Wednesday, 25 March 2020

NHỮNG VÒNG KHÓI THUỐC CHƯA TAN…(tiếp theo) - Nguyễn Tư


NHỮNG VÒNG KHÓI THUỐC CHƯA TAN…(tiếp theo)

                                     

Thế rồi, mùa thi đã đến, như tôi chờ mong, lẫn với hình ảnh chập-chờn của ngôi trường Văn khoa hoa-dạng mà tôi từng lén ghé qua thăm, đầy ắp ước mơ tôi sẽ đậu Tú-tài kỳ này hầu ghi danh tức khắc vào đây để thoả lòng háo-hức. Tôi thức dậy sớm, ăn uống đàng hoàng, vẫn mặc đồng phục áo dài trắng như mọi ngày đi học, mang theo mọi thứ dụng cụ cần thiết cho cuộc thi viết bữa đầu tiên là môn Triết học hệ số 3 cho ban C, tôi bơm đầy ống mực cho cây bút máy hiệu Caolo thời ấy, mà Ba tôi đã tặng khi tôi đậu Tú-tài 1 năm trước với hạng khá tốt “Bình thứ”…Tôi cố gắng giữ lòng tự tin về kỳ thi cuối cùng bậc Trung học này bởi vì tôi tự biết sức học của tôi không tệ, vì trong các kỳ thi lục cá-nguyệt, Tú tài 1… tôi đều có điểm cao cơ mà …Tôi là thí sinh trường Công lập, được ngồi  cạnh với những thí sinh “tự do” khác như công-chức hay quân-nhân ở dãy bàn chót lớp…chỉ vì người ta xếp tên theo vần …Ngồi trong phòng thi với số ký-danh ghi sẵn trước mặt, tôi cảm thấy cô đơn lạ kỳ, vì chả có ai quen, toàn là người lạ mặc thường phục và họ có vẻ lớn tuổi hơn tôi nhiều, chắc họ đi thi để có tấm bằng lên lương nuôi gia đình hoặc lên lon trong quân đội …Lòng tôi cô quạnh và hồi hộp vô cùng, chỉ biết lặng lẽ chờ coi thử ai là Giám-thị phòng thi, thường là một Giáo-sư hay Giáo-viên địa phương làm Giám-thị 2 và Giám thị 1, là Giáo-sư từ xa đến …Chúng tôi ai cũng im lặng ngồi chờ với tâm trạng lo âu không biết đề thi năm nay như thế nào, có dễ nuốt hay không vì nó là môn chính ban C mà …Bất ngờ, bỗng cả phòng xôn-xao khi có 2 Giám-thị cùng bước vào, một nam và một nữ, trên tay họ đầy ắp giấy tờ thi, như phiếu thí-sinh có dán hình và lý lịch để Giám thị nhận diện từng người, hầu tránh nạn thi thế, giấy thi gạch sẵn có phần “phách” trên đầu từng trang sẽ bị cắt đi trước khi giao bài cho Giám khảo chấm hầu tránh tình trạng gian lận điểm khi người chấm và người thi biết nhau, sẽ không công bằng, và những xấp giấy nháp nhiều màu xanh đỏ tím vàng …khác nhau để tránh tình trạng đổi nháp cho nhau …Khi đó, tôi giựt thót tim lúc nhìn thấy cô Trâm cùng với nam Giáo-sư bước vào …không phải tôi mong được cô giúp đỡ gì nhưng gặp được người quen thân thì tôi vui và an tâm hơn …khi mọi người xung quanh tôi đều xa lạ …Cô Trâm nhìn tôi mỉm cười, và tôi cũng vậy, không tỏ dấu hiệu gì khác thường để tránh những hiểu lầm không cần thiết…Hai người không biết có quen nhau trước hay không trong những kỳ chấm hay gác thi trước, vì mỗi năm họ sẽ bị đổi đi ở những nơi khác nhau …tránh tình trạng “gà nhà” …Tôi thấy cả thầy lẫn cô mỗi người một công việc vội-vã hành sự, thầy thì cầm bọc “Phiếu thí-sinh” đi quanh khắp phòng để nhận diện từng người, và cô thì phát giấy thi và giấy nháp màu cho mỗi người để họ kịp ghi tên tuổi, số ký danh vào giấy thi và giấy nháp màu trước giờ chuông reo cho cuộc khảo hạch bắt đầu …Ông thầy cao ráo, vẻ mặt buồn-buồn nhưng hiền lành, hơi xấu trai một chút, nhưng nhanh-nhẹn, da hơi ngâm, dáng đi vững chắc rất đàn ông, mặc sơ-mi trắng ngắn tay, cà-vạt tà đầu, quần sậm, giày da nhưng đế cao-su mềm-mại không gây tiếng động nào như các Giáo-sư khác thời ấy ưa đeo kiếng đen, mang giày đế cứng khi đi nghe bộp-bộp gây ra những hồi hộp trong không gian yên tĩnh mà nghiêm-ngặt như trong phòng thi ……Cô tôi thì vẫn ăn mặc bình thường như mọi ngày đi dạy, cô choàng “bandeau” màu xanh nhạt trên mái tóc hơi dài sau lưng và áo dài tím than ...Sau khi làm thủ tục xong thì hai người đứng tựa lưng vào khung cửa trước, nói thì-thầm gì đó mà chúng tôi không thể nghe, chỉ thỉnh thoảng thấy hai người cùng cười, hoặc một trong hai người cúi đầu …Cô Trâm có nói gì đó với thầy vừa chỉ xuống chỗ tôi ngồi, chắc là cô giới thiệu học trò “cưng” của cô ở đây chăng?…

Một lát sau, bất ngờ Giám-thị hành-lang gõ cửa bước vào chào xã giao hai vị Giám thị phòng, rồi trao một phòng bì lớn màu giấy súc cho Giám-thị 1, thầy đưa tay nhận phong bì nói cám ơn, rồi cùng cô tôi hướng về chiếc bàn trên bục giảng, xong thầy giơ cao mặt sau phong bì có cái dấu khằng màu nâu ghi chữ “tuyệt mật” của Nha Khảo-thí đóng vào… cho mọi thí-sinh xem, chứng tỏ đề  còn nguyên-si chưa ai biết nó ra sao cả? Nhưng sau vài phút săm-soi phong bì, thì cả lớp đều ngỡ-ngàng khi chúng tôi thấy thầy Giám thị 1 xé phong bì ra xem tỉnh queo ….làm cô Trâm ái-ngại nói : “Phạm trường-qui chết anh ơi !” Ông thầy mỉm cười nói: “Cái gì mà tôi không dám chơi, vả lại đề vẫn bí-mật như thường, tôi đâu phải thí-sinh mà lo, hơn nữa mình tiết kiệm thời gian vô ích cho thí-sinh …vì lát nữa cũng sẽ xé ra thôi, mất thì giờ…” rồi thầy lấy ra cái đề thi bản chính có in mộc đỏ, cốt để Giám thị so với những bản sao có sai-sót gì về kỹ thuật in ấn thì phải sửa cho thí sinh tức khắc …nhưng khi đọc bản chính đề thi, thì tôi thấy thầy mỉm cười chìa cái đề thi ra cho cô Trâm coi …Cô đọc sơ rồi cũng cười theo, tôi áng chừng đề thi không khó lắm và học sinh mình dạy vẫn có  thể làm được, trong đó có tôi …bởi vì các thầy cô dạy các lớp đi thi, họ cũng lo không thua gì học sinh của mình nếu đề thi dễ hay “trúng tủ” vào những điều mình đã dạy trong năm thì hẳn họ phải vui …Chúng tôi ai cũng hồi-hộp đợi chờ, nhưng cứ nhìn các nụ cười, thay vì những cái nhíu mày,  khi đọc đề thi của hai vị Giám thị, thì riêng tôi cảm thấy an tâm phần nào, trong lúc thầy đưa tay coi đồng hồ thì hốt nhiên hồi chuông ngoài hành lang vang lên giòn-giã báo hiệu giờ thì bắt đầu. Ông thầy vội đứng lên ngắt làm 2 xấp đề thi đưa cho cô Trâm một nửa bảo, chị làm ơn phát đề cho dãy bên tay mặt giùm tôi nha. Lẹ lên! Cả hai người phóng xuống lớp nhanh như chớp, họ phát đề đầy đủ cho mọi người vừa hỏi ai chưa có đề giơ tay lên …Cả lớp lặng im như tờ vì ai cũng chăm chú đọc đề Giáo khoa lẫn đề luận vì mỗi thứ số điểm sẽ bằng nhau …để tránh tình trạng ai không làm được đề luận thì së vớt-vát bằng 10 câu Giáo khoa bởi luận Triết thường rất khó không dễ gì kiếm điểm cao …như Giáo khoa …Tôi được xếp ngồi bàn chót cùng với 2 thí-sinh tự-do…khi ông thầy đến gần, tay tôi run cầm-cập nên phải nắm chặt vào cạnh bàn để ổn định cảm xúc lo âu …Ông thầy vừa đưa cái đề thi cho tôi, thấy tay tôi run một cách bất thường nên thầy nói nhại một câu giễu thời đó rằng “Chưa thấy quan-tài, nên chưa đổ lệ”…thành “Chưa thấy quan tài sao tay run như cầy sấy vậy?” với nụ cười hiền lành, vui vẻ để cho tôi bớt sợ chăng ?Tôi đưa hai tay nhận miếng đề thi trắng nõn, chấn xén ngay ngắn còn mùi giấy mới xông lên và nói cám ơn thầy nhưng mắt thì vẫn dán chặt vào miếng đề thi mà tay vẫn còn run …Tôi đọc lướt qua 10 câu Giáo khoa, gồm những đề tài tôi đã học trong lớp như: Hãy phát biểu “Nguyên-lý túc-lý”? “Định-đề”(Postulat) và “Định-lý”(Théorème)khác nhau như thế nào ?Hãy cho một thí-dụ về “Hành-động lỡ”(Acte manqué)? Quan niệm về “Vô-thức” của Jung? “Tiếc”, “ăn năn” và “hối cải” khác nhau ra sao? Toán Euclide, toán Riemann, toán Lobachevsky…cái nào sai, cái nào đúng? Vì sao? “Đạo-đức đối với bản thân” là gì, thí dụ?... xong tôi lướt mắt qua phần đề luận thì tôi chọn đề cuối cùng …nói về “Tình yêu” từ câu nói nổi tiếng của Saint Exupéry  -  một nhà Văn lớn thời thượng của nước Pháp mà tôi đã từng ngưỡng mộ: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”…dù tôi chưa hề có kinh nghiệm về Tình yêu bao giờ, ngoại trừ những tâm tình mà tôi từng nghe từ Cô Trâm của tôi kể lại mà thôi…Lúc này cả lớp im phăng-phắc mọi thí sinh đều chăm-chú làm bài, chỉ có tiếng bước chân đi của thầy cô Giám thị qua lại trong phòng thi…Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn chung quanh để nghỉ mệt một chút cho trí óc tỉnh táo, tôi thấy cô và thầy mỗi người một nơi và rất lặng-lẽ …Cô tôi chọn cái ghế trên bục giảng ngồi nhìn xuống đám thí sinh đang miệt-mài làm bài, còn thầy thì hay đứng ngoài cửa sổ, hai tay tì lên bệ cửa nhìn vào vì cửa sổ không có chấn song, chốc-chốc thầy lại vào bên trong lớp đi vòng-vòng nhắc thí sinh nhớ ghi số ký-danh không thì bài sẽ lạc mất, thầy còn nhìn đồng hồ đeo tay của mình để nhắc giờ cho thí sinh biết họ còn bao lâu nữa để làm bài vì thời này không phải ai cũng có đồng hồ đeo tay như sau này …Có khi tôi thấy thầy đứng nơi cửa sổ nhìn ra bên ngoài, rồi móc thuốc  Pal Mall châm hút với cái quẹt ga màu đen tuyền nhỏ xíu rất đẹp …như để thư giản …xóa tan cái không khí căng thẳng, im-ắng của một phòng đang thi chăng?…Những làn khói xám bay cao từ-từ do thầy thổi nhẹ vào khoảng không mênh-mông của đất trời …lúc này trông thầy rất tài tử, điệu nghệ và lãng-đãng như đang mơ tới một điều gì đó xa-xăm …hốt nhiên làm tôi sực nhớ đến một hình ảnh nào đó trong tiềm thức tôi, y chang như cảm xúc trong bài giảng của cô Trâm lúc trước có tên “Liên-tưởng” (Association des idées)  mà cô dẫn chứng thực tế bằng câu hát của TCS “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa…” mà tôi không bao giờ quên … Cô tôi vẫn ngồi yên một chỗ trên bục giảng, rất ít di chuyển hơn có lẽ vì cô là phái yếu đã có gia dình và có con...nên không ưa sinh động …Sau vài phút thư giản ngắn-ngủi, tôi bắt đầu nháp sơ dàn bài luận, đây mới là gian-nan …hơn các câu giáo khoa rất nhiều, ban C mà …Tôi ngồi mường-tượng lại tất cả những gì mà tôi đã biết về nhà Văn danh tiếng này: St Exupéry! Ông xuất thân là một Phi-công lái máy nhỏ đường bay quốc tế cho một hãng chuyển thư từ châu  u tới Nam Mỹ và ngược lại …Tất nhiên với hành trình dài như vậy, máy bay cánh quạt nhỏ thời bấy giờ, cộng với thời tiết khắc nghiệt và những trở ngại địa lý hiểm nguy như sa-mạc Sahara ở châu Phi, như dãy núi Andes ở Nam Mỹ cao ngất đầy mây …mà máy bay ông đã phải rất khó khăn mới vượt qua được. Có khi máy bay ông phải gãy cánh giữa hoang vu của những bộ lạc ăn thịt người …và ông phải tự mưu sinh thoát hiểm bằng mọi cách để sống sót. Có lần, ông kể khát quá ông phải lấy đùm giẻ lau đầy dầu mỡ trong máy bay để thấm những giọt sương đọng trên cánh máy bay qua đêm rồi vắt ra uống, uống vô tới đâu ói ra tới đó, mà ông dùng chữ rất khủng-khiếp để diễn tả trạng huống này là “écoeurant”(nhói tim) thì tôi nhớ mãi, nhưng ông vẫn phải uống để sống sót. Có lúc tuyệt vọng quá ông đã rút súng kê vào đầu tính tự sát nhưng bên tai ông văng-vẳng tiếng đứa con trai ông vừa vài tuổi kêu “Papa”, cùng người vợ trẻ tên Fabian ở quê nhà đang đợi ông về, nhất là những đống thư còn trong máy bay mà ông phải giao lại cho hãng để người ta phân phối lại cho khách hàng đang ngóng mong tin thân nhân, người yêu họ… từng phút giây từ phương xa thì ông không thể chết được. Thế là ông gắng sống sót ….mới thấy tình yêu gia đình và trách nhiệm nghề nghiệp với khách hàng của ông thực vô biên …Nhưng đời ông đâu phải dừng lại nơi đây, trong cuộc thế chiến thứ 2 chống Đức quốc-xã, ông đã gia nhập ngành Không-quân chiến đấu Pháp với cấp bực sau cùng là Trung tá, nhưng rồi ông đã bị mất tích vĩnh-viễn trong một trận không chiến với kẻ thù để trọn lòng với Tổ quốc mình trong tình cảnh “đi không ai tìm xác rơi…”(Văn Cao) thì quả thực ông là vị anh hùng dân tộc Pháp, cộng với tài Văn chương thiên phú đầy ắp tình người, thì tôi ngưỡng mộ ông là lẽ bình thường về tài năng lẫn tư-cách, cùng tình cảm dạt-dào với gia đình, khách hàng …nên tôi không lấy làm lạ nha Khảo-thí đã chọn đề thi này cho Ban C trong kỳ thi Tú tài cuối cùng, mà tôi đang hãnh diện tham dự. …Những vui buồn đời bay bổng này ông đã ghi lại thành sách mà tôi đã từng đọc nhờ có chút vốn liếng ngoại ngữ mà Ba tôi bắt học trong những tháng Hè ở Sài gòn với ý nghĩ ông thường dạy anh em nhà tôi rằng “Biết được một ngoại ngữ là mình có thêm một tâm hồn…” nên tôi đã ngấu nghiến với “Terre des hommes”(Cõi người ta), “Chuyến thư miền Nam (Courrier du Sud), “Vol de nuit”(Bay đêm), và “Pilote de guerre”(Phi-công thời chiến)….thì cũng đủ tâm cảm và hiểu biết để tôi chọn đề luận này…Tôi viết thao-thao bất tuyệt như sợ không kịp giờ …đúng là tôi tham lam thực….Lúc đó cô Trâm rời ghế xuống lớp đi ngang qua chỗ tôi đang ngồi làm bài hỏi nhỏ “Chọn đề nào vậy?” tôi ngước nhìn cô nói nhỏ vừa đủ để cô nghe “Thưa đề 3, Xanh-tét cô ạ!”(Thời này người ta ưa nói tắt tên “Saint Exupéry”như vậy)…Phải công nhận là tôi quá tham-lam, quá ôm-đồm về một đề tài mà tôi rất am hiểu và rất ư thích thú… đến nỗi tôi có cảm tưởng rằng tôi viết bao lâu cũng không cạn ý nguồn về Tác giả thần tượng này …dù ông thầy ưa coi đồng hồ và luôn miệng nhắc-nhở thí sinh nên kiểm soát lại bài mình, nhớ ghi số ký danh… trong những giây phút chót gần hết giờ thi, nhưng tôi say mê viết, và viết …quên bẵng đi thời gian có giới hạn cho một bài thi, tệ hơn là không quan tâm gì tới lời nhắc nhở của ông thầy, chính điều này đã khiến cho tôi gặp vấn đề rất nguy hiểm: không hoàn thành xong bài viết hoàn hảo như ý mình muốn …là cái kết luận phải có  - dù ngắn của một bài viết….Lúc đó chuông reo báo hiệu hết giờ, tôi tái mặt như tàu lá héo, rồi hai dòng nước mắt tuôn trào, đúng là thực sự tôi đang nhìn “thấy quan tài” như ông thầy nói giễu lúc nãy… mà vẫn cố viết thực nhanh những dòng cuối, vì nếu không bài luận dù có hay tới đâu vẫn bị “què”, thì điểm sẽ thấp, rớt như chơi…vì đây là môn chính của ban C mà…?Tôi nhìn quanh thấy phần lớn đã đặt bút xuống như qui định, họ chỉ kiểm tra lại số ký-danh mà thôi, nhưng cũng có một số người viết rán như tôi vì ít ai thi hành đúng luật như máy được . Ông thầy dặn thí sinh ngồi tại chỗ, kiểm tra lại lần cuối cùng bài của mình để Giám thị sẽ đi thu bài thứ tự….Khi đi ngang qua tôi, ông rất ngỡ-ngàng khi nhìn tôi đang vừa vội viết vừa khóc thút-thít thì ông hiểu điều gì đã xảy ra…và ông nói như hối thúc tôi: “Lẹ lên, tôi sẽ thu bài các dãy bàn phía trên trước vì trên ấy được phát đề thi ra trước …”Tôi chợt hiểu vì sao thầy lại nói với tôi như thế trong hoàn cảnh này, và tôi thầm cám ơn ông thầy tốt bụng, không hiểu vì ông biết tôi là đứa trò cưng duy nhất của cô Trâm ở đây như cô đã ám chỉ với thầy từ lúc đầu, hay vì những giọt nước mắt thất vọng lẫn sợ hãi của tôi đang tuôn trào ?…Bởi một người có từ-tâm không thể nào làm ngơ trước những hoạn nạn của người khác, nhất là một dứa con gái nhỏ bé như tôi, cũng là học sinh ruột của đồng nghiệp mình cùng hành sự nơi đây, mà không có gì quá đáng hết khi mình có thể …Vậy là, tôi viết xong xuôi cái kết luận vừa dang-dở, nên  tôi an bình nở nụ cười mãn nguyện, xua tan những bối-rối  cực kỳ hiểm nguy trước đó vài phút, tôi cảm ơn ông thầy rất “dễ tính” và cảm ơn cô của tôi …. 




Tôi nán lại một lát khi mọi người đã ra về, vì tôi phải chào và nói lời cảm ơn ông thầy và cô tôi mới phải phép. Tôi thấy thầy và cô chụm đầu lại bên nhau trên đống bài dày cộm, họ đang kiểm tra lại tất cả những gì mà họ phải làm như đếm bài, và phải có đủ chữ ký của 2 Giám thị trên các bài thi, tránh tình trạng bài mất hay thí sinh không nộp bài thì phải làm biên bản rất phiền-phức cho các Giám thị…Xong xuôi đâu đó hết họ mới được rời phòng thi và Giám thị sẽ ôm bài và tất cả tài liệu còn dư như giấy thi, giấy nháp… cùng bọc phiếu thí-sinh về nộp nơi phòng Trung ương, bài vở sẽ được kiểm tra lần nữa thực kỹ nơi đây, rồi Giám thị ký-nhận xong mới được ra về …Lúc ấy tôi nghe ông thầy nói một cách chân tình với cô tôi: “Vậy là ok, Trâm về lo cho trẻ nhỏ …mọi thứ để tôi mang qua phòng Trung-ương nộp cho họ kiểm, rồi ký tên nữa là xong . Cám ơn nha!...” Cô tôi nói “Cảm ơn anh” giọng run-run như chừng cô đang xúc động với nét mặt buồn-buồn vì một điều gì đó mà tôi áng chừng là sự quan tâm của ông thầy về chuyện để cô về sớm chăm sóc cho con của cô …Rồi cô tôi đứng dậy chào từ biệt ông thầy…Lúc đó tôi cũng đến cạnh ông thầy cúi đầu chào nói lễ phép với chút khôi hài cho vui: “Em rất cảm ơn thầy đã dễ dãi cho em trong những giây phút rất ngắn-ngủi nhưng khốn-đốn nhất trong việc học hành của em…suýt nữa em lãnh quan-tài rồi…” Ông thầy cười lớn nói: “Việc nhỏ, đừng quan tâm, đã nhắc-nhở từng chặp mà không nghe, nhưng lần sau thi cử cẩn thận nha cô bé!” Cô tôi đứng bên rất ngỡ-ngàng khi nghe cuộc đối thoại đầy bí ẩn này vì cô không hề hay biết việc gì đã xảy ra khi cô chỉ bận thu bài dãy bên kia …và hay ngồi im trên bục giảng chứ ít khi đi xuống dưới …Xong đâu đó, cả tôi và cô chào từ biệt ông thầy lần cuối để ra về …Khi ra khỏi phòng thi trên đường về nhà thì tôi mới trình bày với cô mọi chuyện. Cô tôi rầy tôi quá chừng, nói trước khi đi thi cô đã dặn trước hết cả rồi, phải thực cẩn thận về giờ giấc của bài thì vì nó là giờ vàng bạc …bởi thế cô ưa bảo chọn câu nào dễ làm trước là vậy…nhưng thí sinh hay mất thì giờ vô ích để suy nghĩ những câu hỏi khó …Cô còn nói thêm, may nhờ tính thầy Võ-Hào “dễ chịu” và hay trắc-ẩn mới vậy chứ gặp ông Giám thị khác hắc-búa là em tiêu đời rồi …? Có ông khi nghe chuông báo hết giờ là bắt buộc mọi thí sinh phải bỏ bút xuống hết không ai được rọ-rạy gì nữa ….Bởi vì nguyên tắc là vậy, nhưng cuộc đời này đâu phải chỉ nguyên tắc, mà người ta thường phải “du-di” kể cả Quan-tòa, mới có án “giảm khinh”, y như trường hợp ông Cao-Bá Quát ngày xưa, một người tài hoa rất mực, rất ngang tàng, nhưng những ai ngang tàng thì họ thường là những kẻ “từ tâm” …khi ông chấm thi Hương, thấy bài của một sĩ-tử thực hay, nhưng ngặt là “phạm húy”, tức là xài chữ đụng đến tên Vua hay Hoàng triều, thì phải hỏng…còn bị phạt vạ nữa … Đó là nguyên tắc, dù là nguyên tắc vô-lý, vì đã đặt tên thì để cho người ta kêu, người ta viết sao lại cấm, nếu vậy thì đừng đặt tên cho rảnh việc và bất công …nên ông đã to gan dùng muội đèn sửa lỗi lại cho thí-sinh bất cẩn ấy… là điều ông sẽ bị ở tù mọt gông như chơi nếu bị phát hiện…nhưng ông vẫn cứ làm thì biết ông ta rất can đảm … Tôi cúi đầu xin lỗi cô tôi vì đã không nghe lời cô dặn trước đây, và cũng đã không nghe lời ông thầy chịu khó coi đồng hồ từng vài chục phút để nhắc nhở thí sinh làm bài cho kịp giờ, một công việc luật thi cử không bắt buộc mọi Giám thị làm bao giờ, nhưng vì thương học trò đi thi nên ông đã làm thế …Nhưng nhờ chuyện trò với cô nên tôi mới biết được tên thầy ấy là Võ-Hào, cái tên dấu huyền, nên nghe rất êm-đềm, tình cảm, lại không có chữ lót nên phát âm gọn-ghẽ, vả lại họ Võ, tên Hào rất mạnh-mẽ như trong những chữ “hào-kiệt”, hay “hào-khí” chả hạn. …đúng y như cách ứng xử của thầy ngoài đời …

Đi với cô được một lát thì cô phải rẽ lối về nhà, chúng tôi phải xa nhau …Cô chúc tôi may mắn và cẩn thận trong những môn thi tới. Tôi nói thưa vâng, cám ơn cô …Tôi lủi-thủi đi một mình về hướng bến Ninh-kiều để ra đó ngồi nhìn sông nước bao la cho tâm hồn thoải mái một chút sau những lo âu, sợ hãi về những gì đã xảy ra cho tôi trong bài thi rất hệ trọng buổi đầu tiên xuất quân, lẫn với niềm vui tôi đã bất ngờ gặp may mắn khi được một ông thầy lạ nhưng rất tử tế giúp tôi tai qua nạn khỏi, nếu không tôi sẽ bị rớt là cái chắc chỉ vì bất cẩn về thời gian chứ không phải tôi kém học lực …Tôi tự mỉm cười với chính lòng mình, một cách nhẹ-nhỏm, như chưa bao giờ, vì nếu hỏng tôi bị cô rầy, Ba tôi buồn, còn tôi sẽ rất thất vọng vì giấc mộng “ĐH Văn-khoa” của tôi sẽ vỡ tan-tành, mà tôi đã ấp-ủ nó suốt mấy năm qua khi tôi còn học lớp thấp …Nhưng trong niềm vui lãng-đãng này có lẫn lộn sự cảm phục ông thầy lạ về phong cách ngang tàng khi thầy tự xé đề thi dù chưa có chuông khiến cô tôi phải sợ, nhất là câu “Cái gì mà tôi không dám chơi…” nhưng ông ta cũng là một người rất “tếu”, khi nói với tôi câu giễu rất thời thượng “Chưa thấy quan tài…” chắc chỉ để trấn an tôi bớt lo âu, sợ hãi lúc tôi đưa tay nhận đề thi….Cái dáng vẻ trầm tư khi ông nhả những ngụm khói ra ngoài trời lúc ông đang đứng phía trong cửa sổ trông rất ấn tượng, nhưng quan trọng nhất vãn là cách ông “cứu” tôi công khai mà hợp lý khi ông nói “Tôi sẽ thu bài các dãy trên trước vì họ được phát đề trước”… vì ông là Giám thị phòng có quyền thu bài bắt đầu từ bất cứ nơi đâu ông muốn ai mà biết…?

 Về đến nhà tôi mừng rỡ khoe với Ba tôi điều may mắn, sáng nay tôi đã gặp được nơi phòng thi. Ba tôi rất mừng, nhưng cũng rầy tôi về chuyện vô ý trong khi thi cử và cũng mong có dịp để cảm ơn người thầy đã giúp đỡ cho tôi tận tình mà không hề có hậu ý gì ….
Đêm đó, tôi về soạn lại những bài để ôn cho môn thi ngày mai là những …môn phụ hơn. Tôi chỉ mong cho dứt mấy ngày thi cử, để bớt căng thẳng thần kinh. Đến buồi thi cuối, thì tôi thấy mình nhẹ-nhàng kỳ lạ. Tôi ngủ một giấc dài và tắm rửa sạch sẽ, rồi xách xe chạy đến nhà cô Trâm ngay để hỏi về những bài thi Triết mà tôi đã làm hôm nọ thử ra sao?Tôi học tương đối khá trong lớp nên cô cũng dành cho tôi những cảm tình riêng biệt, đôi khi gần gũi như người em, bời vì cô biết tôi là người lãng-mạn, ưa thơ phú và Triết như cô, nhưng điều quan trọng hơn là tôi không có mẹ ngay từ tấm bé … Cô Trâm đón tôi nơi cổng, dưới tàn cây móng bò nở rộ hoa tím. Cô gọn gàng trong bộ đồ hoa mỏng xanh dương trông mát mắt. Tôi đi theo cô bước vào phòng, cô cất tiếng hỏi ngay, vừa chỉ ghế mời tôi ngồi:
- Sao, mấy môn ngày sau em làm được chứ? Nghe nói toán, lý hóa …năm nay cho cũng dễ thôi mà!
- Dạ, cũng được. Họ cho viết công thức Toán rồi ứng dụng số. Vật lý cho về... “Giao-thoa ánh sáng” cũng không có gì rắc rối lắm. Toàn là câu hỏi giáo khoa ngắn thôi. Điều em lo nhất là bài Triết.
- Cô dạy rồi cả mà!
-Quan trọng là bài luận, em có cầm tờ nháp đây cô xem giùm em, như vậy đã đủ ý chưa?Em chỉ sợ mình lạc đề …
Cô Trâm đưa tay đỡ lấy tờ nháp và chăm chú đọc cái dàn bài mà tôi đã vạch ra cho bài luận. Tôi theo dõi kỹ nơi nét mặt của cô, khi nào cô nhíu mày, tôi biết cô không đồng ý, khi nào cô cười gục đầu là lúc cô “Ô-kê” … Tóm lại cô cho bài luận hạng khá, nhưng có vài điểm thừa … cô đoán chừng, kể cả các môn thế nào cũng trên trung bình khá … Tôi bỏ bụng mừng thầm và chợt nghĩ đến ông thầy gác chung với cô như một người ơn. Bỗng dưng tôi buột miệng hỏi:
-Trời ơi, ông thầy gác chung với cô ở tỉnh nào mà tử tế quá vậy cô? Nếu gặp ông Giám thị khác như mấy kỳ trước, vừa chuông reo là ổng bắt để bút xuống ngay và xuống bàn thu bài, đâu có chuyện để cho em tới vài phút? Cô có gặp lại thầy, gửi lời cảm ơn giùm em. May quá trời! Nếu không chắc kỳ này em đi tàu suốt luôn…Luận  gì lại không có kết luận, nhất là môn chính hệ số 3 ban C…Trời ui! Em sợ quá khóc ròng …
-Được “quới nhơn” giúp đỡ đó nha, cho em nhớ đời, lần sau đừng giỡn mặt với thời gian thi …bỏ cái tật ôm đồm về kiến thức …bội thực đó cưng …
- Dạ. Cảm ơn cô. Chắc hẳn cô cũng có nói gì đó thầy mới dễ dãi như thế, chứ không thì chết mất!
- Tính tình của thầy cũng hiền lành lắm, dù có ngang tàng đôi chút. Vả lại cô cũng có nói em là học trò cưng của cô, học khá giỏi và rất ngoan. Bạn đồng nghiệp với nhau cả mà em? … Rồi cô tiếp:
- Chẳng những Đồng nghiệp mà còn mà dạy cùng môn nữa, ai nỡ nào?
- Hèn chi, lúc xé đề thi, em thấy thầy chỉ gì trong đó cho cô rồi cười.
-Thầy nói học trò thầy “trúng tủ” đề luận về Saint Ex. như em đã chọn…Thầy còn thêm, thầy mê St. Ex và Nietzsche lắm …hai gã khác thế hệ nhưng rất ngang tàng, đầy từ tâm… và rất tài hoa. Em có biết Nietz đã từng ôm hun đầu con ngựa đang kéo xe giữa phố mà khóc nức-nở vì thương cảm sự vất-vả của nó do loài người hành hạ không hả, và ông cũng đã từng chơi Piano bằng cùi chõ thì em biết ông ấy bạt-mạng ra sao …với một người từng làm đảo lộn cả tư tưởng châu  u thời ấy?
-Sướng quá cô há? “Trúng tủ” là nhất rùi, St. Ex. thì em cũng mê lắm nhưng Nietz thì em không rành lắm vì ông này cao-siêu quá em chưa dám rớ vô …đợi học Văn-khoa cái đã …
-Ừa, phải đậu cái đã, rồi tính sau…Chuyện gì cũng có thể xảy ra dưới bầu trời này hết cả?
-Dạ, nói vậy chứ em cũng lo quá cô à.
-Thì cũng như cô hồi xưa chứ khác gì đâu, đời cắp sách đến trường là thế. Em tưởng ra trường rồi, nhẹ lắm sao? Coi vậy, chứ có khi “nặng nợ” lắm! Nhất là những người lãng mạn như cô, mà cũng có thể như em nữa. Những bài thơ em … cho cô mấy tháng trước để đăng vào tập kỷ yếu của trường, nói thực cô vừa mừng vừa lo.
-Sao vậy cô?
-“Mừng” vì thấy còn có người say mê văn nghệ, “lo” vì những người đó trong đời thường hay rơi vào những hệ lụy không phải khổ một ngày mà khổ một đời, mặc dù bên ngoài trông họ có vẻ bình lặng … Em tin đi!
Tôi cảm thấy lời cô Trâm nói làm cho tôi sợ, dù cho đến bây giờ tôi vẫn không có gì gọi là đáng lo âu cả, ngoài chuyện thi đậu và đi Sài Gòn học Đại học Văn-khoa như tôi mơ ước từ lâu.Cô Trâm mời tôi vài miếng mứt và chén trà. Hai cô/trò ngồi nhìn nhau, tôi thấy cô có vẻ buồn như những lần cô tâm sự với bọn tôi trong cả lớp, nhất khi cô nhắc đến quá khứ thời còn đi học, mà tôi nghĩ không chừng nó có một hệ lụy nào đó tới đoạn đối thoại ngắn ngủi nhưng rất ngọt ngào của ông thầy nói với cô để cô về sớm lo cho trẻ nhỏ…mà tôi tình cờ được nghe thoáng qua …
Tôi nhìn đồng hồ tường nơi nhà cô thấy đã hơi khuya nên tôi xin phép cô để ra về cho kịp giờ Ba tôi cho phép là tiếng rưỡi, không thì ba tôi lo ra dù nhà tôi và nhà cô cũng gần thôi, nhưng vì tôi là con gái mới lớn. Cô nói ừa, và dặn khi nào có kết quả thực thụ thì cho cô hay …Tôi nói thưa vâng, em sẽ cho cô hay sớm nhất, hy vọng là cô/trò mình vui hơn …


Chừng khoảng tháng sau thì Đài phát-thanh Cần-thơ tuyên bố kết quả kỳ thi Tú tài 2 năm ấy, vì hồi này tất cả bài thì toàn quốc được tập trung chấm ở Sài-gòn cho tiện, tiết kiệm ngân quỹ nhà nước, chứ không còn chấm tại chỗ nơi các Trung tâm lớn có Hội đồng thi như trước …Tôi được chấm đậu với hạng “Bình-thứ” lần nữa, như vậy là quá mừng, nhất là ban C không như các ban Khoa học họ đậu rất cao nhờ Toán, Lý-Hoá …thường được điểm tối đa rất dễ dàng …Tôi rất đỗi vui mừng, vì tôi chỉ sợ rớt bởi bài luận rất ôm-đồm, nhất là kết luận chỉ được tôi tóm tắt thực gọn-gàng cho kịp giờ …Ba tôi rất mừng, nói kỳ này mà hỏng là tao bắt lấy chồng biết chưa con….làm tôi chới-với vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy khi mộng Văn khoa vẫn ám-ảnh tôi từng ngày . Thế là tôi báo tin vui cho cô Trâm ngay …Cô nói cô đoán không sai và chúc mừng tôi thành công trên Đại-học mà cô biết tôi “dư sức qua cầu …”. Cô còn dặn thêm khi nào từ Sàigòn về quê chơi nhớ ghé thăm cô với …Tôi nói thưa vâng em cám ơn cô và thầy Hào rất nhiều, nếu không thì không được mỹ-mãn như vậy đâu!
                                                                                            
Vài tuần sau, tôi xin phép Ba tôi để lên Sàigòn ghi danh học môn Triết năm Dự-bị, để khi đậu được chứng chỉ này thì tôi sẽ chọn môn Triết Tây mà lấy “Cử nhân Giáo khoa Triết tây” thay vì Cử nhân Triết Đông như các Sinh viên có tuổi, hay SV nằm trong tuổi lính …vì Cử nhân này dễ lấy hơn là Triết Tây bởi  Pháp văn phải vững mới đương đầu vì hầu như do các Giáo Sư người Pháp dạy, hay Giáo sư người VN vẫn nói tiếng Pháp vì họ từng du học Pháp …nhất là SV chọn môn này cũng phải có năng khiếu về Toán học để học môn Luận lý học gồm những môn toán cao cấp và lạ, rất khó nuốt …  Đời sống xa nhà làm tôi có nhiều bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen đi, những môn học mới trên Đại học, những bạn bè mới tứ xứ không như dưới tỉnh, thầy mới nhiều sắc dân như Pháp, Mỹ, Anh, và cả Trung hoa nữa… tất cả đều là dân Khoa-bảng tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài rất tân tiến ..như Sorbonne, Harvard, Cambridge…. nên mình hy vọng nơi họ về kiến thức Đại học rất nhiều …nhất là đời sống SV ĐH, lại ở Kinh đô phồn hoa, nó rất khác dưới tỉnh mọi điều nên tôi cũng phải lột xác theo …Tôi không còn mặc áo dài trắng, để tóc thề, đeo bảng tên trên nực nữa, mà tôi sống tự nhiên như mình muốn không thưa trình ai, không bị gò bó gì cả mà chỉ mình tự giác biết điều gì nên làm và không nên làm mà thôi …Tôi hay mặc đầm và Jeans, áo sơ-mi, pull… hơn là áo dài như ngày xưa …Muốn học thì học, buồn thì “cúp cua” rong chơi với bạn bè, Café, Ciné …gần nơi cổng trường chả bao xa …học hành thoải mái không ai khảo bài, không ai điểm danh, trường không cổng khoá như dưới quê …tính tôi lại ưa lang-thang một mình trên phố, chán thì vào Ciné Eden sát trường Văn khoa, tuy rạp nhỏ nhưng có rất nhiều phim Tây nói tiếng Pháp rất nổi tiếng, dường như ông chủ là một Pháp kiều thời trước còn sót lại …Café thì đến “La pagode” nơi có đầy đủ khuôn mặt các nghệ sĩ thời danh lúc bấy giờ đóng đô hà-rầm ở đó, nhưng tôi lại ưa ngồi quán Thanh Bạch duới đường Bonard, con đường lớn nhất Thủ đô, vì nơi đây có món bò kho rất ngon, không gì bằng vào đây buổi sáng ăn một cái “Pâté chaud”, rồi uống ly sữa tươi thì “tuyệt cú mèo” của đời SV xa nhà, xong trở về trường cũng gần đó thôi cùng bạn bè kéo nhau vào Giảng đường rộng mênh-mông…ngồi nghe các Giáo sư thuyết trình về đề tài của họ và mình phải tự “noter” bằng cách nhanh nhất …Thỉnh thoảng tôi mới thư về nhà thăm Ba tôi lẫn cô Trâm, và lần nào tôi cũng hỏi thăm thầy Hào cùng gửi lời thăm thầy ấy nếu cô có tin tức gì về thầy, người tôi đã chịu ơn suốt đời, khi tự hỏi: không có thầy hỉ xả cho vài phút thì sự học hành tôi sẽ ra sao ?Nhưng lần nào thì cô tôi cũng trả lời là cô ít được tin thầy ấy đã lâu mà bạn bè đồng nghiệp không ai biết cả, nhưng cô không buồn vì biết  tính thầy ưa “lặng lẽ nơi này” như con chim đã lỡ ôm mũi tên độc vào giữa ngăn tim đã từng mưng-mủ vì những hoàn cảnh riêng tư mà thầy không bao giờ thố lộ với bất cứ ai …kể cả cô …Nghe vậy tôi cũng buồn lắm, vì sao một người từ tâm, tài hoa …như vậy mà lại phải nhiều nỗi đau giấu kín, nhất là tôi chưa có dịp nào - dù ngắn, để trả ơn thầy bằng một ly Café chả hạn, hay mời thầy về gia đình tôi chơi để Ba tôi đãi thầy một bữa cơm gia đình… dù tôi biết thầy chả thích điều ấy bao giờ bởi lúc nào nhắc tới ơn ấy thầy đều nhíu mày nói  một câu như  nhau: “Việc nhỏ quên đi!” ….     

Hôm nay, Giáo sư  Lê-Tôn-Nghiêm giảng về  De Chardin, một Linh mục, kiêm Khoa học gia nổi tiếng nước Pháp, khởi xướng Triết thuyết về “Điểm Oméga” đụng chạm tới Giáo-hội La-mã nên ông bị rút “phép thông công” dù sau này Giáo hội có phục hồi danh dự lại cho ông…Ý tưởng của ông khó quá tôi nuốt không vô, lại bị cảm  nên tôi thấy mệt mỏi vô cùng, đầu hơi váng một chút, vì vậy tôi nói với cô bạn ngồi cạnh bên rán “noter” cẩn thận để tôi mượn “Cours” sau này chép lại chứ giờ tôi phải ra về kiếm thuốc uống …vì tôi muốn bịnh …Người bạn gật đầu nói đừng lo, về đi, chúc mau bình phục để học hành tiếp… nhỏng-nhẻo cúp cua hoài giẫm vỏ chuối đó nha, có theo thằng nào cho tao hay nha mậy! Tôi cười nói “ô kề” tao đi! 
Tôi rời Giảng đường lúc 10 giờ sáng, phố xá tấp-nập, trước trường dãy me vàng rụng lá bay-bay, trời vào Thu rất dễ chịu, tôi cảm thấy lòng lâng-lâng với đất trời, chợt nhìn thấy một SV ngồi trên trụ thành ốm tong-teo, tóc dài chấm vai, rất “hippy”(lối sống có phần lập-dị thời bấy giờ) với đôi kính cận dày cộm …đầu gật-gù theo điệu nhạc giựt từ quán Café bên cạnh, miệng ngậm cái ống cái ống dố có cái cán dài ngoằn trông chả giống ai …. “Type” này thì tôi không ưa, từ ngày ở dưới tỉnh, hay tôi lỡ nhiễm cái hơi “vườn tược” quê nhà, nhưng tôi lại thích đàn ông giản dị, mạnh khỏe, dũng cảm, “bạo” một chút……đúng như câu hát ngày xưa: “Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân”…chứ đàn ông mà “gà mái” bủn xỉn, nhút nhát là tôi né … Tôi ôm cặp một mình rảo bước xuống phố Lê Lợi để vào quán Thanh bạch kiếm cái gì ăn, mà uống vài viên thuốc cảm coi có đỡ hay không vì tôi nghi là tâm hồn tôi sáng nay không được thoải mái bởi sắp tới kỳ kinh và phải nghe về Chardin căng thẳng quá …Giống như thường lệ, tôi kêu một “pâté chaud” và ly sữa tươi mát rượi, uống hai viên Panadol…thì thấy hồn tôi dịu lại, chắc nhờ thuốc và cái mát lạnh của ly sữa tươi chăng ?…Nhìn quanh, tôi thấy phần lớn thực khách là những cặp đôi SV vào đây trò chuyện …có vài cô còn mặc áo dài trắng, mang bảng tên thì tôi biết họ đang là học sinh các ngôi trường nữ quanh đây …Họ tíu-tít bên nhau rất là nồng ấm, làm cho cuộc đời này nhộn lên những tiếng cười khúc-khích rất vui tươi, tôi cảm thấy buồn đôi chút vì sao mình vẫn ngồi lẻ-loi một mình dù nhan sắc tôi có thua gì họ đâu, nhưng có lẽ vì tôi hơi kén bạn trai vì tính tôi chín-chắn hơn những người cùng lứa, tuy suy tư nhiều hơn, nhưng không bộp-chộp kiểu “yêu cuồng sống vội” như hầu hết trai gái thành phố thời này. Tôi thích chơi với người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm sống như cô Trâm chả hạn, vì từ đó mình có thể học hỏi được nhiều điều …Lúc này tôi cảm thấy mặt hơi rát, có lẽ ví hôm qua dan nắng hơi nhiều, nên tôi bỏ bàn ăn đi ra phía sau rửa mặt cho tỉnh táo, khi trở ra tôi tình cờ thấy cái bàn ăn cạnh bên lối đi trong quán có một người lính ngồi ăn, mà trên bàn có chồng đĩa bàn dơ đến 3,4 cái chồng lên nhau, dù đĩa thức ăn trước mặt đang ăn dở…vẫn còn đầy. Trên mặt bàn đầy rẫy những khăn giấy đã lau vứt lung-tung, bên cạnh một dây nịt to, có đính khẩu súng ngắn cùng nhiều viên đạn nhỏ, đặt trên cái mũ vải đi rừng đầy bụi đỏ… Dưới bàn lổn-ngổn vài chai 33 rỗng ….Còn người lính thì mặt hơi đỏ, tóc dài, râu-ria lổm-chổm chắc đã lâu không được cạo bao giờ …Người lính trông “bụi” lạ-lùng, áo quần treillies nhăn-nheo cũng đầy bụi đỏ, ông ta lại mang kiếng đen to gọng nên rất khó nhận diện ra là ai, nên làm cho ông có vẻ bí hiểm hơn và rất “bất cần đời”, vì thế các cặp SV phải ngồi né ra xa vì e ngại…Trên ve áo người lính không thấy đeo lon như thường lệ, mà lon gắn nơi ngực dọc hàng nút là một hoa mai đen thui khiến người chung quanh càng “ớn” ông hơn, vì biết ông lính tác chiến mới xài lon màu này thay cho màu vàng như lính thành phố hay văn phòng… trong đó có tôi cũng sờ sợ…Nhưng tôi chú ý nhất không phải vì bên ngoài của ông lính này, mà quan tâm tới cách ăn nhậu của ông ấy, nó không bình thường như mọi thực khách trên đời này mà như một người ở hành tinh khác đến đây, chả quan tâm gì tới ai …không lịch-lãm, phép tắc gì hết như ngồi chỗ không người …Ông toát ra một vẻ gì của một người lính rừng từ mặt trận lửa đạn, được sống sót mới trở về thành phố hầu hưởng hết những gì cho nhu cầu cơ thể mà lâu nay ông thèm khát, nhịn nhục …do tình huống chiến trường sôi động trong một thời gian khá lâu, qua cái nhìn về râu tóc tua-tủa, bụi-bặm bám trên áo quần, mũ nón nhàu nát cáu bẩn của ông, qua cách ăn “bù lỗ” bất cần phán xét gì của người ở thành phố khi ông đã phải đương đầu với cái chết từng giờ thì cuộc đời này - với ông, chỉ là “ne pas” đâu có sá chi …giống như lời của thầy Hào trước đây nói với cô Trâm trong buổi gác thi tôi đã chứng kiến: “Cái gì mà tôi không dám chơi !...vẫn còn in dấu trong tôi đến giờ với lòng cảm phục, thì nó lại trở về bữa nay với người lính râu-ria này. Nhưng điều làm tôi giựt mình khi nhìn lên túi áo của người lính thấy cái bảng tên ghi chữ “HAO” màu đen trên nền Olive …thì tôi đâm ra có nhiều dấu hỏi ...Ông lính này tên Hao, Hảo, Hào, hay Hạo .….phải một trong 4 cái tên này, nhưng chắc không phải là thầy Hào ân nhân của tôi ngày xưa .. vì thầy đang dạy học ở mìền Tây và mới gác thi chung với cô tôi mà … ?Vả lại, tôi không thấy có nét gì thanh-cảnh, lịch-lãm, từ tốn …từ thầy Hào còn sót lại nơi người lính “bụi” ở đây, ngoài cái tên “Hao” …mà tôi hơi nghi-ngờ, rồi tôi nhớ tới câu cô Trâm ưa nói ngày xưa: “Không có việc gì lại không thể xảy ra dưới bầu trời này được hết”…ngoại trừ yếu tố cô Trâm nói trong thư chót cô nhận được từ thầy Hào thì thầy than buồn và muốn xin đổi đi trường khác thực xa …Nên tôi bạo dạn dừng lại cạnh bàn người lính, với dự tính trong đầu, nếu lỡ sai thì xin lỗi mình nhầm người, rất bình thường, có sao đâu, vì thế tôi cúi xuống cất tiếng nhỏ nhẹ vừa đủ để người lính nghe: 
-Thưa ông, thấy cái tên ghi nơi túi áo chữ “Hao”, tôi muốn biết có phải ông là thầy Hào, xưa có gác thi ở Cần thơ không ạ, nếu sai xin thứ lỗi cho! ….thì người lính giựt mình, ngưng ăn, rồi ngước lên  nhìn tôi chăm-chăm không trả lời gì cả, xong lấy cặp kính đen ra và hỏi nhanh: 
-Cô là ai mà hỏi tôi chuyện xưa đường-đột như vậy? …
Nhìn đôi mắt người lính sáng quắc nhưng vẫn mang nét buồn-buồn của thầy Hào ngày xưa, cùng câu hỏi tôi như vậy, thì tôi bỏ bụng mừng thầm rằng có thể mình đã không nhầm tới phân nửa, khi ông nói câu “hỏi chuyện xưa”…  như  vậy …Bởi nếu hoàn toàn không dính líu gì tới câu hỏi thì ông đã khẳng định nhanh “Chắc cô nhầm người rồi!”, xong xin lỗi tôi rồi ăn tiếp, việc gì phải hỏi-han lôi thôi cho mất thì giờ …nên tôi mỉm cười nói mau:
-Em là Uyên học trò cưng cô Trâm mà thầy từng gác thi chung ở Cần thơ, thầy còn nhớ ra em không vậy ? 
Lúc đó thầy “à” lên một tiếng trong nụ cười, nói :
-Nhớ rồi, em giờ khác xưa nhiều lắm, kỳ đó đậu cao không và giờ học gì ở đây, năm thứ mấy rồi ?” cùng đưa tay mời tôi ngồi chung bàn với thầy ghế đối diện vừa nói vui câu Kiều :“Hữu tình ta lại găp ta”…
Mọi cặp SV ngồi quanh đều lác mắt nhìn tôi, sao dám ngồi chung bàn người lính lạnh-lùng, rất “ngầu” này với lòng thán phục …Họ có biết đâu rằng ngưới Thiếu-úy bụi-bặm này, trước đây là một Giáo-sư Triết khét tiếng miền Tây, giờ làm lính chiến “thứ thiệt” vừa mới từ mặt trận trở về thì có sá gì …so với những “phường giá áo túi cơm” như lời Từ-Hải … 
Tôi nghiêm-túc nói:
-Cám ơn thầy đã hỏi thăm và nhớ ra em, thưa em đậu “Bình thứ”, giờ học môn Triết Tây ở ĐHVK đã 3 năm rồi thầy ….
Thầy gật đầu khen và nói vẻ tiếc nuối:
-Chà, giỏi lắm, nhưng cái môn này nó chỉ vận vào thân những gian-nan khi mình lỡ nhiễm những tư tưởng quá lớn của các Triết gia vĩ đại …mà mình thì quá nhỏ bé cưu-mang không nổi, nhất là con gái như em, hay như cô Trâm …
-Dạ, đúng là nó vận vào thân khi em còn học lớp dưới, vì tính em trầm lặng ưa suy tư chứ không dửng-dưng với cuộc đời này như những người đồng tuổi, thì dù việc gì xảy ra sau này cho em, em cũng cam lòng, bởi mình sống với những gì mình mong muốn thầy ạ…
 Bất ngờ thầy hỏi thêm:
-Em có hay về Cần thơ, và có ghé thăm cô Trâm không vậy? Đời sống cô ấy ra sao bây giờ …?
-Dạ, cô ấy vẫn dạy học bình thường, mạnh giỏi, nhưng có vẻ buồn và an-phận …Cô cũng than ít được tin thầy  mà chả hiểu vì sao ? 
-Nếu có dịp gặp cô thì nói tôi thăm nha!
-Dạ, chắc cổ mừng lẫn buồn lắm, mừng vì biết được tin tức thầy mạnh khỏe qua em dù rất tình cờ, nhưng buồn vì thầy đã trở thành một người khác không còn gác, chấm thi với cô nữa như trước đây…
-Chuyện thường thôi, trên một đất nước chìến tranh, mà lũ tôi là “trai thời loạn” nên phải bị hoàn cảnh chi phối mà thôi , em! …
-Em và cô biết vậy, nhưng sao em vẫn thấy lòng buồn rưng-rưng khi gặp lại thầy trong hoàn cảnh này …Em tiếc quá, giá mà, giá mà ….Nhìn những chai bia lổn-ngổn dưới sàn, những chiếc đĩa bàn chồng lên nhau, những miếng khăn giấy nhàu nát, tóc râu xồm-xoàm, bộ đồ trận bụi đỏ và cái nịt súng đặt trên cái mũ rừng cáu bẩn, chơ-vơ …thì em biết đời sống thầy hiện nay ra sao ?Em chỉ thương cảm mà không hề chê trách gì người lính biên thùy tranh thủ thời gian hiếm-hoi “dù” về phố phường để bù lại những gian-nan mình từng hứng chịu mà không ai cần biết tới và họ cũng chả cần tới ai, trong đó có cô Trâm và em, thầy biết hay không …trong giọng run-run với khuôn mặt hơi cúi xuống để tránh một sự thực không vui tí nào …
Một lát im lặng, thầy Hào nói giọng thành-thực :
-Tôi bây giờ đã trở thành một người khác, xa với ngày xưa về mọi thứ, xin em và cô Trâm đừng quan tâm, tôi đề nghị em gọi tôi bằng gì cũng được, nhưng đừng gọi tôi bằng “thầy” nữa , vì 2 lý do: thứ nhất tôi chưa dạy em chữ nào, và thứ hai bây giờ tôi không còn làm thầy dậy học mà mà chỉ là người lính tác-chiến ngoài mặt trận, biết ngày mai có còn sống sót để về đây mà tình cờ gặp em lần nữa hay không ? 
-Dù thầy không dạy em chữ nghĩa như cô Trâm, nhưng thầy dạy em về lòng tử-tế, biết trắc-ẩn để ứng xử với đời trong mọi hoàn cảnh, thôi thì để em kêu thầy bằng “Thiếu-úy” như người ta cho gọn nha, với tiếng cười vui vẻ…
Người lính cười lớn và nói giọng bỡn cợt:
-Bảnh hơn thì kêu bằng “Anh tiền tuyến” và xưng “Em hậu phương” cho nó hợp thời, còn có màu cải lương nữa, cho zui …Ô-kê, vậy mà hay nha, chữ “thầy” sao nó nặng-nề quá, tôi đã từng không thích nghề này …vì tôi không ưa sự mô-phạm …nhàm chán …bao giờ ….bởi gia đình tôi toàn thầy giáo nên họ rất khắt-khe và mực thước, khi tôi là con ngựa hoang có máu đập phá bên trong, thấy cái gì chướng mắt là tôi nẹt… nên ít được lòng người giữa cái xã hội mà không ít người chỉ muốn đi bằng đầu gối nên đường công danh của tôi chỉ thui chột …dù tôi chả quan tâm đến điều ấy bao giờ …Lúc dạy ở trường tôi cự-nự với ông Hiệu trưởng khi biết ông ấy miệt thị vùng mìền, và một vị Giáo-sư khác cũng đã thở ra một câu cực-kỳ dở: “Rau muống trong này người ta chỉ để cho heo ăn !” …thì tôi đáp ngay, dù tôi không phải là người Bắc: “Tụi tôi sinh trên gai đá, đội nguyên cuộc chiến tranh Pháp-Việt, nên đầu chúng tôi cứng như ông nói, chứ có sinh trên phù-sa đâu mà bảo mềm? Dân Trung hay Nam vốn là dân Bắc xưa chỉ tới Đèo Ngang thôi, rồi từ-từ Nam tiến dưới đời Lê,Trần, và Nguyễn.. đã bình-định được mìền Nam, dẹp tan Chiêm thành, Thủy Chân-lạp và Miên …Xong đưa dân Bắc đến khai phá, định cư luôn chính là tổ tiên mấy anh bây giờ, đâu phải tự dưng mấy anh dưới đất nẻ mọc lên… mà kì-thị, bỉ thử vậy chứ?!” …Từ đó, nên tôi bỏ trường luôn …thành lính biên cương, tôi mới vừa xong chiến dịch mấy tháng trường ở núi Bà Đen Tây-ninh, khi về Hậu cứ, nhớ Sài-gòn quá tôi chưa kịp tắm rửa cạo râu, thay đồ… mượn cái Jeep của ông Tiểu đoàn trưởng về đây, cố xài cho hết 3 tháng lương còn nguyên-si vì có cho cọp beo được đâu, để bù những cơn đói khát trong rừng chỉ với gạo sấy và cá hộp… tôi ớn lên tận cổ nên khi vào đây việc đầu tiên là tôi mượn cái bảng “Menues” và tôi chấm từ món 1 đến thứ 4 mà không cần biết nó là món gì miễn không phải lương khô là được rồi, cùng với vài chai 33 cho phỉ sức tang-bồng, em đừng cười người lính trận nha, họ đều vậy hết…như lời thơ lính Bắc-Sơn cùng thế-hệ tôi viết:“Mai ta đụng trận ta còn sống / Về ghé Sông Mao phá phách chơi /Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm / Đốt tiền mua vội một ngày vui …”…hay những câu thơ cổ thời danh “Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu”(Lỡ người lính có say nằm ngoài trận tuyến xin bạn đừng cười) chỉ vì: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”( Xưa nay lính trận ít ai được sống mà trở về) …Khẩu súng ngắn để tự vệ, Sĩ-quan nào cũng đeo lưng phòng thân đó thôi, tôi cởi ra bỏ lên bàn cho nó nhẹ người mà ăn uống thoái mái chứ không phải muốn “hù” ai đâu, đừng sợ ….trong tiếng cười rạng-rỡ, thực không phải là thầy Hào ngày xưa mềm-mại, giờ “lột xác” như tôi bây giờ, không còn tóc thề áo trắng mà tóc tém quần jean , áo pull ngắn tay rất bạo dạn… đến nỗi Thiếu-úy tinh đời vẫn không nhận ra tôi nữa mà. Đúng là cuộc đời dâu bể !…. 


Lúc này trời đã trưa nên bắt đầu nóng, người trong quán lại đông, cái quạt trần quay mệt mỏi, tôi thấy nơi trán thầy Hào vả ra mồ hôi như tắm chắc vì đồ kaki dày cộm, cộng với hơi men 3 chai bia đã nốc, bốc lên …thầy than “nóng quá” rồi rút cái mũ trên bàn, cởi một hạt nút áo trên ngực với lời xin lỗi tự nhiên vì dẫu sao tôi cũng là con gái, lại là học trò xưa của bạn mình, rồi đưa tay quạt phành-phạch ra chừng dễ chịu phần nào, mắt thầy hơi lim-dim …Bất ngờ tôi nhìn thấy miếng nhôm thầy mang nơi cổ cọ vào bâu áo kêu lẻng-xẻng, tôi tò-mò vừa tức cười vì không hiểu công dụng của nó để làm gì mà người lính nào củng đeo, kể cả khi tắm rửa ,,.nên tôi chợt hỏi:
-Miếng nhôm anh đeo nơi cổ làm gì vậy mà em thấy ai lính thì phải đeo?
Người lính cười-cười, kéo tấm thẻ ra  khỏi áo, chìa  cho tôi xem, nói:
-Nó không phäi bằng nhôm đâu mà bằng “Inox”, rất chắc hầu tránh bị vỡ nát trong lửa đạn, giống như cái “hộp đen” của máy bay, rất bền dù phi cơ có cháy …Tấm thẻ này nó là thẻ “tùy thân” của lính, trên đó ghi tên họ, lọai máu, và số quân …Ai cũng mang 2 miếng gọi là “thẻ bài” nếu lính bị thương họ biết loại máu mà chuyền liền ngoài mặt trận không phải thử gì, và lỡ như mình tử trận họ sẽ gửi về cho gia đình một tấm, còn tấm kia gửi lại bộ Quốc phòng để lưu … 
Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy thầy Hào chỉ mang một miếng, thì tôi buột miệng hỏi ngay:
-Sao anh lại chỉ đeo một miếng vậy hả , miếng kia đâu ? 
Lặng thinh giây lâu thầy nói như chừng chưa muốn thổ lộ một sự thực mà chỉ có thầy mới biết mà thôi, rồi nói chậm rãi:
-Tôi là người “lính đặc biệt” trong đơn vị, chỉ mang 1 tấm mà thôi, ai hỏi tôi chỉ nói không thích nghe tiếng leng-keng do 2 tấm chạm vào nhau, sao thấy giống con chó đeo lục-lạc quá…cùng  tiếng cười lớn …
Dù nghe giải thích tếu như vậy, nhưng tôi không tin, mà tôi nghĩ phía sau đời sống của người lính này có cái gì đó ẩn tàng, đúng như “Nguyên lý túc lý” trong Triết học mà trong kỳ thi Tú tài 2 có hỏi nơi phần Giáo khoa rằng “Mọi sự việc xảy ra đều có lý do riêng của nó” nên  tôi nhất định hỏi tiếp:
-Ngày xưa, anh lẫn cô Trâm đều dạy học trò phân biệt sự “tò mò” tốt và xấu, một bên chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ thấp kém như muốn nhìn vào nhà người ta đang ngủ nhau ra sao, còn tò mò cao thượng, là biết thắc mắc từ một sự kiện lạ để tìm ra cho được chân lý như Newton muốn biết vì sao trái táo rơi xuống đất mà không bay lên trời để đưa ra định luật “Hấp dẫn Newton” cho nhân lọai sau này ứng dụng, ở đây em khẳng định em muốn biết những gì cần biết của một người em Hậu phương chân-chính nha, với tiếng cười lớn …Hy vọng anh không làm em nhỏ bé này thất vọng há ?
Người lính , trầm người lại và nói chân tình:
-Thực sự, khi vào lính anh ghi trong hồ sơ quân bạ, nơi ô “Thân nhân cấp báo” đề phòng khi bị thương hay tử trận họ sẽ báo cho thân nhân biết ngay để thăm viếng …hay mang  xác về an táng sau khi chết…nhưng anh tự nghĩ hoàn cảnh anh chỉ nên đưa xác anh ra “Nghĩa trang Quân đội” nằm chung với anh em, vui hơn …nên anh ghi là “Không có ai” trong ô thân nhân vì anh tự cảm như thế từ bé …với giọng nói rất bùi-ngùi…
Nghe vậy, lòng tôi nhói đau, vì chính tôi cũng vậy, tôi hay muốn đi xa là thế kể từ khi Mẹ tôi mất lúc tôi mới 6 tuổi, dù Ba tôi rất nuông chiều, nhưng thiếu vắng người Mẹ, nhất là đứa con gái ưa suy tư như tôi, thì đó là sự hụt-hẫng quá lớn mà tấm lòng người cha có cao tới đâu cũng không thể nào lấp nổi …nên tôi nói giọng thiết tha:
-Vậy là chúng mình “Cùng một lứa bên trời lận-đận” rồi anh, dù em với anh thuộc 2 thế hệ khác nhau, nhưng năm tháng có là thước đo nỗi đau đâu, vì nỗi đau nào thì nước mắt cũng rơi xuống và mặn như nhau, thảo nào ,, đôi mắt anh rất buồn và lúc nào cũng lặng lẽ …,Rồi tôi tiếp:
-Vậy tấm kia để đâu, hay lại vứt rồi ? “Cái gì mà anh không dám chơi” chứ ?
Người lính bật cười nói:
-Chưa vứt, không phải ví tiếc nó, nhưng vì anh ưa dùng nó để cho mấy thằng lính cận vệ nó “cạo gió” cho anh  khi ấm mình, nên anh bỏ nó trong túi ba-lô …
-Vậy, bây giờ, nếu coi em là “Em hậu phương” rất thân cận, thì em xin anh hai điều mà thôi, ngoài ra em không cần anh phải làm bất cứ điều gì cho em hết, dù sau này em có không là người yêu hay vợ của anh đi nữa, thì em nguyện giữ vai vế này …Đó là em muốn làm “Thân-nhân của anh” nên anh làm ơn mang tấm thẻ bài thứ 2 vào cổ như mọi người lính khác, hai là anh phải xin điều chỉnh hồ sơ cũ lại là ghi tên em “Trương Lệ-Uyên” và địa chỉ của em ở Sàigòn trong ô “Thân-nhân cấp báo”, có được không vậy?
Người lính mỉm cười nói giọng vui vẻ lẫn ý chọc ghẹo cho vui:
-Con mồ-côi mà được bà Phước mang về nuôi, chăm sóc… thì còn gì nữa chứ, nhưng em nói “không cần anh làm gì cho em thêm nữa” thì lỡ anh “phá giới”, nghĩa là anh làm gì  đó thêm cho em, như anh “yêu” em thì sao? Rồi bật tiếng cười lớn làm cả quán ngó nhìn …khiến tôi đỏ mặt, cái phản-ứng tự nhiên của người con gái chưa yêu bao giờ đối với một người mình rất chịu ơn cùng lòng mến mộ …Tôi hơi cúi xuống để tránh ánh mắt tò mò của thực khách trẻ chung quanh và chính đôi mắt của ngưới lính phong sương mà tôi gọi bằng “anh”  ngọt ngào phát ra từ tiềm thức lúc nào không hay, tôi không tự hiểu tôi được nữa , bèn nói giọng đùa kiểu Nam kỳ:
-Không dám đâu! Phải không đó, Anh Hai ?“Đường đột” đó nha anh, đừng có yêu em ….!
Người đàn ông nói nhanh, vừa xen vào ý niệm âm tính của những gia đình các cô gái thời bấy giờ là rất sợ con mình thành góa bụa khi lỡ lấy chồng lính, nhất là các là Sĩ quan tác chiến dù lon to: 
-Vì sao vậy…bởi tên em hình như có “Lệ” bên trong, dù anh cũng thừa biết nó đồng âm với chữ “Lệ” là đẹp như “mỹ lệ” chả hạn, nhưng người mình vẫn ưa dùng theo nghĩa thứ nhất vì tin vào số phần …  ?Hay lại sợ “Anh lên lon giữa hai hàng nến chong” chăng?
Sợ người lính mang mặc-cảm sai về mình nên tôi phân-bua ngay:
-Nếu vậy em đâu xin làm “thân nhân” của anh làm gì chứ, nhưng nói vậy chứ không phải vậy đâu nha, vì nếu anh yêu em, thì em sẽ yêu anh lại nhiều hơn, lúc đó “rán chịu “…nha, đừng có trách em…ha ha ha!
Thế là cả hai cùng cười, người lính đứng dậy chồm qua bắt tay tôi và nắm thực lâu, vừa nói:
-Cám ơn em nha …đúng là “Ta cũng nòi tình, thương người đồng-điệu…”
 -Em cũng cám ơn anh, đã cho em được phép “ngồi” vào khoảng buồn trong Hồ sơ quân bạ của anh, nhưng điều quan trọng hơn, là em đã hiểu được anh phần nào qua những bất hạnh  - như em, mà anh đã từng giấu kín …kể cả một người đồng nghiệp của anh như cô Trâm chưa chắc đã biết …
Lúc đó người lính nhìn đồng hồ đeo tay và nói:
-Chết rồi, anh phải về trả xe cho ông Tá, kéo trễ bị “ký củ” như chơi, thôi tụi mình chia tay nha Uyên, hy vọng lần “dù” khác nếu như anh bình an …và em là cô gái trời cho Hạnh phúc …
-Anh đừng nói vậy, mình sẽ gặp nhau mãi thôi, bởi vì mình đã không gặp được ai từ lâu …Em tin vậy, thôi anh về kẻo bị phạt, tội nghiệp anh tôi …nhớ thư cho em nha về địa-chỉ mà em đã cho …
Người lính đứng dậy, vuốt tóc rồi đội nón rừng vào, mang sợi nịt tòn-teng khẩu súng ngắn y như gã cao-bồi miền viễn Tây nước Mỹ ..kêu bồi trả tiền, vừa nói giễu “Tiền lính tính liền” …xong đưa tay chào tôi theo kiểu nhà binh rồi bước xuống bực cấp …Tôi đứng trên hè bịn-rịn giây lâu, vừa khoác tay chào tiễn biệt người lính, mắt dõi theo dáng người lính bước đi vững chãi về hướng chiếc Jeep mui trần có cần antène buộc cụp xuống, vừa đưa tay móc từ túi quần bên phía phải cạnh đầu gối ra một gói Bastos xanh, rút ra một điếu vuốt thẳng, cắm nghiêng vào miệng vừa quẹt cái Zippo phựt sáng châm thuốc hút, phả những vòng khói lên cao, rồi bước lên xe, rồ ga phóng tới trong đám lá me khô bay tứ tung …trông giống như cảnh “Thét roi cầu Vị ào-ào gió Thu”…mà người chinh phụ ngày xưa tiễn chồng mình ra trận …Lúc này lòng tôi cảm thấy vui-vui vì từ nay cuộc đời tôi sẽ khác bởi vì tôi đang có người khác phái trong lòng, mà ngươi ấy tôi từng chịu ơn và ngưỡng mộ là điều tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Trả tiền xong bữa ăn, tôi lủi-thủi một mình đi về hướng ĐH, với nụ cười nhỏ …Lúc giờ Giảng đường đã khép vì chiều lắm rồi, tôi lang thang xong chui vài Ciné Eden cạnh đó đang chiếu một cuốn phim Chiến tranh được nhiều người và báo chí bình luận, ca ngợi có tên “Tanqu’il y aura des hommes…” Tôi vào xem một minh, dĩ nhiên, đúng là cuốn phim rất ý nghĩa dù phim chiến tranh, cảnh đau thương nhất là lúc người lính kèn đứng nghiêm thổi truy-điệu người bạn lính mình vừa tử trận …Nhưng điều khác biệt là anh ta đứng thế nghiêm, hơi ngước mặt lên trời một chút, gắn chui kèn vào mồm, thay vì toàn diện cái kèn có loa cộng-hưởng như thông lệ …rồi thổi…nên tiếng kèn phát ra âm thanh réo-rắc kỳ bí …cùng hai dòng nước mắt người lính kèn chảy ròng xuống hai bên má thật là tang thương …đúng như tôi từng suy nghĩ “Nỗi đau nào mà không có nước mắt, và nước mắt nào mà chả mặn?” . Khi cuốn phim vừa dứt, đèn rạp bật sáng trưng lên, tôi nhìn quanh thấy ai cũng đỏ hoe đôi mắt, kể cả tôi …y như tên cuốn phim, có thể tạm dịch là “Ngày nào có con người …thì “ …Lúc ấy tiếng nhạc của rạp vang lên rộn-rã, chờ xuất tiếp theo…tôi bước ra ngoài mà lòng nặng như chì …hốt nhiên tôi nhớ tới anh Hào của tôi đang trên đường trở lại Hậu cứ, rồi cũng sẽ lao vào lửa đạn tiếp sau đó mà thôi, nên tôi thầm khấn nguyện: “Anh ơi, nhớ nha, hãy về với em khi anh có thể …đừng bao giờ để em buồn như người lính kèn đau khổ này …”  

Trời sập tối, tôi vội ra bến Bus để đón xe về nhà trọ tuốt ở đường Nguyễn-Trãi …và tôi tự biết đêm nay chắc tôi sẽ ngủ khó khăn hơn, bởi vì lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: tôi bắt đầu yêu, và yêu một người tôi từng chịu ơn cùng từng ngưỡng mộ, nhưng lại ở ngoài mong ước của tôi bởi vì tôi không dám nghĩ tới …Tôi có nghĩ tới cô Trâm kính mến của tôi như người ruột thịt và cô cũng vậy coi tôi như em rất gần gũi , nhưng có điều trong nhiều lần tâm tình với cô tôi đều hỏi xa-xăm về chuyện “người đó” của cô giờ ra sao và dạy ở đâu, cô có còn liên hệ gì với họ nữa không, nhất là sau khi cô đã có gia đình, có con …thì cô chỉ nói mơ hồ rằng cô an phận …muốn ly khai với mọi quá khứ không vui, nên không liên lạc gì với ai nữa, và chắc giờ họ cũng đã quên cô rồi vì  có thể họ cũng đã có gia đình như cô…Nói tóm là cô không muốn ai đụng tới cái quá-khứ đau thương ấy …Nhưng tôi, còn muốn tò mò biết thêm, thầy Hào và “người đó” có liên hệ gì không mà cách mô-tả của cô thì hơi giống nhau về dáng dấp, cả thói quen đặc biệt như kiểu phả khói thành vòng tròn lên cao, lồng vào nhau ……Nhưng cô khẳng định rằng hai người có vài điểm giống nhau, nhưng “người ấy” nói tiếng Trung rặt “chừ mô răng rứa” còn thầy Hào nói giọng như Nam, nhưng theo tôi, chắc cũng là miền ngoài mới có chuyện thầy nói “Tụi tôi sinh ra trên gai đá…”với ông Hiệu trưởng khi nẹt nhau ...bởi vì miền Trung nó dài ngoằn và mỗi tỉnh đều có giọng nói riêng rất khác nhau…Cô còn nói thêm, “người đó” là bạn cùng lớp, dĩ nhiên cùng môn với cô và ở lính mới về, còn thầy Hào là bạn đồng nghiệp, và cùng môn mà thôi …Nhưng có một điều làm tôi băn-khoăn, nhất là trong phòng thi không thấy hai người đứng cạnh nhau thân mật nếu họ đã từng yêu nhau trước đây, ngoại trừ lúc vừa nhận bọc đề thi do Giám thị hành lang giao, và lúc kiểm bài lần cuối… cũng nơi bàn Giáo sư trên bục…nơi mà thầy Hào đã nói một câu rất thiết tha, đầy vẻ chăm sóc: “Thôi, Trâm về trước lo cho trẻ nhỏ …” không là bằng “chị” như trước đó, mà lại  bằng tên của chính cô Trâm, khiến cô xúc động thấy rõ …trong lời cảm ơn của cô giọng run-run …, yếu tố bất ngờ này có đủ bằng chứng để cô hủy bỏ những khẳng định trước đây với tôi không nhỉ, thì tôi vẫn mù-mờ ….?Nhưng cuối cùng thì tôi tự hỏi: nếu cô Trâm là người yêu cũ của thầy Hào, dưới cái vỏ bọc “người đó” mà cô luôn dùng thể phủ-định để xác minh vì một lý do riêng tư nào đó, nhất là cô đã có chồng con … thì giờ tôi yêu thầy Hào, và thầy Hào cũng yêu tôi thành thực, thế có gì sai và “lỗi Đạo” hay không …khi tôi là con gái lớn lên chưa có gia đình lần nào, và thầy Hào cũng vậy trai độc thân vui tính vậy có sai gì …? Câu hỏi miên-man trong đầu khiến tôi mệt lả và rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay ….trong cơn mơ nhỏ tôi lờ-mờ nhìn thấy những vòng khói thuốc bay cao, lớn dần, lồng vào nhau, nhưng lần này thì nó không chịu tan đi…mà cứ lảng-vảng như mây, xuống thấp… quyện lấy tôi trong giấc ngủ chập-chờn … 

   *Nguyễn-Tư


                                          Xin xem lại Phần 1 qua đường link

NHỮNG VÒNG KHÓI THUỐC CHƯA TAN… ( Nguyễn Tư )