CHUYỆN VỀ MỘT ÔNG THẦY
Dương Quảng Hàm, nghe qua cái tên, bất cứ ai quan tâm đến nền văn học Việt
nam đều biết đó là một vị giáo sư có công lớn trong nền văn học nước nhà.
Ngoài việc dạy học cho nhiều thế hệ học sinh, thầy còn nghiên cứu văn học
và đã để lại cho hậu thế những công trình khảo cứu nghiêm túc và có giá trị.
(Việt Nam Văn Học Sử Yếu/ Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển...) Ở đây chỉ có ý nhắc
đến một câu chuyện có thật xảy ra vào những năm tháng thầy còn phụ trách
giảng dạy môn văn học cho trường Bưởi ngoài Hà nội.
Khi còn là giáo sư ở trường Bưởi, thầy Hàm nổi tiếng là một ông thầy
nghiêm, cả trường đều "rét" cái oai của thầy, hiếm khi thầy ban cho học
sinh một nụ cười, phải nói là một ông thầy luôn có... "bộ mặt hình sự". Có
lần một học sinh đã dùng com-pa vạch trên mặt bàn một vạch nhỏ để ghi dấu
khi thầy Hàm nở nụ cười, dù chỉ là cười mỉm. Cho đến cuối năm học, anh
chàng học sinh chuyên "sưu tập nụ cười thầy Hàm" đã làm "tổng kết" và công
bố cho bạn bè đều biết là chỉ có... ba vạch mà thôi!1! Học với thầy là một
ước mơ của những học sinh nào mê văn học, nhưng phải trả giá bằng cách
gồng mình chịu những hình thức kỷ luật, suốt niên học phải chịu "rét"
nhiều hơn là ấm áp.
Vậy mà một hôm, trong một lớp học của trường Bưởi, thầy Hàm đang say sưa
giảng về một thể thơ gọi là "yết hậu" (một thứ thơ đường luật biến thể, gồm
bốn câu: ba câu đầu có bảy chữ, và câu cuối chỉ có một chữ mà thôi). Cũng
nên nói thêm là khi thầy Hàm giảng bài thì ông hay nói say sưa như lên
đồng, đến không kịp... nuốt nước bọt. Có khi thì đang huyên thuyên như thế,
bất chợt ông dừng lại... nuốt nước bọt đánh ực một phát, rồi mới nói tiếp.
Đó là cố tật của thầy Hàm mà học sinh cả trường đều biết. Trở lại chuyện
bài thơ yết hậu, sau khi giảng tất cả những niêm luật của thể thơ này, thầy
Hàm đưa ra một thí dụ bằng một bài thơ do chính thầy cảm tác tại chỗ, bài
thơ có nội dung mô tả một anh chàng bợm nhậu, khi chết xuống âm phủ được gặp
mặt Diêm Vương mà trên tay vẫn còn cắp theo be rượu. Thơ rằng:
*"Sống ở dương gian đánh chén nhè,*
*"Chết về âm phủ cắp kè kè*
*"Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?*
*"Be"* (tức là be rượu. )
Sau khi ngâm nga dứt bài thơ ngắn đó, thầy hất hàm ra hiệu cho cả lớp
và nói:
"Em nào cho tôi một thí dụ tương tự xem nào."
Một quảng im lặng kéo dài hơn một phút, rồi đột ngột từ hàng ghế cuối lớp có
một cánh tay giơ lên, thầy ra dấu cho phép học sinh kia đứng lên để đọc bài
thơ của mình.
Sau một lúc chần chừ, anh chàng mới bắt đầu cất tìếng:
*"Sống ở dương gian chỉ nuốt đàm,*
*"Chết về âm phủ nói làm nhàm.*
*"Diêm vương phán hỏi rằng ai đó?*
Cậu học sinh nọ chỉ vừa đọc dứt câu ba, thì không ai bảo ai, cả lớp đều đồng
thanh hét thật to:
*"Hàm!!"*
Nghe đến đây, chắc bà con đều nghĩ rằng cả lớp sẽ bị "ông hung thần" nghiêm
trị, còn anh chàng học sinh chủ xướng kia chắc không tránh khỏi một trận
đòn tuốt xác ra. Vậy mà như một phép lạ, thầy Hàm lại mỉm cười, một nụ cười
thật tươi và hoàn toàn mang vẻ đôn hậu, dễ thương đến tội nghiệp. Và thưa
bà con, nếu như năm học đó có anh chàng nào muốn "sưu tập nụ cười", thì chắc
chắn sẽ được... bốn vạch trên mặt bàn học đấy.
Hôm nay, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, tui muốn nhắc lại mẩu chuyện này, để
tỏ lòng nhớ đến thầy Hàm, mong ông sẽ gặp toàn những người tử tế ở thế giới
bên kia, đang say sưa giảng bài cho học sinh, môn Văn Học Việt Nam.
Một đôi lời ngắn ngủi, coi như một nén hương cho thầy, có gì thất thố, kính
mong thầy lượng thứ.
Nguyễn Tấn Hồng