Sunday, 30 April 2017

GIÀY CAO GÓT ( BS Nguyễn Ý Đức )




GIÀY CAO GÓT


Hỏi: Tôi rất thích đi giày cao gót, vì giày cao làm cơ thể của mình vừa cao mà lại vừa đẹp. Nhưng nghe nói, đi giày cao cũng đưa tới vài rủi ro cho sức khỏe. Xin bác sĩ cho biết các rủi ro này là gì.
Cảm ơn bác sĩ

Vân Anh

Đáp:

Thưa bà,
Trước khi nói tới giày dép, xin cùng ôn lại về hai bàn chân.
Thiên chức của hai bàn chân là để chống đỡ cơ thể, đi lại, chạy nhẩy, leo trèo, nhún nhẩy múa may.
Mà tập đi những bước đầu đời với em bé là cả một công trình khó khăn cần học hỏi và thực hiện trong nhiều tháng. Vì phải “ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò” rồi tới tháng thứ chin thì bé mới “lò dò biết đi” Trước hết là bé phải xoay bụng để tập bò với đôi bàn tay, hai đầu gối, rồi cẩn thận đẩy mình lên cao, chập chững đứng dậy. Bé sẽ té, nhưng bé vẫn cố, tiếp tục sau cả trăm lần thất bại, té lên té xuống. Cuối cùng thì bé cũng sẽ đứng vững và chập choạng bước tới.
 Khi tập như vậy, bé phải sử dụng nhiều cơ bắp, co vào duỗi ra đúng lúc nhịp nhàng với nhau để cân bằng trọng tâm cơ thể trên đôi bàn chân nho nhỏ với gót hồng hồng. Tiểu não có vai trò quan trọng trong giữ thăng bằng này. Và cũng không quên hai cánh tay đung đưa phải trái, trước sau nhất là lúc đi nhanh, chạy bộ.
Khi đi đứng, hai bàn chân với các ngón thường là phải bám bằng trên mặt đất để chịu đựng sức nặng cơ thể. Mới sanh ai cũng có bàn chân dẹp. Chỉ khi bé thơ bắt đầu bước đi thì các cơ và gân mới căng ra và kéo các xương cong lên. Thường thường khi bước thì gót chân chạm mặt đất trước
Khi đi hoặc bắt đầu chạy, cẳng chân chịu sức nặng lớn hơn trọng lượng cơ thể tới sáu lần. Bàn chân có nhiều xương nhỏ, mềm rất dễ gẫy. Nhưng chúng được cột với nhau bằng một hệ thống gân và dây chằng rất bền dai để giúp nhịp nhàng bước tới lui.
Ðã có một thời, bàn chân nhỏ được coi như dấu chỉ của danh gia quý tộc, nên có tục bó chân, nhét vào đôi hài bé síu, xương gót chân gập về phía trước, bốn ngón chân cong vào nằm ở dưới. Thành gót sen nho nhỏ xinh xinh nhưng đi không vững và khó khăn.
Chân dể đi. Nhưng mặt đất cũng nhiều rủi ro gây tổn thương cho chân. nên cần được bảo vệ bằng thứ mà ta gọi là đôi giày, đôi dép.
Dép được dùng đầu tiên ở vùng khí hậu nóng với mục đích bảo vệ bàn chân, gót chân, nhưng mu bàn chân để hở vì cần thông thoáng. Trong khi đó dân miền núi, nơi có khí hậu lạnh thì mang giày ống. 
  Nhiều ngàn năm trước đây, giày cho cả nam lẫn nữ chỉ là một miếng vật liệu bao bọc toàn chân; mãi tới thế kỷ 18, mới có khác nhau giữa giày nam giày nữ.
Giày với gót cao 6 inch đã được nữ lưu quý phái Âu Châu mang từ thế kỷ 17, và khi bước đi họ cần hai nô tỳ đỡ hai bên để đứng vững. 
Dù là để bảo vệ đôi bàn chân nhưng giày dép quá cao cũng đưa đến rủi ro cho người mang chúng.
Bình thường khi ta bước tới thì gót chân chạm đất trước.Nếu sờ vào gót, ta thấy da nơi đây cũng dầy hơn phần trước của chân.  Khi làm ra giày thì cũng không ai nghĩ tới làm gót cao. Nhưng dùng lâu, thấy gót giày chóng mòn, nên đế được đưa cao hơn. Và mục tiêu sơ khởi của đế cao chỉ là vậy: để giày khỏi sớm bị mòn.
Nhưng thời trang làm đẹp lại đi xa hơn. Vì người ta thấy khi phụ nữ mang giày đế cao thì bước đi nom thanh cao, yểu điệu, dễ dàng nhún nhẩy, nhất là nhấp nhô bàn tọa. Khiêu vũ điệu valse mà đi giày cao gót thì mỗi bước quay là cả một nhịp nhàng uốn éo, như sóng dợn lên xuống. 
Khi mang giày gót quá cao, quý bà quý cô sẽ bước đi trên những ngón chân của mình thay vì cả bàn chân. Ngực và thắt lưng sẽ đẩy về phía trước, hông ngả về phía sau, đầu gối gập lại, toàn thân tựa trên các đầu ngón chân. Hậu quả là cơ bắp chuối không duỗi ra, trở thành co cứng, ngắn lại; đầu gối đau nhức vì bắp thịt trên đùi đè xuống. Nếu bước đi mà mất thăng bằng sẽ bị trẹo cổ chân, bong gân; gân gót chân co ngắn, cứng nhắc. Dáng đi sẽ thay đổi, chân trước không bước xa được, gót chân không chạm xuống đất.
Lái xe hơi với giày gót quá cao hoạc dép mỏng cũng có khó khăn. Khi đạp thắng hay ga, ngón chân đè lên các bộ phận này, gót chân dựa xuống sàn xe. Với gót giày cao, gót chân nâng lên, đầu ngón chân luôn luôn đè trên thắng, ga, có thể gây tai nạn.
Đó là các rủi ro khi mang giày cao gót, xin gửi tới bà, để “kính tường”.
Cũng xin mách bà vài mẹo vặt như sau, nếu vẫn còn muốn mang giày cao gót:
-Sau một ngày mang giày cao gót, buổi chiều về nhà, ngồi thoải mái trên ghế. Dùng một mảnh vải dài, lót dưới bàn chân rồi kéo bàn chân về phía mình, trong khi đó hướng các ngón chân về phía trước, để thư giãn các ngón này.
-Trên đường đi làm, mang giày đế mỏng, tới sở mới đổi sang giày cao gót khi đi lại trong văn phòng..
-Lựa giày có gót rộng mặt để giảm áp lực lên đầu ngón chân.
-Có thể mua miếng lót gót chân để bước đi được thoải mái dễ dàng.
Chúc bà mạnh khỏe.

BS Nguyễn Ý Đức