NHỮNG KHOẢNG ĐỜI, KHÔNG MUỐN NHỚ....
*Tùy bút Nguyễn-Tư
Cái hình ảnh của những người vợ lính nằm lăn ra khóc trên nền xi-măng một cách vật-vã, vì vừa có một cuộc đụng trận dữ dội đêm qua ... mà chồng họ đã có người thương vong, trong lúc Tứ đang
ngồi đờ-đẫn, cúi đầu bên hè của Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn, quần áo trận rách
tả-tơi đầy sình lầy, và những giọt máu từ vết thương ở chân phải hắn nhỏ xuống đọng thành vũng trên những viên gạch màu nâu đỏ, vẫn không phai nhòa trong trí óc vốn bận-rộn với những suy-tư trầm-lắng dai-dẳng của Tứ, cộng lẫn với tiếng khóc ồ-ồ, kể-lể của Mẹ hắn, khi hắn chỉ còn bộ xương mới ở trại tù tận rừng Cà-mau về, sau mười mấy năm xa cách, làm cho hắn sợ-hãi đến bây giờ.…Tiếng khóc nức-nở của những bà vợ lính thảm-thê, của Mẹ chàng trước đây - một loại âm-thanh ám ảnh ghê rợn mà bao giờ Tứ cũng muốn đuổi ra khỏi trí nhớ cùn-mằn của mình, thì đêm nay lại bất chợt trở về trong giữa khuya, ở thành phố lưu-vong xa lạ này, từ một vùng cách xa hắn hàng ngàn cây số, từ đầu
dây bên kia. Tiếng chuông điện-thoại reo hối-hả vào lúc 2 giờ sáng, như
muốn lấn áp những tiếng mưa rơi trên mái tôn của căn nhà bên cạnh.
Tiếng tít-tít của máy điện-thoại khi nhấc ống nghe lên - chỉ dấu cho
những cú gọi viễn-liên khác tiểu bang, làm hắn biết hắn đang nghe một người ở cách đây thực xa. Tứ cố dằn cơn buồn ngủ chập-chờn. Một sự lặng câm đến rợn người, rồi những tiếng nấc kéo dài, kéo dài ...mà Tứ biết là tiếng khóc ... tiếng khóc đêm hôm của một người con gái tên Uyên. Hắn vội hỏi: “Sao vậy em?” - vẫn không có tiếng trả-lời nào, ngoài những tiếng nấc lớn hơn tiếp tục. Tứ mường-tượng đến đôi vai nhỏ bé của Uyên rung-rung dưới những cơn xúc-động tột cùng. Hắn có vẻ sợ hãi và hoảng-hốt, bởi vì, hắn đang trở về với một thứ quá-khứ kinh hãi thời chinh chiến mà hắn không muốn ngắm nhìn, một ở lúc hắn còn quá trẻ , và một ở lúc hắn đã mỏi-mòn !?…
Tiếng khóc có vẻ dịu hơn sau đó. Tứ lại thở dài, hỏi một cách thiết-tha :
-Sao vậy em? Có chuyện gì không?
Giọng nói ở đầu dây bên kia đầy nước mắt và chậm rãi trả lời :
-Em buồn quá!
-Sao vậy ?
-Em sợ mọi chuyện và cô-quạnh cùng cực.
-Ở nhà một mình à ?
-Thưa vang!
-Sao không tìm một người bạn gái nào đó “share” phòng, cho đỡ cô-quạnh?
-Em không có ai đủ “thân” để làm điều đó và hình như cũng không muốn điều đó,
em muốn em một mình …dễ chịu hơn! Đôi khi mình phải lựa chọn điều ít tệ hại hơn, chứ không phải cái mình mong muốn !
-Thế người chị em đâu ?
-Đi rồi, sáng nay …
Tứ thở dài trong ống nghe, để bày tỏ niềm tuyệt-vọng về một thứ tình ruột thịt người ta có thể hy-sinh ở một nơi mà chữ “Tình Thương” được mô-tả là hiếm-hoi, đôi khi trở nên phù-phiếm. Tứ dỗ-dành người con gái như một người ở bên cạnh và bảo nàng một cách âu-yếm :
-Uyên à !
-Dạ.
-Em hãy lấy khăn lau mặt đi. Đừng khóc nữa! Tiếng khóc của em
làm anh bối-rối quá, anh cũng đang sống với nỗi kinh-hoàng từ tiếng khóc
nức-nở giữa đêm hôm của em. Em biết không Uyên ?
-Sao vậy anh ?
-Đừng hỏi nữa, Uyên! Đi rửa mặt đi em ! Ngoan, anh thương …
Sáng nay trời u-ám, Những cụm mây xuống thực thấp. Tứ đứng co-ro dưới mái hiên của một văn-phòng hãng xe Bus, nhìn những tảng mây “Cumulus” dày cộm mà nhớ những ngày bay-bổng xa xưa được dạy rất kỹ trong giờ Khí tượng. Tự dưng chàngbuồn một cách thê-thảm và nép mình vào sâu hơn bên trong văn phòng hãng Bus chạy đường xuyên Tiểu-bang này. Lòng Tứ chùng xuống như những đám mây lãng-đãng thấpkia. Hắn không hiểu tại sao như thế ?! Cũng nơi này, năm ngoái, Tứ đứng chờ xe trong mưa bay…khi trời sập tối . Hắn đốt liên-tục gần phân nửa gói thuốc để chờ Uyên, bỗng dưng hắn mỉm cười về những lặp lại tình cờ trong đời sống: “Sao lúc nào tôi cũng đợi chờ? Đợi chờ đi lính, đợi chờ đụng trận mà không biết mình có còn được trở về hay không, rồi đợi chờ đi tù, đợi chờ mãn án , đợi chờ ra đi, đợi chờ định-cư, và bây giờ thì chờ Uyên bởi vì nàng đã mời Tứ xuống thành phố xa-xăm này để giúp nàng tổ chưc một đêm Văn nghệ. Tình thương hầu giúp mấy em không thân nhân đang còn kẹt tại Thái-lan , đơn giản như vậy thôi khi nàng biết Tứ là người rất nặng tình với đời này, nhất lànhững ai bất hạnh...….”
Thế rồi một chiếc xe thể-thao màu xám xanh mui trần hiệu Triumph trờ tới, Uyên ngồi ôm tay lái nhìn ra mỉm cười - một nụ cười buồn như đã thấy nơi Uyên, đâu đó còn sót lại lần sau cùng ở nhà hàng Maxim's, Uyên giơ tay vẫy gọi Tứ một cách ngại-ngùng khi nàng đứng sắp hàng để chụp hình lưu-niệm lúc Tứ chậm rãi bỏ về sờm và bước xuống thang lầu …Khi Tứ đã xuống hè phố một khoảng xa, hắn chợt nghe tiếng chân người vội vã chạy theo , chàng nhìn lại thì đó là Uyên trong chiếc áo dài Mini màu đỏ thẩm, vừa ôm ngực, vừa hổn-hển thở hỏi vẻ trách móc: “Sao anh không nán lại chụp hình chung với Ca sĩ tụi em?”Tứ bật cười lớn, vỗ vai cô bé và nói: “Úi xời ui, hình cái gì, anh là nhà báo vừa là nhà nhiếp- ảnh gia , đến lấy tin xong thì về, không chụp hình mấy cô thì thôi, sao lại đòi anh đứng chụp hình với mấy em? Về đi kẻo người ta đợi!” Thế là cô bé tiu-nghỉu trở về nhà hàng để sau này chả bao lâu chàng tình cờ nhận được cái thư viếttay qua đường Bưu điện ướt như rả ra vì chàng ít khi check hộp thư và thấy chữ trên phong bì rất lạ nơi người gửi ghi rằng “Một độc giả” mà bên trong chỉ có một câu ngắn“Nhỏ rất nhỏ trong anh “ thì chàng sững-sờ và đoán biết từ ai ....?
Bây giờ Tứ nhìn Uyên vẻ áy-náy với nỗi lòng vừa mừng vừa xúc-động nào đó, hỏi nhỏ vừa đủ để Uyên nghe :
-Uyên khỏe không ?
-Thưa khỏe, anh.
-Sao mắt vẫn ướt và buồn như xưa ?
-Em vẫn khổ đó chứ anh !
Giọng Hà-nội làm trầm chữ “khổ” xuống thực thấp như chực tắt trong cổ họng làm Tứ bùi-ngùi …
Uyên chồm người về phía Tứ để mở cửa xe cho chàng bước vào vừa nói mềm-mại“Thôi, mình về đi anh!” . Tứ cúi người đưa cái túi xách tay vào trước rồi ngồi bên Uyên, vừa nói cám ơn, cài dây an-toàn, xong quay nhìn Uyên trong lặng thinh giây lâu. Xe chạy trên những con đường đầy hoa anh đào nở, chạy vòng qua bờ sông Yarra, Uyên chợt hỏi Tứ như muốn chàng chia xẻ :
-Anh thấy con đường và dòng sông đẹp không anh ?
-Ừa, hơi giống Đà-lạt của anh.
-Sao lại “của anh”?!
-Vì anh chỉ có Đà-lạt trong lòng...
Uyên mỉm cười, nhấn ga lướt tới nói “Oh dear!” và tiếp giọng nũng-nịu :
-Còn Springvale - “Thung-lũng mùa Xuân” nơi em đang ở thì anh nghĩ sao?
-Ừa, của em. Anh trả lại cho em những cây hoa anh đào và dòng sông Yarra lúc nãy …
Uyên mỉm cười thật dễ thương để lộ núng đồng tiền một bên má làm cho khuôn mặt nàng có vẻ vui hơn.Chạy khoảng nửa giờ đường thì bất ngờ chiếc xe của nàng giảm vận-tốc từ-từ rồi quẹo vào một chiếc cổng nhỏ của một căn nhà có vẻ hoang-vu xơ-xác không ai chăm sóc nên Tứ tò-mò chợt hỏi :
-Ghé nhà ai vậy em ?
-Nhà mình chứ còn ai nữa? Vào đi anh!
Tứ bước theo Uyên vào nhà. Chiếc lò sưởi nơi phòng khách lửa than nổ tí-tách bên cạnh một chiếc Dương-cầm đen bóng, làm chàng nhớ tới Ái-Minh, vợ của một Bác sĩ VN nổi tiếng Sydney dáng trẻ-trung cúi gầm người trên chiếc Piano chơi một tấu-khúc của Chopin ở quán “Nhớ” trong ngày phát-hành cuốn sách đầu tay của Tứ ..Uyên rửa mặt, rồi vén áo ngồi vào Dương cầm, đôi tay nàng lướt nhanh trên bàn phím như khúc dạo đầu thông lệ vừa nói: “Em sẽ chơi một bản mà em biết anh ưa thích nha” ... .Tứ cảm thấy một nỗi ấm-cúng thiết-tha nào đó trong căn nhà này và nơi đây, chàng đã ngồi bên cạnh Uyên nghe nàng chơi bản “Ru ta ngậm ngùi” của Trịnh-Công-Sơn - bản nhạc đã để lại trong lòng Tứ những nỗi đau bùi-ngùi vừa thanh thản của một người vừa muốn níu kéo cuộc đời, vừa muốn buông bỏ nó - là thứ vốn-dĩ đã
có nhiều hệ-lụy. Đôi tay Uyên thật đẹp như nàng đã nói qua phone trước
đây trong những khi tình-tự, lướt nhanh trên những phím ngà, lẩn trong
tiếng hát của nàng rất ngậm-ngùi như tên bài hát .Tứ vẫn rất yêu những câu hát này quá đỗi :
“Hương trầm có còn đây,
Ta thắp nốt chiều nay” ?!
Rõ–ràng
là một dự-phóng cho cuộc đời không cần biết ngày mai. Tháng ngày chỉ là
những chuỗi thời-gian kết nối những phù-du trong đời sống, kể cả trong
Tình Yêu :
“Em về, hãy về đi
Ta phiêu-du một đời…”
Người
tình chỉ còn mường-tượng và giản-lược vào một hình ảnh vừa nhỏ-nhoi vừa
lạc- lõng như sợi tóc ai kia bay-bay trong gió, và được cầm giữ một
cách lãng-đãng như khói sương trong một thứ trí nhớ hững-hờ :
“Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ-nhoi…”
Và,
cuối cùng cả đời sống một kiếp người là gì? Nếu không phải là một
thế-giới đầy tĩnh-vật, lẻ-loi, câm nín, sợ hãi, đe dọa, đầy bất-trắc và
sự cô-quạnh cùng-cực như cái thế-giới của Roquentin trong sở thú - một
nhân-vật hình-tượng Hiện-sinh của Sartre, giống như Tứ,
như Uyên …khi hắn chợt nhìn thấy rễ cây sù-sì nhô lên như con quái
vật…Con người không còn một sức cưỡng-chế nào nữa cả, mà chỉ còn biết
buông trôi một cách âm-thầm trên những dòng sông đầy Định-mệnh :
“Không còn, không còn ai
Ta trôi trong cuộc đời”.
Để có một phút giây nào đó, trong thoáng chốc dừng chân bên lề cuộc đời , tự nhìn mình mà thảng-thốt, kinh-hoàng :
“Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm”
Câu hát làm Tứ nhớ những tiếng khóc của Uyên đêm hôm, trước đó một tuần. Uyên đã “soi bóng mình” và đã “trôi” trong cuộc đời, như Tứ đã trôi từ năm 11 tuổi xa nhà , cho đến bây-giờ! “Trôi” là một hành-động buông xuôi … thả nổi cuộc đời vào những phiêu-lưu không định-hướng để rồi gậm nhắm nỗi đắng cay một mình. ..
Rồi trong ngày cuối cùng, thì Tứ nói với Uyên là hắn phải về. Dáng Uyên nhỏ bé và tội-tình như
con mèo ốm trong chiếc áo ngủ màu trắng, mà đã có lần Uyên nói trong
ống nghe rằng Uyên đang mặc một chiếc áo ngủ màu trắng ngồi trước bàn
phấn và Uyên tự thấy mình “dễ thương” lắm. Đôi mắt Uyên có vẻ buồn rầu và cúi xuống khi nghe Tứ nói “Mai anh về luôn!”. Uyên yên lặng giây lâu rồi ngước lên nói giọng trấn-an : “Không đâu anh !”. Hình ảnh đó, Tứ vẫn còn cầm giữ cho đến bây giờ lẩn với những giọt nước mắt bất ngờ của Uyên chảy dài vào buổi sáng khi hắn nói “Anh là người mang mệnh biệt-ly bên trong, đó em!” như người chinh-phu trong “Ai xuôi vạn-lý” của Lê-Thương một thời binh lửa. Chiếc áo “len” carreau màu xám trắng Tứ tặng, ôm chặt lấy thân mình bé nhỏ của Uyên. Chiếc Jupe trắng rộng thùng-thình, khuôn mặt không phấn son, cho Tứ thấy được con người rất “thật” nơi Uyên, làm cho hắn thương Uyên hết sức, và hắn loáng-thoáng nghe Uyên hát nhỏ trong buồn tênh, một khúc hát đầy cay đắng nhưng cũng không thiếu vẻ bao-dung :
“Tôi còn trẻ, tôi không muốn bỏ ngang đời,
bởi vì cuộc đời đã làm tôi sợ hãi !
Tôi còn trẻ, nên tôi không muốn oán trách ai!” …
khi Tứ vừa bước xuống hè, sau khi ôm chặt Uyên vào lòng hôn nhẹ lên mái tóc ngắn, nói nho nhỏ: “Em hứa đừng call anh mà khóc giữa đêm khuya như thế nữa nha, bởi vìanh sẽ đau thêm một lần nữa!” ...Từ đó Tứ bỏ lại sau lưng căn nhà hiu-quạnh, có nhữngcây “Mimosa” già sần-sù phía sau vườn Uyên, đang trổ những nụ hoa vàng cuối cùng của mùa Đông giá buốt năm ấy, lẫn những hàng hoa anh đào chạy dài trên bờ sông Yarra mà hắn và Uyên đã đi qua - Quê-hương của những cụm mây mù và những cơn mưa rả-rích …Và, Tứ đã ghi lại:
KHI VỀ,
TRONG MÙA ĐÔNG...
Mùa Đông,
về rồi đó,
em...
Cội hoa,
Có nở vàng thêm,
sau nhà?
Kể từ,
tình vội nhau,
xa...
Áo xưa,
đã nhạt trăng,
tà mái tây...?
Dù,
trong chia cách,
phương này....
Có người,
ngồi nhớ hàng cây,
mưa chiều...
*Nguyễn-Tư