KIỂU NÀO CŨNG NHỨT
Tiểu phẩm của Tư Bờ Lau
Mấy rày Ba Khía buồn suốt từ tóc tới gót chân, buồn đặc tới mức vẽ ra được dạng hình, hít vào sặc thở ra ho. Bên xóm họ ăn mừng tưng bừng đón nhận bằng chứng nhận vườn có con mương dài nhứt, tiếng đờn ca ong óng vọng qua làm Ba Khía thêm tan nát. Kỷ lục duy nhất mà gia đình Ba Khía nhận cũng đã hai năm, vừa rồi danh hiệu nhà đông con nhứt xóm cũng bị người bên sông lấy mất, khi đứa trẻ thứ mười ba của họ ra đời.
Mà, nhà không có chứng nhận kỷ lục gì thì sao có thể ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ. Cổ nhân cũng dạy, làm người trong trời đất phải có kỷ lục gì với núi sông. Đến chùa là chốn vô vi cũng đua nhau tượng phật lớn nhứt, cột chùa chạm nhiều hình rồng nhứt, mái chùa cong nhứt, chỗ tụng niệm mát nhứt.
Người ta sinh ra có bàn chân bảy ngón, hay mọc đuôi thì nhẹ lo, kiểu nào cũng được biên vô sách kỷ lục có nhiều ngón nhứt hay đuôi dài nhứt. Nhà Ba Khía không được trời thương, tụi nhỏ ra đời chân tay vừa đủ, muốn kiếm được ngôi số một vợ Khía phải phấn đấu bằng sạch trứng, vậy mà giữ danh hiệu chỉ được một năm.
Bằng chứng nhận bị tháo bỏ rồi, vách nhà trống nổi gai ốc. Ba Khía nghĩ đủ đường, lập đủ kế. Con Hai Mén thấy tía rầu rĩ quá cũng thương, nói thôi để tui lấy bừa một ông già Đài Loan què hết ba chân, biết đâu được công nhận hiếu thảo nhứt xóm. Rõ ràng là hy sinh thân gái để gởi tiền cho tía má, chớ mong gì hổn hển với ông già hút gió hong kêu. Nhưng mới trù tính thì gái trong xóm rủ nhau đi lấy chồng ngoại làm con hiếu thảo cả bầy. Thua me gỡ bài cào, Ba Khía bắt con Đèo nuôi tóc, với hy vọng chừng mười năm thì tóc dài phết đất, đi nhận cái bằng kỷ lục gia treo trong nhà cho đỡ lạnh. Nhưng một bữa con nhỏ bị đánh ghen, vợ thằng bồ xởn rụi mái tóc sắp chấm gót. Những người đứng coi vụ ẩu đả chồng mày chồng tao một phen hú vía khi chí trên tóc Đèo bay vèo vèo như vãi gạo. Mà tụi chí thì cứ gặp đâu xâu đó, làm nên một cuộc lây lan cục bộ, dầu gội trị chí chợ xã cháy hàng.
Ba Khía tự hỏi kiếp trước mình ăn ở sao mà giờ ông trời chơi ác. Kế hoạch lập kỷ lục kiếm mảnh bằng làm thuốc cứ gặp trắc trở khó đỡ. Biểu thằng Út Mười không được tắm để lấy danh hiệu ở dơ thì nó suốt ngày ở ngoài mưa. Cho con Út Chót hai tuổi rưỡi đi thi hát “Thiên tài Việt” mong lấy kỷ lục ca sỹ nhỏ tuổi nhất thì phát hiện ra nó quá già so với đám trẻ tham gia. Có đứa còn chưa biết nói, lủm củm bò ra và ca “ngóe ngoe ngoeeeeeee”. Thằng cha Em Xi giới thiệu đó là bài hát “Nước mắt cho tình đầu”, thiệt vô lý hết sức. Ba Khía uất vợ không thể đẻ thêm để bồng đứa nhỏ ba tháng tuổi đi thi, chắc mẻm về nhứt.
Nhưng có va vấp trên đấu trường kỷ lục gia, mới biết trời cao đất rộng. Vợ Khía nghĩ chị đã là người chịu đòn chồng giỏi chẳng thua ai, đâu hay xóm dưới có bà vợ giỏi hơn, bị ông xã xiên đũa than nóng qua lòng tay mà tuyệt không than thở gì. Ba Khía cũng tưởng anh sẽ giật giải người uống rượu mạnh nhứt huyện, lúc ra đấu với Năm Lít chỉ biết tay trắng ra về. Đối thủ, chỉ với cái tên thôi nói hết trình độ rồi, Ba Khía chừng hai lít tám đế Gò Đen đã nằm dài ra ngáy.
Cả nhà trông vô thằng Còi với tài lặn lâu, mà suốt cả chục năm mò cua bắt ốc nó đã có bề dày kinh nghiệm. Màn biểu diễn vừa rồi thất bại, chỉ vì đối thủ của nó xỉn quá nằm dưới đáy sông đến năm giờ đồng hồ mới trồi lên. Ba Khía vác đơn đi kiện nhưng tòa bảo Trung tâm kỷ lục xóm Ó đâu có viết câu “lặn lâu, với điều kiện vẫn còn sống”, vậy nên họ không sai khi trao bằng chứng nhận cho thằng cha ngỏm củ từ. Đành phải đợi người ta sửa quy chế, nhưng trong cái quãng thời gian dằng dặc đó biết đâu lại có những kiện tướng lặn mới xuất hiện, trong cái thế giới lủ khủ dân bắt ốc mò cua.
Mỗi ngày Ba Khía mỗi già, khát vọng về nhứt vẫn đậm đặc nồng nặc, ti vi vẫn không thôi phát những tin kỷ lục vừa mới bị phá, xã có dây đu qua sông dài nhứt, huyện có nhiều chợ xây để bỏ hoang nhứt, tỉnh có nhà hát dột nhứt, trường có nhiều trò học lớp năm mà hong biết chữ nhứt. Những kỷ lục xướng lên như mũi kim đâm vào trái tim hom hem của Ba Khía.
Và ý tưởng táo bạo đã được nảy ra trong khổ đau.
“Phải làm sân đậu trực thăng. Má tụi nhỏ nhắm coi, xóm mình mai kia không chèo xuồng nữa, đi chợ bằng trực thăng hết, mà chung quanh nhà họ chỉ có ao mương sình bùn, sân đâu mà đậu. Mình được miếng đất rộng, đủ đậu chục chiếc trực thăng. Sẵn đó, sắp nhỏ sẽ làm dịch vụ cho mấy chiếc trực thăng, như bán dây buộc, dán kiếng cho đỡ trầy, rửa trực thăng, bơm vá bánh lăn”. Ba Khía bàn với vợ, trong một bữa căng cao su hứng nước dột từ trên mái lá xuống bàn thờ. Vợ lấy tay áo vá chằng đụp lau mồ hôi, hổn hển hỏi biết lấy tiền đâu. Thì vay, mượn, Ba Khía nói chắc nịch, lấy lại vốn mấy hồi. Chắc chắn sẽ lấy được danh hiệu “sân đậu trực thăng đầu tiên và rộng nhứt xóm”.
Miệng nói tay làm luôn, Ba Khía phát hoang đám lúa đang trổ đòng đòng quanh nhà, trong lúc vợ đi vay nóng vay lạnh nợ ngắn nợ dài. Ai đi qua cũng nghĩ Ba Khía bồi đất lên sân chắc để trồng đậu trồng cà. “Giỡn hoài, sân đậu trực thăng đó cha nội”, Ba Khía cố nén lòng để khỏi nói ra.
Sợ hàng xóm cạnh tranh, nhưng không khỏi. Khi cái sân tráng xi măng chừng phân nửa thì phải bỏ ngang vì hết tiền, mà miếng vàng bịt răng cuối cùng cũng đã cạy bán. Mấy đứa nhỏ lỡ miệng, lộ chuyện Ba Khía làm sân đậu trực thăng, bên xóm bắt đầu rục rịch làm y cái sân của anh. Nhưng họ lấp luôn đám ruộng, nói về rộng thì bãi đậu của Ba Khía không có cửa so đo.
Trong tuyệt vọng, nhìn mấy nhỏ lùa bò ra ăn cỏ ở sân đáp trực thăng xây nham nhở, Ba Khía hình dung cái ngày tận của mình chắc lạnh vô biên độ, vì về đất mà không có chứng nhận kỷ lục nào cặp nách đem theo. Một buổi trưa trời mưa lưa thưa, Ba Khía bất ngờ nhận được giấy mời đi nhận kỷ lục Thiếu nợ nhiều nhất xóm.
Thiệt là trong rủi có may. Biết rằng danh hiệu này khó giữ được lâu, nhưng vui được chút nào hay chút ấy, đâu phải ai cũng may phước có cái kỷ lục cất trong nhà.
Nguyễn Ngọc Tư