Wednesday 18 March 2020

NHỮNG VÒNG KHÓI THUỐC CHƯA TAN… ( Nguyễn Tư )


NHỮNG VÒNG KHÓI THUỐC CHƯA TAN…

*Truyện ngắn Nguyễn-Tư


*“Tôi vào đời,
suy-tư  và đơn-độc…
yêu cô nữ-sinh,
vì sợ những chiều buồn, 
không có người em để nhớ…”(Trang-Châu) 


Tôi là đứa con gái áp út trong một gia-đình thương mại nên cũng khá giả. Ba tôi là một người cứng rắn trong việc buôn bán nhưng ông lại rất mềm-mỏng với tôi, bởi Mẹ mất sớm năm tôi mới được 6 tuổi, do bà trở nên buồn rầu khi Ba tôi dính-líu với một người đàn bà trẻ ở Sài-gòn trong những dịp ông đi bổ hàng trên đó. Chính những lỗi lầm tai hại này đã khiến cho Mẹ tôi đau nặng rồi mất sau khi sanh đứa em gái út… Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên nó như một thứ mặc-cảm tội-lỗi làm ông trở nên đằm thắm, tu-tỉnh hơn với bản thân ông, cũng như đối với con cái và phần nào trong những sinh hoạt hàng ngày, mà trước đó ông rất khắt-khe với các anh chị tôi, hồi còn nhỏ muốn cái gì thì ông cứu xét rất kỹ trước khi thực hiện. Có lần, anh Hai tôi thích một chiếc xe đạp để chạy chơi vào những ngày nghỉ học với bạn bè, thì Ba tôi cũng bác đi…vì ông sợ anh tôi té gãy tay chân và điều ông ngại hơn nữa là anh tôi ham chơi rồi bỏ học...Khi anh tôi đậu Tú-tài, thì nhất định bắt anh ấy phải đi du học ngành Công-chánh tại Đức, dù lúc đó anh tôi đang yêu chị Lan nên anh trù-trừ ở lại Việt nam. Nhưng đến tôi, thì ông rất dễ, mặc dù tôi cũng thường thôi, không có gì đặc sắc lắm, ngoại trừ việc sở thích tôi ngã về Văn-chương hơn, điều mà ông chẳng mơ ước chút nào. Ông muốn tôi học Khoa-học để có thể đi được ngành Y-khoa sau này. Khi học hết trung học để bắt đầu chọn môn chuyên khoa vào học lớp 10, Ba tôi cho tôi tự do muốn học môn nào thì tự chọn, mà ông chẳng phiền hà gì. Do đó,với ý định sau này, tôi sẽ lấy cái Cử-nhân Văn-khoa mà đi dạy học với môn mình thích, rồi ra trường làm một cái nghề nhẹ-nhàng, rất thích hợp với đàn bà con gái. Lương hướng thì không thành vấn-đề gì,vì nhà Ba tôi khá giả,và nhu cầu tôi cũng không nhiều. Khi học trung học tôi mê Văn-chương hơn mọi môn khác. Ba tôi cho bao nhiêu tiền, tôi chỉ dùng vào việc mua sách đọc mà thôi, tiệm sách là nơi tôi hay la-cà nhất, hơn những tiệm Mỹ-phẩm hay Fashion như các cô gái đương thời. Tôi ít chú ý tới nhan sắc mình nhiều như bạn đồng trang lứa, vì tôi trông cũng khá “dễ coi” như người em kế tôi, mà tôi luôn-luôn xem như người bạn….thường nói với tôi như thế… Và, tôi tin điều đó, khi tôi bắt đầu học lớp 11 để thi Tú-tài 1 Tôi có dáng cao-ráo, đó là ưu điểm thứ nhất của người phụ nữ Á châu, khuôn mặt trái soan….. mái tóc dài làm cho tôi giống Mẹ tôi. Tôi giống Mẹ hơn Ba, và vì thế mà Ba tôi cưng tôi nhất trong gia-đình để bù lại cái lỗi mà ông bỏ-bê Mẹ tôi vốn không phải loại đàn bà trắc nết gì, chỉ biết xài tiền của ông cho gia đình mà thôi. Năm thi Tú-tài 1, tôi đậu hạng “bình thứ”, điều này làm cả phố Cần-thơ ca ngợi loạn lên …bởi vì trong ban Văn-chương hồi đó kêu là “ban C”… là loại ban người ta khó đạt điểm đó, vì dường như ông thầy dạy Văn-chương nào cũng dễ-dãi với đời sống mà lại khó-khăn với chữ nghĩa….Điểm tối đa bao giờ các ông ấy cũng nói “để dành cho mấy ông thầy”, khi môn Khoa-học thì số điểm đó dễ lấy như chơi, vì khi đáp số đúng thì bắt buộc phải cho điểm tối đa như “barème”(thang điểm) chấm thi qui định, nhưng Văn chương thì không, kể ra cũng bất công, nhưng đành vậy vì Văn chương không biết thế nào mà xếp hạng điểm, chỉ tương đối mà thôi không chính xác như Khoa học được . Lên lớp 12, tôi tự nhiên thấy mình trưởng thành, vì tôi đã bắt đầu học một môn liên quan mật thiết với những suy nghĩ khúc-mắc của con người dưới những khía cạnh khác nhau, ở mỗi thời đại, mỗi cá nhân, mỗi trường phái …đó là môn môn Triết học, một môn rất khó nuốt mà chỉ học sinh đậu xong Tú tài 1 thời ấy, bắt đầu lên lớp 12 mới được “rớ” tới trước khi rời bậc Trung học với bằng Tú tài 2 để bước vào Đại học dù bất cứ học ban nào …Hơn nữa môn mới lạ này nó bao gồm một cách nền tảng của hầu hết những môn Khoa học…..Tôi bắt đầu đi sâu vào tư tưởng của con người và biết yêu Triết học như một phần đời sống của mình. Tôi ngưỡng mộ các tư tưởng khác thường và sâu-sắc này kể cả đời sống và tư cách của các Triết-gia như những bậc Thánh Hiền từ Đông sang Tây…. nhất là những cái nhìn đầy khám phá về con người từ khi con người biết suy tư ….từ thế hệ này đến thế hệ khác, bất chấp những thua thiệt, những hiểm nguy….vì chính suy nghĩ của mình  - đôi khi có thể bị lưu đày hay hủy diệt bởi…. bạo lực. Họ là những chiến sĩ can trường dám lấy cuộc đời của mình….vực nên Chân lý như Copernic, như Galilée, như Bruno…Vì thế, tôi chỉ mong cho đến kỳ thi cuối cùng của bậc Trung học với tấm bằng Tú-tài 2 để tôi về Sài-gòn ghi danh vào Đại-học Văn-khoa - một ngôi trường khét tiếng về “chữ nghĩa” của miền Nam trước đây…tọa lạc nơi con đường rợp bóng me xanh tên Nguyễn Trung-Trực cách trung tâm Sài-gòn chỉ chừng năm chục mét. Ngôi trường mang tấm biển màu xanh lơ chữ trắng với 4 thứ tiếng “Đại-học Văn-khoa Sài-gòn / Faculté Des Lettres/ Faculty Of Letters/ Văn-khoa Đại-học đường”  (bằng chữ Hán nguyên ngữ) mà có lần đi Sài-gòn chơi tôi có lén ghé qua đây chiêm ngưỡng nó với sự ngẩn-ngơ khi còn là học-sinh Trung học, một ngôi trường lừng-lẫy với những Ca-sĩ thời danh từng học nơi đây như Thanh-Lan ban Anh văn, Hoàng-Oanh ban Sử địa, đặc biệt “Công-chúa” Lệ-Thủy học ban Pháp-văn vốn là con gái cưng của ông bà Cố-vấn Ngô-Đình Nhu đầy quyền lực thời bấy giờ, đi học phải có cận vệ kèm theo… Nhưng điều đáng ước mơ hơn, nơi đây đã xuất hiện những Hoa-khôi thời ấy từ Huế vào học tập như Nga-Mi, Diệm-Mi, hay Á-Hậu Hoàng Kim-Uyên tại Sài-gòn …đã làm điêu-đứng bao đấng mày râu Sài thành hoa lệ này, mà các Phân khoa khác như Luật, Khoa học, Kiến trúc, Y, Nha, Dược… không hề có.  Và, cuối cùng, nơi đây Ca-sĩ Khánh-Ly mới vào nghề với chỉ 17 tuổi đời cùng Nhạc-sĩ Trịnh-Công Sơn chưa nổi tiếng lắm đã trình bày những Ca khúc khác lạ trong thời chiến nơi bãi cỏ trong khuôn viên ngôi trường văn-vật nhất nước này trước “quán Văn” là ngôi quán đơn sơ dành để phát “Cours”(bài vở) của ban Đại diện SV Văn khoa phụ trách…đến nỗi Khánh-Ly được báo chí mệnh danh là “Bà Hoàng chân đất” mãi đến cuối đời, chỉ vì - như lời bà tâm sự lúc đó bà quá nhỏ, không kinh nghiệm gì trước đám đông nên ưa nắm tay anh Sơn cho vững dạ…nhưng anh ta cằn-nhằn bả o“ buông tay ra”, thế là bà ta xính-vính mất thăng bằng nên buộc phải cởi giày cao gót ra, đứng chân trần trên bãi cỏ … Tôi nhất định ghi danh học trường này ban Triết Tây…..dù tôi cũng tự biết con gái mà học môn này, dường như ….. lạc điệu ở xứ ta. Nhưng đó là một sở thích, tại sao tôi không sống như ý tôi muốn hả, vì vẫn loáng-thoáng đâu đó trong trí nhớ của tôi câu nói dường như của Kierkegaard, đại khái rằng “Hãy cứ sống như mình đã là …” nên tôi chọn Triết tây trong lúc Ba tôi chẳng ngăn cấm gì cả….
                                                                        


Tiếng ve đã bắt đầu kêu rộn-rã trên các hàng cây ở trước ngôi trường nữ mang tên Đoàn-Thị-Điểm, một nữ-sĩ lừng danh với tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” mà bất cứ ai có cắp sách đến trường cấp Trung học đều có học qua, đôi khi thuộc lòng một số câu tuyệt tác …ngâm-nga trong những khi cảm hứng từ những hoàn cảnh tương tự trong đời sống, có người còn lấy để đặt tên cho những cuốn sách của mình sau này như “Dấu binh lửa” của Phan-Nhật-Nam hay “Vào nơi gió cát” của Nguyễn-Thị-Hoàng …Tiếng ve là dấu hiệu của mùa thi sắp đến - thời điểm xác định khoảng đường của ước vọng tôi từ ngôi trường nữ nổi tiếng nhất Tây Đô này đến ngôi trường Đại học mà tôi từng nhìn ngắm, ước mơ….. khởi sự từ đây, từ mùa thi hệ trọng này. Tôi sẽ phải ghi danh học trường Đại học đó thôi. Tôi thức thật khuya, ăn thật nhiều “chè đậu” để lấy hên như dị-đoan thường tình, thực tế hơn là uống thêm thuốc “Glutamic” giúp trí nhớ mà trên các mặt báo thường quảng cáo rùm-beng để dụ đám sĩ tử sắp vào đấu trường trong các mùa thi Tú tài …làm rúng động cả miền Nam thời bấy giờ, kể cả những câu thơ thời danh của Nguyên-Sa cũng đề cập đến một cách hiển nhiên “Muốn làm người yêu thì phải đậu Tú tài…”  hoặc như nhà Thơ trẻ Nguyễn-Tất-Nhiên đã từng lao-đao vì tấm bằng này qua câu “Ta hỏng Tú-tài / Ta đợi ngày đi (lính)/ Đau lòng ta muốn khóc …” hay mỉa-mai như câu thơ dân gian thời ấy : “Hỏng Tú-tài anh đi Trung sĩ / Thôi, em về lấy Mỹ nuôi con / Một mai yên nước yên non / Anh về , anh có Mỹ con anh bồng…” Vì sao tấm bằng này lại gây tác hại khủng-khiếp cho giới trẻ miền Nam thời bấy giờ như vậy, bởi 2 lý do: thứ nhất là nó rất khó đậu, năm nào được mùa lắm là tỉ số đậu khoảng 10%, thứ nhì là lỡ rớt thì phải lên đường vào lính, không được phép học tiếp nữa, nếu đậu được Tú-tài 1 trở lên thì sẽ được đi thụ huấn ở những quân trường Sĩ-quan nổi tiếng như Võ-bị Đà-lạt (hiện-dịch), hay Liên-quân Thủ-đức (trừ bị), nếu không có Tú-tài 1 trở lên thì chỉ làm Trung-sĩ (hạ sĩ-quan) …mà trong một nước đang có chiến tranh, dĩ-nhiên  - các cô chỉ thích cấp bực lớn và các ông bà  bô cũng chỉ thích rể mình là thứ lính “trên sàng” cho nở mặt với xóm giềng, dù Sĩ-quan thì đạn AK nó cũng đâu có từ nan gì, đôi khi còn nhanh hơn lính vì lúc nào họ cũng phải gương mẫu trong chiến đấu để lấy oai - đúng ra là “sĩ-diện” với thuộc cấp, nhất là mấy ông Sĩ quan vừa mới ra lò… nếu không, họ sẽ bị đánh giá là hèn nhát làm sao chỉ huy lính?  ….

 Cô Trâm, Giáo-sư Triết trong trường phụ-trách lớp đi thi dặn các em nhớ chọn những đề nào mình rõ nhất trong 3 đề đã cho mà làm… nên chọn đề “Tâm-lý học”(Psychologie) vì nó có vẻ tươi mát, dễ kiếm điểm hơn là đề “Luận-lý học(Logique) hoặc “Đạo-đức học”(Morale) hay “Siêu-hình học” (Métaphysique) rất trừu-tượng, và rất …khô-khan, nhưng quan trọng nhất là đề nào các em hiểu nhất thì chọn mà làm, các câu hỏi Giáo-khoa cũng vậy, không cần làm theo thứ tự mà lựa câu nào dễ nhất, thuộc nhất, làm trước ….. Tôi cũng đồng ý với cô như vậy, vì Tâm-lý học gần-gũi với con người nhất - dĩ nhiên,  như: “nỗi buồn”, sự “quên” hay “nhớ”, “mặc cảm”, “giấc mơ”, “đam mê”, đau khổ”, “hạnh phúc”, “cảm xúc”, khuynh-hướng” …Chúng là một phần đời sống con người mình cảm-nghiệm mỗi ngày cơ mà …và chính mình là chủ-thể mọi tâm cảm  đó mà sao không hiểu được nó. Và, tôi đã thích Tâm lý học…. rồi mới đến Siêu-hình rất mơ-hồ trừu-tượng vì nó chỉ dựa trên “Niềm tin”… còn Luận-lý đòi hỏi “cái đầu” quá, không thích hợp với tâm hồn mềm-mại ưa mơ-mộng đầy ưu-tư như tôi …

Cô Trâm được mô-tả là người tài hoa vì cô hát khá hay, thơ phú đầy mình, mái tóc dài thần thoại…và xinh-xắn nhất trường Nữ, phụ-trách dạy Triết ban C và nắm luôn chức “Trưởng ban Văn nghệ” nhà trường…..Cô mới lập gia đình cách đây vài năm và đã có một đứa con mà tôi thường ghé qua nhà cô chơi….để bồng ẵm bé cho vui. Thỉnh-thoảng, trong những lúc rảnh cuối giờ học, nhất là dịp sắp Tết, vì lớp tôi toàn là gái, cùng phụ nữ với nhau mà cô xem như em út trong nhà, nên ai cũng rất mến cô, vì thế cô cũng tâm sự đôi điều thầm kín, riêng tư, và dường như khoảng đời đó cũng để lại cho cô những nỗi buồn âm-ỉ khó nguôi …..Tôi chưa có kinh nghiệm về nỗi buồn đó, nhưng tôi cũng  ngầm biết nó không  nhạt phai với cô…..Trong lớp cô vẫn thường khuyên chúng tôi nên chăm-chỉ học hành và nhất là chuyện tình cảm thời còn đi học phải thực cẩn thận vì không chỉ nó ảnh hưởng đến tâm tư, đến đời sống các em trong thời gian ấy mà nó ám-ảnh suốt cả một đời người không cách gì rảy ra được, dù mình rất muốn quên nó như một thứ kinh nghiệm mà cô đã từng trải qua, dù cô không bao giờ tự thú như thế. Nhưng riêng đối với tôi, vì tôi là Trưởng lớp, học lực cũng khá, ít nói, không bép-xép, “nhiều chiện”, nên cô rất tin-tưởng và vì thế cô hay bảo tôi đến nhà cô chơi cũng cùng chung con phố, lội bộ rất dễ-dàng, hoặc cô sai ôm bài của lớp về cho cô chấm, có khi cộng điểm cho các kỳ thi lục cá-nguyệt…vì vậy, rất gần-gũi với cô như người nhà, nên cô ưa tâm sự những thương đau mà cô từng gánh chịu trong hiện tại, lẫn thời còn đi học, nhất là những năm cuối Đại-học Sư-phạm SG, cô đã từng yêu một người bạn cùng lớp mà cô nói cô chưa từng được gặp trong đời bao giờ, bởi vì “người ấy” có một đời sống rất kỳ-bí, khác lạ, khép kín theo cái kiểu “lặng-lẽ nơi này”, nhưng thực ra là một người rất sinh-động, rất hiền lành, có màu sắc của một kẻ đầy ắp tâm hồn - một thứ tâm hồn thương đau pha chút bất-mãn, đập phá âm-ỉ về cuộc đời, về chính mình….Cô nói “người ấy” rất kiệm lời, đặc biệt ở lính mới về và trở lại học hành chung với những người Sinh-viên rặt, trong đầu họ lúc nào cũng tràn ngập tin yêu và giấc mơ huyễn-hoặc của những người chỉ được lớn lên trong thành phố với những cuộc xuống đường chống chánh phủ liên-miên, nhất là đả-đảo lịnh “Tổng động-viên” được ban ra trong thời lửa máu nhất của đất nước, mà họ không hề biết gì về chiến tranh ….Cô nói anh ấy rất ít tiếp xúc với bạn-bè trong lớp chỉ vỏn-vẹn có 16 người, dù khi tuyển sinh trường ĐH đã thông báo mỗi ban đều lấy 40 SV, sẽ huấn luyện trong 4 năm…nhưng kết quả không bao giờ đạt tới con số đó …vì khi  lên “plateau” thì có hàng rào cản là “điểm loại”gạt ra, rụng như sung… chỉ những SV nào vượt qua điểm được qui-định này thì sẽ được chấm đậu, khác với các Phân khoa khác như Y, Nha, Dược…thông báo nói tuyển bao nhiêu thì họ lấy đúng con số như thế tính từ người có điểm cao nhất đến người có thứ như họ muốn chọn, cho mỗi năm… thì dừng, dù người này được bao nhiêu điểm không cần biết, họ còn nhận thêm vài chục SV nữa, dự trù cho các SV trúng tuyển nhưng bỏ học hay đổi Phân khoa… điều này cũng làm cho cô Trâm nể phục người bạn này, vì anh ta vốn là lính mới về làm sao năng lực học bằng các SV thành phố chỉ chuyên học hành mà thôi, như cô… Khi đi học, anh ấy chỉ cỡi chiếc xe đạp cà-tàng, không thắng, không vè gì cả, chỉ có 2 cái bánh căn-bản vậy thôi, tới đèn đỏ anh ấy chỉ cần sà 2 cái chân dài thòng xuống mặt đường thay cái “thắng” là xong, lúc đến trường anh liệng đại nơi nhà xe mà không bao giờ khóa lại như các Sinh viên khác…Cô có hỏi vì sao bất cần như vậy, thì người ấy chỉ cười trả lời khôi hài: “Ai mà ăn cắp xe đạp của tôi, thì nhục chết đi thôi, vì nó cà-tàng nhất SG này, nên họ tha cho…” …. Quần áo anh ấy rất đơn giản không se-sua chải-chuốt tí nào như bao SV thời ấy, chỉ cái áo sơ mi là “dân sự” chứ quần lúc nào cũng kaki vàng nhạt bốn mùa mưa nắng, loại của lính mặc đi phép ngày xưa …mang giày “saut”… không  thì dép Nhật …trông có vẻ “bất cần đời”… mà có lần cô Trâm hỏi vì sao như vậy, anh ấy chỉ cười nói: “Tính mình ưa giản-dị, vả lại mình rất nghèo không có tiền ăn diện vậy thôi, chứ ai mà không thích ăn ngon mặc đẹp…” …Đặc biệt anh ấy hay đi học trễ, mà sau này cô mới khám phá ra lý do rằng vì anh ấy bận lái Taxi để kiếm thêm tiền gửi về cho bố mẹ ngoài quê đang rất nhiều khó-khăn. Chiếc Taxi của người Cậu ở Sài-gòn, anh ấy rảnh thì lái và tiền “cưa” hai ….nên người ta thường thấy dưới bóng cây còng đại thụ trước trường hay có chiếc xe Taxi hai màu xanh trắng đậu ở đấy mà ai cũng tưởng xe đưa rước các Giáo sư đến dạy… Học xong giờ, anh lại lái xe ra phố chạy rong kiếm tiền …Thế nhưng, trong những Đặc-san của nhà trường cuối năm, thỉnh thoảng người ta được đọc những bài thơ hoặc chuyện ngắn rất buồn tủi, phảng-phất về đời lính chiến gian-nan…thì rõ ràng chỉ có anh ấy…làm cho cô Trâm ngưỡng mộ thêm, và nhiều người thắc-mắc tại sao trong đám Sinh viên trường “Thầy” khét tiếng này, lại lọt một tên “lính” vào đây, vì anh ấy chỉ ghi bút hiệu chứ không ghi tên thực, nên ngay cả cô và bạn bè cùng lớp cũng không biết tác giả là ai, vì anh ấy rất kín tiếng, ngoài sự đoán mò nhờ từ nội-dung các bài viết liên quan tới lính…Nhất là trong bài thơ anh ấy đăng về lính mà đến giờ cô vẫn còn nhớ như in với lòng cảm phục và biết ơn vô biên những người này, pha chút xấu hổ vì mình đã không làm được như họ ... bài ấy có cái tên rất thê-lương: “Chốt trên đèo Mang-Yang”…thì nhiều  người cảm thương thân phận người lính trận mạc quá chừng, bởi vì họ còn rất trẻ như chính những người SV này mà thôi, nhưng họ đã chịu rất nhiều gian khổ để phải đương đầu với cái chết trong mỗi phút giây ở những nơi đèo heo gió hút mưa nhiều hơn nắng, muỗi vắt tơi bời … và rất quạnh hiu với địa danh nghe lạ hoắc mà ít ai ở thành phố có thể biết được như “Mang-Yang” chả hạn, chắc là đâu trên Cao-nguyên của người Thượng ….Điều đáng cảm phục là họ phải gác bỏ lại mọi tình cảm yêu đương trai gái để giữ nước, một đất nước mà người lính mô tả là “Đâu-đâu cũng thấy quê nhà điêu linh…” …khi người thành phố như bọn mình chỉ thấy ánh đèn màu nhấp-nháy suốt canh thâu cùng tiếng nhạc xập-xình hỗ trợ cho những màn nhảy múa uốn-éo gợi cảm bốc mùi da thịt người, trong men rượu say nồng… đâu biết gì tới quê hương tan nát?  Sao vậy, sao vậy, họ cũng cùng thế hệ, cùng lứa tuổi, cùng Tổ quốc …như mình …sao họ lại phải ở núi rừng, mà không được nhởn-nhơ ở các sân trường Đại học, học hành, rong chơi như chúng ta  ? Bài thơ ấy như sau: 

“Có ai về dưới Qui-nhơn, 
Cho tôi gửi đến những cơn mưa chiều…?
Núi đồi lớp-lớp đìu-hiu, 
Nỗi lòng lính thú cũng nhiều xót-xa…
Mấy năm lần-lữa can-qua, 
Đâu-đâu cũng thấy quê nhà điêu-linh…!!!
Một mai, đất nước an-bình,
Tôi sẽ trả lại… ân-tình cho em..?!!”(D.H)

Cô nói thêm: những người có máu Văn nghệ trong trường luôn muốn điều tra tác-giả này là ai, như cô Thu thư-ký nhà trường ….cũng thường nói với cô Trâm như vậy trong những dịp cô xuống Văn phòng lãnh bổng hàng cuối tháng, cô Trâm chỉ cười và nói em không rõ, nhưng trong thâm tâm thì cô thầm biết là của anh bạn lớp mình dù người ấy chưa bao giờ nhận với cô như thế …Người ấy sống thầm lặng như chìếc bóng bên cạnh 15 đồng môn cùng lớp, luôn ngồi bàn cuối cùng, lúc nào anh ấy cũng chỉ cười-cười chào rồi đi, chưa bao giờ đứng lại tâm-tình gì với ai, không tham dự bất cứ cuộc vui nào do lớp tổ chức như rủ đèo nhau xuống Chợ-lớn ăn mì sau buổi lãnh bổng, chàng ấy vẫn tìm cách từ chối với lý do bận đi kèm trẻ hay lái Taxi … anh chị em cũng hỉ-xả và thương cảm, không ai trách móc gì ….Trong những giờ giữa các tiết học, anh ấy hay xuống quán cóc “Cây Me” phía sau trường, của chú Cai trường ngồi uống Café “không đường” một mình …và thả những vòng khói thênh-thang lồng vào nhau như một thú vui nhỏ bé riêng tư…  Có lần cô Trâm thấy thế bèn bạo-dạn sà vào ngồi cùng bàn phía đối diện vì các bàn kia đã kín, chàng ấy mỉm cười chào cô và đề nghị một ly Café nhé, dù cô chưa biết uống loại giải khát độc-đáo này bao giờ, nhưng cô vẫn nhận lời, bởi vì cô tự biết đây là cơ hội hiếm-hoi để tìm hiểu về người bạn học cùng lớp bí hiểm này …Con bé gái ông Cai bưng ra ly Café sữa thơm ngát và cô Trâm nhâm-nhi với cái nhíu mày vì vị đắng đặc-biệt này …Cô e-dè hỏi vì sao anh hay ngồi một mình, Café không đường và lúc nào cũng nhả những vòng khói lồng vào nhau từ-từ bay lên cao không giống ai vậy? Người ấy chỉ cười nhẹ giải thích: tôi hay ngồi một mình vì không có cơ-hội để được ngồi “hai mình”, ngoại trừ như tình cờ hôm ni vậy thôi, còn “Café không đường” vì tôi yêu vị đắng đặc quánh của Café nó giống như cuộc đời của tôi, tôi thấy người ta ăn “chè” Café khi họ trút vào tách 2 muỗng đường…hơn là thưởng thức vị đắng đặc trưng của nó mà không có bất cứ vị đắng nào giống nó, vì nó có phảng-phất mùi thơm kỳ bí…còn những vòng khói thuốc lồng vào nhau, bay lên cao rồi tan dần ….thì đó chỉ là “trò chơi” của tôi vậy thôi …vì tôi chả có trò chơi nào khác hết, như những người trẻ tuổi ở đây họ nhảy đầm, ngồi phòng trà, hẹn-hò em út, ăn nhậu …vừa phải có tiền vừa phải có năng khiếu, “quê một cục” như tôi, nhả được những vòng khói thuốc lồng vào nhau là may lắm rồi …Hơn nữa, những vòng khói ấy cho tôi khái-niệm về sự lặp lại của đời sống, chỉ khác ở “hoàn cảnh” mà thôi, nói tóm: mình nhảy ra khỏi được vòng tròn nhỏ, chỉ để rơi vào một vòng tròn lớn hơn mà thôi …y như tôi đã bỏ đời lính vất-vả chỉ để về dạy kèm, lái Taxi …mà thôi, đâu có được thảnh-thơi và đầy tin yêu như các bạn, bây chừ tôi không còn có thể “ước mơ” được nữa  - thực ra, là tôi không “dám” ước mơ, chứ không phải không “thèm” ước mơ đâu bạn nhé… Bạn biết không, dù tóc tôi hãy còn xanh như tóc bạn, nhưng lòng tôi thì đã bạc lâu rồi, khi tôi mới 16 tuổi đầu, mà phải chôm tờ giấy khai sanh của người anh đã mất, trốn nhà đăng lính, dù chỉ lính “quèn” đó thôi…nhưng với “lính” hay “quan” thì tôi cũng thừa biết cuối đường là cái gì đang chờ đợi mình trong một nước đang có chiến tranh khốc liệt…đến nỗi người Trung sĩ phụ trách bàn Tuyển mộ phải giễu cợt:“Mày về ăn vài bao gạo nữa đi, rồi tới đây tao cho đi lính…” nhưng rồi hắn phải nhận tôi vì tôi đầy đủ giấy tờ mà, nhưng khi ịn cái mộc “thuận” vào tờ đơn tự nguyện nhập ngũ của tôi đánh cộp, thì hắn thở ra một câu tôi nhớ suốt đời: “Một con thiêu thân!”…Nhưng làm vậy không phải vì tôi yêu nước hay muốn làm anh hùng đâu, mà vì tôi cảm thấy buồn quá khi ở trong căn nhà của chính mình …? Cô Trâm nói, khi nghe những lời ấy, cô cảm thấy xấu hổ vì người ấy chỉ lớn hơn cô 2 tuổi mà thôi, sao lại phải nói những lời này, nhất là câu : “Bây chừ tôi không còn có thể ước mơ được nữa!?” thì lòng cô quặn đau …Tôi có hỏi cô, “người ấy” có bao giờ nói gì với cô không, những câu mà nó có thể mang triệu-chứng của tình cảm dành riêng cho cô?  Cô lặng đi trong giây lâu rồi gật đầu nói: có, nhưng không rõ ràng lắm, thí dụ có lần tình cờ cô gặp người ấy nơi cầu thang dẫn từ lầu 2 lên lầu 3 của trường ĐHSP, hôm đó cô mặc chiếc áo dài mới may màu vàng nhạt rất đẹp, thì gặp anh ấy từ trên đi xuống …Cô có kéo vạt áo dài lên khoe: “Anh có thấy tà áo dài mới này của Trâm đẹp không?” thì người ấy đứng lại ngắm-nghía một lát rồi phán nhanh một câu, làm cô giật thót tim: “Chà,bạn mặc màu nớ, coi chừng có người về nhà họ lại yêu hoa cúc đó nghe…” …rồi anh ta vội-vã phóng xuống lầu …Cô bối-rối thực nha, vì không biết anh ấy nói thực hay ghẹo mình cho vui mà thôi, “chết người” là chỗ đó …Trong buổi Café, chàng có gọi thêm hai bọc nhỏ “đậu phụng da cá” để cuộc đồng-ẩm thi vị hơn ….và chàng cũng nói thêm chàng rất ưa loại hạt rang này vì mùi thơm rất quê hương của chàng bởi nhà chàng trồng loại đậu này rất nhiều… Chàng có nhắc đến những đêm trăng vằng-vặc chàng cùng gia đình đi tát nước đậu, nước trong veo chảy róc-rách trên mương đầy cát lấp-lánh ánh trăng vàng mà một người chỉ lớn lên ở thành phố như cô không bao giờ mường-tượng được, nhưng đặc biệt chàng thêm: mỗi lần rang đậu Mẹ chàng luôn để dành một nắm nhỏ trong cái chén sành cho chàng, dù chàng có ở đó hay không, chỉ vì bà biết chàng thích ăn hạt rang này, nên nó là một kỷ-niệm mà dù ở đâu chàng vẫn nhớ đến nó như một cách nhớ Mẹ mình, vậy thôi …Lời kể chân thành làm cô Trâm rưng-rưng, mới hiểu được rằng sao đã có bổng nhà trường khá lớn, 2.800$ thời đó, ở Cư-xá nhà nước miễn phí, ăn cơm tháng có 600$ …mà chàng phải đi dạy kèm và lái thêm Taxi …chỉ vì thương Bố Mẹ như lòng hiếu thảo, điều mà đối với cô Trâm, phát xuất từ bất cứ người con nào, dù trai hay gái, đều là triệu chứng của một người tử-tế trong xã hội…không có ai bất hiếu trên đời này mà là người tốt cả …Chính đặc tính này của chàng đã góp thêm vào sự nồng ấm của mối tình thầm kín của cô Trâm, mà cô từng gọi là “hiếm hoi” là vì thế ...Mối tình thầm lặng này khiến cô Trâm rất xót-xa lẫn hạnh phúc, nhưng cô vẫn giữ kín trong lòng …với cuốn nhật-ký cô ghi lại tất cả tâm cảm của minh mỗi ngày mà người kia hoàn toàn không hề biết, liên tục tới 4 năm trời, khóa trình của một Giáo sư Đệ-nhị cấp (cấp 3 sau này của VC) thời ấy… Trong đó có những trang nhòe nước mắt không thể đọc được vì chính nước mắt của mình, thì cô chịu không nổi, nên cô đành quyết định phải trao lại cuốn nhật ký cho người ấy vào một đêm Dạ-hội của ngày mãn khóa, rồi tới đâu thì tới…Những lúc cô tâm sự như thế, tôi thấy sự mơ-màng và có chút long-lanh nơi khóe mắt của cô.Tôi tự hỏi: không lẽ một người đẹp và tài hoa, học giỏi... như cô vậy, khối anh SV ở các ban khác mê, mà lại có những nỗi đau thấm-thía như thế hay sao?… Rồi, lập gia-đình, dù với một Giáo sư khác môn… thì chắc hẳn cô đã chọn một lối thoát hợp lý, do chính cô quyết định cơ mà, thế sao cô vẫn còn ray-rứt nhiều trong quá khứ? Từ đó, tôi nghĩ rằng, như trong bài Triết mà cô đã dạy cách đây không lâu với Tình yêu thực, nó giống như một tập quán, nó chỉ có thể hao mòn (usé) mà không bao giờ mất đi(perdu). Vậy thì, yêu cũng là một tập quán, một nếp hằn trong trái tim, đậm nhạt tùy lúc nó nhắc ta nhớ tới hoài rất khó nguôi-ngoai…

(còn tiếp)

Xin  xem tiếp phần 2 qua đường link       

NHỮNG VÒNG KHÓI THUỐC CHƯA TAN…(tiếp theo) - Nguyễn Tư