Tác giả tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ.
Ngọc Ánh nhận được giải thưởng viết về nước Mỹ của Việt Báo tại Little Saigon.
CHUYỆN ÔNG ĐỒ GIÀ TRÊN ĐẤT MỸ
Khi nói đến một lớp học như thế, ai cũng đều tròn mắt ngạc nhiên. Có thật là lớp
chữ Nôm mở ra giữa thành phố này, chỉ duy nhất trong tiểu bang này, nơi mà người
ta nói đủ thứ tiếng như Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Tàu, Nga, Ấn Độ, Á Rập...
Khi mà chữ Nôm như bóng mờ trong quá khứ hàng mấy trăm năm của người Việt cổ,
thì ông Đồ già còn cắm cúi bên bàn gõ hàng ngày với mớ ngôn ngữ nét dọc nét
ngang, mà mới nhìn qua thấy hao hao như chữ của “cắc chú”một thời đô hộ VN.
Công việc chăm chỉ và lòng kiên nhẫn tuyệt vời của con ong thợ nhỏ nhoi với
hoài bảo to lớn là muốn giữ lại chút di sản còn có thể giữ được trong phần văn
hóa nguyên thủy của cả một dân tộc. Đây chính là tấm lòng đáng quý mà chúng ta
nên trân trọng khi nhắc đến tên Ông.
Khi nghe vài anh em trong Viện Việt Học đề nghị mở lớp dạy chữ Nôm, thú thật
ông không tin rằng sẽ có người đến học, bởi vì trước đây Viện đã từng mở lớp
Nôm online, lớp Nôm hàm thụ, người học rải rác, lưa thưa rồi cũng im vắng vì
khó mà nuốt nổi mớ chữ nghĩa lỗi thời, chẳng đem lại chút lợi ích gì cho thực tế
cuộc sống..
Vậy mà ngày đầu tiên khai giảng, sĩ số học viên tuy khiêm tốn trên dưới 30 trò
nhưng ông Đồ lòng mừng khấp khởi, dự tính chương trình học chừng vài tháng, và
mỗi tuần ông chịu khó lái xe đi về hơn 170 mile với tuổi “thất thập cũng ok”.
Là người tha thiết với nền văn hoá cổ sắp bị mai một theo gió bụi thời
gian, và sự vô tâm hững hờ của nhân thế, ông săm soi trân quý từng bìa sách Nôm
ố vàng có nguyên bản từ hơn trăm năm trước của ông cha mình, mà duyên may ông
còn giữ được trong tay, để ngày đêm miệt mài phiên âm chú giải từng con chữ, từng
áng văn hay với khao khát sách được in ra cho thời nay biết được người xưa đã sống,
đã nghĩ như thế nào, thể hiện qua văn học trong từng thời kỳ nổi trôi vận nước...
Là một lớp học đặc biệt nên số người ngồi dưới lớp cũng có nhiều khác thường,
có bác lớn hơn tuổi Thầy gần cả chục, có em còn rất trẻ, nên họ đến lớp cũng
khác cả mục đích. Người trẻ thì tò mò về môn học lạ, người già thì muốn tìm chỗ
giải khuây, ít ra cũng dịp để trở lại thời “làm học trò không sách cầm tay”
(thơ Đinh Hùng). Có anh chị đã từng đứng trên bục giảng, biết rành về chữ Hán,
có người muốn tìm hiểu thêm về chữ Nôm để nghiên cứu chuyên ngành cho công việc
của mình… Nhưng dù lý do gì thì khi ngồi lại cùng nhau trong lớp học này, mọi
người thật thân thiện, thoải mái.
Nếu có dịp ghé qua một buổi học, người ta dễ dàng cảm nhận ra sự thú vị của cả
Thầy lẫn trò khi trao đổi về thứ chữ mà ai cũng nghe, cũng nói hàng ngày, nhưng
không phải ai cũng biết đúng cái nghĩa hay viết đúng cái mặt chữ mà ngày xưa
ông bà mình đã dùng trước khi có chữ Quốc ngữ Latin công khai xuất hiện vào cuối
thế kỷ 19.
Có bác biết qua chữ Hán rồi, nên khi theo học vài tuần chữ Nôm là dễ dàng bắt kịp
bài giảng về nét, về bộ, nhìn tuồng chữ là đọc ra nghĩa được, nhưng đối với các
bạn trẻ lớn lên sau thời di tản, hay khi qua Mỹ còn ở tuổi thiếu niên thì việc
cảm nhận văn học VN rất mù mờ, huống chi “nét ngang chưa biết, chữ a chưa từng”
thì nhìn vào vài trang trong tuồng Nôm “Nhị Độ Mai” hay mấy đoạn thơ “Chinh Phụ
Ngâm” hoặc phân biệt chữ Hán với chữ Nôm qua bài một bài thơ của Nguyễn Trãi
hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm chằng chịt nét dọc nét ngang giống như ma trận thì...
có nước ngọng luôn! Nhưng bù lại cả lớp rất hào hứng khi bàn về văn chương tiếng
Việt, khi Thầy nói về câu thơ trong tuồng Nhị Độ Mai “chiếm vũ trường
danh hiệu Thạch Lân” có trò buột miệng “hồi xưa cũng có vũ trường hả Thầy?”, Thầy
cắt nghĩa “vũ là võ, võ trường là nơi các quan võ thi thố tài năng..”. Còn ‘can
chi?’ (trong cách tính năm của người Tàu ) có phải tiếng Việt mình là “không
can chi”, tiếng Huế là “không can chi mô...” tiếng Anh là “no star where”
không? Mỗi người một câu vui vẻ nói cười, hỏi mà không sợ bị chê dốt, bị quê độ...
Trong những tất bật lo toan bận rộn của đời sống hàng ngày, đến được lớp học cuối
tuần không hẵn là điều dễ dàng đối với một số người. Có anh than đi học phải
lén vợ vì bà xã không hài lòng, bảo rằng già rồi còn chữ nghĩa đâu mà nhét vào
đầu, có người không lái xe được, chờ ông bạn cho đi có giang (quá giang), bữa
nào bạn nghỉ là ổng bó chân luôn. Ngược lại có bác may mắn được vợ con quan tâm
nhắc đi học, sợ trể giờ, “lớn tuổi rồi, có chỗ để khuây khỏa cũng tốt cho sức
khỏe của Bố.” đứa con bộc bạch khi đưa bố tới lớp.
Thương nhất là chị Ngự Bình, trước kia chị là cô giáo dạy Văn, qua đây lớn tuổi
rồi, ở nhà cũng buồn nên khi nghe có lớp Nôm mừng quá ghi tên ngay, được đến lớp
mỗi tuần là niềm vui của chị, “thấy như mình trở lại thời đi học ngày xưa”, chị
chân tình bày tỏ.
Quả đúng như vậy, có khi chị đi bộ đến lớp rất sớm, mặc áo dài nghiêm chỉnh,
khoác áo len mỏng bên ngoài giống như nữ sinh Đàlạt, có hôm chị đạp chiếc xe
mini nhỏ xíu (chắc mượn của cháu nội / ngoại) xe được khóa cẩn thận ở chân cầu
thang và hai ống quần được cột thắt để khỏi bị “ăn sên” (sao mà y chang thời áo
trắng đến thế!) và lần nào đến lớp chị cũng mang cho Thầy khi thì trái táo,
chùm nho, khi thì vài trái mận hái ở vườn nhà để bày tỏ tấm lòng quý mến.
Thấy học trò tóc bạc da mồi nhưng một điều Thầy hai điều Thầy, làm trái tim ông
Đồ già cảm kích hết sức. Sợ các bạn trẻ nản lòng bỏ học, Thầy luôn khuyến khích
sự cố gắng trong câu chuyện kể “bình đựng nước trà lâu ngày nếu đem đựng nước lạnh
thì khi uống vào cũng nghe thoang thoảng mùi thơm của trà, giống như học chữ
Nôm, lâu ngày thế nào cũng thấm, cũng thoang thoảng cái hương hoa của hồn quê đất
nước, tư tưởng cổ nhân Việt tộc.”
Và cuối cùng thì khóa học cũng kết thúc trong luyến tiếc bịn rịn của mọi người,
dù thời gian đến lớp không nhiều, học không được bao nhiêu, nhưng mà vui quá phải
không? Nếu gom hết những chữ nghĩa học được trong các buổi bỏ lên sàng sẩy, chữ
quên rớt xuống và chữ nhớ đọng lại không đầy bụm tay thì các bạn ơi, xin đừng
thất vọng, đừng như ngày xưa trả chữ cho Thầy, xin hãy cất giữ đâu đó trong trí
nhớ bạn cái vốn quí của quê mình, thứ tài sản quốc gia mà không phải ai cũng nhận
ra chân giá trị của nó.
Thầy đã chọn con đường khó đi và ít ai đi, nhưng với những công trình biên khảo,
tìm tòi, lưu giữ những tác phẩm Nôm quý hiếm mà Thầy đã và đang lọ mọ một mình,
thì việc đến lớp học chữ Nôm của các bạn quả là sự khích lệ đầy lạc quan. Ít ra
Thầy cũng đở thấy cô đơn trên con đường thênh thang phía trước, và ít ra trong
số trò còn can đảm ngồi lại lớp “chiến đấu đến giây phút cuối cùng” thì vẫn có
người viết được mấy câu đối bằng chữ Nôm vừa mới học được để trịnh trọng tặng
Thầy nhân ngày mãn khóa:
“Chữ Nôm còn văn hoá Việt thêm vững 𡦂 喃 群 文 化 越 添 凭. /
Ráng bước theo chí cả của Thầy ta 𩅜 𨀈
遶
誌
奇
古
偨 参.”
“Học trò học chữ Nôm còn chưa khá 学 徒 学 𡨸
喃
群
渚
可/
Thầy ta lo lắng ngủ không yên 偨 参 群 𢗼
𣼽
𢠯
𥄭
空
安.”
Mấy câu đối như viên ngọc thô sơ chưa mài dũa nhưng mà quý lắm thay tấm lòng
Tôn Sư Trọng Đạo của “bác học trò” vừa mới qua tuổi 80. Như một chút nắng
mùa đông làm ấm Nghĩa Thầy Trò, hâm lại cái chí nhỏ mày mò ba quyển sách cũ xưa
của thầy Đồ già lạc lõng trên đất khách quê người. Âu cũng là cái duyên
chữ nghĩa và Ông Đồ già cố gắng để làm người dẫn đường trong áng sáng leo lét của
ngọn đèn dầu giữa thời đại mà tia chớp Laser nhanh trong tích tắc.
Hơn chục năm nay ông đã làm việc chăm chỉ như con ong thợ xây cái tổ mật ngọt
cho đời, giữ cái hương hoa tinh túy của nền văn hoá xưa cũ sắp mai một theo thời
gian, trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày càng suy sụp về nhiều mặt từ kinh tế,
tài nguyên, môi trường... đến giáo dục, văn hoá, đạo đức... vì những tham vọng
chính trị đen tối của một nhóm người đang lãnh đạo làm nghèo đất nước, hư hại đến
tiền đồ dân tộc.
Con đường ông đi có vẻ như đơn độc vì lớp bạn già trang lứa đã mệt mỏi chùng
tay, có người yên nghĩ trong giấc ngủ dài từ mươi năm trước, tụi trẻ thì hăm hở
với những điều mới lạ trong cuộc sống xô bồ vây quanh, chúng nó học ngoại ngữ
Anh, Tàu, Pháp, Đức, Hàn, Nhật nhanh như học hát trong Karaoke, mấy đứa
nhỏ còn nhớ vanh vách tên các ngôi sao ca nhạc hay cái váy thời trang của người
mẫu, nhưng nếu hỏi về lịch sử cận đại của VN thì ấm ớ đến tội nghiệp!
Ông thương đám con cháu của ông quá nhưng vòng tay ông nhỏ nhoi không bao bọc hết
lũ trẻ dại khờ đang u mê sa đoạ trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước. Gia
tài mà ông theo đuổi không biểu hiện bằng vàng bạc kim cương mà nó lại quý hiếm
giá trị gấp trăm lần, có những bản Nôm tuổi hàng thế kỷ, do thời cuộc chiến
tranh thất thoát lưu lạc khắp nơi, VN từng bị Tàu bị Tây đô hộ nên chuyện lâu
lâu tìm thấy vài bản Nôm trong thư viện bên Paris cũng là nổi vui mừng khôn xiết
của kẻ sưu tầm như ông.
Mỗi năm thay vì đi du lịch đó đây cho thư thả tuổi già, ông lại về Việt Nam lân
la trong các thôn xóm heo hút hay lục tìm trong bao “ve chai” hoặc góc chợ trời
để may ra vớ được cuốn sách cũ mèm bám bụi mà ưng ý cũng khiến ông trằn trọc cả
đêm vì thích thú. Có lần một lão nông ở trong quê xa hút, biết ông rành chữ Nôm
lật đật sai con trèo lên đòn dông (xà ngang trên trần nhà) lấy xuống một bó giấy
đen thui từ đời ông cố tổ để lại mà lão không biết nói cái gì trong đó, nhờ Thầy
đọc dùm, thời xưa các cụ hay viết lại mấy toa thuốc Nam thuốc Bắc, tử vi tướng
số này nọ, nhưng thỉnh thoảng cũng có lạc vài cuốn thơ phú nổi tiếng thì đúng
là quý hơn lượm được vàng, Thầy đồ mừng rơn trong bụng...
Rồi khi trở qua Mỹ ông lại ngồi suốt trên Computer để phiên âm từ chữ Nôm
ra chữ Quốc ngữ từng áng văn hay của người xưa, rồi bỏ tiền ra in thành sách phổ
biến ra cho mọi người đọc để biết hồi đó ông bà mình đã sinh sống ra sao, suy
nghĩ ra sao, những khuyên dạy của người xưa về nền tảng đạo đức có phần thay đổi
theo thời gian nhưng không phủ nhận luân lý tốt đẹp của nó.
Sách phiên âm chú giải của ông được phát hành khá nhiều bản, nói bán cho vui chứ
thật ra đa phần đều lỗ vốn, cuốn nào “chạy” lắm thì huề tiền hay lâu lâu có ai
đó ký check ủng hộ vài trăm là ông vui như trẻ nhỏ được quà, để dành tiền cho lần
in kế tiếp. Tuy không có đông đảo người đọc như những cuốn tiểu thuyết mang đậm
tính thời sự gay cấn như hiện nay, nhưng qua sự chuyển tải của ông khiến những
ai quan tâm tới nền văn hóa nước nhà sẽ nhận ra giá trị của những bản văn Nôm
hiếm hoi mà ông bỏ công sức ra sưu tập và gìn giữ bấy lâu nay, tuy không quý
như trống đồng thời vua Hùng hay cái bình cổ thời nhà Tống nhưng giá trị văn
hoá của những bản Nôm này sẽ khó mà tìm thấy về sau, nếu chúng ta cố tình quên
đi cái gốc của cội nguồn dân tộc Việt Nam, và tiếc thay lớp trẻ bây giờ không
ai nhắc chúng phải biết yêu quý đất nước và gìn giữ quê hương thoát khỏi họa
xăm lăng, không ai dạy chúng phải biết bảo vệ nhân phẩm, biết sống đạo đức và
biết ngẩng cao đầu trước những bất công áp bức...
Việc làm của ông có vẻ như không phù hợp với nhịp sống hối hả sinh động của thời
này nhưng ông vẫn miệt mài với mớ chữ nghĩa mà theo ông rất đáng được trân trọng
gìn giữ, vì nó được hình thành từ tầng lớp trí thức yêu nước thời xa xưa, những
người đã sáng tạo ra chữ viết đầu tiên của ViệtNam trước khi chữ Quốc ngữ abc đến
được đất nước mình qua những linh mục truyền giáo.
Quyển “Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn” được soạn thảo công phu và hoàn thành sau 6
năm trời ròng rã giữa ông và nhóm bạn quen thân trên mạng, có người chưa hề gặp
nhau ở ngoài đời, có người còn rất trẻ, họ sống rải rác ở khắp nơi như Đài
Loan, Pháp và các tiểu bang xa xôi trong nước Mỹ, nhưng tất cả đều có chung tấm
lòng với việc giữ gìn nguyên bản gốc chữ Nôm của dân tộc mình.
Hãy nghe họ nói về cuốn Tự Điển mà nhóm họ đã dày công tìm tòi gạn lọc trong điều
kiện khó khăn ở hải ngoại , trong khi những chuyên gia học vị cao cấp của Việt
Nam XHCN có cả một thư viện Hán Nôm đồ sộ với rất nhiều tài liệu quý hiếm bị bỏ
xó đã không thực hiện nổi:
“Chưa kể đến thứ chữ cổ khác còn ở trong vòng nghiên cứu, người Việt Nam
đã dùng ba thứ chữ viết có chứng tích rõ rệt là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ,
trong đó nền văn học chữ Nôm đã để lại những tác phẩm văn học quan trọng hàng đầu
như Quốc m Thi Tập, Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm v.v.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn hàng ngàn văn bản Nôm nằm rải rác tại các Thư Viện
trên thế giới hay trong các tủ sách tư nhân mà chưa từng được phiên âm ra chữ
Quốc ngữ, và việc phiên âm các tác phẩm này như là một công việc khai quật những
chứng tích văn hoá...Nguyên tắc của Ban Biên Tập là đãi lọc những chữ Nôm nào
đã từng có mặt trong một văn bản Nôm với xuất xứ rõ rệt để làm bằng cứ vững chắc
cho công việc nghiên cứu chữ Nôm, tiếng Việt, cũng như văn học cổ Việt
Nam, cái kho tàng ngữ văn của người Việt trải dài suốt bảy thế kỷ,”
Công trình trên mạng hoàn thành nhưng làm sao in nó ra khi các fond chữ trong
Google không hề có fond chữ Nôm? Ban Biên Tập có bảy người nhưng chỉ có bạn nữ
duy nhất đã làm được công việc tuyệt vời này, Cô “chế” ra bàn phím để gõ thành
công các fond chữ Nôm. Và cuốn sách dầy cộm “Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn” đã được
in ra năm 2009 do Viện Việt Học phát hành tại miền Nam California. Quả thật đây
là điều đáng tự hào cho những ai còn quan tâm tới sự tồn vong của văn hoá Việt
trên đất nước tạm dung này.
Câu chuyện về ông Đồ già lạc lỏng trên xứ người có lẽ cũng bình thường như bao
người già khác đang sống mòn mỏi trong Nursing home, nhìn mỗi ngày lặng lẽ trôi
qua chờ đến cuối đời để ra đi trong thầm lặng. Nhưng ông lại khác những bạn già
của ông khi ông còn sức lái xe trên xa lộ hàng trăm cây số, lòng vui vì cuộc sống
an nhiên mà ông nghĩ mình đã chọn lựa đúng.
Như chiều nay sau một buổi ra mắt sách thành công theo cái nghĩa lạc quan của
tác giả, không phải vấn đề ông đã bán được bao nhiêu cuốn sách để tính lời tính
lỗ, mà là có bao nhiêu người đến nghe ông nói về những câu chuyện chữ nghĩa văn
chương có tự bao đời, những tác phẩm văn học mà lớp trẻ 30-40 tuổi ở quê nhà
hay lớn lên bên nước Mỹ này không chắc gì đã biết tường tận... Ông thong dong
lái xe trở về nhà trên đoạn đường dài, lòng vui vì vừa gặp lại vài đồng nghiệp
cũ, thêm mấy đứa học trò Petrus Ký đến chào Thầy với lòng kính trọng quý mến
như ngày xưa, cái thời mà họ đã được giáo dục tử tế để trở thành người có nhân
cách.
Ông thật sự hài lòng về sự chọn lựa của mình, cả đời ông chỉ biết dạy học và dạy
học cho đến khi buông cục phấn ra thì tóc ông cũng bạc trắng, nhưng nào đã chịu
nghĩ hưu, ông lại tiếp tục mày mò với những trang giấy ố vàng nhòe mực, chữ Nôm
và cái gia tài cổ ngữ đồ sộ mà ông mê đắm từ thời trẻ nhưng chưa có thời gian để
tìm tòi, lục lọi trong ngăn tủ thời gian đã bị mối mọt, nhện giăng.
Về nhà ông ngồi thong thả đọc thư bạn bè, bổng ông thấy tim mình nhói đau và trời
đất quay mòng...Vội vã đưa ông vào Emergency kịp thời, sau bao nhiêu là xét
nghiệm với dây nhợ quanh người, gia đình một phen lo lắng hú hồn, bác sĩ bảo
ông bị một cú shocked nhẹ, xuất viện về nhà mà ông cứ bần thần buồn bã
không nói đến mấy hôm, gặng hỏi mãi mới biết có email FW tới lui của người bạn
cùng thời với vài câu ngắn:
-“Quý vị coi tên anh ta nè... mỗi năm anh ta về VN làm gì bên đó?” kèm theo là
danh sách 60 nhân vật tiêu biểu của trường ĐHVK, trong đó có tên ông “ bị” vinh
danh bởi nhóm học trò cũ, ngưỡng mộ công trình nghiên cứu văn học của Thầy từ
trước 1975, dĩ nhiên đó không phải là lỗi của ông, không phải là điều ông ao ước.
Chuyện cũng chẳng có gì ầm ĩ nếu ông đang sống ở Sàigòn với những tung hô sáo rỗng
kiểu đó, nhưng đằng này ông đang ở một nơi mà người ta gọi là Thủ đô tị nạn nên
công cuộc chống Cộng là một điều kiên quyết và cũng có lắm cấp độ chống khác
nhau, chửi ra rả như bà Lisa trên Youtube, hay thâm thúy như mấy ông nhà báo,
nhà văn, hoặc có bài bản như mấy bác H.O một thời xương máu. Nói chung thì ai
cũng có tấm lòng với đại cuộc, nhưng nhè ông Đồ già trói gà không chặt này mà tặng
ông cái mũ cối thân Cộng thì quá đáng.
Câu hỏi gằn của cái email chiều nay như vết cứa vào lòng tự trọng của ông làm
tim ông đau nhói nếu không muốn nói là sự nhẫn tâm đâm sau lưng bè bạn của ai
đó đã khiến ông Đồ tổn thương phẩn uất suýt mạng vong, “Cây cổ thụ chữ Nôm” hay
“Người giữ lửa cho nền văn hoá cổ” mà mọi người vừa khen tặng cho ông trong buổi
ra mắt sách vừa qua xém chút nữa đã tiêu diêu miền cực lạc thì thật đáng tiếc
biết bao.
Ơn Trời! Ông Đồ vẫn sống sau cú choáng nghiệt ngã đó, lời nói như gió thoảng ,
ông đã tỉnh dậy và lại ngồi vào máy gõ mãi miết những con chữ nửa Ta nửa Tàu
như một niềm vui bất tận và chưa bao giờ ông tự hỏi “trăm năm sau có còn ai nhớ
đến ta như ta đã nhớ đến ai ?” Nhưng tôi biết chắc một điều: công việc ông làm
hôm nay không phải là vô nghĩa! Lớp trẻ sau này sẽ có lúc cầm cuốn Tự Điển chữ
Nôm “made in USA” mà tự hào “ thời xưa thiệt xưa có một thứ ngôn ngữ gọi là chữ
Nôm của người Việt chúng ta, mà các bậc tiền nhân đã mang theo trong một cuộc
di dân lịch sử, và nó đã không bị đồng hóa để lẫn lộn với fond chữ của bất cứ
quốc gia nào khác trên thế giới này.”