CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ
Khi
nói đến khía cạnh thẩm mỹ, văn hóa và trang phục truyền thống của người
Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến tà áo dài và chiếc nón lá, thật
vậy, trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của
quá trình phát triển lịch sử, tà áo dài Việt Nam tồn tại cùng với thời
gian, được xem là trang phục truyền thống mang tính lịch sử lâu đời của
người Việt.
*Áo dài Việt Nam qua những chặng đường lịch sử
Ngược dòng thời gian tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài Việt với
hai tà áo thướt tha trong gió đã được tìm thấy qua các hình khắc trên
mặt trống đồng và hiện vật Đông Sơn cách ngày nay hằng nghìn năm.
Theo thời gian, trong khoảng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, để có dáng dấp
trang trọng và mang vẻ quyền quý hơn, phụ nữ nơi thành thị đã biến tấu
kiểu áo ngũ thân từ chiếc áo dài tứ thân nhằm thể hiện sự giàu sang cũng
như địa vị xã hội của người phụ nữ. Giống như một quy luật, trang phục
cũng đi liền với diễn biến của lịch sử, chiếc áo dài ngũ thân vẫn không
thể là điểm dừng của trang phục truyền thống Việt Nam.
Cho đến đầu thế kỷ 20, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo
thể năm thân, hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu
lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải,
trong thân trước. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay vì các loại vải
ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40cm. Cổ, tay và thân trên áo thường
ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo.
Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80cm. Cổ áo chỉ cao khoảng 2
– 3cm.
Phần nhiều áo dài ngày xưa đều may kép, tức là may có lớp lót. Lớp áo
trong cùng thấm mồ hôi, vì thế được may đơn bằng vải mầu trắng để không
sợ bị thôi mầu, dễ giặt. Một áo kép mặc kèm với một áo lót đơn ở trong
đã thành một bộ áo mớ ba. Quần may rộng vừa phải, với đũng thấp. Thuở
đó, phần đông phụ nữ từ Nam ra Bắc đều mặc quần đen với áo dài, trong
khi phụ nữ Huế lại chuộng quần trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế
hay mặc loại quần chít ba, nghĩa là dọc hai bên mép ngoài quần được may
với ba lần gấp, để khi đi lại quần sẽ xòe rộng thêm.
Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi
nhiều, gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm, thường được
mặc với quần trắng hoặc đen.
*Những cách tân đầu tiên
Một vài nhà tạo mẫu áo dài bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này, nhưng
gần như họ chỉ bỏ được phần nối giữa sống áo, vì vải phương Tây dệt
được khổ rộng hơn. Tay áo vẫn may nối. Nổi nhất lúc ấy là nhà may Cát
Tường ở phố Hàng Da, Hà Nội. Năm 1939 nhà tạo mẫu này tung ra một kiểu
áo dài được ông Âu hóa. Áo Le Mur vẫn giữ nguyên phần áo dài may không
nối sống bên dưới. Nhưng cổ áo khoét hình trái tim. Có khi áo được gắn
thêm cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai.
Khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Nhưng kiểu áo này chỉ tồn tại
đến khoảng năm 1943.
Đến khoảng năm 1950, sườn áo dài bắt đầu được may có eo. Các thợ may
lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau rộng hơn
thân áo trước, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Vạt áo cắt
hẹp hơn. Thân áo trong được cắt ngắn dần từ giai đoạn này. Cổ áo bắt đầu
cao lên, trong khi gấu được hạ thấp xuống.
Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập kỷ 60, áo dài bắt đầu được
may chít eo, eo áo cắt cao lên. Gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may
dài gần đến mắt cá chân. Nhiều người sau đó còn may áo dài với cổ khoét
tròn. Đến gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở thành thời thượng. Vạt áo
may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng hơn, không chít eo
nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể. Cổ áo thấp xuống còn 3cm.
Tay áo cũng được may rộng ra. Đặc biệt trong khoảng thời gian này, vai
áo dài bắt đầu được cắt lối raglan để ngực và tay áo ôm hơn, nhăn ít, mà
lại đỡ tốn vải. Tay áo được nối với thân từ chéo vai. Quần may rất dài
với gấu rộng đến 60cm và nhiều khi được lót hai ba lớp. Đến những năm
90, áo dài đã trở lại, cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn và bắt đầu được bạn bè
Quốc Tế nghĩ tới như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.
Áo dài ngày nay
Áo dài truyền thống thường được làm từ chất liệu lụa, thổ cẩm, đụi,
satin nhẹ nhàng. Nó có kết cấu với phần cổ đứng, cứng. Phần ống tay dài,
2 vạt váy trước sau được kéo dài chấm gót, quần ống rộng, mỏng kéo dài
quá gót tạo sự uyển chuyển trong từng chuyển động. Cùng với việc ra đời
nhiều mẫu mốt thời trang hợp thời, hợp xu hướng, chiếc áo dài truyền
thống cũng dần dần được cải biến cho phù hợp với thời hiện đại. Tuy
nhiên, kết cấu áo dài hiện đại phần đa chỉ cách điệu ống tay, cổ và họa
tiết hoặc "kéo ngắn" phần tà áo. Dáng áo về cơ bản vẫn đảm bảo 2 tà áo
trước, sau. Vì áo dài trót mang hơi thở truyền thống của dân tộc, kèm
theo đó là hương vị của sự nữ tính, kín đáo và hiền dịu của người con
gái Việt. Vì thế, cách tân áo dài không giống như cách tân các thiết kế
thời trang khác. Nó đòi hỏi nhà thiết kế phải thật tinh tế, biến cải
hiện đại, tân thời, không làm mất đi nét cổ truyền, không được phạm húy.
Cùng ngắm một số mẫu trong những bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế trong năm 2013-2014 này:
Thiết kế: Sĩ Hoàng
Thiết kế: Võ Việt Chung
Thiết kế: Công Trí