Wednesday, 18 August 2021

KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU...(2) - ( Nguyễn-Tư )



 KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU...(2)


*Truyện ngắn Nguyễn-Tư



Lúc này nhà trường đã bãi học vĩnh-viễn để chờ ngày giao lại vùng đất này cho chế-độ mới Quốc-gia không còn bao lâu nữa. Những chuyến tàu lửa vội-vã chạy ngày đêm chở đông nghẹt người xuôi về phương Nam để đến cảng Qui-Nhơn tập-kết ra Bắc như hiệp-định Genève qui định. Tôi ở lại với những ý nghĩ mơ hồ là sẵn-sàng đón chờ sự đổi thay đời sống của xã-hội mới. Tôi vẫn nghĩ đến Ái nhiều hơn vì chẳng nghe Ái nói gì cả, dù tôi với Ái đã học chung từ dưới tiểu học lên đến lớp 7 cuối cùng… và có khá nhiều kỷ niệm riêng tư với nhau mà những học sinh khác cùng lớp không thể có….


Ái hơi gầy, nhưng nhờ khuôn mặt tròn với mái tóc "bom-bê"(như tóc tém sau này) làm cho Ái có vẻ phúc-hậu. Đôi má phúng-phính với làn da trắng mịn làm nổi bật đôi mắt đen như đôi mắt chú gà con trông nàng vui tươi, đôi khi làm tôi nói đùa:"Má miếng bầu, nhìn lâu thấy ghét" khiến cho Ái bí-xị xuống rất dễ thương…


Hồi đó học sinh chỉ mặc bà-ba đen hay nâu…hai màu này là vải ta trắng nội-hóa do người dân địa phương dệt bằng tay từ cây bông vải họ tự trồng, rồi nhuộm bằng hai thứ thuốc đơn-giản là vỏ cây “già” vì nó màu nâu (người Trung gọi màu “nu” hay màu “già” )…còn màu đen dùng lá cây “ngút”nấu, xong nhúng áo quần vào, đem vùi với sình sẽ ra màu đen …Cách nhuộm này rẻ tiền…rất thịnh hành để tránh máy bay Pháp cũng dễ. Nón lá màu trắng cũng phải bôi đen, nếu không sẽ bị VC nghi làm “điềm chỉ” cho máy bay địch ở tù như chơi …Vả lại, mặc hai màu tối này đi lao động khỏi sợ dơ vì thời này không có xà-bông …mà chỉ giặt bằng nước tro …


Hồi ở lớp nhất, trong những lần làm thủ-công bất cứ cái gì, Ái cũng nhờ tôi hết cả. Vào dịp Tết Trung-Thu nhà trường bắt mọi người phải làm một cái lồng đèn tùy ý để vui chơi. Ái đã phải cầm một con dao và mấy miếng tre đến tận nhà, nhờ tôi làm giùm. Ái cẩn-thận xếp gọn-ghẽ xấp giấy quyến trắng (loại giấy rất quí do người buôn lậu ở Tam-kỳ hay Đà nẵng mang vào để làm giấy cuốn thuốc rê mà hút thay vì lá chuối khô hay vỏ bắp của những người nghèo), bọc trong túi áo bà-ba, lủi-thủi đến tôi năn-nỉ:


- Anh Thi à, làm giùm cho Ái cái lồng đèn đi. Ái làm không được. Ngày mai phải nộp chấm điểm rồi...


Tôi cắc-cớ hỏi vẻ thắc-mắc:


- Sao cái gì Ái cũng nhờ tui làm hết vậy?


- Chứ Ái có biết nhờ ai đâu? Bọn dưới xóm nó du-côn quá Ái không dám

nhờ...


Tôi hỏi chọc Ái:


- Chứ tui không "du-côn" sao?


Ái chỉ mỉm cười, không nói, rồi bảo:


-Chịu khó làm cho Ái đi, anh Thi!


Tôi đưa tay đỡ con dao và mấy miếng tre, bảo Ái ngồi cạnh bên để sai vặt cho việc làm lồng đèn. Rồi tôi lại hỏi:


- Mà bây giờ làm lồng đèn gì mới được chứ?


Ái suy nghĩ một lát, sau đó nói:


- Làm cho Ái cái lồng đèn chậu đi!


Tôi cản mũi ngay:


- Đèn chậu làm khó lắm. Vì phải có cái ống trúc để chứa dầu, rồi phải dùi 4 cái lỗ ở dưới nữa. Vả lại, lồng đèn chậu tuy đẹp nhưng hay bị tụi trẻ nghịch-ngợm ưa ném đá vào cái miệng "chậu" to tổ-bố, bách phát

bách trúng, rách hết...


- Ừa, thôi anh làm lồng đèn gì vừa dễ mà vừa đẹp thì làm giùm Ái đi...


- Đèn ông sao là dễ nhất. Chỉ cần hai miếng tre bẻ thành hình ngôi sao, cột các đỉnh nhọn lại, chỏi cây nông bên trong, phất giấy là xong ngay, khỏi phải ống trúc, dùi lỗ gì cả. Chịu hông?


- Rồi, chịu! Làm cho Ái một cái. Bây nhiêu tre đủ không?


- Dư sức! Có thể làm thêm cho tui một cái nữa...


Ái mỉm cười nói đùa:


- Ừa, kẻ có “của” người có “công” chớ?


Tôi cũng đùa lại:


-Ái có biết người ta bảo “Của 1 đồng, công 1 lượng” không vậy ? Giờ tui trả "của" lại, Ái chịu hông?


Ái dẫy-nẫy nói:


- Không mô!


- Sao Ái khun quá vậy?


- Ừa! Rán chịu,  ai biểu khéo tay làm chi?Vụng như Ái chả ai mượn làm gì cả, hóa ra mình phẻ-re kha…kha ….


Tôi ngồi cầm cái dao chuốc từng nan tre thực cẩn thận. Ái ngồi nhìn theo và nói:


- Để Ái mượn dao chuốc lại cho bóng.


- Ừa, nhưng nhẹ thôi, kẻo gãy, thiếu nan à nghen!


- Ừa, bảo-đảm mà. Nếu thiếu là thiếu của anh chứ đâu phải của Ái, vì lồng đèn của Ái được làm trước mà, “thừa trong nhà mới ra người ngoài” anh quên câu ni rùi hả …???


Rồi Ái cười lên sặc-sặc như chừng mới chọc tức được tôi. Tôi bèn nói:


- Ngon há?!


Trong lúc cặm-cụi vót nan tre tôi bảo Ái vào nhà xin mẹ tôi chút bột năng, pha vô chút nước, bắc lên bếp khuấy hồ để dán giấy. Ái thoăn-thoắt đi nhanh một cách ngoan-ngoãn. Một lát sau, Ái ra với dĩa hồ trắng đục còn nổi bọt. Tôi bảo Ái lấy dao cắt một miếng bẹ chuối để làm cọ phết hồ. Cái gì Ái cũng làm thật gọn nhẹ. Thoáng chốc tôi uốn xong 2 chiếc lồng đèn ông sao dán giấy quyến trắng thực đẹp. Tôi cầm 2 cái lồng đèn mới tinh giơ lên cao ngắm-nghía. Ái cũng nhìn theo một cách thích thú. Nhưng bất chợt tôi bảo nhanh:


-Ái ra lu sau hè múc cho tui gáo nước.


Ái ngạc-nhiên hỏi:


-Anh uống nước lạnh à? Đau bụng chết!


- Không! Cho lồng đèn uống nước chứ không phải tui.


Ái thắc-mắc hỏi:


-Sao kỳ cục vậy? Xài đèn cầy “ông” ui!


-Thì mình biết uống, cũng phải cho nó uống chứ. Có uống nước thì đèn

nó mới sáng...


Ái dẫy-nẫy, bất-bình nói:

 

-Ái không chịu đâu. Lồng đèn bằng giấy quyến mỏng teng nó rã ra hết!


- Cho uống ít thôi. Đi lẹ lên, không thì đem đốt hết bi chừ...  

 

Ái bù-sụ đứng lên đi múc gáo nước với vẻ lo âu, không hiểu nổi những điều tôi nói. Một lát sau Ái đến với gáo nước đầy đưa cho tôi, nói giọng hờn dỗi:


- Nè “ông”!


Tôi mỉm cười đưa tay đón gáo nước, vừa bảo:


- Dang ra, dang ra! Cho đèn uống nước!


Rồi tôi hớp một ngụm nước nhỏ, giơ 2 cái lồng đèn lên, chu mỏ phun đều. Hơi nước bay ra như bụi mưa, bám trên những mặt giấy quyến, làm nhăn-nheo, xấu thảm. Ái rưng-rưng nước mắt, phụng-phịu nói:


-Anh chơi gì kỳ-cục vậy?  Đèn của Ái hư hết trơn rồi, bèo-nhèo thấy gớm như da bà già không hà. Anh đền cho Ái đi.


Tôi mỉm cười trấn-an Ái:


-Thôi, để tui làm cái khác cho.


-Trễ hết rồi! Làm sao kịp?


-Kịp mà!


Nói xong tôi cầm 2 cái lồng đèn ướt ẩm, đứng dậy nói với Ái:


-Thôi đem liệng hết cho rồi, nghe!


Ái lặng thinh cúi đầu, hai tay mân-mê các ngón, nước mắt nhỏ xuống mu bàn chân trông tội-nghiệp. Tôi cười lớn, nói:


-Gì mà mau nước mắt vậy bà, “mít ướt” quá hà? Dọa Ái cho vui đó, giờ tui đem lồng đèn phơi ngoài nắng chút xíu nữa. Ái sẽ thấy các mặt giấy khô căng thẳng đẹp tuyệt vời... làm lồng đèn "nghề" mà...! 


Ái ngước lên, đôi mắt còn đầy lệ, mừng rỡ hỏi:


- Thực hở?


- Ừa!


- Vậy mà Ái cứ tưởng anh chơi ác, cho Ái bị điểm “dê-rô”...


- Tui cũng bị ăn “trứng vịt” như Ái vậy chứ bộ…?


- Ừa hé?


Tôi xách 2 cái lồng đèn đem treo trên cành cây trúc-đào chỗ có ánh nắng vàng óng-ánh. Một lát sau 2 chiếc lồng đèn trở màu trắng lại như cũ. Các mặt giấy căng cứng như trống ếch. Gió đong đưa, 2 chiếc lồng đèn cọ vào nhau những âm thanh khô. Màu trắng trong nổi bật bên những chùm hoa trúc-đào đỏ hồng trông rất đẹp mắt. Tôi đưa tay chỉ cho Ái, nói:


- Đèn uống nước rồi, “cành hông” đẹp ghê chưa?


- Ừa, đẹp quá anh Thi hỉ? Ái đâu có biết!


- Thôi đi, bà "mít ướt" quá trời …!


- Ai biểu anh không cắt nghĩa làm chi! Cứ “hù” Ái hoài hà. Ỷ lớn ăn hiếp, nghỉ chơi với anh luôn .…

 

Tôi vội nói:


-Ừa, nghỉ chơi đi, tui khỏi giao lồng đèn, tui được lời 1 cái nữa …ha ha …


 Ái thấy mình hớ, bèn nói chữa:


-Ừa há, Ái ngu ghê nha, lấy lồng đèn trước, rùi nói “nghỉ chơi” sau, có phải hay hơn không, vừa cười tủm-tỉm mà đôi mắt vẫn còn long-lanh trông rất tội-nghiệp. Tôi cũng có vẻ hối-hận về trò chơi quái ác của mình đã bất ngờ làm cô bạn nhỏ buồn trong giây lát, nhưng tôi nghĩ niềm vui đã được đền bù cho Ái rồi ...


Đến khi lên Trung học, cả hai đã lớn, nên đối xử với nhau thân thiết hơn. Dù hết làm thủ-công nhưng Ái lại vẫn hay nhờ tôi vẽ, vì tôi có chút hoa tay. Vả lại, Ái cũng là một người ít nói, không thích giao du với ai, ngoại trừ tôi, vì tôi là người cạnh làng và đã học chung với nhau từ lúc nhỏ... Vẽ cho Ái, lúc nào Ái cũng được nhiều điểm, mà vẽ cho mình thì lại ít điểm hơn. Ái buồn cười giải thích: "Bụt nhà không thiêng". ...


Dĩ-nhiên lúc này Ái không còn nũng-nịu, mau nước mắt, ngây thơ như hồi còn bé nữa. Tóc Ái đã dài chấm ngang vai. Đôi mắt có vẻ mơ màng và ướt hơn. Nhất là đôi môi mọng đỏ và làn da mặt mịn màng đỏ hồng của những người con gái đến tuổi tự biết mình đã có những xao-xuyến trong lòng. Tôi không còn chọc Ái như ngày xưa nữa để phải làm cho Ái khóc. Tôi chỉ nói với Ái những điều thực cần-thiết mà thôi. Ái có vẻ rụt rè. Và tôi cũng thân mật chừng mực một cách nghiêm trang trong những khi tôi phải giải cho Ái một vài bài toán khó. Tôi cũng nhìn thấy nơi Ái những cử chỉ vụng về những khi vô tình gần-gũi nhau. Mỗi lần như thế Ái đều phản ứng bằng sự cúi mặt hay nhìn đi chỗ khác….


 Có một lần, vào một mùa lụt, nước ngập mênh-mông, trên con đường đi học về, Tôi đưa Ái qua một chiếc cầu khỉ khấp-khểnh đã bị nước cuốn trôi đi một khoảng ngắn độ bước nhảy ở phía đầu cầu bên kia. Nước dưới sông chảy cuồn cuộn bọt bèo trắng xóa. Tôi đi trước từng bước và Ái theo sau. Chân Ái run-run cố bám vào thân cây cau nhẵn thín với vẻ sợ-hãi. Tôi bảo Ái cẩn-thận, cởi dép ra máng vào ba-lô, và bám chân thực chặt, chỉ bước ngắn thôi, dù có gì cũng không được buông tay để tôi dìu đi. Tới đầu cầu tôi đứng chờ Ái một chút cho Ái đỡ sợ. Xong tôi lấy trớn nhún mình phóng qua khoảng hở một cách an-toàn. Ái đứng chần-chờ rất lâu bên kia. Tôi bảo Ái đừng bắt chước tôi mà nhảy một mình, không qua khỏi đâu. Tôi đứng bên này khoảng hở, một tay vịn vào cây cọc ở đầu cầu, tay kia đưa ra, chồm thực xa, vừa đủ để cho Ái nắm vào. Tôi thấy mặt Ái đỏ hồng lúng-túng. Tôi xoay mặt ra phía sau để tránh cho Ái những bối-rối... Rồi tôi cố trấn-an Ái, nói dịu dàng:


- Có tui đây, Ái đừng sợ. Hãy nắm lấy bàn tay tui thực chặt nha. Tui biểu sao Ái làm y như rứa nhé. Đừng sợ gì cả!Có gì, tui biết bơi mà! Đừng lo!


- Dạ! Nước chảy mạnh, khiếp quá anh Thi ơi!


- Đừng sợ! Đừng nhìn nó nha. Hãy nhìn bàn tay tui nè và nắm thực chặt. Đừng buông bất-tử nghe chưa!


Trong lúc đó tôi cố nhoài người thêm một chút nữa, cây cọc tre rung-rinh mạnh. Tôi xòe bàn tay nắm cứng cổ tay Ái. Cổ tay nhỏ xíu, tròn lẵng, trắng ngà chỉ biết dùng để bưng những rỗ hoa đem ra chợ bán trong những ngày rằm và đầu tháng cho người ta cúng Phật mà thôi. Tôi cảm thấy từng nhịp nhảy của động mạch tay của người bạn nhỏ. Tôi lấy thế đứng vững-vàng, rồi nói mạnh:


- Chuẩn bị nghe, khi tui hô "nhảy" thì Ái cứ việc phóng tới hết sức mình. Tui sẽ cố kéo Ái qua, chứ không còn cách nào hơn. Nhưng Ái phải bình-tĩnh. Đừng nhìn dòng nước chóng mặt đấy!


- Dạ! Ái thấy ghê quá!


- Không sao đâu! Tui giữ chặt tay Ái đây rồi, chỉ sợ cây cọc này nó phản mình, bung đi... thì “thua”,  nhưng không sao, tôi bơi nghề mà, nhờ những ngày chăn trâu trưa nào mà tôi không tắm sông …?.


Tôi bậm môi, siết chặt cổ tay Ái thêm nữa, nói quả-quyết:


- Nắm chặt thêm lên nha! Một, hai, ba… Nhảy!


Ái đem hết sức bình-sinh của mình lấy đà vọt tới, cùng lúc tôi giật cánh tay Ái thực mạnh. Toàn thân Ái bay qua gọn nhẹ vì Ái cũng gầy. Chiếc cọc bật mạnh, tôi ngã người ra sau... Ái đưa tay kia vội choàng qua cổ tôi như một phản xạ tự nhiên để lấy thăng bằng, mặt xanh dờn như tàu lá, hơi thở hổn-hển ấm phả nhẹ qua mặt tôi..Ái hơi nghiêng mặt qua hướng khác vì mắc-cỡ ....Khúc này nước chỉ tới đầu gối bớt chảy xiết, tôi dìu Ái đi từ-từ vào sát chiếc cọc hơn. Ái bối-rối nhìn tôi một cách bẽn-lẽn. Tôi cũng thấy ái ngại nói cho Ái đỡ thẹn:


- Hú hồn! May quá, không có gì, chỉ ướt áo sơ-sơ thôi...lát nó sẽ khô!


Ái mỉm cười thả ống quần xuống, nói:


- Dạ, may quá. Ái cảm ơn anh Thi...biết anh lội giỏi nên Ái rất an tâm, lỡ có chuyện gì thì anh cứu em mà…Không lẽ …


Tôi nói đùa:


-Không lẽ…xô xuống nước luôn phải không ?Tui đâu dám, con gái cưng của ông “Chủ tịch” mà, tù mọt gông! “Em” không dám đâu “Tiểu-thư” ui … …trong tiếng cười lớn …


Ái chồm tới xô nhẹ tôi một cái, vừa nói, con trai mà “nhiều chiện” nha!

 

Tôi vội nhảy tránh sang một bên, nói :


-“Tiểu thư” dữ quá, biết vậy để Ái nhảy qua một mình cho rảnh …


-Anh mà không kéo Ái qua, thì Ái đứng đó khóc rống lên, anh cũng phải dìu qua thôi …


-Tức vẫn sử dụng ngón đòn “mít ướt” như ngày xưa…?


-Đúng vậy, ai biểu anh sợ nước mắt phụ nữ làm chi, rán chịu! kha …kha …


Tôi bĩu môi chê:


 -Ai đời, xưng dân ruộng ở cạnh sông Cầu-Đập xanh dờn gì, lại không biết bơi, có ngày Hà-Bá níu cẳng nha…Chắc chưa chịu để “chuồn-chuồn cắn rún” chớ gì ?


-Ái sợ nước như mèo, chứ có anh “nam-nhi chi chí” một bên, để làm chi hả …?


Lúc đó, mặt trời đã xế chiều, tôi chợt nhớ tới điều gì đó nên nói, thôi mình về kẻo mẹ Ái trông vì mùa này lụt lội cầu cống hư kiểu này, con gái đi một mình như Ái, nguy hiểm quá .....


Ái đi bên tôi lặng thinh, như chừng còn xúc động về những sự việc vừa mới xảy ra bất ngờ mà cả tôi lẫn Ái đều chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi vẫn nhớ cái cổ tay Ái nhỏ xíu, tròn lẵng, đầy lông măng tơ, có những đường gân máu nhảy loạn xạ theo cơn sợ hãi cũng như xúc động bởi những biến cố bất thường xung quanh...Nét mặt Ái có vẻ trầm ngâm, không hiểu vì biến cố vừa xảy ra kinh hãi, hay vì lỡ ôm tay vào cổ tôi để giữ thăng bằng mà nàng không định ý, hay là vì nghe tôi nói những ngày ấu thơ rất vất vả tôi phải chăn trâu mà nàng chưa bao giờ biết tới chăng ? 


Nhưng điều đáng nhớ hơn, là những ngày chúng tôi học chung lớp 7 ở trường Cấp 2 nơi một làng vùng biển cách làng tôi khoảng chục cây số, mà chúng tôi phải băng qua một cánh đồng lúa mênh-mông khi trời vẫn còn mờ tối . Trường được xây trong rừng, dưới một tàn cây cổ thụ thực lớn để che mắt máy bay…Hầu hết học sinh ở xa như tôi và Ái đều phải mang theo cơm ăn bữa trưa, chiều tối mới về . Nhà tôi lúc đó rất nghèo vì thành phần “Địa chủ” nên chả còn cái gì gọi là của cải cả. Chúng nó lột sạch bách chỉ còn cái nền nhà bằng xi-măng thực cao, thực bự, dấu tích của một thời huy hoàng, nên cả gia đình bị đói liên-miên vì lúa làm ra chỉ để đóng thuế nuôi quân với tỉ lệ cao nhất trong các thành phần của xã hội để bù cho cái tội “bóc lột” dân nghèo trước đây. Cho nên, mẹ tôi dậy sớm chỉ luộc nồi khoai đủ thứ củ do chính nhà tôi trồng mọi mùa ăn quanh năm thay cơm ..Mẹ tôi bới bữa cho tôi trong mảnh lá chuối hơ lửa cho mềm bọc chừng vài củ khoai, rắc lên đó nhúm muối hạt bự chiên cho thơm để dễ nuốt vậy thôi, nên hồi đó tôi cao nhưng ốm lắm ..Các thành phần khác không phải con Địa-chủ thì họ khá hơn. Trong lớp có người anh họ của tôi, tên Quảng, nhà thuộc thành phần “Trung nông” nên đời sống sung túc hơn nhà tôi nhiều, anh ấy ăn cơm đàng hoàng và thức ăn là cá mặn kho tiêu vì nhà anh có nhiều ao nuôi cá …Nhà Ái cũng nghèo thôi nhưng nhờ bố là cán-bộ nên được mua gạo và thực phẩm phân phối của nhà nước … không ăn khoai ròng rã như tôi.  Vả lại Ái có bán thêm rau và hoa nên cũng có đồng ra đồng vào …Tôi nhớ cái gốc cây đại thụ nơi lớp học ấy, rễ chằng chịt quanh gốc, gồ lên như những con rồng khổng lồ dài cả mười mét là ít. Trong những giờ ra chơi chúng tôi ngồi trên những con rồng này tụ 5 tụ 7 tán dóc …Và, buổi trưa nghỉ học, học sinh ra đây ngồi, ăn những gói cơm mang theo của mình …Nhưng riêng tôi, vì tủi mình nghèo nên hay ra ngồi thực xa trên một nóc hầm trốn máy bay, một mình, vì tôi cũng có rất nhiều mặc-cảm nên không muốn ai thấy mình ăn gì? Ông anh họ tôi, thỉnh thoảng có cho tôi vài con cá mặn, tôi nói cảm ơn, nhưng sau tôi không muốn nhận nữa nên nói trớ là tôi không ăn cá được vì mùi tanh của cá đồng …Sau này, anh ấy bị VC bắt cóc lên núi, và mất tích luôn không hiểu vì sao ?


Ăn xong bọn tôi ra cái suối cạnh đó múc nước uống nhưng sao chả thấy đau ốm gì …có lẽ nhờ mình mới lớn mạnh khoẻ nên mọi bịnh tật đều vượt qua chăng?…Ái, lại hay thường ra nóc hầm ngồi ăn chung với tôi vì Ái nói không thích ngồi với đám kia chúng ồn ào lắm …Tôi cũng e ngại sợ Ái thấy mình ăn khoai mỗi ngày rồi khinh rẻ ...Ái có hỏi sao anh ăn khoai với muối hoài vậy mà không ăn cơm như Ái? Tôi chỉ mỉm cười nói tôi thích ăn khoai vì mùi nó rất thơm, mẹ tôi thường bới cho tôi đủ thứ khoai hỗ-lốn như khoai lang, khoai từ, khoai mì, khoai sọ, khoai lăng …luộc với lá dứa …thơm tuyệt cú mèo, nên rất ngon. Tôi có đưa một ít cho Ái ăn và Ái cũng nhận như vậy vì khu Ái ở toàn ruộng chỉ trồng lúa, rau và hoa mà thôi, làm gì có khoai đủ thứ như vậy mà ăn, chứ vùng tôi toàn rẫy thì khoai đậu là nhiều …Đôi khi Ái cũng múc cho tôi vài muỗng cơm bảo ăn chung với khoai cho đỡ ngán tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện mà thôi. Nhưng cứ kéo dài ăn khoai như vậy thì Ái cũng hiểu được rằng chắc vì nhà tôi nghèo, không có gạo ăn mà thôi, nên Ái rất chạnh lòng, nói xa-xăm: Ái hiểu hoàn cảnh Địa chủ của nhà anh Thi, nên ra đây ngồi với anh cho anh đỡ tủi, chứ như hồi trước anh con nhà Quan, nghe Mẹ mình nói đến kỳ giỗ chạp ăn mày khắp Huyện đều nhớ ngày tới ngồi đầy ngõ để chờ được ăn vì nhà anh rất phúc đức …với đôi mắt rưng-rưng vốn ướt át của Ái từ lâu … Dù Ái là con cán bộ, cháu ông Thủ tướng Đồng.. nhưng nàng không bao giờ tỏ ra hách về những ưu đãi đó …mà tôi  còn nhớ đến bây giờ…



 Hai đứa tôi ở hai làng nhưng gần nhau, chỉ cách cây cầu sắt, nên hay được lớp trưởng phân công chung giờ để tưới nước khu vườn “Tăng-gia sản-xuất” với nhau …trong miếng đất rộng trước lớp học …Bữa nào lao động thì hai đứa hẹn nhau đi sớm hơn một chút để tưới rau rồi vô học cho kịp giờ …Nơi vườn rau có cái giếng nước miệng rộng nhưng không sâu lắm …lần nào tôi cũng tình nguyện nhảy xuống giếng vì tôi là con trai mà, bơi cũng giỏi nên rất an toàn … rồi múc những gàu nước đưa cho Ái đứng ở trên mang đi đổ vào những rãnh rau muống khô cằn…Tôi nhớ những ngày lao động như vậy, Ái hay mặc áo bà-ba nâu, nhưng ngắn tay để tưới nước cho tiện … Nước da vốn trắng nõn của Ái làm nổi bật nhờ cái màu nâu sậm của tay áo ngắn, khiến cho Ái đẹp khác thường hơn mọi bữa, nên tôi hay nhìn chăm-chăm vào đôi cánh tay trần của Ái, Ái e ngại hỏi : 


-Răng mà cứ nhìn tay Ái chăm-chăm vậy hả? 


Tôi chỉ cười, nói: 


-Đôi tay Ái đẹp quá trời, xài để tưới nước rau hơi uổng …chỉ để bán hoa cúng Phật thôi nha…!


Ái mắc-cỡ đáp : 


-Lần sau Ái mặc áo dài tay để anh khỏi nhìn… “dị” muốn chết  nì!…


Nói vậy thôi, nhưng lần nào tưới rau Ái cũng mặc áo ngắn tay cả, không nâu thì đen, có lẽ Ái biết những ưu điểm của mình, chỉ nói chữa thẹn vậy thôi… Con gái mà…nên tôi vẫn thấy vui khi lao động chung với Ái …Mỗi lần tôi nhảy xuống giếng Ái đứng trên bờ cúi người xuống đưa cho tôi cái gàu không có dây …nhưng khi đưa nước lên tôi giả vờ nặng quá nên phải sụm gối xuống để Ái chồm người xuống thấp hơn mà kéo cái gàu lên, nhưng tôi  cứ sụm xuống thấp hơn nữa, Ái biết tôi ghẹo nàng nên la lên oai-oải: 


 -Đừng có mà ghẹo Ái nha! Không chơi với anh nữa mô! Ái rớt chúi xuống giếng bi chừ!


Tôi lại khoái chí cười lên sặc-sặc rồi đẩy gàu nước lên cao cho Ái bợ đi tưới rau, vừa nói câu ngày xưa: 


-Mình bơi nghề mà Ái, lo gì!?

 

Làm cho Ái “trẽn” …hơi cúi mặt xuống che dấu nụ cười bí hiểm về những kỷ niệm thời trước đó qua cầu gãy, vừa đẹp vừa tức cười ..


 Nắng ấm làm hai má Ái đỏ hồng lấm tấm mồ hôi trông rất đẹp, nhất là những sợi tóc bay-bay của gái dậy thì …vẫn là đôi tay trắng nõn, phơn-phớt những sợi lông măng vàng nhạt như tơ,  tương phản với màu nâu đậm của áo ngắn tay … hình ảnh tôi thích nhất từ người bạn nhỏ bé, mà…tôi đã từng nắm đôi tay này, có những sợi lông măng ngày ấy vẫn in sâu trong lòng tôi…chỉ khác lúc này chúng tôi đã hơi lớn khôn hơn…… (Còn tiếp)

 Nguyễn-Tư