Đã định kết thúc loạt bài về những "cải cách" tiếng
Việt của ông Bùi Hiền, nhưng lại đọc được ý kiến của một người nước
ngoài 100% viết về vấn đề này. Anh Kyo York là một chuyên gia máy tính
người Mỹ sinh năm 1985, sau khi đến Việt Nam cuối năm 2009 với tư cách
tình nguyện viên dạy tiếng Anh ở Hậu Giang, đã trở thành ca sĩ chuyên
hát nhạc Việt, với lòng yêu mến tiếng Việt. Xin phép được giới thiệu bài
viết của Kyo York trên Facebook.
Nếu “Tiếq Việt” được chấp nhận thì hàng ngàn, thậm chí hàng triệu bạn tuổi teen Việt đã trở thành “PGS.TS” từ nhiều năm trước, và có thể họ giỏi hơn ở “công trình nghiên cứu này” bằng phiên bản Teencode cực siêu ngắn nhưng cũng cực kỳ “hại não”.
Cách đây vài năm khi tôi mới bắt đầu học tiếng Việt, nhận được một tin nhắn của một bạn khán giả nhỏ tuổi nhắn rằng: “Ak Kyo ọ*, seo ak gjoj tjeg vjt wa’ zay, thek ank cok đọc dk ch4 vj3t tắk & ch4 teencode cux e hog?”
– Tôi chỉ lặng lẽ nhắn lại:
“Chào em, những điều em nhắn lúc đầu anh tưởng em là một người đến từ
hành tinh nào, anh phải mất thời gian dài mới đọc được. Nhưng anh xin
được tôn trọng tiếng Việt, anh không nghĩ thứ ngôn ngữ em đang nhắn cho
anh là thuần Việt.”
Người ta thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nhưng chính có lẽ vì sự “phong ba” đó
mà tiếng Việt vô cùng độc đáo, biết bao từ ngữ ý nghĩa, trong ca dao
tục ngữ, trong các tác phẩm văn thơ âm nhạc, luôn cuốn hút…
Cho đến khi buổi sáng đẹp trời thức dậy, tôi hơi choáng váng với vị giáo sư đã “dành cả tuổi thanh xuân” cho công trình nghiên cứu để “cải cách” tiếng Việt của mình.
Ngài cho rằng mọi người “ném đá” ngài là những kẻ “thậm
chí có thể được đánh giá là thiếu giáo dục, vô văn hóa và kém nhận thức
vì nếu có nhận thức họ sẽ hành xử một cách khác. Nếu họ có học thức,
chân thành và văn minh thì có thể đến gặp tôi rồi cùng nhau trao đổi.” (theo báo Tiền Phong ra ngày 28/11/2017).
Nhưng
cũng mong ngài hiểu được sự hoang mang ở họ? Nếu họ vô giáo dục thì họ
chẳng quan tâm đến chữ nghĩa để làm gì? Tôi nghĩ thế!
Tôi càng choáng váng hơn khi ngài cho rằng cải cách để người nước ngoài học tiếng Việt dễ hơn?
Giời
ạ! Làm gì có chuyện dễ hơn được? Tôi đây là người nước ngoài 100%, mà
thử áp dụng bản chữ cái của PGS, phải loay hoay cả ngày chưa xong cho
một đoạn văn bản và đọc chúng còn lộn lên lộn xuống, thì thử hỏi biết
bao nhọc nhằn của những gì liên quan đến Tiếng Việt sẽ diễn ra thế nào?
Tài liệu Lịch sử sẽ ra sao? Tài liệu của thế giới về Việt Nam thế nào?
Pháp luật nữa, chúng sẽ lẫn lộn với ngôn ngữ mới này phải chăng? Cả
ngành giáo dục, thầy cô, học sinh, sinh viên, công nhân viên, luật sư,
truyền hình, nghệ sĩ… phải tham gia lớp học mới vì cú “hit” rất sốt này?
Việc cải cách Tiếng Việt lúc này, chẳng khác nào như việc “đào xới” tung một con đường đang quá đẹp đẽ, thuận lợi biết bao nhiêu năm qua, “để rào chắn, gây kẹt xe”, bắt
mọi người phải sang ngã đường khác. Thưa ngài, chắc chắn nó ảnh hưởng
xấu thêm đời sống của người dân trong khi chúng đang vận hành tốt đẹp ạ?
Khi nào bản chữ cái Tiếng Việt chúng “hỏng (hư)” khiến người ta không thể dùng để giao tiếp với nhau, thì công trình của Ngài là điều khiến người dân rơi nước mắt thay vì “ném đá”!
Thực tế, Chúng ta cần nghiên cứu những điều cần thiết khác để giúp ích cho người dân, ví dụ như việc "Đám quần chúng" (theo
cách gọi của một tiến sĩ ủng hộ ngài) trong đó có nông dân Việt chỉ học
lớp 7 thôi đã chế robot: Israel thán phục, Nhật, Mỹ xếp hàng xin mua.
Hoặc có nhiều anh nông dân đã sáng chế ra nhiều phương tiện phục vụ nông
nghiệp, đời sống người dân và gia đình… được nhiều nước phát triển xin
mua lại bản quyền, tôi nghĩ những nghiên cứu sáng tạo này thật đáng “xưng danh” ạ! Tôi lại nghĩ thế!
Đành rằng yêu mến tiếng Việt, muốn tiếng Việt phát triển. Nhưng với điều của ngài nghiên cứu, rằng “sự phức tạp” của
một ngôn ngữ mà chúng đã trải qua bao thăng trầm để tồn tại được như
hôm nay trong niềm tự hào của dân tộc, cần phải thay đổi, chẳng khác nào
“phủ nhận” tất cả niềm tự hào, kiêu hãnh của rất nhiều nhiều thế hệ đã
ca ngợi về ngôn ngữ thuần Việt này? Mà tôi được biết rằng người Việt
ghét lai căng, kiểu nửa Tây nửa Ta, nửa Tàu nửa Việt có mấy ai ưng? Trừ
khi… Tôi lại nghĩ vậy!
Đành
rằng tiết kiệm, rút gọn là tốt, nhưng rút quá gọn trở thành vô nghĩa.
Đôi khi cái gì ngắn quá cũng chẳng tốt, hoặc tiết kiệm quá mức thì luôn
để lại những hậu quả trầm trọng đó ngài ạ.
Ví
dụ: Cha sẽ gọi thành gì? Viết thế nào? Chưa kể việc viết sai chính tả
của thứ ngôn ngữ mới này còn nguy hiểm “chết” người hơn. Ví dụ một buổi
tối đẹp trời nào đó cô người yêu mới quen nhắn tin "thả thính": "Em muốn rú to lên, em nắm chặt anh đi khắp thế gian" - bằng ngôn ngữ đổi mới của ngài: "Em muốn zú to lên, Em nắm cặt an' đi xắp wế zan" (bản dịch chính thức từ app tiếq Việt).
Mặc
dù công trình của ngài được một số chuyên gia ủng hộ. Nhưng không ít vị
giáo sư chuyên môn lên tiếng không đồng tình, và nhận định nó được sửa
đổi dựa trên tiếng nói văn hóa của người Hà Nội - cả về âm vị cơ bản lẫn
6 thanh điệu chuẩn. Nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi
âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt (như dùng z để thay cho cả
d, gi, r; dùng c thay cho ch, tr; dùng s thay cho cả s và x) chắc chắn
sẽ không được cả nước tán thành là đúng rồi ạ vì nước Việt phải có ba
miền BẮC – TRUNG - NAM!
Thế đấy là vô số lý do ngài ạ! Thực tình tôi chẳng giỏi tiếng Việt để “đối chất” cùng
ngài, nhưng tôi có thể thấy được sự khó khăn vô vàn khi chúng bị thay
đổi thế nào bằng tâm hồn của một người nước ngoài yêu Tiếng Việt.
Tôi không ủng hộ những ai chửi ngài, vì ngài lớn tuổi và cần được tôn trọng.
Hoặc họ nói PGS.TS cả đời nghiên cứu không ai biết đến tên tuổi chỉ cần gây sốc“scandal” là cả nước nhớ tên, tôi thấy hơi quá với ngài. Bởi “scandal” gây sốc hay ngã rẽ dư luận chẳng lẽ bây giờ độc hại và dễ lây nhiễm đến thế sao? Không thể nào!
Tôi nghĩ ngài cần được tôn trọng, cũng giống như tiếng Việt cần được tôn trọng vậy.
"Tiếng Việt còn trong mọi người, người Việt còn thì còn nước non
Giữ tiếng Việt như ngày nào, hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau."
Xin vui lòng cân nhắc khi đọc bài viết không xuyên tạc mà chia sẻ, không chỉ trích mà thắc mắc và giãi bày.
FB "Kyo York" 30.11.2017
Mời nghe lại bài hát