PHÍA SAU MỘT LỜI NHẮN.....
Đôi khi, sống trong cuộc đời, có những người trở nên thầm lặng với những tâm cảm riêng của mình không muốn hé môi sau những biển dâu...đã làm cho họ trở nên cô đơn một cách khác thường ít ai hiểu nổi. Đó là trường hợp Nguyễn-Du đã từng mượn tâm sự Thúy-Kiều để bày tỏ lòng mình qua câu thơ"Một mình mình biết, một mình mình hay!”cho đến cuối đời ông thanh-thản nhìn cái chết của mình đến dần-dần từ dưới chân lên đến ngực, với chỉ cái gật đầu nhẹ nói mỗi một tiếng:"Được!", rồi đi luôn... Như thể ông chấp nhận cái chết là một hình thức giải quyết cuộc đời ổn thỏa nhất mà tự thân ông không muốn tiếp nối nó nữa...Trịnh Công Sơn cũng đã có cùng tâm cảm đó qua những dòng nhạc buồn lê-thê của ông, mà ông đã thú nhận rằng ông từng "sống rất ơ hờ"khi ông đã ý thức được về cái chết năm ông mới 11 tuổi, và ông cũng đã viết rằng:"Những
than van nhiều khi giấu kín" - dù than van là một hình thức biểu lộ cần được chia xẻ của tha nhân, nhưng nó chỉ được dừng lại ở chặng "giấu kín" không phải một đôi lần mà là "nhiều khi" vì do chộn-rộn cuộc sống ông đã quên nó đi, nhưng rồi bất ngờ nó chợt hiện về sừng-sững qua câu nhạc “Rồi một hôm chợt thấy hoang-vu quanh mình ...”. Điều này người ta cũng có thể nhìn rõ nơi Hemingway - nhà văn lớn của Mỹ, lẫn thế giới, người đã từng yêu thương trời long đất lở, từng sống bạt mạng đếch cần đời, dù danh vọng ông tràn trề (giải Nobel Văn chương),tiền bạc thừa mứa nhờ lãnh tiền thưởng bạc triệu nhưng kết-xù hơn vẫn là tiền xuất bản sách và bán bản quyền sách mình rất nhiều lần cho Điện ảnh Hollywood, nhưng rồi một ngày ông cầm súng tự bắn vào đầu không một thư tuyệt mệnh giải thích, ngoại trừ chuyện ông lấy bàn tay thấm những giọt máu của mình viết nguệch-ngoạc lên bàn 2 chữ:"The end!"(chấm hết!) rất mơ hồ, không ai hiểu rõ lý do, kể cả vợ con...Tấm hình được in trên bìa tờ báo khét tiếng của Pháp là “Paris Match” mà Bố tôi mang về từ ngôi trường ông đang dạy môn Pháp văn, cốt để tôi đọc luyện thêm ngoại ngữ, nhưng ông đâu biết rằng tấm hình đầy máu và tuyệt vọng đó đã ảnh hưởng tới tâm trí non trẻ của tôi suốt một đời, khi tôi muốn nghĩ về ý nghĩa thực sự của đời sống ...nên tôi không hề quan tâm về tiền bạc lẫn công danh khi đã trưởng thành ....
Mới đây toàn thế giới làm lễ mừng đánh dấu ngày loài người đặt chân lên nguyệt cầu đúng 50 năm (ngày 20/7/1969) mà người anh hùng đó không ai khác hơn là Phi-hành gia hàng đầu Mỹ quốc: Neil Armstrong, người đã đánh cái điện lịch sử về bộ Chỉ huy NASA đang điều hành và theo dõi Phi thuyền Apollo 11 đưa ông và người bạn đồng hành là Aldrin lên mặt trăng khi ông đã bước xuống bể "Yên lặng", rằng:"Eagle đã hạ cánh!"(Eagle” là biệt danh của phi thuyền) cùng câu nói lừng danh của ông trong ngành chinh phục Khô ng gian (thực ra câu này Nasa đã soạn trước) loài người không thể quên được, :"Đó là một bước đi ngắn của một người nhưng là cái nhảy vọt vĩ-đại của Nhân-loại"(That's one small step for a man, but one giant leap for Mankind)...Nhưng người hùng đó đã cũng lại có đời sống ẩn-dật đầy thầm lặng khó hiểu, rất buồn tủi không thua gì những người đã kể trên kia...
Được biết Armstrong sinh năm 1930, thủa bé say mê ngành phi-hành, ông đã xin học lái máy bay hồi còn vị thành niên và có bằng lái máy bay rất sớm, nhưng lại chưa đủ tuổi để lấy bằng lái xe hơi. Lớn lên ông xin vào ngành Không-lực Mỹ, đã trở thanh Phi-công tài ba chuyên trách những chuyến bay thử (test)khi có chiếc nào mới ra lò ...và sau này được huấn luyện trở thành Phi-hành gia nổi tiếng trên thế giới nhờ ông và Aldrin đã thành công trong việc đáp xuống nguyệt cầu ngày 20/7/69
mà cho đến năm 75 nhân dân các nước CS, đặc biệt là Trung cộng và VN vẫn còn cho đó là chuyện “ba xạo”, chỉ do sự "tuyên truyền của bọn Tư bản Mỹ phịa ra” khi các giảng viên VC "răng đen mã tấu" từ Bắc vào vẫn nói như thế một cách chân thành với đám tù Cải-tạo miền Nam chúng tôi , kể cả việc nói chính Liên-xô đã thả 2 trái bom nguyên-tử lên nước Nhật để chấm dứt Thế-chiến II chứ không phải Mỹ, giữa những tiếng cười lén của bọn tôi, thấy mà tội nghiệp! Nhưng sau đó, năm 1972 thì Armstrong về hưu non mà người ta không hiểu vì lý do gì, bởi đối với một Phi-hành gia đầy kinh-nghiệm và huyền-thoại như ông, với sự huấn luyện dài ngày rất tốn kém, thì tại sao lại phải ra khỏi NASA tức-tốc như vậy, ở cái tuổi 42 hãy còn khá trẻ, bởi chúng ta thấy rằng một ông già như Glenn, cũng là Phi-hành gia nổi tiếng của Mỹ ở tuổi ngoài 70 ông vẫn được chấp thuận lên phi thuyền để thử sức cơ mà, so với Neil ở tuổi 42 từng đáp lên mặt trăng thì nhằm-nhò gì...
Neil (Armstrong) đã lặng lẽ về tận tiểu bang quê nhà là Ohio âm thầm sống nơi ngôi làng nhỏ bé tên Lebanon, thường lui tới mấy cái quán cóc nơi đó uống cà-phê một mình mà chả ai biết ông là ai, đến độ cô hầu bàn thường bưng thức ăn ông thích là xúp hến cho ông phải tiếc nuối nói rằng:"Giá tôi biết đó là người hùng Neil thì tôi đã xin chữ ký của ông ấy rồi!". Điều đáng buồn là người vợ tấm mẳn tên Janet của ông sau đó đã bỏ ông vì một lý do mà hẳn chỉ có người Tây phương mới có: kết án ông hèn nhát không dám mạo hiểm đưa bà đi du lịch thế giới như Neil đã hứa trước khi lên đường đến Cap Canavaral, mặc dù bà đã từng cùng hai con lo lắng cho chồng khi biết ông sắp bước vào phi thuyền bay lên mặt trăng mà hết 99.99% là sẽ như Kinh-Kha một đi không trở lại, bởi vì biết bao nhiêu bất trắc đang đón chờ người chồng yêu quí và gan dạ của mình.Những bất trắc có thể là hỏa tiễn sẽ nổ trên bệ phóng, có thể bay lạc trong vũ trụ, hoặc đến mặt trăng rồi không thể về được trái đất vì hỏa tiễn phụ hư, vô-vàn lý do kỹ thuật hay thời tiết với công việc mà ai cũng biết giống như một "cảm-tử quân" ôm mìn diệt địch...Trong lúc những Phi-hành gia khác thì ồn ào, dựa vào danh tiếng, công trạng của mình để làm Chánh trị, dở lắm cũng chân Nghị-sĩ Thượng viện. Ai cũng hí-hửng in "Visit card" với tít người hùng Quốc gia:"Astronaut"(Phi-hành gia) như kẻ đồng hành với ông là Aldrin. Họ đi diễn thuyết khắp nơi ở các Đại học kiếm bộn tiền, nhưng Neil thì cứ âm thầm lủi-thủi một mình chả ai biết gốc-gác là ai, đặc biệt ông không nói gì về công trạng của mình mà toàn thế giới ngưỡng mộ vì đã chọn ngành Phi-hành gia cũng đồng nghĩa như chọn cái chết cho chính mình, vinh quang đâu chưa thấy nhưng vợ con, cha mẹ, anh em hẳn phải lo âu, lên ruột. ...Đừng tưởng đó là việc chơi, khi trước cái chết ai cũng phải sợ, sợ cho chính mình, sợ cho những người thân. Đó là "bản năng sinh tồn" tự nhiên mà ai cũng phải có, kể cả con chó! Ai cũng có quyền sống cả...Coi cái chết "nhẹ như lông hồng" chỉ xảy ra ở những bậc Thánh, những bậc Anh hùng, nên nhà Thơ ngụ-ngôn nổi tiếng nước Pháp là Lafontaine đã viếtchuyện “Thần chết và người Tiều phu"(La Mort et le bucheron)...để giễu cợt những người lớn-lối làm bộ không sợ chết này... Đại-khái là ông tiều-phụ cực khổ quá bèn bỏ gánh củi xuống than kêu trời “Thần chết ui, sao ngươi không đến mang ta đi cho rảnh thân, làm lụng vất-vả quá , chết sướng hơn!” ... thi tức thời Thần Chết trong bụi rậm phóng ra chỉ là bộ xương khô với lưỡi tầm sét bén ngọt phán: “Ô-khề, ta sẽ giúp nhà ngươi toại nguyện tú-suỵt như nhà ngươi mơ ước!” Thế là gã tiều-phu “tá hỏa” thụt lùi về phía sau giơ hai tay xin-xỏ “Xo-rì Thần Chết, cực quá em than giỡn chút thôi, ai ngờ Ngài xuất hiện thực, nhưng nói vậy chứ em sợ chết mà ham sống thấy bà đi, nên em đổi ý, xin lỗi Ngài nha! Thanh kiều!”....rồi hắn vội lau mồ hôi vả ra như tắm nhanh-nhẩu kê vai gánh 2 bó củi chạy có cờ không dám nhìn lại phía sau ....
Sự thầm lặng, sống ẩn dật đến như "tịnh khẩu" của Armstrong đã làm nhiều người thắc-mắc. Nhưng không thắc mắc làm sao được khi ông không giống ai với vai vế vĩ đại của mình, là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, cắm cái cờ Mỹ trên đó và để lại vết giày size 11 mà kể từ khai thiên lập địa đến năm 1969 chưa ai làm như thế được. Người ta cho rằng Armstrong bất mãn chính phủ Nixon đã chuẩn bị bài điếu văn trù ẻo, "tế sống" trước khi ông và Aldrin bay lên nguyệt cầu, vì đã không tin vào tài năng của ông lẫn máy móc trong lúc ông là người dám tin mới ra đi thanh thản được mô tả khi ông bước vào phi thuyền với nụ cười tươi như hoa đầy hy vọng. Giả thuyết này tôi thấy không đúng chút nào, bởi vì không ai hiểu vấn đề nguy hiểm trong ngành không gian ở thập niên 60 cho bằng chính những Phi-hành gia đích thân lái những phi thuyền ấy. Họ phải biết rõ cách vận hành của phi thuyền, của máy móc, và luôn luôn có phương án dự trù để tự sửa chữa mỗi khi nó bị trục-trặc. Nhưng người ta đã quên một chi tiết nhỏ bé nhưng rất quan trọng trong lời nhắn gửi của Armstrong khi có người hỏi ông về công trạng vĩ đại này mà ông là người lập được, rằng:"Có ai lên mặt trăng làm ơn nhắn họ xóa giùm vết chân của tôi đã để lại trên đó!". Một câu nói chứa đầy vẻ đắng cay, bao hàm ý nghĩa một sự bất mãn nào đó thuộc về phép xử thế đã không toại lòng nhau, đến độ người tạo ra thành công không muốn nhắc tới nó nữa, chẳng những bằng cách sống ẩn dật không bàn đến sự vĩ đại do mình tạo ra được cả thế giới biết, được thán phục và hẳn chả ai dám phủ nhận cả (ngoại trừ CS) mà ông còn muốn xóa bỏ công trạng đó nữa (xóa giùm vết chân tôi). Điều này có nghĩa rằng ông đã "hối tiếc" việc mình đã làm cho nhân loại, thì đó không phải là việc bình thường, mà phải do một duyên cớ gì đó rất khủng khiếp vì Armstrong đã từng dám hy sinh mạng sống mình và hạnh phúc gia đình để in dấu giày này cơ mà, vì nước Mỹ (dĩ nhiên) và vì loài người như ông đã phát biểu, thế thì tại sao nay lại hối tiếc muốn xóa bỏ???
Công lao của ông là lòng can đảm dám chấp nhận cái chết coi như tất yếu khi trèo vào phi thuyền để lên một nơi chưa ai rõ nó ra sao và không chắc còn về được không, khi ông còn những ràng buộc khác mà ông không có quyền tự ý quyết định, đó là gia đình: vợ con, cha mẹ, thân quyến! Và, điều thứ hai ông phải là người tài năng, đâu có phải ai cũng làm được việc đó mà phải chịu đựng bao khó khăn trong việc huấn luyện gian khổ dài ngày, còn phải có đam mê và năng khiếu về ngành phi hành nữa...Thành quả hy hữu đó đã đem lại vinh dự cho nước Mỹ về mặt chánh trị khi Mỹ đang hết mình chạy đua với Liên xô, chưa kể việc vinh danh cho tiến bộ khoa học của loài người...Thế nhưng bây giờ ông muốn xóa bỏ hết, bôi hết, kể cả lời hứa giản dị mà ai cũng có thể làm được sau khi trở về trái đất là đưa vợ đi chơi khắp năm châu, hẳn ông sẽ được thế giới đón nhận niềm nỡnữa, thế tại sao ông lại chối từ tất? Có người giải thích lý do thứ nhì: đó là do bản tính khiêm nhường nên Neil không muốn tô son chuốt phấn cho mình, dù kể ra ông cũng rất xứng đáng làm việc đó. Nói "ngon" anh làm thử coi, hay lại sợ chết vì thấy cuộc đời này vợ đẹp con xinh, lon lớn...cũng cần sống lắm chứ!? Nếu thực Neil khiêm nhường thì không bao giờ ông lại có lời nhắn đầy cay đắng như vậy, ngoại trừ ông bất mãn một điều gì đó ghê gớm lắm đối với cuộc đời dối trá này, nói rõ ra là cơ quan ông trực thuộc: NASA! Tại sao ông phải về hưu non (tự ý về, hay bị đuổi?) ở tuổi 42!??Huấn luyện được một Phi hành gia đầy kinh nghiệm và đam mê như ông đâu phải dễ? Vậy là phải có cái gì đó "wrong" bên trong mà ông chán ngán không muốn nói ra, chán đến độ không muốn gặp ai, không thể đưa vợ đi chơi như đã hứa đến bà phải bỏ ông, dù sau đó ông có lập lại gia đình với một người đàn bà góa do một tai nạn xe hơi làm chồng bà chết, cũng chỉ từ một người khác giới thiệu, và ông vẫn sống như mọi ngày trong thầm lặng, không chút đổi thay, có nghĩa là ông chọn sự cô đơn mà trước đó người ta không thấy, có lẽ vì ông đã thấu hiểu được câu nói của Thoreau:"Tôi không tìm được người bạn nào đáng làm bạn hơn là sự cô đơn"(I never found the companion that was so companiable as solitude) mà Neil Armstrong là một trường hợp...qua lời nhắn cay đắng khó hiểu trên, dù ai cũng biết nó bắt nguồn từ một sự bất bình khủng khiếp nào đó với cuộc đời này (ở đây là NASA) mà TCS đã có lần lên tiếng:"Tôi và cuộc đời đã tha thứ cho
nhau..." dù Neil đã không tha thứ trọn vẹn, khi ông chọn đời sống ẩn dật (xa cuộc đời) mà vẫn còn "thở" ra lời nhắn đắng cay ấy, nếu không muốn nói đó là sự dỗi hờn nặng trĩu niềm bất mãn chung thân...Hay là lý do sau cùng đã có một thời kỳ báo chí và truyền thông Mỹ rầm rộ tố cáo chính phủMỹ vì lý do chính trị cạnh tranh với Liên xô, đã tạo ra hiện trường giả cảnh Amstrong bước xuống mặt trăng ngay chính trong một phim trường bí mật ở Hollywood nhằm đánh lừa thế giới và chính nhân dân Mỹ của họ bằng những chứng minh như : trên mặt trăng không có không khí tại sao lá cờMỹ bay phất phơ, hay trên một tảng đá có in chữ “C”, hoặc là mọi vật hiện trên mặt trăng đều cónhiều bóng...chứng tỏ đó là do sự dàn dựng nhiều đèn chiếu trong phim trường ....? ...Những điều này được NASA giải thích rõ ràng bằng khoa học ...nhưng có một điều chứng minh rõ ràng nhất cách nay vài tháng (năm 2019)chánh phủ Mỹ đã long trọng làm lễ “Kỷ niệm 50 năm ngày nhân loại đặt chân lên mặt trăng” thì không thể đó là một cảnh “giả” được, vì không ai có thể giấu nhẹm một sự kiện vĩ đại như vậy được, khi Mỹ là nước Dân chủ, Tự do nhất thế giới không thể bưng bít bất cứ điều gì dù nhỏ nhặt mà lâu đến 50 năm, nhất là nước Nga, nước không ưa gì nước Mỹ trong cuộc chạy đua về ngành Không gian trước đây, lẫn những nước lớn sau này như Trung cộng và Ấn độ vẫn còn công nhận sự kiện vĩ đại này và cứ tiếp tục ...Trong nội dung lời nhắn của Amstrong hàm chưá hai điều : một là sự “dỗi hờn cay đằng”, và điều quan trọng hơn, đó là “sự thực”, bởi vìkhi ông nhờ người ta xóa vết giày “size 11” của ông trên đó mà các vệ tinh các nước khác bay quanh mặt trăng đã từng chụp lại được sau này, thì không thể xuyên tạc gì được nữa ...nếu không có dấu giày của ông trên đó thì xóa cái gì, chụp cái gì, mặt trăng làm gì tự nhiên có dấu giày trên đó ngoại trừ Amstrong đã tạo ra ....? Như vậy, “sự lặng lẽ nơi này” của Amstrong có lý do riêng của nó mà ông cố giữ kín trong lòng cho đến khi từ giã cõi đời mà thôi, nói theo kiểu dân gian của ông bà mình là “sống để bụng, chết mang đi” ...
Về sự kiện vĩ đại có một không hai này này - với tôi, nó đã bôi xóa đi mơ mộng thời thơ ấu của tôi, vì trong các tinh tú trong vũ trụ tôi yêu nhất “mặt Trăng” và “sao Mai”..vì hai lý do: hồi bé tôi sống xa nhà khi đi theo người anh để học thêm Toán , tôi rất nhớ nhà nên cứ đêm trăng là tôi vòng tay trước ngực đi qua lại trong sân tỏa thơm mùi hoa bưởi, mà mắt vẫn nhìn lên trời thấy mặt trăng dịu mát sao nó giống y như mặt trăng ở quê tôi không khác gì hết và tôi đi tới đâu thì nó vẫn đi theo tới đó ..Nhưng, nhớ nhất vẫn l à mùa tháo nước trên cánh đồng dưa gan nhà tôi đất pha cát rất mịn...nên ánh trăng long-lanh trôi trên những dòng nước trắng ngần chảy róc-rách vào những luống dưa màtrái đang bắt đầu chín vàng khè, nứt ra trắng hếu trông rất đẹp, làm tôi nghĩ tới những tán đường đen quê tôi còn thơm hơi mật mía ăn với dưa này thì rất tuyệt vời...Tôi ở nhà quê nên mới thấy vẻ đẹp của ánh trăng lấp-lánh sau những tàu cau gió bay lả-lướt, nên mùa Hè thì tôi chỉ cần trải chiếc chiếu hoa trải trên hè xi-măng khá cao của nhà tôi, ôm con mèo con ngủ ngon lành dưới hiên trăng tới sáng ...Giờ mặt trăng của tôi sù-sì, đầy những trũng hình tròn và núi đá chông-chênh, có cả d ấu giày to đùng trên đó... thì còn gì là thơ mộng của tôi ...?Và, sao Mai là ngôi sao - với tôi, nó rất nhiều kỷ niệm, cũng thời thơ ấu, nó là ngôi sao tạo cho tôi những vết buồn không bao giờ phai nhạt... Trước tiên, nhờ nó mà tôi dùng như một chiếc đồng hồ thiên nhiên để biết giờ mà lùa bò lên núi, cứ nhìn nó sáng rực-rỡ khi nghe tiếng gà gáy hai hồi là tôi bật dậy, chuẩn bị lên rừng cách nhàtôi chừng 8 km... mà phải vượt đường xe lửa trước khi mặt trời mọc không thì sẽ bị máy bay bắn...Tôi chỉ cần rửa mặt xong, rút cái đòn xóc có gắn 2 vòng dây lạt ở một đầu, lấy cái rựa hay liềm bàng (tùy lấy củi hay cắt lá hôm đó), chụp mo khoai do Mẹ tôi gói sẵn để trên bàn...chạy vội ra chuống bò, bịt mồm chúng..rồi tháo cổng, xong thót lên lưng con bò cầm bầy bự nhất, vừa gõ chiếc liềm vào đòn xóc kêu lanh-canh báo cho bọn hàng xóm như tôi nghe mà đi cùng...vừa nhìn sao Mai rực sáng ....Và, sau này, tôi có đọc được bài ca dao trong cuốn “Quốc văn giáo khoa thư” của cụ Trần Trọng Kim do anh tôi để lại thấy có bài Thơ “Đêm chờ” kèm với bức tranh vẽ người đàn ông VN xưa, mặc áo dài đen... đứng sau nhà, cạnh cái ao, nhìn ánh sao Mai... với nét mặt buồn rầu quyện vào lời thơ cũng buồn y như vậy, chắc là đang nhớ người yêu ở xa trong đó có 2 câu tôi thuộc nằm lòng từ đó: “Buồn trông chênh-chếch sao Mai/ Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ ?” ...nên từ đó tôi yêu sao Mai vô cùng, chưa kể những lần đăng lính tôi chỉ nhìn sao Mai mà đi một mình không ai đưa tiễn cả, trên Quốc lộ 1, tối thui, chân tôi va vào những cục đá xanh bắn vào nhau tóe lửa khi hai bên đường thiên hạ ngủ yên, ngoài những tiếng chó sủa vang khi tôi đi ngang qua chúng...Tôi cứ nhìn sao Mai mà đi cho đỡ cô quạnh vì tôi lén nhà đi mà... Cho nên, Trăng và sao Mai, ôi những người bạn gần gũi và xinh đẹp thời thơ ấu của tôi, nay chỉ còn trong trí nhớ ...!
*Nguyễn-Tư