Thursday, 12 August 2021

KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU… ( Nguyễn-Tư)

 



KHI MÙA MƯA BẮT ĐẦU…(1)



 *Truyện ngắn Nguyễn-Tư


Dưới thời Pháp thuộc ông Năm thuộc một gia-đình hơi khá giả .Nhưng ông mồ-côi cha nên được mẹ gửi cho người Cậu làm trợ-giáo để học hành. Ông không được sáng dạ lắm, nên thi mãi cái bằng Tiểu-học tới 4 năm ông mới đậu. Điều nầy khiến cho ông nản không muốn học cao hơn vì sự lận-đận trong việc thi-cử đã làm cho ông lớn bộn. Nên con đường duy nhất mở ra cho ông thời bấy giờ là ông đăng lính Tây vì ông nghĩ với vốn liếng tiếng Pháp ông có được nhờ tấm bằng này, thì ông có thể giao tế với người Pháp thoải-mái thôi. Và, quả nhiên như vậy, vào lính chả được bao lâu ông đã đóng được lon “Cai đội”,vì vậy người ta thường gọi ông là "Đội Năm". Mỗi khi về làng trông ông rất bảnh chọe. Ông cỡi một con ngựa kim màu trắng ngà, mặc bộ đồ ka-ki vàng nhạt, trên cầu vai có miếng nỉ đen gắn lon “Cai” bằng kim-tuyến vàng. Đầu ông đội mũ kê-pi cũng bằng nỉ đen có cái vòng vàng chạy chung quanh giống như như cái mũ của ông De Gaulle, vị anh-hùng khét tiếng của nước Pháp trong thời Đệ nhị Thế-chiến. Chân ông mang một đôi giày “sơn-đá” bằng da đen, ống cao trông rất gồ-ghề. Tay ông cầm cây roi da quất lên hông con ngựa nhảy cà-nhông trên những đường làng, làm cho lũ nhỏ bọn tôi chạy theo coi, khiến cho những con chó hoảng hồn sủa ỏm-tỏi. Có khi Đội Năm dừng lại, cột ngựa vào một lùm tre để cho ngựa ăn lá, trong lúc đó ông vào xóm mượn một cái thúng mua cám bỏ vào đó đem ra cho ngựa ăn thêm, đồng thời ông cũng mua một ít mật đường mía hòa với nước lã trong một cái chậu cho ngựa uống. Con ngựa vừa uống, cái mũi vừa khì-khì, cái chân sau nhịp-nhịp xuống đất trông có vẻ rất thích-thú. Xong đâu đó nó hỉnh mũi lên trời hí vang. “Cậu nhỏ” dưới bụng nó thòng xuống đen sì trông phát khiếp, lũ nhỏ vỗ tay cười đùa chỉ-chỏ. Ông Đội Năm cầm cây roi da nhịp-nhịp vào chân ông, rồi cười, nói đùa: "Tụi bây làm sao mà con ngựa tao nó lòi ruột vậy hả?"…Xong ông đến bên con ngựa vuốt-vuốt cái bờm. Con ngựa lấy mỏ ủi-ủi vào người ông Năm ra chiều âu-yếm lắm. Đoạn ông Năm giơ chân đút vô bàn đạp sắt đánh phóoc người lên lưng con ngựa ngồi ngay ngắn, tay cầm cương giựt-giựt, đồng-thời lấy hai chân thúc-thúc vào hai bên hông con ngựa, nó lùi mấy bước, rồi phóng chạy tới, bụi bay mịt-mù... Lũ nhỏ chúng tôi đứa nào cũng phát thèm, mơ lớn lên thế nào cũng đăng lính làm ông "Cai" như ông Năm, đã có đồ mặc đẹp mà lại có ngựa cỡi hách xì-xằng vô cùng...


Nhưng đến sau, khi Nhật đảo-chánh Tây, rồi Nhật đầu hàng, Việt-Minh lên cướp chính quyền, người ta lại thấy ông Năm với cung-cách khác. Bây giờ ông Năm mặc bộ đồ bà-ba đen, lưng đeo súng ngắn, tay cầm kiếm dài. Một số người đi theo ông, gọi ông là "Đồng-chí" chứ không còn gọi là "Đội Năm" như ngày xưa nữa. Và mỗi khi gặp nhau, hay rời nhau họ đều đứng nghiêm, hai chân chụm lại, thẳng người, ngước mặt lên trời, rồi đưa bàn tay nắm lại như hình cái búa đặt ngang mang tai để chào nhau không giống kiểu chào lính Tây hay lính Nhật trước đó chút nào. Bà con ai cũng ngạc-nhiên và xầm-xì rằng ông Năm là "Du-kích Ba-Tơ". Dù vốn là Cai lính Tây, nhưng ông Năm đã âm-thầm móc nối với Việt-Minh từ những ngày ông còn ở trong quân-đội Pháp…Sau đó, ông bỏ vợ con lại làng rồi ông đi làm việc ở xa. Lâu lâu mới thấy ông về. Ông không còn cỡi ngựa, mặc đồ kaki, đội kê-pi, mang giày đinh nữa, mà ông chỉ đi bộ, mặc đồ bằng vải xi-ta xám (một loại vải của VM dệt cho lính mặc), đội nón cối đan bằng tre bọc vải bao lưới bên ngoài, mang dép râu... Ông Năm không còn cái oai-vệ của "Đội Năm" ngày xưa. Ông có vẻ ốm đi nhiều và buồn...


Khi thằng Đoàn được 15 tuổi, nó là con đầu lòng của ông Năm, cùng trang lứa với tôi, thì ông Năm không còn làm việc nữa, mà trở về làng làm ruộng bên gia đình như mọi người nông dân khác. Dù vậy, người trong làng vẫn gọi tước vị ông ngày xưa dưới thời Pháp thuộc là "Đội Năm" theo thói quen và dường như ông cũng thích thú về cái tên gọi xa-xăm một thời "oanh-liệt" đó... Ông Năm trở nên lầm-lì, lam-lũ làm ruộng, nhưng cũng không đủ lúa đế đóng thuế nông-nghiệp cho nhà nước. Ông bị xếp vào hàng "Phú nông", được kể là thành phần "bóc lột" sức lao động của nông dân, nhưng nhẹ tội hơn "Địa chủ" là thành phần "đại phản động" như gia đình tôi, nên phải cần bị “bao vây”(không cho làm ăn gì hết) và “đấu tố” nếu cần, chứ “Phú-nông” thì được kể là thành phần "liên-minh" nên cũng được nhẹ tay phần nào. Nhờ ông có góp công với Kháng-chiến chút đỉnh nên được bọn cán-bộ làm ngơ cho, không hạch hỏi gì ngoài chuyện đóng thuế cho đầy đủ...là được…


Thỉnh thoảng tôi có thấy thằng Đoàn mang cái “xấc-cốt” bằng da thật đẹp của ông lúc còn làm Cai, để đựng tập vở đi học. Đứa nào trong lớp cũng trầm-trồ sờ mó, kể cả ông thầy. Nhưng cái mũ kê-pi có gắn cái lon Cai thì nhất định ông bọc trong giấy kiếng máng trên cây cột gỗ bóng nhẩy ở nhà trên như là một báu vật trong quá-khứ của ông, mà ông rất hãnh diện từ thời trai trẻ. Những buổi chiều đi ruộng về, ông thường ngồi một mình nơi phòng khách hút thuốc rê và ngắm cái mũ thêu kim tuyến với những nụ cười chẳng ai hiểu nổi. Ông cũng còn một báu vật khác mà không bao giờ ông dám đưa ra khoe, sợ bọn VM tịch thu, lại còn ghép tội "phản động" tàng trữ dụng cụ quân sự. Đó là cái ống dòm thực bự, mà một dịp tình cờ tôi được thằng Đoàn lén kêu ra sau hè cho nhìn thử, thấy cảnh vật to đùng trước mắt rất hùng vĩ …. Sau này ông Năm hay được, đánh thằng Đoàn một trận nên thân, rồi ông tẩu-tán báu vật này đâu mất tiêu...


Thằng Đoàn học không giỏi, có lẽ vì nó mang cái bản-chất không được sáng dạ của cha nó, người đã phải thi Tiểu học đến 4 lần mà mẹ ông Năm cứ đổ hô là bị "Ông Táo bắt", khi mùa Đông ông Năm thường vào bếp sưởi ấm đã nghịch lấy phấn vẽ bậy lên đầu mấy ông Táo bằng đất cho vui... Dù vậy thằng Đoàn cũng lên được Trung học chung lớp 7 với tôi và nhỏ Ái trong làng bên...Đến khi hiệp-định Genève sắp ký kết để đình-chỉ chiến-sự tại Đông-Dương, thì mọi người đều xôn-xao về việc chia hai đất nước. Bọn CS hội-họp, bắt dân học tập liên-miên. Người dân suốt 9 năm ở trong cái hủ, đâu biết trời trăng mây nước gì, ngoài những cái loa và những tờ báo bằng giấy súc đen ngòm tên “Tổ quốc” và “Nhân dân” đâu từ ngoài Bắc gửi vào theo đường núi … được các cán bộ thông-tin ấp đọc mỗi tuần trên một cái chòi cao, bắt dân ngồi sắp lớp bên dưới mà nghe ngóng với bầy muỗi đói...Nhưng vấn đề nóng bỏng và xôn-xao nhất vẫn là chuyện “Tập-kết ra Bắc”đối với những thành phần có liên quan ít nhiều với CS. Sự tuyên-truyền của CS trước khi ra đi, quả là rất công hiệu, nhất là vấn đề bạo hành của lính Tây và "Ngụy" khi họ tiếp-thu miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào,  như phụ nữ sẽ bị hiếp dâm, hay bắt lấy Tây đen hoặc Ngụy làm chồng, cán bộ sẽ bị giết hay cầm tù Côn đảo …Dân nghe ai cũng khiếp sợ, đồng thời cái thời hạn 2 năm thống-nhất đất nước ai cũng nghĩ là sự thực...Chỉ có những người thuộc thành phần bất mãn với VM, như Trí thức, Địa chủ, Tiểu tư-sản… họ mới muốn ở lại với chế độ mới mà thôi, dù là Tây đi nữa cũng được. Giới trẻ rất xôn-xao vì có liên quan tới tương lai của họ và VC cũng muốn "hốt" lớp trẻ này, đem ra Bắc làm con tin cho những gia đình ở Nam và cũng là những cán bộ sẽ hồi-kết khi chúng phát-khởi phong trào xâm lấn miền Nam sau này...


Thằng Đoàn ngồi trên một cái rễ cây to tướng ở sân lớp học trong rừng (thời này tất cả các trường học lớn bé  ở Liên khu 5 của VM , gồm 4 tỉnh Nam, Ngãi, Bình. Phú, đều làm trong rừng dưới những tàn cây rất to để tránh máy bay Pháp từ Đà nẵng vào oanh tạc… Xung quanh trường đều có giao thông hào để tránh đạn. Trong giờ học đều có học sinh thay phiên trèo lên cây cao để canh máy bay, hễ nghe tiếng máy bay là gõ mõ liên hồi theo nhịp 3 để học sinh chạy túa ra hầm, hết máy bay thì gõ một hồi dài chậm chạp cho học sinh trở lại lớp học tiếp)… mặt nó vẻ lo âu, nói với tôi một cách buồn phiền:


- Thi à, không chừng tao tập-kết ra Bắc...


Đó là một từ-ngữ rất mới-mẻ thời bấy giờ, tôi ngỡ-ngàng hỏi:


- "Tập kết" là gì vậy mậy?


Dù thằng Đoàn hiểu rất lờ-mờ về ngôn-từ này nhưng nó cũng được nghe sơ qua bố nó, nên cố gắng giải thích:


- Hình như là phía mình phải tập-trung lực-lượng gồm Bộ-đội và Cán-bộ, cùng gia đình họ tụ lại hết một chỗ, để rút ra Bắc, chờ hai năm sau Tổng-tuyển-cử thống nhất hai miền, rồi mình về...


Tôi tỏ vẻ thắc-mắc hỏi:


- Bộ mày thuộc thành phần đó sao? Tao thấy cha mày là thành phần "Phú nông", thì chỉ đỡ hơn nhà tao “Địa chủ” một chút mà thôi? 


Thằng Đoàn nói với vẻ hãnh-diện:


- Dù cha tao thuộc thành phần phú-nông, nhưng ổng là "Cựu du-kích Ba-Tơ", nên tao được hưởng ân-huệ nhà nước đó.


Tôi có vẻ lo-lắng:


- Bộ mày đi luôn sao?


- Không, nghe nói là ra Bắc tao được đi du học ở Liên-Xô hay Trung-Quốc gì đó, xong 2 năm rồi về. Phần đất này sẽ tạm giao cho Tây và bọn “Ngụy” mà thôi.Tổng tuyển-cử mình sẽ thống nhất lại hết…


Tôi dò hỏi thằng Đoàn:


- Ý thực mày sao?


- Thực lòng, tao không muốn đi xa, nhưng nghĩ được đi du học Liên-xô hay Trung-quốc vĩ đại thì còn gì bằng. Vả lại mình chỉ đi có 2 năm thôi mà, rồi thống nhất đất nước mình về? Ra Bắc tao sẽ được gặp Bác Hồ mậy!


Tôi hỏi tiếp:


- Cha mày thì sao?


- Cha tao có vẻ lo âu, sau khi ổng bị thằng cha Huyện-ủy mời lên nói gì đó mấy lần. Mày thấy cha tao bây giờ đâu có làm gì, ngoài chuyện làm ruộng để thỉnh-thoảng nghe tụi bần-cố-nông nó xỉ-vả với từ khinh miệt “Lính Tây” cũng ủ-ê lắm...Chúng nó cũng ngại cha tao và mấy ông trí thức biết tiếng Tây như bố mày, vốn ghét CM…sẽ  làm “Việt gian” như chơi …Mày thấy không, mỗi lần Tây đổ bộ từ biển vào, thì tụi nó cho “Dân quân” tới nhà mấy người biết tiếng Tây kéo họ lên núi trước tiên, chỉ vì sợ mấy người này theo Tây điềm chỉ đánh phá CM …


Tôi mỉm cười nói giọng muốn khuyên thằng Đoàn ở lại, dù biết nó có mộng "du-học Liên-xô…":


- Mày có thấy là bọn “Hiệu-đoàn” (nhóm học sinh do VC gài vào ngành Giáo-dục để cai quản trường học kể cả các thầy cô đều phải sợ chúng) ở đây nó xếp mày với tao ngồi chung một chỗ trong lớp, cách biệt với bọn bần-cố-nông không hả?


- Có chứ. Chính vì vậy mà tao cứ do-dự, nhưng ngặt một nỗi, trước đây cha tao là lính Tây mà ổng lại theo Kháng-chiến, vả lại điều buồn là tao phải xa tụi mày. Nhưng tụi Tây nó chỉ ở đây có 2 năm, thì đâu lại vào đó thôi. Bây giờ mà tao không đi, chắc tụi  cán bộ sẽ làm khó dễ ông già tao trước khi chúng rút ra Bắc, tao nghe cha tao rì-rầm với mẹ tao thế...

Buổi chiều đó, tôi và Đoàn kéo nhau ra bờ biển ngồi chơi rất thoải-mái, vì lúc này đã hòa-bình nên cũng không sợ hải-pháo của mấy chiếc tàu Pháp bắn lên như trước đây mỗi khi chúng chạy qua biển ngang thấy dân lố-nhố. Từng luồng gió nhẹ thổi qua rừng thùy-dương vi-vút, thấp-thoáng những công-sự phòng-thủ của bọn du-kích dựng nên để bảo-vệ mặt biển ngày trước. Những cọng rong nâu từ biển giạt vào, những que củi mục, những quả dừa khô, những con sứa trong vắt như những chiếc mũ tai bèo... nằm rải-rác đó đây trên bờ cát phẳng lì làm cho tôi nghĩ đến kiếp sống nổi-trôi của con người, nhất là khi thằng Đoàn đã có ý-định ra đi. Tôi nói trong sự băn-khoăn với Đoàn:


- Buồn hỉ? Ngoài mày ra, trong lớp mình, có còn ai đi nữa không?


Suy nghĩ một lát như chừng kiểm mặt từng người, Đoàn e-dè nói:


- Hình như con Ái lớp mình, con ông Chủ-tịch xã nữa nha...


Tôi nói vẻ nghi-ngờ:


- Hèn gì, tao thấy nó nghỉ học mấy ngày nay. Có lẽ nó đang lo thủ-tục để đi...


Đoàn nhìn tôi, hỏi dò xét:


- Mày thấy sao?


Tôi chỉ lắc đầu làm thinh, một lát sau mới chậm rãi nói:


- Tụi mày đi hết, chắc hẳn tao buồn...


- Tụi tao cũng buồn vậy?


Tôi trả lời gọn lỏn:


- Ừa!


Chợt Đoàn quay về phía tôi hỏi:


- Mày muốn đi không?


- Không!


- Sao vậy?


- Chắc ra đó, rồi chúng cũng xếp ngồi riêng... Dù sao mày cũng còn cái gốc "Du-kích Ba-Tơ" của cha mày, con Ái con cán bộ, chứ tao con “Địa chủ rặc” có mong gì ?


- Không biết sao nữa. Nhưng cha tao ổng lại không thích nhắc tới cái quá-khứ “Ba-tơ” đó nữa, mà lại thích cái tên gọi "Đội Năm" thời lính Tây, dù ông ấy đã có lần chối-từ... Mấy ngày nay, tao thấy cha tao buồn dễ sợ, có lẽ vì ông ấy lo âu giữa đi và ở...


Đoàn lại nhìn tôi vẻ đùa cợt, hỏi:


- Còn trường hợp "em Ái của mày” thì sao, vì tao thấy tụi bay tình tứ lắm trong những lúc tưới rau với nhau nơi vườn rau “tăng-gia sản-xuất”, hay cùng ngồi ăn trưa trên nắp hầm trốn máy bay mà ? 


-Thôi mày ơi, nói vậy bọn “Hiệu-đoàn” nghe được nó kết tội tao “hủ hóa, tình cảm linh-tinh” thấy bà tao luôn đó nha! Mày không nghe tụi nó hát hà-rầm câu: “Lấy chồng bần-cố là tiên / Vớ phải địa-chủ là duyên con bò” đó sao? Nhưng tao chắc Ái phải đi, vì thuộc diện con cán-bộ….


Lúc này thì Đoàn nghiêm-túc hỏi dò xét bạn thân của mình:


-Hỏi thực nè,  Ái nó có nói gì với mày không?


Tôi mỉm cười nói:


- Mày lạ thực nha! Sao Ái lại phải nói gì với tao?


Đoàn nheo mắt nói:


- Thôi mà, còn ỏn-ẻn nữa. Biết hết rồi!


- Biết gì mới dược chứ?


- Chối hoài!


- Bằng chứng là Ái sắp đi mà có nói gì với tao đâu, dù nó đã nghỉ học sớm mà tao đâu biết lý do như trường hợp của mày ?


Ngẫm-nghĩ một lát tôi nói giọng mỉa-mai:


- Ái thuộc giai-cấp vô-sản, cha làm Chủ-tịch xã, đảng viên gộc làng mình, đâu có thèm nghĩ tới tao làm gì. Ai lại ngu đi chọn "duyên con bò" mậy?!


- Sao ở lớp tao thấy nó có vẻ quấn-quít bên mày lắm mà, nhất là ở những lớp dưới, hay khi tụi bây ra nắp hầm ngồi ăn chung với nhau trong những buổi trưa lớp 7, trong lúc tụi tao đều ngồi ăn nơi gốc đa …?!


Tôi giải-thích:


- Ở lớp quấn-quít gì đâu, Ái bận làm vườn và bán hoa tươi cho người ta cúng Phật mỗi đầu tháng và ngày rằm nên cũng cần hỏi đôi ba bài toán khó giải không ra vậy thôi, vì tao tương đối giỏi môn này, bọn con gái thường kém Toán mày ui!…Việc ăn cơm chung nơi nắp hầm vì tao ăn toàn khoai không có cơm, nó thương cảm tao nghèo, và muốn trả ơn công chỉ Toán  nên ra đó sớt cho tao ít cơm mà thôi … Còn ở tiểu học thì chúng mình đều là con nít cả mà. Lớn lên, ai cũng đủ khôn để chọn cho mình một con đường đi chứ? Mày nên nhớ Ái là cháu, kêu ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng “Ông” trong dòng họ Phạm ở đây, đó nha mậy, dù ông ấy ra tận ngoài Bắc để được cạnh Bác Hồ mà làm việc…?


Đoàn cười có vẻ không tin những điều tôi giải-thích, rồi nhìn mông ra biển, đôi mắt mơ-màng như theo đuổi một ý nghĩ nào đó vui tươi trong đầu. Lúc đó, trên bầu trời những cụm mây đen bay sà thấp, bóng chúng lướt qua nhanh, tạo thành những vùng tối sậm trên nền cát trắng như bông. Tôi nói với Đoàn nên về vì trời sắp nổi cơn giông. Cả hai đứng dậy, phủi những hạt cát dính vào đáy quần rồi đi bách bộ về nhà trên con đường mòn hun-hút giữa hai hàng gai dứa vươn cao. Chúng tôi lặng thinh đi bên nhau với những suy nghĩ riêng tư trong đầu mà mỗi người đang theo đuổi cho mình trong những ngày tới cận kề. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Đoàn, người bạn cùng lớp, cùng làng nhưng khác nhau những ước mơ tùy thuộc vào một thứ hoàn cảnh lịch-sử đeo cứng vào từng người... (còn tiếp)


Nguyễn-Tư