Monday, 5 April 2021

MỘT NƠI CỦA TRANG… ( Nguyễn Tư )

 



MỘT NƠI CỦA TRANG…


*Truyện ngắn Nguyễn-Tư


Dũng ngồi nhìn tấm giấy nhỏ của gia-đình một người bạn gởi hôm qua, họ muốn

mời chàng chiều nay đến nhà họ dự bữa tiệc tất-niên, bởi vì họ biết Dũng lâu nay vẫn ở

một mình và sống bằng những gói mì khô, hay những tô phở ăn vội ở một quán nào đó

đêm khuya. Dũng mỉm cười, thầm cám ơn người bạn đang sống trong cảnh đầm-ấm của

gia-đình mình mà còn nghĩ đến chàng - một kẻ lang-thang, “cơm-chùa-cháo-chợ”, nhất là

người bạn đã chia xẻ được những nỗi buồn phiền của một người tỵ-nạn cô-quạnh không

có một người thân nào ở đây đã bao năm rồi. Sự trống vắng trong những ngày cuối năm

làm cho chàng cảm thấy buồn tủi hơn, bởi trong giờ này mọi gia-đình của những người tỵ

nạn lưu-vong dù trên xứ người, họ vẫn bận-rộn trong những nghi lễ đón Xuân, với những

niềm vui và hy-vọng mới, không khác gì ở bên nhà. Riêng Dũng chàng đã chẳng có

những niềm vui đó, mà chàng còn cộng thêm cái chết của người cha khi chàng còn ở

trong tù, đúng vào mùng 2 tháng Giêng âm-lịch - ngày mà trong cái Tết đầu tiên trên

hoang đảo Galang ở Indo, chàng chỉ cúng cha mình bằng nửa ca gạo và một nắm muối

với một cây nhang xin từ ông chủ tàu… đặt trên tờ báo trải ra nơi đầu một cái sạp nhỏ

vừa đủ để cho lưng một người nằm…Chàng chỉ thắp nhang để “vọng” vậy thôi, không hề

khấn nguyện gì cả…

Dũng ngồi thừ người trên một căn gác nhỏ ở phố Newtown, có khung cửa sổ nhìn

ra một mái tôn rỉ-sét của một căn nhà cũ-kỹ. Chàng gác hai chân lên chiếc bàn gỗ đầy rẫy

giấy tờ và bản thảo viết dở-dang, trong đó có chiếc thư gởi cho một người bạn ở xa -

người bạn rất xưa của những ngày còn đi dạy học, có vạt nắng hồng lao-xao trên sân cỏ,

trong tà áo màu cổ-đồng rất Huế của Uyên thoáng qua, với đôi mắt mềm như nhung, hơi

ướt, mà nàng ưa ví-von với Dũng là “đôi mắt biết cười” vẫn hay nhìn chàng vào những

khi đang đứng lớp cạnh sân cờ …Để rồi kéo theo những tháng ngày không vui sau đó, ở

một quận lỵ sương mù vùng đất đỏ, chỉ thoáng mùi hương hoa trà trong những buổi

mai…Từ nơi đó Uyên đã ra đi, để lưu-lạc như mọi người miền Nam ở tận Paris sau năm

75, và đã tìm về xứ Úc này với một chiếc thư mỏng như tà áo của nàng ngày xưa, qua

Tòa-soạn của một tờ báo mà Dũng đang cộng tác, trong đó chỉ có vài dòng ngắn-ngủi,

bùi-ngùi làm cho Dũng cám thấy đau: “Anh ở tù về có được khỏe không? Lúc Uyên về

Khánh-hội có nhắn anh lên qua đứa học trò cho Uyên thăm với, nhưng sao không thấy

anh hồi-âm? Không hiểu lúc đó anh có đi tù về chưa? Thôi, cứ coi như chưa, để Uyên an

lòng. Mình không có được những gì yêu thương, thì hãy nên yêu thương những gì mình

đang có… chứ sao anh?” Dũng chợt mỉm cười về ý nghĩ: “hãy yêu thương những gì

mình đang có” vì Dũng tự thấy mình chẳng có cái gì để yêu thương cả, dù phải gắng mà

yêu thương…và Dũng nghĩ thầm không trả lời thư cho Uyên, chỉ vì ngày xưa đã không

đến được với nhau thì giờ đến làm gì nữa, em cứ coi như tôi đã chết cho nó nhẹ lòng

…Dũng thở dài, định phone cho gia đình nhà người bạn cảm ơn hảo-ý của bạn và báo

cho họ biết là chàng bận nên không thể đến dự được bữa cơm tất-niên mà người bạn

khoản-đãi như một ưu-ái dành riêng cho chàng, bởi vì chàng biết khi đến đó, chàng sẽ

thấy buồn tủi hơn bên những ấm-cúng của người khác. Chàng đứng dậy đến góc tường để

gọi phone, thì chợt nghe tiếng gõ cửa dưới lầu. Dũng nhoài người ra khỏi khung cửa sổ

nhìn xuống thì thấy Trang. Nàng đang nhìn lên, nét mặt tươi cười rạng-rỡ, nói:


-Nay em đi đúng giờ hoàng-đạo mới có anh ở nhà, xuống mở cửa lẹ lên ông!

Dũng mỉm cười nói vọng xuống:

-Còn tính đi đâu nữa, mà ăn mặc đẹp vậy hả?

-Đi thăm tất-niên anh, chứ còn đi đâu nữa, lẹ lên anh, mở cửa cho em đi nha, gió

quá nè!

-Từ-từ đã nào. Em ồn quá! Lúc nào cũng nhặng lên như gà mắc đẻ!.

Trang bật cười thành tiếng vì câu ví-von rất nhà quê của Dũng với mình, nhưng nàng vẫn

chịu khó đứng chờ. Dũng xuống thang lầu mở cửa cho Trang. Cánh cửa sực mở, nàng

bước vào với vẻ mặt hớn-hở, mùi nước hoa hiệu “Champagne” mà chàng từng ưa thích

nơi cô bạn đồng-nghiệp trước đây thơm lựng, tay ôm một gói gì đó vuông-vức, gói giấy

hoa bên ngoài cột bằng dải lụa tím hồng ... Tà áo dài bay phất-phơ do cơn gió tuôn qua

cánh cửa, len vào phòng khách, làm hiện lên những chiếc hoa thêu trên nền vải trắng nổi

bật hẳn ra. Dũng sựng người lại, vì đã lâu chàng mới có dịp nhìn thấy tà áo dài trắng

trong như hồn mới lớn, mà chàng đã gắn bó hơn nhiều năm dạy học ở bên nhà, mỗi khi

trống trường bãi ra…Trang cười thật tươi, nói:

-Áo em đẹp không anh Dũng?

-Biết rồi, vô đi, kẻo gió!

Trang cười sung-sướng, bước tới cầm gói quà đưa cho Dũng, nói:

-Quà tất-niên cho anh nè.

-Sao bữa nay tử-tế quá vậy?

-Tử-tế lâu rồi chứ bộ, giờ mới biết hả?

-Quà gì vậy em?

-Mở ra xem đi! Quà đặc-biệt chỉ riêng anh mới có loại này mà thôi …!

-Gì, mà bí-mật quá vậy, nặng trịch, gói đến mấy lớp giấy dày cộm, chắc là hòn

gạch, hi …hi …

-Trùi ui, em “ác”vậy hả?

-Biết đâu được, ở đời mà, đôi khi có những điều chợt xảy ra bất ngờ mình đỡ

không nổi đó nha!Vừa nói đùa Dũng vừa mở gói quà …Sau khi bóc lớp giấy chì và

“nylon” bọc ngoài cùng, thì ra là cái bánh chưng thơm phức mùi nếp chín quyện với mùi

lá chuối luộc mặn-mà mà ngày bé Dũng ưa…ngồi quanh bếp lửa hồng cùng mấy anh chị

em quay-quần nhau sau hè, cùng với Mẹ chờ nồi bánh to đùng đang sôi sùng-sục mà

trong đó có những chùm bánh nếp nhỏ bé do mấy anh chị em tự gói từ nếp dư riêng cho

mình … …để rồi khi tuổi chớm lớn chàng đã xa nó vạn trùng …không bao giờ gặp lại lần

nữa… Nay, hình ảnh ấy lại trở về bất ngờ với hương vị xa-xăm đầy ắp tuổi thơ, đúng vào

ngày Tất-niên do cô bạn nhỏ mang lại …Dũng buột miệng nói :

-Bánh thơm quá em ơi, anh mê cái mùi nếp chín và lá chuối luộc vườn tượt tuổi

thơ này, em tặng đúng người và đúng thời điểm - những thứ mà anh đã mất từ lâu khi anh

bắt đầu lớn khôn …Cảm ơn nhỏ nha !

-Bánh em nấu chứ không mua hàng chợ đâu nha, khi vớt bánh ra em chợt nhớ tới

anh, một người mà em biết chả Tết nhứt bánh trái cúng-kiếng gì hết …nhất là em nhớ tới

ngày giỗ của Bố Mẹ anh mất vào dịp Tết, mà anh chỉ cúng bằng đĩa muối và đĩa gạo,

cùng mấy cây nhang …cốt chỉ để tưởng-niệm cho “phải đạo” làm con mà thôi, vì anh tin

chả có linh hồn nào mà về cõi Dương để hưởng thức ăn hết …thì em thấy thương Bố Mẹ

anh quá, dù cũng biết không phải anh nghèo kém gì, nhưng anh không muốn nhiêu-khê

vô ích …khi anh ở có một mính, cơm còn không muốn ăn nữa mà. Nhưng điều quan-

trọng không phải gói quà, mà là tối nay anh đi chơi với em nha!


-Bé Lan đâu mà coi bộ bữa nay em thong-dong quá vậy?

-Em gởi cho bà hàng xóm rồi. Tập cho nó quen với lũ nhỏ Úc.

-Có đem xe không?Xe anh bán rồi, cái xe cà-tàng màu đỏ, nhưng mui bao giờ

cũng trắng xóa bởi phân chim thải xuống từ cây cổ-thụ trước nhà mà anh rất lười, chả bao

giờ chịu rửa hết, đến độ khi vào sở làm, trong giờ “lunch”, bạn đồng-nghiệp cùng đứng

cà-phê thư-giản trên bao-lơn đã nhìn thấy, rồi chúng chỉ-chỏ bật cười nói: “Cái xe đỏ,

mui trắng cứt chim kia… chắc chỉ là xe của thằng Dũng nhà mình…!” Giờ anh chỉ toàn

xài xe lửa và “bus” cho nó khỏe cái đầu, ở đây lái xe là một hy-sinh lớn …vì phải thực

cẩn-thận, dù cuộc đời này có bệ-rạc cách gì mình cũng cố gắng mà sống với nó …cho

trọn kiếp, mà có người từng viết: “từ ngày Mẹ cho mang nặng kiếp người” …

Nghe xong, Trang mỉm cười và lắc đầu nói:

-Dũng mà, em biết, chả “care” cái gì trên đời này hết, kể cả phân chim, hi…

hi… Xe em để ngoài kia nè, anh!

-Nhưng đi đâu chơi mới được chứ?

-Tùy anh, hôm nay em “hỉ xả” cho anh một bữa, Tết mà!Mình là những đứa chả

có gì gọi là “favour” của cuộc đời này cả, giờ mình hãy tự cho mình những thứ ấy, ok ?

Dũng nói nhanh như chừng sợ cái gì đó đến, mà mình chả bao giờ thích:

-Đi đâu cũng được cả, nhưng đừng tới nhà bạn bè trong những ngày này.

-Sao vậy?

-Bởi vì hoàn cảnh nó sẽ làm mình tự nhìn mình rõ hơn khi ở cạnh những ưu-thế

của người khác nó sẽ làm mình buồn tủi lắm. Tết là ngày sum-họp của mọi gia đình Việt

Nam mà em, thứ mà anh với em chả bao giờ có nơi đây, kể cả bên nhà, như anh … chả

hạn, suốt đời chỉ thấy mình gắn bó với những căn trại: trại lính đã đời, rồi trại tù, trại tỵ-

nạn trên Đảo, xong trại tiếp-cư ở đây, và cuối cùng chắc cũng chỉ là căn trại khác: trại

dưỡng-lão …thì làm gì có cái riêng tư, sum-họp …mà “ấm” với “cúng” …?

-Buồn nhỉ?

-Chẳng những “buồn” mà còn “tủi” nữa em …Anh chả khi nào có cái khái-niệm

về “tổ ấm” bao giờ …Nếu cắc-cớ ông thầy cho bài luận: “Hãy nói về “tổ ấm” của trò..”

chắc anh bị điểm “zéro” …trong tiếng cười giễu cợt, rồi Dũng nói:

-Thôi, mình lên lầu đi em!

Trang kéo vạt áo dài, bước theo Dũng đi lên thang lầu, nàng ngơ-ngác nhìn căn phòng

nhỏ bé, bụi-bặm, để lộn-xộn những đủ thứ đồ khắp nhà, rồi lắc đầu, hỏi:

-Nhà gì đồ-đạc tùm-lum, nhưng lại đúng như em tiên-đoán, anh không sửa-soạn

ăn Tết gì cả, thực vậy sao?

-Tết “chó” gì mà “ăn” hả em?Với anh ngày nào cũng y nhau, cũng của đất

trời…và nỗi trống vắng …

Trang nhìn quanh, đoạn tiếp:

-“Năm Mới” gì, mà nhà cửa sao bề-bộn, dơ quá vậy nè, giấy má, sách báo , áo

quần…bừa-bãi trên bàn , dưới sàn…Sao anh không xếp đặt lại cho ngay-ngắn hả? Đúng

là nhà thiếu tay người phụ-nữ!

-Anh có “Năm Mới” đâu mà dọn-dẹp, cứ “dơ”vậy cho xong, hồi đi tù mỗi ngày

chúng nó chỉ cho một lon “Guigoz” nước để uống, lâu-lâu mới cho ra tắm sông, tù chỉ có

môn “tắm khô” như tụi anh hồi đó ưa giễu, nghĩa là tắm không cần nước, cứ kỳ da cho

“ghét” nó bong ra, phủi đi là xong …Cho nên, người ta ưa bảo “dơ như tù” là vậy…vì thế

mà tên nào cũng mình đầy ghẻ, bởi thiếu dinh-dưỡng đã đành mà cũng vì ở dơ do chúng

nó tạo ra để “trả thù đời”…Bịnh ghẻ nó hành-hạ tù khủng-khiếp lắm, cứ khoảng 10 giờ


đêm khi nghe kẽng đánh báo hiệu giờ bắt buộc tù phải im lặng đi ngủ, thì anh em đi nằm,

đắp mền …hơi nóng phả lên, “cái ghẻ” thấy ấm chui ra tấn công như chúng nó ngày xưa

“công đồn đả viện”, thế là hàng ngàn tù đều lên cơn ngứa cùng lúc, đứa nào cũng cong

lưng gãi háng, nên anh em gọi là giờ “gảy đàn tập-thể” như một ban Đại hòa-tấu “hoành

tráng”… Ngứa điên cuồng, ngứa dã-man… gãi bao nhiêu cũng không đã, thì lại gãi càng

mạnh hơn, đến máu toé ra …rồi xát “alcool” hay thuốc tím vào…rất “phê” nhưng cũng

cực rát …Thế rồi màn hai bắt đầu: nhảy cà-tưng như mấy kép hát bội ngày xưa vừa quạt

vào háng, vừa rên, vừa hít-hà …giống như người ta xức thuốc lác hiệu “Ông già”của Chợ

lớn trước 75 vậy…Khi cơn ngứa lắng xuống, nước vàng từ vết gãi tứa ra, dính vào áo

quần rồi khô dính lại vào ghẻ như mo, sáng dậy, gỡ chúng ra để đi vệ-sinh là một cực

hình vì sẽ chảy máu lần nữa và đau thấu tim gan, có đứa phải chảy nước mắt đó em …Đó

là tù cải-tạo, “độc”vô cùng, chả giống người tù xứ nào trên thế giới, ngoại trừ những xứ

CS thì y chang nhau…Vừa nói Dũng vừa lấy cái áo sơ-mi trên móc phủi những hạt bụi

trên chiếc ghế da đã thủng nhiều lỗ do tàn thuốc đốt cháy khi Dũng sơ ý làm rớt lên, rồi

bảo Trang:

-Thôi, chịu khó ngồi lên đó chút coi cô nương, sao em lúc nào nhặng quá vậy?

-Trời ơi, la em hoài hà. Nghỉ chơi với anh cho rồi.

-Thôi mà, ngồi xuống đi. Bộ chê dơ hở?

-Ừa!

Mặt Trang xị xuống trông buồn cười, nhưng cuối cùng nàng cũng nghe lời theo, vén vạt

áo dài ngồi xuống thở phào…

Trang là một cô gái sôi-nổi, có chút ít lãng-mạn trong đầu, nên cũng thích chơi với Dũng,

một người trầm lặng, yêu chữ nghĩa, và cũng làm Thơ như nàng. Trang đã dở-dang một

lần với một Sĩ-quan đã có gia đình, để lại cho nàng những dấu ấn không nguôi quên, đó

là bé Lan được 5 tuổi. Nàng có nước da trắng muốt, mịn-màng và đôi mắt long-lanh.

Dũng gặp nàng trong nhà của ông Chủ-nhiệm một tờ báo khi ông ấy tổ chức buổi sinh

hoạt hàng tuần cho những người cộng tác vui chơi. Trang ngồi cạnh Dũng, nàng mặc

chiếc “robe” đen tuyền và choàng khăn “voile” tím, nổi bật trên làn da trắng ngà, phản

chiếu với ánh đèn “néon” xanh nhạt trông thực đẹp. Dũng chẳng nói gì, chỉ ngồi lặng lẽ

uống những lon bia. Lúc ấy Dũng còn ở trong Hostel nhưng cũng viết được một số bài

gởi ra ngoài, kiếm tiền tiêu vặt, cộng với những buổi đi hái dâu thuê cho các chủ “Farm”

Úc, ngày nào họ cũng đem xe đậu sẵn trước Hostel để lấy công nhân với giá rẻ mạt là

người Tỵ nạn mới tới, nên tiền bạc chàng cũng tạm đủ. Cuối bữa tiệc ông Chủ-nhiệm bày

ra trò chơi đố vui, người nào thua sẽ bị phạt một bát nước đầy. Trang rất lúng-túng vì một

câu đố không gỡ được, khi ông Chủ nhiệm hỏi nàng: “Cái bánh gì không ăn được?”. Thế

là Trang sắp phải uống một tô nước xem chừng lớn hơn cái bụng của nàng nhiều. Trang

nhìn sang Dũng với đôi mắt cầu-cứu, Dũng mỉm cười nhắc nhỏ: “Cái bánh xe!”. Trang

thoát nạn, thế là Dũng trở thành “ân-nhân Văn nghệ” của nàng từ ấy. Nhưng có một lần

Dũng tình cờ đã gặp Trang nơi một siêu-thị, nàng lọng-cọng, một tay nách bé Lan, tay

kia ì-ạch đẩy “trolley” nặng trĩu…Dũng đến giúp, Trang cảm động, đi sát Dũng mua sắm

thêm như một đôi vợ chồng. Một hình ảnh mà lâu nay Trang thiếu vắng và khát-khao.

Đôi mắt của Trang chớp-chớp, lung-linh, thứ lung-linh màu tình của một người đàn bà

đang Hạnh phúc và nàng nói:

-Anh Dũng, hôm nay em vui quá!


-Thế hở? Anh cũng vui như em. Anh cũng mơ ước đến một ngày nào đó, anh tự

nhìn mình với những hình ảnh ấm cúng như thế này, bởi vì trong đời anh chưa bao giờ

được như vậy cả ...Trời ơi, đẩy “trolley”, thứ dụng cụ chỉ dành cho những ai có hai thành

viên trong nhà trở lên , “solo” như anh làm gì có, mì gói quanh năm mút-mùa-lệ-thủy

….Ngày trong Quân đội tụi lính nó nấu cho ăn, không thì nhai gạo sấy với thịt hộp ba lát,

cá mòi …uống nước khe hà-rầm, ợ lên là ớn tận cổ, vậy thôi, lâu-lâu bắn được con thú

rừng thầy trò nướng lên ăn cho đỡ ghiền, nhưng hiếm khi vì sợ lộ mục-tiêu bởi khói là

điều tuyệt đối cấm kỵ khi đang hành quân, ngọai trừ ở những nơi đóng quân thực an-ninh

mà thôi !Trang cúi xuống lặng-lẽ, rồi ngước lên nhìn Dũng, nhìn bé Lan một cách âu-

yếm, một lát sau, nàng nói nhỏ giọng, trong hơi thở:

-Anh Dũng à, em muốn hỏi thật với anh một điều mà em dự-tính từ lâu…

-Chuyện gì vậy Trang?

Trang làm thinh, Dũng hỏi tiếp:

-Chuyện của anh hay chuyện của em?

-Chuyện của hai người!

-Anh có làm gì đâu mà nên chuyện?

-Có phải anh thường lang-thang trên đường “King” ở “Newtown” , vào ban đêm

trong những đêm mưa khuya, không hả?

-Thỉnh-thoảng, vì lang-thang là thói quen của anh, nhất là trong những đêm

mưa… khi anh trằn-trọc ngủ không được thì anh ra đường lang-thang rồi ghé vào “Pub”

Tây uống vài lon bia ngà-ngà… xong thì về, vì anh rất sợ những giây phút cứ nằm suy tư

một mình …Nhưng biết đâu lại có anh chàng khác nào đó khùng-khùng như anh chả hạn

…Xứ Úc này nhà thương điên hơi nhiều đó nha …

-Em nghĩ là anh, vì cái dáng cao, đi hơi cúi, đặc-biệt là không nhìn ai cả …Xin

anh đừng đi một mình ngang qua đường “King”nơi nhà em vào những đêm khuya như

vậy nữa, nhất là những đêm mưa…

Dũng ngạc-nhiên hỏi:

-Sao vậy em?


-Em chịu đựng không nổi. Anh không thể hiểu…lòng em lúc đó đâu! Những

đêm khuya, em thường ngủ không được như anh, nhất là khi nghe tiếng mưa

rơi trên mái ngói trong một căn lầu quá rộng, em bế bé Lan, đứng nhìn qua

khung cửa sổ xuống đường “King”, vắng teo, chỉ có vài chiếc xe “taxi” mở

hết tốc lực chạy ào qua, làm bắn tung lên những tia nước trắng xóa long-lanh

dưới ánh điện vàng. Chiếc xe lướt qua thực nhanh, rồi mất hút trong đám mưa

lù-mù… và bóng dáng của một người đàn ông lủi-thủi bước trên vỉa hè của

Siêu thị “Woolworths” phía bên kia đường, là anh…Sao anh buồn quá vậy?

Em đã bắt gặp anh như thế rất nhiều lần. Nói thật với anh là em bật khóc…!

Sao anh lại buồn quá vậy chứ? Anh cứ cúi đầu đi, không nhìn ai cả. Thỉnh-

thoảng nghe anh húng-hắng ho, và đưa tay vuốt mặt…tự dưng em nhớ đến 2

câu thơ của anh đăng báo ngày nào:

“Hạt mưa chảy xuống thành dòng,

Đưa tay vuốt mặt mà lòng dửng-dưng…”

Dũng lặng thinh giây lâu, rồi nói giọng bùi-ngùi:


-Anh không biết có nhà em ở trên dãy lầu đó. Nếu biết, thì anh chẳng bao giờ đi

qua con đường đó đâu.

-Sao vậy anh?

-Trước tiên “buồn” không phải là “émotion” do mình muốn hay không muốn

mà nó tự phát bởi hoàn cảnh của từng người. Hơn nữa, anh chỉ muốn anh

buồn một mình, không muốn ai tham dự vào những cơn buồn tủi của mình, kể

cả những giọt nước mắt của em…!Nói thế, không có nghĩa là anh xô đẩy em

đâu, nhưng anh không muốn mình là niềm đau của kẻ khác, vì anh nghĩ, bất

cứ ai cũng không nên đi sống cuộc đời của người khác, mà chỉ nên sống cuộc

đời của chính mình, bởi vì ai cũng có một cuộc đời riêng thôi mà, mình phải

sống với nó, rồi chết với nó. Có lẽ em đang thương xót “chiếc bóng” của

chính em, đó Trang!Một thứ phóng-thể thầm kín, mà đôi khi mình không hay

…bởi nó đã chìm sâu trong tiềm thức nhiều năm …


Trang buồn-buồn nói:

- Em chưa bao giờ đi dưới mưa một mình trong bóng tối trên phố khuya như

thế, nên em không chịu đựng được cái hình ảnh quá cô quạnh và đau buồn ấy, bởi vì em

chắc người đi đó, dù là ai, thì họ phải rất buồn, một cơn buồn kinh khiếp lắm, đến độ họ

tê điếng, không còn cảm thấy sự giá buốt của mưa gió, không còn thấy sự dày đặc của

bóng đêm trùm xuống đời họ. Anh thử tưởng-tượng xem, trong đêm khuya-khoắt nơi

thành phố trên xứ người này, khi thiên hạ đều ngồi trong nhà, có nệm ấm chăn êm, có

than hồng của lò sưởi nổ tí-tách, với những lời đùa giỡn reo vui, cùng ăn ngô rang chả

hạn, hay những âu-yếm, những lời tình tứ mật ngọt nhau…thì lại có một người đi dưới

kia một mình…trong đêm khuya, với những cơn ho ngắt quãng vì lạnh, dưới mưa, anh

Dũng. Trời ơi, mình đồng da sắt gì đâu, mà anh dửng-dưng chứ! Nói thực, ai cũng là con

người, bằng xương bằng thịt và có trái tim biết thương đau, biết lạnh-lẽo.. . Em không thể

chịu đựng nổi cái hình ảnh đó, dù em chỉ tình cờ bắt gặp một vài lần. Em đau nhói cả tim

khi nghe anh ho, và đưa tay vuốt những hạt mưa chảy tràn trên mặt, có gì thì anh cứ nói

cho em biết với, xem thử em có chia xẻ và giúp đỡ, an-ủi anh được điều gì hay không?!

-Nếu anh có niềm vui gì thì anh sẽ chia cho em vì niềm vui sẽ làm người khác

vui theo, nhưng anh làm gì có thứ xa-xỉ ấy, mà chỉ có những buồn tủi, thứ này thì anh

thừa mứa, nhưng anh chỉ nên giữ một mình, bởi vì nó là tai họa của cuộc đời phù du này

không nên để nó lây nhiễm …Nói vậy, để em thấy rằng đó là sự thực vì em là người mới

chỉ “cảm” cái nỗi đau đó thôi mà còn vậy, phải bật khóc …thì người đang “mang” nỗi

đau đó rất nhiều năm, họ sẽ ra sao, nên anh không muốn em mang tai-ương ấy vào người,

như anh, mà vốn nó “nặng tội” hơn em rất nhiều? Không ai muốn tự hành-hạ mình làm

gì cả, nhưng cái gì nó cũng có lý do riêng của nó, mà người ta không nỡ, hay không

muốn nói ra đó thôi, như có người hát “những than-van nhiều khi giấu kín…” vì nỗi đau

hình như đã trở nên bão-hòa tan biến vào chính tim gan của họ, đến độ như chai lì, nó

không còn thừa để xẻ chia, nhất là khi cuộc đời này, sừng-sững như những vách đá dựng

vô-tri vây quanh, cao ngất tầng trời, có phải ai cũng như em, như anh đâu, “nặng tình”

với cuộc đời này quá đỗi, cái gì cũng có thể làm cho mình băn-khoăn hết cả…Giá tỉnh-

queo được như hầu hết mọi người chắc mình sẽ nhẹ lòng hơn ?… Do đó, nên đành lòng

chịu đựng một mình như anh vậy thôi, vì thế em thấy anh lúc nào cũng chỉ lặng-lẽ, và

lặng-lẽ bên cạnh cuộc đời này, hay đúng hơn bên những người khác, kể cả em, và chính

trong gia đình lớn của anh nữa, anh sống lủi-thủi như một bóng ma, vì thế anh bị đòn

nhiều hơn, đến nỗi cuối cùng anh phải bỏ trốn, cũng trong một đêm khuya không trăng


sao, khi tuổi hãy còn bé … Nhưng em tin đi, anh hứa sẽ chả làm phiền em nữa đâu, nghĩa

là anh không còn lang-thang qua đường “King” đêm hôm nữa, vậy thôi ...! Nỗi đau của

anh mà em cảm nghiệm được, có lẽ nó chỉ đau bằng một người nào đó bắt gặp em đang

bồng con, đứng cạnh bên một khung cửa sổ trên một căn lầu rêu phong trống không, đêm

hôm, nhìn mưa mà khóc sụt-sùi, một mình, khác gì câu Thơ của Lưu-Trọng-Lư thời tiền

chiến: “Như đêm thiếu-phụ bên lầu không trăng…”, một câu thơ buồn rất xưa mà anh

cảm nghiệm được nỗi quạnh-hiu đó và đã vẽ thành một bức tranh dầu, chứ gì?

-Cũng có thể như thế, anh Dũng, nhưng những giọt nước mắt của em, người ta có

thể dự đoán được cho nó một lý‎ do vì em là góa phụ hẩm-hiu, nuôi con một mình và như

câu thơ của anh ngày xưa mà em tình cờ đọc được ở một tờ báo nơi đây:“Con chẳng có

gì nơi đây /Xót đêm tứ-cố, buồn ngày vô-thân…” trong bài “Lời cho Mẹ đã khuất” trên

xứ lạ quê người... Nhưng sự dửng-dưng của anh trước mưa gió trong bóng đêm giá

buốt… thì quả em kinh-hãi quá, nó không thua gì khi anh đọc cho em nghe hai câu thơ

khác cũng của anh, nơi bậc cấp nhà trọ anh nơi đây mà em mãi nhớ tới giờ, lúc anh hay

tin Mẹ anh vừa mất ở VN mà bà không hề biết anh nơi đâu vì anh đã lén Mẹ ra đi bởi sợ

bà buồn …vì anh đã xa bà quá lâu trước khi mất nước:

“Những chiều hiu-hắt mưa bay,

Có người ngồi uống rượu say một mình…”

Và, em đã từng tình-cờ bắt gặp anh như thế, nhiều lần, khi em làm về rồi ghé thăm anh,

thường em có mang một hộp thức ăn do tay em tự nấu buổi sáng, đến đút vào tủ lạnh

trong sở, chờ vãn việc em mang đến cho anh, nhưng lần sau đến, em đổi cho anh món

khác, thấy hộp thức ăn cũ vẫn còn nguyên, em buồn vô-hạn, hay là anh chê “dở” không

chịu ăn chăng?Những lần ghé như vậy em thường thấy anh ngồi nơi hiên nhà, có lúc trời

lâm-râm mưa, tay cầm lon bia bóp bẹp đã cạn, mà đôi mắt anh rưng-rưng đỏ khé như

bóng mặt trời chiều …Em biết là anh đang buồn cùng cực mà anh vẫn cười, nụ cười héo-

hắt, đầy buồn tủi, phải làm cuộc đời này xấu hổ, vì họ đã để cho một thành viên của họ

phải chịu đựng như thế nhiều năm… Em vẫn nhớ cái ngày lần đầu tiên, em gặp anh trong

buổi tiệc của Tòa báo, anh ngồi cạnh em, mà không nghe anh nói tiếng nào, không tham

dự nửa lời trong cuộc vui, ngoại trừ lúc em sắp bị phạt. Em có nghe chị Thư-ký Tòa soạn

mình kể rằng, lúc anh đang còn ở trong Hostel để học Anh-ngữ và Văn-hoá Úc trước khi

ra ngoài để hội nhập với xã hội hoàn toàn mới, anh đang ngồi ở “Club” coi TV công-

cộng, nhưng khi chợt nhìn thấy chị đi lên hướng phòng anh, thì anh biết chị ấy tìm anh để

lấy bài, nên anh bỏ ra về nhưng vẫn lặng-lẽ đi theo sau lưng chị đến nhà, chẳng nói lời

nào, khi chị ấy gõ cửa, thì anh cũng vừa tra chìa khoá vào mở, và mời chị vô nhà

luôn…Sự lặng lẽ của anh làm cho người khác sợ-hãi, trừ em….!

-Về những hộp thực-phẩm em cho, anh biết thân “cháo-chợ-cơm-chùa” đâu dám

chê, nhưng anh sợ phiền em thôi, dù sao anh cũng cám ơn em rất nhiều …Nhưng vì sao

em nói mọi người sợ sự lặng-lẽ tột cùng của anh, mà em lại không ?

-Bởi vì em đã tình cờ bắt gặp anh đi dưới mưa trong đêm khuya ngoài phố nhiều

lần, chính vì biết anh buồn lắm, nên em mới bật khóc, cũng chỉ khóc một mình, anh

Dũng, anh còn nhớ ý Thơ rất buồn của Thanh-Tâm-Tuyền mà ngày em mới lớn đã thuộc

trong bài “Lệ đá xanh” không nhỉ: “Đôi khi tôi muốn tin có những người khóc lẻ-loi một

mình…” khóc đã buồn lắm rồi, mà khóc một mình sao nó tang-thương quá anh ơi!


Chiều nay,Trang đến căn gác thăm Dũng, vì nàng biết chàng chẳng đi đâu vào

chiều cuối năm này, luôn tiện mang cho Dũng một ít quà, vì Trang biết Dũng chẳng có gì

để ăn Tết cả, ngoài những gói mì khô quanh năm. Nhìn đống giấy bừa-bãi, nửa trên bàn,

nửa dưới sàn, Trang lắc đầu, đứng dậy, cúi xuống nhặt lên, xếp đặt lại cho ngay-ngắn trên

bàn, bất ngờ nàng thấy chiếc thư viết dở-dang của Dũng để bên cạnh chiếc phong bì gửi

đi có ghi địa-chỉ khá xa,với dòng chữ mở đầu ngọt-ngào nhưng rất kỳ-bí: “Uyên, của-

những-ngày-xưa ..xa-xăm! ” thì nàng sựng lại, vì tự cảm thấy rất hổ-ngươi khi mình vừa

mới chạm đến đời tư của người khác là Dũng, dù chỉ là vô tình, trong lúc Dũng đang lui-

cui trong phòng tắm để rửa mặt. Trang tự biết mình không có quyền gì trong những tình

cảm riêng tư của chàng, nhưng nàng vẫn cảm thấy “đau” bởi vì đó là phản-xạ tự-vệ đầu

tiên của phụ nữ khi họ cảm thấy họ đang vừa mới mất-mát cái gì đó …. Rõ-ràng là người

tên Uyên ở tận mãi đâu xa, đã còn đang tham dự vào đời sống tình cảm của Dũng, nhưng

Trang vẫn tin rằng Dũng là loại đàn ông không vì yêu mà khổ tâm đến phải “buồn” như

vậy hàng ngày. Dũng thuộc loại đàn ông lãng-mạn, vì Dũng biết viết Văn, làm Thơ, vẽ

tranh, chơi ảnh và tạc tượng ngay cả trong tù…nhưng Dũng không bi-lụỵ đến thế, Trang

có cảm tưởng Dũng là loại bất-cần-đời, pha một chút ngông-nghênh, rất dày-dạn gió

sương - loại đàn ông có chiều dày chịu đựng quá-khứ không hề “công-tử bột” tí

nào,…nên nếu có tình, thì chắc cũng làm khổ đàn bà, chứ không phải khổ vì đàn bà.

Chính như Trang đã thấy khó-khăn trong cuộc tình lãng-đãng với Dũng, dù nàng cũng tự

cảm thấy mình có chút nhan sắc, và có máu văn nghệ trong lòng, như Dũng. Lúc đó

Dũng trong nhà tắm bước ra, cầm chiếc lượt vừa đi vừa chải đầu, nói:

-Xong rồiTrang, thôi hai anh em mình đi chơi!

Trang mặt buồn thấy rõ, vén vạt áo dài đứng dậy, nói rất ngắn-ngủi, là điều ít thấy nơi

nàng:

-Dạ!.

Và, nàng nhắc:

-Quà cho anh chiếc bánh chưng, nhớ đút vào tủ lạnh kẻo nó hư uổng công em, và

anh nhớ cúng Bố Mẹ vào ngày mùng 2 Tết nha. Anh cũng cần ăn Tết với người ta cho em

vui.

Dũng mỉm cười, nói:

-Người sống đã không ra gì rồi, cúng kiếng làm chi, em? Bố Mẹ anh cũng không

đủ sức mà bơi qua cái biển rộng mênh-mông này đâu.

-Nói như anh, thì nói làm chi?

-Thực đấy chứ.

-Mình phải giữ phong-tục của mình chứ anh.

-Đành rồi! Nhưng có những thứ đáng giữ hơn, mà mình lại để lọt vào tay của

người khác, như miền Nam Tự do của mình chả hạn, trong đó có một phần lỗi của

anh, dù anh chỉ là Sĩ-quan có cấp bậc thấp nhất VNCH, từng đánh giặc tận-tình,

bị thương vài bận, nhưng rồi cũng uổng công …còn phải gánh thêm những năm tù

khổ sai tàn tệ…Thời-gian làm cho người ta thui chột đi nhiều thứ, nhưng không

xóa đi được nỗi nhớ nhà, sự tủi nhục và lòng xấu hổ, nhất là tụi anh, những người

đã từng lao đầu vào lửa đạn, đâu hề sợ hãi tính toán gì, nhưng tiếc người ta đã

phản-trắc, mình không đỡ nổi như anh đã nói lúc nãy với em, đành bó tay thôi ...

Hồi còn trẻ thì anh ở mãi trong rừng, chỉ được ăn Tết theo cái kiểu: “thấy hoa mai

nở anh mới biết Xuân về hay chưa?!” đợi giờ Giao-thừa anh chỉ lấy khẩu Colt 45,

nạp một gắp đạn, rồi ra đứng nơi cột cờ bắn đi tứ phía, tiếng nổ rền vang dội vào


núi rừng, cho tụi lính chúng nó vui, rồi vào trại lấy lương khô ra nhai, cùng uống

nước trà, chúc nhau rán sống sót …gọi là “ĂnTết” thế thôi ! Bây giờ thì anh biết

Tết bằng cách đi xe lửa, tình cờ nhìn ra ngoài thấy những tấm băng giăng ở một

Công-viên nào đó thuộc khu đông người Á châu, có ghi dòng chữ “Happy

Chinese New-Year” thì mới nhớ ra là Tết…Toàn là những phong tục của Tàu đó

chứ em. Người Việt Nam mình chỉ có một phong tục không bao giờ bỏ được, đó

là “đánh nhau” hết Trịnh-Nguyễn phân tranh, Tây sơn - Nguyễn Ánh diệt nhau

tận mạng, rồi tới Quốc-Cộng phân tranh, chưa kể thủa lập quốc, dù chỉ là huyền

thoại, nhưng đã mang mầm-mống chia xa như “mối tội đầu” trong Kinh-Thánh,

khi ông Lạc-Long-Quân và bà Âu-Cơ đã bỏ nhau, chia con, chia đất loạn-xạ rồi

…. Không biết còn cái gì phân-tranh nữa đây, chắc là “Quốc nội - Hải ngoại phân

tranh” thì chưa biết đến bao giờ mới phai?!

Vừa nói Dũng vừa dìu Trang xuống thang lầu chật hẹp và tối om.Trang vẫn lặng thinh

làm cho Dũng ngạc-nhiên, bởi vì thường, Trang lúc nào cũng nói líu-lo như chim. Dũng

ngước mặt lên nhìn Trang, thấy nàng buồn-buồn, Dũng hỏi:

-Anh đâu có chê quà của Trang mà coi bộ em không vui! Anh chịu ơn em đó chứ

Trang?

Trang cười gượng, nói:

-Đâu có anh, “ơn nghĩa” gì?!

-Có chứ em. Em thấy có ai đến với anh trong những lúc này đâu, lại mang quà

cho anh nữa, nhất là em còn nhớ đến ngày giổ của Bố Mẹ anh, rồi nhắc-nhở, đôi

khi anh còn không nhớ nữa mà! Cũng giống như bóng dáng anh lủi-thủi đi dưới

mưa trong đêm khuya, trên đường “King”, làm em phải bật khóc sụt-sùi …em

cũng trắc-ẩn trong ngày giổ Bố anh trên đảo, mà anh chỉ có một ca gạo Cao-uỷ,

một nắm muối và một cây nhang…không lạy bái gì …!

Và, Dũng tiếp:

-Em đi đau cái “đau” của người khác làm chi vậy, Trang?

-Nói như anh từng nói “Buồn không phải là điều mình muốn hay không muốn”,

thì “đau” - với em, cũng vậy, nó tự phát do một hoàn cảnh , mà em không thể

cưỡng nổi, em bật khóc ngon lành như trẻ con, đến độ phải tự lấy bàn tay mà bụm

miệng mình lại để dằn cơn cảm xúc, như vậy em có muốn như thế đâu, mà lý do

thì em không hiểu tại sao, nếu em nhìn thấy một người khác như thế mà không

phải là anh , thì sao nhỉ…?Tiếc là em chưa có trường hợp nào tương tự để kiểm

nghiệm cảm xúc của mình, hay là do em…. Nàng bỏ dở giữa lời…vì e ngại điều

gì đó …mà nàng không muốn bày tỏ ?

- Đối với một người từng không có tuổi thơ, không có thời trai trẻ… như anh, thì

mọi người đều nên tha-thứ, bởi vì anh đã gánh chịu cho họ hết cả cái phần mà họ

“sợ-hãi”… như em từng nói rồi…!

- “Tha-thứ” không có nghĩa là mình không biết buồn, biết đau ?…

Giọng của Trang thấp xuống, vẻ bùi-ngùi, nỗi lặng im …về dòng chữ trên đầu một chiếc

thư của Dũng mà nàng đã vô tình bắt gặp lúc nãy trong khi dọn-dẹp giấy má bừa-bãi trên

một chiếc bàn. Không phải nàng ghen tuông, nhưng nàng tự cảm thấy như nàng vừa mới

mất một điều gì đó nơi nàng, mặc dù nàng chưa thực sự cầm giữ nó bao giờ. Dũng vẫn

giao tế với nàng một cách chừng mực, luôn-luôn có khoảng cách, và Dũng cũng chẳng

bao giờ tỏ vẻ tán-tỉnh Trang ngay trong những lúc có cơ hội nhất. Dũng chẳng bao giờ

thổ-lộ điều gì về chàng với Trang. Sự thổ lộ về đời tư của nhau, nhất là những đau xót


trong đời, vì những lúc đó họ tự cảm thấy là niềm đau của người này, là nỗi khổ tâm của

người kia…là một. Người ta không thể yêu, mà không biết gì về quá-khứ của nhau…nhất

là những thương đau khép kín….

Dũng khóa trái cửa lại, rồi cùng Trang bước xuống hè. Trời đầy sao lấp-lánh sau những

mái ngói của các cao ốc. Trang đi khép-nép bên Dũng thật nhỏ-nhoi, tà áo dài bay-bay

làm cho một số người Úc lân-cận chú ý. Dũng mỉm cười, hỏi nhỏ:

-Em có thấy là tụi Tây nó đang nhìn đến em không?

-Dạ có!

-Những người hàng xóm quen với anh cả đấy, thỉnh-thoảng họ hay trò chuyện

với anh, nhất là về Việt Nam. Thường họ chẳng biết gì về một đất nước mà họ đã đem

quân đến hàng chục năm và đã đổ máu, chết ở đó trên 500 người. Họ không phân biệt

được người Việt và người Tàu, cứ thấy tóc đen là “Chinese”, đến khi anh nói “Chineses”

là kẻ thù không đội trời chung của “Vietnameses” trong Lịch sử, thì họ mới ngã ngửa ra,

và họ cũng rất ngạc nhiên một nước nhỏ bé như mình có số dân chưa bằng một tỉnh nhỏ

của Tàu, đã bị đô hộ gần 1000 năm mà không bị đồng hóa. Nhưng anh nói cho họ biết là

người Việt Nam ở đây, lại sẽ bị đồng hóa giống “Anglo-saxon” không bao lâu nữa, vì đời

sống vật chất ở đây dễ làm cho người ta chóng quên nguồn gốc của mình. Nói tiếng Anh

giỏi thì kiếm được nhiều tiền, và được người đồng hương trọng-vọng hơn là người nói

tiếng Việt. Đó là một thực tế rõ-ràng mà không ai có thể chối cãi được. Từ sự không chối

cãi này, người ta đi dần tới sự không chối cãi kia lúc nào không hay, thí-dụ: sự mất gốc!

Em có thấy không, hiện nay trong Cộng đồng chúng ta có khối người họ hãnh diện vì con

cái của họ đều nói được tiếng Anh thông thạo hơn nói tiếng Mẹ đẻ, và những cuộc hôn

nhân dị-chủng ngày càng nhiều. Người Trung hoa không vậy, ở đâu cũng có trường học

riêng của họ, như trường “Bác ái” chả hạn, có bang-bệ , chùa-chiền và nghĩa-trang riêng,

họ giúp nhau làm ăn, giàu có … Họ không giỏi tiếng bản xứ mà chỉ nói lơ-lớ để giao tế

làm ăn mà thôi. Ít khi nào thấy gái Tàu lấy trai Việt, ngoại trừ những mối tình lãng-mạn

mà họ không thể nào làm khác hơn…Chợ-lớn muôn đời vẫn là thành phố của Tàu, mà

người VN bước vào luôn có cảm giác là xứ ngọại quốc, nên khi xong việc họ sẽ gắng về

Sài-gòn để ngồi uống một ly Café trong “La Pagode” thì sẽ thấy thoải mái và ấm cúng

hơn !

Trang nghe lấy có, nhưng dường như nàng vẫn đang theo đuổi một ý nghĩ khác, nên nét

mặt vẫn còn thoáng nỗi lo âu. Dũng chợt hỏi, làm Trang giật mình:


-Sao em có vẻ suy nghĩ quá vậy, Trang?


Trang cố trấn-tĩnh lại, mỉm cười, nói:


-Đâu có, em bình thường như mọi bữa mà, anh?

-Anh không tin! Nhưng thôi, bỏ chuyện tào-lao đó đi. Em có nhìn thấy những

người Úc bạn anh, đang ngồi trên lan-can họ mỉm cười khi nhìn thấy bọn mình đi

ra không?

-Chắc họ thấy chiếc áo dài thêu hoa của em chứ gì? Trang hỏi?

-Lạ thì ngắm nhìn, chứ sao lại mỉm cười? Dũng hỏi:

-Em đâu biết được?!

-Họ nghĩ anh đang đi chơi với “Girl friend” đó. Bởi vì họ lấy làm lạ sao lâu

nay anh không có người yêu? Chỉ thấy anh lủi-thủi một mình hoài, nay lại có

em?…

Trang mỉm cười nói vui-vẻ:


-“Tình yêu” cũng đem lại niềm vui cho kẻ khác, anh nhỉ?

-Có lẽ vậy, tiếc là ở đời này lại ít thấy tình yêu, mà chỉ thấy lòng đố kỵ, nhất

là người Việt mình, khá thì họ ghét mà tệ thì họ khinh, không như Tây đâu nha,

họ rất công bằng, dù đối tượng họ không hề ưa, nhưng giỏi họ vẫn ca ngợi như

thường với lòng ngưỡng mộ thành thực, người mình thấy ai VN mà được cái giải

gì đó… thì họ chỉ nói miệt-thị: “chó ngáp phải ruồi!” như anh từng nghe chả hạn,

mình chỉ biết cười trừ, vì vốn hiểu vì sao họ nói như vậy …!?Trong cuộc đời, anh

chỉ mong cho có người tài ba hơn mình, để mình ngưỡng-mộ, và thế mình mới có

nơi để mình học hỏi, bắt chước …sao lại ghét người ta, chứ nhỉ?Có hai loại người

anh chiêm-bái: một là những bậc “Thiên-tài” vì cái “đầu” họ lớn quá… hai là nhà

“Từ-thiện” thứ thiệt, vì “trái tim” họ thênh-thang, mình không thể nào bì kịp …

Trong lúc đó, Trang lại lái câu chuyện sang hướng khác, có lẽ vì đang cay cú về cái thư

tình cờ của Dũng cho Uyên ở Paris đã làm nàng bực-bội chăng, nên nói :


-Tình yêu đem lại những niềm vui cho một số người, nhưng tình yêu có khi

đem lại những cơn đau cho kẻ khác?


Nói xong, Trang cười lớn có vẻ giễu-cợt một cách khác thường, làm Dũng áy-náy, hỏi:


-Sao vậy Trang?

-Đơn giản vì họ không được yêu chứ sao, anh? Bởi yêu, trước tiên - nó là

biểu hiện của lòng ích-kỷ ?Nói như ý của Nietz: “Khi người đàn bà bị dội từ tình

cảm, thì thường họ sẽ trở nên độc ác vô-cùng” …Người ta có thể nhường mọi thứ

trên đời cho người khác, nhưng với tình yêu thì “never”, kể cả ruột thịt, nhất là

những người phụ nữ, nhất định không nhường …ngoại trừ những trường hợp bất-

khả kháng như Kiều và Vân của Nguyễn-Du, nhưng đó chỉ là chuyện …Điều này

nơi phụ nữ Tây phương họ hay biểu hiện rất rõ qua câu thường tình: “Hands off

my man” một cách công-khai và quyết-liệt, như con thú dữ đang ngoạm miếng

mồi, nó sẽ gầm-gừ, nhe răng, dọa tấn-công nếu quyền tư-hữu nó sắp bị xâm

phạm, họ quyết bảo vệ tới bến, khác với người phụ-nữ Á châu, họ chỉ buồn đau

âm-ỉ, vậy thôi, quá lắm họ mới cho đối tượng yêu của mình biết một cách xa-xăm

…hầu cho người đó hiểu mù-mờ vì sao họ buồn … ?

Dũng tiếp lời lạc-quan hơn:

-Yêu được người, là một Hạnh-phúc lắm nghe, Trang!

-Nhưng nếu được yêu đền, thì Hạnh phúc biết ngần nào, phải không anh

Dũng?

-Anh vẫn thế đó chứ Trang. Sao hôm nay trông em có vẻ “cay đắng” với anh

quá vậy?

-Bởi, tự em đã là “niềm cay đắng” rồi, mà anh?

-Vậy thì những ngọt-ngào nào em dành cho kẻ đi trong mưa trên đường

“King” vào những đêm khuya?

-Thế mới khổ! Nếu em dửng-dưng được trước những buốt giá, thì mọi việc sẽ

khác đi….

-Như vậy là em yêu “chiếc bóng” của em, chứ nào có liên-hệ gì đến anh?

-Nhưng thấy được người khác là chiếc bóng của mình, đâu phải là một việc

bình thường, anh?


Nói xong, Trang cười với vẻ khó chịu và nói:

-Thôi bỏ chuyện lẩm-cẩm đó đi anh Dũng. Em dành cho anh một ngày Tất-niên

thật vui nha.


Rồi, Trang cúi xuống tra chìa khóa vào cửa xe, mở cho Dũng ngồi vào. Nàng rồ ga phóng

tới một cách không được bình thường lắm, tiếng bánh xe rít trên mặt lộ nghe rợn người,

khói bay mù-mịt làm Dũng ngơ-ngác, hỏi:

-Anh có làm gì buồn lòng em không, mà coi bộ em kỳ-cục quá vậy, Trang?

Trang nói lời nghẹn-ngào:

-Không sao đâu, anh Dũng! Em khổ quen rồi…!

Hai người ngồi cạnh nhau nhưng không nói lời nào. Không-khí trở nên nặng-nề một cách

khó hiểu, nhất là Dũng. Một lát sau,Trang giảm vận-tốc xe từ-từ, và có vẻ hối-hận, làm

lành với Dũng, nói:

-Em buồn quá, anh nên tha thứ cho em. Em đang yêu “chiếc bóng” của em.

Anh nói đúng đó, em xin lỗi anh nha!

Trang đưa xe vào một “Car-Park” quen thuộc, rồi đi với Dũng lên tầng lầu cao nhất của

một khách-sạn có sân thượng nhìn ra biển xanh. Trang trở lại mềm-mại và vui-vẻ như

chẳng có việc gì xảy ra. Dũng có vẻ e-dè vì thấy Trang có những thái độ kỳ lạ…Hai

người ngồi đối diện nhau để uống những ly khai-vị. Gió từ dưới biển thổi lên, làm tóc

Trang bay-bay rẽ về một phía, làm nổi bật một bên mặt của Trang trông nàng có vẻ như

một tài-tử. Trang vuốt lại mái tóc, cười nhẹ nhìn Dũng, xong cúi xuống cầm ly rượu

xoay-xoay trong lòng bàn tay, suy nghĩ gì đó, rồi bỗng dưng nâng ly rượu lên trước mặt

Dũng, đoạn cụng ly, và nói:

-Em chúc anh một “Năm Mới” đầy may-mắn, sớm hơn mấy tiếng đồng hồ.

Còn 3 giờ nữa là đến Giao-thừa, khoảng thời-gian này, ở đây là của em, anh

Dũng!

Dũng cười nâng ly lên cụng với lyTrang, làm rượu sóng-sánh muốn bắn ra ngoài, Dũng

nói:

-Anh không dám chúc em Hạnh-phúc, nhưng chúc em có đủ lòng bao-dung để

tha thứ cho kẻ khác, nếu họ có lỗi, hay nghĩ rằng họ có lỗi, dù bất cứ với lý do gì,

Trang nhé!

Sau đó, Trang nói chuyện huyên-thuyên như mọi bữa, nhưng trong đó có những tiếng

cười kỳ-dị, nhất là Trang uống hơi nhiều rượu mạnh, mà Dũng đã can ngăn rất nhiều lần,

làm cho Dũng hoang-mang cùng-cực. Dũng cố kiểm-soát lại coi từ lúc Trang bước vào

nhà mình mà chàng ra mở cửa, có điểu gì làm cho Trang bất-bình hay không? Cả những

lời nói đùa nữa. Nhưng chàng chẳng thấy có điều gì gọi là làm cho Trang buồn cả. Rượu

càng vào làm cho Trang càng nói dữ, lẫn trong những tràng cười man-rợ làm cho Dũng lo

âu, bởi vì chàng chưa bao giờ thấy Trang say-sưa hư-hỏng như thế. Nhưng điều làm cho

Dũng hoảng sợ nhất, là những giọt lệ của Trang bắt đầu trào ra nơi hai khóe mắt…Một

lát sau,Trang mệt thực sự, người của Trang mềm nhũn đi. Dũng kêu bồi tính tiền và dìu

Trang xuống thang lầu, đưa Trang vô xe. Hai mắt Trang nhắm nghiền, hơi thở nồng-nặc

mùi rượu và nước mắt vẫn cứ trào ra…Dũng lái xe đưa Trang về đến căn nhà có tầng lầu

cũ kỹ ở đường “King”, mà chàng vẫn vô tình đi ngang qua đó nhiều lần trong những đêm

khuya…Dũng bật đèn lên, cởi áo dài cho Trang móc lên tường, rồi lấy khăn nhúng nước

lạnh lau cho nàng. Trang ú-ớ gọi tên Dũng, rồi nằm ngủ như mơ…

Dũng vào nhà tắm rửa mặt, xong ra đứng nơi cửa sổ ngó xuống đường “King” đầy bóng

tối, của một thành phố cổ xưa, chỉ toàn những Thổ dân cư ngụ. Dũng hút thuốc, phà khói

vào khoảng không, suy nghĩ mông-lung về một sự kiện mới vừa xảy ra, mà chàng không


hiểu lý do, từ một người đàn bà góa-bụa, có đôi mắt buồn, dù rất vui tính…Người đàn bà

nhỏ-nhắn, da trắng mịn, mà chàng đã tình cờ ngồi gần trong một tiệc trà nơi nhà một

người bạn Văn nghệ, khi chàng vừa mới đến Úc. Người đàn bà mà chàng đã tình cờ gặp

trong một siêu-thị lần thứ nhì với đứa con được nách trên tay, đang đẩy “trolley” rất vất-

vả. Người đàn bà đã bật khóc khi nhìn thấy chàng lủi-thủi trên đường “King” vào những

đêm mưa. Người đàn bà đã đến thăm chàng với món quà mọn trong chiều 30 Tết nơi một

căn gác đìu-hiu…Dũng vẫn đứng nơi đó thực lâu để chờ cho Trang tỉnh rượu, rồi chàng

giao chìa khóa mà về. Hốt nhiên chàng sực nghĩ đến chiếc thư viết dở cho Uyên khi chiều

còn để trên bàn, và bỗng chàng giật nảy người, khi nhớ chính Trang đã xếp lại cho gọn-

gàng những tờ giấy đó…

Trang đã tỉnh dậy từ-từ. Dưới ánh điện lù-mù của chiếc đèn ngủ trông nàng xanh-xao tội

nghiệp. Nàng cựa mình và rên-rỉ từng tiếng nhỏ như con mèo con. Dũng vội chạy lại để

săn-sóc cho nàng, hỏi:

-Em khỏe chưa Trang?

Nàng nhắm mắt gật đầu, hơi thở vẫn còn mùi rượu mạnh, nàng đòi uống nước. Dũng vội

pha cho Trang một tí Café bưng lên. Chàng đỡ Trang ngồi dậy, một tay để sau lưng nàng,

một tay cầm ly Café cho nàng uống. Trang thở hổn-hển, nói trong mệt nhọc vừa đủ cho

Dũng nghe:

-Cảm ơn anh. Em “hư” quá! Làm phiền anh quá!

-Không sao đâu em. Em đã thấy khỏe chưa?

Trang gật đầu và nói:

-Em nhức đầu lắm anh Dũng à!.

-Phản-ứng của rượu mạnh đó. Một lát sẽ hết.

Dũng ngồi nơi giường của Trang, nàng nắm chặt bàn tay của Dũng như đang sợ mất một

cái gì đó. Trang nói trong hơi thở mệt nhoài, vẻ xúc động:

-Dường như anh yêu chị Uyên lắm, phải không?

-Chuyện của mười mấy năm về trước ở quê nhà, đó là lý do vì sao anh ghi nơi đầu

cái thư là “Uyên, của những ngày xưa…” có nghĩa đã là quá-vãng lâu rồi, mà em

nhắc lại làm gì nữa . Anh e-ngại đến không viết nổi hết một trang thư, phải bỏ dở

nửa chừng, em không thấy sao?

Trang muốn kiểm nghiệm lòng thành thực của Dũng tới đâu, dù nàng đã thoáng thấy cái

địa chỉ gửi đi ghi ngoài bì chiếc thư để trên bàn, nên hỏi:

-Bây giờ, chính xác, chị ấy ở đâu anh?

-Ở cách đây xa lắm:Paris, xa đến nỗi anh không định đến đó làm gì, đúng hơn là

không còn gì để đến, mình lịch-sự hồi âm cho người ta vậy thôi …Anh là loại đàn ông có

máu du-côn trong người, nên không có thói quen ưa nói dối, vì thế chả sợ gì mà giấu lén

em đâu ? .

-Chắc chị ấy trông chờ thư anh lắm hả…?

-Anh đâu biết, chắc họ chỉ muốn biết tin anh vì lưu-lạc nhau quá lâu, bởi cuộc dâu

bể của đất nước mình mà anh là một người tù khổ sai của chế độ mới được tha về không

biết sống chết ra sao, nên người ta muốn hỏi thăm vậy thôi. Hơn nữa, anh nghĩ đã không

đến được nhau trên quê nhà trước 75, thì gặp nhau ở xứ người làm gì nữa, em?

-Sao chị ấy biết anh ở đây?


-Vì một bài báo lạc-loài qua ấy. Báo chí của ngưới Việt Tỵ-nạn được trao đổi trên

các nơi có người Việt định-cư để lấy tin-tức nhau đó em, ở đây báo Tỵ nạn từ Mỹ, Anh,

Pháp, Bắc Âu… thiếu gì …Anh ân-hận vô cùng!

-Ân-hận về việc gì?

-Ân-hận vì anh đã để cho cô ấy biết anh còn sống, và đã đến được đây, dù đó

chỉ là việc vô tình…

-Hoàn cảnh của chị ấy, bây giờ ra sao anh?

-Dĩ-nhiên là đã gia đình và mấy con, dù vậy cô ấy vẫn than “buồn”…

-Bây giờ anh ứng-xử ra sao?

-Anh muốn thư cho cô ấy nói cứ coi như anh đã chết trong tù cho nó nhẹ lòng

…Nhưng cái thư còn nửa vời trên bàn, anh muốn thêm một vài đoạn gì đó cho cô ấy an-

tâm, như phịa ra rằng, hiện giờ anh rất giàu có và đang sống với vợ đẹp con xinh..Nhưng

cứ nghĩ mình còn làm Thơ, viết Văn, làm báo thuê…nên sợ cô ấy không tin. Không có gì

vui sướng bằng làm cho người khác nghĩ mình đang Hạnh-phúc?

-Chính đó là những nụ cười và sự bi-bô rất nhặng của em mỗi khi gặp anh, đến

độ đôi khi làm cho anh khó chịu. Anh cứ nghĩ em là một người ồn-ào. Nếu có ồn,

là cũng chỉ muốn che đậy cái âm-bản của chiếc hình mình đó thôi, anh Dũng.

Những nụ cười tươi vui trên tấm ảnh mà anh thấy nơi em, thực sự không có trong

miếng phim đã cũ, đã sờn bởi những thương đau…. Một người đàn bà bé-bỏng

như em, sống một mình với đứa trẻ thơ mới 5 tuổi, trong một căn lầu rong-rêu ở

một thành phố buồn-bã, đầy Thổ dân như thế này, anh nghĩ coi, em làm sao chịu

đựng nổi với những lúc em tự nhìn mình? “Cõi riêng” của em, chỉ còn là khung

cửa sổ trên căn lầu cổ đó, anh Dũng, nơi lúc nãy anh đứng, nhìn xuống đường

“King”, nhả từng ngụm khói màu trắng đục lờ-mờ vào trong khoảng không, hàng

đêm, hàng đêm…như thế, nhìn những cơn mưa rả-rích, và phía bên kia đường,

trời ơi, về khuya, có bóng dáng của một người, một người lủi-thủi bước đi là

anh…

-Anh đã hứa với em là anh sẽ không đi qua con đường đó nữa mà, con đường

của một thói quen vô tình…Thực lòng, anh không biết em ở đây, Trang.

-Điều quan trọng nó không nằm ở chỗ em ở đây, hay không ở đây, cũng như

con đường “King”, hay không phải con đường “King”, anh Dũng, mà ở chổ dáng anh đi

lủi-thủi dưới mưa trong đêm khuya, với những cơn ho cùng một chút ánh sáng chợt lóe

lên từ những tia chớp xa-xăm trên bầu trời đen giông bão, và tay anh đưa lên mặt vuốt

những hạt mưa với vẻ chịu đựng…trời ơi, nước mắt em cứ trào ra, trào ra…đến độ em

nhìn thấy anh không rõ sau đó, dù dãy đèn “néon” xanh-xao ở siêu thị “Woolworths” về

đêm gần đó, hắt lên một khoảng đường anh bước tới có vẻ hơi sáng, mà từ xa người ta có

thể nhìn thấy được những con “manaquins” bày trong tủ kiếng với những áo quần sặc-

sỡ…sao buồn vậy, hả anh?!


-Chiếc âm-bản nào cũ-kỹ nó cũng đầy những vết dấu tay. Dấu tay của chính

mình và những dấu tay của những kẻ khác. Có điều, dù với dấu tay nào, thì nó

cũng chỉ làm cho miếng phim mờ đi thôi Trang. Loại âm-bản của anh, không

còn in được thành những tấm hình nữa, em tìm hiểu làm chi? Bởi vì nghĩ

không có ai tìm hiểu làm chi, nên trước khi xuống mở cửa cho em dưới lầu,

anh không cất đi chiếc thư viết dở trên bàn, như một cách tự-vệ của những

người bình thường khác, không ngờ…

Giọng buồn-buồn Trang nói:

-Em xin lỗi anh về sự tình cờ khiếm-nhã đó, đọc thư người khác, dù mới chỉ

nhìn thoáng qua mỗi một dòng đầu, cũng là điều đáng xấu hổ. Thực lòng, em

không muốn như thế đâu anh Dũng, dù em có lỡ yêu anh cách nào đi nữa…

Giọng tha-thứ, Dũng nói:

-Không sao đâu Trang. Anh chỉ buồn là anh không đem lại được những niềm

vui, bởi vì chính anh đã là sự không vui rồi. Có điều, đáng lẽ anh không nên để

cho em thấy chiếc thư nửa vời đó, không phải vì anh muốn che đậy một sự thật

của chính mình, để tán-tỉnh em đâu, nhưng anh không muốn cho em phải buồn vì

một chuyện có liên-quan từ quá-khứ đến anh. Câu nói của anh nó có vẻ “dã man”

đối với em lúc này, nếu em xem đó là dụng ý của anh muốn bày tỏ rằng anh

không “care” gì đến em - nói rõ hơn, là anh không yêu em chả hạn, nhưng nó sẽ

là nỗi đau cho anh, nếu em thấy anh chỉ có ý bày tỏ rằng: trong thâm-tâm, anh

nghĩ chẳng có ai “thèm” để ý đến đời tư của mình làm gì, thì chuyện gì mình phải

giấu nhẹm đi một chiếc thư riêng cho một người khác, mà đó chỉ là một tình-cờ

đã rơi vào một tình-cờ khác, là nỗi lòng em lúc đó. Mọi sự tình-cờ đều ý nghĩa

riêng của nó,Trang. Tình cờ như lần đầu anh ngồi bên em trong một tiệc trà nơi

nhà ông Chủ nhiệm, khi anh còn ở trong Hostel. Tình cờ như đêm đó em mặc

“robe” đen tuyền, quàng khăn “voile” tím, những màu anh rất thích ngày xưa mà

em đâu cố ý chưng diện…Tình cờ như lần anh gặp em ở siêu-thị, tay anh bồng hộ

em bé Lan, tay kia đẩy “trolley” đi bên em nồng ấm như đời chồng vợ, đôi mắt

em lúc đó cứ nhìn anh …long-lanh, long-lanh… Tình cờ như những đêm mưa rả-

rich em ngủ không được, đứng nơi cửa sổ nhìn anh lủi-thủi bên kia đường, và em

bật khóc một mình…mình đâu có sắp đặt như thế?

Lúc đó, bỗng dưng Trang ngồi chồm dậy, úp mặt vào vai Dũng khóc nức

nở, nói trong nghẹn ngào: “Em yêu anh, anh Dũng”. Dũng bùi-ngùi lặng thinh,

một tay ôm lấy ngang lưng Trang, tay kia vuốt những sợi tóc rối bời của Trang

lòa-xòa trên bờ vai mình, và âu-yếm nói: “Tội em quá, cũng tội anh nữa, thôi nín

đi cưng. Em đừng khóc nữa, anh buồn…”. Trang ngước lên, đôi mắt đầy lệ dò

xét những phản ứng của Dũng. Dũng buồn-buồn cúi xuống hôn lên đôi mắt ướt

của Trang, nói êm đềm: “Sao em lại đi yêu một người không-ra-gì như anh vậy

hả!?” Trang nói trong nước mắt: “Em cũng không biết nữa, nhưng xin anh đừng

nghĩ về mình như vậy, đau em lắm biết chưa, anh Dũng!..”

Bây giờ tiếng xe cộ đã bắt đầu ồn-ào ngoài đường phố. Từng sợi nắng

mai mềm-mại trôi qua khung cửa sổ, phả vàng lên vuông thảm đã phai màu. Dũng

đỡ Trang nằm xuống trên chiếc giường vừa đủ cho 2 mẹ con nàng. Dũng đưa tay

sửa lại mái tóc cho Trang, đồng thời kéo tấm chăn lên ngang bụng nàng, rồi nói

giọng an-ủi: “Em đừng buồn nữa. Khi hôm em uống hơi nhiều, giờ chắc mệt lắm

phải không?” Trang gật-gật cái đầu… Dũng vào “Lavabo” rửa mặt, rồi trở ra, nói:

“Thôi, anh về để còn kịp đi làm”. Trang nói vẻ áy-náy: “Em làm phiền anh suốt

đêm, xin lỗi anh nha!”. Dũng nói: “Không sao đâu em, chiều anh sẽ đến thăm

em… còn chùm chìa khóa anh treo trên móc áo. Nhớ đi đón bé Lan về, kẻo nó

buồn, tội nghiệp!”. Trang nói: “Dạ!” nghẹn-ngào vì Dũng đã tỏ ý chăm sóc đến

con mình, xưa nay nó vẫn quạnh-hiu không biết mặt cha là ai …lẫn trong tiếng

giày của Dũng đang chậm rãi bước xuống thang lầu…


Nguyễn-Tư