CẨM NANG XỬ DỤNG THUỐC VIÊN
Uống là phương pháp dùng thuốc đơn giản nhất và không cần sự trợ giúp của cán bộ chuyên môn. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi rất nhiều loại thuốc, nếu dùng không đúng, dù chỉ là đưa thuốc vào miệng, công dụng của thuốc sẽ bị giảm, chưa kể còn gây tác hại.
Thông thường, trong đơn thuốc chỉ có tên thuốc, liều lượng cả đợt điều trị và hằng ngày chứ ít khi hướng dẫn cách uống. Bệnh nhân cũng ngại hỏi nên kết quả là thuốc không phát huy được hết tác dụng.
Các cách uống thuốc
Nuốt: Đa số các loại thuốc viên đều sử dụng cách thức nuốt cùng với nước nhưng có một số loại thuốc tuyệt đối không được nhai hoặc bóc lớp vỏ ngoài là thuốc kháng dị ứng, các loại kháng sinh, thuốc tránh thai… bởi có thể làm thay đổi tính chất của thuốc cũng như làm quá trình hấp phụ vào cơ thể quá nhanh (gây sốc phản vệ).
Ngậm: Đối với các loại thuốc dùng để chữa ho nếu bị nuốt chửng thì hiệu quả chữa trị sẽ giảm đi rất nhiều. Cách dùng để phát huy hiệu quả tốt nhất bỏ vào miệng ngậm rồi cứ để nó tan dần.
Tuy nhiên, nếu ngậm viên Biseptol hay Bactrim điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp mà không dùng nước uống thì lại không tốt. Đó là thuốc kháng khuẩn rất ít tan, có thể kết tinh ở ống thận làm tắc đường niệu, gây bí tiểu, tiểu ra máu, thậm chí gây sỏi thận hoặc sỏi đường tiết niệu.
Với những trường hợp đang bị đau thắt ngực, tăng huyết áp thì nuốt chửng thuốc viên lại không mang lại hiệu quả nhanh bằng ngậm dưới lưỡi. Chỉ nuốt chửng khi cần đề phòng tái phát tăng huyết áp.
Nhai: Những loại thuốc chữa loét dạ dầy và vị toan quá nhiều được các bác sĩ khuyên nên cố gắng nhai nát rồi hãy nuốt. Như vậy, khi vào dạ dày thuốc sẽ tan rất nhanh, phủ lên vét loét trong dạ dày phát huy và sẽ phát huy được hết tác dụng.
Thuốc trị chứng khó tiêu có chứa than thảo mộc, canxi carbonat, canxi phosphat... cũng cần được nhai nát và uống với nước để tăng cường hấp phụ chất khí, chất độc, trung hòa các dịch tiết ở dạ dày.
Bên cạnh đó, có một số người vừa bỏ thuốc vào mồm là nuốt ngay không cần uống nước. Nếu viên thuốc nuốt vào và dừng quá lâu ở thực quản sẽ gây tổn thương ở niêm mạc gây loét, vết thương này có thể gây ra xuất huyết khi thức ăn đi qua chỗ lở loét. Nghiêm trọng hơn có thể gây ra xuất huyết, kích thích đầu mút ở thần kinh, gây đau đớn. Chỗ loét do thuốc gây ra thường rất khó chữa trị, đôi lúc phải phẫu thuật. Vì vậy, nhất thiết là phải uống thuốc với một ít nước ấm.
Cũng không nên dùng nước chè hoặc sữa để uống thuốc vì những thứ này dễ gây ra phản ứng hoá học giảm hiệu lực của thuốc.
Thời điểm uống thuốc
Trước bữa ăn: Những loại thuốc thường sử dụng là một số kháng sinh (như ampicillin, amoxicilin), men tiêu hóa… Đặc biệt, nếu bác sĩ dặn uống khi đói thì phải uống thuốc đó 2 giờ sau khi ăn chứ không phải là để bụng cồn cào rồi mới uống.
Có loại thuốc đối với người bình thường thì dùng vào lúc đói như thuốc điều trị chứng rối loạn, khó tiêu, phụ trị chứng táo bón nhưng với người viêm dạ dày hoặc bệnh lỵ amip thì lại không được. Một số thuốc uống ngay trước bữa ăn hoặc đầu bữa ăn như thuốc đối kháng dùng phòng cơn đau thắt ngực, chữa đầy hơi khó tiêu.
Sau bữa ăn: Có thuốc uống trong hoặc sau bữa ăn như thuốc chữa tăng huyết áp và tăng cholesterol máu, kháng sinh đặc trị nhiễm trùng.
Nếu đơn bác sĩ dặn uống lúc no thì phải thực hiện đúng vì một số thuốc rất nguy hiểm cho dạ dày khi trống rỗng.
Các thời điểm khác: Thời điểm uống thuốc trong ngày cũng quan trọng.
- Trước khi ngủ: Đó là các thuốc liên quan đến thần kinh, hen suyễn. Ngược lại, tuyệt đối không uống các loại thuốc bổ sung vitamin C, canxi; một số loại thuốc hạ huyết áp… vào buổi tối.
-Thuốc kháng histamin nên uống vào sáng sớm, tác dụng điều trị kéo dài gấp đôi so với uống lúc đói.
-Thuốc giảm đau nên uống vào buổi trưa là tốt nhất
-Thuốc lợi tiểu và chặn canxi có hiệu quả suốt cả ngày.
Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc
Dùng một lần trong ngày: gồm thuốc tránh thai, kháng sinh bán tổng hợp đặc trị nhiễm trùng.
Dùng nhiều lần trong ngày: Thông thường là những loại thuốc bắt buộc phải đảm bảo được yêu cầu duy trì nồng độ máu luôn ở mức ổn định nhằm bảo đảm hiệu lực chữa bệnh như một số loại kháng sinh đặc trị nhiễm trùng, thuốc chữa HIV...
Một số lưu ý khác
- Khi uống thuốc viên, nên uống ở tư thế đứng, còn nếu nằm thì thuốc dễ lưu lại lâu ở thực quản có thể gây loét niêm mạc nơi thuốc tiếp xúc (các thuốc dễ kích ứng niêm mạc như tetracyclin, các thuốc giảm đau chống viêm, các thuốc có sắt...).
- Những người có thần kinh nôn oẹ, phản xạ nhạy khi uống thuốc con nhộng rất khó khăn. Cách uống thuốc thông dụng nhất là ngước đầu ra sau cho viên thuốc theo nước trôi nhanh xuống. Tuy nhiên động tác này sẽ kích thích thần kinh nôn oẹ của người sử dụng.
Hãy bỏ viên thuốc vào mồm trước rồi ngậm một ngụm nước, cúi đầu về phía trước khiến viên thuốc theo nước tự nhiên mà bị nuốt xuống thực quản mà không gây buồn nôn.
Chống nôn sau khi uống thuốc:
+ Gặp trường hợp ngửi thấy mùi thuốc là muốn nôn ngay có thể bôi ít dấm lên mũi, người bệnh sẽ tránh được hiện tượng này.
+ Nếu uống thuốc xong thấy buồn nôn có thể lấy một lát gừng tươi xoa đi xoa lại trên mặt lưỡi. Gừng sẽ có tác dụng ngăn cơn buồn nôn lại.