Saturday, 21 March 2020

THẦN Y HOA ĐÀ - THẦY THUỐC ĐẦU TIÊN PHẨU THUẬT GÂY MÊ



THẦN Y HOA ĐÀ - THẦY THUỐC ĐẦU TIÊN PHẨU THUẬT GÂY MÊ


Từ xưa đến nay, nhắc tới Hoa Đà có lẽ không người nào không biết. Bởi vậy, mỗi khi khen ngợi y thuật của một người nào đó cao siêu người ta thường nói đó là “Hoa Đà tái thế”. Thậm chí, người Trung Hoa xưa khi đến chúc mừng thầy thuốc mở phòng khám cũng tặng tấm biển “Hoa Đà tái thế”. Đó là bởi vì họ hy vọng rằng, vị thầy thuốc này cũng sẽ có y đức cao thượng và y thuật cao siêu như thần y Hoa Đà.

Thời Trung Quốc cổ đại, không có siêu âm, chụp CT cắt lớp, chụp XQ, cũng không có chụp cộng hưởng từ. Nhưng các y học gia thời Trung Quốc cổ đại lại có thể dựa vào cảm quan của nhân thể để thu thập tư liệu chẩn đoán bệnh. Cuối cùng, họ cũng thông qua những biểu hiện bệnh lý bên ngoài mà sáng lập ra một hệ thống lý luận về bản chất của bệnh lý – Trung Y học. Trong các danh y thời Trung Quốc cổ đại thì người đầu tiên phải được kể đến là Hoa Đà. Ông được xưng là thiên cổ đệ nhất Thần y.

Vài nét về thần y Hoa Đà
Hoa Đà tự là Nguyên Hóa, tên thật là Phu. Ông là người  huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự châu, là đồng hương của Tào Tháo. Ông sinh ra vào thời Đông Hán, là danh y nổi tiếng thời đại Tam Quốc.

Thời trẻ, Hoa Đà chỉ tập trung nghiên cứu y học chứ không màng đến việc tìm cầu con đường làm quan. Y thuật của ông là toàn diện, tinh thông nhất là giải phẫu, được người đời xưng là “Ngoại khoa thánh thủ” hay “Ngoại khoa thủy tổ”. Ngoài ra ông cũng tinh thông thuật châm cứu.

Khi hành nghề y, ông đã đi khắp nơi từ An Huy, Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô… để chữa bệnh cứu người. Ông từng dùng “ma phí tán” để gây mê cho bệnh nhân rồi sau đó phẫu thuật cho họ. Đây được xem là cách gây mê toàn thân ra đời sớm nhất được ghi chép trong lịch sử thế giới y học.

Ông còn mô phỏng điệu bộ của năm loài thú là cọp, nai, gấu, khỉ và chim để sáng tác ra bộ khí công có tên “Ngũ cầm chi hí” để mọi người luyện tập cho thân thể khỏe mạnh cường tráng.

Về sau này, Hoa Đà bị Tào Tháo giam vào ngục mà chết, cũng vì thế mà sách y học “Thanh nang kinh” của ông đã bị thất truyền.

Mồ côi cha, rời xa mẹ đi tìm thầy học y thuật
Theo sử sách ghi chép lại, Hoa Đà từ nhỏ đã có trí tuệ hơn người, làm việc gì cũng nhanh trí, nhạy bén. Năm Hoa Đà lên 7 tuổi thì cha của ông qua đời, gia cảnh vô cùng khốn khó, túng quẫn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Mẹ ông không còn cách nào khác đành phải bắt ông đi cầu khẩn người bạn thân của cha ông khi còn sống là thầy lang Thái để xin được học về nghề y.

Hoa Đà nghe lời mẹ, đi vào trong nội thành để tìm gặp thầy lang là bạn của cha và nêu rõ ý nguyện của mình. Khi gặp Hoa Đà, thầy lang thầm nghĩ: “Cha của Hoa Đà là bạn thân của ta, nếu ta không nhận thì người ở quê hương làng xóm sẽ trách mắng ta là: Bạn vừa chết đã vội tuyệt giao, bất nghĩa với bạn bè. Nhưng nếu ta nhận, thì không biết cậu bé này có phải là hợp để học nghề y hay không. Tốt nhất ta nên khảo nghiệm cậu bé này một chút!”

Lúc ấy, thầy lang nhìn thấy mấy học trò của mình đang hái lá dâu ở trong sân nhưng không với tới được cành cao nhất, trèo cũng không được liền nói với Hoa Đà: “Con có thể nghĩ ra cách để hái những lá dâu ở trên cành cao nhất kia xuống được không?”

Hoa Đà nói: “Điều này thực sự quá dễ ạ!” 

Vừa nói dứt lời, Hoa Đà gọi một người mang đến cho mình một sợi dây thừng. Sau đó, cậu buộc một hòn đá nhỏ vào đầu dây rồi ném qua cành dâu kia, cành dâu bị hòn đá nặng đè xuống nên mọi người có thể dễ dàng hái được chúng.

Thầy lang lại nhìn thấy hai con dê đang húc nhau, mọi người xúm vào can ngăn mà không được, ông lại nói với Hoa Đà: “Con hãy tìm cách để hai con dê kia không húc nhau nữa xem!”

Hoa Đà nhanh nhảu trả lời: “Điều này cũng không khó!” Nói rồi, Hoa Đà đi vòng quanh gốc dâu mà lấy được hai nắm cỏ xanh mướt đem đến để trước mặt hai con dê kia. Hai con dê sau một hồi húc nhau đã mệt lại đói nên vừa nhìn thấy nắm cỏ non liền rời nhau ra.

Thầy lang sau hai lần thử thách đã nhận ra Hoa Đà là cậu bé chịu suy nghĩ, thông minh, nhanh trí hơn người nên lập tức vui vẻ thu nhận làm học trò của mình.

Nhìn sắc mặt, bắt mạch là có thể trị khỏi bệnh
Hoa Đà có thể dựa vào việc xem sắc mặt, biểu hiện bên ngoài của người bệnh mà chẩn đoán bệnh và đưa ra cách chữa trị chuẩn xác. Những ví dụ về điều này cũng được sử sách ghi chép lại rất nhiều.

Một lần, Hoa Đà gặp một người đẩy xe có sắc mặt khô vàng, thở gấp, bệnh tình rất nặng. Sau khi tiến lại hỏi thì người này nói rằng bị đau quặn ở trong bụng. Hoa Đà lập tức kết luận người này đã bị viêm ruột thừa, cần phải kịp thời phẫu thuật.

Ngay sau đó, Hoa Đà cho người bệnh uống “ma phí tán” để gây mê rồi ông dùng con dao mổ nhỏ mổ bụng người bệnh ra và cắt đi phần ruột đã bị loét.

Sau khi đã phẫu thuật xong, làm sạch vết thương, ông khâu bụng lại và thoa lên vết thương một loại thuốc mỡ chống viêm. Mấy ngày sau, vết thương rất nhanh đã lành lại và người bệnh cũng khôi phục bình thường.

Trong cuốn sách “Hậu Hán Thư” có đoạn kể rằng, vợ của Lý tướng quân bị bệnh, nên gia đình họ liền mời Hoa Đà đến khám và chữa trị. Hoa Đà sau khi bắt mạch, nói: “Phu nhân là bởi vì đã bị thương trong thời kỳ mang thai, thai nhi bị chết nhưng chưa thoát ra ngoài được nên mới bị bệnh.”

Lý tướng quân nghe Hoa Đà chẩn đoán như vậy liền nói: “Trong thời gian mang thai, quả thực phu nhân tôi đã bị thương, nhưng mà thai nhi thì đã thoát ra ngoài rồi.”

Hoa Đà vẫn kiên trì nói: “Từ mạch đập mà chẩn đoán thì thai nhi vẫn là chưa thoát ra ngoài.”

Lý tướng quân vẫn một mực khăng khăng cho rằng lời Hoa Đà nói là không đúng.

Một trăm ngày sau, bệnh tình của vợ Lý tướng quân chuyển sang trầm trọng hơn. Lý tướng quân lại cho người mời Hoa Đà đến khám bệnh.

Sau khi bắt mạch một lúc, Hoa Đà nói: “Mạch vẫn như lúc trước, vốn là do lần đầu tiên phu nhân mang song thai, nhưng sinh non nên bị mất quá nhiều máu. Cũng vì thế mà thai sau, phu nhân cũng không sinh ra được. Hiện giờ thai nhi này đã chết mà không thoát ra ngoài.”

Sau khi chẩn đoán xong, Hoa Đà châm cứu cho vợ của Lý tướng quân, đồng thời cho bà uống thuốc. Một lát sau, vợ của Lý tướng quân đau đẻ nhưng lại không sinh ra được. Hoa Đà bèn nói: “Đây là thai nhi đã bị chết và khô rồi cho nên không thể sinh tự nhiên ra được, mà phải dựa vào cách nhờ người lấy ra.” 

Sau đó, một người phụ nữ khác đã làm theo cách chỉ bảo của Hoa Đà và lấy ra được thai nhi kia. Vợ của Lý tướng quân nhờ đó mà phục hồi được sức khỏe.

Không màng danh lợi, một lòng tạo phúc cho dân chúng
Hoa Đà bởi vì có y thuật cao siêu nên chẳng bao lâu mà danh tiếng của ông lan xa khắp vùng. Tào Tháo là người cùng quê với Hoa Đà, khi ấy thường hay bị căn bệnh đau đầu quái lạ hành hạ, dù đã rất nhiều lần mời thầy thuốc giỏi về chữa trị nhưng cũng không khỏi. Sau khi nghe danh tiếng về y thuật cao siêu của Hoa Đà nên đã cho mời ông về trị bệnh. Hoa Đà chỉ châm một kim thì bệnh đau đầu của Tào Tháo đã biến mất.

Tào Tháo sợ bệnh đau đầu của mình lại tái phát nên đã ép buộc Hoa Đà phải ở lại Hứa Xương để chữa bệnh cho mình và cấp cho Hoa Đà một người hầu.

Nhưng Hoa Đà bản tính thanh cao, không muốn bị ràng buộc vào công danh lợi lộc, cũng không muốn làm một thầy y chỉ phục vụ cho một người mà muốn trị bệnh cho dân chúng. Vì thế, Hoa Đà liền từ chối, nói rằng muốn trở về quê để tìm thuốc. Nhưng từ khi đi, Hoa Đà không quay trở lại nơi ấy nữa.

Tào Tháo nhiều lần viết thư yêu cầu ông quay trở lại, cũng đồng thời phái quan lại địa phương đến tận nơi thúc ép nhưng Hoa Đà vẫn một mực từ chối. Ông còn nói rằng vợ đang bị bệnh nặng, không thể trở lại bên Tào Tháo để từ chối.

Tào Tháo vì thế mà giận dữ, phái người đặc biệt đến nhà Hoa Đà điều tra. Tào Tháo nói với người đi điều tra rằng: “Nếu như vợ của Hoa Đà thực sự bị bệnh, thì hãy cấp cho họ 400 đấu đậu đỏ và gia hạn thêm thời gian, còn nếu như là giả dối thì bắt về trị tội.”

Không lâu sau, Hoa Đà bị dẫn về Hứa Xương trị bệnh cho Tào Tháo. Lúc ấy Tào Tháo đang giữ chức thừa tướng. Lần này, sau khi chẩn đoán bệnh xong, Hoa Đà đã nói: “Bệnh của thừa tướng lúc này thực sự đã rất nghiêm trọng, không thể châm cứu là có thể khỏi được. Tôi nghĩ, trước tiên ngài cần uống ma phí tán, sau đó phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u trong não thì mới trị được hết bệnh này.”

Tào Tháo vừa nghe những lời này của Hoa Đà thì giận dữ, chỉ tay và Hoa Đà, lớn tiếng trách mắng: “Đầu mổ ra rồi, người còn có thể sống sao?”

Tào Tháo không tin lời Hoa Đà, cho rằng Hoa Đà muốn âm mưu hại mình nên đã ra lệnh bắt giam Hoa Đà lại chờ xử tử. Trước khi chết, Hoa Đà đã ở trong ngục, chỉnh lý lại cuốn sách y học “Thanh nang kinh”, giao cho người đứng đầu nhà tù và nói: “Cuốn sách này truyền lại cho đời sau, có thể cứu được muôn dân trăm họ trong thiên hạ.” Nhưng người này vì quá sợ hãi nên một mực từ chối, không dám nhận. Hoa Đà đành phải nén nỗi đau, dùng lửa đốt cuốn sách quý ấy.
Về sau, khi Tào Tháo bị bệnh, lại tìm đến Hoa Đà thì Hoa Đà đã chết rồi. Cuối cùng Tào Tháo cũng vì bệnh này mà chết.


Chân dung thần y Hoa Đà. Ảnh: Xuehua.

'Thần y' Hoa Đà, thầy thuốc đầu tiên phẫu thuật gây mê 

Được mệnh danh là một trong tứ đại danh y Trung Quốc, Hoa Đà là "thần y" tiếng tăm lẫy lừng từ cuối thời Đông Hán Trung Quốc với những cống hiến vĩ đại cho nền y học cổ truyền. Đặc biệt, ông còn được coi là thầy thuốc đầu tiên thực hiện phương pháp phẫu thuật gây mê.


Hoa Đà xuất thân từ một gia đình nghèo thời Đông Hán. Ông rất hứng thú với y học và dành cả đời hành nghề chữa bệnh cứu giúp nhân dân. 
Với kiến thức y học tinh thông, Hoa Đà đã tìm ra những phương thuốc, bí quyết quý giá cho người đời như Ngũ Cầm Hí và Ma Phí Tán, loại thuốc giúp tạo ra phương pháp phẫu thuật gây mê.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, có truyện Quan Công khi đánh Phán Thành bị trúng độc ở cánh tay. Do độc tố quá mạnh, Hoa Đà phải mổ vào tới xương Quan Công. Tuy nhiên, phần xương đã chuyển xanh, cần cạo bỏ mà khi ấy không hề có thuốc giảm đau hay thuốc tê.
Trước tình hình này, Hoa Đà đã dành nhiều ngày nghiên cứu và chế ra Ma Phí Tán. Uống thuốc này hòa với rượu, bệnh nhân sẽ hôn mê trong quá trình phẫu thuật, giúp ca mổ diễn ra thuận lợi.
Ma Phí Tán đặc biệt hữu hiệu đối với các trường hợp cần đại phẫu như loại bỏ khối u, khâu dạ dày. Thành phần chính của thuốc gồm thảo ô, đương quy, nam tinh.
Sau này, y học phương Tây cũng chế tạo ra một số loại thuốc mê phục vụ phẫu thuật như thuốc phiện, chloroform. 
Với bài thuốc Ma Phí Tán từ gần 2.000 năm trước, Hoa Đà trở thành người đầu tiên thực hiện phương pháp phẫu thuật gây mê.

Image result for thần y hoa đà