Friday, 11 January 2019

TỰ TẠI TRƯỚC LỜI KHEN, CHÊ


TỰ TẠI TRƯỚC LỜI KHEN, CHÊ

Khen chê là một từ không còn xa lạ đối với chúng ta. Khen là có những lời tâng bốc một ai đó, thậm chí tô hồng sự thật, đôi khi có tính cách thổi phồng các sự việc hướng tích cực nhất.

Còn chê là sự chỉ trích, dè bỉu, từ đó có những lời nói bất mãn, bôi nhọ một người hay sự việc gì đó, tất cả những hình thái tiêu cực ấy chúng ta gọi là chê. Như vậy, khen chê trong xã hội là chuyện muôn đời, dường như không có cách nào để tránh, cách duy nhất là để tâm bình thản trước mọi sự khen chê.


Những người được khen nếu không làm chủ được mình sẽ cảm thấy mất phương hướng, từ đó sinh tâm kiêu ngạo, không còn giữ được tâm thái bình thường khi đối diện với cuộc sống. Thê thảm hơn, vì những lời khen mà người ta thể hiện một cách quá đà sở đắc của bản thân, thành ra tính tự cao tự đắc, đó là điều đáng tiếc nhất.


Ngược lại, người bị chê sẽ cảm thấy bị tổn thương, đau khổ, từ đó hình thành nên tâm lý mặc cảm, tự ty.  Hai trạng thái đối lập trên là điều thường xảy ra trong cuộc đời. Những người chưa từng trải, thiếu kinh nghiệm sống sẽ bị khen chê làm cho chao đảo.


Một người con Phật, có học giáo lý và hành trì sẽ nhận thức được tai hại của cả khen lẫn chê, từ đó quán chiếu và bình thản trước chúng, không còn sống dở chết dở bởi thị phi của miệng đời.


Dân gian có câu:


"Ở sao cho vừa lòng người,

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Cao chê ngổng, thấp chê lùn.
Béo chê béo trục béo tròn.
Gầy chê xương sống xương sườn lồi ra”.

Ngài Narada có nói trong quyển Những bước thăng trầm: “Bạn có thể sống đời trong sạch như một vị Phật, nhưng bạn không thể tránh khỏi những lời chỉ trích, tấn công và nguyền rủa”. Chúng ta có sống tốt cỡ nào cũng có những người trách móc, chỉ trích, mỉa mai, chê bai, nói xấu.


Đức Phật là một người phước trí vẹn toàn, hoàn thiện về mọi mặt, vậy mà Ngài cũng không thể tránh được những lời thị phi trong cuộc đời. Nhưng đức Thế Tôn không để tâm vào những chuyện đó, hoàn toàn bất động trước khen chê.


Một người theo bước chân Phật cần nhìn rõ bản chất khen chê, từ đó học cách bình thản trước thịnh, suy, tồn, vong, được, mất. Chúng ta hãy tập nhìn một cách rõ ràng hơn, sâu sắc hơn khi đối diện với những vấn đề khó khăn mà ta vô tình gặp phải. Người nào bị cột trói bởi lời khen tiếng chê thì tự gánh lấy khổ đau vì thiếu bản lĩnh và trí tuệ.


Có người nói rằng: “Muốn bình yên thì hãy giẫm lên dư luận mà đi”. Đó lại là một cách nghĩ tiêu cực khác với trạng thái bình thản hay tự tại trước những lời gièm pha, mỉa mai. Người có trí tuệ không phải bất cần đời khi nghe người khác nói về mình.


Thầy chúng tôi thường dạy: “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thấy, biết quấy để sửa”. Khi nghe người ta phê phán hay khen ngợi mình, trước phải xem điều đó đúng hay sai, nếu người ta nói mình xấu mà mình xấu thật thì phải sửa, người ta khen mình hay giỏi và điều đó đúng thì không nên tự mãn và cần cố gắng để tốt hơn.


Còn họ thêu dệt sự thật thì nên mỉm cười vì điều đó chẳng liên can gì đến mình.  Một người có sự hàm dưỡng và có nội lực sẽ bình thản vượt qua tất cả thử thách, biết những gì cần thiết để tưới tẩm cho hạt giống lành trong nội tâm đơm hoa kết trái.


Chúng ta biết nhìn lại bản thân khi nghe những lời khen tiếng chê thì mình sẽ học được những điều mới. Nếu bạn cảm thấy hãnh diện, tự hào, khi được khen tặng thì khó lòng có được những bước tiến ở tương lai.


Chuyện khen và chê như đôi bàn tay lật ngửa và lật úp, hôm nay người khen thì mai có thể họ lại chê, ngày mốt họ khen, ngày kia họ lại chê tiếp. Khi đã nhìn thấy được bản chất vô thường của lời nói, chúng ta sẽ “để gió cuốn đi”, cuốn đi những muộn phiền, cuốn đi những tâm lý ưa hay ghét, cuốn luôn cả “cái tôi vô minh” mà mình đã chấp chặt bấy lâu.


Một người muốn làm được việc lớn đừng bao giờ bị nhấn chìm bởi khen chê, nếu mình bận tâm nhiều về điều đó sẽ rất khó khăn để thực hiện những lý tưởng của đời mình.


Đối với một người có tâm học đạo, không kể là người xuất gia hay cư sĩ tại gia, thì sự khen chê chỉ là hoa đớm giữ hư không, người ta chỉ rút ra những bài học kinh nghiệm để tự hoàn thiện bản thân trên con đường hướng đến bến bờ giải thoát. “Người khen ta mà khen đúng là bạn ta, người chê ta chê đúng là thầy ta, còn người nịnh là kẻ thù của ta”. Đây là câu mà chúng ta nên học.


Khen chê là chuyện thiên hạ, chúng ta không thể lấy tay mình che miệng đời được. Người ta có quyền nói, có quyền khen, có quyền chê, còn mình có quyền không tiếp nhận để tâm bình thản. Người thành công dám đặt sự khen chê ở sau lưng.


Đôi khi, họ còn dùng sự chê bai, phỉ báng, chỉ trích làm bàn đạp, tạo động lực để rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Những ai bị lệ thuộc vào sự khen chê sẽ khó mà tiến bộ được. Chúng ta làm việc gì mà cảm thấy điều đó hợp tình, hợp lí và phù hợp với khả năng, không phạm vào những quy tắc đạo đức thì hãy thầm lặng, vững bước mà làm, đừng để bị chi phối và tác động bên ngoài để không đánh mất lý tưởng mà mình đang ấp ủ.


Phương Tây có một câu nói: “Dog bark, We go”. Vững bước không dè dặt trước thị phi phải trái. Sự thành công đến với ta đôi khi phải được đánh đổi bằng máu và nước mắt. Muốn bước chân trên thảm đỏ huy hoàng thì phải có những lúc đi qua những đoạn đường sỏi đá, chông gai.


Khen và chê chỉ là những ngọn gió đời, đôi khi chúng đem đến sự mát mẻ trong ngày hè nhưng có những khi mang về sự lạnh lẽo lúc mùa đông. Người trang bị cho mình vũ khí của bậc hiền nhân là tín, tàm, quý, giới, văn, thí, tuệ thì sẽ luôn tự tại và thảnh thơi trước sự khen và chê của thế gian.