Friday, 11 January 2019

HỒI ỨC VỀ THẦY LÊ XUÂN VỊNH ( Lý Văn Hào )


HỒI ỨC VỀ THẦY LÊ XUÂN VỊNH
(Dạy Việt Văn)

Ngoài những năm tôi học với Thầy tại Hoàng Diệu (đệ tứ - đệ nhị), tôi còn học với Thầy vào năm thứ nhất tại trường Sư Phạm, tôi nhớ nhất nơi Thầy là “tay trái chống nạnh, tay phải-chụm lại rồi xòe ra như hoa nở, đoạn đưa tay lên sửa lại cặp kiếng, khi đôi mắt đang nheo nheo”, con người lúc nào cũng lo cho công việc, đôi khi vì quá lo cho công việc mà chuốc lấy cái không may vào thân ! !. Đứa nào có lầm lỗi thì Thầy thẳng tay quát mắng rồi bỏ qua, không kỷ luật nặng đứa nào.

Gần cuối năm đệ tam (1969), CPS Hoàng Diệu tổ chức một buổi cắm trại, tối có đốt lữa trại, ca diễn văn nghệ. Phần lữa trại thì do Trương Kiến Dũng (10B1, đội viên của Gia Đình Phật Tử) phụ trách. Phần văn nghệ thì cũng rất xôm tụ do toàn là những “danh ca cây nhà lá vườn” phục vụ như: Dương thị Liễu, Sơn thị Liêng, Trương Ngọc Thủy, Sơn Xuân, Nguyễn Nhựt Điệp (Thủy, Xuân, Điệp học sau tôi một vài lớp gì đó !)  . . . Sáng hôm sau tổ chức đào hồ sen của trường (ngay lối đi vào, bên hông thư viện của trường), buổi trưa, Thầy Răng hào phóng cho bọn tôi ăn cơm dĩa do tiệm cơm Đại Hưng nổi tiếng tại tỉnh lỵ nấu.

Sau đó nhà trường, cụ thể là Thầy Vịnh, bảo bọn tôi tìm người xây gạch chung quanh bờ hồ sen, tìm cây kiểng về trồng cho đẹp. Thế là tôi, Trương Kiến Dũng, Lê Thanh Tâm (10B1) và Nguyễn nhựt Điệp (9A2) xúm nhau xây bờ hồ, đi đến các chùa xin cây kiểng về trồng.

Có một hôm Thầy Vịnh ra “thị sát”, thấy vách bờ hồ không có tô xi măng, Thầy hỏi “sao tụi mầy không tô cho đẹp ?” bọn tôi nói là chỉ biết xây chứ không biết tô, Thầy phì cười nói “vậy mà tụi mầy cũng làm tàng!!” rồi bảo chú Liêu Khuôl kêu thợ lại tô các bờ hồ.

Vậy là trường có một hồ sen xinh đẹp để các anh-chị-em mình chọn làm điểm “làm dáng” chụp hình lưu niệm. Tiếc là sau nầy người ta phá bỏ để “bê-tông hóa sân trường” cho nó sạch!!!!

Tôi còn nhớ, vào năm tôi học lớp 11B1, có một ngày nọ, bổng nhiên Quan Minh Sơn đi học với một đôi guốc ! ngày thường thì các chị trong lớp cũng đi guốc đi học, nhưng các chị đi rất nhẹ nhàng ! hôm đó Sơn mang guốc thì tiếng “lộc cộc” được chủ nhân “nhắn nhủ” thêm nên tiếng khua rất to !

“Đồng bịnh tương lân, đồng khí tương cầu” ! vậy là hôm sau có một nhóm hưởng ứng, “chống xuồng (guốc) mộc” đi học ! Tiếng động “chó tha mũng vùa” vang đều cả lớp ! ! !
Tôi còn nhớ giờ học đầu tiên hôm cả nhóm mang guốc đi học là giờ Việt Văn của thầy Lê Xuân Vịnh. Nên nhớ là vào những năm đó, mỗi khi vào lớp của mỗi giờ học, tất cả đều phải xếp hàng trước lớp chờ thầy/cô từ “phòng họp Giáo Sư” xuống cho vào thì mới được vào lớp. Lúc thầy Vịnh khoác tay ra hiệu cho vào lớp thì “tiếng chó tha mũng vùa” vang lên cả lớp, càng lúc càng to !! nhìn thầy Vịnh “một tay vừa chống nạnh, một tay nâng kiếng, lắc đầu nhìn cả lớp” bọn tôi “hí hửng” trong lòng là “thế nào cũng nghe một thời kinh MORAL” của thầy  ! Nhưng không ngờ !!! thầy không rầy la gì, chỉ kêu chủ nhân của các đôi guốc lên bảng rồi gọi tên từ đứa !
- Em nầy là Quan Minh Sơn, đây là Phan Minh Hiền, đây là Huỳnh Trung Lương, đây là Hồ Văn Thiện, đây là Võ Anh Tuấn, đây là Nguyễn Văn Cấm, đây là Trương Kiến Dũng, đây là Âu Thuận, đây là Dương Quang Thuần, đây là Triệu Đoàn, và đây là. . . mà sao cái đám nào cũng có em hết vậy Lý Văn Hào ?
Nhìn những bộ mặt “giả nai” của cả bọn thầy bổng phì cười rồi nói :
- Mấy em đúng là thứ ba . . . . Thôi về chổ ! đi nhẹ nhẹ thôi !

Vậy là những bộ mặt “giả nai” lại nở nụ cười của “cáo” !

Năm tôi học lớp đệ Tam (lớp 10), lo chơi, mãi đến ngày mồng 3 tết mới ghé trường thăm thầy (lúc đó thầy và gia đình có 1 phòng ở trong trường), khi bọn tôi (Trương Kiến Dũng, Lê Thanh Tâm và tôi) đang đưa ra “lý do, lý trấu” nên thăm thầy trể, thì thầy nói “không trể đâu, ông bà ta thường nói : mồng một nhà cha, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy. Vậy là các em theo đúng sách vở rồi !”. Nhờ đó mới biết thêm một điều trong tập tục viếng thăm trong mấy ngày tết !
Còn nhớ, năm 1997, khi dự khóa tập huấn nghiệp vụ tại trường đại học Ngân Hàng tại Thủ Đức, tôi có ghé nhà thầy để thăm thầy và cô, và trong những lần họp mặt CHS. Hoàng Diệu nhìn thấy thầy vẫn còn khỏe, lòng rất mừng.
Trong những lần dự họp CHS. tại Sài Gòn, và nhất là trong lần dự họp tại Vườn Me của khóa 65 – 72, thầy Vịnh luôn hỏi thăm gia đình tôi, và nói “hồi đó nhờ em phá nhiều nên thầy không quên !” “dạ nhờ hồi đó thầy rầy hoài nên em hông có hư thân mất nết !” thầy cười nói “nghe khen muốn té hen rồi !”

Ôi ! nhớ quá người thầy,  lúc nào cũng lo cho công việc, đôi khi vì quá lo cho công việc mà chuốc lấy cái không may vào thân ! ! Đứa học trò nào có lầm lỗi thì Thầy thẳng tay quát mắng rồi bỏ qua, không kỷ luật nặng đứa nào !


(12/01/2017, Lý Văn Hào HD 64 – 71)



Chị Nguyễn Ngọc Dung (  HD 65 -72 )