Thursday, 9 September 2021

KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU...(3) ( Nguyễn-Tư )

 


KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU...(3)


*Truyện ngắn Nguyễn-Tư


Rồi, một buổi sáng cuối mùa tháng chạp, tôi tình cờ gặp lại Ái ở đầu cầu chợ Huyện. Trời lạnh cận Tết. Từng cơn gió lạnh âm-ỉ của mùa Đông còn sót lại thổi băng qua những cánh đồng ngập nước, nổi lềnh-bềnh

những gốc rạ đã bắt đầu rữa mục ra. Tôi khẽ rùng mình…. Ái mặc một chiếc áo “pullover” màu xanh sậm, có lẽ do chính tay Ái móc bằng những sợi “cotton” nội hóa, ôm chặt lấy chiếc sơ-mi vải tám trắng ngà. Ái đi

chân không, cắp một rổ hoa tươi đem ra chợ bán. Ái lủi-thủi đi sát mép cỏ. Nàng bỗng giật mình nhìn lên khi nghe tôi hỏi:


-Đi mô mà coi bộ lủi-thủi vậy Ái?


Ái nhìn tôi mỉm cười thực tươi vuốt mái tóc, chìa cái rổ hoa ra phía trước, nói:


- Ái đi bán hoa nè anh. Hôm ni rằm rồi. Mới mà đã hết năm. Nghỉ học buồn ghê!


- Ừa, lui-cui đã thấy tuổi chất chồng. Lâu ni Ái có gặp Đoàn không?


- Không anh! Chắc anh ấy đang chuẩn bị để đi...


Giọng Ái bỗng nhiên thấp xuống khi nói đến chữ "để đi". ..rồi ngưng , tôi cũng cảm thấy bùi-ngùi lặng câm một lúc, rồi  nhìn vào đôi mắt buồn-buồn của Ái, hỏi:


- Còn Ái thì sao? Mình nghe...


Ái cúi đầu, đưa tay mân-mê những đóa hoa vạn thọ đủ màu còn ướt đẫm sương đêm, rồi ngước lên nhìn tôi nói:

- Ái chưa có quyết định nào dứt khoát cả anh Thi à.


- Sao chậm lụt quá vậy? Tui tưởng là Ái đã xong xuôi hết cả rồi. Hàng ngày lẫn đêm tui vẫn thấy những chuyến tàu lửa chạy sau lưng nhà tôi, dồn-dập đỗ về phương Nam... mà tôi biết vì sao như vậy trong lúc này …

Ái có vẻ muốn nói một phần những riêng tư của mình về sự chậm-chạp cho tôi hiểu hoàn cảnh khó-khăn của mình:

- Ba Ái cứ thúc giục hoài, vì trước sau gì thì Ba cũng phải đi, không thể nào ở lại được. Nhưng Ái thương mẹ quá, nên muốn ở lại, không nỡ bỏ mẹ một mình...

 

- Nhưng ý của Ba thì sao?


- Ba thì muốn Ái ra đi để còn học hành... Để Ba đi một mình thì cũng tội, mà bỏ mẹ lại thì Ái cũng không đành lòng. Ái khóc hoài mấy ngày nay sưng cả mắt. Nhưng cho đến giờ phút này thì Ái chưa có quyết định

nào dứt khoát cả dù trong thâm tâm Ái vẫn muốn ở lại. Ái là con gái mà đi đâu xa làm chi anh?


- Ông Bác nghĩ sao mà bắt Ái phải đi?


- Như Ái đã nói với anh lúc nãy là Ba muốn em đi học, nhưng em nghĩ đó chỉ là việc phụ, việc chính dường như ba sợ tụi Tây nó hiếp...như Đài phát thanh mình rỉ-rả cả ngày … Thực tình, thì Ái cũng sợ quá. Hơn nữa... thôi, Ái đi chợ kẻo trưa rồi anh Thi ơi...


Tôi mỉm cười đưa tay nắm vành cái rổ hoa của Ái lại, rồi nói:


- Khoan đã, để tui mua “mở hàng” cho bạn...


Ái khựng lại, đưa tay che miệng cười nói vui-vẻ:


- Chắc bữa nay Ái hên. Anh chọn hoa nào?


- “Hoa vạn thọ” màu vàng nhạt đi.


Vẻ thắc-mắc, Ái hỏi:


- Sao anh lại chọn màu vàng vậy?


Tôi cười nói giọng bỡn cợt:


- Vì dường như người ta nói “màu vàng là màu của phụ-bạc…”?


Ái cũng vui-vẻ nói một câu giỡn chơi vô-tình:


- “Tình phụ” hay “phụ tình” vậy, anh Thi?


Tôi cười lớn vừa móc tiền đưa cho Ái, trả lời đùa:


-Với tui thì "Tình phụ" chứ! Nhưng thôi, bán hoa vàng, rồi mai mốt đi xa, mà làm người "phụ tình"...


Giọng Ái đùa cợt vì biết mình đâu có ý định ra đi, nên nhìn nghiêng nói rất tình-tứ như chừng trấn-an tôi:


-Nếu có đi, Ái sẽ ghé qua anh để đòi lại những nụ hoa vàng, đem về ép khô mà mang theo ra Bắc, làm người "phụ tình" như anh đã nói nha?


Tôi thấy Ái có vẻ dạn-dĩ một cách dễ thương kỳ lạ, khác với những ngày còn đi học chung dưới một mái trường, kể cả lúc tôi dìu Ái qua cầu lỡ cách đây không lâu. Tôi cũng nói đùa:


- Lúc nớ tui cũng không trả lại hoa cho Ái đâu, bởi vì hoa mua có trả tiền đàng-hoàng mà?  Mình không “nợ gì nhau” nha Ái.?..


- Ừa, nhưng lúc đó Ái sẽ hoàn tiền lại cho anh chứ, để  chỉ nhận về một cánh hoa úa mà?...


Cả hai cùng vui-vẻ trong lúc tôi đưa tay lựa những nụ hoa thật tươi, Ái đặt chiếc rổ xuống vệ đường rồi lấy sợi rơm buộc những cành hoa lại thành một bó trao cho tôi với đôi mắt long-lanh khó hiểu, bỗng dưng

làm cho tôi nhớ cái nhìn của Ái khi do-dự đưa bàn tay ra cho tôi nắm trên một khoảng cầu gãy do nước lũ trong những ngày học cuối cùng...


Ái đưa cho tôi bó hoa với lời cám ơn, rồi Ái bưng cái rổ lủi-thủi đi sát trong mé lề, còn ngoái người lại nói với theo:"Có gì, Ái sẽ ghé qua nhà anh sau nha, Ái đi chợ kẻo trưa..."


Tôi trở về nhà với bó hoa nhỏ màu vàng nhạt trên tay. Tôi nhẹ đưa lên mũi ngửi, một mùi thơm hoa cỏ thoảng phớt qua, tôi thấy lòng mình chợt vui, pha lẫn với một ít lo âu khi nghĩ đến Đoàn chắc sẽ không còn gì để làm nó đổi ý được nữa. Tôi vẫn nghĩ là tôi còn Ái, cô bạn nhỏ của tôi từ những ngày tấm bé. Đoàn có vẻ cố chấp hơn tôi khi nghĩ về Ái, người con của một cán bộ trung-kiên. Nhưng Ái, thực ra vẫn giữ được

những nét mềm-mại của một đứa con gái hiền lành một cách bình thường, biết thương yêu cha mẹ, cả bạn bè, rất mau nước mắt, lãng-mạn và ít oi...không muốn đi xa…như Ái từng nói …


Tôi vẫn cứ mường-tượng ra cái dáng nhỏ bé hiền lành của Ái lủi-thủi bưng rổ hoa ướt đẫm sương mai, lòng tôi lại quyện lên những hương sắc. Tôi cứ nghĩ không có cái nghề nào thích hợp như nghề bán hoa tươi cho một cô gái yểu-điệu có cái tên rất dễ thương ngắn gọn: Phạm-Thị-Ái...vì “ái” chữ Hán có nghĩa là “thương yêu” …


Tôi mang bó hoa về cắm vào một cái bình thủy-tinh màu xanh lơ để nơi cửa sổ phòng tôi như có Ái lẩn-quất đâu đó. Mỗi ngày tôi thay nước bình hoa một lần. Ban đêm tôi đem nó ra ngoài trời hong sương... Đến

tuần lễ thứ hai thì những chiếc lá đã bắt đầu héo, cong xuống và trên những cánh hoa đã bắt đầu có những nốt đen, triệu-chứng của sự tàn phai... mà tôi vẫn chẳng thấy Ái đâu cả, trong lúc những chuyến tàu vẫn dồn-dập chở đầy ắp người chạy về hướng Nam trực chỉ cảng Qui-nhơn...


Tôi buồn lo vẩn-vơ không biết Ái ra sao? Ái đã đi mà quên giã-từ mình, hay Ái ở lại? Vào những buổi sáng sớm tôi vẫn thường tập thể dục trên hè, cố nhìn về phía dốc cầu xem thử Ái còn  đi bán hoa hay không vào

những ngày rằm hay mùng một... Nhưng không, vẫn biệt tích tăm mù... Ái nói dối mình sao? Tôi có đòi hỏi gì nơi Ái đâu, kể cả lời hứa tự phát mà Ái đã nói sẽ đến thăm tôi lần cuối cùng trong trường hợp Ái bắt

buộc phải vì cha mà chọn sự ra đi...


Cho mãi đến buổi chiều tốp sĩ-quan VC sau cùng lửng-thửng trong những chiếc áo mưa xanh di chuyển trên quốc lộ 1, đưa tay khoác chào giã biệt đồng bào hai bên đường, tôi mới biết là cuộc "tập-kết" sắp chấm dứt, và những người bạn thân, dấu ái nhất của mình đã ra đi thầm lặng không một tiếng giã-từ...Tôi ở lại với những thương nhớ và lo âu vô-vàn...


Vài ngày sau, tôi nghe người ta xôn-xao nói Ái đã ra đi một cách vội-vã cùng với cha Ái trong những giờ phút chót. Họ mô tả là Ái đang làm cỏ ruộng vào buổi xế tà nhưng bị gọi về đi không kịp giặt đồ hay từ

giã bà con bạn bè, ngoại trừ người mẹ khóc tỉ-tê... Ái đã nhập theo tốp học sinh miền Nam con của cán-bộ tập-kết ra Bắc. Thằng Đoàn đã đi trước đó mấy ngày. Đối với Đoàn không có gì đáng nói, vì Đoàn là con trai,

công-danh và tương-lai cần nghĩ tới, nhưng với Ái thì quá tội, bởi vì Ái không muốn ra đi chỉ vì thương Mẹ. Ái muốn an phận với nghề bán hoa của mình như một kế mưu sinh đơn giản và đẹp-đẽ nhất. Tôi cảm thấy đau vì mình đã mất những người bạn hiền lành, nhất là Ái. Làm sao tôi quên được những tháng ngày với chiếc lồng đèn ông sao trong dịp lễ Trung-Thu có chút nước mắt ngây thơ, phật lòng về một bất bình của cô bạn nhỏ? Cho đến những ngày mới đây, trong lần đi học về sau cùng trên chiếc cầu khỉ bị gãy với những e-dè ngượng-ngập của đôi trẻ mới lớn lên, mà cũng đã gửi lại nhau âm-thầm những điều khó tả. Nhưng cảm động nhất, vẫn là những tâm sự cuối cùng về việc không muốn ra đi vì Mẹ, và dường như trong đó cũng có chút tình với người bạn trẻ gắn bó nhiều kỷ niệm là tôi, khi Ái chỉ muốn nói những ý nghĩ nửa vời... Rồi Ái lấy cớ bước đi sợ lỡ trưa buổi chợ với những nụ hoa vàng trên cái dốc cầu chợ Huyện thân thương mà có lẽ tôi sẽ nhớ suốt đời...


Cái bình hoa đến tuần lễ thứ 3 thì chỉ còn là màu đen. Tôi vẫn để như thế vì không muốn có một dự định đổi thay nào trong căn phòng riêng của tôi chỉ có mỗi cái bình hoa vạn thọ đặt nơi khung cửa sổ nhìn ra vườn. Ái

đã chẳng trở lại thăm tôi trước khi ra đi để đòi lại chùm hoa ép khô mang theo ra Bắc làm người "phụ tình" như lời nói đùa của Ái vào buổi mai hôm nọ. Ái đã bỏ nó lại héo tàn, cho tôi dài theo những cơn nhớ về một người bạn nhỏ đầy ắp những kỷ-niệm xa-xăm…


Quốc-gia tiếp-thu miền Trung, và tôi lên tỉnh học lại từ đầu.Tháng ngày trôi xuôi với công việc học hành và những người bạn mới, tôi tạm quên đi những gì đã trở thành dĩ-vãng, ngoại trừ những nụ hoa. Mẹ tôi đã cằn-nhằn và lấy làm ngạc-nhiên tại sao hoa tàn từ lâu, chỉ còn nửa độc-bình nước lên rêu xanh bốc mùi hôi mà tôi vẫn để mãi như thế trên khung cửa sổ? Bà có hiểu đâu rằng đó là một phần đời sống đau-đớn của tôi muốn cầm giữ để mân-mê niềm xót-xa của chính mình. Mẹ tôi dọn-dẹp căn phòng sạch-sẽ và đã đem những nụ hoa khô đen-đúa vứt sau nhà, chùi rửa chiếc độc bình nước đã thối và lên meo xanh trổ nên sạch sẽ...


Và, chính những nụ hoa khô này, hàng năm vào mùa mưa, chúng lại nảy mầm mọc lên những cây vạn thọ tươi tốt, tiếp tục nở những nụ hoa vàng sau nhà, y hệt như những nụ hoa mà Ái đã trao cho tôi ngày xưa, được cột cẩn-thận bằng những sợi rơm thật vén khéo trong nụ cười hiền với đôi mắt long-lanh, tinh-nghịch cùng lời nói đùa sẽ đòi lại hoa để thành người "phụ tình"...


Mỗi kỳ Tết về, trong mùa tháng Chạp mưa bay, cũng nơi cửa sổ căn phòng này đầy ắp kỷ niệm xưa, tôi nhìn ra sau vườn, thấy những nụ hoa tươi nở rộ, lòng tôi bồi-hồi vô kể. Tôi nhớ đến Ái dạt-dào, và nghĩ chắc hẳn giờ này Ái cũng nhớ về Nam, nơi đó có người Mẹ hiền cô quạnh, có những nụ hoa vàng nở rộ mà chẳng ai bưng ra chợ bán, vì Mẹ đã già, chỉ muốn lẩn-quẩn trong khu vườn nhỏ bé. Cũng có thể Ái nhớ tới một người bạn từ thủa ấu-thơ đến những ngày cuối cùng khôn lớn như tôi...khi học Trung học, nhớ ngôi trường có cây cổ thụ rễ mọc như những con rồng khổng lồ, nhưng nhớ nhất nơi đây là những bữa ăn đạm bạc trên cái nóc hầm trốn máy bay cách xa với lớp. Làm sao quên được những gàu nước nặng trĩu mà tôi đã giả vờ sụm xuống để ghẹo Ái cho vui …Tôi mường tượng đến cái dáng điệu buồn phiền của Ái khi ngồi trên chuyến tàu xuôi Nam đi ngang qua làng tôi mà đã ôm theo một lời hứa không bao giờ thực hiện được nữa... Nhưng tôi tự thấy mình lãng-mạn quá đỗi, biết đâu chừng Ái lại muốn trốn tôi để ra đi, mà mong trở thành một người “Cán-bộ trung-kiên” trên xứ Bắc như bố của Ái đã làm chăng.? Nhưng dù có óc tưởng-tượng về Ái thế nào với đời sống bên kia, bên này tôi vẫn nhìn những nụ hoa vàng nở sau nhà hàng năm vào mùa tháng Chạp mưa bay là những kỷ-niệm của Ái không nguôi, long-lanh những giọt nước mắt tuổi thơ bên chiếc lồng đèn không toại ý và cái nụ cười tinh nghịch ở dốc cầu chợ Huyện vào lần gặp-gỡ cuối cùng...

Khi học hết bậc Tú-tài thì tôi bị động-viên vào lính như những người thanh niên khác ở miền Nam.Tôi có tình-cờ gặp lại ông "Đội Năm" ở miệt Biên-hòa với bộ quân phục “Treillies” gắn lon Trung-sĩ. Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì ông đã già mà cũng đã qua nhiều lớp lính, trong đó có lúc làm “Du-kích Ba-tơ”  -  loại CM tiền phong của CS khi họ mới nổi dậy ở miền núi Trung kỳ, huyện Ba-tơ, sao giờ là lính QG ? … Dù vậy, tôi cũng rất mừng vì gặp lại đồng hương ở xứ lạ, nhất là ông lại là bố thằng Đoàn, bạn thân của tôi hiện ở ngoài Bắc. Tự nhiên tôi thấy thương ông với nỗi trớ-trêu của cuộc đời, cha con ở hai đầu chiến tuyến. Tôi bèn hỏi:


- Đi lính trở lại hay sao bác Năm?


- Ừa, tao bị bọn chính quyền địa-phương trong làng làm khó dữ quá về cái vụ thằng Đoàn ra Bắc và vụ "Cựu du-kích" ngày xưa của tao, gặp dịp chính-phủ QG có lịnh tái-ngũ cựu quân-nhân trong quân-đội Pháp trước đây, tao “dọt” luôn...Mày nhớ “kín miệng“ giùm tao nha, lỡ ra là tao chết!


Tôi gật đầu và thương cảm về tình trạng khó-khăn của ông, rồi nói nửa đùa nửa thực:


- Như vậy là bác cầm súng bắn lại thằng Đoàn và tôi cũng bắn nó luôn, nó lại cũng chơi mình tuốt?


Ông Năm mỉm cười gượng, giọng buồn nói:


-Tao rầu quá, nhưng biết làm sao hơn? Cũng may tao chỉ làm bên ngành Tiếp-liệu, chứ có đấm-đá gì đâu, già quá rồi, chạy đâu nổi nữa ?


Tôi mỉm cười giải-thích nghịch-ngợm:


-Có nghĩa là bác tiếp-tế cơm gạo, súng đạn để người ta bắn thằng Đoàn chứ gì? Và thằng Đoàn ở bên kia nó cũng mò vô Nam tìm bác và tui mà cắc-bùm?


- Ừa, thì vậy chứ sao? Đất nước mình nó đến hồi mạt vận, “nồi da  xáo thịt” lung-tung chứ đâu riêng gì tao với mày? Thực sự, hồi đó tụi VC nó “hù” tao dữ quá, dù nó vẫn kêu tao là “Đồng chí” đó chứ, cứ vài ngày là nó mời tao lên nói về việc thằng Đoàn, nếu tao không cho nó đi, bọn nó nghi tao có ý chờ Tây, chờ Mỹ Diệm ...Mình thành phần “Phú nông” lại “Cai lính Tây” mà mày, nó đâu tin mình! 


Tôi có vẻ trách ông Năm, nói:


- Chứ ai biểu bác dính-líu làm gì tới "Du-kích Ba-Tơ"?


- Thì hồi đó, ai không ghét Tây mậy, càng sống gần tụi nó, mình càng ghét. Nghe “Giải phóng đất nước khỏi ách nô-lệ”, ai mà chẳng ham?


Nói xong ông Năm có vẻ sợ hãi về quá-khứ của mình, nên nói giọng năn-nỉ:


- Chỗ bác cháu nghe qua rồi bỏ, mày đừng tiết lộ với ai làm chi, bọn an-ninh quân-đội QG nó hay được đập tao chết. Mày thấy tao đâu có ưa gì tụi V.C. tao bỏ về làm ruộng sau khi thấy rõ mọi điều...


Tôi gặp ông Năm lần đó, rồi đường ai nấy đi theo sự nổi trôi của mệnh nước, cho mãi đến khi đi tù về, sau khi VNCH sụp đổ, tôi từ Nam về thăm quê cũ… thì nghe mẹ tôi nói ông Năm uống rượu say li-bì vì thằng Đoàn đã chết trận trong Nam ở Ba-mê-thuột. Suốt ngày ông đi ngoài đường đầu tóc bạc phơ, quần áo xốc-xếch, kè-kè chai rượu bên nách, miệng chửi đổng liên hồi: "Đ.M. tao có là gia đình liệt-sĩ, thì con tao nó cũng đã nát xương rồi. Đ.M. tụi bây hứa cho thằng nhỏ đi du học Liên-xô, mà lại bắt nó quay vô Nam.. để. bỏ xác trên rừng…Cao- nguyên.. "Tôi có hỏi mẹ rằng ông Năm chửi bậy vậy chính-quyền không nói gì sao? Mẹ tôi nói ổng thuộc "Gia-đình liệt-sĩ" nên muốn nói gì thì nói, chứ cỡ tụi mình hó-hé nó còng đầu liền... Ngày mai con nhớ lên trình diện Ủy-Ban Nhân dân, chứ không thì bọn nó làm khó đó, sĩ-quan "Ngụy" mà dễ-dầu gì?! (còn tiếp)

Nguyễn-Tư