Friday, 22 June 2018

VÌ SAO CON NGƯỜI NỔI ĐIÊN VÌ ĐÓI?


 VÌ SAO CON NGƯỜI NỔI ĐIÊN VÌ ĐÓI?

Sau hai tuần theo đuổi chế độ ăn kiêng ít carbohydrate (còn gọi là low-cab), danh hài Jess Fostekew lâm vào tình trạng mất bình tĩnh khi đói.
"Tôi lên cơn giận dữ khủng khiếp ngoài đường," bà nhớ lại. "Chiếc xe đi sau tôi, trong xe toàn đàn ông to cao, chế nhạo tôi vì tôi đã lái xe lề rề khi vượt qua đèn giao thông." Sau khi ra khỏi xe gây sự với họ và bị họ cười vào mặt, bà quay trở lại xe và lái đi.
"Tôi tấp xe vào lề và khóc - khóc nức nở dữ dội - và sau đó thề sẽ không bao giờ ăn theo kiểu bỏ carb nữa."

Điều gì đã xảy ra?
"Từ lâu khoa học đã ghi nhận rằng cơn đói có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng cáu gắt," Sophie Medlin, giảng viên về dinh dưỡng và chế độ ăn kiêng tại trường đại học Kings College London cho biết. "Nhưng thế giới tuyệt vời trên mạng xã hội đã gộp hai từ này lại làm một và giờ đây ta có một từ mới, là "hanger" - nghĩa là cáu giận vì đói."
"Khi lượng đường trong máu của ta sụt giảm, cortisol và adrenaline dâng cao trong cơ thể - đó là các hormone tạo tín hiệu chiến đấu hay bỏ chạy."
Những hormone này có tác động lên não. Nguyên do là bởi neuropeptides, loại hormon tiết ra từ các tế bào thần kinh, điều khiển các loại hóa chất trong não con người.
"Những chất kích thích cơn đói cũng là những chất kích thích cơn giận dữ, cáu gắt và các hành vi bốc đồng khác. Vì thế đó là lý do vì sao ta có các phản ứng giống nhau," bà nói.
Định kiến chung thường cho rằng phụ nữ dễ cáu giận khi đói hơn đàn ông (hay thức ăn là thứ chính dùng để dỗ dành phụ nữ).
Chúng ta đều từng trải qua những cơn cáu gắt bất thần như sự kích thích trống rỗng vì cơn đói cào xé ta từng bên trong, nhưng giới truyền thông thường miêu tả hành vi này dễ xảy ra với phụ nữ hơn đàn ông.
Các bài viết về "cáu giận vì đói" thường được miêu tả với hình ảnh phụ nữ gào thét, nổi giận. Và rất nhiều trong số đó xuất hiện trong trạng thái đăng tải trên Twitter của tay trượt tuyết người Mỹ tên Chloe Kim trong Thế vận Hội Mùa Đông mới đây.
Nữ vận động viên giành huy chương vàng này viết: "Ước gì tôi đã ăn hết phần sandwich cho bữa sáng, nhưng tôi khi đó cứng đầu quyết định không ăn. Và bây giờ tôi cáu giận vì đói."
Vậy liệu có phải phụ nữ dễ bị tác động hơn trước tình trạng này?
"Hoàn toàn không phải vậy," Medlin nói. "Cơn đói giận có thể xảy ra với bất kỳ ai và có lẽ về mặt khoa học thần kinh thực ra nó dễ xảy ra với nam giới hơn phụ nữ."
Vì hóa chất trong não, cơn giận vì đói có thể dễ xảy ra với đàn ông hơn phụ nữ
Trong thực tế, điều thú vị là đàn ông có nhiều thụ thể để sinh ra neuropeptides hơn, đó là hóa chất tác động lên não, bà giải thích.
Các hóa chất "bị tác động bởi những yếu tố như sự thay đổi nồng độ oestrogen, vì thế một số phụ nữ gặp phải cơn cáu gắt vì đói vào những thời điểm khác nhau trong chu kỳ của họ," Medlin giải thích. Nhưng "về mặt sinh hóa, trong khoa học thần kinh, đàn ông dễ trải qua cảm giác này hơn nữ giới." Đó là vì nồng độ testosterone cao kết hợp với những thụ thể này.
Rốt cuộc, quan điểm về những phụ nữ "điên tiết vì đói" có lẽ chỉ là biến thể của định kiến giới có sẵn từ lâu, trong đó đàn ông có lẽ cảm thấy xấu hổ khi phải thừa nhận cảm giác thực của mình.
"Có lẽ (đàn ông) chưa thể nói về các mối quan hệ cảm xúc mà họ có về chuyện ăn uống với cơn đói, và có lẽ đó là lý do vì sao người ta hay cho rằng sự cáu giận vì đói chỉ có ở phụ nữ, trong khi tất nhiên đó là một biểu hiện rất con người," Jess Fostekew cho biết.
"Mỗi người đều có mối liên hệ khá phức tạp với đồ ăn," Sophie Medlin đồng tình.
"Sự cáu giận vì đói" có thể thực sự gây ảnh hưởng tới các quan hệ cá nhân của bạn, như trong một nghiên cứu năm 2014 nhận thấy hàm lượng đường sụt giảm trong máu sẽ dẫn tới sự căng thẳng tăng cao ở các cặp đôi đã kết hôn.
Người tham gia nghiên cứu được yêu cầu hãy châm ghim vào một con "búp bê nguyền rủa" - tượng trưng cho hôn thê/hôn phu của họ - để phản ứng lại khi bị nổi cáu. Thêm nữa, vị hôn thê/hôn phu nổi cáu có thể hét lớn vào bộ tai nghe mà người yêu họ đang đeo. Hàm lượng đường trong máu được đo trong thời gian tiến hành thí nghiệm.
Kết quả có lẽ không có gì gây ngạc nhiên lắm. "Những người tham gia thí nghiệm có nồng độ đường trong máu thấp hơn đã châm nhiều ghim hơn vào con búp bê và la hét với người yêu lớn tiếng và dai dẳng hơn."
Một nghiên cứu cho thấy người ta dễ nổi giận hơn với người yêu khi lượng đường trong máu sụt giảm.

Làm sao để ta có thể tránh được cơn cáu giận vì đói đáng sợ này?
"Nó lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố khi nào thì đến bữa ăn kế tiếp của bạn," Medlin nói.
"Lý tưởng là bạn sẽ muốn ăn thứ gì đó giúp nâng cao lượng đường trong máu lên một chút và duy trì ở mức đó. Vì thế một ít đồ ăn vặt ngon miệng có nhiều carbohydrate có thể là lựa chọn tốt nhất."