Saturday, 18 September 2021

KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU... Phần Cuối (4 ) ( Nguyễn-Tư)

 


KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU...(4)



*Truyện ngắn Nguyễn-Tư


Tôi ngủ nhà được một đêm, thì sáng hôm sau tôi phải mang giấy tờ được phóng thích có mộc đỏ cùng chữ ký của Trung-tá Phan-Thì tư-lịnh quân khu 7 của VC trong Nam lên trình diện Chủ-tịch xã, đóng trên một ngọn đồi đất đỏ, trước đây là phi đạo của một đơn vị công-binh Mỹ. Nhìn lá cờ máu phất-phơ trên nóc tôn xám lòng tôi cảm thấy rợn người, gợi lại cái hình ảnh kinh khiếp mà tôi đã chịu đựng trong suốt 6 năm tù ở trại cải-tạo miền Nam….


Tôi ngồi chờ trên một cái băng gỗ đầy bụi đỏ ngoài hè cùng với vài người dân khép nép đến xin giấy tờ. Tôi cảm thấy lạc-lõng kỳ lạ giữa tiếng đánh máy lóc-cóc từ bên trong văn-phòng vang ra cùng với những bóng dáng của những tên vệ-binh mặt lạnh như tiền qua lại trên sân nắng đầy sỏi. Qua khung cửa sổ nhỏ, tôi liếc vào văn-phòng thấy người đàn bà ngồi nơi chiếc bàn lớn cặm-cụi trên đống giấy tờ, bên cạnh có cái nón cối màu cứt ngựa trông rất mất thẩm mỹ…  xui tôi nhớ tới những cái bia bằng giấy ở những Quân trường khắp VNCH cũng in hình bản mặt tên VC đội cái nón cối y chang như vậy màu đen, làm tôi tức cười về sự oái-oăm của Lịch sử... Người đàn bà gọi tên vệ-binh lại, bảo ra hè cho phép từng người vào "làm việc"….


Người vệ-binh ốm nhom, mặc một chiếc áo lá bỏ ra ngoài quần kaki Nam-định màu cứt ngựa đến trước mặt tôi, giọng lạnh-lùng:


- Giờ thì anh có thể vào gặp Đồng-chí Chủ-tịch được.


- Vâng, cảm ơn anh!


Tôi đứng dậy rút tờ phóng-thích bọc trong túi xem lại, rồi bước vào phòng. Người đàn bà vẫn cặm-cụi viết, một lát sau mụ ngước mắt nhìn tôi với vẻ không thiện cảm vì biết tôi không phải là thường dân địa phương như những người đang ngồi chờ đợi ngoài hàng hiên kia. Mụ nói giọng pha Bắc rất xẳng:


- Anh kia, đến Ủy-ban có việc gì?


Tôi vẫn đứng, nghiêng người về phía trước chìa tờ giấy ra trước mặt mụ, nói từ-tốn:


- Tôi ở miền Nam, nay về thăm quê nhà, nên muốn đến Ủy-ban trình diện để xin phép lưu lại đây vài ngày...


Mụ đàn bà hất hàm hỏi:


- Đâu, đưa giấy tờ đây xem!


Tôi chồm người, đưa mảnh giấy đen quay “rô-nê-ô” bằng lòng bàn tay cho người đàn bà. Mụ dựa ngửa vào lưng ghế, vẻ mặt hách dịch, rồi chồm người tới nhận miếng giấy bằng một cánh tay xương-xẩu đưa ra, xong cúi người chăm chú vào tờ giấy đọc. Trong lúc đó tôi liếc thấy trên bàn mụ có miếng giấy bìa cứng xếp theo hình lăng trụ 3 mặt ghi rõ hai hàng chữ đỏ: hàng lớn ở trên là "Đồng-chí Hồng-Minh" và hàng chữ nhỏ ở dưới là "Chủ-tịch UBND xã Vĩnh-trường"...


Đọc xong, người đàn bà cầm cây bút nguyên-tử lật ngược đầu cán gõ-gõ xuống bàn vừa nhìn tôi với vẻ mặt đanh lại hỏi:


- Anh người ở xa đến đây thăm bà con hay người nguyên-quán?


- Tôi nguyên-quán ở đây, nhưng làm việc ở  xa, nay về thăm gia đình….


- Anh là sĩ-quan Ngụy hả?


-Vâng!


- Cấp bậc Trung-úy?


- Đúng vậy!


- Anh được cải-tạo ở đâu?


- Cà-mau!


- Mấy năm?


- Sáu năm!


Người đàn bà gật-gật cái đầu mỉm cười, nói giọng Bắc-kỳ lơ-lớ khó nghe:


- Chà, chắc "nợ máu" cũng đầy?!


Tôi hơi khó chịu, cười nhạt nói:


-Vâng, nên  tôi cũng đã phải nai lưng ra trả "nợ" hết 6 năm lao động khổ sai ở Rừng Tràm...Người ta bảo “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” bà cứ làm bài toán nhân thì biết bọn tôi gian nan đến cỡ nào?


-Anh nói sai rồi! CM đâu có “nhà tù”, chỉ có “trại cải-tạo” thôi mà , các anh chỉ là “Cải-tạo viên”, đừng xuyên tạc CM...!


-Cái này bà chỉ nên nói với trẻ con thôi, tụi mình đều già hết rùi mà!Cải-tạo kiểu gì mà tôi từ hơn 60 kg, khi thả chỉ còn hơn 40 kg, mình đầy ghẻ lở... hả bà ? Vậy thì, bà chứng minh giùm tôi giữa “nhà tù” và “nhà cải tạo” khác nhau chỗ nào, khi chúng tôi ngủ thì tay chân bị cùm, ăn mỗi ngày được 2 củ khoai, bịnh vẫn phải đi lao động, nặng hơn là chết chắc vì không thuốc men gì hết, xác chỉ bó chiếu chôn mà thôi. Vệ-binh muốn chửi hay đánh lúc nào cũng được, chúng tôi phải gọi vệ-binh hay cán bộ bằng “các ông” dù tù đáng ông Nội vệ-binh con nít chay, và lúc nào tù cũng phải đứng xa họ 3m... Khi cán bộ hay vệ binh đi ngang qua nếu tù lỡ đang cầm vật gì cứng như cái xẻng, cái cuốc thì phải buông xuống ngay, nếu không sẽ bị “kiên giam” về tội muốn ám sát cán bộ! …Quần áo rách tả tơi, lòi chim, giơ bướm cũng cứ mặc quanh năm không biết xấu hổ gì nữa. Cả tuần tù mới được dắt ra sông suối tắm một lần có vệ binh đứng trên bờ cầm AK coi chừng .. .Trên phong bì gứi thư về nhà tù phải ghi người gửi là “Cải tạo viên” nhưng danh sách chúng tôi được ghi là “Danh sách tù-binh” … Và cán-bộ hay vệ-bịnh gọi chúng tôi là “mấy thằng phạm”vậy là sao hả …?Thế thì bà thấy hai trại này có là 2 cái khác nhau không, hay chỉ là 1, sợ còn tệ hơn tù hình-sự nữa nha, bởi chúng nó thảnh-thơi tự do hơn tụi tôi nhiều …Chỉ là “từ ngữ” thôi, giống như bà viết đơn phải có 3 chữ “Độc-lập, Tự-do, Hạnh-phúc “ trước nhất, viết như cái máy, có bao giờ bà dừng lại hỏi, cái này là gì vậy ta, thì giống y chang từ “cải tạo” cũng vậy thôi …


Người đàn bà dựa ngửa ra trên lưng ghế lần nữa, mái tóc của mụ cắt ngắn theo kiểu Hà-nội uốn cong bù-xù. Nước da xanh-xao chưa phục hồi kịp sau những tháng năm dài đói khát ngoài Bắc, mụ tiếp tục làm khổ tôi:


- Anh bỏ làng theo Mỹ đã lâu chưa?


- Tôi bị động-viên vào Quân lực VNCH chứ không phải theo Mỹ, vì Mỹ không chỉ-huy tôi. Quân-vụ 5 năm….


-Trước khi đi lính anh làm gì?


- Đi học.


- Đến lớp mấy?


- Hết Tú-tài 2.


Vẻ tò-mò người đàn bà hỏi:


- Tại sao Sĩ-quan các anh đều phải là những người phải có học lực từ Tú-tài trở lên?


- Bởi vì chúng tôi quan niệm những người “Chỉ huy” phải sáng suốt, có trí tuệ...mới giỏi mưu lược khi xung trận, tránh tối đa tiêu hao binh sĩ, vì anh ta nắm nhiều sinh mạng người khác trong tay mình!Người Sĩ quan nào thí quân không hợp lý sẽ bị đưa ra Tòa-án binh, tù mọt gông luôn, vì thế Tướng 5 sao Westmoreland của Mỹ từng nói:  “Nếu ông Giáp ở Mỹ ông ấy sẽ bị lột lon tức khắc và rủ tù, vì đã làm hao quân quá nhiều trong trận Điện-Biên Phủ, dù thắng đi nữa, bởi sinh mạng con người phải được tôn trọng trên hết, thắng mà ít hao quân mới là Sĩ-quan giỏi!” . Giống như Ấn độ giành được Độc lập từ Đế quốc Anh, mà không tốn viên đạn nào cho cả hai bên, nên ông Gandhi vốn là một Luật sư, tức có học ...mới được thế giới tôn làm “Thánh” chứ . Chúng tôi không xài chiến thuật “biển người” như lính Bắc, nên con số thương vong của họ lúc nào cũng cao hơn bọn tôi gấp đôi ba lần là ít …Cứ nhìn  thấy vô số các “Nghĩa trang liệt-sĩ” đỏ rợp trời, rất “hoành tráng” từ Nam ra Bắc, chưa kể số ngưới chết trên núi mất xác luôn thì ta rõ điều này …Chúng tôi không thí quân, chỉ vì coi trọng sinh linh con người, có lẽ vì vậy mà chúng tôi thua? Cứ “thí mạng cùi” thì ăn thôi, như ông bà mình từng nói  …trong nụ cười mỉm …


Người đàn bà cười khẩy như chừng không tin điều đó, nhìn nghiêng nói mỉa:


-Không phải lính Bắc họ “thí quân” như anh nghĩ đâu, mà mỗi người lính chúng tôi là một “anh hùng”, họ muốn xả thân cho Tổ quốc đó thôi...Vả lại, anh bảo Sĩ-quan Nam các anh “sáng suốt” ...mà sao lại không đủ thông-minh để phải theo Đế quốc Mỹ?


- Về vấn đề “anh hùng” như bà vừa nói của lính Bắc, xin bà cho phép tôi được nghi-ngờ, bởi vì tôi là lính trận mạc luôn trực tiếp đụng trận với lính Bắc từng giờ, nên tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng hãi-hùng rằng một lần có chiếc T 54 chúng tôi bắn cháy, thì đồng loạt lính trong đó nhảy ra khỏi xe như một phản-xạ tự-nhiên khi gặp tai ương, nhưng họ chỉ bị treo tòn-teng xung quanh xe với những tiếng la hét kinh hoàng bởi những sợi xích buộc chặt họ trong xe trước đó ...và họ bị bốc cháy như nhũng cây đuốc…!?Chúa ơi, trong lịch sử chiến tranh tôi chưa thấy bao giờ, làm tôi tự hỏi: “Đó là những con người thực mà họ gọi là “Đồng chí” chăng”?….Lính  phe tư-bản luôn coi mạng người là trọng không ai có quyền chơi kiểu này ...Khủng-khiếp quá, đó là “anh hùng” như bà nói vậy sao, nếu anh hùng thực thì chịu nằm chết cháy luôn trong xe, đâu cần xiềng chân và phải nhảy ra ngoài la khóc thảm thương, ông Hoàng Diệu ngày xưa lúc mất thành Hà-nội đã tự thắt cổ tự-tận hiên ngang và lặng lẽ có la khóc gì đâu, mới thực sự là “anh hùng” đáng cho hậu thế vinh danh đến ngày nay và mãi mãi.....? Còn về việc theo Mỹ, đó chỉ là cách suy nghĩ của những người thắng trận. Và, ông Duẩn từng tuyên bố trước Đại hội đảng rằng: “Chúng ta chỉ chiến đấu cho Liên-xô và Trung quốc đó thôi!” … Không nước nào trên thế giới mà đứng một mình được, kể cả những cường quốc hiện hành …như Liên xô, Trung quốc , Nhật, Pháp... Mỹ cũng vậy, họ phải có “Đồng minh” để sống còn…Bắc Việt đâu tự chế được khẩu AK47 hay chiếc tăng T54 nào, lương khô cũng của Tàu viện trợ mà, phải không?...Chúng tôi cũng vậy thôi …Mỹ không lấy một tấc đất nào của miền Nam cả, họ chỉ muốn giữ cho miền Nam tự-do, để cản làn sóng đỏ của khối CS tràn xuống Đông Nam Á, là nơi những Đồng minh của họ đang bình-an và thịnh-vượng, có liên-quan rất nhiều tới an ninh nước Mỹ, thế thôi. Nhưng rất tiếc dân Mỹ thiếu kiên nhẫn vì coi trọng mạng sống lính Mỹ là con em họ phải chiến đấu nơi xa, nên đành rút, kéo theo bao hệ-lụy cho chúng tôi, mới có giây phút này...khác với ông Hồ từng tuyên bố “Chúng ta có thể đánh từ vài chục năm đến cả 100 cũng chả sao...” với câu khẩu hiệu giăng mắc đầy khắp mọi nơi :“Trường-kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi...” ...người Pháp, Mỹ “thua” vì câu nói này, đúng như ông Hồ tiên đoán, chỉ vì họ tôn trọng mạng sống con người, trái với CS không bao giờ quan tâm đến, như  luôn dùng chiến thuật “biển người” khi tấn công địch chả hạn ...coi mạng người như rơm rạ….Người Tư bản họ giàu có và sống sung túc, chuyện gì phải chịu chết oan mạng ở nơi xa quê hương họ, nên họ chỉ “thua” sớm,  phe CS mà thôi ...Chưa kể , họ tốn tiền mỗi năm 2 tỉ và mất 58 ngàn lính khi rút quân, thì có lợi lộc gì đâu, mà nói họ xâm lăng, khi Hoàng-sa lại lọt vào tay Trung cộng là “Đồng chí” của quí ông bà ...?!


Người đàn bà cười mỉm, rồi khẳng-định thêm:


 -Anh có biết rằng các anh “nặng tội” với nhân-dân vì các anh chống lại họ, hay không?


Câu nói làm tôi nhớ lại những buổi hỏi cung, và 8 bài học tập của CS dành riêng cho bất cứ tù cải-tạo nào ở miền Nam trong những ngày đầu ?Bởi, trên thục tế chúng tôi chỉ thấy trái ngược lại, nên nói:

 

-Thưa bà, trước tiên chúng tôi chỉ tham dự cuộc chiến “tự vệ” cho chính nơi chúng tôi ở là miền Nam mà thôi, chứ không tấn công ra Bắc, và đối tượng chúng tôi đương đầu là chính lính CS, chứ không phải “Dân” ...bằng chứng khi chúng tôi đi tới đâu, thì dân sẽ ùn-ùn chạy theo đến đó, bất kể trẻ già, lớn bé, heo gà, trâu bò... đều như vậy, dù phải chịu chết thảm dưới nhũng làn đạn phía bên kia không thương tiếc, mới có tên “Đại-lộ kinh-hoàng” trên đoạn đường giữa Huế và Quảng-trị năm 72 giờ còn ghi dấu ...Vậy, ai lại ngu gì chạy theo kẻ “chống bắn” mình, hả bà ?


Người đàn bà nhíu mày, vẻ khó chịu, rồi giải thích, y như trong tài liệu họ dạy chúng tôi trước đó không lâu:

 

- “Đảng luôn có tính khoan-hồng, nên chỉ đánh người chạy đi, chứ không đánh người chạy lại ...”


 -Bà nói đúng, nhưng cũng sai là đảng không chịu tự hỏi vì sao họ lại “chạy đi” bán mạng, sút dép về phía chúng tôi  như vậy, mới là câu trả lời chính đáng... Nhưng với chúng tôi thì khác, khi hành quân vào vùng “xôi đậu” mà các ông bà gọi là “Vùng giải-phóng” thì chúng tôi không bao giờ giết dân, ngoại trừ họ tấn công chúng tôi bằng vũ khí, còn lại chúng tôi gọi là “thành phần tình nghi” đều bị giữ lại để đem về hậu-cứ sưu-tra hồ sơ kỹ càng, trước khi thả họ về nếu họ là dân thường, nhưng nếu họ có liên quan tới địch, đương nhiên họ phải ra Tòa ….


- Cũng được!


Suy nghĩ một lát như chừng thấy thấm-thía câu trả lời rất ngay thẳng của tôi lúc nãy, người đàn bà có vẻ mềm-mại hơn:


-Trước năm 54 anh làm gì?


- Còn trẻ và đi học như những người cùng thế-hệ khác.


- Trường nào?


- Trung-học cấp 2, Vĩnh-Phú.


Người đàn bà có vẻ ngạc-nhiên, cầm tờ phóng-thích tôi lên xem kỹ như chừng muốn "check" lại một điều gì, rồi ngước lên hỏi:


- Tên thực của anh trên giấy tờ là "Nguyễn Hiệp"?


- Bà cứ coi như vậy đi.


- Sao lúc hòa-bình rồi, anh không đi “tập kết” như bọn tôi, anh Hiệp?


- Vì tôi không đủ điều-kiện bởi con Địa-chủ, và thực lòng tôi không muốn đi...


- Năm cuối cùng ở trường Vĩnh-Phú anh học lớp mấy?


- Lớp 7.


Người đàn bà giật nẩy người đánh thót, ấp tờ phóng-thích của tôi vào ngực, bởi vì mụ rất đỗi ngạc nhiên sao mụ không biết tôi trong cái lớp 7 duy-nhất của ngôi trường nhỏ bé trong rừng có tên Vĩnh-Phú mà mụ đã từng học ngày xưa chăng? Mụ hỏi tiếp:


- Anh có thân-nhân đi Bắc không?


- Không.


- Có bạn bè tập-kết không?


- Có!


- Họ tên gì, mấy người, và hiện nay công tác ở đâu?


- Hai người bạn học, một tên là Đoàn  “đi B”, nghe nói đã chết ở Ban-mê-thuột và người bạn gái chưa biết sao, nếu sống thì tôi cũng chẳng biết cô ấy làm việc ở đâu...vì họ với tôi coi như “dứt tình” đã lâu, kể từ ngày chia hai đất nước...Tôi ở lại “theo Mỹ” nên mang "nợ máu" và tôi đã trả xong, giờ về đây thăm nhà sau mười mấy năm xa cách, vì hoàn cảnh lịch-sử trớ-trêu đã làm cho chúng tôi mỗi người một ngả, tự chọn cho mình con đường để đi. Tôi đã chọn “sai” như bà nghĩ, nên tôi gánh chịu. Tôi hy vọng những người bạn ra đi của tôi sẽ mãn nguyện về sự sáng suốt của mình...và làm được việc gì đó hữu ích cho đất nước dù Nam hay Bắc…thay vì tàn phá nó …


Người đàn bà đổi sắc mặt khi nghe tôi nói về những người bạn ra Bắc trong đó có một người tên Đoàn và một người bạn gái không nói tên, nên mụ chồm người tới, hỏi mau:


-Anh nói sao?


- Tôi nói, tôi chọn sai đường, nên tôi gánh chịu.!


- Không, tôi muốn nói những người bạn tập-kết của anh kìa, một người tên Đoàn?


- Vâng, Đoàn. Nghe nói nó đã chết trong Nam. Nó là con ông Đội Năm trong làng này, bà dân Bắc không biết đâu! Có lẽ vì bà từ nơi khác tới đây làm việc thì phải...?


Người đàn bà có vẻ lúng-túng , cúi xuống, nói:


- Không, không. Tôi...tôi...


Người đàn bà-bối rối hẳn lên, nhìn tôi chăm-chăm ngập-ngừng nói:


- Anh... anh... có phải là anh Thi không nhỉ?


Tôi sững-sờ nhìn người đàn bà không nói được gì cả, một lát sau ngơ-ngác hỏi:


- Sao, bà lại biết tôi, một người tù của chế độ này?


- Bởi vì em là Ái...Phạm-thị-Ái, cháu cụ Đồng ngày xưa, chung lớp với anh! Trời ơi!


Tôi mở to đôi mắt hỏi lớn:


- Bà là "Hồng-Minh" mà?


- Vâng, chỉ là “Bí-danh” do Đảng đặt, để dễ hoạt động,  chắc cũng như anh mang tên "Nguyễn-Hiệp"… Trung-úy Ngụy vậy thôi!.


- Không phải vậy, Lịch sử đã làm đổi thay mọi thứ, kể cả cái tên. Hồi đó tôi từ vùng Kháng chiến muốn đi học trở lại, nên tôi tự đổi tên, chứ không ai bắt buộc cả, để ly khai với những gì trước đó tôi không thích, chứ không phải  “Bí danh” như Ái đâu. Tôi cũng cần hạ tuổi nhỏ lại, để học vì lúc đó tôi đã mất mấy năm do buổi giao-thời rồi, sau 54 tôi vẫn còn tiếp tục làm ruộng một thời gian ở quê, rồi sau mới lên Tỉnh học để tiến thân, nào ngờ.. … Nhưng Ái cần đổi tên để được làm “Chủ-tịch” bây giờ hay sao, người thường dân đừng mơ, dù chỉ là Đơn-vị xã ??


- Anh nên hiểu Ái hơn, từ những lời tâm sự cuối cùng trong lần gặp anh ở đầu cầu chợ Huyện cách đây mấy mươi năm...Aí chỉ muốn ở lại với Mẹ làm nghề bán hoa bình thường thôi mà …!?


Giọng người đàn bà rưng-rưng như nhớ lại những hình ảnh êm-đềm cách đây với khoảng thời gian mà người trong cuộc không thể nào tưởng tượng nổi: trên 26 năm đằng-đẵng với nhiều dâu bể tang thương…!


Người đàn bà muốn giải thích về một lời hứa của mình trong câu nói đùa ngày xưa:


-Xin lỗi, Ái đã không giữ được lời hứa trước khi đi sẽ ghé qua thăm anh, bởi vì chuyến đi gấp quá không còn thì giờ để khóc nữa mà... Ái đã âm thầm mang niềm hối tiếc đó với anh trong mấy mươi năm qua...


Rồi người đàn bà vân-vê cây bút, nhìn tôi vẻ âu-yếm, hỏi:


- Còn những “nụ hoa vàng” của em lúc đó ra sao?


- Tôi vẫn để trong độc bình nơi cửa sổ phòng tôi, mãi chờ một người đến mang đi để làm người "phụ tình" nhưng chẳng thấy ai?


- Thế thì Ái chưa làm người "phụ tình" chứ sao! Và có nghĩa là những nụ hoa anh vẫn giữ trong lòng đến giờ.?


- Vâng, tôi vẫn còn giữ cho đến bây giờ. Sau mấy tuần lễ chờ đợi Ái, không chút tăm hơi, thấy những chuyến tàu vô Nam không còn nữa, tôi biết Ái đã ra đi...và tôi nghĩ Ái đã chọn đời Ái chẳng còn liên hệ gì với người ở lại là tôi. Dù vậy, tôi vẫn để những nụ hoa héo tàn và khô đi trong độc bình đến mấy tuần lễ. Cuối cùng mẹ tôi phải vứt ra sau vườn... nhưng cứ mỗi mùa mưa bắt đầu, những cây vạn thọ lại mọc lên xanh tươi và nở những nụ hoa màu vàng nhạt - màu "phụ bạc" y hệt những nụ hoa mà Ái đã trao cho tôi ngày xưa...


Người đàn bà xúc động trước những sự việc đã xảy ra bất ngờ đầy buồn tủi ấy: Đoàn đã chết trong Nam vì “đi B” (tất cả người nào ở Bắc vào Nam chiến đấu sau 54, nhất là người Nam tập kết ra Bắc rồi bị VC lén đưa vào Nam trở lại quấy phá, theo Trường sơn mà họ gọi là “Đường mòn HCM”). Tôi bị tù ốm nhom , và chính Ái cũng già cỗi, gầy mòn …chẳng ra sao cả, với cái tên mới đâu có ăn nhậu gì tới những tình cảm trong lòng đã nấn-ná suốt mấy mươi năm không gột rửa được... Người đàn bà im lặng một lát rồi hỏi vẻ chăm sóc:


- Cải-tạo về, anh có được khỏe không, bởi vì...


- Cám ơn Ái còn hỏi tôi được câu đó, từ trên 60 kg khi tù về tôi chỉ còn 40 kg hơn mà thôi, mình đầy ghẻ lở đến Mẹ tôi còn không nhận ra tôi là ai khi về thăm, nhưng tôi nghĩ khi Ái muốn hỏi câu đó nơi tôi, thì chắc hẳn Ái là người có dư kinh-nghiệm để trả lời câu hỏi này rồi!


Ái cắt lời:


- Em hỏi như một chia xẻ với một người thân, chứ không phải hỏi để xã-giao hay muốn biết một sự thực.Vì sự thực thì em biết nhiều hơn anh rồi!


- Tôi còn sống mà về đây được là may.


- Em hiểu.


- Dĩ-nhiên là tôi bị mất-mát nhiều thứ, kể cả những tình cảm ban đầu trong tuổi mới lớn lên khi tôi nghĩ người bên kia luôn-luôn muốn chối từ những quá khứ mà những người bên này bao giờ cũng muốn nâng-niu. Bây giờ thì "nợ máu" tôi đã trả rồi, còn "nợ tình" không biết ra sao?..trong tiếng cười nhỏ ….


Tôi liếc xéo người đàn bà để dò xem phản-ứng của một người đã bị lý-thuyết và giáo-điều  Mác-xít rửa sạch những gì còn sót lại trong mấy mươi năm xương máu. Người đàn bà cũng mỉm cười một cách đau khổ, hỏi chân thành:


- Vợ con anh bây giờ ra sao?


- Vợ đi lấy chồng khác vì tù không biết ngày về ai mà đợi. Con nhờ bên Nội nuôi. Tôi thân tù rạc làm gì được khi trên lưng có đóng cái dấu chàm “Sĩ-Quan Ngụy”?


Người đàn bà hơi cúi người về phía trước một chút trong sự lặng thinh, rồi ngước lên từ-tốn nói:


- Nếu em về chỉ để nghe thấy những điều như thế này, thì thà em ở lại như em đã nói với anh ngày xưa trong lần gặp cuối cùng ở đầu cầu chợ Huyện khi em trao cho anh những nụ hoa vàng...


- Đâu phải chỉ mình tôi, Ái?


Rồi như chợt thấy mình quá thân mật trong lối xưng hô với một người Đại diện cho chính quyền mới, tôi nói giựt lại:


- À, mà xin lỗi cô, tôi gọi là “Ái”, hay “Hồng Minh”?


- Em vẫn muốn em được gọi là Ái như xưa, cái tên anh đã từng giải-thích là sự "yêu dấu" theo chữ Hán cơ mà. Và em tiếp câu nói của anh lúc nãy về việc hoàn cảnh của anh không phải là một trường hợp riêng lẻ, điều đó chỉ làm cho một cô gái bán hoa tươi như em ngày xưa đau đớn nhiều hơn, nếu sự ra đi của những người miền Nam ra Bắc chỉ để đem lại những điều đó cho bà con, bạn bè, chòm xóm của mình. Cái chết của anh Đoàn và của hàng trăm ngàn hay có thể cả triệu thanh niên khác chẳng có ý nghĩa gì khi chính gia đình họ lại là những nạn nhân như ông Đội Năm chẳng hạn. Mẹ em cũng đã phải tật nguyền vì đạn lạc do những cuộc tấn công giữa hai bên...Ba em ra Bắc vài năm, nhớ nhà, nhớ Mẹ em rồi bịnh mất... Em một mình bơ-vơ thân gái dặm trường nên phải vào “Học xá Miền Nam” tá túc, học hết Trung học, em như con “Liệt sĩ” được bố trí về một Hợp-tác xã Nông nghiệp trên vùng biên giới làm Kế toán lương chỉ lãnh bằng nông phẩm vậy thôi . Bất ngờ năm 75 miền Nam được giải phóng em mừng vô kể vì em sẽ tìm mọi cách trở lại quê xưa sớm nhất …Nhưng về đây, ui chao …như anh đã thấy…em chỉ mong ở lại với Mẹ và bán hoa độ nhật thôi mà …

Tôi bùi-ngùi cảm động về những ý nghĩ chân thành của Ái, khác với những sắt máu của bọn cán bộ cuồng điên, tôi bỗng thấy một chút an tâm nào đó, khi nghĩ về bản chất của con người, đôi lúc, không có cái gì đánh bại nổi. Cái nón cối của Ái đặt trên bàn chẳng dính líu gì với những giọt nước mắt long-lanh của Ái ngày xưa bên cái lồng đèn ông sao bị tôi phun nước. Nó cũng chẳng có quan hệ luận-lý gì với cái cổ tay bé nhỏ đầy lông măng tròn lẵng mà tôi đã từng nắm chặt để đưa Ái nhảy qua một khoảng cầu lở trên con đường về nhà của năm lớp Bảy xa xăm, đôi bàn tay đã bưng những gàu nước nặng trĩu tưới rau do tôi múc lên vừa ghẹo Ái đã khiến Ái cự-nự ỏm-tỏi trong nụ cười để đòi nghỉ chơi ...Và, chính đôi bàn tay này đã trao tôi những nụ hoa vàng trong mùa tháng Chạp cuối cùng... Con người chỉ có thể sống với những dĩ-vãng bên ngoài che đậy cái thực chất yếu đuối bên trong... Bởi vì con người tự nó không phải là thiên-thần mà cũng không phải là súc vật “ni bête, ni ange” như Pascal đã nói,  nhất là những người mà trong tâm hồn họ đã mang nặng những trắc-ẩn xao-xuyến về kiếp người trong cộng đồng nhân loại như Ái và tôi …...


Tôi cảm thấy gần-gũi với Ái trở lại như ngày xưa, nên thành thực hỏi:


-Ái bây giờ ra sao?


Người đàn bà quá lứa, vuốt mái tóc ngắn đốm bạc với nụ cười buồn nói:


- Em vẫn một mình, đó chứ anh!.


Tôi ngạc-nhiên hỏi nhanh:


- Sao vậy?


-Vì em có cảm tưởng như chẳng thú vị gì kể từ khi em ra Bắc bỏ Mẹ em ở lại một mình theo quyết định bất ngờ của Ba em vào phút chót, rồi ra tới Bắc mới vài năm thì Ba em mất, trong Nam mẹ em bị đạn lạc phải tật nguyền vì Chiến tranh do hai bên đánh nhau…Em còn gì đâu hả anh?Dù khi em ra đi mới mười mấy tuổi đầu và nhan sắc em đâu đến nỗi nào phải không …? Đó là chưa kể em còn “nợ” anh một lời hứa mà em tự biết không cách gì trả nổi hay thanh-minh với anh một lời như thể em là một người nói dối ...Đâu ngờ …  …


Nói xong, người đàn bà rưng-rưng, dù đôi mắt còn long-lanh nhưng cũng rán nói giọng đùa cợt:


- Em vẫn lãng-mạn như xưa anh Thi... dù vai vế em bây giờ, thực ra nó chả là cái thá gì cả, nhưng em đang sống ở một nơi không cho phép điều đó... Bởi vậy cho nên em vẫn dành trong lòng mình một khoảng trống … chỉ để ép những nụ hoa khô vô hình...ngày xưa mà thôi…


- Nhưng Ái có còn ý định mang theo chúng để làm người “phụ tình” như Ái đã nói ngày xưa không?


- Em đã không có cơ hội mang theo ngay từ thủa ban đầu rồi mà, huống hồ là bây giờ đâu còn gì để nói. Nếu có dịp anh chỉ nên đưa em về nhà anh chơi để em được chào Mẹ anh, và ngắm những nụ hoa Vạn-thọ vàng nhạt sau nhà, mà anh đã nói lúc nãy. Hy vọng là em sẽ có cảm tưởng mình được hồi sinh lại với những gì mình mơ ước trong mấy mươi năm qua...Anh có thấy em tội tình hơn nhỏ Ái nhờ anh làm lồng đèn và “mít ướt” ngày xưa rất nhiều phải không? Và, nếu có thì giờ anh và em sẽ trở lại ngôi trường xưa chúng mình học trong rừng anh nhé, nhất là nơi cái nắp hầm mà anh và em thường trao nhau những muỗng cơm và những củ khoai thơm lựng mùi lá dứa hấp mà Mẹ anh bới cho..…


Người đàn bà cầm cây bút cà-cà lên mặt bàn, vẻ mặt buồn-bã, rồi ngước lên nhìn tôi, hỏi tiếp:


- Anh về thăm gia đình, định lưu lại bao lâu?


- Chắc khoảng một tuần. Thực lòng tôi không muốn ở đây lâu, dù nơi này đã nuôi tôi lớn khôn với nhiều kỷ niệm, mà những kỷ-niệm thì bao giờ cũng làm người ta tiếc nuối... Ái có biết rằng khi còn ở trong Quân đội, tôi có dịp hành quân miệt biển Vĩnh-phú, vùng “xôi đậu” rất mất an-ninh - nơi có ngôi trường tội nghiệp của tụi mình… Tôi có cho lính bố trí cẩn mật khu này, và có ghé vào thăm ngôi trường mình học ngày xưa dưới tàn cây cổ thụ... Tôi thấy không còn gì hết, ngoài cái nền trường cây cối mọc đầy hết, thành rừng. Con đường từ ngoài lộ vào lớp bây giờ cây cũng mọc kín rất khó đi. Nắp căn hầm núp máy bay mà hai đứa mình hay ngồi ăn trưa đã sụp hết do trâu bò giẫm, tôi có đứng đó thực lâu để nhớ Ái đang ở ngoài Bắc mịt-mù vạn lý …nhớ thằng Đoàn không chừng nó đang học ở Liên-xô,  nhớ Quảng anh họ tôi giờ trên núi không biết ra sao…?  Tôi có ra vườn rau muống cỏ mọc cao hơn đầu, cái giếng bự xưa giờ cũng cạn không còn giọt nước nào hết …Tôi bùi ngùi trở ra với nét mặt buồn hiu, tụi lính thấy vậy ngạc nhiên hỏi: “Sao ông Thầy quan sát chỗ này kỹ vậy, có hầm bí-mật tụi nó hả?” (tụi lính lúc nào cũng gọi Chỉ huy mình là “Ông thầy” chứ không gọi cấp bực)…Tôi chỉ lắc đầu, lặng thinh, rồi ra lịnh nhỏ giọng cho tụi lính: “ Thôi, mình Zulu!”(rút lui)… Khi lục soát nơi này, điều tôi sợ nhất không phải VC mà là lỡ bắt phải một tên địch vốn là bạn học cũ lớp 7 ngày xưa, thì không biết xử trí ra sao, bởi vì khi lên Tỉnh học sau 55, tình cờ trên đường đi học về tôi có nhìn thấy Cảnh sát dẫn một đoàn tù VC đi làm tạp-dịch có bóng dáng Hựu, là người trưởng lớp của lớp 7 mình ngày xưa, Ái còn nhớ hay không ? Hựu có ái-ngại nhìn thấy tôi khi tôi dừng lại bên đường ngẩn-ngơ nhìn toán tù đi qua với lòng băn-khoăn, vì trong đó có người bạn cùng lớp với mình ngáy xưa, nhưng lại khác lý-tưởng, dù lúc đó tôi chỉ là người học sinh lớp Đệ tứ (tức lơp 9 sau này) mà thôi ...


- Anh ơi, anh Hựu lúc ấy lớn hơn tụi mình một chút nhưng đã là “Đoàn” rồi, nên em chả ngạc nhiên gì. Còn về ngôi trường mình ngày xưa hoang tàn, nếu đến đó chắc em sẽ bật khóc vì đau lòng quá … Em hiểu được vì sao anh ghé đó xem rất kỹ và vì sao khi trở ra anh rất buồn mà vẫn cứ nín thinh khi bọn lính hỏi về tình hình địch sau khi chúng thấy anh quan sát hơi lâu, mà anh chỉ lắc đầu, và ra lịnh rút lui trong lặng lẽ …chỉ vì anh tiếc nuối kỷ niệm đó thôi , không muốn chia xẻ với bất cứ ai vì nó là của riêng anh, nơi ấy… ngoại trừ với một người khác là em, nhưng em thì đã xa mù …..Tiếc được với những kỷ niệm mình, Ái nghĩ là một hạnh phúc đó anh Thi...dù đau, nhưng mình đã có nó rất thiết tha ở một thời điểm nào đó. Tội nghiệp cho những ai không hề có kỷ niệm, dù nhỏ …cũng như có kỷ niệm mà không có cơ hội sống lại với nó, như em ….


- Nhưng nếu quên được những kỷ-niệm là điều hạnh-phúc hơn, đó Ái.


- Sự thực, em hiểu được điều gì nơi anh, khi anh kể ra những mất mát cho anh từ người vợ đến những đứa con...những người bạn, và miền Nam …khi anh đã chọn con đường ở lại với nó … Nhưng em chỉ muốn nhắc anh một điều mà có lẽ anh còn nhớ hơn em nhớ nữa, đó là câu thú nhận sau cùng khi em xa anh: "Em vẫn muốn ở lại ..." vì những lý do mà anh đã hiểu...


Nói xong người đàn bà chồm tới đưa cho tôi cây bút và cuốn sổ lớn bảo tôi ký vào như thủ tục trình diện. Xong Ái nói giọng mềm-mại:


- Thôi, giờ thì anh về được rồi. Lát chiều em sẽ ghé nhà anh chơi, luôn tiện em đòi lại những nụ hoa khô...Không trả em kêu vệ-binh bắt cải-tạo anh lần nữa với tội “chiếm đoạt tài-sản nhân-dân bất hợp-pháp”… kha… kha …


Tôi cũng nói đùa trong tiếng cười:


- Vâng, tôi chẳng muốn cầm giữ của "nợ" làm gì, nhất là khi người chủ nợ lại là một bà "Chủ tịch". Rủ tù như chơi!?.!


Người đàn bà mỉm cười lắc đầu, nói giả-lả:


- Đi mấy mươi năm người ta vứt cho cái chức “quèn” đó, mà mình lại mất mát nhiều thứ quá anh ơi..!.


Tôi đưa tay đỡ tờ giấy phóng thích từ tay người đàn bà, bàn tay đen-đủi hằn lên những lớp da nhăn, tôi không mường tượng nổi đó là bàn tay mềm mại đầy lông măng của Ái ngày xưa mà tôi có lần cầm nắm. Tôi nghĩ sự tình cờ của Lịch sử đã giết chết đi nhiều thứ của nhiều người mà họ tham dự, đôi khi không phải là một lựa chọn, đúng hơn là một đưa đẩy đau lòng mà con người vẫn muốn giải thích như một “Định-mệnh” không cưỡng lại được, vì những yếu mềm của chính nó...Giá Ái không ra đi mà ở lại miền Nam học hành với tôi, thì chắc chắn cuộc đời hai đứa sẽ khác …

Tôi chào Ái, rồi bước xuống thềm văn phòng Ủy-ban nhân dân xã Vĩnh-trường trên một ngọn đồi trọc đầy nắng quái buổi chiều. Một cơn lốc xoáy tròn cuốn đi những chiếc lá khô làm thành một chiếc vòi bụi đỏ chạy thẳng lên trời trông phát khiếp. Tôi lủi-thủi bước xuống đồi trên một con đường mòn, lòng còn bùi ngùi về một người cán bộ tên Hồng-Minh đã liên hệ rất nhiều với tôi trong tuổi thơ, cũng như những ngày khôn lớn, mà nơi đó thấp thoáng những “nụ hoa vàng” nở rộ sau hè, vào những mùa tháng Chạp mưa bay...


*Nguyễn-Tư