HÀNH TRÌNH ĐI TÌM MỘ CỦA HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG
Thế nhưng, trong trường hợp Hoàng đế Quang Trung – vị anh hùng dân tộc từng dẹp tan 5 vạn quân Xiêm La và đánh đuổi 29 vạn quân Mãn Thanh – lăng mộ lại bị đào bói và san bằng khiến ngày nay không ai còn biết ở đâu. Vì vậy đi tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung là một trách nhiệm thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam. Đặc biệt là khi lễ kỷ niệm lần thứ 215 ngày mất và lần thứ 220 ngày lên ngôi của ông đang đến gần.
Chỉ trong vòng một phần tư thế kỷ, kinh thành Phú Xuân ba lần đổi
chủ. Cuối năm Giáp Ngọ (đầu năm 1775), quân của chúa Trịnh vượt sông
Gianh vào đánh chiếm Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào
Quảng Nam và sau đó chạy tiếp váo Gia Định. Hơn mười năm sau, tháng 5
năm Bính Ngọ (1786), Long Nhương tướng quân Nguyền Huệ chỉ huy quân Tây
Sơn giành lấy Phú Xuân từ tay quân Đàng Ngoài. Tại đây, ngày 25.11 năm
Mậu Thân (22.12.1788), ông lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung,
rồi thống lĩnh quân thủy bộ tiến ra Bắc đánh tan quân xâm lược Mãn
Thanh. Chẳng may, ông mất sớm khi mới 39 tuổi.
Tháng 5 nărn Tân Dậu (1801), quân của chúa Nguyễn Ánh tái chiếm Phú
Xuân. Quốc sử quán triều Nguyễn chép: tháng 11 năm ấy, Nguyễn Ánh cho
“phá huỷ mộ giặc Tây Sơn Nguyên Văn Huệ, bổ quan tài, phơi thây, bêu đầu
ở chơ”̣. Năm sau (1802), sau khi lên ngôi và lấy niên hiệu Gia Long,
Nguyễn Ánh lại sai “đào hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn
Huệ, giã nát rồi vất đi, đem đầu lâu của Nhạc, Huệ, Nguyễn Quang Toản
và bài vị của vợ chồng Huệ giam ở Ngoại Đồ Gia (Nhà Đồ Ngoại), đến năm
Minh Mạng thứ hai (1822) đổi giam vào ngục thất, cầm cô mãi mãi”.
Sọ ba vua Tây Sơn bị bỏ vào ba cái vò đậy kín, xiềng lại, giam riêng
trong ba ngăn của khám đường. Các nhà nghiên cứu bình luận: “Xưa nay,
người ta bỏ tù người sống, chứ ai lại bỏ tù người chệt bao giờ. Trong
lịch sử Việt Nam và thế giới, từ cổ chí kim, chưa có triều đại nào làm
chuyện ấy, chỉ có Gia Long và các vua kế nghiệp ông mới làm công việc
tàn ác và quái gở như vậy”. Bất chấp hành động trả thù và lăng nhục của
các vua đầu nhà Nguyễn, các cai ngục và lính canh của khám đường vẫn bí
mật kính cẩn thờ cúng anh linh của Hoàng đế Quang Trung và không dám gọi “ba cái vò” mà gọi “ba ông vò”.
Trong ngày 23.5 năm Ất Dậu (5.7.1885), nhân lúc quân Pháp phản công,
triều đình rời Huế lên chiến khu Tân sở, có người đã đem “ba ông vò”
chôn ở một nơi nào đó không ai hay biết. Gia Long còn “cho thu thập tất
cả các tài liệu về nhà Tây Sơn để tiêu huỷ”. “Những bộ sử, những tập
thơ văn… sản xuất đời Tây Sơn cũng cấm không được lưu hành, tàng trữ”.
Nhân dân không được nhắc tới những chuyện có liên quan tới triều đình
Tây Sơn. Do đó, chỉ sau vài thế hệ, ở Huế không ai còn nhớ lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung ở đâu.
Năm 1928, trong khi khảo sát các ngôi mộ ở vùng ngoại ô Huế, chủ bút
Tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieùx Hué – BAVH)
Léopold Cadière phát hiện một ngôi mộ khá xưa và khá lớn giữa một khu
rừng hoang vắng thuộc địa phận thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thành phố
Huế ngày nay. Mộ được bao bọc bởi ba lớp thành bằng đá ong nên dân
chúng thường gọi là Mộ ba vành. Theo yêu cầu của ông, Bộ Lễ (của
triều đình Huê) cho biết đó là mộ của một quan lớn họ Lê, tước Ý Đức
hầu, chức Chánh dinh Hộ bộ kiêm Binh bộ tặng Tá lý công thân đặc tân
Trụ quốc kim tử Vinh Lộc đại phu Chính trị thượng khanh.
Năm 1941, Nguyễn Thiệu Lâu, giáo viên môn sử địa trường Quốc học
Huế, đến thăm Mộ ba vành hai lần. Vì một lý do nào đó, mãi 20 năm sau
ông mới kể lại chuyện đi thăm mộ trên tạp chí Bách Khoa xuất bản ở Sài
Gòn. Không tham khảo thư tịch cổ, cũng không đào thám sát, nhưng ông
kết luận (một cách rất chủ quan): “Tôi tin chắc đây là lăng Hoàng đế
Quang Trung… Bia của ngài đã bị Hoàng đế Gia Long cho đập, tẩm của ngài
đã bị đào”. Không lâu sau đó, cũng trên tạp chí Bách Khoa, nhà nghiên
cứu Bửu Kê dựa trên các tư liệu của Léopold Cadière để phủ nhận điều
khẳng định vội vàng và thiếu khoa học của Nguyễn Thiệu Lâu.
Tuy vây, trước và sau năm 1975, vân có một số người nêu lại giả thuyết
“Mộ ba vành là lăng Quang Trung” nhưng bị Lê Văn Hoàng, Phan Thuận An,
GS. Phan Huy Lê, PGS.TS Đỗ Bang… bác bỏ. Các nhà nghiên cứu này dẫn
chứng Đại Nam thực lục tiền biên: “Tháng chạp năm Ất Sửu (tức tháng
giêng – 1746), Họ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại chết, được tặng Chính trị
thượng khanh”. So với dòng chữ “Cảnh Hưng thất niên tứ nguyệt” (tháng 4
năm thứ 7 đời Cảnh Hưng, tức tháng 5.1746) khắc trên tấm bia đặt trước
Mộ ba vành, chênh lệch 5 tháng, có lẽ là thời gian để xây mộ và dựng
bia.
Vả lại, như Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết, Gia Long đã cho
“quật phá” mộ Quang Trung, như vậy mộ không chỉ bị khai quật mà còn bị
phá huỷ, chứ không còn tương đối nguyên vẹn như Mộ ba vành. Ngoài Mộ ba
vành, có người cho lăng mộ Quang Trung ở dưới chân núi Kim Phụng vì đây
là nơi an nghỉ cuối cùng của Vũ Hoàng chính hậu Phạm Thị Liên (qua đời
năm 1791, trước Quang Trung 1 năm). Một số người khác đưa ra các giả
thuyết về lăng mộ Quang Trung ở núi Ngọc Trán, hay núi Chóp Vung, hay xã
Bình Điền (huyện Hương Trà).
Tren tạp chí Xưa và Nay số tháng 10.2005, hai nhà nghiên cứu Hồng Phi
và Nương Nao phát hiện bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu” (Nhìn thấy linh cữu của vua Quang Trung)
trong tập Liên Khê Nam hành tạp vịnh của Lê Triệu (1771-1846). Hai ông
phỏng đoán chữ đầu câu 4 của bài thơ: “… sơn họa tại bách niên phần”
là chữ nôm “Khuân”. Núi Khuân nằm trong địa bàn huyện Hương Trà, tỉnh
Thừa Thiên – Huế. Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm do Hội khoa học lịch sử
Thừa Thiên – Huê tổ chức ngày 8.2.2006, các nhà nghiên cứu cho chữ đó
là chữ Hán “Ngụy” viết theo lối thảo, mà ở Thừa Thiên – Huế không có
núi nào có tên là núi Ngụy cả.
Trong khi đó, cô giáo Võ Thị Minh Liên ở Bình Thuận lại tin rằng vua
Quang Trung được mai táng trong một ngôi mộ cổ nằm trong một khu vườn
vắng thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, cách thành phố Phan Thiết chưa đầy mười
cây số. Xung quanh ngôi mộ cổ này có nhiều mộ hình voi phục. Trước đây
cạnh ngôi mộ cổ có một pho tượng mà, theo cô, gương mặt hao hao chân
dung vua Quang Trung (giả), rất tiếc pho tượng này đã bị lấy mất. Nhìn
chung, những người tham gia vào cuộc tìm kiếm đều thể hiện tấm lòng
thành kính đối với vị anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, các lý lẽ mà họ đưa
ra chưa đủ sức thuyết phục công chúng nói chung và giới nghiên cứu nói
riêng.
Do đó, hành trình tìm lăng mộ hoàng đế
Quang Trung quay trở lại điểm xuất phát. Đại Nam chính biên liệt
truyện cho biết Quang Trung “chôn ở phía nam sông Hương” (táng vu Hương
Giang chi nam). Đây là thông tin duy nhất mà Quốc sử quán triều Nguyễn
tiết lộ về vị trí của lăng mộ Quang Trung. Thông tin ấy rất quý, song
quá mơ hồ”. Không tìm được tư liệu trong các sách sử, nhà nghiên cứu
Nguyễn Đắc Xuân chuyển sang tìm trong thơ văn Hán Nôm. Mừng thay, ông đã
phát hiện nhiều thông tin mà ông đánh giá “còn quý hơn vàng gấp nghìn
vạn lần”.
Hành trình tìm lăng mộ Quang Trung của Nguyễn Đắc Xuân
trong hơn 20 năm qua không đơn giản chút nao. Ông phải kiên nhẫn dò tìm
từng bước. Bước đầu tiên là phát hiện lăng mộ của vua nằm trong cung
điện Đan Dương. Mấy tháng sau khi vua băng hà, thượng thư bộ Binh kiêm
thị trung đại học sĩ Ngô Thì Nhậm thay mặt triều đình Tây Sơn sang Trung
Hoa, trước để báo tang, sau để cầu phong cho Nguyễn Quang Toản. Trên
đường đi sứ, ông sáng tác bài Cảm hoài kết thúc bằng câu: “Đan Dương
cung điện nhật tam thu”với dòng chú thích: “Cung điện Đan Dương là sơn
lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta. Quan sơn xa cách lâu ngày không
được trông coi, trông vời viên lăng không ngăn được tấm lòng một ngày
bằng ba thu”.
Trong những bài thơ khác, Ngô Thì Nhậm cũng nhắc tới “Đan Dương lăng”
(bài Khâm vãn Đan Dương lăng), “Đan lăng” (bài Sóc vọng thị tấu nhạc
Thái Tổ miếu cung ký), “sơn lăng” (bài Tòng giá bái tảo Đan lăng cung
ký)… Những bài thơ của tiến sĩ họ Ngô cho thấy Quang Trung sống tại
cung điện Đan Dương. Sau khi mất ông được an táng ngay tại đây, nên lăng
Đan Dương (gọi tắt là Đan lăng) nằm trong cung điện Đan Dương. Lăng mộ
có hình tròn (viên lăng), nằm ở vùng đồi núi (sơn lăng) của Phú Xuân.
Năm 1799, Vũ Hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân qua đời. Thể theo nguyện vọng của
bà, bà được an táng ngay tại Đan Lăng bên cạnh mộ Quang Trung.
Bài văn tế Kỷ Vị đông nghĩ ngự điện Vũ Hoàng hậu tang quốc âm văn
(do thượng thư bộ Lễ kiêm thị trung ngự sử Phan Huy Ích viết thay lời
vua) có câu: “Nguyện cũ hẳn nay lọn vẹn, bên Đan lăng quanh quất mạch
liên châu”. Đến đây có một thắc mắc được đặt ra: Thông thường, cung điện
và lăng tẩm của các vua chúa toạ lạc ở hai nơi riêng biệt, cách xa
nhau. Tại sao, trong trường hợp Quang Trung, lăng lại nằm trong cung?
Nguyễn Đắc Xuân lý giải: Quang Trung có nhiều đối thủ chính trị: phía
bắc có triều đình Mãn Thanh, phía nam có chúa Nguyễn Ánh, gần hơn có
Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc.
Do đó, theo Đại Nam chính biên liệt truyện, Quang Trung trăn trối với
triều thần: “Sau khi ta qua đời, chỉ nên làm lễ tang một cách sơ
sài, trong vòng một tháng phải chôn cất”. Sách Lê quý dật sử cũng cho
biết: vua dặn “để tang ngắn ngày, ba tháng thôi mặc áo tang”. Tin nhà
vua băng hà được giữ kín tuyệt đối, sợ các đối thủ của vua có thể lợi
dụng lúc triều đình đang bối rối để tấn công Phú Xuân. Do đó, việc mai
táng thi hài vua ngay trong cung điện là một điều có thể hiểu được.
Vua mất đêm 29.7 năm Nhâm Tý (tức đêm 15.9.1792) nhưng mãi 2 tháng sau,
triều đình mới chính thức loan báo ngày vua mất là 29.9. Không chỉ
giấu kín ngày mất, triều đình còn giữ bí mật cả nơi chôn cất.
Khi sứ nhà Thanh sang chia buồn, “Quang Toản làm mộ giả ở Thương Đường
(có bản chép là Linh Đường)” bên cạnh hồ Tây, nay thuộc huyện Thanh Trì,
Hà Nội. Cũng nhờ dựa vào thơ văn Hán Nôm mà Nguyễn Đắc Xuân đi được
bước thứ hai. Xác định lăng Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm. Lúc nối
ngôi, Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh) mới 10 tuổi, nên cử cậu là Bùi
Đắc Tuyên làm thái sư để trông coi mọi việc trong ngoài của triều
đình. Trong bài Xuân để ký sự, tiến sĩ Phan Huy Ích ghi chú: “Nhà của
quan thái sư là chùa Thiền Lâm cũ nằm phía nam sông Hương. Nha thuộc
cũng theo đến ở chung quanh chùa”.
Trong bài Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác, Phan Huy Ích viết: “Chùa ở
núi thuộc xã Dương Xuân” (tự tại Dương Xuân xã sơn). Phan Huy Ích lúc
đó cũng sống và làm việc trong một ngôi chùa gần chùa Thiền Lâm.
Trong tập Dật thi lược toàn, ông ghi chú: “Lúc bấy giờ, bọn tiểu giám
giữ lăng thường đến hầu rượu”. Từ ba ghi chú của Phan Huy Ích, Nguyễn
Đắc Xuân rút ra nhận định: lăng Đan Dương, chùa Thiền Lâm và nơi ở của
Phan Huy Ích gần nhau, nên bọn tiểu giám giữ lăng Đan Dương thường đến
hầu rượu họ Phan, vả lại, hai thông tin “chùa Thiền Lâm nằm ở phía nam
sông Hương” (của Phan Huy Ích) và “Quang Trung chôn ở phía nam sông
Hương” (của Đại Nam chính biên liệt truyện) cho thấy hai địa điểm này
cùng nằm một hướng.
Dựa vào thư tịch cổ, Nguyên Đắc Xuân đi bước thứ ba: Phỏng đoán cung
Đan Dương và phủ Dương Xuân là một. Từ 1687 đến 1775, Phú Xuân là thủ
phủ của xứ Đàng Trong. Ngoài cung điện chính là phủ Phú Xuân, các chúa
Nguyễn còn lập các cung điện phụ, trong đó có phủ Dương Xuân. Quốc sử
quán triều Nguyễn cho biết: phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân. Chính
tại đây, Pierre Poivre được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp ngày 29.11 năm
1749. Nhà buôn người Pháp này kể: phủ này là “cung điện thứ hai, nhỏ
hơn, xây trên một cái gò, hơi xa bờ sông (…). Chúa ở đây vào mùa đông
tức mùa mưa kéo dài bốn tháng”.
Vì vậy Pierre Poivre gọi phủ Dương Xuân là “cung điện mùa đông” của
chúa Nguyễn, ông cho biết thêm: phủ này “được xây dựng theo kiểu mẫu
của phu lớn”. Tuy có nhỏ hơn phủ Phú Xuân nhưng phủ Dương Xuân cũng khá
lớn để các chúa, gia đình cùng những người phục vụ sông và làm việc
trong suốt bốn tháng mỗi năm. Thế mà Quốc sử quán triều Nguyễn lại viết:
“Từ cơn binh hoả loạn lạc đến nay, chỗ ấy mất dấu vết, không biết ở
vào chỗ nào” (tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ).
Tại sao thế? Nguyễn Đắc Xuân lý giải: Từ khi lên ngôi hoàng đế, Quang Trung luôn nghĩ đến việc xây dựng Phượng Hoàng trung đô
ở Nghệ An, xem Phú Xuân chỉ là kinh đô tạm thời nên không xây dựng cung
điện mới ở đây mà chỉ cải tạo phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn
thành cung Đan Dương. Các ngôi chùa (trong đó có chùa Thiên Lâm) nằm
chung quanh cung Đan Dương được trưng dụng làm nơi ở và làm việc của bá
quan văn võ. Sau khi chiếm lại Phú Xuân, Gia Long không chỉ giết sạch
những người trong dòng họ Tây Sơn mà còn đốt sạch sách vở và phá sạch
tất cả những gì có dính dáng đến triều đại Tây Sơn.
Do đó phủ Dương Xuân bị san bằng chỉ vì đã được Quang Trung cải tạo
thành cung Đan Dương. Một lý do khác khiến phủ Dương Xuân /cung Đan
Dương /lăng Đan Dương “biến mất” là vì chùa Thiền Lâm (mới) nằm chồng
lên. Trong những năm 1897-1898, thực dân Pháp mở “Nam Giao tân lộ” (nay
là đường Điện Biên Phủ). Đường này xuyên qua khuôn viên chùa Thiền Lâm
nên chùa phải dời qua phía tây. Do đó, rất có thể chùa hiện nay nằm
chồng lên một phần phủ / cung / lăng ngày xưa. Theo khảo sát thực địa
của Nguyễn Đắc Xuân, chung quanh chùa Thiền Lâm có nhiều phiến đá táng
cột (cỡ 45x45cm, dày 25cm), nhiều viên đá lát (cỡ 30x30cm), hàng nghìn
viên gạch vồ…
Ty kheo Thích Chơn Trí, trụ trì chùa, nhận xét: “Gạch đá đó phải là
của những kiến trúc lịch sử quan trọng có liên quan đến vua chúa, còn
dân thường ta ngày xưa làm gì có được những thứ vật liệu tốt, rất quý
hiếm đó”. Đặc biệt, chùa có bốn tấm đá dài 2,27m, rộng 0,67m, dày
0,035m. Trong thư để ngày 15.12.1991 cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn tán
thành phỏng đoán của Nguyễn Đắc Xuân, cho rằng những tấm đá này “có thể
là quách” bọc ngoài quan tài của Quang Trung. Công trình nghiên cứu của
Nguyễn Đắc Xuân đưa ra một định hướng mới, khá thuyết phục trong việc
tìm kiếm lăng mộ Quang Trung.
Tuy nhiên, để xác minh giả thuyết “lăng Đan Dương” này có chính xác hay
không, cần phải tiến hành bước tiếp theo là đào thăm dò để xem dưới
khu vực chùa Thiền Lâm hiện nay có những di vật gì có thể giúp chúng ta
khẳng định đây là lăng mộ Quang Trung. Sắp tới, chúng
ta tiến hành kỷ niệm lần thứ 215 ngày mất (15.9.1792 -15.9.2007) và lần
thứ 220 ngày lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung (22.12.1788 –
22.12.2008). Do đó, rất mong ban lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế có kế
hoạch giúp đỡ các nhà sử học và khảo cố học trong cả nước thực hiện cuộc
khai quật nói trên. Đây sẽ là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, thể
hiện sự trân trọng biết ơn của toàn dân ta đối với vị anh hùng dân tộc –
Hoàng đế Quang Trung.