NƠI KHU PHỐ CHỢ NHỎ...
*“Trách chi người đem thân giúp nước...”(nhạc Nguyễn-văn Đông)
*Truyện ngắn Nguyễn-Tư
Kể từ ngày bỏ xứ đến Sài-gòn sống với bố mẹ, nơi một căn nhà cũ kỹ trong khu
phố im-lìm, cạnh ngôi giáo đường cao ngất, thỉnh-thoảng tôi có nhớ về những
ngày còn học Trung-học đệ I cấp ở ngôi trường Huyện tận quê nhà. Nơi đó, tôi đã
sống suốt chuỗi ngày ấu thơ, và bắt đầu khôn lớn trong một khu phố chợ nhỏ, có
con đường Quốc-lộ xuyên Việt chạy qua. Khu chợ nhỏ đến độ tôi đã thuộc tên hết
cả những người sống nơi ấy với những bảng hiệu của cửa hàng họ, cùng quây-quần
dưới những tàn cây bã đậu xum-xuê, có một khoảng đất rộng để làm bến xe Lam
chạy ra Tỉnh lỵ, cách đó độ hai mươi lăm cây số...
Nhà tôi là một tiệm hình, hồi đó, chỉ có khả năng chụp những tấm ảnh đen trắng
mà thôi. Muốn có hình màu, bố tôi phải dùng cọ để tô. Tiệm hình chỉ có cái tủ
kính nhỏ đầy bụi, chưng một vài tấm hình màu phóng lớn, hầu hết của các cô gái
quê, có khuôn mặt sạch-sạch là đủ, và một vài tấm hình kiểu cọ, y hệt như những
tấm ảnh của các đào kép cải-lương. Bố tôi có mua về một số đồ hóa-trang như mũ
cao-bồi, áo quần lính thủy, bê-rê Dù...để cho những người thích chụp những tấm
hình hùng-tráng nhà binh...
Tôi nhớ phía sau phố chợ là một đồn lính Địa-phương quân, nằm cạnh trục lộ để
bảo vệ an-ninh cho tuyến đường này. Chính nhờ đồn lính ấy mà khu chợ trở nên
yên bình và vui nhộn hơn, dù thường ngày, lính đổ xuống chợ mua quà, uống
rượu, và đôi khi họ đánh lộn nhau nữa, rồi liệng lựu-đạn...gây ra những sợ hãi
trong đám dân lành. Nhưng cũng chính vì ngôi đồn này, mà xóm chợ thường hay trở
thành mục tiêu tấn kích của V.C, thỉnh-thoảng lãnh vài trái cối lạc-loài rơi ngay vào đó,
tạo ra những cái chết bất ngờ rất thương tâm. Cho đến một ngày, cả khu chợ này
bị thiêu rụi, bởi một trận đánh lớn kéo dài suốt mấy ngày liền, vì hai bên giao tranh
nhau dữ-dội, khiến dân làng lớp chết, lớp bỏ chạy ra đồng , rồi từ-từ họ di-cư
ra hướng Tỉnh, không dám trở về nữa, trong đó có gia đình tôi. Lần ra đi đó,
tôi khóc thực nhiều, bởi vì tôi tự biết chẳng bao giờ tôi còn có cơ-hội trở lại nơi ấy
lần nào nữa cả, khi khu phố chợ, đồn bót... đã trở thành bình-địa, không còn
lấy một bóng cây, ngọn cỏ nào, ngoài những đống gạch vụn, tôn rách và tro than. ..
Nhưng điều tôi đau đớn hơn, vẫn là tập Thơ, mà Huy đã chép tay tặng tôi, bìa màu xanh
nhạt, trong là giấy pelure trắng mịn, được đóng bằng sợi len màu lục, năm tôi mới chỉ học lớp Đệ Ngũ(lớp 7 sau này). Huy, lúc đó học ở Tỉnh, lớn hơn tôi vài cấp lớp. Bố Huy lại là Thầy dạy tôi môn Pháp-văn ở ngôi trường Huyện này. Huy có người em gái tên Xuyến học cùng lớp với tôi, nên vào những dịp Hè, tôi thường vào nhà Huy để thăm Thầy và luôn cả Xuyến nữa. Nhưng điều làm cho tôi thích-thú nhất vẫn là vườn ổi xá-lị sau nhà, cây trái xum-xuê, um-tùm, râm mát...
Nhà Huy ở cách nhà tôi một cánh đồng trống vắng, đầy những thửa ruộng khô chạy
dọc theo Quốc-lộ I,kéo tận mải chân ngọn đồi đất đỏ. Huy hay về đây nghỉ trong
những ngày Hè, thỉnh-thoảng chàng ghé ngang khu phố chợ để mua sắm một vài thứ
lặt-vặt, cũng có lúc tạt qua tiệm hình nhà tôi để chụp một vài tấm ảnh dùng làm
thẻ học sinh. Trong những lần như vậy, Huy vẫn hay thường đứng ngắm nhìn tấm
ảnh kiểu của tôi chụp nghiêng, choàng khăn “voile”, được bố tôi phóng lớn để chưng nơi tủ kính làm quảng-cáo cho khách hàng. Thế cho nên, có một lần tôi ra phía trước tiệm để tiếp khách, thường là những người nhà quê, họ hay đến đây chụp hình vào những dịp Tết, lại bất chợt gặp Huy đang đứng ngẩn-ngơ trước khung tủ kính, với nét mặt đăm-chiêu mải-mê nhìn, trông buồn cười, nên tôi buột miệng nói đùa:
-Anh Huy về bao giờ, mà chịu khó đến đây xem hình sớm thế?!
Huy trở nên lúng-túng, đưa tay vuốt-vuốt mái tóc buông xuống che kín một bên mắt, nhưng cuối cùng lấy lại bình-tĩnh nói trong nụ cười hiền-hoà, giọng bỡn cợt:
-Về lâu rồi Hoàng, thấy hình đẹp đâm ra "ngẩn-ngơ"!...
Tôi muốn kiểm-chứng tình cảm của Huy thêm một lần nữa, nên hỏi, cũng trong giọng cười đùa thật vui tươi:
-Tấm hình nào mà đến phải làm anh "ngẩn-ngơ" như vậy chứ?
Huy nói nhanh không suy nghĩ trong tiếng cười lớn chẳng e-dè gì:
-Tấm hình chụp nghiêng, có choàng tấm khăn “voile”!
Tôi cười thành tiếng, nói chữa thẹn trong một câu khác:
-Hình đẹp hay người đẹp, anh Huy?
-Cả hai! Dường như tôi cảm thấy như thế!
Tôi đỡ lời, pha một chút mắc-cỡ, vẻ chống-chế:
-"Gái quê" mà ăn nhằm gì, gái Tỉnh mới bảnh chứ anh!?
Huy bật cười thành tiếng, tìm cách biện-minh:
-"Gái quê", nhiều khi cũng làm cho nhiều người "ngẩn ngơ" và “tiếc nuối” khi họ lấy chồng ...chứ Hoàng? Này nhé:
“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
Hay:
"Trước sân anh thơ-thẩn,
Đăm-đăm trông nhạn về..."
Anh nhà Thơ Hàn-Mặc-Tử lãng mạn này phải yêu “Gái quê” lắm mới “thơ thẩn” và “tiếc” dữ-dội, đến nỗi phải đặt tên cho tập Thơ của mình là "Gái Quê"thì Hoàng thấy đâu phải chuyện đùa, , phải không?
Nhưng không hiểu sao, lúc đó - lòng tôi thấy không vui, khi tôi muốn đọc những câu thơ tiếp, trong lời nói có vẻ như Định-Mệnh mà tôi gánh chịu sau này:
-Nhưng tiếc rằng, cuối cùng rồi cũng chỉ để:
"Tiếng buồn trong sương đục,
Tiếng hờn bên lũy tre..."
"Buồn" và "hờn"...đều là những tình cảm không hạnh phúc, anh thấy chưa!?
Giọng phiền trách,Huy nói:
-Có một "nơi" để cho mình "hờn" và "buồn", thì còn đòi gì nữa Hoàng? Dù đó là trong "sương đục" hay bên "lũy tre"!...Sợ nhất là mình không có “ai”, hay có “nơi” nào để gửi những tình cảm đau buồn ấy chứ Hoàng ....
Sau câu nói đó, cả hai chúng tôi đều im lặng một cách khó hiểu, nhưng cuối cùng thì tôi trở nên nghiêm-nghị một chút, hỏi vẻ thành thực:
-Sao lâu quá chẳng thấy anh về làng chơi? Em có đến thăm Thầy và Xuyến mấy lần trong những dịp lễ lớn, nhưng không thấy anh. Nghe Xuyến nói anh ít khi về nhà...
Huy hơi buồn,nói:
-Tôi chỉ về trong những dịp Tết và Hè, là khoảng thời gian mà người học sinh không có lý do để từ chối nó trong mớ tình cảm của gia đình, nơi đó mình đang có nhiều ràng buộc và bổn phận...
Giọng tôi áy-náy, khi nghe đến ba chữ “mớ tình cảm” của Huy có cái gì đó miễn-cưỡng nên thốt:
-Dường như anh không được vui, khi nhắc đến những điều đó!?
-Không hẳn như vậy đâu Hoàng ạ, tôi vốn có nhiều liên-hệ nồng-mặn với quê nhà, ít ra như khu phố chợ nhỏ bé này. Nhiều khi xuống bến xe, tôi hay ngồi nán lại nơi quán ông Năm Mập uống một ly xây-chừng, lang-thang trong chợ, dù không biết để làm gì, rồi tôi mới về nhà...Từ khoảng đồng trống mải ngoài kia, xe Lam chạy trờ tới, tôi vẫn thường chọn ngồi cùng ghế với tài-xế, để được nhoài người ra, nhìn lên những hàng cây bã đậu xanh tươi, râm mát...lúc ấy, tự dưng lòng
tôi thấy nôn-nao như tôi đang sắp được gần-gũi một cái gì đó thân thương, mà lâu nay tôi có cảm giác cách xa!..Tôi vẫn nhớ hoài buổi chiều Hoàng và Xuyến chạy đuổi bắt nhau nơi vườn ổi nhàtôi, trong những tiếng cười dòn như thủy-tinh, khi đó tôi đang đứng trước cửa sổ phòng mình, nhìn ra rất thích với tâm trạng của một người muốn tham dự, nhưng lại tự thấy mình lạc điệu nên không nhập cuộc được mà không hiểu vì sao, dù tôi có lớn hơn mấy cô bao nhiêu đâu! Có lẽ tôi nghĩ tôi làcon trai ...không đùa giỡn kiểu đó được!
Nghe Huy nói thế, tôi vội-vàng hỏi trong nỗi ngạc-nhiên:
-Ủa, anh không thích những tiếng cười dòn của bọn em đuổi bắt nhau trong vườn ổi hay sao?!
-Thích chứ, vì nó vui, nó hồn-nhiên , nhưng tôi không thích tôi như mấy cô!
Tôi hơi nhíu mày, vẻ trách-móc, nói:
-Sao anh lại cứ tự hành-hạ mình nhiều thế? Hôm đó em thoáng thấy anh đứng nơi cửa sổ nhìn ra vườn trong nụ cười với dáng điệu pha chút suy tư, đáng lẽ anh nên ra nhập bọn với tụi em cho vui!...
Huy nói thành-thực:
-Tôi không thích tôi như vậy đâu, Hoàng ạ!Vì tôi cũng thèm những nụ cười như mấy cô !
Tôi bật cười lớn, giọng đùa cợt:
-Thế thì nhập cuộc với mấy em, chắc chỉ muốn nhìn người ta cười, mà không chịu cười, sao anh “khôn” vậy hả ?
Huy cũng cười theo, thú nhận trong lời nói hiền lành, nhưng không kém vẻ bi-quan:
-Có lẽ tôi muốn có khoảng cách với cuộc đời này để nhìn nó rõ hơn là nhập cuộc,giống như tôi không thích nhảy đầm, nhưng rất thích nhìn người ta nhảy, nhất là điệu Valse , uyển-chuyển, lả-lướt ... và đẹp vô cùng ....nên như vậy tôi cũng tự xa tôi luôn...dù người ta thường hát:"Người xa người, tội lắm người ơi!", mà mình tự xa mình, thì còn "tội" gấp nhiều lần nữa...nhưng tôi không muốn tôi khác tôi hơn ....
Trong những lần gặp-gỡ bất ngờ, tôi và Huy thường có những cuộc nói chuyện tay đôi không có gì nghiêm-chỉnh cho lắm. Tuy Huy là anh của bạn mình, và là con của thầy mình, lại là người cùng làng, nhưng lúc nào tôi cũng xem Huy như một người anh, bởi vì tôi không có anh trai. Tôi là đứa con gái lớn trong gia đình. Bố tôi Tây lai đôi ba đời, nên đến tôi cũng còn đôi chút hơi-hướm của một người gốc Da Trắng. Mắt tôi hơi xanh và mũi cao-cao như một con mẹ đầm. Nhiều người khen tôi đẹp, nhưng tôi không thích như thế. Tôi thường tỏ ra khó chịu, mỗi khi bạn bè gọi tôi là "Hoàng lai". Về Huy, thực tình tôi hơi ngỡ-ngàng, khi Xuyến bỗng dưng trao cho tôi tập Thơ viết tay của Huy gởi tặng, trong đó toàn là Thơ của Huy làm, mà dường như ít thấy những bài Thơ nói về Tình yêu đôi lứa, nhất là đối với tôi. Đó là điều rất lạ mà tôi không nhìn thấy ở những người trẻ như Huy. Trong tập Thơ chỉ có một lần Huy nhắc đến đôi mắt hơi xanh của tôi mà Huy gọi là "mắt
ngọc".Dù đôi khi, trong những lúc gặp-gỡ thân mật, Huy cũng đã đặt tôi vào những thế rất "kẹt"như thể Huy muốn ghẹo tôi chơi, hay thử lòng tôi gì đó, thí-dụ như có lần Huy nhìn tôi, rồi bắt chước Từ-Hải hỏi:
"Bấy lâu,nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào,có không?"
Tôi hiểu dụng ý của Huy là 2 chữ “mắt xanh” ám chỉ tôi như chàng thường nói như thế, và rồi, tôi chỉ biết mỉm cười lúng-túng, vì không hiểu phải trả lời thế nào cho thuận, nhưng rốt cuộc, tôi cũng tìm ra cho mình một lối thoát ổn-thỏa, là cố đưa ra một nét xấu nào đó của Từ-Hải để chê chơi cho vui, thí dụ như lòng ngạo mạn của anh chàng giang-hồ hảo-hớn này, tôi nói:
-Em không thích 2 câu này của Từ Hải:
"Một đời được mấy anh hùng,
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi"
Rồi tôi tiếp:
-Đành rằng cuộc đời này, phường "cá chậu chim lồng” hay “giá áo túi cơm" hơi nhiều, và chả ra chi cả!. Nhưng tự xưng mình là "anh hùng" để tán gái, thì em thấy hơi quá đáng và chừng như bấtlịch-sự nữa!
Lúc đó Huy chỉ phản-ứng bằng một nụ cười trong câu nói có vẻ an-phận:
-Giá mình làm được cái lông chân của Từ-Hải cũng đủ thấy sướng rồi, bởi lẽ thành thực mà xét, trong các người tình của Kiều chỉ có Từ-Hải là đáng mặt,Mã Giám-Sinh, Thúc-Sinh, Sở-Khanh ...toàn tụi “gà mái” và vô lại ....riêng chàng Từ thì khác hẳn, người hùng duy nhất đem lại Hạnh phúc cho Kiều khi hắn có thể và thực lòng, dù sau này hắn phải chết tức-tưởi do sự thương cảm hoàn cảnh luân lạc của Kiều mà ra hàng Hồ Tôn Hiến... nên ai cũng dành cho hắn ta những cảm tình nồng hậu, kể cả Tự-Đức,dù ông vua sính Thơ này không thích hắn ta mấy, chỉ vì hắn đã dám chống lại triều đình, khi ông ấy là một nhà Vua...
Tôi cảm thấy vui-vui trong cuộc tranh luận bỏ túi, nên bỡn cợt thêm:
-Có bảnh thì làm chính Từ-Hải, chứ làm chi cái "lông chân" của ông ấy?
Huy chống-chế một cách tiêu-cực, nhưng đầy vẻ khôi-hài, vui tươi:
-Bởi vì hắn ta là bậc "anh-hùng", mà lại có kích thước và tư cách siêu-phàm, hẳn cái lông chân của hắn phải khác người, như Pascal đã nói:"Nếu cái mũi của Cléopâtre mà ngắn đi một chút, thì thế giới này sẽ đổi thay!", chỉ vì nàng ta là bậc "quốc-sắc", Hoàng không thấy sao?!
Thực lòng, tôi chỉ thích Huy với những cách đối đáp vui nhộn và thông-minh như thế, chứ tôi không thích nơi Huy cái vẻ buồn-buồn đầy suy tư , trầm lặng dù có thấp thoáng sự ngang bướng trong đó rất đàn ông, nhất là có dịp tình cờ tôi bắt gặp Huy là cầu thủ “volley ball”của đội bóng nhàtrường chàng, đấu giao hữu với trường khác ...trông chàng rất nhanh nhẹn, đặc sắc với lối chơi đẹpmắt không ai có ...nhờ chàng cao đến 1.75 rất thích hợp cho việc đứng lưới, khi có người dựng bóng đúng cách, chàng sẽ nhảy lên thực cao và “smash” cực mạnh, với góc bóng thực nhỏ, khiến cho đối phương bên kia dù có nhảy lên rất cao cũng không “barrer” được bóng, khiến bóng bung ra ngoài ...làm cho khán giả vỗ tay ầm-ĩ, trong đó có tôi mà Huy không hay. Nhưng tôi thích nhất Huy luôn-luôn là người rất sáng tạo, đập phá .... trong mọi trò chơi như thơ phú, vẽ vời ......chàng ưa chơi lối “phá thể” do ý thức không thích những gì khuôn sáo, cũ mòn, trường phái ...mà tự chọn cho mình cách chơi riêng .... kể cả khi “service” bóng, mà tôi chưa hề thấy... Huy nhồi bóng lên cao, rồi dùng bàn tay rắn như dao chặt ngang ở 1/3 gần đáy bóng ...thì trái bóng vút nhanh mà lại xoay tròn theo trục ngang giống y như trái đất vừa xoay quanh mặt trời vừa tự xoay quanh chính nó...thì đối thủ bên kia không cách gì đỡ nổi .....Hình ảnh “cầu thủ đặc sắc” này được tôi bắt gặp trong nỗi tình cờ mà Huy chưa bao giờ nói với tôi lần nào cả, mới lạ chứ, nó có vẻ hợp với con người vốn lặng-lẽ và buồn, không thích khoe khoang nơi Huy lâu nay, đã thầm in sâu trong lòng tôi với lòng ngưỡng mộ. Nhưng chính vì vậy mà tôi muốn tìm cho ra nguyên nhân đã khiến Huy có hai bản ngã đối-nghịch như thế, hẳn phải có lý do, bởi vì Huy là một người mạnh khỏe và còn rất trẻmà tôi đoán chừng chắc hẳn có một điều gì đó bất ổn trong thời thơ ấu của Huy. Tôi có đem điều này nói với Xuyến, nhưng Xuyến chẳng rõ gì hơn tôi, ngoài những tình thương yêu của bố mẹ, anh chị em trong gia đình dù có nghiêm khắc kiểu Nho giáo, nhất là từ một ông anh lớn cực kỳ khó tính với Huy ..Huy đứng-đắn, lãng-mạn , khá thông minh, ưa thể thao và ưa suy tư... trong đó có sự trăn-trở về tình cảnh chiến tranh của quê hương diễn ra trong chiều hướng ngày càng khốc liệt. Nói rõ ra là Huy có ý-thức về đời sống - một điều khác hẳn nơi Huy, đối với những người cùng tuổi, họ chỉ biết rong chơi, học hành, cùng hưởng thụ, ồn ào...Điều này làm cho tôi kính trọng và mến phục Huy, nhưng nó lại không nằm trong tiêu-chuẩn để tôi chọn một người yêu, ít ra là trong lúc tôi còn nhỏ, thanh-thản, vô tư như những buổi chiều tôi đuổi bắt nhau với Xuyến trong khu vườn ổi sau nhà Huy, cách nay một số tháng năm không ngắn...Nhưng sau này tôi mới thấy Huy có lý, và tôi thực tình thấy tôi trẻ con ....chả “fit” gì với những gồ-ghề , mà tôi phải đương đầu trong đời sống ....
Sau một thời gian vắng bóng ở quê nhà, tôi nghe Xuyến nói rằng Huy đã bỏ xứ đi xa mà không còn muốn liên lạc gì với gia đình. Điều này cũng có nghĩa là tôi chẳng hy vọng gì nhìn thấy Huy nơi khu phố chợ nhỏ bé này nữa, nhưng điều buồn hơn là Huy chẳng còn liên hệ với tôi bao giờ, ngoài cái tập Thơ viết tay mỏng manh ngày xưa. Tôi không hiểu khi Huy tặng tôi tập Thơ ấy với dụng ý gì? Huy yêu tôi chăng? Cũng không hẳn như thế, bởi trong suốt tập Thơ chẳng có bài nào nói về điều ấy cả, ngoại trừ đôi mắt xanh màu ngọc bích của tôi, chỉ có tính cách như ca ngợi một hình ảnh êm-đềm, dịu nhẹ của một màu sắc, mà Huy thích như người
ta yêu thích màu thiên thanh của da trời, màu tím của hoa sim, thế
thôi!Trong Thơ phần lớn Huy chỉ nói về lòng yêu thương của Đất, chiến tranh , sự chết , và nỗi cô đơn của con người, chứ không hẳn riêng của Huy...Nhưng tôi chú ýnơi lời đề tặng nơi đầu tập Thơ, có cái gì đó rất khác thường của Huy, rằng: “Gửi lại Hoàng những niềm riêng - để nhớ . Xin cho em những ngày mềm-mại như tấm khăn voile...” ....Gọi tôi bằng“em” là điều rất hiếm, có thể nói chưa bao giờ với Huy, chàng chỉ gọi tên tôi thôi, và hai chữ “đểnhớ” tuy rất ngắn trong ngôn-ngữ nhưng lại rất dài trong tình cảm khi hai người chưa bao giờ nói đến tiếng “yêu nhau” ...dù ngôn ngữ yêu thương không phải là điều duy nhất để nhận diện tình yêu .Phải nói là tôi bàng-hoàng khi nhận được tập Thơ bất ngờ và duy nhất này mà tôi rất Hạnh phúc bởi vì đó là món quà đầu đời tôi có từ một người con trai quen biết mà tôi mến trọng ....Và. vì thếtôi cũng muốn “đền” cho Huy cái gì đó, gọi là lịch sự tránh đi cái biểu cảm “vô tình”mà bản thân tôi rất kỵ trong cách giao tế bình thường, nên tôi cũng đã gửi qua Xuyến tấm hình có tấm khăn “voile” mà Huy từng ưa thích đến “ngẩn-ngơ” như Huy từng thố-lộ với lời ghi đơn giản phía sau rằng : “Gửi anh chút dấu ấn của thời tuổi mộng quê nhà...trong chiếc khăn voile” Rồi ký tắt bằng chữ : “H”(với dụng ý cũng là chữ đầu của tên Huy)....
* *
*
Từ khi khu Phố Chợ tan hoang, gia đình tôi lên Tỉnh ở đậu tại nhà một người cậu. Bố tôi vẫn tiếp tục nghề chụp ảnh. Đời sống ở Tỉnh thành, dường như không thích hợp với tôi lắm. Tôi nhớ hoài về những tàn cây bã đậu râm mát suốt dọc một khoảng đường dài trong khu chợ Huyện, chen-chúc nhau những quán hàng của những người quen tôi thuộc từng tên, nhớ sự nhộn-nhịp của những chiều lính xả trại, họ lang-thang với những bộ đồ kaki màu xanh cứt ngựa thân thương, mà chắc
hẳn là trong số những người đó, đã có rất nhiều người nằm xuống trong cuộc giao tranh đẫm máu dài ngày trước đây, biến cả khu Phố Chợ nhỏ bé của tôi trở thành bình địa, không một bóng người. Trong cơn nhớ dập vùi này, hẳn không thiếu nỗi ray-rứt về một tậpThơ chép tay đã mất trong trận giặc, của một người quen cũ gửi lại tôi, dù Huy chưa phải là người tình của tôi bao giờ, và tôi cũng không hiểu tại sao như thế, khi Huy có học, sáng láng, cao lớn ....con của một người Thầy, anh của một người bạn thân tôi, hơn nữa Huy đã tặng tôi Thơ, tôi và Huy đã gặp gỡ, trò chuyện, trao lạinhau những nụ cười, những gợi nhớ, thế tại sao tôi không là người yêu của Huy !? Và, Huy đã đi xa không một lời từ biệt, cũng như đã không liên lạc gì với gia đình! Tại sao? Nhiều khi tôi tự hỏi: mọi sự kiện đó, có một liên hệ luận-lý nào với sự "ngẩn-ngơ", mà đã có lần, tôi tình cờ bắt gặp nơi Huy, đang đứng ngắm nhìn một cách say-sưa bức hình chân dung chụp một thiếu nữ - là tôi -choàng khăn voile, chưng trong tủ kính, vào một dịp Huy về thăm quê nhà, ghé qua khu Phố Chợ nhỏ bé của tôi ngày xưa, giờ đã trở thành tro than, cộng với những câu thơ Từ-Hải ướm tình với Kiều .... ?!...
Tôi lên Tỉnh vẫn tiếp tục đi học, với những lời xầm-xì chung quanh rằng tôi đẹp, loại đẹp không được bình thường của một người con gái Á-Châu lai Tây phương. Lúc đó, cũng có một vài vị thầy trẻ đang ngắm-nghé, nhưng tôi cảm thấy là tôi chưa trưởng thành trong Tình Yêu, nên tôi không quan tâm, nhất là trong tình cảnh chiến tranh loạn-lạc, mất quê nhà, xa bạn bè...tự dưng làm tôi chán ngán, mà tôi nghiệm ra rằng: hình như những tai ương đó, có liên hệ đến nỗi buồn của Huy nói trong tập thơ, cũng như trong cuộc sống, có vẻ đầy suy tư của anh ấy. Thỉnh thoảng tôi có nghĩ về tập Thơ đã mất, trong niềm tiếc nuối không nguôi-ngoai, cùng lúc như tôi đang mất một cái gì đó rất gần-gũi, mà tôi chỉ có thể có một lần trong đời, giống một điều ước được cho bởi bà Tiên, tôi có quyền tự do lựa chọn, nhưng tôi đã vô tình bỏ trôi qua một cách oan-uổng, như trong những câu chuyện cổ ngày xưa. Và sự mất mát đó, thường lại hiện về cùng lúc với khi tôi nghĩ đến sự ra đi biệt tăm của Huy, đã không nhắn gửi với tôi một lời! Tôi vẫn thường hay nghi ngờ về chính mình, nên có lúc tôi tự hỏi một cách thành thực rằng: Huy yêu tôi chăng? Không phải thế! Tôi yêu Huy? Lại càng không phải thế, vì tôi tự biết tôi rõ hơn bất cứ người nào! Tôi thương hại Huy chăng? Tôi chẳng có tư cách gì để nói như thế cả! Thế thì tại sao, tôi cảm thấy như tôi “đau”, khi tôi nghĩ đến Huy, đến những sự mất mát bất ngờ trong hoàn cảnh xót-xa ngoài ý muốn đó!?
* *
*
Rồi những ngày Sài-Gòn đô hội này, trong khu nhà thờ Chợ Quán im-lìm, bố tôi đổi nghề làm nhà máy in. Lúc này, tôi không còn đi học nữa, mà chỉ ở nhà giúp bố phụ những công việc làm ăn, như: coi sóc giấy tờ liên quan đến đơn đặt hàng, giao hàng, và coi thợ cho họ điều khiển những chiếc máy chạy rì-rầm với những nhịp điệu không đổi thay, nghe buồn chán! Cuộc đời tôi đã thấy ngấy lên những vết mực đen của nghề in-ấn. Tôi chỉ còn một sinh hoạt duy nhất với xã hội bên
ngoài bằng những ngày thứ Bảy đi nhà thờ nghe các vị Mục-Sư giảng
Kinh.Hình ảnh của Chúa bị đóng đinh trên Thánh giá ốm tong-teo, với nét
mặt khổ đau đầy chịu đựng, làm cho tôi nhớ đến những ý tưởng khốn cùng của kiếp người Huy nói trong Thơ, mà trong tuổi đó, đáng lẽ Huy phải nói những điều khác hơn. Bây giờ, tôi mới cảm-nghiệm rằng, cuộc đời - nhất là trong giai đoạn của một đất
nước đầy tai ương, mà hình ảnh gần-gũi nhất là xóm chợ tro than của tôi ngày xưa - nó không phải là chỗ để cho mình rong chơi nữa!...Nhưng đời sống "Đạo" không phải là chiếc đũa thần nhiệm-mầu để biến tôi thành một tín-hữu ngoan ngoãn hoàn toàn được, khi tôi còn đời sống tình cảm của một con người "Đời" bình thường nữa, nên tôi đã cặp bồ với Phước, con của một vị Mục-sư trong nhà thờ...Phước là một thanh niên rất dễ thương, dĩ-nhiên là quá thể ngoan Đạo, đến làm cho tôi có cảm tưởng như Chúa sinh ra Phước chỉ để phụng sự Ngài. Trong lúc tôi là một tín hữu, đáng lẽ tôi phải ca ngợi điều đó hơn ai hết, nhưng tôi vẫn thấy một điều gì đó lạc-điệu nơi tôi, mặc dù tôi chẳng có gì để phải chê bai Phước cả! Được giáo dục trong tinh thần Tôn giáo, nên Phước yêu tôi hết mình và chung-thủy cùng-cực. Phước chẳng bao giờ làm phật ý tôi điều gì, kể cả những lúc tôi có lỗi! Chàng luôn-luôn săn đón tôi, không hề có triệu chứng gì Phước tỏ vẻ san-sẻ tình yêu với tôi cho kẻ khác, dù trong ca đoàn nhà thờ cũng có nhiều cô trẻ đẹp hơn tôi, nhưng tôi vẫn không xem đó là điều may mắn cho một đứa con gái. Tôi không hiểu tại sao như thế và tôi đã bằng lòng đính hôn với Phước không do-dự gì, theo nghi lễ Tin Lành. Tôi sẽ là vợ của con một Mục-sư tăm tiếng ở đây, nhưng tôi tự thấy không có chút hăm-hở gì về điều đó, ngoại trừ việc nghĩ mình làm thân con gái lớn lên, ai cũng phải lập gia đình, rồi sinh con đẻ cái, nuôi chúng lớn khôn, để rồi chúng cũng chỉ lặp lại cái chu-kỳ chẳng mới-mẻ, thú vị gì ấy, nếu không muốn nói là buồn chán, như mình!
Tuần nào Phước cũng đưa tôi đi ăn và đi lễ nhà thờ với những nhịp độ cố định gần như chẳng bao giờ đổi thay, làm cho tôi có cảm giác mỏi-mệt, nhưng không nỡ bày tỏ, chối từ... chỉ vì sợ buồn lòng kẻ khác. Một chiều nơi bến sông Sàigòn , nhìn ra giòng nước mênh-mông, đục ngầu, với những tảng lục-bình, lơ-thơ những nụ hoa tím ngoi lên, lặng-lờ chảy ra Biển cả, làm cho lòng tôi chùng xuống, khi tôi chợt nhớ tới ý niệm đau thương từ cái hình ảnh "bèo giạt hoa trôi" của những
người kỹ nữ ngày xưa, trong văn chương thời còn đi học, bất giác làm cho tôi ngao-ngán thở dài, khiến Phước ngồi bên ái-ngại, hỏi:
-Dường như em đang có điều gì lo nghĩ, phải không?
Tôi chỉ mỉm cười, vừa đưa tay vuốt lại mái tóc buông dài bay phất-phơ, rồi lắc
đầu, nói:
-Đâu có gì anh! Nhưng đời sống xô-bồ ở đây trông thấy nản!
Phước nghi-ngờ tôi đang nghĩ về những ngày êm-đềm trước đây, nên hỏi vẻ chia xẻ:
-Có lẽ em đang nhớ nhà, nhớ khu chợ Huyện ngày xưa?
-Chả còn gì ở đó cả, ngoài tro than, nhưng em đã để lại đó thời ấu thơ và những ngày mới lớn, nơi mảnh đất tội-tình, nghèo nàn ấy!
Giọng an-ủi thường tình, Phước cố-gắng giải thích để trấn an tôi:
-Ai chẳng có một thời, và một nơi như em để nhớ, nhưng đất nước mình đang ở trong thời kỳ chiến tranh. Anh may-mắn hơn những người thanh niên khác...
Tôi mỉm cười nhìn thẳng vào đôi mắt Phước, chợt thoáng thấy nỗi hạnh phúc tràn ngập sau làn kính cận lấp-lánh của một người thanh niên được “miễn dịch vĩnh viễn” nhờ thế lực của Tôn giáo, nên thoát khỏi những tai ương mà những người cùng tuổi khác phải chịu đựng. Tôi chống cằm nhìn lãng-đãng ra ngoài sông, giọng hững-hờ:
-Anh hạnh phúc về điều đó lắm sao?
Phước không hiểu được hết ý của tôi muốn nói, bèn chắc thực trả lời, làm tôi chỉ biết cười khẩy, lắc đầu mà không còn có ý kiến gì thêm:
-Đâu phải chỉ hạnh phúc cho riêng anh?!!
Câu nói đột ngột làm cho tôi chợt nhớ đến những người lính đã chết trong khu Phố Chợ nhỏ mà tôi đã lớn lên, đã từng nhìn thấy những người còn trẻ măng đó thường qua lại, có khi chọc ghẹo tôi nữa, họ hay la-cà trong những chiếc quán tồi tàn để tìm vui bên những chai bia sau những cuộc hành quân hay những chiều xả trại. Họ ăn tục, nói phét, chửi bới, đánh lộn...nhưng dù sao, tôi cũng thấy họ có cái gì đó đáng thương, đáng chia xẻ, đáng kính ... khi họ đã chấp nhận những công việc khó khăn đầy hiểm nguy, tiềm ẩn cái chết ở bên trong ...mà đã có rất nhiều kẻ, bằng cách này hay cách khác tìm lối lẩn trốn, như chạy tiền, cậy thế, tự chọc cho mắt bên phải bị mù để khỏi ngắm súng, tự chặt ngón trỏ tay mặt để khỏi bóp cò, tự nhịn ăn, uống thuốc xổ ...để chỉ còn dưới 32 kýnhư ông Nhạc sĩ nổi tiếng nọ .... thì lính sẽ chê..... để tiếp tục sống sót mà làm những bản nhạc “phản chiến” y chang như tiếng sáo Trương-Lương ngày xưa, là những mũi dao nhọn âm thầm đâm vào sau lưng những người lính VNCH như những người lính quê mùa nơi khu Chợ Nhỏ ngày xưa của tôi ....mặc dù nhạc tình của ông thì tôi vẫn thích lại là chuyện khác, vì tính tôi ưa công bằng không yêu định kiến.... Tôi chẳng biết một chút gì về lòng yêu nước, nhưng tôi không thích những sự hèn mọn, tôi không muốn chia phần trong những đặc ân này! Nhưng tôi cũng chẳng có lý do để phản đối họ. Tôi chẳng có cái gì để nhân danh! Tôi chỉ là một đứa con gái yếu đuối chạy giặc, có một ít kỷ niệm đẹp gửi lại ngôi làng tan nát ngày xưa, giờ đã không còn nữa! Tôi chẳng muốn nói gì thêm lúc này, ngoài chuyện giục Phước ra về...
Sáng hôm sau tôi dậy sớm và ra phố để mua một ít thức ăn cho bố mẹ tôi, tại một tiệm mì quen thuộc cạnh ngôi nhà Thờ, bỗng nhiên tôi lại gặp Huy đang ngồi uống cà-phê một mình ở vỉa hè nơi một chiếc bàn thấp đặt sát gốc cây sao cao vút. Huy già hẳn, đen thui, và có vẻ phong sương, khiến tôi ngần-ngại, không nhận ra, ngoài những dấu chỉ quen thuộc. Huy cũng khựng lại nhìn tôi với cặp
mắt dò xét, rồi rời bàn đến bên tôi, hỏi nhỏ trong nỗi e-dè:
-Xin lỗi, cô có phải là Hoàng ngày xưa ở khu chợ nhỏ không vậy?
Tôi mừng rỡ ra mặt, nói mau:
-Em đây anh Huy. Lâu quá không gặp anh, vậy mà em vẫn còn nhận ra anh, nhờ cái nốt ruồi bên cánh mũi trái!
Huy cười lớn, nói:
-May quá, nhờ tôi còn cái nốt ruồi!...
-Nhưng anh cũng còn nhận ra em cơ mà!?
Huy đùa, trong ý hướng muốn nhắc lại một kỷ niệm đẹp xa xưa:
-Nhờ đôi mắt xanh của Hoàng, chỉ thiếu tấm khăn “voile”!
Tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm khác đẹp hơn, nhưng đối với tôi - có lẽ chỉ riêng
tôi thôi - nó đã trở thành một nỗi đau âm-ỉ, nên tôi nói úp mở:
-Nhưng em không chỉ nhớ anh qua cái nốt ruồi, mà qua một điều khác nữa, anh không nhớ nổi đâu, trừ em! Lâu rồi!...
Sau đó Huy mời tôi đến ngồi với Huy nơi chiếc bàn đơn độc ấy, bởi vì Huy nói Huy muốn hỏi thăm tôi một đôi điều về quê nhà. Tôi mua xong thức ăn đựng trong một cái ga-men, rồi đến ngồi với Huy, một người đồng hương gắn bó với tôi rất nhiều kỷ niệm, đã lâu lắm rồi tôi không được gặp, cũng chẳng có tin tức gì, giờ tình cờ hội ngộ nhau đây trong một hoàn cảnh, mà mọi việc đã đổi thay: tôi lưu xứ và sắp lấy chồng, với một thanh niên giáo hữu, con một vị Mục-sư, hiền lành chỉ
loanh-quanh trong những sinh hoạt nhà Thờ, được "miễn-dịch vĩnh-viễn", nhờ một lý do gì đó bên Tôn-giáo mà tôi không rõ lắm. Phước chẳng có gì để tôi chê trong việc lựa chọn chỉ cần có một người đàn ông để lấy làm chồng, kể cả cái lý do là người trong bổn đạo. Huy kêu cho tôi một bát mì và một ly trà, Huy cũng ăn như thế .... Một vài chiếc lá khô rơi trên mặt bàn, chàng lấy tay đùa chúng qua một bên một cách tự nhiên trong cái dáng điệu không quan tâm. Tôi nhìn kỹ thấy bàn tay
Huy đen sạm với một vài lớp da xù lên, ốm hơn xưa, tôi chợt hỏi nhỏ trong nỗi thương tâm:
-Anh khỏe chứ?
-Thường thôi Hoàng!
-Lâu nay, anh có liên lạc gì với gia đình không?
-Rất ít! Dường như chỉ còn mẹ tôi ở lại làng, còn bố tôi và mấy đứa em đều lên
Tỉnh.
-Em có gặp Thầy ngoài Tỉnh vài lần, hình như Thầy có dạy ở trường Bồ-Đề.
Giọng chia xẻ về những biến cố tang thương nơi quê nhà xảy đến cho gia đình tôi, Huy buồn-buồn hỏi:
-Nghe nói khu Phố Chợ nhỏ của tụi mình ngày xưa giờ bình-địa hết rồi, phải không?
Tôi bùi-ngùi, im lặng trong giây lát, rồi gật đầu, rưng-rưng nói:
-Chỉ còn một đống gạch vụn, và những nấm mồ cỏ lấp của cả đôi bên!
Huy ngừng ăn, đưa đôi mắt nhìn tôi xa-xăm, nói:
-Tôi tiếc nhiều thứ nơi khu Chợ nhỏ bé đó, khu chợ của thời tôi mới lớn với những hàng cây xanh...
-Em cũng vậy, hết thời thơ ấu, và một phần tuổi mộng!
Thấy tôi trở nên buồn quá khi nhắc về những mất-mát trong quá-khứ, nên Huy cố tìm một câu gì đó nói cho tôi vui, chàng bèn mỉm cười, nhìn nghiêng, nhắc:
-"Mộng" vừa đủ để biết choàng chiếc khăn “voile”!
Tôi mỉm cười trong giọng nói thực mơ-màng như sự việc đang xảy ra:
-Và, cũng vừa đủ "biết" để đưa tay nhận một tập Thơ viết tay!
Nhưng khi nói đến đó thì lòng tôi đau nhói lên, nên tôi tiếp trong câu nói buồn phiền, đầy tiếc nuối:
-Giờ cả hai đã mất! Chiến tranh đã lấy đi của tụi mình nhiều thứ quá!
-Nhưng hy vọng chiến tranh đã không thiêu hết những kỷ niệm và vùi lấp những “niềm riêng”!
Rồi Huy tiếp giọng trách móc trong nụ cười hơi mỉa-mai:
-Là những thứ "cặn bã" của một thời “đãi lọc” chứ gì, phải không Hoàng?
Tôi cảm thấy không vui về một câu nói như thế của những người đã lâu không gặp , dù - trong một cách nào đó - họ cũng đã có nghĩ về nhau rất nhiều, nên tôi muốn cho Huy hiểu tôi hơn, nếu chàng có thể. Tôi tiếp lời:
-"Cặn bã" là một từ-ngữ không đẹp của loài người, nhằm mô tả cái gì còn sót lại sau những "đãi lọc" như anh vừa mới nói. Nó thường là những lợn-cợn đắng chát nằm ở phần đáy chiếc ly, sau khi người ta uống cạn. Nhưng chính cái vị đắng chát dễ làm cho người ta nhớ dài lâu hơn những ngọt-ngào!?
-Nhưng "nhớ" để làm gì mới được chứ? Đôi khi người ta chỉ “nhớ để oán hận”!
Tôi mỉm cười trêu Huy:
-Nhưng giữa cái "nhớ-để-oán-hận" và cái "quên-để-chẳng-là-gì-cả", anh thích cái
nào?
Huy vẫn giữ nét mặt nghiêm-nghị như để làm "khổ" tôi, nói giọng hơi gắt:
-Tôi không thích cả hai, vì thái độ đầu tôi cho là hèn mọn, và thái độ sau là triệu chứng của những kẻ vô tình!
Dường như để dằn cơn bực, Huy cầm que diêm quẹt vào thành bàn hai ba cái đốt thuốc hút. Những nếp nhăn trên trán Huy đùn lên làm cho chàng có vẻ già hơn, khiến tôi cảm thấy xót-xa, bởi vì tôi biết Huy yêu tôi, nếu không - chàng đã chẳng cay đắng tôi như thế làm gì!? Huy chu miệng phả khói vào khoảng không bay lù-mù trước mặt, làm tôi muốn sặc, nên tránh người qua một bên. Huy vội-vã đưa bàn tay ra quạt-quạt những cụm khói loãng ra, luôn miệng nói "Xin lỗi! Xin lỗi!". Tôi nói vẻ tha thứ và cũng muốn trả đũa Huy khi chàng đang làm khổ tôi:"Không sao đâu anh! Em tập chịu đựng cho quen!" trong tiếng cười dòn. Thực lòng, lúc này tôi muốn hỏi tại sao Huy đột nhiên bỏ xứ ra đi, nhưng tôi lại sợ đụng vào những cái chỗ "khó" của người khác, đôi khi có thể liên quan đến mình, nhất là khi tôi có nghĩ đến tập Thơ viết tay của Huy đã trao cho tôi lúc tôi mới học Đệ ngũ, mà tôi lúng-túng đến không biết phải xử trí như thế nào, thì Huy đã đi xa...Nhưng cuối cùng, tôi cũng đã tìm ra được một câu tế-nhị nhất để kiểm-nghiệm lại những suy nghĩ của mình, nên tôi chậm rãi hỏi:
-Anh có tin trong cuộc đời này, có những việc bình thường của người này, nó lại là dấu ấn sâu đậm của người khác, hay không? Và hình như mọi sự-kiện, nó chỉ là một chuỗi biến-cố xảy ra miên-man theo một nguyên-lý nào đó cố-định, như luật nhân-quả chẳng hạn: cái này đẻ ra cái kia, rồi cái kia lại đẻ ra một cái khác nữa ...mà đôi khi, mình chỉ là một kẻ thụ-động, buông trôi!?.
Huy gật-gật cái đầu trong nụ cười nhỏ, liếc xéo lên ngón tay áp út của tôi, có chiếc nhẫn kim-cương long-lanh, như chừng chàng đang muốn suy-diễn một điều gì đó, rồi ôn-tồn nói:
-Về câu hỏi đầu, tôi không muốn trả lời Hoàng, vì nó thuộc vào "kinh nghiệm cá nhân" của từng người. Vả lại nó đã rớt vào một trong hai trường hợp: hoặc là "oán hận" hay "vô tình" trong cái “dấu ấn" đó, mà Hoàng đã nói với tôi lúc nãy. Còn câu hỏi thứ hai về "luật nhân quả" của các biến cố đẩy-đưa trong cuộc đời, thì đó là điều đúng. Nhưng tiếc thay, người ta lại hay thường lấy cái kết
luận này, chụp vô cái nguyên nhân kia để tự biện hộ cho những nhược điểm của mình, trong khi hai sự kiện đó chẳng liên hệ gì với nhau! Giống như một người thi hỏng cứ đổ thừa cho "số phận" mình không may, trong cái câu rất kỳ quặc, cố che đậy sự bất lực của mình:"Học tài,thi phận" Thế mà vẫn có kẻ ngủ yên trong những loại vỗ-về phản luận-lý như thế mới buồn cười!..Hoàng cũng sẽ có một ngàn lẻ một lý do để giải thích về sự hiện-hữu của chiếc nhẫn đắt giá, long-lanh trên ngón tay áp út của mình, như một dấu hiệu biểu lộ cái chấn song tình cảm của một người con gái đối với những người đàn ông khác, chứ gì!? Huy nói trong một tràng cười dài làm tôi cảm thấy đau nhói cả tâm can!
Dù thế, tôi vẫn cố bám vào niềm riêng của mình mà không cần người khác có đón nhận hay không, kể cả Huy đang ngồi trước mặt, và tôi tự thấy mình có thể chia xẻ được với Huy - một người đã có thể yêu tôi nhưng không gặp mặt nhau trong gần 10 năm xa cách - những mỉa-mai trong nụ cười lớn khi Huy nghĩ tôi đang tìm cách để tự chạy trốn chính mình như một kẻ phụ bạc, trong khi, thực ra tôi chỉ muốn bày tỏ cho Huy biết rằng, đó không phải là điều thiết yếu với tôi lúc này, mà tôi cần nói lên một sự thực, tôi đã đau xót trải qua, không thể thố-lộ với ai, nên tôi buồn-buồn, cúi xuống, nói:
-Nhưng vẫn có những nguyên nhân và hậu quả thực của nó chứ?
Huy tiếp tục giữ những suy nghĩ bất công của mình, nói giọng hơi xẳng:
-Điều đó chỉ dành riêng cho những "kẻ có lòng" không quen nói dối!
Tôi không nén lòng được khi Huy có vẻ như không tin nơi tình cảm của tôi dành cho Huy trong những ngày xa cách không tăm hơi, cùng lúc tôi có cảm giác như tôi bị bạc đãi, nên tôi nói trong nụ cười mỉa nhẹ-nhàng:
-Cái điều khó - theo em - là làm thế nào để thuyết phục cho người khác tin rằng mình là "kẻ cólòng", khi họ đã cố tình đặt cái kết-luận trước tiền-đề như một thành tựu không cần bàn cãi, thì mọi lòng thành cũng trở nên vô ích đi thôi, anh Huy!?
Huy hơi trầm xuống như có ý muốn an-ủi tôi, sau khi đã có những suy-tưởng nặng nề về tôi, nên nói:
-Tôi nghĩ đó không phải là điều cần phải "thuyết phục", và không nên thuyết phục, bởi vì thuyết phục là một hành động dường như đi ngược lại với lòng thành, nhằm ép buộc người khác phải tin một điều gì đó qua sự mồi chài của ngôn ngữ, mà ngôn ngữ, theo tôi, có lẽ nó ở ngoài mọi tấm lòng. Vì vậy, nếu được chết trong sự thực của lòng mình, tôi thấy cũng an vui! Thôi, Hoàng đừng
quan tâm đến điều đó nữa!
Tôi thở dài, lắc đầu như một thói quen tuyệt vọng, và không muốn đẩy đi xa hơn những ngộ nhận nơi Huy về tôi, khi chàng đã chợt nhìn thấy chiếc nhẫn kim cương nơi ngón tay áp út của tôi với thái độ có vẻ giễu cợt, pha một chút cay đắng, nên tôi muốn lặng thinh không nói thêm điều gì, chỉ muốn ngồi nghe Huy nói mà thôi. Một lát sau Huy hỏi:
-Hoàng đã vào đây được bao lâu rồi?
-Cũng được mấy năm rồi anh. Nhà em ở gần đây, có dịp nào rỗi mời anh đến chơi, chắc bố mẹ em mừng. Giờ ông bà đã già rồi, em giúp bố mẹ coi sóc một nhà in. Đời sống ở đây khá giả nhưng ông bà vẫn nhớ khu phố chợ nhỏ ngày xưa...
-Người già nào cũng thế. Đôi khi chưa già như tôi cũng thế! Tôi vẫn yêu buổi chiều vàng đứng nơi cửa sổ nhìn ra vườn thấy Hoàng và Xuyến đuổi nhau dưới vòm lá ổi xanh tươi sau nhà trong tiếng cười rộn-rã, và vẫn mải dấu kín trong lòng mình hình ảnh của chiếc khăn voile nơi tủ kính ngày xưa. Tất cả những thứ đó bây giờ đều trở thành những huyền thoại trong đời! Thật là khủng khiếp, có lâu gì cho cam!
Tôi cảm động vô cùng, như có chút rưng-rưng nơi khoé mắt khi nghe thấy Huy nhắc lại những hình ảnh có tôi tham dự trong đó, một cách bùi-ngùi, từ một quá khứ không lấy gì xa xôi cho lắm, nhưng giờ đây đã mất hút, mà thực lòng tôi chẳng quan tâm gì trong những ngày hồn nhiên ấy, ngoại trừsau này, trong những lúc tôi ngồi buồn một mình, có khi tôi lặng lẽ khóc, cũng chỉ khóc một mình . Đúng là những "kinh nghiệm cá nhân "
như Huy đã nói lúc nãy. Nhưng tôi lại có những kỷ niệm riêng tư khác
chắt-chiu hơn, mà có thể Huy chẳng nhớ tới bao giờ, như tập Thơ viết tay
Huy đã tặng tôi trong những ngày tôi mới lớn, chưa đủ tuổi để nhìn rõ được khuôn mặt của Tình Yêu, khi nó mới chỉ là một cơn xao-xuyến nhỏ trong lòng...Vậy mà, kể từ khi tôi đành lòng mất nó trong cuộc chạy trốn đạn bom chỉ giữ lấy thân, cùng lúc với sự tan tành của xóm Chợ, sau khi Huy bỏ đi xa chẳng bao lâu, thì nó đã trở thành một niềm đau âm-ỉ trong tôi, với cái mặc-cảm là tôi đã không giữ nó một cách trọn tình! Tôi nhìn Huy âu-yếm trong câu hỏi chăm lo:
-Lúc này anh ra sao?
-Vẫn chẳng có gì cả, ngoài những tình cảm riêng tư, cộng thêm với những khó khăn khi tôi ra khỏi nhà. Tôi sống phiêu bạt với những đồng tiền của mình làm, và tôi chẳng hối-tiếc điều gì, vì tôi tự biết, trước sau gì rồi tôi cũng phải ra đi, dù cũng tiên liệu rằng tình thế đời mình sẽ chẳng có gì đổi thay khá hơn! Tôi không được may-mắn để rớt vào cái phần để người ta "đãi lọc", mà ngầm hiểu mình luôn-luôn là thứ "cặn bã" của xã hội này. Tôi vẫn tiếp tục ghi danh học thêm ĐH, nhưng không phải để tìm kiếm công danh qua sự học hành như người ta, mà cũng chẳng muốn kiếm được nó qua những ngả khác. Tôi an phận với vị trí của thứ "cặn bã", là ở tận đáy của những chiếc ly!...
Huy chấm dứt câu nói trong tiếng cười lớn, làm cho tôi có cảm giác hơi khó chịu, nhíu mày, nhưng tôi cố giữ nét thản-nhiên để đùa với Huy cho vui, vì tôi không muốn biến cuộc gặp-gỡ hiếm-hoi này trở thành những ray-rứt về sau, nên tôi nói trong nụ cười đầy luận-lý, phản biện chọc ghẹo Huy:
-"Cặn bã" ở được đáy chiếc ly là nhờ nó "nặng ký" hơn những thứ khác đó chứ anh Huy?
Huy cười lớn, lý sự:
-Nhưng sự "nặng ký", thường nó chỉ có cái công dụng là kéo mình xuống thấp, chứ không phải để nâng cao!
Tôi tiếp-tục chống-chế:
-Nhưng chính nhờ ở dưới thấp, nên mình mới gần-gũi được nhiều điều, ở trên cao quá, mình đâm ra cô đơn...
Huy cười nhạt, thú nhận:
-Tôi không ở trên cao, mà cũng "cô đơn" mới buồn chứ!?
Tôi trố mắt hỏi cao giọng, đầy ngạc nhiên:
-Anh mà cũng "cô đơn" sao chứ? Em tưởng chỉ mỗi mình em!
-Lại dùng đến "thuyết phục" nữa sao, Hoàng?
-Không phải vậy, nhưng em vẫn cố tin như thế, vì khi ra đi anh có nói với em điều gì đâu, dù là một lời rất nhỏ!?
Nói xong tôi hơi cúi mặt xuống một chút để che đi nỗi xúc động, vì tôi tự thấy tôi
có những ràng-buộc không đủ nồng-nàn để cho một người ra đi họ đến
từ-biệt!Huy bắt gặp niềm xúc động đó nơi tôi, nên chàng bèn nói thật
mềm-mại như một lời an-ủi:
-Có bao giờ Hoàng nghĩ rằng, kẻ ra đi âm-thầm, vì họ tự thấy mình chẳng có ai để từ biệt, thường họ là kẻ cô-đơn nhất của những người cô-đơn hay không, kể cả những người ở lại mà không có lời từ biệt nào? Tôi ra đi một mình, gia đình còn không biết nữa mà, Hoàng!?
Giọng Huy chùng xuống ở cuối câu, rồi chàng ngước lên nhìn tôi với nụ cười nhỏ, như để cho tôi vui, nói:
-Giờ tôi ở trong Quân-Đội, thỉnh thoảng có về đây trong những ngày phép tá túc với bạn bè, họ đang học hành để tìm kiếm công danh! Tôi không còn như anh chàng thư sinh ngày xưa đầy mộng-mị, chép Thơ tặng người đẹp nữa đâu, bởi vì tôi chẳng còn gì cả, kể cả những mộng-mơ của mình...
-Em hiểu, nhưng vẫn không muốn tin đó là sự thực, bởi qua những cái mà anh gọi là "kinh nghiệmcá nhân" của em về anh, em thấy không phải thế. Với anh, mọi thứ không dễ gì phôi-pha, dù đời sống anh đã có nhiều thay đổi. Nói như vậy, không có nghĩa rằng em nhiều lòng tự tin về mình, nhưng thực sự là em muốn chung-thủy, ít ra trong những suy nghĩ của mình về một người khác, dù em đã xa họ rất lâu!
Huy cầm điếu thuốc dụi vào cái gạt tàn, với đôi mắt hơi lim-dim để tránh những sợi khói, rồi nói trong nụ cười có vẻ vừa chống báng vừa thú nhận rất đáng yêu:
-Tôi vẫn thường muốn người ta nghĩ về tôi như thế, nhất là một người như Hoàng , kẻ đã nuôi tình cảm của tôi lớn khôn, ở những ngày Chợ Huyện êm-đềm...
Tôi cảm thấy một nỗi xao-xuyến nào đó thực gần-gũi trong lòng, khi chợt nghe Huy nói đến những điều mà tôi đã chắt-chiu, như một thứ của riêng còn sót lại của một người phá-sản tình cảm, rất đỗi bùi-ngùi,nên tôi muốn nói hết cho Huy một lần, như thể nếu không làm được điều ấy bây giờ, thì tôi sẽ đổi ý mai sau trong hối tiếc. Giọng tôi thấp xuống như không dám nghe nỗi lòng mình, thố lộ:
-Em hy vọng là anh nói thực, bởi vì em không muốn thấy một người cũng đã nuôi tuổi thơ em trở nên hoa mộng mà lại nói dối. Thực lòng là em không thể nào quên được tập Thơ anh viết tay gửi em, nhất là lời đề tặng nơi đầu cuốn sách... trong những ngày mới lớn, và tâm cảm nào phôi
pha cho cam, khi em bất ngờ nhìn thấy anh đứng đăm-chiêu trước chiếc tủ kính nhà em, chỉ để ngắm một tấm hình anh thích - là em, với chiếc khăn voile choàng nghiêng ở tuổi em mới biết tập làm dáng đầu đời...Bây giờ thì em đã "già", và đã có những quyết định không cần "đãi lọc"như anh nói đâu. Mong là em không nói dối cũng như em đã mong điều đó nơi anh lúc nãy - vì thực ra, em chẳng cần nói dối làm gì! Em thanh thản lắm anh Huy, liều-lĩnh nữa là khác, ngoại trừ những xót-xa thuộc về kỷ-niệm - những kỷ-niệm, tưởng như đã mất ngày xưa...
Cuối cùng, tôi có hỏi thăm về việc lập gia đình của Huy, sau khi đã tin cho chàng biết là tôi sắp lấy chồng với người thanh niên cùng Đạo, con của một vị Mục-sư...Huy chỉ mỉm cười lắc đầu nói trong vẻ giễu cợt là Huy đang cặp bồ với một thiếu nữ làm nghề cho thuê sách ngay trên con đường này, ở góc nhà thờ Chợ-quán . Tôi có hỏi về dự định của Huy đối với cô gái ấy ra sao, thì Huy nói chỉ làbạn nhau cho vui vậy thôi, vì cô ấy cũng chẳng muốn có quyết định gì, ngoài chuyện gặp nhau đi chơi, chuyện trò, quà xén nhau trong những dịp về phép...ngoại trừ khi nào họ quá yêu đời lính thìmới gắn bó với nhau trọn đời, chứ thường người con gái nào cũng có cái khôn ngoan tối thiểu làphải lựa chọn “họ” trước tiên - hơn là chọn đời lính - một thứ “không-cân-bằng-bền” như ghế 3 chân ..... nhất là trong thời buổi máu lửa khốc liệt này, ít ai trở về lắm, như tôi cũng vậy , nên với người lính - Hoàng đừng hỏi câu này, nó thừa đấy .... Huy cho biết thêm cô ấy có Đạo, nên cũng gặp nhiều khó khăn trong những dự tính xa hơn. Vả lại , đời lính gian nan, bất an, sống nay chết mai, đã làm cho Huy không muốn suy nghĩ gì thêm...
.Cuộc gặp gỡ tình cờ với Huy làm tôi vui mừng không xiết, vì Huy là người đồng hương duy nhất của tôi ở đây, lại là người đã gửi lại tôi những kỷ-niệm bùi-ngùi trong những ngày tôi mới lớn, rồi đã ra đi biệt tăm, mà thực lòng tôi không hiểu rõ vì sao, dù tôi cũng mường-tượng đến một vài điều, nhưng phải cần một thời gian rất lâu để kiểm chứng. Tôi buồn - thực buồn, buồn cho tôi, cho Huy. Đêm đến, tôi ngủ không yên với nỗi ray-rứt về tiếng cười không bình thường của Huy, lúc chàng trả lời những câu thăm hỏi của tôi, mà chợt phát hiện ra chiếc nhẫn kim cương nằm trên ngón tay áp út của tôi, như một dấu chỉ phụ bạc, đồng nghĩa với sự mất-mát nào đó nơi Huy. Nhưng điều đau đớn nhất nơi tôi, có lẽ là khi nghe Huy tự ví mình như như một thứ "cặn bã" của xã hội này!? Tôi không muốn và không có quyền đi sâu vào đời sống tình cảm của kẻ khác, khi tôi đã thực sự
bằng lòng làm vợ Phước, dù tôi chẳng hăm-hở gì! Không phải tôi là một người cố chấp, nhưng tôi không muốn đẩy những khó khăn cho kẻ khác, chứ không phải cho chính mình, khi tôi đã đành lòng lựa chọn sự "không-lựa-chọn" trong những quyết định, xét ra rất hệ trọng cho cả cuộc đời mình! Dù vậy, không hiểu tại sao, sau này, tôi đã bỏ ra nhiều buổi chiều để dạo chơi một mình trên con đường hai bên đầy cây sao cao vút ấy, rợp bóng râm, có cái quán cà-phê tôi và Huy đã cùng ngồi chuyện trò suốt buổi sáng tình cờ hôm nọ...Và đây cũng chính là con đường ngang qua
cái tiệm sách có cô chủ xinh-xinh, thường mặc áo sơ-mi trắng, quần “soie” đen, với mái tóc dài, cùng đôi mắt long-lanh ươn-ướt, mà Huy đã có lần nói tới như một người yêu! Có lúc tôi đã giả vờ thuê sách, và nhìn vào đôi mắt ấy thực lâu, như chừng tôi thấy bóng dáng Huy trong đó, làm cho cô gái ngạc nhiên, rồi bẽn-lẽn cúi xuống. Tôi đâm ra yêu cô ấy như đã yêu Huy, mà tôi không muốn cho cô ấy biết. Tôi đã đến đó nhiều lần nhưng tôi không gặp lại Huy lần nào nữa cả, có lẽ vì Huy đã trở về đơn vị từ lâu rồi. Tôi không muốn hỏi dò cô gái ấy về Huy, sợ gây những hiểu lầm cho Huy cũng như cho cô gái dễ thương đó, và tôi cũng không muốn những tình cảm âm thầm của tôi vụn-vỡ, khi một trong hai người biết được tôi đã đến đây nhiều lần vì một lý do riêng tư của tôi...nhưtâm lý thông thường của mọi người phụ nữ là muốn biết mặt người yêu của người mình yêu là ai mà tự so sánh với chính mình .....
Tôi không muốn làm lễ cưới với Phước sớm hơn, không phải vì tôi đang có sự đổi thay trong lòng, sau lần tình cờ gặp-gỡ Huy, nhưng tôi vẫn muốn tôi thảnh-thơi đôi chút lúc này! Tôi định đi Đà-Lạt để giúp việc nơi ngôi nhà thờ Tin Lành trên ấy trong một thời gian, như một thứ "công quả" trước khi tôi lập gia đình. Đó là một ý kiến tốt cho bố mẹ tôi, cũng như bên gia đình Phước, cả chính Phước nữa,
vì họ đều là những người rất ngoan Đạo, nhưng thực ra, tôi chỉ muốn
nghỉ-ngơi, mang đến cho tâm hồn mình một chút hồi-sinh, sau cơn chấn
động tình cảm, quả thật đã làm cho tôi sa-sút tinh thần...
* *
*
Những tháng ngày ở Đà-Lạt, không khí trong lành với những đồi cỏ, những rừng thông, bờ suối...cộng với những công việc nơi thư-viện khá bề-bộn trong khu nhà Thờ, tôi tình nguyện đến giúp như một người Quản-lý mà lâu nay bỏ không chẳng có ai chăm sóc, quả tình đã làm cho tôi tạm nguôi-ngoai đi được nhiều thứ. Trong đó, có những kỷ-niệm ngậm-ngùi thời mới lớn với Huy, nhất là buổi gặp-gỡ tình cờ mới đây chẳng bao lâu ở Sài-Gòn nơi cái quán trên con đường cạnh nhà
Thờ
sau gần mười năm xa cách biệt tăm...đã để lại trong lòng tôi những
băn-khoăn không giải tỏa nổi, dù tôi cũng tự nhủ lòng mình: không nên
níu kéo những gì đã trôi vào quá vãng. Thế nhưng...
Mùa Xuân đã về trên thành phố du lịch cao nguyên này, nên mọi sinh hoạt bỗng dưng vui nhộn hẳn lên. Những hàng cây anh đào trơ cành, nở rộ hoa tươi hai bên lối đi dẫn xuống bờ Hồ Lớn, cũng như con đường chạy dài về khu Mả Thánh đỏ rực màu xác pháo, nhắc tôi nghĩ đến một ngày mà thực lòng tôi không chờ đợi, cũng không muốn chối-từ...Tôi có dự-định xin phép vị Mục-sư sở tại để tôi về Sài-Gòn ăn Tết với gia đình rồi hẵng lên sau. Nhưng,cuối cùng không hiểu tại sao tôi
lại đổi ý, và tôi đã tin về cho bố mẹ tôi, cũng như cho gia đình Phước biết là tôi muốn lưu lại Đà-Lạt ăn Tết trên này để chay tịnh thêm một thời gian vì tôi tự thấy tôi không được khỏe. Chẳng ai nghi ngờ gì về tôi cả, kể cả Phước, vì tôi thuộc loại người được Trời sinh ra chỉ để cho kẻ khác tin, lại vốn rất ngoan Đạo, nhất là khi tôi đã vâng ý Chúa đính hôn với Phước, con của một vị Mục-Sư tiếng tăm ở Sài-Gòn, mà bố mẹ tôi chẳng đòi hỏi gì...
Chiều cuối năm, tôi chọn một chiếc áo dài màu vàng hoàng yến thực đẹp, đeo xâu chuỗi ngọc trai mẹ tôi cho, ngày tôi bước chân lên Trung học, tô sơ chút son môi, mà lâu nay dường như tôi không dùng tới, vì tôi vốn ít quan tâm tới nhan sắc của mình, kể từ ngày tôi mất khu Phố Chợ, để chạy giặc lên Tỉnh và luân lạc ở Sài-Gòn. Điều này khiến cho bố mẹ tôi rầy, và Phước cũng không muốn, nhưng tôi vẫn ù-lì với những quan điểm bảo thủ của mình: tôi thích nét đẹp tự-nhiên hơn là son phấn, nhưng điều đúng hơn, có lẽ do tôi buồn và chán-ngán mọi thứ, làm cho đôi lúc tôi có cảm tưởng mình như một bà già! Tôi cũng không hiểu tại sao Phước lại yêu tôi được - một người con gái lèng-xèng như tôi!?
Tôi lủi-thủi một mình ở khu chợ Hoa, phải nói là không ở đâu có hoa đẹp như vùng cao nguyên trù phú này?! Toàn là những loại hoa đắt giá của Tây phương mà ở vùng nhiệt đới không thể trồng được. Tôi yêu những nụ hồng vàng nhạt, loại đại đóa, còn ướt sũng sương đêm, dù cũng biết người ta cho rằng màu vàng là màu phụ bạc! Tôi cũng rất thích nhìn những chàng SV trường Võ-Bị Quốc-Gia Đà-Lạt trong những bộ đồ phép màu nâu nhạt thẳng nếp, với alpha đỏ cài trên vai áo. Họ
thường đi từng nhóm 4,5 người, cười nói huyên-thuyên thực vui-vẻ và đẹp mắt một cách hùng tráng. Họ đúng là những người thanh niên thời đại, bỗng dưng làm cho tôi nhớ tới những người lính đóng trên đồi, đã chết nơi khu Phố Chợ quê nhà, nhớ đến Huy, với mái tóc ngắn dựng ngược lên như bàn chải và màu da đen sạm, hai bên mang tai lởm-chởm những sợi râu mọc bừa-bãi không cạo, quăn lên, làm cho tôi vừa hãnh diện vừa xót-xa như thể chính mình là một người chinh-phụ
không cưới xin của một thời loạn-lạc! Dù họ nhập ngũ với lý do gì, tôi cũng vẫn nhìn thấy nơi họ những tấm lòng cao cả, lẫn sự tiếc thương, bởi vì họ là những người hãy còn quá trẻ, họ có quyền được sống như mọi người khác trên trái đất này. Thế mà họ đã từ bỏ tuổi xanh để bước vào những nơi lửa đạn mịt mùng - trong một xã hội có rất nhiều người lẩn trốn - mà, họ vẫn nói cười hồn-nhiên, vui-vẻ như trẻ thơ...Một chàng Võ Bị liếc nhìn tôi với nụ cười tình, tôi cũng đáp lễ lại bằng một nụ cười nhỏ như thế, không tỏ dấu khó chịu gì như ngày tôi còn đi học, mỗi khi bị bọn con trai cùng trường tán tỉnh. Không phải tôi lẳng-lơ, nhưng
tôi tự thấy tôi cần cởi mở đối với những người thanh niên hùng
tráng,đang gánh chịu nhiều trách-nhiệm, và cũng nhiều thiệt-thòi đó. Tôi
cúi ngườilựa một cành hoa về chưng trong phòng ngủ vào dịp Tết, người SVSQ kia cũng dừng lại chọn hoa như tôi, rồi anh ấy lấy một nụ đẹp nhất tặng tôi trong cái nhìn bỡ-ngỡ. Tôi cảm ơn người SVSQ, rồi cũng lấy một nụ hoa của mình tặng lại chàng một cách tự-nhiên, làm người SVSQ cảm động. Tôi cho đó là một trao gửi rất “người” của những "kẻ có lòng" không cần giải thích, tự nó đã đẹp vô ngần, như Huy có lần đã nói với tôi trước đây chưa bao lâu. Tôi tự hỏi: tại sao người ta không có quyền đối xử với nhau một cách êm đềm như thế, khi cuộc đời này đầy rẫy những xấu-xa, hèn mọn?! Người SVSQ đi đã xa mà vẫn còn ngoái cổ nhìn lại, cầm nụ hoa tôi trao đưa lên môi hôn, trông rất dễ thương, để rồi, biết đâu trong một ngày buồn, anh ấy sẽ phải nằm xuống nơi một vùng đất xa-xăm nào đó trên quê hương, như những người lính trên đồi sau khu xóm Chợ, chết thay chonhững kẻ khác được sống và tiếp tục vô ơn!..Tôi nhớ đến Huy dạt-dào! Huy đã trao cho tôi nụ hoa nào, ngoài cái nụ hoa không tên là tập Thơ viết tay năm tôi mười sáu tuổi, nhưng tôi chưa chưa kịp trao lại gì cho Huy - ngoài tấm ảnh “trả lễ” mỏng-manh... thì chàng đã ra đi biền-biệt, trước khi khu Phố Chợ của tôi trở thành quê hương của những nấm mồ!..
Tôi ghé ngang gian hàng bánh trái để mua môt ít mứt mận, những trái mận mọng vàng ướp đường đựng trong những chiếc lọ thủy tinh trông rất bắt mắt, mang vị ngọt lẫn mùi đắng gây cho tôi cái cảm giác vừa êm-đềm vừa thống khổ, như tình cảm của tôi đối với Huy, từ những mất-mát ngọt-ngào của một thời mộng-mị. Trời càng khuya, sương càng nhiều, ướt cả mái tóc trần của tôi buông thỏng hững-hờ xuống bờ vai, cọ lên cổ áo chiếc “manteau”, tạo ra những âm thanh khô, xào-xạc
, nghe buồn-buồn. Buổi chiều cuối năm ở thành phố cao nguyên xa lạ này, khu chợ đã trở nên náo nhiệt hơn, bởi ai cũng cố bán hết mớ hàng sau cùng với giá thực rẻ mạt, để tính sổ thanh toán nợ nần, chuẩn bị về nhà ăn Tết. Tôi mua một ít bánh ngọt và trà về biếu vị Mục-sư trong nhà thờ, vài ba trái cây tươi để chưng trên bàn thờ Chúa nơi phòng tôi. Tôi quyết định ăn một cái Tết xa nhà với
lòng chay-tịnh thực thảnh-thơi, mà trong đó tôi dành một số thời-gian để suy gẫm về những gì đã xảy ra trong đời tôi, trước khi tôi thuộc về một người khác: tôi lấy chồng!
Tôi rảo bước về phía Hồ Lớn, định ngồi nơi chiếc ghế bên những hàng thông, để ngắm nhìn những vì sao long-lanh dưới đáy nước phẳng-lờ trong cảnh tịch mịch của đất trời đang bước vào Xuân. Rải-rác quanh đó cũng có vài cặp tình nhân ôm nhau hôn thắm-thiết như nuối tiếc ngày cuối cùng của một năm trôi qua, mà cuộc tình họ có thể có những thay đổi bất ngờ. Bỗng nhiên trên lối đi ngược chiều, tôi bắt gặp một người đàn ông có dáng cao-cao, nắm tay một người con gái tóc
dài đi sát cạnh bên một cách âu-yếm. Người đàn ông mở lớn đôi mắt nhìn tôi trong nỗi ngạc nhiên, rồi bất ngờ hắn nhảy vụt tới, nắm lấy tay tôi, làm tôi hoảng sợ, thụt lùi lại như một phản xạ tự nhiên, làm hắn ngỡ-ngàng, nhưng tôi thấy hắn cười với điệu bộ mừng rỡ, trong giọng nói quen thuộc:
-Ủa, sao Hoàng lại ở đây, giờ này!?
Khi nhận ra người đàn ông qua tiếng nói, tôi mới hoàn hồn, cười nụ, tay kia vẫn còn đè lên phía trái của ngực, nói giọng còn run:
-Chúa ơi, anh làm em hết hồn! Dạ, em đi chợ Tết tất niên!
Người đàn ông vẫn tiếp tục ngạc-nhiên, hỏi tiếp:
-Không, ý tôi muốn hỏi sao Hoàng lại lưu-lạc đến chốn xa xôi, trong ngày này?
Tôi cố giữ nét thản nhiên, trong nụ cười trả lời thật chi tiết để tránh cho người con gái đi bên Huy những hiểu lầm có thể xảy ra:
-Em lên đây được vài tháng, sau lần tình cờ gặp anh không bao lâu nơi cái quán đầu đường ở Sài-gòn. Hiện em đang giúp cho Thư viện của nhà thờ Tin-Lành trên này!
-Thế à? Sao lại đi xa quá vậy?!
-Em cũng muốn đi nghỉ mát, xa Sài-Gòn một chuyến thử xem sao! Lâu nay chỉ ru-rú trong nhà với mấy chiếc máy in, em thấy chán quá!
Người đàn ông vẻ ái-ngại, đưa tay về phía người con gái, nói với tôi:
-Cô bạn nhỏ của tôi!
Tôi mỉm cười gật đầu chào người con gái theo phép lịch sự. Rồi người đàn ông hướng về phía tôi nói với cô gái:
-Học trò cũ của bố anh, người đồng hương, di-cư vào Sài-gòn, ở cạnh nhà em trong khu Chợ Quán.
Người con gái cũng gật đầu chào lại tôi, nói vui-vẻ:
-Chào chị! Dường như em vẫn thường thấy chị đến quán sách của em ở cạnh nhà Thờ?
-Vâng, tôi vẫn thường ghé qua tiệm cô trong những ngày sau này, trước khi tôi lên Đà-Lạt, cũng chỉ để coi sóc sách vở như cô, giúp cho nhà Thờ. Tôi yêu mái tóc dài và đôi mắt ướt của cô lắm!
Người con gái cười tươi khi nghe tôi nói về những ưu-điểm thuận-lợi cho mình, nên từ chối khiêm-nhường:
-Cám ơn chị! Cũng chẳng có gì đâu chị ạ, em vẫn thường nghe anh Huy nhắc về chị, với những ngày còn ở quê nhà...
Lúc đó người đàn ông đã thả tay tôi ra, có lẽ vì do có sự hiện-diện của người con gái đi bên cạnh, nên áy-náy hỏi:
-Anh ấy đâu, mà Hoàng lang-thang một mình trên này vậy?
-Anh ấy bận công việc nhà Thờ, em lên đây một mình. Em cần một mình trong một thời gian...Em vẫn muốn giữ những cảm giác riêng cho mình, trước khi trở thành kẻ khác!
Người đàn ông có vẻ phân-bua với tôi về sự có mặt của cô bạn gái mình, nên nói:
-Cô bạn nhỏ của tôi muốn lên thăm tôi nơi đây vài ngày. Mai cô ấy về, Hoàng có muốn gửi gì về Sài-Gòn không, cô ấy chuyển cho?
-Thôi được, cảm ơn anh. Em đã tin cho bố mẹ em và anh ấy biết là Tết này em muốn xa nhà để coi thử mình có cảm giác ra sao, không ngờ lại gặp anh ở đây, em mừng lắm!
-Cám ơn Hoàng, tôi cũng không ngờ gặp Hoàng ở đây trong hoàn cảnh cuối năm như thế này, vì Hoàng vốn là người chẳng thích đi đâu từ nhỏ, ngoài cái khu Phố Chợ nhỏ bé của tụi mình ngày xưa, giờ cũng không còn nữa. Tôi nghĩ đó là điều khác thường nơi Hoàng, không biết tôi nên buồn hay nên vui?!
Tôi mỉm cười nói:
-Bởi khu Chợ Huyện của mình đã mất, nên em tự biết mình chẳng còn nơi nào để trở về, do đó em phải lựa chọn một nơi khác, chốn gió lạnh mưa mù này, và em muốn ở lại với nó. Vậy thì anh nên vui cho em, chứ sao lại buồn, như anh vừa mới băn-khoăn!?
Người con gái kia ôm cánh tay người đàn ông đứng nép sát vào như một đứa trẻ con cần sự bảo vệ của người lớn. Hai chiếc bóng ngã dài lên mặt lộ mù-mờ hơi sương qua ánh điện vàng-vọt, như muốn chồng khít lên nhau! Dẫu họ là gì với nhau sau này, nhưng tôi vẫn thấy hình ảnh đó rất "tình" và đẹp lạ-lùng, mà trong đời tôi chưa bao giờ có, dù tôi cũng đã từng đi bên cạnh những người đàn ông trẻ, cao lớn như Huy! Nhưng nghĩ cho cùng, họ là gì nhau mà chẳng được, miễn là họ cảm thấy hạnh phúc hay không khi họ kề cạnh nhau! Cũng như chiếc nhẫn kim cương óng-ánh trên ngón tay áp út của tôi đã từ lâu, vậy mà tôi chẳng hề thấy có điều gì khác lạ với lúc tôi chưa mang nó vào người!...
Sương xuống càng đậm dần, tôi thấy người con gái có vẻ nóng lòng, nên tôi nói với người đàn ông cho phép tôi về. Người đàn ông hơi do-dự giây lát, lí-nhí vài câu gì đó nghe không rõ, sau cái nhìn lên của người con gái vào khuôn mặt của người đàn ông, như đang đợi chờ một quyết định nào đó thuận lợi cho nàng. Cuối cùng chúng tôi chia tay! Người con gái mỉm cười chào tôi, rồi nép sát người đàn ông hơn nữa trước khi dời gót. Tôi đưa tay khoác chào hai người lần cuối, rồi lủi-thủi một mình xuống con dốc nhỏ dẫn đến bờ Hồ, khu gần nhà Thủy-Tạ. Tôi cảm thấy tôi cô độc, và côđơn lạ-lùng. Tôi mường tượng tới khuôn mặt sạm nắng, cùng mái tóc ngắn kiểu nhà binh của Huy, và băn-khoăn nghĩ đến việc người con gái đã vô-tình nói rằng tôi có đến tiệm sách của nàng nhiều lần, mà Huy biết chắc không phải tôi đến vì lý do mê sách, nhất là tôi chỉ đến sau lần gặp-gỡ Huy ở quán cà-phê bên đường, khi Huy đã tâm-tình là chàng có cô bạn nhỏ ở đó, mặc dù Huy cũng thừa biết rằng tôi sắp lấy chồng! Lúc này, bỗng dưng tôi lại có ý-định hủy bỏ những dự-tính cũ, để trở về Sài-Gòn ngay trong ngày mai, sau khi tình cờ gặp Huy trong đêm nay!
Tà áo trước của tôi bay phất-phơ bởi những cơn gió nhẹ lạnh buốt lướt trên mặt Hồ, phản chiếu ánh đèn xanh mơ và những vì sao lấp-lánh trên bầu trời trắng đục, loáng-thoáng những cụm mây bay...Lòng tôi nặng xuống như chì, mường-tượng đến đôi mắt mở lớn đầy nỗi ngạc-nhiên với cái nhíu mày lộ vẻ khó chịu của cô gái như một phản ứng tự-vệ của loài thú cái, khi nàng nhìn thấy Huy vô-tình nắm chặt lấy bàn tay tôi một cách mừng rỡ, lúc chàng vừa mới phát hiện ra tôi
trên vùng đất xa lạ, rét buốt này. Khi ấy, tôi muốn nói cho người con gái đó biết là tôi sắp lấy chồng, để cho cô ấy yên tâm. Nhưng cuối cùng, thì tôi lặng thinh, bởi vì tôi nghĩ, mọi việc bây giờ đã trở thành không cần thiết mấy, khi tôi nhủ thầm rằng: tôi là kẻ đang chịu nhiều mất-mát nhất, kể cả cái hạnh-phúc nhỏ bé của người đàn bà, là được nắm chặt lấy cánh tay rắn chắc của người đàn
ông mình yêu thương mà đứng nép sát vào người họ, như cái hình ảnh tôi vừa bắt gặp trong nỗi tình cờ, một cách khát-khao, từ cô con gái và Huy, trên khoảng đường tôi mới đi qua, mà trong thâm-tâm, tôi cũng tự biết là mình đành phải buông xuôi, buông xuôi cho kẻ khác!...
Tôi kéo vạt áo “manteau” phủ kín đôi chân đã bắt đầu thấy buốt bởi lớp vải quần lụa mỏng thấm nước dính sát vào da, rồi đưa tay sờ thử lên mặt ghế đá chung quanh thấy ướt đẫm sương đêm như vừa mới trải qua một cơn mưa...Bất ngờ tay tôi chạm phải một quả thông khô sần-sù, nứt-nẻ đã vô-tình rơi trên đó tự lúc nào. Tôi cầm nó mân-mê thực lâu trên những ngón tay tê cứng, cùng lúc tôi có cảm giác đau, và khô như những tình cảm của tôi lúc đó trong lòng, và bỗng dưng tôi bật khóc một mình...
* *
*
Sau năm 75, miền Nam hoàn toàn sụp đổ một cách nhanh chóng và đầy tang thương cho những ai có liên quan đến chế độ cũ . Người mà tôi nghĩ đến đầu tiên là Huy, bởi vì kể từ lần gặp nhau tình cờ ở Đalat, coi như lần cuối tôi không hề gặp Huy lần nào nữa cả . Tôi buồn - nhưng cũng đâu cólàm sao hơn khi tôi đã chính thức trở thành một người khác, dù tôi cũng có liên lạc với Xuyến đểbiết tin về Huy ...Chàng vẫn là Trung úy tác chiến độc thân của Sư đoàn 21 khét tiếng đóng ở miền Tây chuyên lội rừng sình lầy ... VC nhung-nhúc như rươi ....nhất là khi đọc báo thấy Sư đoàn này được không-vận ngày đêm đến mặt trận An-Lộc - nơi được báo chí Tây phương mô tả là “Điện biên phủ 2” để tham chiến thì không đêm nào mà tôi không đọc kinh cầu nguyện cho Huy, bởi vìtôi biết Huy là kẻ rất gan lì coi cái chết như không....Từ đó, sau 75 thì đương nhiên Huy bắt buộc phải “lãnh đủ” gian nan , nhất là Huy xuất thân từ gia đình “Địa chủ ”- giai cấp “kẻ thù số 1 của nhân dân” từ thời VM ....lại là Sĩ-quan tác chiến của Sư đoàn sừng sỏ đầy “nợ máu” từng chiến thắng An-lộc, cộng với tính ưa ngang bướng nữa thì chúng nó sẽ hành Huy “tới bến” luôn . Ngay như mới chỉ năm đầu tù ngục Huy đã làm bài thơ ngắn được viết ở mặt sau miếng giấy chì của hộp thuốc lá, rồi lén gửi về cho Xuyến, mà Xuyến đã chuyển lại cho tôi, thì tôi hiểu Huy lúc đó đã ra sao ?
NHỚ LỜI MẸ DẠY
“Đi lính thì bị lột lon,
Ở tù bị phạt ngồi mòn kiên-giam!
Nhớ lời Mẹ thuở lên năm,
Đi bằng đầu gối thì làm quan to!?”
Nhưng điều lo lắng và thương cảm nhất vẫn là chả có ai thăm nuôi khi bố mẹ anh đã già, ở rất xa, mà anh tù mải trong rừng tràm miền Nam, phải đi đôi ba ngày ghe mới tới nơi, thì tôi thương Huy quá . Khi nghe Xuyến kể như vậy thì tôi ôm con vào lòng khóc nức nở ....cho một người đồng hương gần gũi, mà tôi biết vì sao anh ấy bỏ nhà lặng lẽ ra đi không hề từ biệt một ai kể cả tôi và gia đình anh ấy ....Lúc này nhà in Bố tôi bị tịch thu vì “tư sản mại bản”và phía gia đình chồng tôi cũng rất khó khăn vì tội “Tin lành là CIA trá hình của Mỹ”. Bố Mẹ tôi phải về lại quê nhà sống tạm bợvới người em trai nơi cái nền tiệm ảnh cũ ngày xưa , vì lúc này Hòa bình đã trở lại dù đói rách tràn lan ....Tôi ở Sài gòn bươn chải qua ngày bằng nghề bán chợ trời để chờ thời mà tính tiếp . Và, cũng rất may, gia đình tôi được Hội Thánh Tin Lành bên Mỹ bảo lãnh ....Trước khi ra đi tôi có thư cho Xuyến hỏi thăm về Huy và gia đình Thầy, được biết Thầy đã mất vì quá đau buồn cho mấy đứa con tù tội với CS...khi Huy chỉ mới ở tù được năm thứ 3 ....mà nhà giấu nhẹm vì sợ Huy buồn ....Tôi cảm thấy đau nơi ngực nhiều lần và tôi kêu thầm trong miệng: “Sao mà anh lại tội-tình đến thế hảanh Huy của em?” trong tiếng nấc nghẹn-ngào ....
Rồi, bỗng một ngày, tôi nhận được phong thư do Bố tôi giao lại từ VN qua đường Bưu điện , trong đó Bố tôi có nói Huy về quê thăm nhà sau khi mãn tù 6 năm. ..và có ghé thăm Bố Mẹ tôi, cùng gửi chiếc phong bì bằng giấy súc này nhờ chuyển lại cho tôi bên Mỹ ...mà Bố tôi không biết thứ gìtrong đó ....Bố tôi nói Huy buồn, ốm nhách, mình đầy ghẻ lở ...mà đôi mắt vẫn sáng long-lanh nhưngày xưa...Nhận được phong thư tôi mừng lắm nhưng tôi cũng mường tượng được thứ gì trong đó, mà tôi biết chắc chắn rằng chẳng phải là niềm vui ...bởi vì Huy và tôi không phải trời sinh ra đểđược Hạnh phúc .....Tôi ấp phong thư sần-sù trên ngực thực lâu để tôi cảm thấy ấm áp phần nào, trước khi tôi tê điếng ....qua những vần thơ, khác hẳn với tập Thơ đầu đời mà Huy đã tặng tôi ngày xưa...
TÙ TỪ NAM,
VỀ THĂM QUÊ CŨ...
Ta về đứng ngó núi mông,
Có con chim nhỏ chạnh lòng hót vang...
Mừng ta nay trở lại làng,
Tính ra mười mấy năm tàn... có dư!
Xa quê dạo đó - kể từ,
Khi đi tóc hãy còn như mây ngàn...
Sá gì một kiếp ngựa hoang,
Chừ, về mới thấy bàng-hoàng nhớ mong...
Ngoài sân, cây cải trổ ngồng,
Chờ ta mãn hạn tù xong... mới già?
Khi về, đã khuất mặt cha,
Mới hay: Người bỏ lại ta trong tù.
Ngó lên ngọn núi mù-mù,
Thấy mình nhỏ bé phù-du vô cùng...!
Hỏi thăm em... đã mịt-mùng!
Cùng chồng, chắc cũng ung-dung theo người...?
Ngày đi, tấm ảnh em cười,
Giấu trong túi áo hơn mười năm qua!
Đến nay, mới trở lại nhà,
Tóc râu... muốn bạc màu hoa râm rồi...
Mười mấy năm... ở trong tôi,
Là mười mấy năm bên đời - có em !.
Dù trong lửa đạn đau mềm,
Đôi khi lại nhớ những đêm quê nhà...
Dẫu người cũng đã quên ta,
Đem lòng oán trách... để mà làm chi?
Cảm thân lính chiến biên-thùy,
Nay sống, mai chết biết gì tương-lai...?
Sau lưng em - tháng năm dài,
Còn tôi ? trước mặt một ngày chưa yên!
Đạn bom... lấp kín ưu-phiền,
Máu xương rình-rập triền-miên trong đầu!
Chưa kể tù ngục... về sau,
Làm sao em gánh nỗi đau... cho đời?
Nên đành buông nhau - thế thôi!
Mỗi người mỗi ngả về nơi riêng mình....
Dù, về không gặp lại tình,
Nhưng lòng cũng thấy yên-bình... ra đi!
Chiếc ảnh ngày xưa nhu-mì,
Vẫn trong túi áo... đôi khi bùi-ngùi,
Về đây, định trả lại người,
Nhưng ai đã vội xa rồi - nên thôi...!
Tấm ảnh vẫn còn nụ cười,
Đã hết chinh-chiến... mà người nơi mô?!