CHỊ HAI ƠI!
Hè năm ngoái, từ Sài Gòn về, tôi ngạc nhiên: ra mở cửa không phải mẹ tôi mà là một thiếu phụ có cặp mắt to đen láy. Chị nhanh nhẹn đỡ lấy cái túi Air VN tôi đang mang:
- Út Hiệp đây phải không, chao, lớn ghê!
Tôi hơi phật lòng vì cái lối chào hỏi dành cho trẻ con. Đã hai mươi mốt tuổi, sắp tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi đâu có phải là con nít.
Đến bữa cơm, mẹ tôi bảo:
- Má vừa có con gái, từ rày, con phải gọi nó là chị Hai.
Khi chỉ có hai mẹ con với nhau, mẹ tôi mới thăn thỉ kể: Chị Trúc là người ở Lăng Cô, vợ chồng bỏ nhau, nhà cửa thân thích không có. "Tội nghiệp, má đào phận bạc vậy đó con. Cho nó ở đây sớm hôm với mẹ cho vui khi con vắng nhà".
Có chị Trúc mẹ tôi đỡ vất vả. Mẹ tôi bày ra nuôi gà vịt, làm ruốc biển... Toàn là việc mệt nhọc mà các chị tôi đều đã lấy chồng, chẳng ai san sẻ được.
Suốt ngày tôi càu nhàu: "Thằng Tí con chị Hai nó quậy phá, ồn ào con chịu hết nổi". Mẹ tôi an ủi:
- Kệ, chịu khó đi con, rồi má biểu con Hai không được thả cu Tí vô chơi trong buồng con là yên.
Chị Trúc biết nỗi khó chịu của tôi nên cố gắng vừa cặp con vừa làm việc nhà. Quần áo tôi thay ra, vứt giữa giường, chị vuốt lại phẳng phiu rồi treo lên móc. Vẻ nhẫn nhịn của chị làm tôi áy náy cảm thấy mình giống như một tên... bạo chúa. Một hôm, thấy chị tay ôm con, tay giã ruốc, tôi ngượng ngùng cười cười dỗ đứa bé:
- Ơ... Để cậu bồng chơi, cho mẹ đỡ mỏi, nghe cu Tí. Thằng bé bạo dạn, nó ngả vào tay tôi ngay. Chị Trúc ngước lên nhìn tôi, cái nhìn biết ơn từ đôi mắt đen láy. Tôi ôm đứa bé mà không hiểu sao không thể nào đứng dậy nổi! Nhưng thằng bé lại nhào qua lòng mẹ, quờ tay với vào đôi bầu ngực phập phồng dưới chiếc áo cánh lụa.
Vội vàng, tôi phải bế nó đi...
Từ đó thỉnh thoảng chị Trúc lại nhờ tôi bế cu Tí. Mỗi lần tôi tung hứng thằng bé, khiến nó cười vang khoe hàm răng sữa ngây ngô, chị lại ngước lên nhìn tôi biết ơn. Cái nhìn xoáy buốt làm tôi nhận ra chị thật đẹp, khuôn mặt trái xoan, nước da rời rợi trắng. Không hiểu sao người như thế mà chồng chị lại nỡ lòng chê bỏ?
Những lúc rảnh rỗi, chị ôm con ngồi trên bậc cửa, mắt nhìn mông lung về phía xa. Chắc chị đang nhớ đến căn nhà hạnh phúc ngày xưa của mình. Có hôm chị tâm sự:
- Hiệp biết không, chị học tới lớp đệ nhị thì mẹ mất. Không còn ai nữa, đành lấy chồng sớm để nương tựa. Tưởng yên thân, ai dè ông chồng phi công của chị đã có vợ trước rồi! Vậy là bồng con đi liều vào trong này mong nhờ bà con, nhưng bà con cũng hắt hủi. Nhiều lần chị đã nghĩ tới chuyện chết...
Chị không khóc mà mắt tôi đỏ. Tôi an ủi:
- Đừng buồn chị Hai. Hổng cần chồng, hổng cần bà con. Chị cứ ở đây với mẹ con Hiệp, cũng vui chán. Câu nói ngớ ngẩn làm chị bật cười. Nụ cười với cái răng khểnh mới thơ dại, tươi tắn làm sao. Năm ấy chị hai mươi bảy tuổi, lẽ ra là những năm đẹp nhất đời người.
Một buổi chiều, tôi vác đàn ra sân hát nghêu ngao:
Cây trúc xinh... (tang tình là) cây trúc mọc
(Qua lối nọ í như) sân đình
Chị Hai xinh... (tang tình là) chị Hai đứng, đứng một mình (qua lối í như) cũng xinh.
Chị Trúc đang giặt áo quần, liếc nhìn tôi rồi nguýt một cái sắc như nước. Từ đó chị đâm cảnh giác với thằng em. Làm gì chị cũng lầm lì, tìm cớ tránh xa tôi.
Tôi thì như thằng khùng, cứ đeo theo chị như bóng với hình. Gặp lúc vắng, tôi kéo tay chị, chị rãy ra dẫy nẩy như đỉa phải vôi:
- Này, cậu tưởng chị Hai là mẹ mìn, thích bắt cóc trẻ con hay sao. Đi mà tán các cô hàng xóm ấy!
- Chị ơi, nhưng Hiệp hổng nằm mơ thấy mấy cô ấy. Hiệp cứ nằm mơ thấy chị Hai thôi. Chị Hai không thương Hiệp, hết hè Hiệp không thèm đi học nữa.
- Chưa thấy ai lì như cậu. Buông ra cho chị đi, không má thấy thì chết. Chị giật áo ra, không thèm ngó cái mặt si dại của tôi. Tôi phát giận, không thèm ăn cơm mấy bữa liền.
Mẹ tôi sợ quýnh, mua thuốc giải cảm, mua dầu cù là Mac Phsu, mua chuối tiêu hột gà. Rồi mẹ lại còn sang ông lang cắt mấy thang thuốc bổ. Tôi phát ngượng, đành phải ra ăn cơm. Đến tối, mỏi lưng quá, mẹ tôi ôm cu Tí nằm ngủ, giao siêu thuốc cho chị Trúc.
Đêm khuya, nằm trong phòng, tôi ngửi thấy mùi thuốc bắc lan tỏa khắp nhà. Mùi vị đắng đắng, ngọt ngọt vừa nôn nao vừa dễ chịu. Tiếng than dưới đáy siêu reo lách tách... Rồi mùi thuốc dịu xuống, lửa tàn, tiếng than im bặt.
Một lát khá lâu sau, tôi mới nghe tiếng chị Trúc khẽ khàng:
- Hiệp ơi, ra uống thuốc. Tôi lặng im không ư hử. Chị Trúc lại gọi, tiếng chị hơi run run.
Mãi không thấy tôi ra, chị đành bưng bát thuốc vào. Chỉ chờ có thế, tôi vùng lên ôm đại lấy chị. Chị hốt hoảng, thuốc đổ tung toé xuống giường: - Hiệp, buông ra không chị la lên cho má đánh chết.
Tôi cứ giữ rịt lấy chị. "Đố chị có gan la lên. Má đánh chết Hiệp không lẽ chị không thương tí nào sao?" "Đồ quỷ, không thấy ai liều như cậu". Hai tay chị ra sức vả vào mặt tôi nhưng chẳng ăn thua.
Rồi hai tay và cả thân mình chị đã bị tôi giữ chặt. Tôi vùi đầu vào vai chị, hít mãi mùi cơ thể chị nồng mặn và ngọt ngào, mắt tôi nhắm lại, mê man... Bất chợt tôi mở choàng mắt, vai nhói đau, rụng rời. Chị đang ngóc đầu lên, lấy hết sức lực cắn thật mạnh. Hàm răng chị dứt da dứt thịt tôi. Tôi bặm môi chịu đau chứ không chịu buông. "Chị cứ cắn đi, rồi ít bữa chị nhớ đưa Hiệp đi chủng ngừa". Chị Trúc không trả lời, răng vẫn nghiến chặt. Đau hết chịu nổi, tôi đành buông chị ra. Vai tôi ứa máu. Chị Trúc vùng dậy, hốt hoảng vừa xoa vết thương cho tôi, vừa mếu máo:
- Trời đất, có sao không, Hiệp ơi!
Lúc ấy, toàn bộ sinh lực trong người tôi đang dồn ứ bỗng tiêu tan. Tôi rã rời như một cái thây ma, chỉ còn sức gạt mạnh tay chị: "Thôi đi đi! Mặc xác tôi!"
Đến mai, vai tôi sưng vù, nhức nhối. Lần này tôi sốt thật sự nhưng vẫn phải ra ăn cơm uống nước kẻo sợ mẹ tôi hỏi han. Khốn khổ, trời Nha Trang tháng sáu nóng như thiêu như đốt nhưng trưa nào tôi cũng mặc áo sơ mi nghiêm chỉnh để che cái dấu răng thật đáng ngờ. Mười ngày sau, vết thương lành, để lại một vết lũm sâu tròn. Dấu chiếc răng nanh mọc khểnh của chị. Da thịt lành nhưng tâm hồn tôi nặng trĩu. Điều làm tôi lo lắng nhất là dường như sinh lực của tôi đã ra đi hẳn, không bao giờ trở lại nữa, thân xác tôi hoàn toàn nguội lạnh.
Chị thì ngược lại. Hình như có điều gì đấy đã vùi chôn giữa thất vọng, muộn phiền và những công việc buồn tẻ thường ngày, nay chợt thức dậy, nhuộm trên toàn thân chị một vẻ gì khó tả. Dường như vóc dáng chị mượt mà hơn, mắt nhìn da diết hơn...
Rồi một hôm rằm, mẹ tôi đi chùa, dẫn cả cu Tí đi theo. "Nó đã lên ba rồi, cho nó quy y để phật phù hộ cho nó". Còn lại có hai người, chị Trúc có vẻ sờ sợ, ra ngoài sân xắt chuối cho vịt ăn, không dám vào nhà. Thật ra lúc ấy tôi buồn rười rượi như cơm nguội, đâu có gì đáng cho chị sợ. Chợt giữa đàn vịt con đang ăn lúp súp, một chú vịt nhỏ bỗng quay đơ ra đất, giãy đành đạch. "Chắc là nó bị dịch, đang giãy chết" nghĩ vậy tôi phóng ra, chị Trúc cũng chồm tới, cùng đưa tay nắm lấy con vịt. Kỳ lạ thiệt, chú nhóc chỉ lảo đảo vì... nghẹn có một lúc rồi lại tươi tỉnh, còn tay chúng tôi lúc nãy cầm con vịt thì bây giờ lại cầm lấy tay nhau...
Như sực tỉnh, chị Trúc rụt lại, nhưng tôi đã giữ lấy bàn tay chị:
- Chị đừng sợ, Hiệp chẳng làm gì chị nữa đâu. Tôi cũng muốn thổ lộ nỗi lo lắng của tôi cho chị nghe nhưng xấu hổ không sao nói được. Chẳng hiểu từ lúc nào, hai chúng tôi đã ở trong tay nhau. Chị vừa phục tùng, vừa dẫn dắt tôi. Cơ thể tôi dần dần hồi sinh trở lại... Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến thân thể một người đàn bà. Trưa hôm ấy trời nắng, ngoài cửa sổ phòng tôi có lùm cây nhỡn xanh ngắt rung rinh, tiếng ve râm ran thật gần, có lúc lũ ve vùng kêu to làm Trúc giật mình, tôi phải ghì thật chặt để chị khỏi rời tôi...
Những ngày sau đó tôi tươi như cây khô gặp mưa. Chiều chiều, tôi lại vác đàn ra ngõ hát vang:
Cây trúc xinh, (tang tình là) cây trúc mọc
(Qua lối nọ í như) sân chùa
Chị Hai không yêu, (tang tình là) tôi đây cũng bỏ đạo bùa (Qua lối nhỏ í như) cùng yêu...
"Mày hát cái gì đấy, hở út?" Tôi giật mình quay lại.
Chị Ba Thìn, chị ruột tôi sang chơi từ sáng, đang đứng tỉa rau dền trong sân mà tôi đâu có hay. Tôi ấp úng:
- À... Em hát... hát dân ca.
Chị Ba trừng mắt lên:
- Dân ca à? Dân ca cái con khỉ!
"Thiệt là bà chằn, người ta hát mắc mớ chi tới mình?" Tôi lầm bầm. Chị Thìn về, tôi chẳng nhớ, cũng chẳng thắc mắc gì thêm. Lúc đó tôi có để ý gì đâu, tôi chỉ thấy trời đất thật đẹp, tiếng ve thật du dương, tôi ước sao mùa hè dài vô tận. Trúc cũng vậy, chị đẹp ra trông thấy, má đỏ và mắt cứ ướt long lanh. Chị không ngồi bậc cửa và trông xa vời về phía quê nhà nữa...
Một hôm, cây hoa râm nở thơm ngát, tôi hái một chùm, chạy xuống bếp đưa lên mũi Trúc. Chị đang rửa bát, né người qua bên, nhìn quanh rồi thầm thì:
- Khi nào cô Ba đến, thì Hiệp phải ý tứ nghe.
- Mình việc gì phải sợ. Khi chị Ba lấy anh Hải, cả nhà phản đối, riêng Hiệp còn ủng hộ nữa.
- Hai chuyện khác nhau lắm, Hiệp nói dở òm.
- Khác gì mà khác. Rồi đây mình cũng cưới nhau thôi, để chị Ba khỏi thắc mắc lộn xộn.
Trúc giật mình, tôi phải chộp lấy cái chén trên tay chị để cho khỏi rơi. "Không được đâu Hiệp ơi!" Trúc vừa nói vừa rưng rưng rưng nước mắt. "Được! Nhất định được!" Tôi vừa ôm chị vừa nói như rìu chém xuống đá. Nước mắt chị tuôn chảy trên vai tôi, nước mắt hối tiếc, nghẹn ngào. Lát sau, chị kéo áo lau mắt trấn tĩnh lại:
- Nói bà xàm. Ai thèm lấy đồ con nít.
Tôi tức mình: "Con nít được à? Từ nay phải gọi Hiệp bằng anh".
- Gọi không được, khó gọi vậy lắm Hiệp ơi - Chị thật thà bảo tôi.
- Ít nữa thì phải gọi nhau bằng tên, không được xưng chị với Hiệp nữa. Tôi bắt chị thay đổi cách xưng hô cho được. Cuối cùng rồi chị cũng ngoan ngoãn nghe lời tôi. "Nhưng Hiệp phải giữ gìn làm sao cho má và cô Ba đừng ghét Trúc đó nghe". Nước mắt đã ráo, Trúc cười, mặt ánh lên niềm vui thơ dại. Có lẽ Trúc đã dần dần tin rằng chúng tôi sẽ ở bên nhau mãi mãi.
Hôm sau tôi nói với mẹ: "Má ơi, con muốn lấy vợ". Mẹ tôi vừa cơm nước xong, thủng thỉnh vừa xỉa răng vừa nói vần:
Nực cười cái chuyện ó đâm
Trai tơ đòi vợ khóc rầm cả đêm
Dỗ hoài mẹ phải mắng thêm
Vợ đâu mà cưới nửa đêm cho mày!
Chị Ba tôi phá ra cười nghiêng ngả. Trúc ở dưới bếp thất kinh, đưa tay ra dấu cho tôi đừng nói nữa. Tiếng cười của chị Ba làm tôi tự ái. Tôi quyết định không cần nói thêm gì hết. Hè đã sắp qua, tôi sẽ vào trường, học thật giỏi, sẽ có nghề, sẽ tự lập, sẽ lấy vợ, và gia đình phải nghe tôi...
Vào Sài Gòn, tôi cắm đầu cắm cổ học. Nhưng mới vừa được một tháng, nhớ Trúc quá, tôi vội vã về thăm nhà.
Ra mở cửa chỉ có mình mẹ tôi, dáng gầy mệt mỏi vì một mình lam lũ với bao công việc. Trên dây phơi, những cái áo cánh, những cái quần nhỏ xinh xinh của cu Tí không còn nữa.
- Má ơi sao không thấy... - Tôi run run không hỏi được hết câu, vì mẹ tôi đã nghiêm ngay nét mặt:
- Lại còn hỏi à, tao đuổi nó đi rồi! Mày tưởng qua mặt được tao sao?
- Trời ơi, đi đâu? - Tôi sững sờ.
- Đi đâu mặc xác! Tao đã thương mà chứa chấp, không biết ơn lại rù quyến con tao, thì tao bỏ hẳn, cho nó chết cho biết thân! Tôi thả cái xách rơi xuống đất. Muốn khóc mà không dám khóc! Mẹ tôi hiền hậu là vậy, mà bây giờ mặt đanh lại, mắt long lên, như dáng vẻ con gà mái bảo vệ bầy con trước nanh vuốt lũ diều. Mẹ ơi! Mẹ làm sao hiểu, có bao giờ Trúc quyến rũ con đâu?
Tết năm ấy, tôi nói dối là ở lại Sài Gòn học thi, đi ra tận Lăng Cô xa xôi, tìm xem Trúc có ở quê hay không? Chuyến tìm kiếm vô vọng, tôi về Sài Gòn, người gầy rộc đi như que củi.
Đến hè, tôi lại một lần nữa ra Lăng Cô, theo lời chỉ dẫn của người làng tìm đến Huế, gặp người chồng cũ của Trúc. Ông này đang sống yên ổn với vợ con, không biết mà cũng không muốn nhắc đến số phận của con người từng là nạn nhân của mình. Ông ta nhìn tôi như thể nhìn một thằng nhóc bị bệnh tâm thần, đã cất công lặn lội chỉ vì một chuyện vớ vẩn.
Tôi nghẹn ngào ra đi, đầu óc hoang mang không sao hiểu nổi: tôi còn chưa vợ, Trúc không có chồng, vậy mà sao chúng tôi không được sống với nhau?
Trúc đi hẳn. Không âm vang, không tin tức. Nhưng mấy mươi năm qua rồi, trên vai tôi vẫn còn một vết sẹo, dấu của chiếc răng khểnh. Bây giờ nhớ lại, tôi biết mình đã may mắn hơn nhiều bạn trai cùng lứa tuổi. Bài học vỡ lòng về điều bí ẩn của tồn sinh, tôi đã không phải học với những cô gái làng chơi gian dối, mà trong vòng tay ấm áp của một người đàn bà dịu dàng, chân thật và thương yêu tôi.
Chẳng biết bây giờ Trúc ở đâu, còn sống hay đã chết. Cứ mỗi lần sờ tay trúng vết sẹo trên vai, tôi lại nhớ mùa hè ngây dại của tuổi hai mươi, có lùm cây che khuất cửa sổ, có tiếng ve râm ram giữa trưa hè. Bất giác tôi nhắm mắt lại gọi thầm: "Chị Hai ơi!"
Trần Thùy Mai