Sunday, 18 June 2017

21 CÁCH SỐNG CHẬM ĐỂ GIẢM CĂNG THẲNG





21 CÁCH SỐNG CHẬM ĐỂ GIẢM CĂNG THẲNG

Không phải bàn cãi nữa, rõ ràng tình trạng căng thẳng vẫn thường xuyên xảy ra ở mọi góc nhỏ trong cuộc sống gia đình và xã hội hiện đại. 

Rất nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu thấy mệt mỏi, thấy bất mãn, thấy cuộc sống cũng vẫn nhàm chán biết bao khi trong tay đã có những mảnh văn bằng giá trị nhất, ngoại hình hoàn hảo hay những chiếc xe cáu cạnh, những ngôi nhà đẹp lộng lẫy, số tiền trong tài khoản và mọi người bắt đầu muốn thay đổi cuộc sống như đi nghỉ dưỡng, massage, xông hơi, đi du lịch, mua nhà hay trang trại ở miền nông thôn hay chuyển ra nước ngoài sống. Nhưng ở đâu, làm gì cũng vậy, căng thẳng chỉ giảm đi chút ít, rồi vòng tuần hoàn lại quay lại. Vậy đâu là cách để giảm thiểu căng thẳng triệt để mà không cần những chuyến di cư, những dịch vụ xa xỉ hay tài sản khủng? Đơn giản vô cùng, các thiền sư theo Đạo Phật khuyên chúng ta hãy sống chậm lại để căng thẳng giảm dần và mất hẳn. Sau đây là một số hoạt động cơ bản giúp chúng ta sống chậm:

1. Thở sâu

Thở sâu là động tác cơ bản nhất giúp chúng ta đối diện được với căng thẳng hay mâu thuẫn trong cuộc sống. Thở sâu giúp chúng ta nén lại những xúc cảm mạnh tránh bột phát xảy ra bằng hành động hay lời nói thiếu kiểm soát. Khi cảm xúc lắng xuống chúng ta có thể bình tĩnh suy xét và quyết định hành xử một cách minh mẫn tránh khỏi những ân hận, hối tiếc sau này do hành động bột phát trong phút giây thiếu kiềm chế.

2.  Ăn ít và ăn chậm

Việc ăn quá nhiều đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn nhanh, khiến chúng ta bị mất cân bằng và dễ dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì. Từ đó chúng ta cảm thấy căng thẳng, mất tự tin về cơ thể mình. Ngày nay trên thế giới đang phổ biến xu thế ăn chay, ăn thức ăn lành mạnh, ăn ít, ăn theo chế độ và đặc biệt là ăn chậm, nghĩa là tránh đồ ăn nhanh mà nên mua thực phẩm về nhà tự chế biến, năng lượng bỏ ra trong quá trình chế biến thức ăn và dọn dẹp cũng làm chúng ta bớt ỷ lại và thừa năng lượng.

3. Uống trà

Trà xanh và trà đen đều có chứa hàm lượng caffein vừa đủ để làm ổn định các dây thần kinh và làm chậm lại suy nghĩ của người uống trà và kết nối chúng ta nhiều hơn với hiện tại, làm chậm lại những luồng suy nghĩ và xúc cảm dồn dập khiến chúng ta bớt lo lắng, u sầu.

4. Tắm hơi

Tắm hơi hay xông hơi có thể giúp chúng ta thư giãn, tận hưởng từng luồng khí ẩm trong lành, ấm áp ngấm vào cơ thể để lùi lại một ngày bận rộn, đẩy những căng thẳng, lo âu ra khỏi thân thể và tâm hồn, chỉ còn lại sự lắng đọng của hơi nước ấm áp, trong lành và sự điềm tĩnh trong suy nghĩ và thanh bình trong cảm xúc.

5. Nghe nhạc không lời 

Nếu bạn phải suy nghĩ quá nhiều thứ và phải trải qua quá nhiều xúc cảm lẫn lộn, hãy nghe nhạc không lời, uống li trà hay cà phê và để nhạc không lời làm dịu nhẹ tâm hồn bạn bởi nhạc không lời giúp tăng chất lượng suy nghĩ và giúp bạn cân bằng khi các luồng suy nghĩ khác nhau cứ kéo đến.

6. Đi bộ

Đi dạo hay đi bộ là một cách tuyệt vời để kiềm chế xúc cảm, hãy cảm nhận từng bước chân mình đi, từng cảnh vật hay hiện tượng thiên nhiên thời tiết qua mỗi đoạn đường mình qua để những ưu phiền, lo lắng lùi xa dần.

7. Viết nhật ký

Viết nhật ký là một cách để giải tỏa cảm xúc rất tốt khi chúng ta không tìm được người bạn tri kỷ hay ai hiểu được tình huống căng thẳng mà mình đang phải trải qua. Hãy viết về những điều tốt đẹp mình đang có được mỗi ngày và từ đó những cảm xúc tích cực sẽ làm giảm đi những nỗi buồn lo.

8. Đọc sách


Khi căng thẳng, buồn phiền, hãy tìm đến những cuốn sách về tâm linh, đạo đức và tinh thần như hạt giống tâm hồn, sách về tôn giáo, sách văn học cổ điển. Những cuốn sách có tác dụng kỳ diệu khiến bạn sống chậm lại tư duy sâu hơn và dịu dàng hơn với con người và cuộc sống.

9. Sáng tác nghệ thuật

Từ cổ kim các đại danh hào, thi sỹ, họa sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng hầu hết đều đã trải qua những phút giây giàu cảm xúc mới có nguồn năng lượng vô tận như thế để sáng tác nghệ thuật. Còn chờ gì nữa, nếu bạn thích một môn nghệ thuật nào đó, đừng chỉ thưởng thức mà hãy sáng tác những tác phẩm cho riêng mình, nếu bạn không nổi tiếng thì ít nhất cảm xúc của bạn cũng đã được truyền sang tác phẩm của bạn.

10. Tắt hoặc để điện thoại ở chế độ im lặng

Hãy bắt đầu một ngày bằng việc để điện thoai ở chế độ im lặng và kết thúc ngày bằng việc tắt nguồn điện thoại và sóng wifi. Hãy để mọi giác quan của bạn được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, sự căng thẳng cũng sẽ vơi đi rất nhiều.

14. Liệt kê các việc gây căng thẳng để dừng lại 

Nếu bạn thấy mình thường xuyên giận dữ, nóng nảy, lo lắng, buồn bực, rõ ràng bạn đang bị stress làm cho mất kiểm soát. Hãy tạm dừng những hoạt động thường ngày hối hả và kiểm tra xem việc gì làm bạn khó chịu nhất để thôi không làm nữa, ai làm bạn cảm thấy bất ổn nhất để tạm thời không gặp mặt hoặc va chạm. Hãy tạo ra một danh sách những việc những người gây căng thẳng như thế để giải quyết dần dần. Cằng thẳng sẽ dần lùi xa bạn.

15. Trò chuyện, tâm sự với người tin cậy

Không dễ dàng gì cho bạn ngày nay có thể tìm được người tin cậy để chia sẻ nỗi lòng bởi ngay cả người thân của bạn cũng không hiểu được bạn, họ cũng có thể ích kỷ, kiểm soát, so sánh, cạnh tranh theo guồng quay phát triển của cán cân kinh tế, xã hội. Hãy tìm người đang có tình huống tương tự như bạn hoặc tìm đến tư vấn, tôn giáo, tâm linh để diễn đạt nỗi lòng để được lắng nghe những lời khuyên khách quan nhất, tránh để việc tâm sự với người không phù hợp dù người đó là bạn thân hay gia đình bạn bởi nếu họ không hiểu bạn sẽ khiến bạn lại càng khiến bạn thêm mệt mỏi, lo buồn.

16. Xem chương trình mình yêu thích

Khi căng thẳng vì chậm thanh toán hóa đơn, vì mất việc, vì va chạm với đồng nghiệp hay sếp vì tắc đường hay bất cứ lí do gì, hãy về nhà, bật ti vi hay radio hay loa đài lên và thưởng thức những chương trình nghệ thuật mình yêu thích. Hay thậm chí là ra ngoài, đến rạp hát, rạp chiếu phim, tụ điểm ca nhạc để thưởng thức những màn trình diễn hay, nỗi lo buồn sẽ tạm lắng xuống nhường chỗ cho những cảm xúc mới dành cho nghệ thuật và trải nghiệm.

17. Chơi trò chơi

Hãy rủ bạn bè, gia đình, bố mẹ con cái cùng nhau chơi ô chữ, chơi cờ, thậm chí là chơi games, đi câu cá, đi đá bóng để sống chậm lại, tạm lánh những ưu phiền ở ngoài cửa nhà. Như vậy chúng ta vừa kết nối được những người chúng ta yêu thương mà lại dần xa căng thẳng.

18. Làm việc nội trợ

Rửa bát, quét nhà, đi chợ nấu ăn có thể là việc làm tưởng như không khó nhưng nó đòi hỏi thời gian, sự nhẫn nại và chăm chỉ nhất là khi đó là công việc hàng ngày trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa này. Vì vậy mà việc nội trợ có tác dụng giảm căng thẳng rất tốt khi ta rửa bát, hãy chỉ chú tâm vào những chiếc bát, khi xào nấu hãy dành tâm hồn cho món ăn, những ưu phiền sẽ qua đi khi bạn nhìn thấy căn bếp sạch sẽ, bồn rửa gọn gàng và trên bàn ăn, các món ngon nóng hổi chờ đợi bạn và cả gia đình, mọi mệt mỏi sẽ tan biến theo từng vị ngon của đồ ăn và sự vui vẻ của các thành viên gia đình.

19. Làm các công việc thủ công

Ngoài việc nội trợ ra, thủ công cũng là những việc có tác dụng làm giảm căng thẳng rất tốt. Khi chúng ta tập trung cao độ vào việc may đo, thêu thùa, đan móc hay nặn đất sét, chúng ta đều có thể lấy lại sự thăng bằng, tập trung, điềm đạm và đặc biệt là niềm vui vô tận khi sản phẩm thủ công được hoàn thành bởi chính bàn tay và sự nhẫn nại của chúng ta.


20. Nhận nuôi thú cưng

Nhận nuôi thú cưng sẽ tốt biết bao nếu chúng ta thực sự yêu thích chúng, biết cách chăm sóc, có trách nhiệm với vật cưng của mình. Từ đó, chúng ta sẽ nhận được sự tin yêu, lòng chung thành và tình cảm thương mến vô tận từ vật nuôi cưng của chúng ta. Rõ ràng khi về đến cửa, chó chó xinh xắn đã nhanh chóng chạy ra đón mừng hay chú mèo luẩn quẩn quanh chân đòi vuốt ve, bao nhiêu buồn bực căng thẳng sẽ bay biến hết theo sự ngộ nghĩnh của chúng.

21. Làm tình nguyện hoặc từ thiện

Khi tham gia tình nguyện ở những vùng lũ lụt, khu giao thông tắc nghẽn, vùng sâu vùng xa, khi chia sẻ những may mắn của bản thân và cộng đồng san bớt những khó khăn vất vả của những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta sẽ thấy tâm hồn mình đẹp hơn, sâu sắc và giàu tình yêu thương hơn. Tất nhiên là theo quy luật tự nhiện, trao đi yêu thương và chia sẻ chúng ta lại nhận về yêu thương và sẻ chia tăng lên gấp bội.
Các thiền sư trong đạo Phật thường khuyên chúng ta giảm hoặc tránh căng thẳng bằng lối sống theo chánh niệm (mindfullness) nghĩa là tập trung vào hiện tại: khi chúng ta bước đi, hãy tập trung vào bước đi, khi ăn, hãy chậm rãi thưởng thức món ăn, khi đọc sách, hãy đọc tập trung và suy ngẫm. Đó cũng có nghĩa là không làm cùng lúc nhiều việc, tránh vừa đọc sách vừa xem ti vi, tránh vừa nghe điện thoại vừa lướt web, tránh vừa yêu người này lại lén lút hẹn hò người kia, tránh ở bên chồng/vợ mà tơ tưởng tới một ai khác. Chúng ta bị căng thẳng, lo lắng, hoang mang chỉ đơn giản vì chúng ta không biết tập trung cho giây phút hiện tại, không hài lòng với người chúng ta ở bên và làm những việc chúng ta không thích làm. Vậy hãy chắc chắn rằng những gì mình đang làm là những gì mình thích và người mình đang ở bên là người mình cần và thương yêu cho một cuộc sống bình yên, chân thành và hạnh phúc.