TÌNH GIÀ
Năm nay trời đất lạ lùng, khí hậu thật kỳ quặc. Tuần lễ trước tết mưa gió liên miên, hai ngày đầu năm trời âm u, xám ngoét và sũng nước. Trời nóng lạnh, thay đổi bất thường nên gần như nhà nào cũng có người bịnh, không ốm nặng cũng cảm mạo, ho hắng.
Đêm Rằm Tháng Giêng, bà Phiên kéo màn cửa sổ tìm trăng. Thường những đêm trăng sáng bà có thú nhìn lên bầu trời cao để tâm hồn bềnh bồng, phiêu lãng vào những kỷ niệm êm đềm xa xưa. Đêm nay trăng bị khuất trong lớp mây mù dày đặc, trời tối đen như đêm ba mươi. Tiếng mưa rơi tí tách, không nhẹ nhàng lất phất như mưa xuân. Ông bà nằm cùng giường mà mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Bà bịnh gần hai tuần nay, bị cúm hành tả tơi, mặc dù hai ông bà đã cẩn thận năm nào cũng đi chích ngừa từ Tháng Mười Một.. Hôm nay bà đã đỡ thì lại đến phiên ông.
Ông kêu lạnh, mặc bốn lớp áo, khăn len quấn cổ, đầu đội mũ mà vẫn kêu lạnh. Bà phải vặn cái lò sưởi nhỏ trong phòng, hướng về phía ông mà ông vẫn thấy lạnh và lên cơn ho như xé phổi.
Bà nhỏm dậy lục tủ đầu giường lấy lọ dầu Bảo Tâm An.
– Để tôi xoa dầu cho ông nhá!
– Bà xoa hai gan bàn chân cho tôi được rồi, khỏi phải xoa ngực, lưng. Tôi mặc đủ áo ấm.
– Xoa dầu để chà sát cho máu huyết lưu thông, người nóng lên từ bên trong mà.
Ông Phiên ngoan ngoãn để bà chà sát trước ngực và hai bên cánh phổi sau lưng rồi đến hai bàn chân. Tạm êm, không thấy ông ho nữa.
Bà nằm lim dim nghĩ đến mấy đứa cháu. Thằng Thiên Ý cũng đang ho, con Minh Uyên cũng đang cảm, hai đứa nước mũi chẩy ròng ròng. Hôm nay thấy mắt chúng nó đã hơi đỏ và kèm nhèm đổ ghèn, bà định mai phải bảo bố mẹ chúng nó đưa đi bác sĩ. Ở nhà bà chỉ xoa dầu rồi cho uống Tylenol, trẻ con phải cho đi khám bịnh ngay xem sao, không để ốm lâu mất sức.
Chợt cánh tay ông quàng qua người bà.
– Mình ơi…Anh thương mình quá!
– ???
– Anh đi trước không biết mình ra sao!
– Ơ hay, sao hôm nay ông lẩm cẩm thế! Mọi khi tôi đòi chết trước thì ông nhất định giành đi trước mà.
– Cuộc đời ngắn ngủi quá phải không mình!
Giọng ông Phiên như nghẹn lại, hai giọt nước mắt âm ấm cũng ứa ra khóe mắt bà. Nhớ khi bà vừa qua cơn bịnh nặng, các con đưa ông bà đi du thuyền chơi cho khuây khỏa. Một đêm đang nằm ngủ trên tàu, ông nằm mơ, kêu ú ớ:
– Đừng bỏ anh, đừng bỏ anh!
Bà lay ông dậy, quay qua thấy vợ đang nằm bên cạnh, ông ôm chặt lấy bà.
– Anh mới bị ác mộng. Em chạy đi, em bay đi, anh cố chạy đuổi theo em.
Sáng hôm sau bà còn trêu ông:
– Chắc lại nhớ cô nào rồi chứ gì? Lâu quá mình đâu có xưng hô anh em đâu nào.
Hai ông bà lấy nhau đã hơn bốn mươi năm. Ông nhớ hình ảnh cô nữ sinh bé bỏng ông theo đuổi, yêu thương ngày đó, những cảm động của đêm tân hôn, những ngọt ngào của tuần trăng mật rồi đến nỗi nhớ quắt quay của ông trong những năm tháng dài trong trại cải tạo. Bao nhiêu kỷ niệm, vui có, buồn có cứ ùn ùn kéo về.
Hai ông bà nhắc nhau, ôn lại những chuyện cũ rồi từ từ tiếng ông thở đều, rồi ông thản nhiên kéo gỗ. Bà khó ngủ hơn ông, nhất là khi có chuyện gì bận rộn trong đầu. Bà thao thức có khi thâu đêm.
Vợ chồng như đũa có đôi, từ ngày lấy nhau gần như hai ông bà không hề xa cách, trừ những năm ông phải đi tù cải tạo. Đến khi về hưu, sau sự mất mát những người thân trong gia đình, rồi đến sự ra đi của những người cùng trang lứa, ông bà biết lẽ vô thường, biết rằng sinh tử là chuyện phải đến nên cũng đã sửa soạn cho đời sống tâm linh, sửa soạn cho cuộc hành trình cuối cùng được thanh thản, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề còn chiếc đũa lẻ.
Đêm sâu, bên tiếng ngáy mệt nhọc của ông, bà trăn trở. Nghĩ đến hoàn cảnh những người trong hội già mà thỉnh thoảng bà đến họp. Bà cụ Tiến có cả đàn con mà cụ ông mất mấy năm rồi, cụ bà vẫn sống một mình vò võ. Các con cụ rất hiếu thảo, ngoan ngoãn. Cụ có bẩy người con, hai cậu con trai lấy vợ Mỹ nên dĩ nhiên cụ không hợp vì bất đồng ngôn ngữ, khác xa về phong tục, tập quán. Mẹ chồng con dâu gặp nhau chỉ “hi, hello” cho phải phép rồi thôi. Cả hai cặp đều chủ trương không sanh nở vì ngại trách nhiệm và sợ không lo nổi cho con cái. Thế mà một cặp thì nuôi cả bầy chó còn một cặp thì nuôi mấy con mèo để mà ẵm bồng, hôn hít. Năm cô con gái của cụ đều học hành thành đạt, gia đình êm ấm, hạnh phúc, cô nào cũng có một, hai đứa con. Khi cụ ông mới mất, cả năm cô đều mời mẹ về ở cùng, cụ nhất định không chịu, cụ yêu căn nhà kỷ niệm của cụ, nhà đã trả hết nợ và khu vườn hai cụ chăm bón mấy chục năm nay cụ không thể rời xa. Dạo này cụ bắt đầu yếu, đi đứng lọm khọm, các con họp nhau lại bàn là mỗi cô sẽ soạn một phòng riêng để cụ sẽ luân phiên ở với mỗi cô vài tháng, khi chán lại sang nhà con khác. Cụ cũng thử đi một vòng nhưng cụ nói nó thế nào ấy, ở đâu cũng lang thang như người ở trọ. Nhà cụ vẫn quen, chỗ để ống tăm, chỗ để lọ thuốc cụ biết rõ, vào bếp muốn lấy cái muỗng, đôi đũa biết ngay nó ở đâu, ở nhà các con mỗi đứa sắp một kiểu, muốn lấy cái gì thì mở hết ngăn này đến ngăn khác mới tìm thấy. Cụ còn than già rồi ăn ít nhưng hay ăn vặt, ở nhà con cứ xuống lục tủ lạnh hoài sợ rể nó cười, sợ cháu nói bà ăn vụng. Các bà bạn chỉ biết phì cười vì những chuyện cụ kể và nói cụ có phúc mà không biết hưởng hạnh phúc mình có. Có thể chỉ vì trong thâm tâm cụ vẫn nghĩ theo kiểu cổ xưa, con trai mới là người để nương cậy lúc tuổi già. Ở với con gái cụ vẫn có mặc cảm với con rể và mấy người thông gia. Chắc đến lúc cụ yếu đuối hẳn, khi lúc nào cũng cần phải có người ở gần bên, cụ mới thay đổi ý kiến, đổi quan niệm sống. Phần đông các ông bà khác thường than thở vì con, vì cháu, ở bên này mọi người bận rộn chả ai để ý đến ai, ở với con trai thì ngại con dâu, ở với con gái thì sợ phiền con rể.
Bà Quý thì mong cháu, gần bẩy mươi mà chưa có cháu để ẵm bồng, hủ hỉ. Hồi còn đủ cả hai ông bà thì bà thấy không cần thiết. Khi về hưu ông bà đi chơi khắp nơi, mỗi năm đi du lịch thế giới mấy phen, không kể những chuyến đi chơi gần với mấy người bạn thân. Bây giờ còn một mình, bà Quý mới thấy thèm tiếng nói cười ríu rít trẻ thơ. Bà ước ao hai con trai của bà sanh cho bà vài đứa cháu nội, bà sẽ biến căn nhà của bà thành nhà trẻ, bà sẽ thuê người phụ với bà chăm sóc các cháu, bà sẽ không thiết đi đâu nữa.
Còn một số ông bà khác lẻ bạn thì đi tìm người cũng cô đơn như mình để chia sẻ buồn vui. Các ông bà cho rằng cùng một lứa mới hiểu được nhau, tuổi trẻ không cảm thông được, đừng trông mong gì nhiều ở con cái thì sẽ không có những thất vọng đớn đau.
Như có tiếng sột soạt ở phòng khách, bà xích lại gần ông như tìm sự che chở. Eo ôi, nếu ở một mình bà sẽ sợ lắm. Từ khi lấy chồng, bà chưa bao giờ ngủ một mình, không có chồng thì có con, có cháu. Thôi thôi, không dám nghĩ tiếp nữa, bà cố dỗ giấc ngủ.
Buổi sáng ông dậy sớm, thấy bà đang ngủ ngon, hơi thở đều, tiếng ngáy nhè nhẹ. Qua khung cửa sổ, trời đã rạng sáng, quang đãng, hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Ông vươn vai, cảm giác ốm đau như biến mất.. Ông chịu khó tập thể dục đều đặn, đi bộ đều mỗi buổi sáng và ăn uống rất chừng mực nên ông vẫn giữ được thân hình rắn rỏi so với những người cùng tuổi với ông. Bước ra sân sau, ông thấy hơi đói bụng, làm những động tác thể thao thông thường rồi ngồi đọc sách, chờ bà dậy để cùng uống cà phê và ăn điểm tâm buổi sáng.
Ông sẽ làm gì khi không còn bà ở cạnh? Bà sẽ ra sao nếu ông đi trước? Nghĩ đến bà, ông lại thương, dù gì bà cũng đã hơn sáu mươi, chắc chắn bà sẽ không đi bước nữa nhưng ông biết tính bà hay nghĩ ngợi, lại dễ tủi thân, không có ông, ai che chở, ai bênh vực bà? Con cái thương mẹ, dâu rể cũng ngoan ngoãn biết điều, nhưng tuổi trẻ hay vô ý, vô tứ dễ làm con người nhạy cảm như bà bị tổn thương.
– Ông dậy sớm thế? Khỏe hẳn chưa mà đã ra vườn?
Tiếng bà từ trong nhà nói vọng ra.
– Mấy ngày mưa gió, xám xì, hôm nay có nắng, bà ra ngồi hong nắng chút cho khỏe.
– Ông ăn gì nào? Cơm trứng hay bánh mì trứng?
– Cái gì cũng được!
– Ăn trong nhà hay ăn ngoài vườn?
– Ngoài này đi, lâu lắm mới có một ngày nắng ấm.
Một lúc sau bà khệ nệ bưng một khay với hai đĩa cơm trứng nóng hổi còn bốc khói và hai tách cà phê.
Một đàn bò đang thủng thỉnh nhai cỏ trên ngọn đồi sau nhà. Cảnh thật yên tĩnh, thanh bình.
Bà nhìn ông, mái tóc bạc phơ như những sợi tơ óng ánh trong nắng. Một tuần nữa là đến ngày Valentine, bà đã đặt một tấm hình hai người trong tuần trăng mật ở Đà Lạt in vào “canvas” để tặng ông, không biết ông có nhớ ngày này không và ông sẽ mua tặng bà cái gì. Hồi còn ở Việt Nam, hàng năm cứ vào đúng kỷ niệm ngày cưới là ông lại nhớ mua cho bà một bó hồng nhung. Sau bảy lăm, những xa hoa phù phiếm ấy bị loại bỏ. Khi ông đi tù cải tạo về, ngày kỷ niệm của vợ chồng, bà chỉ nấu nồi bún riêu hay làm bữa bún chả cho cả nhà ăn mà cũng chẳng nói lý do. Năm 1980, khi vượt biên sang đây, ngày lễ Valentine đầu tiên, ông đã ra vườn của cô em hái cho bà hai chùm hoa đuôi chồn màu đỏ. Những năm sau đó ông luôn nhớ nhưng chỉ đem về cho bà một đóa hoa hồng. Cho đến khi ông bà về ở với con cháu thì ông mua hộp chocolate to tướng để cả mấy bà cháu cùng ăn.
Nhớ lại chuyện đêm hôm qua, bà nắm lấy tay ông nói nhỏ:
– Ông đừng lo việc của Ông Trời. Chúng mình còn có nhau, bên nhau đến ngày hôm nay thì hãy vui những ngày còn lại. Đến đâu hay đến đó… hơi sức đâu mà lo… Quan trọng nhất là cái tâm thanh thản, an vui ngày hôm nay..
Ông siết tay bà, nhìn bà và trong lòng nhủ thầm, Valentine này phải mua tặng bà một bó hoa hồng thật đẹp.
Đỗ Dung