MÀU ÁO ẤY...
*"Tôi vẫn yêu màu áo ấy vô cùng..."
(Nguyên-Sa)
Canberra vẫn tiếp tục mưa. Mưa như đã mưa từ buổi sáng lờ mờ. Trời u ám, mây xám lênh đênh... Những tòa cao ốc của Kinh đô Úc chìm
trong làn mưa bụi trắng mịt mù. Những hàng cây xanh lạnh co ro đứng
thẳng hàng, ngọn vút lên trời, dường như cũng đang ngập theo màu sương đục mơ hồ ấy, làm cho lòng Phi chùng xuống, không cảm thấy được niềm vui của cuộc đi chơi bất ngờ hôm nay: Ngày Xuân FLORIADE - Hội chợ Hoa Tulips Canberra!
Những
thảm cỏ xanh mượt-mà đẫm nước, phơn-phớt những vết bùn đỏ do những
người xem hoa mang vào từ các lối đi trải sỏi đỏ màu Cao nguyên bên
nhà...Tiếng nhạc từ sân khấu nơi đầu đường, được kê trên những cái bục
thấp, vẫn xình-xình, đơn lẻ, mang theo sự mỏi mệt dài ngày. Từ căn lều
trắng đó, vọng ra một thứ âm thanh không vui lắm của chiếc kèn đồng rã
rời, chậm chạp như xa-xăm đâu từ cõi nào! Bên cạnh là người ca sĩ râu
ria, ốm nhom, đang cúi người xuống, tay cầm cái Micro một cách hững hờ,
giọng đặc khàn trong tư thế của một người hát lấy lệ theo một hợp đồng
nào đó với Ban Tổ chức thuê mướn. Cũng có thể sự hết nhiệt tình trình
diễn, bắt nguồn từ sự thấm mệt, vì Hội Hoa đã sắp đến ngày cuối
cùng... hoặc vì khán thính giả bên dưới quá lưa thưa, chẳng thấy ai,
ngoại trừ vài người đàn ông đứng ngơ ngác, gặm những miếng Hamburger vội
vã cho qua
bữa, dưới những tàn cây sũng nước, mà họ đang núp để tránh những hạt mưa rả rích từ đêm qua...
Vậy
mà, vẫn người là người, chen chúc bên nhau, áo quần, mũ nón, màu sắc
sặc sỡ theo hoa. Họ trằm trồ, chỉ chỏ, xuýt xoa... dưới những tàn dù ướt
đẫm, nhưng vẫn ánh ngời màu của vải "nylon"
rực rỡ, muôn hồng ngàn tía, chụp phủ lên những luống hoa tươi, tạo
thành những rừng hoa khác lớn hơn, rậm hơn. Hoa người và hoa thực trộn
lẫn với nhau trong thế giới hỗn mang của màu sắc, nhất là những nụ hoa
Tulips có cuống dài vươn
lên cao khỏi những luống đất có hình thù khác nhau, nằm rải rác trong
khu Công viên. Những màu là màu, từ đỏ thẳm tới hồng phấn, hồng nhung,
hoàng yến, nguyệt bạch và vàng cam... của Tulips, đến những màu tím than,
vàng đốm, tím hoa cà... của những cụm hoa Pensée thấp lè tè, bị những
vết đất bám vào những chiếc lá xanh do những cơn mưa lớn dài ngày."Pensée" có nghĩa là hoa"Nhớ",
được kể từ một câu chuyện tình đau thương, để trở thành tên một loài
hoa nhỏ bé. Nhìn những nụ hoa mong manh đầy màu sắc này, hốt nhiên làm cho Phi nghĩ đến một vùng sương mù trong trí nhớ. Ngày đó chàng chưa tròn 20 tuổi, tuổi của thời mộng mị, đang theo học lớp Đệ nhất (12) của trường
Trần Hưng Đạo - Đàlạt, ngôi trường Công lập lớn nhất vùng này, tọa lạc
trên những ngọn đồi dài với những độ cao khác nhau, cạnh hồ Lạc Thiện
quanh năm lặng lờ buốt giá. Từ nơi khung cửa sổ của lớp học này, trên
từng lầu một, ngay đầu ngọn đồi, vào những buổi chiều tà, Phi thường thấy cô giáo Nguyễn Thị Hoàng (lúc đó mới bắt đầu viết Văn) hay choàng chiếc áo lông trắng như bông, cầm trái banh đi nhún nhẩy ngang qua sân bóng rổ. Cô nhỏ người, gọn và đôi mắt long lanh - triệu chứng của những sôi nổi trong nghề cầmbút sau này... với tác phẩm lừng danh miền Nam “Vòng tay học trò” ...
Những ngày học hành tạm bợ ở đây - vì Phi chỉ lưu lại xứ này chưa hết một năm bởi những quyết định riêng tư không ngờ trước được - hắn thường lén vào những khu vườn trồng tỉa hay trong những tư thất sang trọng để hái trộm những cánh hoa "Pensée" xinh đẹp này, đem về ép khô trong vở, cũng chỉ để tặng cho một người tên Thùy, mà cho đến bây giờ, sau những bể dâu tang thương cùng cực, Phi cũng không hề biết người ấy nơi đâu!? Và, chính người này, đã vô tình đẩy hắn vào đời binh lửa mịt mùng, sau đó chẳng bao lâu, dù hắn chẳng bao giờ mơ mình sẽ trở thành người "Chinh phu" trong thời ly loạn!
Quà chia tay nhau bằng những câu thơ sau cùng, trao vội cho Thùy ở ngọn đồi chiều bên khu Domaine De Marie, trước khi Phi đáp chuyến tàu đêm tốc hành trở về vùng Nha trang biển mặn, để chẳng trở lại nơi ấy bao giờ...Những câu thơ bùi ngùi ở tuổi thanh xuân, từ một người chỉ có trái tim đau, nóng bỏng, sắp trở thành tên Giác đấu tội tình của thời cuộc, đã nói về một loài hoa khác hơn: hoa"Oubliée"- có nghĩa là hoa"Quên", trái với hoa"Nhớ:"Pensée:
"Em về, nhớ lấy hoa Quên,
Dẫu cho mộng đã không đền từ đây..."(NT)
Hai câu thơ học trò, được Phi chép cẩn thận trên một mảnh giấy nhỏ màu xanh lam, có đính những nụ hoa "Oubliée" ép khô vụn vỡ như tình hắn lúc đó, rồi bỏ vào một phong bì dày, trao cho người tình xưa (nàng thường mặc áo dài lụa vàng sậm, quần "soie" trắng, choàng khăn voile tím thẩm, đi chơi đồi với Phi vào những ngày nghỉ học) để dành làm của "hồi môn" trước khi đi lấy chồng, và hắn trở thành cánh chim bay lạc loài, với vết thương không nguôi ngoai, nơi cuối trời u tối...
Đã "Quên" sao còn "Nhớ"?
Đó là những nghịch lý phải chấp nhận trong thân phận làm người, mà
trong cuộc đời, vốn ngắn ngủi, đầy gian truân này, họ đã phải đành lòng
mang theo như một thứ hành trang không thể chối bỏ, như con thú dữ mang
mũi tên độc bị gãy vào người, mà nó không thể tự mình rút ra! Hay đúng
hơn, nó không “nỡ” rút ra, bởi nếu rút mũi tên ra, thì nó sẽ ngã lăn ra chết.Chết vì không còn gì để sống, dù sống trong những cơn đau miên man, khi những độc tố đã trở thành chất miễn nhiễm trong một cơ thể đã bảo hòa với những chai cứng ưu tư... Phi đã
mang một mũi tên độc như thế trong lòng suốt mấy chục năm nay, những
tưởng đã nguôi quên khi trí nhớ mình bị phủ lên bởi một lớp bụi thời
gian, dày đặc những tang thương đủ để che lấp đi những mầm ung thư hóa
thạch.Nhưng không, hôm nay nó lồng lộng trở về, như một tình cờ bất chợt
- trong
Phi - trên vùng đất lạ này, giữa một rừng người và những hoa là hoa...
Phi đứng một mình dưới cơn mưa thực lâu, cạnh tấm bảng ghi dòng chữ lớn theo kiểu "fantaisie" như những câu thơ mà hắn đã
chép trong thời mới lớn. Chữ nhạt, kiểu cọ, màu xanh da trời rất đẹp:
"WELCOME TO CANBERRÁS FLORIADE SPRING FESTIVAL" bên luống hoa Tulips màu
vàng nở rộ. Phi yêu màu vàng sậm như
yêu một phần đời sống trong quá khứ, mình đã trót cầm giữ như những kỷ
niệm xa xăm, dù trong thâm tâm cũng biết rằng màu vàng là màu của "phụ bạc" từ lâu, nên Phi cũng đã ghi 2 câu Thơ về màu đẹp riêng của mình, nhưng lại đầy dang dở này:
“Em về, một cõi Thu vàng áo,
Có nghe màu tà-dương phai hương...” (NT)
Buổi
trưa trời hé nắng một lát. Từng chùm ánh sáng chói chang hình rẽ
quạt,chọc qua khe hở của khoảng trời thấp, giữa những đám mây đen kịt
màu khói đậm - loại mây "Cumulus" chồng chất những e ngại cho những cánh chim trời lộng gió một thời:"Mây là kẻ thù của các phi-công" như lời nhắc nhở cẩn trọng trong những nguyên tắc an-phi nơi những giờ Khí tượng mà đã có một lần hắn mơ ước dở dang...
Khu vườn hoa trở nên sáng rỡ lạ thường dưới những chùm nắng mới vàng lụa, ánh lên những hạt nước long lanh như một rừng kim cương... Phi thả bộ một mình với cái bọc "nylon"
màu đen cố hữu, bên ngoài vẽ nhãn hiệu của một tiệm buôn quần áo thể
thao, bên trong chỉ có cuốn sổ tay rách nát với cây bút chì - loại bút mà hắn ưa
dùng với thói quen giản tiện. Bút và giấy chỉ để ghi những điều cần
thiết khi trí nhớ đã mỏi mòn không còn khả năng dung chứa những điều đãi
lọc trong mớ hỗ lốn của cuộc đời, mà những kẻ vô tư thường chỉ ngủ yên
với trời mộng mị...Đôi khi, cũng có thể là những bức tranh được Phi vẽ tình cờ trên đầu gối, nơi một sân ga, một góc phố, hay một bàn ăn trong chiếc quán nào đó từ những gợi cảm bất chợt vừa đến với mình. Cũng có thể là vài xấp bản thảo để gửi đi cho các cột báo định kỳ, bởi vì hắn cũng cần sống như mọi người bình thường, mà không cần nhờ vả đến ai, khi mình có thể...
Hôm nay, Phi có mang theo chiếc máy hình tài tử, mà ít khi nào hắn dùng tới, trừ những khi đi làm phóng sự trong những sinh hoạt đặc biệt. Nhưng bây giờ hắn mang
nó như một người du ngoạn cô độc, muốn rong chơi một ngày trong Hội Hoa
để tạm quên đi những buồn phiền chồng chất do những đưa đẩy của cuộc
đời, mà mình chỉ là một cọng rêu xanh, lặng lờ trôi trong dòng tử sinh
không bao giờ cưỡng nổi! Vậy mà, điều buồn cười hơn, tối hôm qua Phi lại lắp vào máy một cuộn phim trắng đen, dành để chụp chân dung cho một người quen, thay vì một cuộn phim màu cho mộtmùa Hội Hoa bừng nở. Quả là hắn "điên", thế mới biết đầu óc mình bây giờ là một thứ lòng bong, rối nùi, không định hướng, không mở lối ra... Máy ảnh "automatic"
là loại máy dành riêng cho những người chơi ảnh tài tử, chỉ muốn ghi
lại những kỷ niệm cần thiết mà không quan tâm gì tới khía cạnh nghệ
thuật của nó, khác với máy chuyên nghiệp dùng để săn hình Art,
cần sự tham dự của đôi bàn tay, và cái nhìn đặc thù của người cầm máy
đầy sáng tạo cá nhân. Bởi vì anh ta phải tự mình điều chỉnh ánh sáng,
bằng cách chọn độ mở của ống kính, xác định độ nhanh của máy trập, và
khoảng cách từ máy đến vật, độ nhạy của phim...hoàn toàn bằng tay, thế nào cho thích hợp với những tiêu chuẩn của một tấm ảnh "nhà nghề",tùy vào không, thời gian lúc đó bên ngoài, phần lớn do đôi tay mầu nhiệm của người Nghệ sĩ, mà hôm nay Phi đã bỏ lỡ...
Trời lại mưa. Rả rích. Buồn lê thê...Lầy lội và u ám! Phi có
cảm giác khó chịu trong một ngày xem Hoa. Lớp bùn nhão màu đất đỏ lầy
lên trên các lối đi làm dơ đi nhiều thứ, kể cả những suy nghĩ của con
người. Vậy mà, người ta vẫn thản nhiên đi, thản nhiên chọn cho mình một thế đứng ưng ý để chụp một "pose" hình, rồi bấm máy. Phi cho máy vào bọc "nylon", đoạn đi quanh hồ, một cái hồ rộng mênh mông như "Grand Lac" ở Đalạt, ăn thông với một cái Vịnh, sông nước mù mờ, mà từ đây người ta có thể nhìn thấy Tòa nhà Quốc Hội Úc uy nghi phía bên kia. Quanh bờ trồng đầy những cây liễu rủ mềm như tơ trông giống hồ Hoàn Kiếm Hà nội...
Giữa muôn hồng ngàn tía, từ những luống hoa, những áo quần ngày Hội, những đốm dù màu sặc sỡ, Phi
bất ngờ khám phá ra gia đình của một người Việt nam, nhờ vài tà áo dài
phất phơ trông thực đẹp. Một người mặc áo dài thêu hai màu trắng tím,
một người khác mặc áo dài màu hoàng yến và quần cùng màu - loại "Fashion" thời thượng của Khánh Ly ngày xưa, và một người mặc áo dài màu cổ đồng, lồng lộng với quần "soie" trắng mộng mơ... đi kèm với cô bé chừng vài tuổi, cũng mặc y
như mẹ vậy...
Người đàn bà có lẽ ở tuổi "một con",
nên trông phúc hậu lạ thường. Cô đang vén vạt áo ngồi xuống cạnh luống
hoa Tulips cùng màu nở rộ, cho người nhà bấm máy. Màu vàng của hoa, và
màu áo của người, ánh lên rực rỡ như buổi bình minh, pha lẫn với màu
trắng tinh khôi của chiếc quần lụa mỏng, quyện nhau lên mái tóc đen
tuyền, ôm kín lấy khuôn mặt còn đẹp hơn cả hoa nữa... nhất là nụ cười,
trong cái thế đầu nghiêng-nghiêng, lộng gió, thổi ngược những sợi tóc
bay-bay, đánh bật về phía sau, làm cho Phi có cảm giác như mình đang lạc vào"Động Hoa Vàng" của Phạm Thiên Thư ngày xưa, mà "gã từ quan" mộng mơ, đã một lần ôm trăng đánh giấc bên ngọn đồi Dạ Lan tỏa hương thơm ngào ngạt... Phi không ngăn được cảm xúc tràn đầy của mình trước một hình ảnh đẹp hiếm hoi như thế trong đời, nên hắn đến cạnh người đàn ông đang bấm máy, từ tốn hỏi:
-Tôi có thể bấm máy"ké" được không anh? Cả người lẫn Hoa đẹp quá!
Người đàn ông tử tế, mỉm cười vui vẻ, đáp:
-Dạ được, anh!
-Thanks a lot!
Thế là, Phi vội quỳ xuống thực nhanh như chừng sợ người đàn ông đổi ý. Chiếc đầu gối quần Jeans của hắn nhận chìm trong lớp sình lầy nhầy màu nâu đỏ, và hắn vội đưa máy lên bấm tí-tách mà trong thâm tâm vẫn tiếc nuối một điều: giá hôm nay mình có
vài cuộn phim màu, với cái máy nhà nghề sử dụng bằng tay, chứ không
phải cái máy tài tử chết tiệt này, và chẳng có ai ở đây, để cho người
thiếu phụ bớt lúng túng, Phi sẽ lăn lộn, bấm máy tha hồ như ý mình muốn, mà không cần chú ý đến dáng điệu của "Model", sẽ làm mất đi vẻ tự nhiên, như cứ bắt người ta “làm dáng” và “cườiduyên” trước khi bấm máy... là điều tối kỵ trong ngành chơi ảnh Nghệ thuật. Nhưng điều đáng mơ ước cao xa hơn: nếu Phi gặp người thiếu phụ này một mình trên một ngọn đồi chiều lộng gió, mà hắn có mang theo giá vẽ và màu... Phi sẽ ghi lại tất cả những điều gì hắn muốn
chụp bắt trong ánh hoàng hôn - màu của trời, cũng là màu mùa Thu của
áo! Sao cuộc đời con người, lại chỉ được đan kết bằng những ước mơ nhỏ
bé không bao giờ thành tựu? Cùng lúc đó Phi nhìn thấy một người Úc đang đưa máy chụp lén phía sau lưng người thiếu phụ có chiếc áo màu vàng sậm đẹp não nùng này... Thì ra, có phải một mình Phi biết xao xuyến trước những cái Đẹp thiêng liêng mang màu sắc Quê hương xa lắc này đâu!?
Sau đó người đàn bà rời luống hoa trở lại với gia đình. Phi đến để cảm ơn mọi người đã cho hắn một cơ hội hiếm có, mà hắn nghĩ đó là những phút giây đẹp nhất trong đời của những người Nghệ sĩ, gọi là “Tổ đãi” theo cách gọi của những nhà nghề, sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa! Những phút giây mà Hồ Dzuếnh đã có lần miệt mài đợi chờ trong im hơi, gọi là "phút linh":
"Phút linh cầu mãi không về,
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen!" (HD)
Những phút giây đó rất hiếm quý đối với một người say mê Nghệ thguật như Phi, ngay từ những ngày còn rất trẻ, nhưng thời cuộc đã mang hắn đến tận cùng của những gian nan trong cảnh đao binh, khi hắn chỉ là một người lính trận nổi trôi theo Mệnh nước, dù với bất cứ lý do gì... Người đàn bà vuốt tóc, cười hiền lành nói lí nhí:"Cảm ơn anh!", dù cô có vẻ e ngại khi Phi tiết lộ về hắn chỉ có một điều:"Tôi ở Cabramatta lên đây xem Hoa như cô!". Cô e ngại vì sợ Phi là một phóng viên sẽ đem hình cô lên mặt báo thì chết mất. Phi trấn an người đàn bà, nói:"Cô đẹp, hoa đẹp và áo cũng đẹp mà, sợ gì!?" Người đàn bà bẽn lẽn cười tươi, để lộ hàm răng đều và trắng, bóng nhẩy, đẹp như trong thơ Nguyên Sa:
"Những lúc em cười trong đêm khuya,
Lấy ai nhìn đường răng em trắng...?" (NS)
Đôi mắt của người đàn bà cười theo - như mắt của L. ngày xưa - nàng vừa
lấy tay xao ngược mái tóc về phía sau trong một dáng điệu rất tài tử, y
hệt như trong những đoạn phim quảng cáo về thuốc gội đầu trên màn ảnh
TV mà Phi rất thích xem. Phi không hiểu sao người đàn bà lại nghĩ hắn là một "nhà báo", khi hôm ấy, hắn chỉ là một kẻ “du tử” rong chơi cuối trời quên lãng... trong Hội Hoa như những người khác mà thôi? Với nụ cười cởi mở, người đàn bà nói thêm một lần nữa:"Em cám ơn anh nha!" với giọng Nam mềm mại, và Phi lặp lại tình cảm đó như một đền bù:"Cám ơn cô!", rồi họ chia tay nhau ngược hướng. Mỗi người sẽ mang theo trong lòng mình những suy nghĩ riêng tưkhông ai biết được - trừ họ, dù hạnh phúc hay buồn phiền, thì cũng chỉ để "lạc"
nhau đến cuối đời, ít khi nào được gặp lại nhau, như Phi đã không gặp
Thùy của những ngày Đà Lạt sương mù, trong một thời gian khá lâu, kể từ
chuyến tàu đêm vào một dịp Giáng sinh xa lơ, xa lắc, khi Phi mới chỉ sắp đôi mươi và cực kỳ lãng mạn... đang bước vào lửa đạn oan khiên của chiến tranh không phải với tâm cảm của một nguời yêu nước thực sự mà chỉ muốn quên một nỗi buồn, ngoại trừ lần gặp gỡ ngắn ngủi cuối cùng, tình cờ trên hè phố Sài-gòn ở khu chợ Hoa (lại chợ Hoa)
trước nhà sách Khai Trí, vào một dịp Tết, để vĩnh viễn mất nhau từ dạo
đó - lâu rồi - khi Phi chỉ là người lính trận ở miền xa trở về, trong bộ
Treillis hôi hám, với khẩu Colt 45 mang xéo nơi ngực, đội cái nón rừng
màu ngụy trang, có gắn cái hoa mai đen còn ám bụi đường đất đỏ....
Điều
buồn, không phải là do buổi gặp gỡ tình cờ giữa những người quen thân
cũ xa cách nhau lâu ngày, nhưng vì câu trả lời của người thiếu nữ hôm
đó, mà cho đến bây giờ, mấy chục năm sau Phi vẫn còn nhớ, lúc nàng đứng
nói chuyện với hắn trong chiếc áo dài màu vàng nhạt hơn không phảilà cổ-đồng và quần vẫn trắng như ngày xưa, đeo xâu chuỗi hạt trai nơi cổ, khi Phi hỏi:"Anh có làm gì cho Thùy buồn không?",
thì cô ấy lặng hinh thực lâu, trong dáng điệu ngập ngừng, hơi nghiêng
đầu một chút, rồi đưa tay cầm đuôi tóc mình lên, cúi mặt nhìn vào đó
chăm chú như chừng muốn giấu niềm cảm xúc òa vỡ, giọng rưng-rưng:"Dường như anh giận em? Có thể anh không làm gì cho em buồn, nhưng anh cũng đã chẳng làm gì cho em vui!". Phi hiểu tại sao cô ấy nói với hắn điều đó, nhưng để trả lời câu hỏi đầy vẻ trách móc của người xưa, hắn lặng lẽ lấy cái nón rừng rách nát lỗ chỗ những lỗ cháy do tàn thuốc lá rơi vào, nặng mùi chiến trường, hằn lên những đường mồ-hôi muối trắng cáu bẩn nhuốm màu bụi đỏ cao nguyên, dơ dáy.... đưa cho nàng cầm như một lời giải thích đau thương. Người thiếu nữ đưa tay nâng cái nón nhớp nhúa bụi đường và hôi hám đó, một cách thân thương, rồi ép sát nó vào lòng, khi cả hai họ cùng đi đến một quán nước gần đó, mà không hề nói nhau lời nào tình tự cho
đến lúc chia tay, ngoài những lặng im khó hiểu, và những thăm hỏi vu
vơ... không liên hệ gì đến quá khứ của cả hai người, sau mấy chục năm mất
dấu chim bay...
Mãi đến cuối năm 1982, lúc Phi đi tù về, Thùy có đến thăm người em gái của Phi, bạn thân với cô ấy ở Trung kỳ - quê hắn - thì nó kể lại rằng:"Chị Thùy có đến đây hỏi thăm tin tức về anh sau ngày mất nước. Chị ấy đã lấy chồng, và vừa có nhau được một đứa con trai... Em nói anh đi tù ở một vùng rừng Tràm tận mũi Cà mau! Xa quá, ở nhà chẳng ai đi thăm nuôi được, thì chị ấy bàng hoàng một phút lâu, rồi ra hè ngồi một mình bưng mặt khóc sụt sùi ..."
Cuộc
đời, thực ra là những quán trọ bên đường, mà những khách hành hương có
thể hội ngộ nhau trong những phút giây mầu nhiệm, vừa đủ để xốn xang
trong những cơn buồn úp mặt, từ đó những dấu xưa, có thể gợi lên những
niềm trắc ẩn về mình, về người, đôi khi quặn đau trong những giọt nước
mắt âm thầm nơi góc tối, mà chính lòng mình cũng không hiểu tại sao? Bởi
con người được sinh ra một mình, sống cô đơn - theo một nghĩa
Métaphysique nào đó, vì chẳng ai hiểu nổi ai - rồi cũng sẽ phải chết một
mình trong hiu quạnh... như có người đã viết:"Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà...". Hay nói một cách xót xa hơn, như Rilke:"Cet être sans abri..." - Con người ấy, không có chỗ nương thân!
Đó
là con đường Đời, có thể là con đường tình cờ đầy sình đỏ lầy nhầy
trong buổi Hội chợ Hoa ở Canberra hôm nọ - con đường chỉ được đi qua một
lần, một lần rồi thôi! Con đường trầm luân của mộng mơ lẫn bể dâu chỉ
để đưa đến cuối đời là lòng mộ địa:"Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy, một bờ cỏ non, một bờ mộng mị ngày xưa...Từng lời tà dương là lời mộ địa nghe ra từ suối khe..."(TCS)... Bởi lẽ con người không biết bao dung và thứ tha cho nhau trên "Cõi tạm" này, ngay khi họ đang còn sống mà đã không một lần được gặp mặt nhau... Như ngay bây giờ đây "Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?"(NS), trong khi nơi này, trên vùng Nam Bán cầu xa thẳm, sáng nay, dù đã lưu lạc nhiều nơi, nhưng:"Tôi vẫn yêu màu áo ấy vô cùng"….