NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC TAY CHÂN LẠNH CÓNG VÀO MÙA ĐÔNG
Tay chân lạnh cóng không phải là triệu chứng nguy hiểm nhưng thường gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu và tạo không ít bất tiện trong sinh hoạt, cuộc sống cho người mắc.
Theo y học cổ truyền, cơ thể người gồm hai phần âm và dương. Nếu mất cân bằng giữa hai phần này có thể gây ra bệnh. Khi âm hư sinh nội nhiệt, dương hư sinh ngoại hàn. Những người bị tay chân lạnh thường do phần dương bị suy yếu. Ngoài biểu hiện tay chân buốt giá, người mắc chứng này thường có sắc mặt nhợt nhạt, mạch trầm trì, đại tiện phân nhão, sợ lạnh. Họ cũng thường thở đoản hơi, dễ mệt mỏi.
Đây là vấn đề mang tính phổ biến nhưng chỉ là triệu chứng, nó thường xuất hiện ở người già, trẻ nhỏ và phụ nữ. Những người làm việc trong điều kiện hay phải ngâm tay chân trong nước hoặc ở môi trường lạnh cũng dễ mắc chứng chân tay lạnh hơn vì nhiễm âm khí nhiều hơn khiến dương suy, ngoại hàn. Vậy tại sao lại xuất hiện tình trạng này?
Nguyên nhân chân tay lạnh theo Đông y
1. Dương khí không đủ
Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương dương khí bao gồm thường xuyên ăn uống đồ lạnh gây tổn thương dương khí ở Tỳ Vị. Ngoài ra còn do uống nhiều thuốc kháng sinh, mệt mỏi lao lực lâu ngày, sinh hoạt phòng the quá độ… Khi dương khí không đủ sẽ làm cơ thể thấy sợ lạnh, những người này thường xuyên bị lạnh cóng tứ chi, sắc mặt trắng bệch, sức yếu hay mệt mỏi. Do thiếu khí nên hay hụt hơi, ít nói, hay đổ mồ hôi, miệng nhạt không khát, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng, chất lưỡi trắng nhạt, mạch hư trì hoặc trầm nhược.
Để trị liệu, người dương hư trước tiên cần thay đổi cách sinh hoạt và thói quen ăn uống để không tiếp tục làm tổn thương dương khí, đồng thời có thể dùng các bài thuốc Đông y như Tứ nghịch thang, Kim quy thận khí hoàn… kết hợp với châm cứu để đạt hiệu quả.
2. Khí hư
Đây cũng là một nguyên nhân làm chân tay lạnh cóng và sợ lạnh. Những người này dễ bị hen suyễn, ra mồ hôi. Nguyên nhân đa phần do khí ở Tỳ Vị bị tổn thương và không đủ khả năng bảo vệ bên ngoài thân thể làm bệnh nhân thấy sợ lạnh. Với thể trạng này, Đông y sẽ dùng Tiểu kiện trung thang, Bổ trung ích khí thang có công dụng điều chỉnh hiệu quả nhanh chóng.
3. Can khí không thông
Lại có một số người thường xuyên thấy lạnh cóng ở các đầu ngón chân. Đây đa phần thường bởi Can khí không thông, trạng thái cảm xúc mất cân bằng dẫn tới Tứ nghịch tán chứng. Nhóm người này khí huyết ứ trệ, dương khí bế tắc bên trong không lưu thông tới tứ chi gây ra lạnh cóng. Người có tình trạng này không thể ôn dương, cần Thư can lý khí.
4. Huyết hư
Những người này vào mùa hè còn thấy tạm ổn, chỉ bước vào mùa đông chân tay lạnh cóng và luôn sợ lạnh. Ngoài ra, họ còn có những triệu chứng: trí nhớ kém, mất ngủ, dễ bị mệt mỏi, tim đập nhanh, chóng mặt. Màu sắc ở móng tay, mí mắt, môi, miệng đều nhợt nhạt. Chỉ cần ngồi xổm 2 phút đứng lên sẽ thấy tối sầm trước mặt, lâu hơn sẽ thấy hoa mắt chóng mặt, nếu nghiêm trọng hơn thì đó cũng là biểu hiện của bệnh huyết áp thấp do thay đổi tư thế. Đối với những người già, điều này có liên quan chặt chẽ tới một số loại bệnh nguy hiểm.
Với nhóm người này, khi thời tiết bắt đầu vào mùa thu cần chăm sóc bồi dưỡng cơ thể, để tích trữ năng lượng cho mùa đông. Thời tiết mùa thu tương đối hanh khô, thích hợp sử dụng những loại thực phẩm nhuận Phế, tư âm để bồi bổ lấy lại khả năng miễn dịch và đề kháng cho cơ thể vào những ngày lạnh giá.
Làm thế nào loại bỏ chân tay lạnh vào mùa đông?
1. Ăn nhiều các loại thực phẩm hỗ trợ lưu thông máu
Lưu thông máu tốt là điều kiện tiên quyết để có một cơ thể khỏe mạnh. Tăng cường khả năng lưu thông máu giúp cho máu có thể đi tới các cơ quan, cung cấp đủ lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Có rất nhiều cách để nâng cao khả năng lưu thông máu trong cơ thể. Ví dụ, thực phẩm giúp hỗ trợ lưu thông máu, giữ cho cơ thể khỏe mạnh và ngăn chặn các vấn đề liên quan tới động mạch như: Vừng, rau chân vịt, lạc, đậu phụ, các loại cá tươi, tỏi, cà ri…
2. Thường xuyên vận động
Vận động giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể, tuy nhiên, không nên vận động quá sức, ra nhiều mồ hôi sẽ khiến cho cơ thể bạn nhanh chóng tỏa nhiệt và nhanh mất nước.
3. Chế độ dinh dưỡng giàu calo
Để tăng thêm nhiệt lượng, cải thiện chứng chân tay lạnh vào mùa đông cần phải chú ý bổ sung thực phẩm ấm nóng, hạn chế ăn uống các loại thực phẩm có tính lạnh. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều đồ nóng vì chúng có thể gây viêm loét nhiệt miệng. Cần bổ sung nhiều vitamin B1, B12, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin F và chất sắt.
4. Ngâm tay chân trước khi đi ngủ
Ngâm tay và chân trong nước ấm (40°C) trong khoảng 20 phút, có thể cho thêm vài lát gừng. Điều này giúp làm giãn các mạch máu, giúp khí huyết dễ dàng lưu thông khắp cơ thể. Ngâm chân tay trong nước ấm cũng là cách có một giấc ngủ sâu hơn. Trong khi ngâm, nên massage bàn chân và tay để tăng cường tuần hoàn máu. Trước khi đi ngủ, có thể đặt túi chườm nóng dưới chân để sưởi ấm.