực à? Tụi này vẫn nghĩ là anh sẽ đổi ý mà vào phái đoàn Mỹ
với tụi này đó chớ! Mày có nói đùa không Thùy?
Hữu cười-cười, nói:
-Bởi vì sắp đi Úc thực, nên tôi mới nhờ Thùy, nó cảm ơn giùm tôi với người
mà Thùy nói là<I>"người ta bảo anh cù-lần lửa nhất barrack này"<D>đó cô Mỵ.
Mỵ có vẻ khựng lại khi nghe Hữu nói đến ba chữ<I>"cù-lần lửa"<D>mà nàng đã
từng dùng trước đây cho Hữu, nhưng nàng cũng hy vọng mong manh rằng Hữu sẽ
chẳng nhận ra ai đã nói câu ấy khi Thùy chỉ nói đến hai chữ<I>"người ta"<D>mà
thôi. Bây giờ, tự dưng Hữu trông Mỵ có vẻ dạn-dĩ hơn lúc trước nhiều, nàng nhìn
nghiêng về phía Hữu, vui-vẻ hỏi:
-Sao lại phải cám ơn<I>"người đó"<D>vậy, anh Hữu?
-Vì lâu nay chẳng ai nói gì về tôi cả, kể cả lời chê!
Mỵ phá lên cười như nắc-nẻ, vừa đưa tay sửa lại cặp kiếng đã trễ xuống sóng
mũi, rồi nhìn Hữu vui tươi, nói:
-Anh có nghĩ rằng, khi người đàn bà họ<I>"chê"<D>ai, thì cũng có nghĩa là
họ đã<I>"để ý"<D>đến người đó, không hả?
Lúc đó Thùy đang bới thức ăn ra một cái tô gồm những miếng đậu chiên vàng, kho
với thịt heo trông bắt phát thèm, hốt nhiên nàng liếc xéo thực nhanh nhìn người
Dì, đoạn đưa mắt nhìn về phía chiếc sạp gỗ, nơi Hữu đang ngồi, rồi Thùy hơi cúi
xuống tiếp tục công việc của mình, vẻ suy nghĩ như chừng muốn kiểm chứng tình
cảm của cả hai người, bởi vì lâu nay Thùy không bao giờ thấy nơi Dì mình lại có
những câu nói "quá đà" như thế, ngoài cái ý nghĩ có vẻ thành thực của Mỵ về Hữu
là "cù lần" như một lời chê bai, khi hai Dì cháu đi chơi đồi, ngồi nghỉ mệt ở
phía sau nhà thờ Tin Lành...Hôm nay, mọi câu nói với Hữu, Thùy đều dành cho Dì
hết cả, nàng chỉ lủi-thủi với công việc bếp núc thường lệ của mình, bởi vì dù
tuổi không cách biệt nhau nhiều lắm, nhưng dẫu sao Thùy cũng là vai cháu trong
một gia đình có giáo dục và giàu sang nổi tiếng ở Cần Thơ, được nhiều người
biết tới, nên Thùy luôn luôn lễ phép, quí trọng Mỵ hết lòng. Thùy lặng lẽ lấy
dao gọt những quả dưa leo thành những sọc trắng xanh trông rất đẹp mắt, rồi sắp
thành những vòng tròn đồng tâm trên một chiếc đĩa nhựa thật khéo. Sau khi nghe
câu hỏi bất ngờ, có vẻ đường đột, ở ngoài dự tưởng của Hữu về một người ít nói
và nhút nhát như Mỵ mọi ngày, Hữu lúng-túng giây lát, nhưng cuối cùng, chàng
cũng tìm cách đấu hót với Mỵ cho vui, nên chàng cười-cười, nói:
-Sự<I>"để ý"<D>của người đàn bà, nhất là những để ý về cái xấu, cái thua kém
của người đàn ông...thì hẳn không phải là một điều vui!?
Mỵ cầm tờ báo trải ra trên một miếng ván dùng làm mâm, rồi lại bếp bưng xoong
cơm đặt trên một cuốn sách đã cũ dùng làm rế, trong lúc đó Thùy sắp các đĩa
thức ăn vào giữa, rồi hai Dì cháu ngồi trên những viên gạch màu đỏ hồng dùng
cơm tối. Họ không quên mời Hữu dùng bữa theo phép lịch sự, dù biết Hữu đã ăn
xong rồi trước đó không bao lâu như thường lệ với bữa cơm rất đơn giản của một
người độc thân dễ tính: một xoong cơm nhỏ dùng cho nhiều ngày, và một hộp pâté
chỉ cần cạy cái nắp lên, xong lấy muỗng múc từng miếng, chấm muối tiêu mà ăn,
hết ngày này sang ngày khác, nếu chuột trong đêm không giành phần của mình!
Mỗi lúc ăn xong bữa cơm chiều, Hữu thường có thói quen ngồi một mình nơi sạp
sau trại hút thuốc lá, và lãng-đãng nhìn ra mé rừng, đơm ngay vào mặt hậu của
barrack. Chàng thích những buổi hoàng hôn có ánh nắng gắt, chói chang của miền
nhiệt đới xứ Indo, hừng đỏ trên những ngọn cây đầy dây leo nơi bìa rừng, thỉnh
thoảng có những bầy khỉ đùa giỡn nhau, tung-tăng với những cái đuôi dài ngoằn
trông rất vui mắt. Hữu chống hai tay xuống sạp gỗ, chân vẫn buông thỏng đu đưa
qua lại, ngồi nhìn Dì cháu của Mỵ đang ăn cơm trong câu chuyện gẫu, như sự níu
kéo khoảng thời gian còn nhau trên đảo rất ngắn ngủi, mà cả hai bên đều biết
trước đó không bao lâu.
Hữu lại rút thuốc ra, vỗ nhẹ lên mặt chiếc đồng hồ đeo tay như một thói quen
đã cũ, rồi nhảy xuống, đến lò dầu hôi của Thùy cháy liu-riu đang đun sôi ấm
nước, để đốt thuốc, vừa nói:
-Mỵ có đồng ý với tôi rằng, con người ta vẫn thường hay mẫn-cảm với những
nhược điểm của mình, nhất là những nhược điểm đó lại được nhắc nhở bởi một
người đàn bà?!
Tiếng Mỵ cười thực trong, nói:
-Nhưng có khi nào anh tin rằng, người đàn bà lại thường hay dị-ứng với những
sự thực của nỗi lòng mình không? Đó là điểm đã làm cho người đàn ông lúng-túng
,và thường biểu lộ những suy nghĩ rất "dở" về người đàn bà trong chuỗi từ ngữ
đầy nghi-ngờ, có tính cách kỳ thị phái tính :<I>"không ai hiểu nổi mấy bà"<D>!?
Thùy, lúc đó nét mặt không vui, khi ngồi ăn và nghe hai người đột nhiên có vẻ
trở nên thân thiện trong câu chuyện mà trước đây nàng chưa bao giờ thấy. Nhất
là họ nói với nhau về những điều Thùy không hiểu nổi với sức học và số tuổi
bây giờ. Thùy đâm ra nghi ngờ lòng thành thực của người lớn, trong đó có người
Dì đáng kính của mình, và người đàn ông cùng chung barrack, mà lâu nay Thùy vẫn
xem như một người anh thân tín. Thùy vội đứng dậy, rồi vào nhà trong lấy cuốn
sách Anh văn của Cao-ủy mới phát tuần trước ra đọc. Mỵ và Hữu vẫn còn tiếp tục
những câu chuyện mà trong thâm tâm họ vẫn ngầm nghĩ chúng có liên hệ đến hai
người. Mỵ ăn xong, vẫn cứ để nguyên mâm cơm chưa dẹp, ngồi choàng tay qua đầu
gối nói chuyện thân tình cởi mở hơn với Hữu, lúc đó đã từ bếp trở lại ngồi đong
đưa trên chiếc sạp gỗ đối diện như cũ. Thỉnh thoảng Mỵ đưa tay lên sửa lại cặp
kiếng cận trên sóng mũi như một cố tật không bỏ được. Trong giọng nói đầy vẻ
thành thực, với nét mặt nghiêm-trang, Mỵ hỏi:
-Anh đi Úc thực à? Sao hôm qua Mỵ không nghe tên anh trong danh sách đọc ngày
qua trên loa phóng thanh?
-Tôi tự thấy không cần đọc tên mình làm gì, bởi vì mục đích của sự loan báo
là thông tin cho những người sắp ra đi được biết tình trạng của họ để họ chuẩn
bị hành trang lên đường, hơn nữa tôi muốn tôi ra đi âm thầm, như đã sống âm
thầm trong barrack này, hơn một năm nay!...
Mỵ buồn-buồn, nói:
-Dường như Thùy nó thương anh, tôi vẫn thường nghe nó nhắc về anh với tôi
trong những buổi hai Dì cháu đi chơi đồi.
Hữu mỉm cười gượng gạo vì xúc động, nhưng cũng cố vui-vẻ, nói:
-Chắc cô ấy lại nhắc những<I>"nhược điểm"<D>của tôi, chứ gì?
-Không, khác với<I>"người ta"<D>nó nói toàn những ưu điểm của anh...thí dụ
như anh là một người đứng-đắn và thường ân-hận về những lầm lỗi trong quá-khứ
của chính mình. Nhưng quan trọng hơn, dường như nó khám phá ra được điều gì đó
nơi anh, đủ để khiến cho anh không muốn chọn Mỹ làm quê hương định cư của mình
,dù xét ra, anh có thừa tiêu chuẩn để vào quốc gia mà ai cũng mơ ước ấy!
Vẻ áy-náy, Hữu nói:
-Không, không có gì đáng quan tâm đâu Mỵ, ra khỏi được đất nước đau thương
của mình rồi, thì nơi nào cũng đáng gọi là<I>"Đất Hứa"<D> hết cả. Thực sự, tôi
không muốn làm một người<I>"chỉ gieo ra một hạt lúa, mà lại mơ đến một vụ mùa
"<D>như trong tài-liệu người Mỹ đã ghi cho người tỵ nạn mình cần biết trước khi
bước vào xứ họ, lúc họ đã có ý sợ hãi và khinh bỉ về những tham vọng của những
người mà họ cứu vớt. Đó là điều người Mỹ chỉ viết chơi-chơi trên một tài liệu
mỏng, cốt để dự bị cho người mình những thực tế phũ-phàng khi người tỵ nạn sẽ
định cư trên đất họ trong những ngày sắp tới. Tôi, thì tôi thấy điều đó lâu
rồi, từ những tên Cố vấn Mỹ trong đơn vị, mà chúng ta vẫn thường gọi một cách
đẹp-đẽ là<I>"Đồng Minh"<D>. Các cô là những cô gái may mắn, được sinh ra trong
những gia đình khá giả, được bố mẹ đặt vào đầu những dự tính cuộc sống sẵn có
như một ưu đãi tự nhiên của một lớp người trong xã-hội. Các cô cứ việc lớn lên
,đôi khi hãnh diện về những ưu đãi đó, dửng-dưng trước những khó khăn của Dân
Tộc, mà hầu hết những người thanh niên nghèo như tụi tôi đều phải gánh chịu,
không phải như một anh hùng, mà chỉ là một công dân. Đối với một đất nước bị
chiến tranh liên miên và khốc liệt như nước mình, Mỵ thử nghĩ coi, làm cho hết
bổn phận của một<I>"công dân"<D>thôi, cũng đủ thấy mệt rồi, chứ đừng nói chi
đến chuyện làm một<I>"anh hùng"<D>, ngoại trừ những tiền nhân! Trong thời đại
tôi, tôi chỉ thấy toàn những gian hùng: gian hùng chính trị, gian hùng tài
phiệt, gian hùng đảng phái, gian hùng tôn giáo, mà người ta vẫn thường gọi
là<I>"giáo gian"<D>...Xin lỗi Mỵ, tôi nói hơi nhiều, thực ra không phải là
bản chất của tôi đâu!...
Không khí có vẻ nặng nề, khi cả hai người đã bắt đầu nói đến những điều thuộc
về những phần đời, mà dù ít hay nhiều họ đều có tham dự. Trong dáng suy nghĩ,
với nét mặt buồn buồn, Mỵ đưa tay vuốt những sợi tóc lạc loài trên trán, do
luồng gió biển thổi giạt vào bất ngờ, vừa nói:
-Mỵ cũng thấy được điều đó, khi đất nước mình chẳng còn cái gì để so sánh
cả. Cũng như trăm ngàn thiếu nữ khác, dù được ưu đãi hay không, từ những giàu
sang sẵn có của bố mẹ mình, thì bọn Mỵ chỉ biết học hành, vui chơi, như bản
chất trời cho một cách vô tình bên những nỗi đau của đất nước. Đó là sự thực
chẳng ai chối cãi cả. Có điều, nếu những người ấy, đến một lúc nào đó trong
đời, họ chợt nghĩ tới Tổ quốc như một trăn trở về Quê Hương, thì Mỵ thấy họ
cũng đáng thứ tha, bởi vì dường như trời sinh ra người đàn bà nhỏ bé chỉ để
nghĩ đến những việc nhỏ bé và bình thường như Tình Yêu chẳng hạn: yêu bố mẹ
trong gia đình, yêu anh chị em, bạn bè...xa hơn chút nữa cho người tình, để rồi
cũng chỉ trở lại yêu một gia đình khác hơn, đó chính là gia đình của riêng
mình, gồm có vợ chồng, con cái...Cái vòng lẩn-quẩn nhỏ bé đó, nó làm hết đời
của một người đàn bà, anh Hữu!
-Tôi không đòi hỏi các cô phải là những vị anh thư của thời đại, nhưng không
nên vô tình quá với đất nước. Dửng-dưng với nỗi khổ của người khác, tôi nghĩ đó
là điều, dường như đồng nghĩa với tội ác. Tôi không ám chỉ Mỵ đâu, nhưng sao
tôi vẫn không dành cho những người đó sự kính trọng, dù đàn ông hay đàn bà. Qua
Mỹ chỉ để hưởng được sự giàu sang sẵn có, đến độ người Mỹ thấy được cái thâm ý
của mình, để rào trước đón sau như lời ghi "dằn mặt" trong xấp tài liệu trên
đảo trước khi bước vào đất họ, thì quả là điều đáng buồn! Cái "thâm ý" đó, thực
sự bắt nguồn từ lòng ích kỷ, ngay từ trên quê hương có chiến tranh của mình,
hiện thân bằng sự "dửng dưng" như tôi đã nói lúc nãy, nghĩa là hưởng thụ cái
đã!<I>"Sống chết mặc bay"<D>!
Mỵ cười giả lả, nói:
-Nhưng tụi Mỵ thuyết phục anh đi Mỹ, có phải để<I>"hưởng lộc"<D> của người
ta đâu?
-Tất nhiên không phải là thế, nhưng những ý định đó không phải là ít trong
những chiếc đầu dễ-dãi của hàng chục ngàn người tỵ nạn trên đảo này, cũng như
các trại khác trên khắp thế giới, nếu không, đã không có câu viết dị kỳ ấy trên
các xấp cours. Tôi nghĩ không oan ức lắm đâu! Tôi không chọn vô phái đoàn Mỹ vì
một lý do riêng không tiện nói, nhưng trong đó, chắc hẳn có lòng tự trọng của
một kẻ mất nước đã từng chiến đấu bên họ trong một khoảng thời gian rất dài mà
máu của chúng tôi cùng với máu họ đã đổ trên cùng một chiến tuyến, dù sau đó
chẳng bao lâu, họ đã tháo chạy giữ lấy thân, bỏ chúng tôi ở lại, phải tự chiến
đấu một mình bằng trái tim, cũng của những người yêu nước tự trọng, không than
vãn, với những viên đạn quá "date" mót từ kho vũ khí phế thải cho đến giờ phút
cuối cùng, nhìn quanh chẳng thấy ai, ngoài những chiến hữu có cấp bậc thấp nhất
như mình, nên đành lòng cho tay vào còng của kẻ thù để kết thúc máu xương, chịu
làm người tù cô độc trong 5, 7 năm, như một giấc mơ của kẻ mộng du thảm thương
giữa lòng thế kỷ, đó Mỵ. "Đồng Minh" nào đã chia xẻ những đắng cay đó, và Tổ
quốc nào đã ghi công những đứa con bất hạnh âm thầm này?!
Nét mặt Mỵ mang vẻ buồn-buồn nhìn Hữu rất lâu như chừng đang xúc động, rồi cúi
xuống, chồm người thu dọn những chiếc đĩa dơ chồng lên nhau, bỏ vào đó những
chiếc thìa nhôm thực gọn ghẽ, xong đứng lên gọi Thùy nhờ bưng đi rửa như thường
lệ. Thùy từ trong trại nói vọng xuống gì đó nghe không rõ, rồi nàng chậm rãi
bước xuống nhà bếp, bưng chồng chén đĩa dơ hướng về phía cái phuy nước đặt cạnh
nhà tắm, làm bằng những tấm bạt xanh, ngồi rửa như chẳng có việc gì xảy ra...Mỵ
đứng dậy, lại sạp ngồi cạnh Hữu một cách thân mật để tiếp tục câu chuyện không
có đoạn kết rõ ràng. Hữu xích qua một bên, nhường chỗ cho Mỵ ngồi, nhưng không
sát nhau lắm, bởi vì Mỵ không thuộc loại đàn bà vô học, trắc nết như những cặp
tình nhân khác trên đảo, họ vẫn thường ân ái nhau một cách trơ-trẽn trước mặt
mọi người. Dường như qua cơn chết hụt trên Biển Đông, người ta không còn lý do
để gìn giữ gì nữa, kể cả nhân cách! Họ chỉ cần trùm kín bằng cái mền giữa thanh
thiên bạch nhật, ngay trên cái sạp ngủ của mình, rồi ăn nằm nhau tại đó. Chiếc
chăn mỏng của Cao-ủy không đủ dày để lấp che những bờ mông tròn lẳng của những
người đàn ông thèm khát, cựa quậy nhịp nhàng...giữa những cái nhìn hiếu kỳ của
những đứa trẻ thơ ngu ngơ, không biết người ta đang làm gì trong chiếc chăn
đó, khiến người mẹ phải đưa tay kéo đứa nhỏ ra chỗ khác, với cái lắc đầu chán
ngán. Mỵ nhìn Hữu giây lâu, rồi từ tốn, nói:
-Như vậy là sự thuyết phục của tụi này thất bại rồi, chẳng mong gì anh đổi
phái đoàn nữa, khi tên anh đã lên list, nhưng cái trở ngại lớn không nằm trong
chuyện lên list hay chưa lên list, mà nằm ở chỗ anh gọi là<I>"lý do riêng"<D>
.Thôi thì, chắc hẳn là anh rời đảo trước tụi này, chậm lắm là vài tuần nữa, tụi
này chỉ mong một điều: dù ở xứ nào, tụi mình cũng nên giữ liên lạc với nhau cho
vui. Về phần con Thùy, chắc nó sẽ làm cái công việc mà anh đã nhờ nó<I>"cảm ơn"
<D>người đã nhìn thấy được những<I>"nhược điểm"<D>của anh, thay vì những<I>"ưu
điểm"<D>mà nó ngưỡng mộ nơi anh...Còn phần tôi, thì tôi vẫn giữ ý tưởng rằng,
người mà anh muốn cảm ơn đó, họ chỉ muốn che đậy một sự thực, là họ quí anh,
bởi vì tôi là một người đàn bà lãng mạn - những người thường chỉ yêu những
<I>"khuyết điểm"<D>của người đàn ông hơn là những<I>"ưu điểm"<D>của họ. Nói
thực với anh, trước đây tôi có yêu một người, chỉ vì người đó có tật ngủ nướng
,một đặc tính mà dường như tôi chỉ thấy nơi những người có máu nghệ sĩ, thường
họ sinh hoạt về đêm...Một tay rị mọ, chịu khó làm ăn...không bao giờ có những
thói xấu đáng yêu đó. Cuộc đời này, đâu phải chỉ có áo cơm đâu, anh Hữu?!
Nghe xong, Hữu bật cười thành tiếng về ý nghĩ của người đàn bà còn rất trẻ,
vốn là một SV Dược Khoa trước đây, trong đầu chắc hẳn chỉ lổn-ngổn những chai
lọ, compte-goutte...thế mà lại lãng mạn ra phết, nên nói:
-Ý nghĩ của Mỵ làm cho tôi có cảm tưởng như chừng nó xa lạ với cặp kiếng cận
dày cộm Mỵ đang mang trên mắt, hậu quả của những tháng ngày Đại học có liên
quan đến cái nghề của Mỵ đã chọn rất nhiều, mà cuối đường của giấc mơ hẳn là
một cái pharmacie to tổ bố ở dãy phố đông người...
-Anh là một thầy giáo, đã từng dạy tâm-lý học và có tham dự vào cuộc chiến
nhiều năm, mà dường như anh không đủ kinh nghiệm về một thứ<I>"xương sườn của
người đàn ông"<D>theo ý Chúa, là người đàn bà, nhất là một người đàn bà ưa khôi
hài và lãng mạn như tôi...
Trong giây phút yên lặng, Hữu thành thực hỏi thân tình:
-Nếu Mỵ không cho là tôi tò-mò, cũng lại là một thói xấu, nhưng không biết
nó có lọt vào danh sách những<I>"nhược điểm đáng yêu"<D>của Mỵ hay không, tôi
muốn hỏi là<I>"người-yêu-có-máu-nghệ- sĩ"<D>của Mỵ, giờ ở đâu, mà Mỵ ra đi lẻ
-loi cùng với cô cháu? Giá mà...
Người đàn bà có vẻ đắn đo, thoáng buồn, nhưng không muốn trả lời thẳng câu hỏi
của Hữu, nên nói:
-Tôi không có cái may mắn như anh nghĩ đâu, tôi chỉ yêu người, một người
cùng ngụ chung với tôi trong căn nhà trọ. Anh ấy ít nói như anh bây giờ, chơi
đàn khá hay, đọc nhiều...nhưng lười biếng hay ngủ nướng, hôm nào cũng đi học
trễ và chúa ở dơ...Tôi thường nói với bạn tôi rằng<I>"hắn nhớt xương và ở dơ
như tù"<D>, thế mà tôi yêu anh ấy như điên, như dại! Mỗi buổi sáng đi học, tôi
thường băng ngang hiên nhà, nơi cái cửa sổ phòng anh ấy, có bức màn màu xanh
đầy những vết ố, trông vào thấy chiếu giường bừa bãi, và một thân hình ốm tong
teo, được cuộn tròn trong tấm chăn mỏng...tự dưng tôi cảm thấy một nỗi bệ rạc
rất đáng yêu...Nhưng sau đó anh ấy vào lính, rồi chết trận, dù căn phòng đã cho
một sinh-viên khác<I>"ngăn nắp"<D>hơn thuê, tôi vẫn thường nhìn vào, và tôi có
cảm giác như tôi đau, khi tôi không còn nhìn thấy cái cảnh bừa bãi, bê tha, của
một người ngủ nướng nữa! Tôi nghĩ mọi tật xấu, có lẽ dễ làm cho người ta nhớ
lâu hơn, nhất là những tật xấu chẳng hại gì cho ai!?
-Mỵ yêu anh ấy, hay yêu tật xấu của anh ấy?
-Có lẽ cả hai, dù sau đó tôi đã lập gia đình với một người đàn ông<I>"tử
tế"<D>khác, nhưng cuối cùng cũng chỉ để chia tay...Dường như tôi không thích
hợp với những cái gì có vẻ rị mọ, chăm chỉ, mực thước quá! Tôi không yêu nghề
Dược của tôi đâu, anh Hữu. Tôi luôn luôn thèm khát một điều gì đó thiếu vắng
nơi tôi. Tôi không muốn sự làm sẵn, tiền chế. Tôi thích sự sáng tạo, đổi mới
hoài hoài. Chính vì lý do đó mà nhiều người cho tôi lãng mạn. Nhưng tôi không
coi đó là một chỉ trích, mà chỉ là một phát biểu đúng tâm tính mình. Tôi sống
trong một gia đình mà hết thảy mọi thứ đều được làm sẵn, kể cả việc lựa chọn
nghề nghiệp. May nhờ đại họa 75, nếu không, tôi sẽ là con ngựa chứng, mà vẫn
phải kéo chiếc xe được chỉ đường bởi những miếng da che hai bên mắt.Tôi không
hãnh diện về những<I>"ưu đãi"<D>mà anh đã nói lúc nãy đâu, anh Hữu. Tôi đã yêu
một người đàn ông chỉ vì những tật xấu, nhiều hơn là những nết tốt của họ, cơ
mà?!
Nói đến đó, nét mặt người đàn bà trẻ trở nên buồn và nghiêm trọng lạ thường.
Đôi mắt nàng thoáng chút rưng-rưng sau làn kính trắng dày cộm. Mỵ vòng tay
trước ngực, rồi lơ đãng nhìn ra khoảng trời xanh, nhuốm màu vàng nhạt trải rộng
trên những ngọn đồi sụp tối, vẻ hoang mang...Lúc đó Thùy từ phía trước đi trờ
tới, đưa tay xem giờ nơi chiếc đồng hồ nhỏ xíu ánh màu bạc long-lanh trên cườm
tay tròn, đầy lông măng trắng mịn, nói:
-Bảy giờ đúng rồi đó, Dì Mỵ. Tối nay có phim cười của Benny Hill trên sân
bóng, tụi mình đi kẻo trễ!
Người Dì đưa tay sửa lại cặp kiếng, rồi nhảy xuống khỏi sạp gỗ, hai chân quờ
quạng tìm đôi giép, vừa nói với Hữu:
-Thôi, để Mỵ đi, kẻo nó chờ!
Hữu vẫn ngồi bất động như cũ, mỉm cười nói<I>"vâng"<D>thực nhỏ, rồi nhìn theo
bóng hai người đang rảo bước về hướng sân banh, lúc đó đã đông nghẹt những
người chen-chúc nhau trên một vuông sân nhỏ, có đặt chiếc truyền hình thực to
trên một cái chòi bằng gỗ có cửa đóng cẩn thận trông như một chuồng cu. Một bầy
trẻ nhỏ đuổi nhau, chạy len vào giữa đám người lô-nhô, làm cho một số người lớn
bực-bội, cằn nhằn...Hữu cũng rời chiếc sạp, rồi thả bộ một mình trên một ngọn
đồi gần trại, mà trong lòng khơi dậy một điều gì đó băn-khoăn...
Sáng hôm sau, Hữu xin nghỉ một ngày không đọc tin tức ở phòng Thông Tin trên
Ban Đại-Diện trại để đi xuống Bịnh-Viện Mới cho phòng X-Ray chụp hình phổi và
thử đàm như thông lệ mỗi khi rời đảo đi nước thứ 3 đối với phái đoàn Úc. Hữu
phải đứng sắp hàng ở lổ như nhộng để khám tổng quát trước khi qua phòng quang
tuyến chụp phổi. Cái cảnh đứng truồng, tay cầm quần áo chờ đợi đến phiên mình
mình, làm cho chàng nhớ những ngày vào quân trường khám sức khỏe để dự khóa
huấn luyện sĩ quan tại trường Bộ Binh. Chàng nhớ hồi đó người bác sĩ quân y
chẳng khám gì nhiều, ngoài việc ông ấy lấy hai ngón tay nâng nhẹ mỗi bên hạ
bộ teo riết vì lạnh, cạnh một nữ phụ tá ôm cuốn sổ ghi-ghi gì đó mỗi khi vị bác
sĩ gật đầu, khiến cho chàng thẹn chín cả người, chỉ mong bước ra sớm để được
mang miếng bìa có ghi tắt ba chữ<I>"Đ.S.K"<D>(đủ sức khỏe) mà mặc áo quần lại
cho đàng-hoàng, trước khi được gửi đi thụ huấn, không hề do-dự, sợ hãi gì...Bây
giờ cái khung cảnh đó được lặp lại ở đây một cách thực kỹ lưỡng. Người bác sĩ
mắt xanh coi xét từ mu bàn tay, từng vết sẹo, vạch nhìn trong mí mắt và cho thử
cả đàm. Nhưng riêng đối với Hữu, vị bác sĩ đã hỏi rất kỹ câu:<I>"Mày có đi lính
và đi cải tạo không?"<D>nhiều lần, mặc dù câu này đã được phái đoàn Úc hỏi rồi,
trước khi họ chấp thuận chàng vào đất nước họ. Sau này Hữu mới biết là họ xem
mu bàn tay để coi thử mình có từng chích-choác gì không, còn "lính và tù" vì họ
sợ mình mang bịnh sốt rét vào xứ họ, nên khi vừa đặt chân vào Hostel, nơi tiếp
cư dành riêng cho những người tỵ nạn mới đến, thì chàng phải lãnh ngay một hộp
ký-ninh, uống liên tục trong mấy tháng liền. Điều này cũng làm cho Hữu buồn tủi
không ít, dù nó cũng hợp lý thôi về phương diện y tế, nhưng nghĩ cho cùng, ảnh
hưởng cuộc chiến tranh Việt nam không những làm cho người ta sợ sự khủng khiếp
của nó về lửa đạn, mà còn sợ ngay cả những cái gì người dân bản xứ có thể mang
đến một quốc gia khác, được xem như một tai vạ cần được ngăn chận và diệt trừ!
Sau khi chụp hình phổi và khám tổng quát xong, Hữu lủi-thủi đi về phía chợ
quán, vào câu-lạc-bộ Trùng Dương của nhóm Hải quân ngồi uống cà-phê. Hữu chọn
một chiếc bàn thấp ngoài cùng, để có thể nhìn ra lộ chính dẫn xuống bến tàu, mà
ngắm cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của những người tỵ nạn, có nhiều từng lớp, không
thua gì một xã hội như bên quê nhà...Nơi đây, có những người được một trong
những phái đoàn nhận rồi, thì họ yên tâm, tà-tà chờ đợi ngày ra đi với tiền bạc
ê-hề do thân nhân gửi tặng xài không hết. Quần áo họ, lúc nào cũng bảnh bao,
chải chuốt, trên môi luôn luôn có những nụ cười như thể phía sau đời sống họ
chả còn gì để suy nghĩ nữa cả. Cũng có những người chưa có nước nào chịu nhận
,đã ở đảo ba bốn năm không nhúc-nhích. Loại này thường mù chữ, chẳng thân nhân
gì, đến đảo được nhờ đi<I>"canh-me"<D>, cốt chỉ tránh<I>"nghĩa vụ"<D>bên nhà.
Họ sống nhờ những bọc gạo của Cao-ủy, và chỉ mong làm đầy tớ cho những người
giàu có ở đây sai vặt, xuống suối múc nước cho họ tắm trong những ngày khô hạn
,nước bồn phân phối tính theo đầu người cung cấp cho họ không đủ, với hy vọng
người chủ nhà cho<I>"ghép phom"<D>nhận làm con cháu để được tháp tùng qua nước
thứ ba, nhưng thường những kẻ này chỉ bị ở lại với những lời chửi rủa thậm tệ,
vì nhận ra rằng mình đã bị lường gạt một cách dã man! Cũng có những người hớt
-hải, điên loạn bởi những mất mát quá lớn trên biển Đông, giờ còn sống sót, nói
cười, khóc lóc thảm thê với niềm đau mà chắc hẳn trong suốt đời họ không bao
giờ quên được. Hữu đã ngồi nhìn mọi người với một hoạt cảnh, mà trong đó có
những phần đời y hệt như trên cuốn phim diễn tả lúc Ngài Tất-Đạt-Đa dạo chơi ở
4 cửa thành, trước khi từ giã vợ con, ngai vàng...lên đường tìm Đạo...
Rồi, bỗng dưng Hữu giật nẩy người, khi vừa nhìn thấy bóng Thùy đi ngang qua
với một người thanh niên Indo, mà chàng biết chắc rằng anh ta là bác sĩ thiện
nguyện làm việc trên phòng ngoại khoa. Hữu thoáng thấy lòng mình chùng xuống,
không hiểu vì do chàng vừa bắt gặp một người thiếu nữ Việt nam đang cặp bồ với
một người ngoại quốc mà chàng đã có dịp cảm thấy khó chịu như trước đây trong
những lần về phép ở phố Sàigòn, hay lòng chàng ưu tư vì do chính mình đang có
một cái gì đó mất mát!? Hữu nhìn dáng người thiếu nữ quen thuộc cùng ngụ chung
với mình ở barrack, mà có lần người Dì tên Mỵ đã nói với Hữu rằng, nàng rất
ngưỡng mộ Hữu ở một vài điểm, mặc dù điều đó chưa phải thực là dấu hiệu của
Tình yêu, nhưng chàng cũng tự thấy đó là những bất thường trong suy nghĩ của
một đứa con gái mới lớn, nhất là những thái độ tỏ ra không vui, trong bữa cơm
chiều, mà chàng và Mỵ ngồi cạnh nhau nói chuyện tâm tình một cách tha thiết...
Đời sống của người tỵ nạn buồn tủi vì sự ly hương cũng có, mà do những tệ bạc
của người đồng hương gửi lại cho nhau cũng có. Do đó, những cuộc tình dị chủng
xảy ra trên mảnh đất chật chội, nhỏ bé này không phải là ít, với các thầy cô
bản xứ đến đây làm thiện nguyện, những nhân viên Cao ủy, y-tế, xã hội, giáo
dục...làm việc có hợp đồng trong một thời gian nhất định, thì làm sao Hữu biết
được lòng Thùy, một cô gái cũng đã dày dạn vì tình trước khi ra đi?..Hữu nâng
ly cà phê lên uống cạn một mạch, để xua đi những ý nghĩ không đẹp trong đầu,
rồi chàng đứng dậy đến quày hàng trả tiền, đoạn lủi thủi bước ra, đi về hướng
ICM để coi bảng yết tên của chuyến đi trong tháng tới. Hữu chỉ mong có chuyến
đi sớm để chàng rời đảo, nơi chàng tự cảm thấy mình chả còn ràng buộc gì với
ai. Nhưng không ngờ Hữu lại gặp Thùy ở đây, với vẻ lúng túng, Thùy hỏi:
-Ủa, bữa nay anh Hữu không đi làm sao?
-Không Thùy, anh nghỉ một ngày để lên Nhà Thương Mới chụp hình phổi.
Hữu muốn nhấn mạnh ba chữ<I>"Nhà Thương Mới"<D>để dò thử phản ứng của Thùy thế
nào, nếu thực lòng, Thùy có thật những liên hệ tình cảm ở đó, nhất là trong
buổi sáng nay, nàng đã có đến nơi ấy và cùng người bàc sĩ Indo đi cạnh nhau
trên con lộ chính này, mà Hữu tình cờ bắt gặp. Thùy có vẻ áy-náy và hơi thắc
mắc, vì sáng nay nàng ở trên đó thực lâu, mà chẳng thấy Hữu đâu cả, dù nàng có
đi ngang qua phòng quang tuyến mấy lần, để đến phòng ngoại chẩn, nơi làm việc
của người sinh-viên trẻ Indo mới ra trường, tên Maika, đang thực tập thiện
nguyện chữa bịnh giúp người tỵ nạn...Thùy im lặng một lát, rồi cố lấy lại bình
tĩnh, nói trong nụ cười:
-Em cũng mới trên đó xuống đây, mà sao em không thấy anh? Em đi khám bịnh
xin thuốc ở phòng ngoại chẩn. Ông Maika vừa xuống đây có chút việc gì đó, giờ
ông ấy đi rồi...
Hữu giả vờ như không biết chuyện gì xảy ra, và thực tình cũng chẳng có quyền
hay lý do gì để biết những điều riêng tư của người con gái ấy, nên Hữu nói:
-Bịnh gì mà phải đi khám và xin thuốc, vậy Thùy?
Thùy có vẻ hơi buồn, cúi xuống mân mê đôi bàn tay, nói giọng thấp hơn:
-Bịnh xoàng thôi anh, hơn nữa ở nhà thấy buồn, em muốn ra ngoài cho khuây
-khỏa, có lẽ lát nữa em sẽ ra đồi hóng gió một chút. Em có cảm tưởng như em
muốn bịnh!
Vẻ thắc mắc, Hữu hỏi:
-Còn Dì Mỵ của Thùy đâu, mà em lại đi một mình vậy, mấy hôm thấy thường đi
cặp cả hai mà?
-Hình như Dì đi Thư Viện. Hôm qua anh đã nói với Dì những gì, mà em thấy Dì
có vẻ băn khoăn...Em thấy hai người có vẻ<I>"tâm đầu ý hiệp"<D>lắm, nên em lánh
ra chỗ khác, để chứng tỏ mình là người lịch sự...Thùy nói dài giọng trong nụ
cười nhạt của mình như nhạo báng...
Hữu mỉm cười nói giả lả:
-Anh vốn<I>"cù-lần lửa"<D>làm sao<I>"tâm đầu ý hiệp"<D>được với Dì ấy? Em
lại vu oan, giá họa cho anh rồi!
Thùy úp chiếc mũ rơm vào ngực, liếc nghiêng nhìn Hữu, nói:
-Thực đó chứ,<I>"oan ức"<D>nỗi gì! Dì ấy có nói gì em không?
-Dì cháu còn không biết được, anh<I>"người dưng"<D>đâu biết trời trăng gì?!
-<I>"Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay"<D>mới bảnh chứ!
Để tránh mối nghi ngờ có thể xảy ra, làm mất tình gia đình giữa hai Dì cháu,
nên Hữu thành thực nói:
-Dì ấy nói về những ngày còn trẻ của mình, trong tình yêu, cũng như nghề
nghiệp, và quan niệm sống, bản tính... của Dì nữa. Theo anh, Dì là người đáng
được chia xẻ, nhất là cháu ruột như em. Dì chỉ nhắc về em có một lần, là những
cảm tình của em dành cho anh như sự đứng đắn, và chút lòng tự trọng của một
người lính mất nước. Thành thực mà nói, nghe vậy, anh cũng cảm động bằng như
khi em cho biết Dì ấy nói anh<I>"cù-lần"<D>. Anh nghĩ tất cả những ý nghĩ đó
đều đúng và thành-thực. Với anh, mọi sự thật, dù được biểu lộ dưới hình thức
nào cũng đáng quan tâm. Anh mừng là cũng còn có kẻ nghĩ đến mình...trong một
thế giới người ta rất dễ quên nhau!
Giọng thăm dò, Thùy hỏi:
-Nhưng mà, anh có hay nghĩ về<I>"kẻ khác"<D>không chứ?
Hữu biết ý Thùy, nên nói ngay:
-Có chứ! Ngoại trừ em!
Thùy ngoe-nguẩy, nói giọng hờn dỗi:
-Biết rồi! Dễ dầu gì tới em!
Hữu muốn trắc nghiệm lại tình cảm của Thùy đối với người SV Y khoa trẻ Indo
như thế nào mà chàng vừa khám phá ra sáng nay, nên nói:
-Bởi vì em đã có<I>"người khác"<D>nghĩ tới rồi, sao lại tham lam thế cô bé?
Thùy chợt hiểu ra ngay ý của Hữu muốn nói gì, nên nàng tỏ vẻ sung sướng vì Hữu
cũng đã chú ý đến mình, mà trong đó dường như có thấp thoáng bóng dáng của sự
ghen tương, nên nàng thú nhận:
-Anh nói vừa đúng mà vừa sai. Thực lòng, khi gặp anh ở hành lang ICM này, em
cảm thấy lúng túng, bởi vì em chẳng có lý do gì để đến đây cả, ngoại trừ việc
đến để dò thử chuyến bay của<I>"một người"<D>...Thùy hơi cúi đầu xuống, vẻ xúc
động, rồi nhìn ra hướng khác...
Hữu cũng cảm động khi thấy Thùy đã phải nói những điều mình cần nói, nên chàng
cảm thấy thương Thùy vô hạn, dù cả hai thừa biết rằng mối tình của họ sẽ chẳng
tới đâu! Nhưng Hữu vẫn làm ra vẻ không nghe rõ những điều Thùy vừa mới thú nhận
ra đó, chàng vui-vẻ hỏi:
-Em cần biết rõ ngày đi của<I>"người đó"<D>làm gì?!
-Chỉ để em biết mình còn gần-gũi<I>"họ"<D>được bao lâu nữa, dù sự gần-gũi đó
không thuộc về mình. Đó là cách níu kéo của một người tuyệt vọng, anh Hữu!
Lúc đó, vẻ mặt Thùy buồn xuống thấy rõ, Hữu nói trong niềm an ủi dành cho một
người em nhỏ tuổi hơn mình:
-Sự tuyệt vọng nào cho bằng lúc anh vừa mới bước chân lên tới đây, đã phải
đọc hàng chữ được đóng khung cẩn thận trong một xấp tài liệu của người Mỹ dành
riêng cho người tỵ nạn<I>"Bạn chỉ có gieo ra một hạt thóc, thì bạn đừng mơ gặt
được một vụ mùa trên đất Mỹ"<D>.Và, đó là lý do đã tạo ra cái khoảng cách không
thể nào hàn gắn nổi, kéo dài niềm tuyệt vọng giữa anh và em, khi anh có ý định
bỏ phái đoàn Mỹ để chọn phái đoàn Úc, dù cũng biết rằng điều đó làm khổ chính
mình, trong đó có sự tham dự tình cảm của em, mà anh đã thoáng bắt gặp trong
những nụ cười đầy trẻ trung của em vào những buổi cơm chiều anh ngồi đong đưa
nơi sạp sau nhà bếp. Anh có một khoảng đời dài sau lưng để nhốt quá khứ bề bộn
của mình, trong khi em chỉ có những tương lai trước mặt. Hãy đừng dính líu tới
một người như anh, Thùy ạ! Người đáng được chia xẻ nhất, lại chính là Dì Mỵ.
Anh không chịu đựng nổi khi nhìn thấy nơi khóe mắt của Dì đã có những nếp nhăn
và long lanh những giọt nước mắt của một người có đủ mọi thứ, ngoại trừ Tình
yêu, khi Dì thú nhân với anh rằng: Dì chỉ có một lần được yêu người khác, gã
sinh viên cùng trọ trong nhà thủa còn đi học, nhưng chưa kịp tỏ tình, thì người
ấy đã chết...Em đừng nghi ngờ gì về Dì ấy, khi Dì đã thấy được những gì đã xảy
ra nơi em, trong những ngày tháng buồn tủi này, với những ý nghĩ tốt! Anh ít
thấy lòng bao dung nào như thế. Ban đầu anh chỉ nghĩ Dì là một người tầm thường
,nhưng không, Dì là một kẻ có lòng với cuộc sống, với chính mình, với Thùy, và
với cả anh nữa - người chẳng đem được chút an ủi nào cho Dì, ngoài sự chia xẻ
,có vẻ mù mờ vì những lý do riêng không muốn nói ra. Em nói Dì có vẻ băn khoăn
là phải, bởi vì Dì đã chọn em, chứ không phải lựa chọn chính Dì. Dì đã thành
thực nói với anh rằng:<I>"Dường như con Thùy nó thương yêu anh!"<D>. Em phải
hiểu rằng, khi người đàn bà nào họ đã thốt ra câu nói ấy với một người đàn ông
mà họ cảm mến, trót tâm tình riêng những khoảng đời buồn bã của mình trong
giọt nước mắt, về một người khác, cũng là một người đàn bà, dù người đó là ai,
thì chắc hẳn họ đã đau xót vô cùng, đến độ anh phải tìm cách nói lãng sang một
câu chuyện khác. Em nên hiểu Dì Mỵ hơn, đừng bày tỏ những thái độ giận hờn làm
Dì buồn lòng, tội nghiệp! Nỗi tuyệt vọng của Dì ấy còn lớn lao hơn của em rất
nhiều. Đó là những lời cuối mà anh muốn gửi lại cho em, trước khoảng thời gian
gần gũi không còn bao lâu nữa, như văn phòng ICM đã ghi rõ trên tấm list kia,
cũng đã là lý do khiến em đến đây một mình trong sự lạc lõng. Hãy tự tha thứ
cho chính mình và cho kẻ khác, Thùy ạ! Rồi đây, chúng ta sẽ còn rất nhiều những
thử thách với vô vàn niềm tuyệt vọng to lớn hơn, khi chúng ta chẳng có một điểm
tựa và mốc thời gian nào để níu kéo, ngoài chuyện hàng đêm chỉ có thể gửi những
giấc mơ tội tình về khoảng đất đầy đau thương bên kia bờ Đại dương, mà từ đó
chúng ta đã lén lút ra đi...Anh không chọn Mỹ, vì lý do gì như em đã thấy, còn
cái anh gọi là<I>"lý do riêng"<D>như đã có lần anh nói với em trước đây, dù
chưa kể rõ bao giờ, thực ra, nó cũng không ngoài những niềm đau tình cảm như
em hiện có, giữa con người và con người, mà anh đã vô tình có trên xứ ấy, như
một nơi anh không nên đến làm gì!...
Bóng chiều đã ngã dài trên mặt lộ bóng nhẩy chạy ngoằn-ngoèo giữa rừng cây
thấp, Hữu đưa Thùy ra đồi một lát, để phần nào nguôi quên cái thực tại chẳng
lấy gì làm vui của những người sắp xa nhau vĩnh viễn, chắc hẳn không bao giờ
gặp nhau nữa...Thế rồi, hai người bỗng dưng đứng khựng lại trên lưng chừng
đồi, vì họ chợt thấy một bóng người như quen thuộc, đang ngồi một mình trên
thảm cỏ ở sườn bên kia, đưa mắt dõi nhìn vào khoảng trời xanh thẳm...Hai người
tần ngần trong giây lát, rồi họ bước tới, bước tới...Những làn gió biển thổi
rì-rào trên ngọn đồi trọc, mang theo những chiếc lá khô từ khu rừng cạnh bên đã
chết, va vào những cụm đá trắng thấp nghe lao-xao, bất ngờ Thùy rời bỏ Hữu, vội
chạy vụt về hướng người ngồi bên kia sườn đồi, vừa cất tiếng gọi thực to, giọng
run-run có pha nước mắt:<I>"Dì Mỵ! Dì Mỵ!"<D>...Người đàn bà mang kiếng trắng,
dáng nhỏ bé, chậm rãi đứng dậy, nhìn Thùy, rồi lặng thinh...
Lúc đó, người ta chỉ còn nghe tiếng gió và tiếng của Thùy gọi trong khoảng
không, dội vào thành đá dựng, vọng ra rất khô, như mùa Hè nóng cháy trên hòn
đảo hoang, nơi vùng nhiệt đới cằn-cỗi này...
*Galang.1982
(từ tập"ĐỒI LÁ KHÔ", Làng-Văn xb.93)
*Nguyễn-Tư