Bình gốm Chu Đậu vẽ hoa cúc dây, có viết dòng chữ Hán “Thái Hòa bát
niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, hiện vật của Bảo tàng
Tokapi Saray, Thổ Nhĩ Kỳ.
GỐM "CHU ĐẬU" LỪNG DANH HẢI NGOẠI
Sau khi con tàu chở đồ gốm bị đắm ở vùng biển
Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) được khai quật, hơn 240.000 món đồ gốm
Chu Đậu có niên đại khoảng thế kỷ XV được trục vớt, phân bổ cho một số
bảo tàng ở Việt Nam và đưa ra nước ngoài bán đấu giá thì dòng gốm này
trở nên quen thuộc với giới sưu tầm đồ gốm Việt Nam và quốc tế. Nhiều
bảo tàng lớn trên thế giới như: British
Museum, Gallery of New South Wales, Seattle Art Museum, Phoenix Art
Museum, Asian Art Museum of San Francisco, San Diego Museum of Art…
đã mua đồ gốm Chu Đậu do nhà Butterfields bán đấu giá tại San Francisco
và Los Angeles (Mỹ) vào tháng 10-2000. Cuộc khai quật tàu đắm Cù lao
Chàm và sự kiện nhà Butterfields bán đấu giá sưu tập gốm Chu Đậu thu
được từ con tàu đắm này ở Mỹ đã đưa gốm Chu Đậu “bước ra ánh sáng”,
khiến cho giới nghiên cứu và sưu tập gốm sứ trên thế giới quan tâm đến
dòng gốm này, đồng thời góp phần hồi sinh làng gốm Chu Đậu sau gần 400
năm “tắt lửa, đóng lò”.
Trong
khi gốm Chu Đậu gần như vô danh trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở
Việt Nam vào trước thời điểm tàu đắm Cù lao Chàm được phát lộ, thì
nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đã lưu giữ và trưng bày nhiều tuyệt tác
gốm Chu Đậu. Trong cuốn sách Vietnamese Ceramics. A separate tradition
do John Stevenson và John Guy chủ biên (Art Media Resources with Avery
Press, 1997) có giới thiệu nhiều món đồ gốm Chu Đậu tuyệt hảo, từ sưu
tập của những bảo tàng lớn trên thế giới như: Metropolitan Museum of Art
(New York), Denver Museum of Art (Denver), Seatle Art Museum (Seatle),
Museum of Fine Arts (Boston), Birmingham Art Museum (Alabama) và Asian
Art Museum of San Francisco (San Francisco) ở Mỹ; Society of Ancient
Southeast Asian Ceramics, Kyoto National Museum, Machida Municipal
Museum ở Nhật Bản; British Museum of London ở Anh; Museum of East Asian
(Bath) và Art Gallery of South Australia (Adelaide) ở Úc; Museum het
Princesshof (Leewarden) ở Hà Lan…
Tuy
nhiên, hiện vật gốm Chu Đậu nổi danh nhất thế giới là chiếc bình hoa
lam vẽ hoa cúc dây và hồi văn đầu cánh hoa, có viết dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”
(ảnh 1), trưng bày ở Bảo tàng Tokapi Saray tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Điều thú vị là không ai nghĩ chiếc bình này là gốm Chu Đậu của Việt Nam
và Bảo tàng Tokapi Saray khi trưng bày chiếc bình này cũng ghi chú là
“Đồ sứ Trung Quốc, thời Minh”. Trong cuốn sách Chinese Porcelain Collections in the Near East Topkapi and Ardebil của
học giả Nhật Bản T. Misugi (Hong Kong Univesity Press, 1981) cũng in
hình chiếc bình này và ghi chú đây là đồ sứ Trung Hoa. Năm 1980, nhà KCH
người Nhật Makato Anabuki chụp ảnh chiếc bình này gửi cho ông Tăng Bá
Hoành (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương) để xác minh lai lịch
chiếc bình này. Ông Tăng Bá Hoành đã nổ lực rất lớn trong việc xác định
niên đại, nguồn gốc của chiếc bình Tokapi Saray nói trên và đã tìm ra
thân thế của người đã “ký tên” lên món đồ gốm này. Đó chính là bà Bùi
Thị Hý, sinh năm 1420 mất năm 1499, quê ở Nam Sách, Hải Dương, vợ của
ông Đặng Sỹ, chủ một lò gốm rất lớn ở Chu Đậu lúc bấy giờ. Bà chính là
người đã viết chữ và vẽ hoa văn cho rất nhiều món đồ gốm Chu Đậu trong
đó có chiếc bình ở Bảo tàng Tokapi Saray.
Cuối
năm 1997, khi tôi đang đi tu nghiệp ở Nhật Bản, tôi có dịp ghé thăm Bảo
tàng Machida (Machida Municipal Museum) ở ngoại ô thủ đô Tokyo. Tại
đây, tôi được quản thủ Yajima, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến
sĩ về gốm Việt Nam thời Lê ở Đại học Tokyo đưa đi xem sưu tập gốm Việt
Nam, trong đó có rất nhiều đĩa gốm Chu Đậu kích thước lớn đã từng tham
gia vào cuộc triển lãm “Những chiếc đĩa lớn”
tổ chức ở các thành phố Tokyo, Osaka và Masuda vào năm 1997 (ảnh 2a,
2b, 2c, 2d, 2e). Theo lời TS. Yajima, sưu tập gốm Việt Nam trong Bảo
tàng Machida rất đồ sộ, phần lớn là quà tặng của nhà sưu tập Yamada
Yoshio.. Ông Yamada Yoshio đã dành trọn đời mình để sưu tập đồ gốm sứ
các nước Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam để đưa về Nhật Bản. Trước khi
qua đời, ông đã hiến trọn bộ sưu tập này cho Bảo tàng Machida. TS.
Yajima cho biết thêm có khoản 20 bảo tàng ở Nhật Bản có đồ gốm Chu Đậu
và đồ gốm Việt Nam nói chung, nhưng những món đồ quý nhất phần lớn thuộc
về Bảo tàng Machida, Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ
Kyushu. TS. Yajima viết thư giới thiệu tôi với các quản thủ ở Bảo tàng
Gốm sứ Kyushu và Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka. Rời Tokyo, tôi tiếp tục hành
trình đến Kyushu và Fukuoka và được xem hầu hết những món đồ gốm Chu
Đậu đang lưu trữ tại các bảo tàng này. Phần lớn những hiện vật ở đây đều
tuyệt hảo và toàn bích, do các bảo tàng này mua được trong những cuộc
bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu
tập hảo tâm hiến tặng.. Cần lưu ý là vào thời điểm này, con tàu đắm Cù
lao Chàm chưa được khai quật, đồ gốm Chu Đậu chưa được biết đến nhiều
nhưng những bảo tàng này đã có được những sưu tập đồ gốm Chu Đậu đồ sộ,
toàn bích và hoàn hảo từ dáng kiểu đến men màu. Quả là đáng khâm phục.
Tháng
9-2004, tôi cùng với 2 nhà sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ là Thomas
Ulbrich (ở Đức) và Philippe Truong (ở Pháp) đi thăm Bảo tàng Nghệ thuật
Dresden, tọa lạc trong cung điện Zwinger (Dresden, Đức). Nơi đây cũng có
một số đồ gốm Việt Nam thời Lý – Trần – Lê, trong đó có 2 món đồ gốm
Chu Đậu, xứng đáng gọi là bảo vật: chiếc đĩa lớn và chiếc ang (vò), đều
có niên đại vào cuối thế kỷ XV. Chiếc đĩa có đường kính khoảng 32 cm,
tình trạng hoàn hảo. Lòng đĩa vẽ hoa cúc và 2 dải hồi văn hoa lá (ảnh
3).. Đáy đĩa tô men nâu (màu chocolate), một đặc trưng của đồ gốm Việt
Nam thời Lý – Trần – Lê. Chiếc ang cao 28 cm, đường kính thân 35 cm,
trang trí các đồ án hoa cúc và hoa mẫu đơn, các dải hồi văn đầu cánh hoa
ở bên ngoài (ảnh 4). Kỹ thuật tạo dáng, chất liệu thai cốt và màu men
của chiếc đĩa và chiếc ang này rất tuyệt hảo. Các họa tiết được vẽ với
bút pháp tinh xảo, chứng tỏ chúng được làm ra bởi một tay nghề điêu
luyện vào lúc thịnh thời của kỹ nghệ chế tác gốm hoa lam đời Lê.
Philippe Truong cho hay: “Đây là một trong ba
chiếc ang nổi tiếng nhất của dòng gốm hoa lam Việt Nam. Chiếc thứ nhất
là tài sản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nhật Bản ở Tokyo; chiếc thứ hai
thuộc sở hữu của một nhà sưu tập lừng danh ở London. Và đây là chiếc
thứ ba”. TS. Eva Stroeber, quản thủ tại Bảo tàng Nghệ thuật Dresden nói thêm: “Hai
cổ vật này hiện diện trong bảo tàng này từ những năm 60 – 70 của thế kỷ
trước nhưng không ai rõ gốc tích của chúng. Do vậy chúng được xếp chung
trong sưu tập gốm sứ phương Đông và chưa bao giờ được đưa ra trưng
bày”.
Cũng
trong năm 2004, tôi có ghé thăm Bảo tàng Dân tộc học Muenchen (Đức).
Đây là nơi sở hữu nhiều đồ gốm Việt Nam nhất trong các bảo tàng ở Đức,
chủ yếu là gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm hoa lam thời
Lê – Mạc và đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Hiện vật gốm Chu Đậu quý hiếm
trong bảo tàng này là chiếc hũ gốm hoa lam, cao 40 chứng minh vẽ chim
phượng và mây. Người quản thủ kho gốm sứ ở Bảo tàng Dân tộc học Muenchen
Đức cho biết: “Cách đây 3 năm, chiếc hũ này
đã được hãng bán đấu giá Lempertz rao bán với giá 3.000 DM nhưng không
ai mua. Sau phiên đấu giá, có một nhà sưu tập đã mua chiếc hũ này dưới
giá sàn, không hiểu sao về sau nó lại hiện diện trong kho của bảo tàng
này. Lúc đó người ta chưa biết giá trị của món đồ. Cách đây ít tháng,
một chiếc hũ tương tự đã được rao bán trên mạng với giá 25.000 euro và
được mua ngay tức khắc”.
Trong
các năm 2010 và 2013, tôi có dịp ghé thăm Bảo tàng Lịch sử và Nghệ
thuật Hoàng gia Bỉ và Bảo tàng Hoàng gia Mariemont ở Brussels (Bỉ). Đây
là 2 bảo tàng có rất nhiều cổ vật Việt Nam, chủ yếu đến từ sưu tập
Clément Huet, một nhà sưu tập cổ vật lừng danh người Bỉ, được hai bảo
tàng này mua đấu giá vào năm 1952 sau khi Clément Huet qua đời. Bảo tàng
Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ có khoảng 3.000 cổ vật Việt Nam,
gồm: trống đồng Đông Sơn, đồ gốm thời Giao Chỉ, đồ gốm thời Lý – Trần –
Lê – Mạc, đồ sứ ký kiểu của triều Nguyễn và tượng điêu khắc Champa.
Trong đó gốm Chu Đậu nổi tiếng nhất ở bảo tàng này là sưu tập chân đèn
thời Mạc với hơn 20 chiếc chân đèn quý hiếm. Bảo tàng Hoàng gia
Mariemont có khoảng 150 cổ vật Việt Nam, mua từ sưu tập của Clément Huet
(1952) và từ các cuộc đấu giá cổ vật thuộc các sưu tập: Hồ Đình, Bảo
Đại, Bảo Long… do Binoche-Ventes và Loudemer-Ventes tổ chức trong những
năm 1990, trong đó có rất nhiều kendi, đĩa lớn và bình tì bà thuộc dòng
gốm Chu Đậu, đặc biệt là sưu tập các con giống trong gốm Chu Đậu có niên
đại vào thế kỷ XVI.
Tháng
10-2013, tôi ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, Nhật Bản.
Đây là nơi trưng bày những bộ sưu tập bát uống trà chân cao lừng danh,
men tam thái, xuất xứ từ Chu Đậu. Trong số đó đáng chú ý là chiếc bát
thuộc sở hữu của Tướng quân Tokugawa Ieyasu từ năm 1616, có hoa văn vẽ
bằng men đỏ và men lục, thành ngoài vẽ hoa văn hình cánh sen và hoa cúc
xen kẻ với một nhánh cây bạch quả, đáy phủ men nâu (ảnh 5). Ngoài ra còn
có chiếc bát trà gốm chân cao là bảo vật của gia tộc dòng thứ Owari-
Tokugawa (ảnh 6). Hoa văn trên chiếc bát trà này được vẽ bằng men lam
nhạt trước khi được tô điểm thêm bởi men đỏ và lục. Trang trí bên trong
lòng bát và bên ngoài thành bát được thể hiện rất tỉ mỉ. Hình dáng, màu
sắc và hoa văn của chiếc bát trà gốm Chu Đậu này đã được lãnh chúa
Owari-Tokugawa dùng làm mẫu để chế tác bát trà trong lò gốm của họ. Theo
nhà nghiên cứu Philippe Truong, năm 1616, Tokugawa Yoshinao (1601 –
1650), con thứ 7 của Tướng quân Tokugawa Ieyasu và là tộc trưởng của
dòng Owari-Tokugawa, đã mời hai thợ gốm tại làng Akazu (vùng Seto) đến
lập một lò gốm ofuke-maru ở trong thành Nagoya. Vài năm sau, một thợ gốm khác là Tahei, đã đến đây và hợp tác với hai đồng hương để chế tác nên loại gốm bishu oniwa-yaki. Oniwa-yaki, nghĩa là đồ gốm chế tạo từ lò gốm cung đình, chỉ dành riêng cho gia đình các lãnh chúa phong kiến, với các dòng sản phẩm như okuke-yaki cho ngành Owari-Tokugawa, kairakuen-yaki dành cho Kii-Tokugawa, korakuen-yaki dành cho Miro-Tokugawa, rakuraken-yaki dành cho gia đình Ikeda hoặc osaki oniwa-yaki
dành cho dòng họ Matsudaira tại Izumo (tỉnh Shimane).. Philippe Truong
đã căn cứ vào lối trang trí độc đáo và riêng biệt của 2 chiếc bát trà
này, cả về kỹ thuật thể hiện lẫn kiểu thức hoa văn, đã nhận định rằng
đây là những chiết bát trà được đặt làm riêng cho Tướng quân và gia tộc
Tokugawa. Vì thế mà 2 chiếc bát trà gốm Chu Đậu này đã được chính phủ
Nhật Bản đưa vào danh mục Tài sản văn hóa quan trọng (Yuzo bukazai) của Nhật Bản.
Có
thể thấy rằng sự hiện diện của các bát trà gốm Chu Đậu chân cao này đã
tạo nên những ảnh hưởng đối với kiểu dáng và trang trí cho những món đồ
gốm sản xuất tại Nhật Bản trong thế kỷ XVII. Sự ảnh hưởng này còn kéo
dài cho đến thế kỷ XIX với những hiện vật gốm Nhật Bản có niên đại thế
kỷ XIX được tìm thấy ở Nhật Bản, ở Bảo tàng Mỹ thuật Boston và Freer
Gallery of Arts ở Washington D.C. (Mỹ)...
T.Đ.A.S
Bài: Trần Đức Anh Sơn – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn & Philippe Truong