Tuesday, 15 May 2018

THẰNG TÍ ( Phan Hạnh )



THẰNG TÍ

Tôi gọi nó là thằng Tí, con chó nhỏ mà vì nó, tôi phải gian truân lái xe từ Toronto đi Dallas đón nó về.

Đầu đuôi câu chuyện là như vầy. Con trai của vợ chồng tôi ở Dallas bị bịnh tim nguy cấp phải nằm nhà thương sau một cuộc đổ vỡ hôn nhân. Thêm vận rủi về đời sống kinh tế, nó suy sụp thể chất lẫn tinh thần. Thấy con hoạn nạn, vợ chồng tôi đề nghị nó về Toronto sống với cha mẹ. Vấn đề là nó muốn đem của con chó theo. Nó nói nếu con chó nhỏ đi máy bay thì sẽ bị nhốt riêng tội lắm. Con chó này thuộc loại Havanese, rất dễ bị căng thẳng khi xa chủ. Vậy là vợ chồng tôi xách xe đi đón con và một cháu nội chó.

Tại trạm biên giới Windsor Canada, tôi dừng xe trình giấy tờ. Đang ở trong xe nhìn ra thấy người nhân viên quan thuế, thằng Tí sủa lên om sòm. Cũng may, ông ta tỏ ra thân mật dễ dãi, chỉ hỏi vắn tắt vài câu theo thủ tục rồi cho đi. Đúng là dân Canada hiền thiệt! Haha…
Thằng Tí về ở với vợ chồng chúng tôi từ tháng Sáu năm ngoái tới giờ. Coi như nó bám trụ ở đây lâu dài, trong khi tía nó thường vắng mặt ở nhà. Tình trạng con cái ngẫu hứng đòi nuôi chó để rồi sau đó, vì một lý do nào đó, thường là không còn hứng thú nữa, đã “bán cái” con chó, nghĩa là đùn cho người khác lãnh nuôi. Người khác ở đây thường là cha mẹ.
 Trong từ điển Oxford English Dictionary of Quotations có liệt kê câu phương châm “A dog is for life, not just for Christmas”, có nghĩa bóng là việc nuôi chó là việc lâu dài cả đời chứ không phải chỉ cho dịp Giáng Sinh. Như chúng ta biết, Giáng Sinh là dịp trẻ con đòi quà. Có biết bao nhiêu món quà Giáng Sinh, lúc chưa có thì ước muốn và đòi, chừng có xong rồi thì chán. Nếu món quà là món đồ vật thì trả lại được, nhưng quà thú vật như chó mèo thì làm sao? Có người bỏ bê, thả rông ngoài đường thành mèo hoang, chó hoang. Thế là ở nước Anh, Hội Bảo Vệ Súc Vật Dog Trust được thành lập để cứu vớt những con chó bất hạnh. Bà Clarissa Baldwin OBE, chủ tịch của Hội, đã sáng tạo ra câu phương châm nổi tiếng này năm 1978. Nhớ nhé, nuôi chó là việc quan trọng cần có sự cam kết lâu dài chứ không được bốc đồng nhé. Hôn nhân là ở với nhau trọn đời chớ không phải “cưới nhau xong là đi… luôn”.
 Có thêm thằng Tí trong nhà, vợ chồng tôi đương nhiên là bận rộn thêm Nhưng bù lại, thằng Tí cũng mang lại cho chúng tôi niềm vui và niềm an ủi. Có nó quấn quít một bên suốt ngày đã quen, bây giờ nếu bỗng dưng mất nó, chắc là chúng tôi sẽ buồn lắm.
 Gia đình tôi ai cũng thích chụp hình và được chụp hình; riêng thằng Tí thì không thích bị chụp hình. Chẳng những nó không thích mà nó còn ghét nữa, ghét thậm tệ.
 Có lần trong mùa đông vừa qua, tuyết rơi suốt đêm. Sáng sớm ra, thấy cây cối ở sân trước nhà phủ tuyết đẹp quá, vợ tôi cầm iPad đứng trong nhà chụp qua kính cửa sổ. Đang ngồi gần ngay đó, tôi cũng bắt chước vợ, chộp cái smartphone để chụp hình qua cửa sổ, tuy tôi thừa biết hình sẽ không thể nào đẹp vì qua lớp kính cửa mờ.
 Thằng Tí có cái thú thích ngồi bên cửa sổ ngóng nhìn ra đường có cảnh ngoài đường xe cộ dập dìu đèn xanh đèn đỏ rất vui mắt. Sẵn thấy nó ngồi đó, tôi gọi nó quay mặt lại để chụp luôn. Nó quay đầu lại. Thấy tôi cầm cái smartphone dứ dứ trước mặt, nó biết ngay là tôi định làm gì; nó gừ gừ cự nự xong tức khắc quay mặt đi. Sau đó, tôi gọi “Tí” bao nhiêu lần nữa, nó cũng chẳng thèm quay mặt lại. Trong đầu, tôi chợt nghĩ đến thành ngữ “làm phách chó”.
 Thử giả bộ xí gạt nó, tôi hô lên: “Ăn xương!” Nhanh như sao xẹt, nó phóng ngay khỏi ghế ngồi, chạy một mạch về hướng nhà bếp, nơi để thức ăn của nó. Tôi được một phen cười đã điếu về cái tật mê ăn xương của thằng Tí, dù đó chỉ là “milk bone”, thức ăn của chó.
 Đối với thằng Tí, có lẽ milk bone là một thứ cao lương mỹ vị sang nhất trong đời, chắc cũng giống như cua Alaska hoặc tôm hùm đối với nhiều người. Mỗi ngày thằng Tí được ban cho một thỏi milk bone vào buổi tối. Ở nhà chúng tôi ai cũng chỉ nói với thằng Tí bằng tiếng Việt; mỗi lần nó nghe “ăn xương” là nó mừng quýnh nhảy tưng tưng. Trước khi đưa cục xương sữa cho nó, vợ tôi ra lịnh biểu nó bắt tay mặt, bắt tay trái, đứng lên "high five", nằm xuống, hôn; nó vâng lời làm theo răm rắp.
 Được cục xương sữa xong, nó ngậm và chạy ngay ra tấm khăn dầy nơi phòng khách để nhâm nhi thưởng thức từ từ.
 Nhưng khi nó thấy máy hình đưa lên thì nó trốn bét.
 Đọc tài liệu trên net, tôi mới biết tôi đã nghĩ sai và nghi oan cho thằng Tí. Thật ra loài vật nói chung đều không thích bị người ta nhứ nhứ trước mắt nó một món đồ mà chúng chưa quen hoặc không thích. Đối với loài chó, hiếm có con nào thích được chụp hình. Chúng chỉ “bị” chụp hình mà thôi, nghĩa là một cách dửng dưng miễn cưỡng. Có con chó nào trong hình mà cười đâu. Hahaha…
 Một giải thích nữa là máy ảnh - nhất là máy ảnh có ống kính tròn - dưới cái nhìn và linh tính của con chó thì đó là một mối đe dọa. Nòng súng, vòi nước, đồ chơi gây tiếng động…, tất cả đều bị chó không ưa và không muốn bị chỉa gần trong tầm mắt. Đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, các trở ngại này có thể được khắc phục dễ dàng. Họ có đủ đồ nghề và biết mánh lới dụ dỗ cho chó được thoải mái để chụp hình. Người mẫu khó tính mà họ còn dụ được thì khó gì một con chó con.
 Nghĩ đi rồi nghĩ lại, suy bụng ta ra bụng người, tôi đoán lý do thằng Tí nhà tôi không thích thú được tôi chụp hình nó nữa là vì tôi đã chụp dở mà lại cứ chụp hoài làm cho nó đâm bực đó thôi.
 Ngoài cái tật hay sủa, thằng Tí rất dễ thương. Ban đêm nó ngủ với “ba” nó. Khi nào “ba” nó đi vắng (rất thường mỗi tuần) thì nó ngủ với “ông nội” nó, là tôi. Cho nó ăn và dắt nó đi tiêu tiểu là phần nhiệm vụ của “ba” nó hoặc “bà nội” nó. “Ông nội” nó chân yếu đi một mình còn lạng quạng muốn té nên miễn cái vụ dắt thằng Tí đi đồng. Tuy nó chỉ là một con chó nhỏ ba tuổi và cân nặng chỉ khoảng năm kí lô nhưng nó mạnh lắm; nó lôi người dắt nó chạy theo không kịp.
 Thằng Tí vẫn còn là một con chó đực tự nhiên và nguyên vẹn. Tôi muốn nói là nó chưa bị thiến. Bà nó và ba nó bảo, nếu thiến nó thì sợ nó đau, tội nghiệp. Bà còn thêm câu triết lý, “Không gây cho người khác những gì mình không muốn người khác gây cho mình”. Vì vậy, tôi tưởng nếu nó gặp chó cái chắc nó thích lắm. Nhưng tôi lầm. Hôm nọ đến thăm nhà một người thân có nuôi một con chó cái nhỏ tên Daisy xinh xắn, vợ chồng tôi dắt thằng Tí theo vì không nỡ bỏ nó ở nhà một mình tội nghiệp.
 Thật ngạc nhiên quá, hai con chó khác giống gặp nhau mà chẳng ưa thích nhau, cứ đến gần một chút là gầm gừ hầm hè cự nự nhau. Lạ thiệt. Tôi sẽ gú gồ tìm hiểu sau.
 Với ba người trong nhà, thằng Tí đeo theo “ông nội” nhất. Tôi có thói quen thức dậy sớm lúc bốn giờ sáng, xuống nhà mở máy đọc thư, theo dõi tin tức và gõ bàn phím viết lách. Thằng Tí luôn luôn dậy theo, xuống theo và nằm dưới chân tôi để ngủ tiếp. Khi nào nó muốn đi lên nhà, bao giờ nó cũng ư ử mãi đòi tôi phải đi lên theo nó mới chịu.. Nó năn nỉ nhây lắm.
 Theo lệ thường mỗi ngày, tôi tắt máy và lên nhà lúc 6 giờ chiều để chuẩn bị dùng bữa ăn chiều. Có những hôm tôi quên hoặc cố nán làm cho xong một việc dở dang, thằng Tí chồm lên ghế vừa ư ử vừa cào chân. Nó muốn nhắc tôi đã đến giờ phải trở lên nhà cho bữa ăn chiều. Nhiều lần như vậy, tôi gọi nó là cái đồng hồ chó.
 Khi tôi đang gõ những dòng chữ này, thằng Tí đang nằm ghếch cái đầu ấm áp của nó lên hai bàn chân tôi, yên giấc say sưa, nhịp nhàng buông ra một tràng tiếng ngáy dài đệm một tiếng nấc như đứa bé con. “Ông nội” nó nghe mà thương nó vô cùng.

 ***

Sau khi gú gồ tìm hiểu, hóa ra đều này cũng bình thường thôi, chẳng lạ gì đáng phải ngạc nhiên. Tại sao? Tại vì theo kết quả nghiên cứu khoa học, chó cũng tương tự như người, cũng có khi hợp và có khi không hợp; dù có mai mối, tạo cơ hội làm quen, ép gả cũng vô ích. Chó cũng biết yêu và biết ghét. Vô duyên đối diện bất tương phùng.
 Một anh bạn tôi tỏ vẻ quan tâm đến thái độ lơ là của thằng Tí khi gặp gái. Với tánh hay lo xa, anh ấy hỏi đùa: “Hay là nó có vấn đề?” Tôi lại tham vấn bác Quí Kỳ để tìm hiểu thì được biết có nhiều loại cầm thú đồng tính như chim cánh cụt, bồ câu, kên kên, thiên nga đen, voi, hưu cao cổ, cá heo, sư tử, khỉ, cừu, rùa đất, kỳ đà, dơi, v.v. nhưng không có chó mèo.
 Sẵn dịp tôi phải viết thêm về thằng Tí để giải một nỗi oan cho nó và cả cho tôi nữa. Nó bị mắng oan là mê ăn thịt gà nướng; còn tôi bị đổ thừa là tại tôi cứ hay cho nó ăn ké gà nướng nên nó mới “ghiền” và đeo theo “ông nội” chân yếu. Vợ tôi và con trai tôi nói là để thằng Tí ăn thức ăn của người là nó sẽ bịnh. Vợ dọa, “anh cho nó ăn bậy rủi nó bịnh phải đưa đi bác sĩ thúy (mần ơn gõ hai chữ thú y rời ra ông chân yếu ơi). Đi gặp bác sĩ thú y là tốn tiền nhiều lắm đó.”
 Tôi nghĩ thầm, “Quái, thịt gà nướng ăn ngon gần chết mà nói là đồ ăn tầm bậy”. Vợ nói, “Thịt gà nướng cũng có mỡ, nó ăn nó sẽ bị bịnh tim mạch.” Vợ tôi lo xa cũng đúng thôi vì ông con đã bị mổ tim hai lần rồi và hiện giờ bị gắn luôn cái máy kích tim implantable cardioverter defibrillator trong ngực.
 Nguyên cớ là tôi khoái ăn gà nướng mua ở chợ Metro hoặc chợ Nations gần nhà. Một con gà nướng tôi mua chưa tới 10 đô mà tôi ăn gần cả tuần lễ mới hết, thường là tôi ăn kèm với món rau trộn. Thấy thằng Tí lười ăn thức ăn của nó, tôi trộn thêm một ít thịt gà xé nhỏ vô chén đồ ăn của nó, thế là nó quất một hơi sạch bách và còn ngó quanh liếm láp. Vậy là nó đeo theo tôi vì gà nướng hay vì thương ông nội tuổi già chân yếu? Hỏi nó cũng như không; nó nhướng đôi mắt nhung có lông mi dài cong vút; nó nghiêng đầu vểnh tai, và nó cất tiếng “hử?”
 Sở dĩ tôi cho nó ăn ké gà nướng là vì tôi thấy nó ốm nhom. Bình thường với bộ lông xù, thằng Tí coi tròn trịa gọn xinh. Nhưng mỗi lần tía nó tắm cho nó xong, bộ lông xù của nó ướt nhẹp ép sát rạt vô da nó khiến cho nó trông ốm nhom thảm hại. Có rờ người nó mới thấy chỗ nào cũng nhô xương. Bốn chân khẳng khiu, đầu, lưng nhô xương, lườn ức lép xẹp, chỉ có hai cái đùi sau là có thịt giống như hai cái đùi gà.

Nó làm biếng ăn nên ốm cũng phải. Bạn nghĩ coi, thức ăn gì mà khô khan mới ngó đã thấy ớn. Tuy thức ăn kê khai có đủ thành phần làm bằng thịt bò, thịt gà nghe hay thiệt, nhưng chẳng có mùi thơm hấp dẫn chút nào, trong khi gà nướng thì có ướp nhiều gia vị thơm phức, bỏ qua rất uổng. Mỡ ư? Canada là xứ lạnh, tôi nghĩ cơ thể cũng cần một ít mỡ để chống lạnh. Gấu bắc cực nhờ ăn mỡ hải cẩu mới sống nơi băng giá đó không phải sao?
 Từ xứ cao bồi nắng cháy Texas về đây cuối tháng Sáu nhằm mùa hè, thằng Tí không bị thay đổi khí hậu đột ngột. Đến tháng 12, khi trận tuyết rơi đầu tiên ở Toronto, chúng tôi lo, sợ nó lạnh, nhưng bề nào cũng phải dắt nó đi ngoài, mỗi ngày ít nhất là hai bận. Ngờ đâu, lần đầu tiên thấy tuyết, nó mừng rỡ còn hơn là những người tị nạn Việt Nam tới đây mấy chục năm trước. Nó xông xáo lội vô tuyết chạy nhảy như con nít ham giỡn tuyết không chịu về. Hóa ra chủ nó lạnh chớ nó không biết lạnh.
 Ai cũng thương và tội nghiệp thằng Tí, nhất là bà nội nó, sắm cho nó áo ấm mặc trong nhà, hai cái áo lạnh đi ngoài trời, chăn mền, đồ chơi, v.v. Vì mỗi lần trở về nhà phải rửa mặt mũi và bốn chân nó hơi cực, ba và bà nó đi Petsmart mua áo mua giày cho nó, một cái ái rằn ri màu TQLC và một cái áo bộ binh dầy hơn. Bị tròng lên người ba cái thứ phụ tùng lỉnh kỉnh này, thằng Tí chắc chắn là không ưa. Mỗi lần bị khoác cái áo lạnh dầy màu cứt ngựa phủ lưng tận đầu, thằng Tí đứng yên không cục cựa, cứng đơ như xác khô của một con ve thấy vừa tức cười vừa tội nghiệp. Đến khi bị mang vô chân bốn chiếc giày bằng cao su nữa cho đủ bộ, thằng Tí trở nên ngoan không thể tưởng, không sủa, chỉ im thin thít chịu trận, chờ cho cái màn tra tấn cực hình này càng mau kết thúc càng tốt.
 Cái áo choàng trên lưng còn tạm chịu được, còn bốn chiếc giày với nó vướng víu vô cùng. Tiêu tiểu xong nó hay bươi, nhưng mang giày thì làm sao mà bươi cho được. Thế là nó búng, nó vẫy, nó cà chân xuống mặt đường để cố làm cho giày sút ra. Giày cỡ nhỏ nhất đối với nó vẫn còn hơi rộng, vì vậy cho nên mới qua mấy tháng mùa đông mà chưa gì đã tốn cho nó ba đôi giày rồi, vì mấy chiếc đã bị mòn thủng lỗ; hai chân mang giày đen, hai chân mang giày xanh trở thành mốt thời trang chó bảo đảm không đụng hàng.
 Mỗi lần bà nó dắt nó đi xong, về nhà thế nào cũng có chuyện để mắng vốn về nó: gặp chó khác sủa, gặp cái gì cũng dừng lại ngửi, tiểu thì không chịu tiểu một lần cho xong, cứ đánh dấu lãnh thổ chỗ này vài giọt chỗ kia thêm mấy giọt, liên tục như vậy có khi tới 14 lần. Tiêu thì có khi vừa hốt và vứt túi vô thùng rác ở công viên xong, nó lại đi thêm một lần nữa, báo hại bà phải hốt và phải vứt nữa. Bực mình chưa.
 Ông nội được giao cho bổn phận rửa mũi rửa chân cho nó, xong lau khô. Chắc là đi đồng xong nhẹ bụng và khỏe khoắn cho nên cu Tí nhà ta thích giỡn, phóng chạy rầm rập như ngựa trên sàn gỗ từ phòng khách và nhà bếp. Tôi quăng cho nó chiếc vớ dầy, mặc cho nó cắn xé. Nhưng nó vẫn thích cắn dép của bà nội nhất, cắn lủng rách te tua, bị bà cầm roi dọa thì trốn. Bà nói không phải tiếc đôi dép mà là tại vì sợ nó cắn rồi nuốt nhựa vô bụng mang bịnh. Vậy giữa nhựa dép với gà nướng, thà nó ăn gà nướng đỡ hại hơn. Gà nướng nè Tí ơi!
 ***
Hôm qua là sinh nhật của Thằng Tí; 3 tuổi chó, tương đương với khoảng 20 tuổi người. Không có gì đặc biệt cho nó cả, cả gà nướng cũng không. Nó chê thức ăn khô khan của nó, không đụng tới chén đồ ăn, cả ngày vẫn còn nguyên. Nó còn ngồi bên cửa sổ nơi phòng khách hoặc dưới phòng làm việc của tôi, nó ngó ra đường và sủa hoài khiến cho “bà nội” có lúc phải bực mình rầy rà nó.
 Con trai của vợ chồng tôi - ba Thằng Tí - thường vắng nhà vì công việc, mỗi tuần một hôm hoặc hai hôm. Ngoài ra thỉnh thoảng tía nó còn vắng nhà lâu hơn trong những chuyến đi xa ra khỏi nước. Thằng Tí ở nhà với “ông bà nội”.
 Nhớ lại ngày đầu nó về căn nhà hẹp nhưng cao 3 tầng lầu này, Thằng Tí bỡ ngỡ với cầu thang gỗ 14 bậc dốc cao vời vợi. Nó đâu có thể vịn tay như người, các bậc thang gỗ lại trơn láng, nó sợ sệt không dám bước, nhất là bận từ trên đi xuống. Chính tôi, lúc cơ thể yếu mệt, còn sợ mỗi khi phải bước xuống thang lầu; tôi phải bám chặt tay vào thành vịn.
 Thằng Tí không thể vịn nên té. Nó bị té hai lần, lăn một lèo xuống hơn mười bậc thang chắc là đau, thật tội nghiệp. Tôi nghĩ thầm, “Cái mửng nầy coi bộ không xong; nó bị mệnh hệ nào là ân hận”. Tôi suy nghĩ tìm cách nào để ngăn ngừa cảnh chó lăn té cầu thang. Tôi đến Home Depot mua một cuộn băng tếp nhám; tôi cắt ra từng khúc và ịn xuống mội bậc cầu thang vì mặt dưới của băng tếp nhám đã có keo sẵn. Tếp nầy chỉ có màu đen, rờ như là giấy nhám, mục đích là để chống trợt. Thằng Tí trông thấy cầu thang có dán tếp nhám đen, nó sợ. Khi bước, nó cố gắng né tránh miếng tếp cho nên nó rụt rè bước từng bước chậm.
 Sau đó, tôi mới hiểu lý do tại sao nó sợ bước lên tếp nhám; đó là vì tếp giống như tếp dính velcro, khi đạp lên, một ít lông chân của nó bị dính vô tếp nhám. Nó thuộc giống chó Havanese lai Shih Tzu, lông dài phủ chân. Dần dần lâu ngày tếp đã bớt nhám vì dính lông chó, nhưng Thằng Tí vẫn còn e dè bước xuống cầu thang từ từ, chỉ bình thường thôi chớ không bao giờ chạy lẹ như cầu thang lót thảm ở tầng dưới. Có khi nó nhát gan nên ngồi ì đó không dám xuống. Cũng có khi nó nhõng nhẽo đó. Mỗi khi nhõng nhẽo, nó rên rỉ tới nỗi hàm răng dưới run rẩy thấy vừa mắc cười vừa tội nghiệp. Nó đòi cái gì là nó đòi dai lắm, đòi lấy được mới thôi.
 Ngoài cái vụ rên rỉ, nó còn biết dùng hai chân trước khều khều để gây chú ý mỗi khi nó muốn chủ phải làm điều gì đó. Chẳng hạn như nó thường hay khều và ư ử kêu tôi cùng đi lên nhà với nó. Hầu hết thì giờ tôi đều ngồi trước máy điện toán loại để bàn nơi phòng làm việc dưới tầng trệt. Thằng Tí theo sát một bên, nếu không ngồi bên cạnh ngóng cửa sổ thì cũng nằm dưới chân tôi lim dim hoặc ngủ ngáy say sưa. Khi thức dậy và muốn đi lên tầng trên có phòng khách và nhà bếp, nó rủ rê ông nội chân yếu của nó phải đi theo. Mềm lòng trước sự nài nỉ của nó, tôi phải tắt máy đi lên lầu với nó.
 Tôi hay nằm ở sofa ngủ trưa, Thằng Tí cũng nằm dưới chân tôi, liếm chân nhột nhột. Lúc ngồi bên cạnh nó thì nó liếm tay. Tối tôi nằm ngủ trên giường thì có khi bị nó liếm mặt. Tôi phải nhắm chặt mắt lại và lấy tay che miệng mũi, chỉ chừa cái trán cho nó liếm. Cái trán tôi dường như càng ngày càng cao lên thì phải. Ba nó thì hói đầu; tôi nghĩ hay là tại để cho nó liếm tự do khi ngủ chung với nó?
 Tôi gú gồ đề tìm hiểu nguyên nhân chó hay liếm thì thấy tài liệu kể các lý do sau:
 - Bản năng tự nhiên hấp thụ được từ lúc vừa chào đời được chó mẹ liếm cho sạch sẽ.
 - Là dấu hiệu của sự bày tỏ tình cảm thương yêu trìu mến, dấu hiệu của sự thuần phục chủ và dấu hiệu của sự hòa thuận.
 - Vì da của người có vị mặn chó rất thích.
 - Liếm để thải ra dịch vị endorphin trong nước bọt giúp cho chó cảm thấy dễ chịu.
 - Thói quen giúp làm giảm căng thẳng.
 Muốn cho chó ngưng liếm, bạn nên đứng dậy bỏ đi. Vài lần như vậy, chó sẽ biết và không liếm bạn nữa.
 Còn nếu con chó tự liếm nó kinh niên thì đó có thể là vì nó chán nản, lo âu, có vấn đề vệ sinh ngoài da, dị ứng, ngứ ngáy, bọ chét, vết trầy lở ở bàn chân, ở bộ phận nào đó trên cơ thể nhiễm trùng làm cho đau khó chịu.
 Tôi tin Thằng Tí hay liếm chủ là do mến thương vì giống chó Havanese nhiều tình cảm, vắng chủ lâu sẽ dễ bị bịnh. Tôi đã đọc biết bao nhiêu chuyện về lòng trung thành thương mến chủ của chó, trung thành và thương nhớ đến bỏ ăn, đến chết theo cho chủ. Tôi cũng đã nghe nói nhiều về những câu chuyện chủ thương con chó nuôi như con cháu; khi nó mất cũng khóc thương buồn khổ. Mạng sống của con chó trung bình từ 10 đến 15 năm. Thằng Tí vừa 3 tuổi, có thể nó sống được khoảng bảy, tám năm nữa. Tôi thì ở tuổi lơ lửng giữa chừng của bảy bó và tám bó. Nào ai có thể biết được ai sẽ đi trước ai và ai sẽ còn ở lại để thương khóc cho ai…

 Phan Hạnh
PH-HCA