HỒ QUANG CUA - NGƯỜI TẠO RA GIỐNG LÚA " ST24" - GẠO NGON TOP 3 TRÊN THẾ GIỚI
Mới đây trong buổi trò chuyện với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ông Hồ Quang Cua, người cùng nhóm nghiên cứu đã lai tạo ra giống lúa ST24, đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện giống lúa gạo ngon top 3 trên thế giới.
Chia sẻ với tờ Dân tộc Miền núi, ông Cua cho biết, công trình lúa thơm ST là cả một quãng thời gian dài. Cơ duyên được bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông năm 1996.
Khi ngắm những hạt lúa VĐ20 no tròn, ông Cua phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, dạng hạt thon dài rất đẹp. Đó là những cá thể VĐ20 đột biến đầu tiên. Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời.
"Sự phát hiện này rất tình cờ, nhưng lại rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng", ông Cua nhận định.
Ông Cua và các cộng sự sau đó đã thu thập khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.
Công việc lai tạo ban đầu không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc này vẫn chưa có, bởi vậy, "chúng tôi mượn tạm" tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện", ông nói.
Sau này, một cộng sự của ông Cua là Thạc sĩ Trần Tấn Phương còn phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua tiêu chí thử mùi thơm, ông Cua và nhóm của mình đã loại được những giống lúa không đạt chuẩn rất nhanh chóng vì chúng có liên quan mật thiết đến hàm lượng Amylose.
Trên thực tế, theo Kỹ sư Hồ Quang Cua, việc chọn tạo đã diễn ra hơn 20 năm, kể từ năm 1991, khi tiến sĩ Huỳnh Quang Tín ở Viện nghiên cứu phát triển Hệ thống canh tác ĐBSCL chuyển giao bộ sưu tập giống lúa thơm cho phòng nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên và kỹ sư Hà Triều Hiệp đã chuyển giao lúa Khao Dawk Mali 105 để trồng khảo nghiệm tại Mỹ Xuyên và đây được coi như điểm mốc đánh dấu khởi đầu cho việc “Xây dựng thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng” thông qua việc chọn giống.
Việc chọn tên thương hiệu được UBND tỉnh cho ý kiến lấy tên tỉnh làm tên lúa giống và chỉ chọn những giống phù hợp với tiêu chí mới đặt tên Sóc Trăng (ST).
"Chúng tôi như những người mở đường"
Tháng 11/2017, tại Hội nghị quốc tế lần 9 về mua bán gạo , do The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo ) tổ chức ở Ma Cao, gạo đặc sản Sóc Trăng (ST24) gây chú ý với những phẩm chất vượt trội như: ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa....
ST24 là giống lúa cải thiện ngắn ngày, trồng được quanh năm, có nhiều ưu điểm vượt trội. Tại hội nghị đó, ST24 đã được chọn và vinh danh là 1 trong 3 loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới.
Nói về tiêu chuẩn hữu cơ khi trồng lúa giống ST24, ông Cua cho rằng, sản xuất hữu cơ là cả một chuỗi, chứ không phải là công đoạn nhất thời của sản xuất. Và đầu tư giống rất quan trọng.
"Giống lúa rất quan trọng. Giống lúa chúng tôi nghiên cứu ở đây là để thích nghi với canh tác quảng canh, nghĩa là một năm một vụ. Canh tác lúa liên quan đến kết hợp với thủy sản. Do đó, nông dân phải tuân thủ việc chỉ sử dụng thuốc sinh học, không sử dụng hóa chất", kỹ sư Hồ Quang Cua nói.
Theo ông Cua, khả năng thành công khi trồng giống lúa này rất cao và ông cùng cộng sự như những người mở đường.
"Chúng tôi như những người mở đường. Vùng đất có thể trồng lúa hữu cơ ở khu vực phía Nam có thể lên tới hàng trăm nghìn hecta. Tận dụng được sẽ tạo ra sản phẩm vừa an toàn, vừa ngon", ông Cua cho biết.
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết thêm, trước đây chỉ có một vài doanh nghiệp canh tác hữu cơ giống lúa ST24 nhưng đến năm nay, con số đã lên tới hàng chục doanh nghiệp.
"Tương lai, con số này sẽ còn cao hơn", ông Cua nói thêm.
Theo ông, gạo không chỉ có vai trò cung cấp lương thực mà còn có nhiều loại tăng cường sức khỏe, chống oxi hóa. Dần dần, ông và các cộng sự sẽ mở rộng ra nghiên cứu các sản phẩm ngừa bệnh, tăng cường đề kháng cho cơ thể con người.
Ông
Hồ Quang Cua tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt Trường Đại học Cần Thơ năm
1978. Sau khi lấy bằng kỹ sư, ông trở về quê nhà làm việc tại Phòng
NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Năm 1997, ông giữ chức phó giám đốc
Sở NN-PTTN tỉnh Sóc Trăng. Ông nghỉ hưu năm 2013.