Friday, 11 May 2018

MẸ CHỒNG TÔI ( Phương Lan )


MẸ CHỒNG TÔI



Tôi sanh con đầu lòng được hai tháng thì chồng tôi báo tin mẹ chàng ở Việt Nam sắp qua đoàn tụ với chàng.  Bình vui mừng nói:
-         Thật là đúng lúc, mẹ sẽ trông con cho em đi làm.
Nghe qua, tôi hơi ngỡ ngàng, sự việc này tôi chưa bao giờ nghĩ tới, mặc dù trước khi cưới, Bình có cho biết chàng đang làm thủ tục đón mẹ chàng qua.  Bình và tôi lấy nhau đã bốn năm rồi, tôi chỉ biết về mẹ chồng qua những tấm hình và qua lời kể của Bình.  Bà Thân, mẹ chàng là một thiếu phụ quê mùa, hiền lành, không may goá chồng từ năm chưa tới ba mươi tuổi, bà ở vậy, cực nhọc nuôi hai con ăn học nên người.  Bình được đi du học bên Mỹ từ năm mười tám tuổi và ở lại luôn, sau biến cố 1975.  Cô Thu, em Bình, năm nay hai mươi tám tuổi, trước đây vẫn ở với mẹ, nhưng cô mới lấy chồng là một Việt kiều, và theo chồng về Mỹ từ năm ngoái, ở khác tiểu bang với chúng tôi.
-         Không thể để mẹ ở một mình.   Bình nói, cả đời mẹ hy sinh cho các con, bây giờ mẹ già rồi, các con có bổn phận phải chăm lo cho mẹ.  Trước đây mẹ ở với cô Thu, anh yên tâm, nhưng từ ngày Thu đi lấy chồng, mẹ cô đơn một mình, tội nghiệp quá.  Chúng ta đón mẹ về sống chung, em nhé?
Tôi chưa kịp trả lời, dường như Bình đọc được vẻ lo ngại trên nét mặt tôi, nên vội vã trấn an:
-         Đừng sợ, mẹ anh hiền lành, dễ tính lắm.  Bà rất thương anh, tất nhiên cũng sẽ thương em, nhất là em vừa sanh cho bà đứa cháu đích tôn nối dòng.
Tôi sanh ra và lớn lên trên nước Mỹ, nên chưa có khái niệm về những cảnh mẹ chồng, nàng dâu trong những gia đình Việt Nam cổ xưa, nghe thấy thế thì cũng xiêu lòng.  Qua phút bối rối lúc đầu, tôi dễ dàng chấp nhận ngay, thầm nghĩ sẽ an tâm biết bao nếu bé Danny được bà nội trông nom trong lúc Bình và tôi phải đi làm. 
Luơng kỹ sư điện toán của Bình chỉ đủ trả tiền nhà, và tiền mua trả góp hai cái xe, mọi thứ chi tiêu khác đều trông vào đồng lương của tôi, hai vợ chồng cùng chung sức gây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc.  Tôi yêu Bình và chưa bao giờ làm trái ý chàng, lần này cũng vậy, thông cảm hoàn cảnh mẹ goá, con côi của Bình, tôi vui vẻ sửa soạn nhà cửa đón mẹ chồng.  Chúng tôi quyết định sẽ dành cho bà căn phòng ở tầng dưới, có cửa sổ trông ra một cái vuờn rộng có bãi cỏ xanh non và hai cây phượng tím rợp bóng mát.
-         Vườn còn nhiều đất trống, mẹ có thể trồng hoa, trồng rau cỏ hoặc cây ăn trái nếu mẹ muốn.  Tôi nói với Bình, em mồ côi mẹ từ nhỏ nên rất thèm tình mẫu tử, em sẽ coi mẹ anh cũng như mẹ em.
Tôi nói rất thật lòng, Bình nhìn tôi bằng cặp mắt vô cùng thương yêu:
-         Cám ơn em, mẹ anh chắc vui lắm có cô con dâu dịu dàng, dễ thương như em.
Nhưng thực tế không đúng như ý chúng tôi mong muốn.  Mẹ chồng tôi hiền lành, nhưng quen sống theo xưa, và nhất định không chịu thay đổi những thói quen cố hữu.  Bất chấp phong tục của dân bản xứ, mẹ chồng tôi thản nhiên mặc quần áo ngủ nhàu nhè đi ra đường, hoặc đánh bộ áo cánh, quần đen, chân đi đôi guốc mộc, loẹt quẹt đi dạo phố trước những cái nhìn khó chịu của người địa phương.  Tôi cắt nghĩa mãi, nhưng bà vẫn bướng bỉnh:
-         Mặc kệ tôi! việc gì phải bắt chước Mỹ?  Tôi bận đồ tây không quen, vướng víu, khó chịu lắm.  Bà xầm mặt tỏ vẻ bất bình, chị không phải dạy khôn tôi, ăn bận miễn sao kín đáo là được rồi, đàn bà Mỹ để hở ngực, lòi rốn ra mới đáng nói chớ.
Thấy không khí căng thẳng, Bình kéo vội tôi ra chỗ khác, thì thầm:
-         Phận làm dâu không nên bắt bẻ mẹ chồng.  Mẹ đã quen ăn mặc như thế rồi, bắt bà phải thay đổi liền không được đâu.  Cứ để từ từ, lâu dần rồi bà cũng sẽ nhận ra.
Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng từ đó bà cố tránh không đi ra ngoài một mình với tôi.  Cuộc sống của vợ chồng tôi đang yên vui, bắt đầu xáo trộn.  Thường ngày, ăn cơm xong, Bình vẫn phụ với tôi rửa chén.  Hai vợ chồng cùng đi làm vất vả như nhau, nên công việc nhà chia đều, tôi đi chợ nấu ăn, lau chùi nhà cửa, chàng rửa chén, hút bụi, giặt quần áo…  Nhưng bây giờ khác, mẹ chồng tôi tỏ ra khó chịu khi thấy con trai phải làm những công việc mà bà cho rằng chỉ dành cho đàn bà.  Bà không nói tôi, nhưng mắng con trai:
-         Hồi ở với mẹ, có bao giờ anh phải làm gì động đến móng tay đâu?  Bây giờ bị vợ bắt rửa bát, lau nhà, trông hèn cả người đi.
Bình cười vui với mẹ, nhưng vẫn bênh vực tôi:
-         Xưa khác, ngày xưa người vợ được ở nhà nên mới có nhiều thì giờ lo việc nội trợ.  Bây giờ phụ nữ cũng phải ra ngoài xã hội bon chen với đời, vất vả ngang với chồng, về đến nhà còn chợ búa, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Bao nhiêu là việc, một mình cô ấy làm đâu có xuể, nên công việc cần phải chia đều.
Mẹ chồng tôi nói dỗi:
-         Anh lúc nào chẳng bênh vợ.  Thôi, nếu anh sợ chị ấy mệt thì để tôi làm.
Và bà làm thật, vừa làm vừa dằn hắt, xô bàn, kéo ghế rầm rầm.  Tôi sợ quá, vội vã nói:
-         Để đó con làm, mẹ đi nghỉ đi.
Thế là tôi phải kiêm thêm nhiệm vụ mới.  Thôi cũng được, tôi ráng cực nhọc thêm một chút, để Bình có thì giờ nghỉ ngơi, dạo này chàng hơi bị xuống cân, có lẽ đêm không ngủ được vì con khóc.  Nhưng mẹ chồng lại nghĩ khác, bà thường nhìn tôi bằng cặp mắt xoi mói, và nói bóng gió xa gần đến cái chuyện “tốt mái hại trống” con dâu bắt "thằng bé" phục vụ quá sức.  Tôi vừa xấu hổ, vừa tức giận nên cấm Bình chuyện gối chăn.  Mặc chàng cực lực phản đối, tôi ôm chăn gối sang phòng khác, nhất định ngủ riêng, khiến Bình phải theo năn nỉ gãy lưỡi.  Mẹ chồng biết được, tha hồ lườm nguýt:
-         Cái thằng ngu, đội vợ lên đầu.  Mẹ đẻ ra mày nói chẳng nghe, con đó mới ho lên vài tiếng thì đã sợ rúm!
Không dám đối đáp với mẹ chồng, tôi trút tất cả sự giận dữ lên Bình, chàng cắn răng chịu đựng không dám than một tiếng.  Thấy tội nghiệp, tôi thôi không cằn nhằn nữa, nhưng trong bụng ấm ức, không vui.  
Ngày giỗ cha chồng tôi, cô Thu từ tiểu bang Georgia qua chơi, mẹ chồng tôi ngỏ ý muốn nhờ sư sãi tụng kinh cầu siêu cho người quá cố.  Bình lái xe đưa cả nhà đi chùa, lúc về, cô Thu đòi ghé tiệm chuyên bán đồ phụ nữ để mua một đôi giầy.  Cô ở chơi ba ngày rồi mới về.  Ngay tối hôm đó, Bình gọi tôi vào phòng rìêng, hầm hầm nói:
-         Em ăn ở với mẹ chồng ra sao để anh phải xấu hổ với cô Thu?
Tôi giật mình:
-         Anh nói cho rõ trắng đen! em đã làm điều gì không phải?
Không nói không rằng, Bình quăng hộp giầy xuống đất, hằn học:
-         Một đôi giầy đáng giá bao nhiêu mà em hà tiện không sắm cho mẹ, để mẹ phải mang đôi dép cũ?  Hôm đi chùa về, cô Thu đã phải ghé tiệm mua cho mẹ một đôi giầy mới, thay cho đôi dép nhựa rẻ tiền.  Em làm anh nhục quá!
Tôi há miệng không nói được lời nào, hai hàng nước mắt chảy dài.  Mẹ chồng tôi nghe lớn tiếng nên chạy vào can, khi hiểu đầu đuôi câu chuyện, bà mỉm cười nói với Bình:
-         Không phải vậy đâu, chuyện này là do mẹ..  Vào chùa thì phải bỏ dép, mẹ sợ người ta lấy cắp, nên đi đôi dép cũ, có mất cũng chẳng tiếc.
Thì ra mẹ chồng tôi tưởng như hồi còn ở Việt Nam, bị mất trộm cả từng đôi dép.  Hiểu ra, Bình vội vàng xin lỗi, nhưng tôi làm mặt lạnh, không thèm trả lời, chàng tự ái nên cũng không năn nỉ thêm.  Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả mấy tuần, hình như đã có một đám mây mù che phủ hạnh phúc của hai vợ chồng. 
Trước đây, sau mỗi lần cãi nhau, Bình thường làm lành bằng cách bế bổng tôi lên, ôm thật chặt, chọc cho tôi cười, và phủ kín mặt tôi bằng những cái hôn nóng bỏng.  Bây giờ thì không còn nữa, trừ phòng riêng, chúng tôi đâu còn nơi chốn nào để mà riêng tư? 
Trước đây, sau bữa ăn, tôi thích được mặc quần áo ngủ mỏng manh, nằm gối đầu lên đùi chàng để xem TV.  Bây giờ thì không dám, trước mặt mẹ chồng phải ngồi ngay ngắn, ăn mặc phải kín đáo, hở hang một chút bị coi là xuồng xã.  Muốn hôn nhau cũng phải mắt trước, mắt sau, cứ như là đi ăn trộm sợ bị bắt gặp, âu yếm công khai trước mặt mẹ chồng là vô lễ…  Chao ôi là khó thở! còn đâu những ngày trẻ trung vui vẻ như xưa?
Những ngày cuối tuần, hai vợ chồng thường chở nhau đi xem xi nê hay đi picnic ở vùng quê, hít thở không khí trong lành, bù lại suốt tuần làm việc mệt nhọc.  Bây giờ thứ bảy phải đưa mẹ đi lễ chùa, đi thăm bà con, hay đi bác sĩ, chủ nhật phải đưa bà đi chợ…
Mẹ chồng chê tôi nấu ăn nhạt nhẽo, bà muốn tự tay nấu lấy những món ăn khoái khẩu để tẩm bổ cho cậu con cưng.  Phải công nhận mẹ chồng tôi nấu ăn rất ngon, nhưng bà hay cho cả vốc bột ngọt, và mỡ màng thì nhiều vô kể.  Kết quả là chồng tôi lên cân vù vù, máu, mỡ cũng lên vù vù, bác sĩ phải lên tiếng cảnh cáo.  Bình giải thích mãi, bà mới chịu hiểu, từ đó bà giao công việc bếp núc lại cho tôi.  Ở không mãi cũng chán, bà muốn đảm nhận việc coi cháu, bà cưng thằng cháu đích tôn như cưng trứng mỏng, tôi cũng mừng. 
Danny được sáu tháng, tôi đi làm trở lại.  Danny đã quen với bà nội, hai bà cháu quyến luyến nhau lắm, hai vợ chồng tôi đi làm đều yên tâm.
Danny lớn nhanh, bụ bẫm, dễ thương vô cùng, nó đã biết làm nhiều trò rất tức cười.  Nhưng sao dạo này thằng bé hay thức đêm đòi bú và không chịu ngủ.  Một lần chẳng hiểu đau ốm gì mà nó quấy suốt đêm, hôm sau đi làm về, thấy thằng bé mệt lả, nằm trên giuờng, tay chân lạnh ngắt.  Bình và tôi hoảng hồn, vội đem con đi bệnh viện, thì ra thằng bé bị kiệt sức vì tiêu chảy đã hai ngày rồi, bệnh viện phải truyền nước biển mới cứu kịp.  Hỏi ra mới biết là bà nội chiều cháu, cho nó uống nước xay trái cây của người lớn, thấy cháu tiêu chảy, bà tự chữa cho nó bằng cách ra vườn hái mấy lá ổi, nấu lên cho cháu uống.  Cũng may đưa đi nhà thương kịp, nên chưa nguy đến tính mệnh.
Từ sự việc này, tôi cũng khám phá ra là mẹ chồng tôi cho cháu ăn bất kể giờ giấc, hễ thấy thằng bé khóc, là nhét ngay chai sữa vào miệng.   Ăn không ra bữa, nên mỗi bữa ăn Danny bú rất ít, nhưng lại bú làm nhiều lần, nhất là ban đêm.  Ngoài ra bà lại hát ru cho cháu ngủ, thằng bé chỉ ngủ khi có tiếng hát ru của bà, tôi không biết hát ru nên không tài nào dỗ nó ngủ được.  Hai vợ chồng lục đục, thức suốt đêm với nó, nên cả hai đều hốc hác.  Tình trạng này không thể kéo dài, chúng tôi bàn với nhau, và Bình nói với mẹ chàng, chẳng những bà không nghe, mà còn dài giọng mỉa mai:
-         Anh bảo tôi không biết cách nuôi trẻ con?  Thế ai đã nuôi anh nên vai nên vóc như ngày nay? để bây giờ anh văn minh, anh dạy lại mẹ?
Cực chẳng đã, chúng tôi mới phải đem con đi gởi nhà trẻ.  Bị rứt thằng cháu cưng ra khỏi tay, mẹ chồng tôi giận dỗi, ở miết trong phòng ba, bốn ngày liền, không ra ăn cơm, làm Bình phải năn nỉ muốn gãy lưỡi. 
Nhưng bà không thễ dỗi mãi, rồi vì nhớ cháu nên sáng nào bà cũng ra cửa nhìn theo tôi bồng cháu ra xe với cặp mắt buồn bực, và không nén được tiếng thở dài.  Dần dà, bà lân la giúp tôi soạn giỏ xách đựng đồ chơi, tã lót, quần áo, đồ ăn của Danny bỏ vô giỏ.  Tôi để cho bà làm những việc đó, khiến bà vui được một chốc.  Bà soạn tỉ mỉ lắm, không quên món nào, hình như bà đem tất cả tình thương cho cháu dồn vào những cử chỉ săn sóc nho nhỏ đó. 
Mấy tháng sau, thì Danny đã quen ăn ngủ có giờ giấc.  Càng lớn nó càng xinh đẹp, bụ bẫm nhưng mặt mày ngơ ngác trông rất tội nghiệp.  Hình như nó nhớ bà, mỗi lần được mẹ đón về, nó xà ngay vào đôi tay chờ đón của bà, hai bà cháu ôm chầm lấy nhau hôn hít.
Thấm thoát Danny sắp lên hai tuổi, càng lớn nó càng dễ thương và giống bố in hệt, cháu đã biết đi và nói bi bô vài câu ngắn.  Hai tuần sau sinh nhật, Danny bị ấm đầu.  Dạo này nó hay bị những cơn sốt nhẹ, nên chúng tôi cũng không để ý, con nít đến tuổi mọc răng hay bị sốt là chuyện thường.  Nhưng lần này Danny có vẻ mệt, nên phải để cháu ở nhà cho bà nội trông.  Trước khi đi làm, Bình căn dặn mẹ thật kỹ lưỡng những điều phải làm, và những lần cho cháu uống thuốc, bà gật đầu lia lịa:
          -   Mẹ nhớ, mẹ nhớ mà...
Lúc này mẹ chồng tôi có vẻ dễ chịu hơn, không hay can thiệp vào những chuyện riêng tư của vợ chồng của chúng tôi như trước.  Sau hai năm sống trên nước Mỹ, được tiếp xúc với những bạn bè lớn tuổi đồng cảnh ngộ, từ từ bà cũng đã hiểu.  Mỗi lần được trông cháu, bà sung sướng ra mặt, bao nhiêu tình thương của bà đều dồn cho cháu, bao nhiêu thì giờ của bà đều dành cho cháu.  Danny mới hơi ọ ẹ một chút là bà đã chạy ngay lại, bế nó lên dỗ dành:          
          -   Bà đây! cháu đừng sợ.
Bà kiên nhẫn đút cho nó ăn, có khi cả tiếng đồng hồ.  Mấy lúc gần đây Danny biếng ăn vì nướu răng bị xưng và hay chảy máu.  Kỳ này không hiểu sao, Danny sốt vài ngày rồi khỏi, rồi lại sốt trở lại, nó quấy khóc cả ngày lẫn đêm.  Bà nội thương cháu, nên bế cháu đi rong suốt đêm cho cháu dễ chịu, Danny lại được thiếp ngủ trên vai bà nội trong tiếng ru buồn vời vợi.  Thấy con cứ sốt dai dẳng mãi không dứt, chúng tôi cũng hơi lo, cho tới một hôm Danny bỗng lên một cơn sốt cao và chảy máu mũi khá nhiều, hai vợ chồng hoảng sợ vội đem con đi bác sĩ.  Sau khi lấy máu thử nghiệm, thấy số bạch cầu khá cao, bác sĩ nghi là nhiễm trùng, nên biên toa thuốc trụ sinh và thuốc sốt, dặn cho nó uống đều đặn, hai tuần sau trở lại tái khám.  Ông dặn thêm:
-         Nếu có gì bất thường, ông bà có thể đem cháu đến bất cứ lúc nào.
Hai ngày sau, Danny bớt nóng và không có triệu chứng gì khác lạ.  Nhưng mặc dù uống thuốc rất đều, mà hai tuần sau, những cơn sốt nhẹ vẫn chưa dứt hẳn.  Khi tái khám, bác sĩ lại cho thử máu, lần này số bạch cầu tăng tới mức đáng ngại, bác sĩ nói:
-         Bệnh của cháu nghiêm trọng hơn là tôi vẫn tưởng.  Bây giờ phải cho xét nghiệm để truy tầm ung thư máu.
-         Ung thư à?   Bình nhảy nhỏm, kêu lên sợ hãi.
Còn tôi thì bủn rủn, tim đập tưởng như sắp vỡ lồng ngực.  Bác sĩ nhìn khuôn mặt tái xanh của cả hai vợ chồng, trấn an:
-         Tôi chỉ nghi ngờ vậy thôi, chưa có gì chắc chắn cả.  Bây giờ tôi sẽ gởi cháu đi xét nghiệm. 
Ông biên giấy giới thiệu Danny đến bệnh viện để rút một ít bone marrow ở tủy sống đem đi thử.  Ông nói với vẻ mặt áy náy:
-         Khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo tin ngay cho ông bà.
Xong xuôi, chúng tôi đem cháu về, lòng hồi hộp không thể tả.  Mẹ chồng tôi suốt ngày đọc kinh cầu nguyện cho cháu tai qua nạn khỏi.  Năm ngày trôi qua trong yên tịnh, tôi hơi mừng với ý nghĩ  “no news is good news” (không có tin gì tức là tin tốt) nếu có gì bất thường thì người ta phải báo tin liền.  Nhưng trưa thứ bảy, chúng tôi nhận được điện thoại từ văn phòng bác sĩ cho mời hai vợ chồng đến gấp.  Ruột tôi nóng như lửa đốt, linh tính cho biết có điều gì chẳng lành.  Quả vậy, khi gặp bác sĩ, chúng tôi được báo tin:
-         Sáng nay mới có kết quả của phòng thử nghiệm. Tôi rất buồn cho ông bà hay là cháu Danny bị ung thư máu.
Tôi nghe như có tiếng sét nổ ngang đầu, ôm mặt gục xuống, mơ hồ có tiếng chồng tôi hỏi thật nhỏ, giọng thều thào như người sắp đứt hơi:
-         Bây giờ phải làm thế nào, bác sĩ?
-         Xét nghiệm cho thấy tuỷ xương của cháu có vấn đề.  Cách chữa trị tốt nhất là phải thay tuỷ.  Chúng tôi sẽ ghi tên cháu lên danh sách những người chờ được hiến tủy.  Trong khi chờ đợi, tôi sẽ giới thiệu cháu đến một bác sĩ chuyên về ung thư trẻ em để làm chemo (hoá trị)..
Ông còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không muốn nghe tiếp.  Trời ơi! có thể như thế được sao? con tôi mới được hai tuổi, bé Danny xinh đẹp, bụ bẫm thế kia mà lại mắc chứng bệnh ung thư quái ác, ông trời thật quá bất công.  Tôi nhắm mắt lại, trong một lúc tôi tưởng như đây chỉ là một giấc mơ, khi tỉnh dậy tôi sẽ thở phào sung sướng.  Nhưng không, khi tôi mở mắt ra, chỉ thấy bộ mặt thiểu não của chồng tôi, và cái nhìn xót thương của bác sĩ…
Hôm đó là một ngày buồn nhất, tôi khóc như mưa, Bình thở dài không dứt, còn mẹ chồng tôi không nói một lời, nhưng mặt bà tái xám, trông bà rũ rượi như một tàu lá héo.  
Những ngày sau đó thật thê thảm, ai có người thân bị ung thư mới hiểu thấu những thống khổ mà gia đình phải chịu đựng.  Thật tội nghiệp cho con tôi, mặc dù được truyền một loại hoá chất nhẹ, nhưng với sức vóc của một đứa bé hai tuổi, Danny cũng vật vã, khó chịu, nó khóc ngầy ngật cả ngày lẫn đêm.  Ba người thay phiên nhau chăm sóc cháu, nhưng phải công nhận mẹ chồng tôi tốn nhiều công sức nhất, kiên nhẫn nhất…
Trong hoạn nạn, mọi người xích lại gần nhau hơn, tị hiềm mẹ chồng nàng dâu không còn nữa, mọi người chỉ chung mục đích là lo cho đứa bé bệnh hoạn.
Danny bắt đầu xuống cân, trông nó xanh xao, èo uột rất tội nghiệp.  Cứ đà này con tôi sẽ chết trước khi tìm được người cho tủy thích hợp với nó.  Bình và tôi đều tình nguyện hiến tủy cho con, nhưng kết quả thử nghiệm đều không hợp.   Chúng tôi đau đớn nhìn thằng bé mỗi ngày một yếu đi dần mòn.  Mẹ chồng tôi có vẻ suy nghĩ lung lắm, một hôm bà dụt dè đề nghị:
-         Hãy để mẹ hiến tủy cho cháu nhé?
Cả Bình và tôi đều giật mình sửng sốt, thật chưa bao giờ chúng tôi tưởng đến chuyện này.  Bình nhìn dáng mẹ tiều tụy, bơ phờ, lắc đầu:
-         Mẹ lớn tuổi quá, không đủ điều kiện hiến tủy đâu.  Người hiến tủy phải ở trong khoảng từ 18 đến 60 tuổi, còn mẹ thì đã 63 rồi.
-         Nhưng trong giấy tờ thì mẹ mới 59 tuổi.  Bà nài nỉ, cứ để cho mẹ thử xem sao, mẹ không đành nhìn nó đi vào cõi chết.
-         Nhưng hiến tủy cũng tổn hại đến sức khoẻ đấy, mẹ ạ.  Bình nói, người trẻ thì không sao, chứ người già khó lấy lại sức lắm.
-         Kệ! mẹ già rồi, mạng sống đâu có quí bằng trẻ thơ?  Cứ để mẹ cho cháu nốt quãng thời gian còn lại của mẹ.
Bình nhìn mẹ một hồi, giọng thương cảm:
-         Không phải cứ hiến tuỷ là chết đâu mẹ, nhưng trông mẹ gầy ốm quá, sợ không đủ cân lượng.
-         Chuyện đó đâu có khó gì?  Bà cố gượng cười, mẹ ăn uống tẩm bổ là sẽ lên cân ngay.
Được sự đồng ý của gia đình, mẹ chồng tôi sung sướng ra mặt.  Tội nghiệp mẹ, để có đủ điều kiện sức khoẻ hiến tủy cho cháu, bà cố gắng ăn uống thật nhiều cho đủ số cân lượng.  Nhiều lúc thấy mẹ trợn trạo cố nuốt thức ăn, tôi ứa nước mắt.  Hai tháng sau bà lên được hơn ba kí. 
Hôm đi thử máu về, chúng tôi cũng không hy vọng gì lắm, cha mẹ ruột còn không thích hợp, huống chi bà nội?  Nhưng bất ngờ làm sao, kết quả cho thấy hoàn toàn phù hợp.  Cả nhà mừng như chết đi sống lại, mừng nhất là mẹ chồng tôi, cặp mắt già sáng lên những tia hy vọng.  Mẹ bất kể những đau đớn mà bà sẽ phải chịu khi hiến tuỷ, bà bất chấp tuổi già sức yếu, bà chỉ nghĩ đến cháu…
Mẹ chồng tôi, một người đàn bà quê mùa chất phác, tư tưởng còn chậm tiến như người thời xưa.  Mẹ rất sợ nhà thương, rất sợ dao kéo mổ xẻ, thế mà mẹ đã tình nguyện vào nhà thương, tình nguyện lên bàn mổ, để hiến tuỷ cho cháu.  Tiến trình hiến tuỷ chắc là đau đớn lắm, nhưng mẹ cắn răng chịu đựng, không rên la, hình như bà sợ rên la người ta sẽ từ chối không cho bà cứu cháu (!?!)  Nhìn nét mặt tái xanh vì sợ của bà khi bước vào phòng mổ, chúng tôi không sao cầm được nước mắt.  Ôi tình cốt nhục thiêng liêng làm cảm động đến cả trời đất, ca thay tủy thành công mỹ mãn, Danny hồi phục nhanh như có phép lạ, mẹ chồng tôi cũng lại sức sau vài tháng tẩm bổ.
Thời gian qua nhanh như gió thoảng, mới đây mà đã bốn năm, chúng tôi có thêm một cháu gái, bé Rebecca mới được năm tháng.  Mẹ chồng tôi gần bảy chục tuổi, tóc bạc gần hết, nhưng vẫn khoẻ mạnh, hồng hào.  Bà sống rất thoải mái, sung sướng trong sự yêu kính của con cháu, trong một gia đình tam đại đồng đường, trên dưới thuận thảo, thương yêu nhau. 
Mẹ vẫn trải tình thương cho con cháu bằng những săn sóc nho nhỏ, bằng những bữa ăn ngon lành, bằng những tiếng ru à ơi buồn vời vợi, dỗ cho cháu ngủ...  Trên nước Mỹ này, có bao nhiêu bé thơ Việt Nam may mắn được dỗ giấc ngủ êm trong tiếng ru của mẹ Việt Nam?  Tiếng mẹ thấm vào hồn từ lúc còn nằm nôi, mong bé lớn lên sẽ không quên cội nguồn.  Sao trước kia tôi không nhận ra như vậy nhỉ? xin mẹ tha lỗi cho đứa con dâu trẻ người non dạ này.
Danny đã đến tuổi đi học và đang học lớp mẫu giáo.  Nhìn con sởn sơ lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác, tôi thầm cám ơn thượng đế, cám ơn khoa học, cám ơn các bác sĩ, y tá trong bệnh viện, và nhất là cám ơn mẹ chồng tôi.  Mẹ ơi! chẳng những mẹ sanh ra chồng con, mà mẹ đã tái sanh ra cháu Danny một lần nữa, vì Danny sống được là nhờ mẹ.  Suốt đời chúng con nhớ ơn mẹ.

PHƯƠNG  LAN
(trích trong tác phẩm QUA LỐI CŨ sắp xuất bản)